Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – nhà tiên tri số một

Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), người mà dân gian quen là Trạng Trình là một nhà văn hóa lỗi lạc của Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông cũng được coi là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam với nhiều câu sấm được để lại và tập hợp trong Sấm Trạng Trình. Tác phẩm này đưa ra những lời tiên tri trong chiều dài nhiều thế kỷ, đến nay vẫn còn được tìm hiểu và luận giải.

Dưới đây là một số sự kiện xảy ra trong thế kỷ 20, theo các nhà nghiên cứu đã được Sấm Trạng Trình dự báo trước đó 5 thế kỷ.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được tiên tri trong câu:

Đầu Thu gà gáy xôn xao
Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long

Ở câu 1, “đầu Thu” là tháng 7 Âm lịch, “gà” nghĩa là năm Ất Dậu, thời điểm sự kiện lịch sử này diễn ra, “gáy xôn xao” nghĩa là có tiếng vang lớn, thức tỉnh muôn người.

Ở câu 2, “Trăng xưa” nghĩa là “cổ nguyệt” theo Hán tự, ghép lại thành từ “hồ”, là họ của Hồ Chủ tịch. “Sáng tỏ soi vào Thăng Long” là sự kiện Bác đọc Tuyên ngôn độc lập trước hang vạn đồng bào ở quảng trường Ba Đình của thủ đô Thăng Long – Hà Nội.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 được tiên tri trong câu:

Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết Hoa tàn
Trực đáo Dương đầu Mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An

Câu 1, “cửu cửu” bằng 81 năm, khoảng thời gian từ khi triều đình Huế ký vào văn bản Hòa ước đầu hàng thực dân Pháp cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, theo “càn khôn dĩ định” hay quy luật đất trời.

Câu 2, “thanh minh thời tiết” là thời điểm tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ rơi vào tháng 3 Âm lịch, “hoa tàn” là sự thất bại của người Pháp (thời Nguyễn Bỉnh Khiêm thượng gọi ngoại quốc là Hoa Lang”.

Câu 3, “trực đáo” là thẳng tiến, “dương đầu” là đầu năm con dê 1955, “mã vĩ”, là cuối năm con ngựa 1954.

Câu 4, toàn câu có nghĩa rất rõ ràng: tám vạn quân Cụ Hồ tiếp quản Thủ đô Hà Nội (tên gọi cũ là Tràng An).

Ngoài các sự kiện lịch sử, thời khắc “trở lại” của Trạng Trình cũng được ông ghi rõ trong câu sấm truyền:

Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi
Sông Hàn nối lại thì tôi lại về

Đúng như lời sấm, vào năm 1991, tròn 500 năm ngày sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiên Lãng bị xẻ đôi ra vì có công trình đào con sông để làm kênh thuỷ lợi. Cùng lúc ấy có cây cầu được xây dựng nối sông Hàn từ quê Vĩnh Bảo của ông sang Thái Bình. Cũng từ năm ấy trở đi, tên tuổi, danh tiếng, tài năng kiệt xuất của Trạng Trình được sống lại. Lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh của ông được tổ chức long trọng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám…

Theo KIẾN THỨC

Không có nhận xét nào: