Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

PHÁP HÀNH VÀ LUẬT, AI CÓ THỂ TUYÊN BỐ

Qua nhiều ngàn năm, không có pháp giải thoát để cho nhân loại áp dụng. Khi pháp và luật chưa được tuyên bố bởi Như Lai, bậc Chánh biến tri, Minh Hạnh túc, Thế gian Giải, các du sĩ, tu sĩ, bà la môn đã áp dụng pháp và luật được truyền thừa và của các Tổ hay của các nhà thông thái, các nhà tiên tri. Khi họ thành tựu trong pháp và luật đó, họ đã tuyên bố: ta đã giải thoát, ta đã đạt chân lý tối thượng, ta đã đạt niết bàn tịch tĩnh.

Khi Tu sĩ Tất đạt đa thành tựu Chánh biến tri, Minh Hạnh túc, Thế gian Giải, ngài đã tuyên bố pháp và luật chưa từng nghe cho nhân loại. Ngài tuyên bố, đây là pháp và luật chưa từng nghe. Ngài tuyên bố các thành tựu cứu cánh của các du sĩ, tu sĩ, bà la môn không phải là thành tựu cứu cánh và họ chưa giải thoát, chưa đạt chân lý tối thượng, chưa đạt niết bàn tịch tĩnh. Chẳng hạn các thành tựu của du sĩ, tu sĩ, bà la môn là các tầng thiền vô sắc. Đồng thời các pháp và luật tà kiến đã được Như Lai làm sáng tỏ và bác bỏ.

Các chúng đệ tử của Như Lai đương thời, nhiều trong số các vị ấy đã thành tựu lớn, công đức lớn, trí tuệ lớn và đạt cứu cánh giải thoát. Nhưng các vị ấy không có sự tuyên bố nào như sau: đây là pháp do ta tuyên bố và là pháp chưa từng nghe (tức là của vị ấy, người nghe chưa từng được nghe từ Như Lai, không phải do Như Lai đã tuyên bố ở đâu đó). Mà là các vị ấy khéo thuyết giảng pháp và luật do Như Lai tuyên bố.

Này các bạn hữu, đạo giải thoát phải do Như Lai tuyên bố, tức là pháp hành và luật để thực hành đưa đến cứu cánh phải do Như Lai tuyên bố.

Như là người sáng mắt có thể nhìn thấy rõ con voi một cách đầy đủ và toàn diện, hiểu rõ về voi, hiểu rõ tác dụng của thân voi, chân voi, đuôi voi, tai voi, vòi voi. Khi ấy, vị ấy mới có thể nói riêng về thân voi một cách đầy đủ và có liên hệ toàn thân, cũng như vậy khi nói đến chân voi, đuôi voi, tai voi, vòi voi. Như người mắt mù không biết rõ một cách đầy đủ và toàn diện, không hiểu rõ về voi, không hiểu rõ tác dụng của thân voi, chân voi, đuôi voi, tai voi, vòi voi. Khi ấy, vị ấy không thể nói riêng về thân voi một cách đầy đủ và có liên hệ toàn thân, cũng như vậy khi nói đến chân voi, đuôi voi, tai voi, vòi voi.



Người mắt sáng ví cho Như Lai, bậc chánh biến tri, minh hạnh túc, thế gian giải, có thể nhìn thấy rõ thật tướng của vạn pháp, pháp tắc sinh khởi và biến đổi của vạn pháp (của từng pháp), thật tướng của chúng sinh, pháp tắc sinh khởi và biến đổi của từng loài chúng sinh và của từng chúng sinh, pháp trắng pháp đen của từng chúng sinh, từng quốc độ, từng loài chúng sinh, từng cõi chúng sinh, quả dị thục và tâm tư thế giới cũng như của từng chúng sinh, dung thông duyên khởi và nhân quả giữa thật tướng với hiện tượng của nó, dung thông duyên khởi và nhân quả của từng chúng sinh, dung thông duyên khởi và nhân quả giữa các chúng sinh trong một loài, dung thông duyên khởi và nhân quả giữa các loài chúng sinh, dung thông duyên khởi và nhân quả giữa chúng sinh này, loài chúng sinh này với tất cả chúng sinh và vạn pháp. Như vậy, Như Lai mới có thể tuyên bố đây là pháp hành, là giới luật cho loài chúng sinh này ở thế giới này; kia là pháp hành, là giới luật cho loài chúng sinh kia ở thế giới kia. Pháp hành và giới luật ấy mới có thể giúp cho chúng sinh ấy đi đúng đạo lộ, không có sai sót.

Người mắt mù ví cho chúng ta, kể cả các bậc thánh, các vị đại trí bồ tát vì sự thấy biết không tròn đủ, không dung thông sự sự vô ngại pháp giới. Nếu pháp và luật do vị ấy tuyên bố là chưa từng nghe (tức là của vị ấy, người nghe chưa từng được nghe từ Như Lai, không phải do Như Lai đã tuyên bố ở đâu đó) thì pháp và luật ấy không thể nói rằng sẽ không có bất cứ sai sót. Và thật là nguy hại cho người nghe và làm theo nếu pháp và luật ấy có sai sót.

Pháp hành và luật là tối quan trọng với người thực hành đạo giải thoát. Bất cứ sai sót của nó có thể làm cho mục đích cứu cánh của hành giả thất bại, tiếp tục trôi lăn trong luân hồi khổ đau và có thể rơi vào đường ác, hoặc chìm sâu trong các tầng thiền vô sắc giới với ảo tưởng giải thoát, cho là tột cùng chân lý và là niết bàn tịch tĩnh.

Chúng ta, cho dù đã thành tựu công đức lớn, có thể là bậc a la hán, bậc sai biệt trí, bậc thành tựu bát nhã ba la mật đa, pháp không chân như, đại trí bồ tát cũng không thể tuyên bố pháp hành và luật chưa từng nghe (tức là của vị ấy, người nghe chưa từng được nghe từ Như Lai, không phải do Như Lai đã tuyên bố ở đâu đó). Vì sao như vậy? Một là vì ta chưa thành tựu chánh biến tri, minh hạnh túc, thế gian giải nên có thể sai sót. Sai sót đó sẽ nguy hại cho chúng sinh. Người thành tựu công đức lớn không bao giờ làm như vậy. Hai là người thành tựu công đức lớn sẽ thấy được các pháp hành và luật do Như Lai tuyên bố là đầy đủ để cho chúng sinh đạt cứu cánh, không cần phải tuyên bố thêm pháp hành hay luật nào.

Nếu mỗi chúng ta quý trọng mục đích tối thượng cứu cánh của chính mình thì không nên hành pháp hành và luật không do chính Như Lai tuyên bố.

Nếu mỗi chúng ta quý trọng mục đích tối thượng cứu cánh của người khác, có lòng thương tưởng đến người khác thì không nên tuyên tuyền, khuyến khích họ thực hành pháp hành và luật không do chính Như Lai tuyên bố. Nếu chúng ta có thành tựu công đức, có giác ngộ, hiểu được pháp hành và luật do Như Lai tuyên bố, có khả năng khéo thuyết giảng pháp hành và luật do Như Lai tuyên bố thì hãy khéo thuyết giảng pháp hành và luật do Như Lai tuyên bố.

Chúng ta hãy nên tin đức bổn sư của chúng ta, là bậc Như lai, A la hán, Chánh biến tri, Minh Hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, Phật-Thế tôn. Tin những gì ngài thuyết về pháp hành và luật là ĐẦY ĐỦ, là cứu cánh, không có sai sót và không có THIẾU SÓT. Tin rằng, nếu thực hành pháp và luật ấy một cách tinh tấn, ta sẽ thanh tịnh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn, nhẫn đến thành tựu viên mãn như chính Thế Tôn đã thành tựu.

Lê Thanh Hảo

Không có nhận xét nào: