Những ai bắt đầu, đang và đã tu theo Phật, nếu chưa đi ngang qua (thành tựu) con đường này thì hãy đi ngang qua con đường này, chớ nên bỏ qua hoặc rẽ con đường khác (1).
Nếu chưa đi ngang qua, hãy bắt đầu trở lại để đi ngang qua.
Chân Như thuyết giảng, trình bày cho nhiều, đủ các thể loại, thì cũng chỉ để chư vị hiểu rõ tại sao phải chọn mục đích giải thoát, hiểu rõ con đường giải thoát, có niềm tin bất động với Phật - Pháp - Tăng liên tục trong đời và các kiếp còn lại ở trong bất kỳ thế giới nào trong Vũ trụ (nếu đời này chưa giải thoát), thuần thục con đường này.
Nếu chư vị còn thở được, con đường này: không vướng bận, dễ đi và đi được. Chớ nên nói là khó khăn, chớ ngụy biện là khó khăn do sự lười biếng, tham đắm và mê tín.
---
TRÌ GIỚI VÀ NIỆM XỨ (2)
Tìm hiểu các pháp ác,
Tìm hiểu các pháp thiện,
Chuyên cần học lời Phật,
Biết rõ đây pháp ác,
Biết rõ đây pháp thiện.
Tâm phải luôn nhắc nhở
Không làm mọi điều ác.
Phải làm cho sung mãn,
Thực hành từng hạnh lành.
Luôn giữ ý thánh thiện,
Luôn giữ thân thánh thiện,
Luôn giữ lời thánh thiện,
Tâm này được thánh thiện.
Để làm cho ngăn cản
Các pháp ác khởi sinh;
Để làm cho sung mãn
Các pháp lành thành tựu,
Phải luôn trong ý niệm
Nhắc nhở không làm ác,
Phải luôn trong ý niệm,
Chuyên làm các việc lành.
Để làm cho ngăn cản
Các pháp ác khởi sinh;
Để làm cho sung mãn
Các pháp lành thành tựu,
Hãy luôn gần bạn lành,
Tránh thân mọi người ác.
Để làm cho ngăn cản
Các pháp ác khởi sinh;
Để làm cho sung mãn
Các pháp lành thành tựu,
Phải cầu sư học đạo
Pháp chân thật Như Lai.
Để làm cho ngăn cản
Các pháp ác khởi sinh;
Để làm cho sung mãn
Các pháp lành thành tựu,
Trì giới phải nghiêm trang,
Kết cùng Tứ niệm xứ,
Sẽ làm tăng khả năng
Tâm thiện kiểm soát ác,
Sẽ làm tăng khả năng
Tâm thiện kiểm soát ý.
Vì ý được kiểm soát
Nên thân được kiểm soát,
Và lời được kiểm soát,
Dẫn đến thành tựu này:
Là một bậc thánh nhân.(3)
---
(1)
Phật dạy: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh".
Tất cả sẽ đến đích cuối cùng là giải thoát mọi khổ đau. Đi đến đích thì có nhiều cách đi. Có cách đi tốn thời gian là vô lượng kiếp, có cách đi có thể đến đích trong bảy ngày.
Ví như nhà của ta ở cuối đường hẻm cụt, cuối đường hẻm đó không có đường hẻm nào khác để đến hoặc rẽ đi ra. Đường hẻm này nổi thẳng góc với đường lộ lớn, gọi là đường hẻm chính để đến nhà. Trên chiều dài đường hẻm này có nhiều đường hẻm khác đi đến đường hẻm này và chúng thông với đường lộ một cách lòng vòng và giao cắt nhau như mạng nhện, gọi là các đường hẻm phụ. Ta đang ở trên đường lộ. Ta đi thẳng trên đường hẻm chính sẽ không bị lạc đường, về đến nhà ngắn nhất và không mệt nhọc. Nếu ta đi trên các đường hẻm phụ, ta có thể bị lạc vòng ra lại đường lộ, hoặc lòng vòng trên các đường hẻm phụ, tốn nhiều thời gian và mệt nhọc, cuối cùng cũng phải rẽ vào đường hẻm chính để về đến nhà.
"Này các Tỷ-kheo, đây là CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn." (Trích trong kinh Niệm xứ).
Con đường độc nhất này ví như đường hẻm chính trong ví dụ đã nêu.
(2)
* Trì giới: thực hành thân khẩu ý làm đối với các việc nên làm trong đó bao gồm và không thể thiếu đạo đức làm người (pháp trắng). Thực hành thân khẩu ý không làm đối với các việc không nên làm, trong đó bao gồm và không thể thiếu sự không làm đối với các pháp đen của nhân loại. Các việc nên làm và không nên làm đã được Thế Tôn khéo thuyết giảng. Người tu theo Phật, cơ bản đầu tiên đó là tu tập đạo đức làm người; nếu vị nào rời bỏ nó, không tinh cần về nó thì người ấy không thể gọi là người đang tu theo Phật. Người tu theo Phật cần phải tìm hiểu, nắm bắt các việc nên làm và không nên làm mà Thế Tôn đã khéo thuyết giảng.
"Trong khi tùy quán thân trên thân, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm ĐỂ CHẾ NGỰ THAM ƯU Ở ĐỜI. Này các Tỷ-kheo, đối với các thân, Ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, vị Tỷ-kheo trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm ĐỂ CHẾ NGỰ THAM ƯU Ở ĐỜI..". (Trích kinh Niệm hơi thở).
Thực hành bốn niệm xứ sẽ giúp cho hành giả có khả năng kiểm soát, làm chủ thân khẩu ý. Kết hợp thực hành bốn niệm xứ và trì giới là pháp tương sinh thù thắng. Kết quả này làm cho kết quả kia tăng trưởng và kết quả kia làm cho kết quả này tăng trưởng. Đó là lý do, dụng ý mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy cho chúng đệ tử về bốn niệm xứ.
"Cho nên, các Tỳ-kheo! Các ông hãy trì giới thanh tịnh và đừng khiến hủy phạm. Nếu ai có thể trì giới thanh tịnh, thời họ sẽ có khả năng được những Pháp lành. Nếu không có tịnh giới, mọi công đức lành đều sẽ chẳng sanh. Vì vậy phải biết rằng, giới là nơi trú an ổn đệ nhất của công đức". (Trích trong kinh Di giáo).
* Niệm xứ: có bốn nhiệm xứ.
"Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời." (Trích trong kinh Niệm xứ).
Người thực hành niệm xứ chỉ cần thực hành một niệm trong bốn niệm xứ. Vì khi thực hành, bốn niệm sẽ dung thông đồng thời thành tựu.
“Quý vị khất sĩ! Phép quán niệm hơi thở, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem lại những thành quả và lợi lạc lớn, có thể làm thành tựu bốn lĩnh vực quán niệm; bốn lĩnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ làm thành tựu bảy yếu tố giác ngộ; bảy yếu tố giác ngộ nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa tới trí tuệ và giải thoát.” (Trích kinh Niệm hơi thở).
(3)
Một trong bốn bậc thánh: Tu-đà-hoàn (Bậc Dự lưu), Tư-đà-hàm (Bậc Nhất lai), A-na-hàm (Bậc Bất lai), A-la-hán (Bậc ứng cúng, giải thoát).
"Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo là những A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn trừ, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí. Này các Tỷ-kheo, có những bậc Tỷ-kheo như vậy trong chúng Tỷ-kheo này.
Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ ở đấy được nhập Niết-bàn, không còn phải trở lại đời này nữa. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.
Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất lai, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.
Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này." (Trích kinh Niệm hơi thở).
---
"Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".
Pháp Không Chân Như
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét