Tôi, nhà báo, nhà viết kịch Lê Quý Hiền với tư cách công dân khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội nước CHXHCNVN xem xét ngay việc xuất hiện việc dạy thí điểm cải cách chữ viết và phát âm Tiếng Việt. Vấn đề không chỉ là chuyện nên hay không, đúng hay sai mà nghiêm trọng hơn là cách thay đổi này làm xáo trộn xã hội, xâm phạm đến Quốc hồn Quốc túy, bản sắc của Dân tộc là Tiếng Việt vì những lý do sau:
1-Ngôn ngữ Tiếng Việt hình thành là do nhân dân tiếp thu, và được hoàn thiện từ thế hệ này qua thế hệ khác một cách tự nhiên chứ không phải là những quy định, phát kiến của cá nhân hay cơ quan tổ chức nào.
2- Đặc điểm của ngôn ngữ là từ chữ tìm âm thích hợp để thể hiện chữ và phân biệt nghĩa chứ không áp đặt âm vào chữ. Khi trong ngôn ngữ Việt có chữ C, K, Q đã có âm cờ, ca, quờ để phân biệt, nay lại định gộp làm một thành âm cờ sẽ rất phức tạp và dẫn đến sự lộn xộn của ngữ nghĩa, trước hết việc viết sai chính tả sẽ trầm trọng hơn, tiếng Việt sẽ mất đi sự phong phú và vẻ đẹp tinh tế.
Ví dụ từ “Tổ quốc” là thiêng liêng nếu cải tiến , “Tổ quốc” sẽ thành “Tổ cuốc” sẽ ra sao ? Người ta chỉ gọi Tổ quốc thành tổ cuốc với ý định mỉa mai sao nỡ định biến sự mỉa mai thành chính thức?
3- Đất nước nào cũng cần ổn định và phát triển, ngôn ngữ một Dân tộc càng phải thế. Trẻ Việt sinh ra biết nói tiếng Việt (phát âm) là từ gia đình, cha mẹ, quê hương chứ không biết nói tiếng Việt từ những người khoác áo khoa học ngồi trong phòng nghĩ ra phát kiến, cải tiến.
4- Khoa học nào cũng phải bắt đầu từ thực tế, căn cứ vào thực tế để cải tiến và phát triển chứ không thể xóa bỏ thực tế để phát kiến cái gọi là mới rồi áp đặt theo biện pháp hành chính ( dạy cho trẻ trong trường học , trong sách giáo khoa theo “phát kiến mới” cũng là một cách áp dặt hành chính).
5- Thừa nhận ngôn ngữ Việt ( hay bất cứ ngôn ngữ nước nào) cũng có một số bất cập và cộng đồng hiểu theo thói quen. Ví dụ : “Quyết tâm đánh thắng giặc xâm lược” hay “Quyết tâm đánh bại giặc xâm lược” thì từ “bại” “thắng” dù trái nghĩa nhưng đều là quyết tâm để ta thắng giặc bại. Ngôn ngữ từng dân tộc cũng phụ thuộc vào thói quen của mỗi dân tộc khác nhau. Nước ngoài lấy đối tượng so sánh nên nói “máy bay bay dưới trời, con kiến bò trên đất” , còn dân ta lấy vị trí mắt người thấy nên thành “ máy bay bay trên trời” và “con kiến bò dưới đất”. Ví dụ vậy là để thấy cần tôn trọng thói quen thành nếp của cả một dân tộc, không thể quy định cả dân tộc phải nói “máy bay bay dưới trời “ hay gọi "Tổ quốc" là "Tổ cuốc" hoặc đánh vần "quê hương" là "cuê hương" được!
6 – Ngôn ngữ dân tộc quan trọng hơn bất kỳ một dự án lớn nào, quan trọng cũng như Quốc ca, Quốc kỳ khi có thay đổi phải được Chính phủ và Quốc hội thông qua chứ bộ GD-ĐT hay ai đó nhân danh nhà khoa học không thể tùy tiện thay đổi được. Kể cả cái gọi là "thí điểm" cũng phải được QH thông qua và Chính phủ cho phép ! Không thể coi thầy cô giáo và học sinh là chuột bạch. Càng không thể coi TIẾNG VIỆT thiêng liêng thành như đất sét để tùy tiện nhào nặn theo ý chủ quan.
7- Tiếng Việt mất ổn định thì đất nước mất ổn định. Đằng sau "phát kiến cải tiến " này liệu có phục vụ cho âm mưu nào để hủy hoại Văn hóa Việt, gây bất ổn xã hội?
Vì tính cấp thiết trước một vấn đề tưởng nhỏ song rất quan trọng tới Văn hóa của cả một Dân tộc , tôi viết những đề nghị này một cách ngắn gọn, mong Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội nhanh chóng xem xét..
Kính
Lê Quý Hiền
(Hy vọng ý kiến này đến được với các vị đang có trọng trách với đất nước. Mong ai gần cận các vị đọc được làm ơn chuyển hộ vì tôi chả quen biết, tiếp cận được) .
Nguồn: https://xuandienhannom.blogspot.com/2018/08/khan-cap-kinh-gui-thu-tuong-chinh-phu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét