Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

PHONG THỦY THĂNG LONG HÀ NỘI ĐANG BỊ UY HIẾP BỞI RỒNG”-NHỮNG DÒNG SÔNG LƯU TỤ KHÍ BỊ “SIẾT CHẾT”…

Phạm Viết Đào (tổng hợp)
Rồng thời Lý Mảnh đất Thăng Long Hà Nội đã được hình thành hàng ngàn, hàng vạn năm nay. Thế nhưng, phải đến khi Cao Biền xây dựng thành Đại La và Lý Thái Tổ dời đô về mảnh đất này năm 1010 với chiếu dời đô nổi tiếng, kinh đô Đại Việt chính thức được đặt tên Thăng Long, đã khẳng định thế đất phong thủy linh thiêng: rồng cuộn, hổ ngồi của mảnh đất thần đô này…
Đáng tiếc do tốc độ đô thị hóa quá nhanh và do bởi con mắt của những kẻ người trần mắt thịt đang hàng ngày, hàng giờ, hàng năm làm cho linh khí của Thăng Long Hà Nội đang bị tiêu tán, mai một đáng lo ngại do bởi những con rồng của Thăng Long đang bị siết chết.Xin đưa một số ý kiến trao đổi của các chuyên gia KTS Trần Thanh Vân, Nguyễn Y và Nguyễn Tiến Đích bày tỏ sự quan tâm lo lắng cho linh khí của mảnh đất linh thiêng Thăng Long, mảnh đất có thế “rồng cuộn, hổ ngồi’ này đang bị uy hiếp bởi hàng loạt "những con rồng” thiêng, những dòng sông lưu và tụ khí của Thăng Long đang bị siết cổ, vùi lấp cho đến chết…


KTS TRẦN THANH VÂN:
Tôi đã giới thiệu Cấu trúc NÚI CHẦU SÔNG TỤ của Kinh đô Thăng Long và chứng minh tám dãy núi chầu từ Đông Triều, Bắc Sơn, Ngân Sơn, Tam Đảo, Sông Gâm, Hoàng Liên Sơn, Sông Đà và Hòa Bình… 
Cùng các con sông đi theo triền núi rồi tụ lại ở Việt Trì: Như Sông Đà, Sông Hồng, Sông Chảy, Sông Lô, sông Gâm, sông Đuống, sông Cầu... cùng mạng lưới sông nhỏ là nhánh của sông Hồng như sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ, sông Tô Lịch... trong đó sông Đáy dài nhất 240Km qua 3 tỉnh.
Với cấu trúc núi chầu sông tụ như vậy, Hồ Tây linh thiêng là tâm điểm hội tụ của các dòng xoáy, tạo nên hiện tượng LONG QUYỂN THỦY - RỒNG CUỘN NƯỚC BAY THẲNG LÊN mà vua Lý công Uẩn đã nhìn thấy nên mới đặt tên kinh đô là Thăng Long. 
Tôi thì đã tình cờ nhìn thấy cơn lốc Hồ Tây năm 1955 đã giết chết 4 mạng người Trung Quốc, hình như những kẻ này có âm mưu định trấn yểm Hồ Tây…


SÔNG ĐÁY, SÔNG NHUỆ ĐANG CHẾT DẦN, CHẾT MÒN VÌ Ô NHIỄM
Nguyễn Y

Điểm bắt đầu của sông Nhuệ là cống Liên Mạc, nước vào từ sông Hồng trong địa phận quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và điểm kết thúc của nó là cống Phủ Lý khi hợp lưu vào sông Đáy gần thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Sông dài khoảng 76 km. Ngoài ra, nối sông Đáy với sông Nhuệ còn có các sông nhỏ như sông La Khê (qua quận Hà Đông), sông Tô Lịch, sông Vân Đình, sông Duy Tiên, sông Ngoại Độ v.v..
Đoạn từ Cầu Bươu trở xuống Hà Nam chảy qua nhiều làng nghề truyền thống lâu đời gồm các làng chuyên làm tương, miến, bánh đa như Cự Đà, Khúc Thủy, Phú Diễn.
Theo người dân tại thôn Quảng Minh, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai cho biết, ngày xưa nước sông Nhuệ trong xanh, họ có thể sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng từ hơn hai mươi năm trở lại đây, nước sông trở nên ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, màu đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Ông Chi - ông Từ Đền Quảng Minh cho biết:
"Ngày xưa, cách đây khoảng chừng độ ba chục năm, chúng tôi vẫn tắm, giặt, tất cả mọi thứ sinh hoạt toàn ở bên sông hết, dùng nước sông này cả. Thế nhưng mà ba chục năm trở lại đây, thì không thể nào, đến rửa chân, rửa tay còn không dám rửa, bởi vì nước ô nhiễm ở nội thành đổ về rất là bẩn. Ngay như năm 76 mà tôi về phục viên, gánh nước sông này về, để lắng độ 2 tiếng, lắng trong xuống thế là ăn, ăn uống thoải mái."
Ông Tạ Xuân Trúc cũng nói: "Ngày xưa nước sông đây rất sạch, chúng tôi ra tắm rửa, giặt rũ đủ. Nếu bí không có nước ăn, thì gánh về đổ vào bể, cho nó trong để ăn. Nhưng bây giờ thì bẩn không chịu được rồi. Không làm gì được, cá cũng chết, người không làm gì được. Rau cỏ mọc lên không ăn được, ăn độc lắm."
Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm trên dòng Sông Nhuệ được người dân cho là do nước thải từ nội thành Hà Nội qua hệ thống thoát nước và sông Tô Lịch đổ vào, bên cạnh đó là những cơ sở sản xuất nhựa và giặt là xung quanh dòng sông phát thải trực tiếp ra môi trường, như ở ngay đầu làng Quảng Minh. Một người dân tên Vân trình bày:
"Khi mà xưởng giặt là người ta đến lúc xả ra, thì nước rất là đen, rất là bẩn. Mà cụ thể là cái ống xả ra nó không phải nằm ở trên khơi, mà nằm ở đáy sông này. Cho nên là rất ảnh hưởng. Những buổi chiều mà gió đưa xuống là dân làng rất là sợ mùi của nhựa, mùi của các thứ. Ngay khu đầu làng, ai lên cũng có thể thấy."
Còn một phần khác xuất phát từ chính ý thức của người dân hai bên sông đã vứt rác thải sinh hoạt và nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ ra sông.
Ông Chi nêu rõ: "Đấy! Bác cứ xem đây này! Dân nhà mình, tất nhiên một phần cũng do dân nữa. Đấy, rá rưởi cứ đổ hết ra vệ sông. Cho nên, ý là sạch mình, nhưng bẩn người, ý thức của dân cũng là kém. Nhưng mà ngược lại, chủ yếu nhất là nước phế thả của thành phố Hà Nội đổ ra rất là bẩn."
Tuy sông Nhuệ ô nhiễm nhiều năm nay, nhưng nguồn nước trên con sông này vẫn được bơm vào đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, bởi không có nguồn nước khác thay thế.
Ông Tạ Xuân Trúc nói về điều này: "Cấy lúa thì đành phải chấp nhận thôi! Chứ nếu mà nước sạch thì bảo đảm hơn. Nước này nó bẩn thì đành phải chấp nhận. Người nông dân đi cấy không có ủng thì ngứa hết cả chân tay. Thế nên phải có ủng chân ủng tay, người ta mới cấy bảo đảm."
Nguồn nước sông ô nhiễm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chất lượng nông sản, nguồn nước ngầm, môi trường không khí dẫn đến tình trạng sức khỏe của người dân chịu ảnh hưởng rất lớn. Điều này cũng được ông Chi xác nhận:
"Đến bây giờ, bệnh ung thư với làng này là rất nhiều. Hầu như là 10 người qua đời, thì 9 người mắc bệnh ung thư là chết. Thế còn các cụ già không bệnh tật gì mà già chết thì ít lắm, chủ yếu là bệnh ung thư, vì nó (nguồn nước) nhiễm asen rất là nhiều. Nếu nói nguồn nước mà đưa ra xét nghiệm, thì thực ra mà nói, (nồng) độ asen phải nói là gấp hàng bao nhiêu lần so với yêu cầu thực tế."
Một phụ nữ địa phương tên Hòa nêu ra thực tế: "Mỗi một khi nhà cô mà mở cửa này ra - chuyên môn là đóng cửa sổ, nếu mà mở ra thì không thể nào chịu được. Suốt từ hồi cách đây chục năm, dòng sông này ô nhiễm quá. Nguyên cái làng này, không phải nói các cụ già chết đã đành, nhưng bây giờ trẻ cũng bị ung thư rất nhiều, mà cứ toàn bị họng, ho, phổi, não cũng nhiều. Cứ đi viện nào thì bị trả về."
Cho đến nay, người dân trong lưu vực sông Nhuệ chưa bao giờ được thực hiện khảo sát tổng thể về vấn đề sức khỏe do tác động của ô nhiễm môi trường, nên không hề có bất cứ phương án phòng chống tác hại và chăm sóc y tế tại cơ sở được đưa ra. Người dân chỉ còn biết tự hạn chế sử dụng nguồn nông sản được làm ra tại địa phương và tránh tiếp xúc với nước ô nhiễm.
Phía chính quyền thành phố Hà Nội và cấp huyện có bàn đến vấn đề ô nhiễm các con sông trên địa bàn và cũng từng đưa vào nghị quyết với một số biện pháp làm sạch môi trường tại khu dân cư, như tuyên truyền giáo dục người dân không vứt rác thải xuống sông, xây dựng các tuyến bờ kè và nạo vét một số đoạn sông.
Tuy nhiên, những biện pháp đó chưa phải là cơ bản để giải cứu dòng sông chết này. Người dân sinh sống ở hai bên bờ sông vẫn mong mỏi chờ đợi một giải pháp triệt để và thực sự hiệu quả từ các cấp trung ương đến địa phương.


GS NGUYỄN TIẾN ĐÍCH
Thân gửi chị Thanh Vân
Cảm ơn chị đã gửi bài viết cho tôi.
Mặc dù thư của chị gửi không đến tôi, nhưng qua anh Trọng truyền thông tin, tôi vẫn đọc được các bài của chị. Tôi thấy chị là người tâm huyết, tích lũy được nhiều tư liệu đáng tin cậy có giá trị về sông hồ Hà Nội. Việc làm của chị kêu gọi dừng ngay dự án cao tầng 58 Quảng An là phù hợp với tính linh của Hồ Tây, được Trời Phật phù hộ. Tôi nghĩ sẽ giống Thủy cung Thăng Long (TCTL) trước kia, dự án này chắc sẽ không xây dựng nổi. Tuy nhiên, theo tôi hiểu thì họ đã đang chuẩn bị mặt bằng thi công rồi đấy. Không biết chị đã có thư lên Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội chưa?
Tôi thì không hiểu được vị trí địa lý và lịch sử những sông hồ Hà Nội như chị. Nhưng tôi cũng đang ủng hộ ý tưởng của chị bằng cách của tôi mà không tiện nói ở đây. Tôi cũng đã xác định được vị trí Đại huyệt tâm linh Hồ Tây, và khẳng định Đầm Trị chính là trung tâm tâm linh của Hồ Tây đấy.
Vụ TCTL thì nó nằm ngay khu trung tâm tâm linh này, nhưng dự án 58 Quảng An thì nằm cách xa hơn, nhưng vẫn động lắm, không thể xây được. Dự án TCTL là có sự xúi dục của nước ngoài, nhưng Dự án Quảng An thì là do chính sự kém hiểu biết của dân ta đấy thôi.
Vế ý tưởng cải tạo thông dòng chảy sông Đáy như chị nêu thì tôi ít hy vọng lắm, vì sông Hồng có còn nước đâu mà thông sang sông Đáy?
Các nhà khoa học thì cứ bàn hết dự án này đến phương án khác, nhưng không thấy đề cập đến vấn đề nước sông Hồng?
Khi tôi ra ở ngoài đê năm 2002 thì nước sông Hồng vẫn chảy mạnh lắm, nhà tôi nước ngập cả vườn. Tôi đã nhiều lần đứng trên sân thượng ngắm cảnh nước sông Hồng chảy xiết, đỏ ngầu, với biết bao dòng xoáy, cuốn phăng cả những cây gỗ rất to. Dân Hà Nội khi đó xếp hàng trên đê Phú Thượng để ngắm nước sông Hồng chảy. Bây giờ thì sao? không còn gì cả. Đập Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu chặn hết nước sông Hồng rồi. Chưa kể bên Trung Quốc người ta xây đập chặn nước từ đầu nguồn. Đoạn sông cạnh nhà tôi trước đây nước chảy xiết thế, nhưng nay thì trơ các bãi cát giữa sông, những hôm trời nổi gió, bụi tung khắp bờ sông. Kể cả vào mùa nước, sông Hồng cũng chỉ "lững lờ trôi" thôi. Sông Hồng đã cạn…
Tôi là người rất quan tâm đến thế phong thủy của sông Hồng. Đoạn qua Hà Nội, sông Hồng uốn lượn thành hình cái vành tai nên người xưa gọi là sông Nhĩ Hà. Chính cái vành tai này mới “cuốn Khí” cấp cho Hà Nội.
Rồi hệ thống sông Hồ chằng chịt trong nội đô trước đây đã tạo nguồn “sinh Khí” rất lớn cho Hà Nội. Qua đây mới thấy ngài Lý Công Uẩn quả là sáng suốt.


Sông Hồng trơ đáy. Nay thì còn gì chị đã biết. Đó là kết quả của tàn phá Phong thủy Hà Nội bao năm nay. Suốt hơn nửa thế kỷ chính thể của ta coi Phong thủy là trò mê tín dị đoan, mà không thấy đây là khoa học Đất Trời.
Tôi thực sự khốn khổ để có thể xuất bản mấy cuốn sách viết về Phong thủy học và Dịch học. Nhưng tôi cũng chiến đấu và đã thành công trong việc này. Nay xã hội đã thức tỉnh, từ lãnh đạo tới dân đều thừa nhận ý nghĩa của Phong thủy, thì Hà Nội đã không thể khôi phục lại thế Phong thủy xưa.
Cả một chương trình mở rộng Hà Nội quy mô như thế mà không ai bàn đến việc làm sao để “cấp Khí” cho Hà Nội. Ý kiến của tôi ngày ấy chẳng ai thèm nghe. Các nhà khoa học còn né tránh vì sợ liên lụy vì bàn Phong thủy. (nhưng bàn đến chặn sông làm thủy điện thì hăng hái lắm!).
Thành phố thiếu Khí là thành phố chết!
Người đi Khí theo, nước chảy Khí theo. Làm gì còn nước sông hồ đâu mà đòi Khí cho Hà Nội? Chỉ còn các đường cao tốc tung mù bụi Khí trơ trong thành phố thôi.
Người đi Khí theo là thế.
GS. Nguyễn Tiến Đích


Ý kiến của KTS Trần Thanh Vân trên Blog HM năm 2015 
KTS Trần Thanh Vân 
17/06/2015 at 10:32 am
Tôi ủng hộ ý kiến của Đỗ Phú Quốc về việc phục hồi các dòng sông, đặc biệt là sông Đáy ở phía Tây thành phố Hà Nội.
Cho dù đã chi tiêu vô ích một đống của vào dự án này, cho dù cái ông HTH vô tích sự và bất lực trong việc chỉ đạo, và cho dù đời này sẽ qua đi khi việc còn dang dở, thì đến đời sau con cháu chúng ta sẽ làm tiếp và chắc chắn sẽ làm được. Các dòng sông có mãnh lực mạnh lắm.
Có một chuyện tôi không dám nói nhiều, vì có nói nhiều mọi người vẫn không hiểu hết, nhưng vẫn xin nhắc một chút thế này: Không phải bỗng dưng người ta nhắc đến 2 từ Phong và Thủy với ý nghĩa huyền bí cao siêu.
Nghĩa thực của 2 từ đó chỉ là Gió và Nước mà thôi.
Từ cổ chí kim, ở đâu cũng vậy, ở đất nước nào cũng vậy và thời nào cũng vậy, con người chỉ có thể tổ chức nơi ăn chốn ở cho tốt, chỉ có thể có cuộc sống ấm no phát đạt… khi họ đón được ngọn gió lành và hứng được dòng nước trong.
Thăng Long xưa kia có sông Thiên Phù và sông Tô Lịch vừa trong vừa mát nối với sông Kim Ngưu… và Thăng Long đã một thời rất hưng thịnh.
Từ ngày kinh thành Long bị đập phá, thì Hà Nội hơn 200 năm qua đã mất hẳn những dòng sông đó và hàng trăm cái hồ lớn bé khác nên Hà Nội lụi bại là đúng thôi.
Theo tính toán của các chuyên gia Phong Thủy thì chỉ có cách khôi phục sông Đáy thì mới cứu được phần nào sự mất mát kia mà thôi. (tôi đoán ông HTH đã biết điều này nên ông ta cố tình trì hoãn dự án đó?)
Tôi chỉ nói vậy thôi, không nói nữa…

Không có nhận xét nào: