Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

BA THÂN VÀ MŨ GIÁP

Mũ giáp gồm trong nó cả ba thân. Bồ-tát mặc mũ giáp là mặc cả ba thân của Đại thừa: Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân.

1. Pháp thân tức tánh Không, được kinh diễn tả như sau:

“Nơi mũ giáp này chẳng có được mảy mún pháp nào, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc xa hoặc gần, hoặc quá khứ hiện tại vị lai, hoặc hữu vi vô vi, hoặc trụ hoặc chẳng trụ”.

Mũ giáp ấy là Pháp thân tánh Không, trong đó về không gian thì không có một hạt bụi, về thời gian thì không có một khoảnh khắc. Tánh Không ấy là sự giải thoát dầu ở bất cứ thời gian không gian nào, vì vô nhiễm với tất cả. “

Vì thế nên đạo ấy gọi là đạo vô nhiễm, dùng bất khả đắc mà tiến lên, dùng bất khả nhiếp mà nhiếp giữ. Đạo ấy rất sâu xa, không sanh không khởi, không xuất không tác, không đắc không hành, không xứ không trụ, không chướng không sự. Nơi tất cả sự mà có thể hiển hiện rõ ràng. Nơi tất cả sự mà không sai biệt, chẳng xoay chuyển theo sự. Do vì vô sự mà đến chỗ vô thượng”.

Mũ giáp ấy là tánh Không Pháp thân nên không có gì phá hoại được, không gì có thể đánh bại được:

“Mũ giáp ấy không có hình sắc hiển bày, không tướng không đối, xả tướng lìa tướng, không có danh tự vậy.

Này Vô Biên Huệ! Giả sử có mũi tên bén nhọn lớn như núi Tu-di, bắn đến đều không thể trúng. Giả sử tất cả chúng sanh trong cõi Đại thiên đều làm ma, mỗi chúng sanh đều có đầy đủ quyến thuộc quân ma, tất cả đồng thời bắn tên lớn như núi Tu-di, cũng chẳng thể làm hư hoại giáp trụ của các Đại Bồ-tát, dầu làm trầy hư chừng bằng sợi lông.

Đối với các Đại Bồ-tát, còn chẳng thể làm cho các ngài có ý niệm khác, huống là làm động tới thân. Các Đại Bồ-tát nếu có một tâm niệm trừ dẹp chúng thì có thể làm cho quân ma ấy tan nát tiêu diệt”.

Tất cả mọi quan điểm, mọi quan kiến đều chẳng thể xâm phạm mũ giáp này, bởi vì mũ giáp này là Pháp thân “Không”, Vô tướng”, “Vô nguyện”:

Đối với mũ giáp như vậy, tất cả quan kiến về pháp đều bất khả đắc. Sắc kiến bất khả đắc, thọ kiến bất khả đắc, đến thức kiến bất khả đắc, cho đến không có một mảy may pháp kiếnnào có thể đắc cả. Mũ giáp như vậy chẳng cùng tất cả các pháp tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng cùng sắc thọ tưởng hành thức tương ưng, chẳng phải chẳngtương ưng, lìa xa tất cả sự tương ưng hoặc chẳng tương ưng với tất cả pháp”.

Người mặc giáp tánh Không thì ngộ nhập tánh Không, vì không có ta, người, chúng sanh,thọ giả:

“Mũ giáp như vậy không có tạo tác vì không có tác giả vậy, không có tướng vì chẳng phải tướng vậy, không có tướng xứ sở, không có tướng hòa hiệp, không có phân biệt không có động lay, không có dựa duyên, không có tánh để thấy được. Người mặc mũ giáp cũng bất khả đắc”.

Mặc mũ giáp là tu hành tánh Không, tự giác giác tha trong tánh Không, dần dần đi lên các địa của Pháp thân:

“Lúc mặc mũ giáp, Đại Bồ-tát mặc mũ giáp chẳng sanh tưởng là chúng sanh, chẳng khởi tưởng là ngã, mặc mũ giáp lìa tưởng chúng sanh, mặc mũ giáp diệt hết tưởng ngã, mặc mũ giáp biết rõ tất cả pháp không có tướng tạo tác, là tướng Không, tướng vô niệm, là tướng vô nguyện, mặc mũ giáp biết tất cả pháp là tướng vô sanh vô diệt, mặc mũ giáp biết tánh tướngsai biệt và vô sai biệt của tất cả các pháp.

Này Vô Biên Huệ! Nếu trụ nơi sự tướng mà mặc mũ giáp thì rốt chẳng gọi là mặc đại mũ giáp. Vì các Đại Bồ-tát chẳng trụ nơi sự tướng mà cầu đại trí huệ, thế nên gọi là mặc đại mũ giáp”.

Tóm lại, mặc đại mũ giáp tức là tu hành tánh Không Pháp thân, “cầu đại trí huệ” thấu rõ tánh Không Pháp thân. Đây là con đường Mười địa Pháp thân cho đến thành Phật. 

2. Báo thân

“Các Đại Bồ-tát dùng lực đại trí huệ, ở nơi tất cả pháp có ranh giới biên bờ, có thể chẳng đoạn chẳng phá mà phương tiện thiện xảo nhiếp lấy chỉ quán tu tập vô tướng. Chứng được vô tướng thì được chư Phật trao cho ánh sáng pháp. Do ánh sáng pháp mà tất cả ranh giới biên bờ được trừ dứt. Với tất cả pháp, phương tiện thiện xảo an trụ chỉ quán bèn được vô biên ánh sáng đại pháp. Vì ánh sáng đại pháp nên lìa dứt tối tăm sợ hãi mà vì chúng sanh diễn nói ánh sáng pháp. Vì ánh sáng pháp có thể làm cho chúng sanh mặc đại mũ giáp ngồi Đại thừa này”.

Các pháp được thấy trong sanh tử là có ranh giới, biên bờ, do đó tách biệt nhau, xung độtnhau. Ánh sáng pháp là ánh sáng của các pháp, ánh sáng này xóa đi những ranh giới biên bờ của các pháp, đưa các pháp trở lại “Một tướng Vô tướng”. Ánh sáng pháp chính là ánh sáng của vô tướng, của tánh Không và không hề lìa khỏi tánh Không:

Vì lìa các phân biệt Được ánh sáng đại pháp Vì các pháp vô tánh Ánh sáng cũng vô tánhDo quán sát như vậy Lại được ánh sáng pháp. Chẳng thấy trí năng quán Thấy ấy cũng chẳng thấy Vì thấy pháp hư vọng Gọi đó là quán thấy. Ánh sáng chẳng nghĩ bàn Vô biên vàvô lượng Thấy các pháp đều Không Gọi là chẳng phân biệt.

Các pháp vô tánh, nghĩa là các pháp là tánh Không. Ánh sáng đại pháp cũng vô tánh, nghĩa là ánh sáng của các pháp cũng là tánh Không, không lìa khỏi tánh Không. Ánh sáng của các pháp ấy “chẳng thể nghĩ bàn, vô biên và vô lượng” bao trùm tất cả các pháp. Ánh sáng của các pháp chính là Báo thân, và Báo thân ánh sáng này không hề lìa khỏi, tách biệt khỏiPháp thân tánh Không. Ánh sáng của các pháp chính là ánh sáng Báo thân của Pháp thântánh Không. Ánh sáng ấy là sự soi chiếu , sự quán thấy “thật tướng của tất cả các pháp”.

Ánh sáng đại pháp ấy là cái có sẵn ở nơi các pháp và bao trùm dung nhiếp các pháp, đưa chúng trở lại với thật tướng của chúng là tánh Không vô phân biệt:

“Ở nơi ánh sáng đại pháp không có chút pháp gì có thể thấy. Các Đại Bồ-tát không có chút tu hành, không có tu hành cao cấp, chẳng tùy tu hành, chẳng tu hành rộng lớn, mà có thể được vô biên ánh sáng đại pháp”.

Công hạnh ánh sáng pháp chẳng phải công hạnh số lượng, chẳng phải công hạnh tùy tướng thì từ đâu mà thi thiết tất cả các công hạnh. Nhưng chỗ tu hành dầu chẳng phải thi thiết công hạnh mà cũng chẳng rời lìa.

Này Thắng Huệ! Lúc an trụ nơi hạnh ấy, các Đại Bồtát xả bỏ tất cả hạnh, không có chỗ chấp lấy. Người đủ công hạnh ấy, chẳng phải công hạnh số lượng, chẳng phải công hạnh tùy tướng, không có tướng, không có hành mới có thể được ánh sáng đại pháp ấy”.

Ánh sáng tự nhiên vốn có của các pháp là Báo thân, từ đó xuất hiện mọi hiện tượng bằng ánh sáng như trong các kinh thường nói, được Bồ-tát dùng để hóa độ chúng sanh:

“Ở trong chúng trời, người, a-tu-la diễn tả ánh sáng pháp, không có ai tranh luận mà thắng được. Có thể dùng ngón chân phóng ánh sáng lớn chiếu khắp vô biên thế giới. Các chúng sanh gặp ánh sáng ấy đều được an lạc, sẽ chứng Giác ngộ”. Ánh sáng tự nhiên vốn có của các pháp không lìa khỏi tánh Không vô tánh và vô tướng của các pháp. Và tánh Không thì ở khắp tất cả mọi không gian thời gian nên ánh sáng ấy cũng ở khắp tất cả, được kinh gọi là “Vô biên quang”, “Vô lượng quang”. Như thế Báo thân ánh sáng không lìa Pháp thân tánh Không. Do đó, khi mặc mũ giáp, Bồ-tát càng lúc càng đi sâu, càng chứng ngộ Pháp thân vàBáo thân.

3. Hóa thân

Để tiếp xúc trực tiếp và hóa độ chúng sanh, Bồ-tát mặc lấy hóa thân. Hóa thân là do từ bi mà mặc lấy sanh tử (“dẫu thọ lãnh sanh tử nhưng ở đâu cũng chẳng bị ô nhiễm”), mặc lấy đất nước lửa gió (“chuyển hình thai tạng, thọ thân hóa sanh”).

“Trong vô lượng kiếp, Đại Bồ-tát mang những gánh nặng, mặc mũ giáp lớn… mà không cómệt mỏi, không có lo buồn”.

“Vì thương xót tất cả chúng sanh mà các Đại Bồ-tát mặc đại mũ giáp, có thể dùng mũ giápgia trì địa thủy hỏa phong giới, tùy theo chỗ thích ứng mà phát khởi hiệu năng”.

“Lúc mặc mũ giáp vô thượng vô lượng tối đại, các Đại Bồ-tát phải nghĩ rằng: Tôi vì tất cảchúng sanh thiếu thốn, đó là những kẻ thiếu giới, thiếu nghe, thiếu huệ, thiếu giải thoát, thiếugiải thoát tri kiến, nên đem pháp bửu lớn này để làm cho họ được đầy đủ…

Các Đại Bồ-tát mặc đại mũ giáp như vậy rồi lại vì thương xót giữ gìn tất cả chúng sanh mà ngồi Đại thừa ấy”.

Chính vì “thệ nguyện khởi tâm từ bi với chúng sanh”, mà trên nền tảng Pháp thân tánh Không và báo thân ánh sáng, Bồ-tát mới khởi hiện ra hóa thân để có mặt ở trái đất này, mới có thể gần gũi chúng sanh nhờ hóa thân. Hóa thân ấy chính là sự hóa hiện của nguyện lựctừ bi thành sắc thân vật chất.

“Lại vì bổn nguyện lực của các Đại Bồ-tát, bổn nguyện lực của chư Phật, đối với tất cảchúng sanh chẳng làm não, chẳng làm hại, chẳng làm tổn, chẳng làm oán, chẳng làm thù, chẳng lấn hiếp , chẳng bức ngặt, vì muốn chúng sanh được an lạc, nên mặc đại mũ giáp, ngồi Đại thừa, an trụ trong đạo ấy mà hướng đến Giác ngộ Vô thượng…”.

Bồ-tát mặc đại mũ giáp lòng bi để vào sanh tử, sống cùng chúng sanh, tùy nhập tất cả nơi chốn:

“Vì có thể tùy nhập tất cả xứ vậy. Vì muốn tùy nhập tất cả pháp vậy. Vì mặc đại mũ giáp là muốn tùy nhập tất cả pháp vậy. Vì an trụ Đại thừa thì được bình đẳng nơi tất cả pháp vậy”.

Nhưng hóa thân đại bi này chẳng bao giờ lìa với tánh Không Pháp thân nên hóa thân đại biđể tùy nhập sanh tử và sanh tử đều không có thật, như huyễn:

Các uẩn không có thật Tự tánh bổn lai Không Tánh Không nên vô tướng Tất cả không có khởi. Các uẩn xa lìa tướng Lìa tướng thì vô sanh Không sanh thì không diệt Tướng các uẩn như vậy. Không tướng vọng có tướng Tướng ấy không đâu có Vì các pháp vô thể Uẩn ấy cũng vô tánh Giới và xứ cũng vậy.

Mặc mũ giáp đại bi hợp nhất với tánh Không này thì “sanh tử chẳng thể làm ô nhiễm” vìchúng sanh và các pháp đều như huyễn bất khả đắc: “

Mặc mũ giáp biết không có chúng sanh, mặc mũ giáp biết không có ngã, mặc mũ giáp biếttự tánh của chúng sanh, mặc mũ giáp biết tự tánh của ngã… Mặc mũ giáp biết tất cả phápvô sở đắc, mặc mũ giáp biết tự tánh tất cả các pháp vô sở đắc”.

Tóm lại, Ba Thân nơi mũ giáp là Pháp thân tánh Không, Báo thân Ánh sáng Đại pháp và Hóa thân Đại bi Như huyễn.

Người mặc mũ giáp Ba Thân này là Bồ-tát tu hành trong Mười Địa, và vì tu ba thân không lìa nhau nên chứng ngộ Pháp thân tánh Không đến đâu thì chứng ngộ Báo thân Ánh sáng Đại pháp và Hóa thân Đại bi Như huyễn đến đó.

Nguyễn Thế Đăng | Văn Hóa Phật Giáo 1-5-2017
Theo https://thuvienhoasen.org/a27709/ba-than-va-mu-giap

Không có nhận xét nào: