Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Trí tuệ của cổ nhân: 12 nguyên nhân khiến vận mệnh của mỗi người là khác nhau

(Hình minh họa: Qua pinterest)
Cuộc đời của mỗi người trên thế gian này đều không giống nhau. Có người cả đời gặp nhiều điều may mắn như ý, khỏe mạnh, trường thọ. Có người đến tận tuổi trung niên vẫn gian nan, về già mới được an khang. Có người thời trẻ thì phú quý, vẻ vang nhưng về già lại cơ cực. Có người cả đời lận đận vất vả, mọi việc đều không được như ý. Nguyên nhân gì khiến vận mệnh của mỗi người là khác nhau? 

Để giải đáp cho câu hỏi này, xin độc giả cùng tham khảo 12 nguyên nhân định đoạt vận mệnh của con người được cổ nhân người Hoa Hạ đúc kết dưới đây:

1. Mệnh

Mệnh là cố định không thể thay đổi, là tiên thiên chú định. Nghĩa là khi một người xuất sinh thì đã được an bài một mệnh sẵn rồi.

Từ nghĩa hẹp mà giảng, người Trung Hoa nói về “mệnh” chính là “Bát tự” (giờ, ngày, tháng, năm sinh viết theo Thiên can và Địa chi, là một cách xem số mệnh của Trung Hoa xưa). Căn cứ vào “Bát tự” của một người, người ta có thể suy tính ra quỹ đạo vận hành, vinh nhục, phúc họa, bần phú, thọ yểu trong cuộc đời của một người.

Từ nghĩa rộng mà giảng, trong cuộc đời của con người là có những điều mà họ có làm gì cũng không thể thay đổi được. Đây là điều mà người ta thường gọi là số phận. Trong Phật gia gọi điều này là “A lại da thức”, nó là thứ đi theo vòng luân hồi của con người.

2. Vận

Vận cũng được gọi là vận thế, là điều có thể thay đổi được.

Nếu ví “mệnh” là một chiếc xe xuất phát từ điểm bắt đầu chạy đến điểm cuối cùng của cuộc đời, thì xe của một người là loại gì, con đường như thế nào, đó được gọi là “mệnh”. Còn cụ thể, một người lái xe như thế nào để đi hết cuộc đời thì đó lại được gọi là “vận”.

Một số người nguyên ban đầu vốn là đã có xe tốt, đường tốt, nhưng lại để bản thân “nước chảy bèo trôi”, không lái tốt nên kết quả là cuộc đời kết thúc không có hậu. Trái lại, nhiều người vốn ban đầu chỉ có chiếc xe không tốt, đường đi lại đầy chông gai, gập ghềnh khúc khuỷu, nhưng bởi vì cả đời cần cù chịu khó, cẩn thận từng ly từng tý, lái xe rất chuyên tâm, kết quả cả đời bình an.

Chính bởi vì “mệnh” là cố định không thay đổi, nhưng “vận” lại nằm trong tay của mỗi người. Cho nên, chúng ta thường ngày vẫn nghe nói rằng “bói mệnh, đoán mệnh”, mà không có “đoán vận,” hay “đoán vận mệnh” là vậy.

3. Phong thủy


(Hình minh họa: Qua read01)

Phong thủy không chỉ bao gồm môi trường tự nhiên mà chúng ta sống mà còn bao gồm cả môi trường xã hội. Nếu ví con người như một cái cây thì phong thủy chính là môi trường mà cái cây này sinh sống, bao gồm thổ nhưỡng, ánh sáng, lượng nước, các sinh vật khác ở xung quanh…

Môi trường bên ngoài này tất nhiên là rất quan trọng, nhưng gen di truyền và nỗ lực sinh trưởng của cái cây ấy cũng rất quan trọng. Cho nên có thể thấy, phong thủy chỉ là nhân tố bên ngoài, không phải nhân tố bên trong, không hoàn toàn quyết định con người. Tất nhiên nhân tố bên ngoài và nhân tố bên trong là có sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

4. Tích công đức

Tích đức chính là làm việc tốt. Cổ nhân thường giảng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Bất luận là văn hóa Nho gia, hay là văn hóa Phật gia, Đạo gia thì đều đề xướng việc giúp người tích đức hành thiện, từ đó mà thay đổi vận mệnh.

Một ví dụ kinh điển nhất được ghi chép trong lịch sử chính là câu chuyện về Viên Liễu Phàm đời nhà Minh cải biến vận mệnh.

Về sau, cuốn “Liễu Phàm tứ huấn” được hậu thế sử dụng để răn dạy con người nhận thức được sự chân thực của vận mệnh, tiêu chuẩn phân biệt rõ thiện ác, phương cách sửa sai hướng thiện, từ đó thấy được sự hiệu nghiệm của việc hành thiện tích đức trong việc thay đổi vận mệnh.

5. Đọc sách thánh hiền


(Hình minh họa: Qua kknews)

Đọc sách chính là việc học văn hóa, tăng thêm tri thức.

Đọc sách là một quá trình học tập suốt đời. Thông qua đọc sách, chúng ta có thể thu hoạch được tri thức, kết giao bạn bè, mở rộng tầm nhìn và còn có thể nâng cao bản thân.

Đọc sách cũng là phương thức nhanh chóng và tốt nhất để học hỏi văn hóa mấy ngàn năm từ cổ chí kim, thu nạp được lượng tri thức rộng lớn và trở thành người có trí tuệ.

Đọc sách giúp con người có thêm cái nhìn đúng đắn về thế giới quan, giá trị quan và nhân sinh quan. Nhờ đọc sách chúng ta có thể thông hiểu lời răn dạy của các bậc hiền triết thời xưa. Nhờ đọc sách, chúng ta có thể rút ra những bài học từ vô số các câu chuyện kim cổ, mở mang kiến thức, hấp thụ tinh hoa, hình thành những quan niệm đúng đắn cho bản thân.

Đọc sách giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, không còn bị giới hạn bởi một góc nhỏ bé của cuộc sống. Cùng với việc không ngừng đọc sách, sẽ hun đúc nên trong chúng ta một tấm lòng rộng mở, lý tưởng và tín niệm cao xa hơn.

Đọc sách còn giúp chúng ta kết giao bạn bè, mở rộng phạm vi giao tiếp. Thông qua đọc sách, chúng ta có thể tìm được bạn hữu tâm đầu ý hợp, mở lòng và thư thái.

Cho nên, từ xưa đến nay, đọc sách thánh hiền luôn là phương pháp quan trọng thay đổi vận mệnh của con người.

6. Tên

Cổ nhân có câu: “Cho con nghìn vàng không bằng cho con một cái tên”. Từ nghĩa bề mặt cũng có thể thấy cổ nhân rất coi trọng việc đặt tên cho con cái. Một cái tên tốt, ý nghĩa sẽ có tác dụng khích lệ đối với cuộc đời mỗi người, thậm chí còn có tác dụng dẫn dắt, chỉ dẫn.

Người xưa đặc biệt là các gia đình danh gia vọng tộc hoặc dòng dõi Nho sinh đều rất coi trọng việc đặt tên cho con cái sao cho có ý nghĩa.

7. Tướng


(Hình minh họa: Qua chuanme)

Tướng chính là chỉ tướng mạo, bao gồm tướng mặt và tướng tay.

Thời xưa có câu: “Tướng do tâm sinh, tâm do cảnh tạo, cảnh tùy tâm chuyển”. Ý nói rằng, thông qua tướng mạo bên ngoài của một người có thể phân tích ra được ý nghĩ trong nội tâm của người ấy. Mắt ác tâm tất xấu, mắt thiện tâm tất thiện. Tu đức tại tâm, cho nên điều cát hung là có thể thay đổi. Tâm khởi thiện niệm, các loại phúc báo sẽ lập tức đến.

8. Kính Thần

Kính Thần nghĩa là luôn có tâm kính sợ Thần linh thánh hiền.

Khổng Tử đã dạy các đệ tử của ông rằng, làm việc nghĩa, có ích cho dân, tuy phải kính trọng quỷ thần nhưng không cầu cạnh quỷ thần, mà nên tránh xa quỷ thần, đó là trí. Người xưa cũng nói: “Bậc quân tử có ba cái sợ, sợ mệnh trời, sợ đại nhân, sợ lời của Thánh nhân.”

Mệnh trời tức là quy luật vận hành của Đạo Trời, cần phải kính trọng Đạo Trời. Sợ đại nhân tức là người tu dưỡng đạo đức rất cao, cần phải kính sợ họ, kính sợ bậc bề trên, bậc tôn giả. Sợ lời của thánh nhân, đối với những lời nói của bậc thánh hiền phải có lòng kính sợ. Người nào làm được ba điều sợ này, thì con đường đời sẽ rất vững vàng và ổn định.

9. Kết giao với quý nhân


(Hình minh họa: Qua dianliwenmi)

Kết giao quý nhân tức là chọn người thiện mà kết giao. Người xưa có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” Nếu xung quanh một người đều là những người đạo đức cao thượng, thì đạo đức của người ấy cũng sẽ trở nên cao thượng. Trái lại, nếu một người luôn kết giao với những người có đạo đức thấp kém, thì dần dà phẩm hạnh đạo đức của người này cũng sẽ xấu đi.

10. Dưỡng sinh

Dưỡng sinh là giữ thân tâm đều khỏe mạnh. Thời xưa, dưỡng sinh không chỉ đơn giản là sự vận động thân thể giống như ngày nay người ta thường nói. Dưỡng sinh là bao gồm cả dưỡng tâm và dưỡng thân.

Hơn nữa cần sống thuận theo quy luật của tự nhiên, mặt trời mọc thì dậy, mặt trời lặn thì nghỉ, phù hợp với quy luật vận hành bốn mùa của trời đất.

11. Trạch nghiệp và trạch ngẫu


(Hình minh họa: Qua nwiraces)

Trạch nghiệp tức là chọn nghề nghiệp công việc, trạch ngẫu là việc chọn bạn đời, kết hôn lập gia đình.

Cổ nhân có câu: “Nam nhân sợ chọn nhầm nghề, nữ nhân sợ lấy nhầm chồng.” Để có một sự nghiệp thành công cũng cần phải có một khoảng thời gian. Một người trước tiên cần phải lập chí theo nghề có hy vọng thành công nhất, sau đó kiên định không ngừng làm việc mới mong có thành công.

“Gia hòa vạn sự hưng”, vợ chồng hòa thuận, hai người đồng lòng thì quả thực là quý hơn vàng. Đằng sau một người đàn ông thành công, luôn có một người phụ nữ vĩ đại, đằng sau một người phụ nữ hạnh phúc đều có một người đàn ông đáng tin cậy.

12. Xu cát tị hung

Trong cuộc đời, người ta cần phải luôn phân tích tình huống, xem xét thời thế, minh bạch lành dữ và họa phúc. Khi hoàn cảnh tốt lành thì cần thừa thế mà tiến lên. Trái lại, khi hoàn cảnh hung hiểm, thì cần chú ý cẩn thận.

Có thể thấy, trong 12 nhân tố trên đây, chỉ có “Mệnh” là nhân tố tiên thiên. 11 điều còn lại đều có thể thông qua sự cố gắng của bản thân mà thay đổi được vận mệnh của mỗi người. Bởi vậy mà cổ nhân mới nói, mệnh là tự mình lập, vận mệnh là nằm trong tay chính bản thân mỗi người.

An Hòa (biên dịch theo sự cho phép của tác giả)

Không có nhận xét nào: