Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Điều kỳ diệu về sự hợp nhất thân tâm và cơ hội thành tựu giác ngộ

Điều kỳ diệu về sự hợp nhất thân tâm và cơ hội thành tựu giác ngộ

Phân tích giải phẫu của Tổ hợp Thân Tâm (Ngũ đại, các uẩn, phiền não, màu sắc và trí tuệ) nơi mỗi người này cho chúng ta hiểu được cách thế giới vận hành cùng các yếu tố cấu thành nên nó. Những luận giải về tổ hợp thân tâm sẽ giúp chúng ta thấy Phật giáo không chỉ là tôn giáo hay hệ thống tâm linh, tín ngưỡng nào đó siêu hình, mà thực sự là một khoa học sâu sắc và toàn diện về các yếu tố tạo thành sự sống và vận hành ở cả hai góc độ thô (bên ngoài) và vi tế (bên trong và bí mật) nơi thân tâm mỗi người. Một cách tương đối, tổ hợp Thân - Tâm được chia thành ba cấp độ gồm: thô lậu, vi tế và rất vi tế.

1. Thân tâm thô lậu


Thân tâm thô lậu là phạm trù chúng ta đã quen thuộc và dễ cảm nhận nhất. Thân thô lậu được tạo thành từ da, thịt, máu, xương, ngũ quan,… trong khi tâm thô lậu bao gồm năm nhận thức giác quan mang tính thô lậu, hạn chế về sự vật hiện tượng.

2. Thân tâm vi tế

Thân vi tế hay thân Kim cương bao gồm các kinh mạch, khí năng lượng và các giọt minh điểm tồn tại ở trong các kinh mạch.

Kinh mạch


Những kinh mạch chính được sử dụng trong thiền định là kinh mạch trung ương chạy dọc cột sống và hai đường kinh mạch phụ chạy hai bên kinh mạch trung ương. Dọc theo kinh mạch trung ương có sáu luân xa chính, từ mỗi luân xa trong số này tỏa ra bảy mươi hai ngàn kinh mạch nhỏ chạy khắp cơ thể chúng ta.

Khí

Khí mà chúng ta đang bàn đến không dùng để chỉ đến không khí bên ngoài chúng ta hít thở mà đó là khí vi tế chảy xuyên qua các kinh mạch của chúng ta. Có hai loại khí chính là khí nâng đỡ tứ đại (thô lậu và vi tế) giúp cho thân chúng ta hoạt động; và khí nâng đỡ cảm xúc nghĩa là khí liên hệ với các cấp độ khác nhau của tâm thức. Nguyên lý Mật thừa dạy rằng: “tâm dựa trên khí” điều này có nghĩa là tâm chúng ta thì dựa vào các khí và các khí luôn dịch chuyển cùng tâm. Tâm và khí luôn dịch chuyển cùng nhau qua các kinh mạch vi tế.

Minh điểm


Thân Kim cương của chúng ta bao gồm các năng lượng lỏng vi tế đó là giọt đỏ và giọt trắng. Các Tantra cũng nhắc tới các giọt này là tinh chất Bồ đề tâm Đỏ (tựa mặt trời) và Trắng (tựa mặt trăng). Mặc dù những giọt Trắng và Đỏ luôn ở cùng nhau trong mọi kinh mạch nhưng giọt Đỏ năng lượng âm (năng lượng mẫu tính) thì chi phối tại luân xa rốn và giọt Trắng (năng lượng phụ tính) thì mạnh mẽ tại luân xa đỉnh đầu.

Theo quan kiến Kim Cương thừa, thân vi tế chính là Mandala bên trong tương ứng với Mandala bên ngoài là vũ trụ. Một số pháp thực hành Mật thừa cũng bàn đến các việc luồng nội hỏa là các Bản tôn, vì thế, các pháp thực hành này cho rằng các Daka và Dakini hiện diện và luân chuyển khiêu vũ trong toàn bộ thân thể bạn.


Tâm vi tế

Tương ứng với thân vi tế là tâm vi tế. Tâm vi tế gồm có hai khía cạnh nhị nguyên: phiền não và thanh tịnh. Do vô minh chấp ngã nên tâm thức chúng ta từ vô thủy đến nay bị nhiễm ô phiền não che mờ. Có sáu loại phiền não căn bản là tham, sân, si, mạn, nghi và tà kiến. Nhưng rộng ra thì có tổng cộng tám mươi loại tâm sở phiền não. Tám mươi tâm sở này đều là quân tướng và thần dân của một vị vua - đó là Tâm vương. Song, Tâm vương lại hòa đồng theo sự vận hành của vô minh chấp ngã và nương theo đó. Vì thế, Tâm vương giống như một vị vua trị vì mọi xúc tình bên trong chúng ta, nó chỉ huy chúng ta đưa ra những nhận định, đánh giá và hành xử một cách ngu ngốc, còn chúng ta thì cứ răm rắp tuân theo.

3. Thân tâm rất vi tế (hay Tự tính tâm)

Thân rất vi tế


Khía cạnh thứ ba của thân là thân rất vi tế được thể hiện ở thời điểm chết sau khi chấm dứt tiến trình tan rã bên trong, lần lượt diễn ra ba giai đoạn xuất hiện, phát triển và thành tựu tương ứng với tiến trình tan rã bí mật của giọt Trắng, giọt Đỏ và hai giọt gặp nhau ở luân xa tim, sau đó, chúng ta sẽ lần lượt trải nghiệm các dấu hiệu các sắc trắng (Phổ quang nguyệt chiếu), đỏ (Quang minh nhật chiếu) và đen (Huyền quang tịch chiếu). Tiếp đến, ở giai đoạn thứ tư, Pháp tính diệu minh ló rạng. Bốn giai đoạn này tương ứng với Tứ không được đồng thời song hành với năng lượng khí vi tế. Năng lượng khí vi tế nhất là khí đồng hành cùng với tâm quang minh ở luân xa tim. Khí vi tế nhất này là thân vi tế nhất. Khi các hành giả Yogi xuất hiện dưới sắc tướng trải nghiệm về trí tuệ quang minh, khí rất vi tế này thể hiện thành thân huyễn ảo. Vào hiện tại, chúng ta không có sự liên hệ rõ ràng giữa thân và tâm, thân và tâm chúng ta có những năng lượng khác nhau, không thống nhất và hòa hợp với nhau. Điều này khác với các bậc Yogi thượng thừa, các vị đã chứng đạt sự hợp nhất giữa thân-tâm và cũng đồng thời chứng đạt được thân huyễn ảo.

Đại thành tựu giả Naropa

Tâm rất vi tế

Tâm rất vi tế là tâm quang minh bất khả phân với thân rất vi tế. Tâm này trụ trong ở trong giọt bất hoại nằm ở luân xa tim và mọi người đều trải nghiệm tâm rất vi tế này khi họ qua đời. Sở dĩ như vậy vì Thân và Tâm vi tế và rất vi tế đều nằm trong thân của mỗi người, chúng ta ai ai cũng có những đặc điểm và tiềm năng này. Chúng ta phải học cách kích hoạt những cấp độ vi tế này của thân và tâm trong thực hành giai đoạn thành tựu nội hỏa để sau đó chúng ta dùng thân và tâm vi tế này để đạt thành giác ngộ.


(Còn tiếp)
(Trích ấn phẩm: “Bardo - Hành trình liễu sinh thoát tử”
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2014)

Không có nhận xét nào: