Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

TRÁI TIM BÍ ẨN

Ngày 11 tháng 6 năm 1963, giữa ngã tư đường Phan Đình Phùng - Lê văn Duyệt (nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám), nơi đây Hoà thượng Thích Quảng Đức từ trên xe bước xuống, ung dung, điềm tĩnh theo thế kiết già tẩm xăng đầy mình rồi quệt lửa vào người, trước sự chứng kiến của hàng ngàn tăng ni, phật tử và đồng bào thành phố.

Ngọn lửa thiêng liêng ấy mỗi lúc một bốc cao phủ kín thân thể, nhưng Ngài vẫn an nhiên tĩnh tọa. Lưng Ngài vẫn thẳng như pho tượng. Ngài rành rọt nhắn lại các tín đồ:

"Tôi tha thiết kêu gọi các Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni và Phật tử hãy đoàn kết, nhất trí, hy sinh để bảo tồn phật pháp".


Mười lăm phút sau, ngọn lửa làm tròn phận sự, Ngài gật đầu chào tạm biệt, trên tay vẫn còn kiết ấn cam lồ. Tất cả mọi người có mặt đều xúc động, có người không cầm nước mắt...

Video Ngọn lửa thiêng liêng

Thân xác của Ngài được rước về quàn chín ngày tại chùa Xá Lợi. Sau bốn mươi giờ hỏa táng, xương thịt Ngài đã trở về với cát bụi nhưng kỳ lạ thay: Trái tim Ngài vẫn còn nguyên vẹn! Với chúng ta thì trái tim Thích Quảng Đức vẫn là điều bí ẩn...

Ảnh: Internet
---
Phụ Lục
Nhân Lễ Phật Đản 2019 và đại hôi Vesak (12-15/5/19) tại Chùa Tam Chúc. Rất may tôi vừa được đàm đạo với Hòa Thượng Thích Thanh Thế, người khi đó còn trẻ (22 tuổi) làm nhiệm vụ vòng ngoài để bảo vệ cho nghi lễ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức thành công.
Theo tư liệu lịch sử, nếu không có vụ tự thiêu này thì lịch sử VN sẽ có nhiều thay đổi, chắc rằng sự thống nhất Tổ Quốc sẽ khác đi hoặc chưa thể. 
Ôn lại chút ngày này 56 năm trước!





XÁ LỢI SỐNG - THÍCH QUẢNG ĐỨC.

Năm 1963, lễ khánh thành nhà thờ ở La Vang (Quảng Trị) trùng vào dịp lễ Phật Đản. Ngày 6/4 (âm lịch) Tổng thống Ngô Đình Diệm đi dự lễ khánh thành nhà thờ La Vang (Quảng Trị). Khi qua thành phố Huế, thấy cờ Phật giáo treo rợp trời. Ngay lập tức, ông ta ra lệnh (bằng văn bản) bắt buộc hạ tất cả cờ Phật giáo xuống.

Tối 8/4 (âm lịch - ngày lễ Phật Đản): Trong cuộc biểu tình trước quyết định "cấm treo cờ Phật giáo" tại Huế đã có 9 Phật tử bị bắn chết, nhiều người khác bị thương.

Ngày 10/6 (tức 19/4 âm lịch): Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo đồng ý cho phép Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu theo tâm nguyện mà Ngài đã trình bày trong bức thư ngày 27/5 (nhưng khi đó Ủy ban đã không chấp nhận tâm nguyện này của Ngài). Đại đức Thích Đức Nghiệp đã đến gặp Hòa thượng để hỏi ý kiến và cho biết về sự đồng ý của Ủy ban nếu Ngài vẫn giữ tâm nguyện đó. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã khẳng định rằng đó là tâm nguyện của Ngài.

Tối hôm đó, Hòa thượng vẫn chủ trì khóa lễ Tịnh Độ tại Chánh điện của chùa Ấn Quang như thường lệ. Kết thúc khóa lễ, Hòa thượng đã dặn lại với hai vị Đại đức (hai người đã đi chuông và đi mõ trong khóa lễ cuối cùng của cuộc đời Ngài) như sau:

"Vì đạo pháp tôi xin hiến thân giả huyễn nầy để cho Pháp Nạn được giải thoát. Ngày mai nầy tôi sẽ từ giã cõi đời, hẹn gặp hai Thầy ở cảnh giới Cực Lạc của Ðức Phật A-Di-Ðà. Sau khi tôi tự thiêu để hiến dâng cho Phật Pháp, xin các Thầy lưu ý, vì tôi không thể trực tiếp nói điều này với các Ngài lãnh đạo:

Một là, sau khi thân tôi thiêu thành tro bụi sẽ còn lưu lại một vật gì đó cho đời, thì đó là kết quả tốt đẹp về lời Phát nguyện của tôi hiến dâng thân này cho Ðạo Pháp và đó cũng là thành quả đời tu hành của tôi.

Hai là, khi tôi thiêu, nếu tôi chết trong tư thế nằm ngửa thì nguyện vọng Phật giáo sẽ thành công, các Thầy cứ tiếp tục tranh đấu. Ngược lại nếu tôi chết nằm sấp thì quý Thầy nên tìm cách đi ra các nước Miên, Lào, Thái, v.v… để mà tu, nguyện vọng tranh đấu của Phật giáo sẽ không thành.

Ba là, ngày di quan tài của tôi, nếu các Thầy có cảm thấy triệu chứng gì lạ lạ, có thể là ngủ mộng thấy, có thể là cảm giác hay triệu chứng gì thì nên đình chỉ ngay, dời việc di quan qua ngày khác".

Ngày 11/6 (tức 20/4 âm lịch): Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Sau đó thân thể Ngài được đưa về chùa Xá Lợi để cầu kinh. Mấy ngày sau đem đi hỏa táng. Sau khi hỏa táng, các Tăng, Ni đã mở lò thiêu để lấy tro cốt thì phát hiện 1 vật bằng nắm tay lẫn lộn giữa những mảnh tro tàn. Mọi người bàng hoàng nhận ra vật đó là trái tim của Ngài.

Sự việc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngay lập tức gây chấn động toàn thế giới và được tất cả các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin. Điều đó khiến cho Tổng thống Ngô Đình Diệm bắt buộc phải thỏa hiệp và ký vào bản hiệp định chấm dứt đàn áp Phật giáo, bỏ lệnh cấm treo cờ Phật giáo và cho phép tự do hoạt động tu hành và hoằng truyền Phật pháp.

Nghĩ lại ba điều Hòa thượng Thích Quảng Đức nói đêm trước ngày tự thiêu đều hiển ứng:

1. Thân thể ngài thiêu thành tro, mà quả tim của ngài vẫn còn đỏ hồng như trái xoài chín dưới sức nóng 4.000 độ; nóng đến nỗi lò thiêu An-Dưỡng-Ðịa đã phải nứt nẻ.

2. Khi ngọn lửa thiêu thân vừa lặn tắt, ba lần cuối đầu xá về hướng Tây, liền ngay khi đó, Ngài bật ngửa nằm im trên mặt đất giữa ngã tư đường Phan Ðình Phùng và Lê Văn Duyệt trong tiếng niệm Phật vang dội của hàng trăm chư Tăng Ni đang ngồi vây quanh chấp tay thành kính. Tư thế viên tịch đúng như ngài huyền ký lại, làm cho Tăng tín đồ tin tưởng vào sự thành công nguyện vọng bình đẳng tôn giáo mà quyết tâm dấn thân hơn. Chung cuộc chánh nghĩa đã thắng.

3. Ai sống trong thời 1963, nếu có lưu tâm đến thời cuộc đều nhớ ngày di quan của Hoà thượng Thích Quảng Ðức ra An Dưỡng Ðịa để thiêu. Theo chương trình là 10 giờ sáng. Dân chúng ở hai bên đường Phan Thanh Giản và đường Minh Mạng lập hương án để tiễn đưa ngài; nhưng mọi người đợi mãi đến hơn 12 giờ trưa mà vẫn chẳng thấy đâu.

Sau đó mới nhận được thông báo của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo cho biết dời ngày di quan. Dân chúng lúc bấy giờ vô cùng bàng hoàng kinh ngạc. Khoảng 2 giờ chiều hôm ấy, người ta thấy năm bảy người mặc sắc phục đen lặng lẽ từ dưới bờ ruộng bước lên gở những quả mìn đã được chôn từ lúc nào trên quãng đường đất dẫn đến lò thiêu của An Dưỡng Ðịa.

Sau 3 lần cúi sấp, nhục thân của Hoà thượng Thích Quảng Ðức đã bật ngửa ra sau đem đến niềm tin thắng lợi cho cuộc tranh đấu vì đạo pháp của toàn thể Tăng tín đồ Phật giáo.

Cũng không thể không nhắc đến điều này: Ngày 02/11/1963 (tức ngày 17/9 âm lịch), sau hỗn loạn đảo chính của nguỵ quyền Sài Gòn (do tướng Dương Văn Minh chỉ huy) người ta đã tìm thấy xác của Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng em trai (cố vấn Ngô Đình Nhu) trên một chiếc xe bọc thép với nhiều vết dao đâm và vết đạn súng lục. Tức là chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm và cuộc đời ông ta cũng đã kết thúc chỉ sau 4 tháng 21 ngày kể từ ngày tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức.

(Bài viết đã xin phép Cà phê Lịch sử - Chũm)

Không có nhận xét nào: