Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

CHÁNH PHÁP TỒN TẠI BAO LÂU?

Mỗi Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, có khả năng tế độ một số lượng khoảng 24 a-tăng-kỳ 600 triệu và 100 ngàn chúng sinh được giải thoát khỏi biển khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

Đức Phật Gotama có tuổi thọ 80 năm, thuyết pháp tế độ chúng sinh suốt 45 năm, chưa đủ số lượng 24 a-tăng-kỳ 600 triệu và 100 ngàn chúng sinh. Cho nên, khi Đức Phật Gotama đã tịch diệt Niết Bàn rồi, giáo pháp được lưu truyền lại cho đến 5.000 năm trên cõi người, để tiếp tục tế độ chúng sinh cho đủ số lượng ấy.

Tuổi thọ Phật giáo 5.000 năm trải qua 5 thời kỳ. Theo Chú giải Chi Bộ Kinh, bài kinh Gotamisutta giải thích như sau:

1.000 năm đầu: Các hàng Thanh Văn thực hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích, Lục thông.

1.000 năm thứ nhì: Các hàng Thanh Văn thực hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, đoạn tuyệt mọi phiền não (sukkhavipassaka) (không có các bậc thiền).

1.000 năm thứ ba: Các hàng Thanh Văn thực hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai.

1.000 năm thứ tư: Các hàng Thanh Văn thực hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Nhất Lai.

1.000 năm thứ năm: Các hàng Thanh Văn thực hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Rồi sau đó, các hành giả thực hành thiền tuệ không có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Nhân nữa, mà chỉ có thể bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật để có thể chứng đắc trong kiếp vị lai.

Căn cứ vào Chú giải trên, năm nay Phật lịch 2.550, những người phật tử chúng ta đang ở vào thời kỳ 1.000 năm thứ ba, tuổi thọ Phật giáo còn lại 2.450 năm nữa. Trong thời kỳ này, chúng ta nên có niềm tin hy vọng nơi giáo pháp của Đức Phật Gotama, còn có thể cứu vớt mỗi người trong chúng ta giải thoát khỏi biển khổ tử sinh luân hồi trong tam giới, mà con đường giải thoát khổ đó là pháp hành thiền tuệ đúng theo pháp hành Trung đạo.

Pháp hành Trung đạo có 2 giai đoạn:

- Giai đoạn đầu: Thực hành Tứ niệm xứ: Niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, đó là pháp hành Trung đạo phần đầu, cũng gọi là chánh niệm trong Bát chánh đạo. Chánh niệm có 4 đối tượng là thân, thọ, tâm, pháp cũng gọi là sắc pháp, danh pháp, mà sắc pháp, danh pháp là đối tượng của thiền tuệ. Do đó, thực hành Tứ niệm xứ hoặc thực hành thiền tuệ có đối tượng giống nhau, chỉ khác nhau danh từ.

- Giai đoạn cuối: Thực hành Tứ niệm xứ hoặc thực hành thiền tuệ dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót. Thánh Đạo Tâm và Thánh Quả Tâm có hợp đủ Bát chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định). Đó là pháp hành Trung đạo phần cuối, hoàn thành xong phận sự Tứ Thánh Đế.

Nếu hành giả có đầy đủ ba-la-mật thực hành thiền tuệ đúng theo pháp hành Trung đạo có thể dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân, thì thật là điều hạnh phúc cao thượng biết dường nào!

Nếu hành giả thực hành thiền tuệ, mà chưa chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả nào, thì cũng là một cơ hội tốt, duyên lành bồi bổ thêm pháp hạnh ba-la-mật, để mong chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn trong thời vị lai. Đó cũng là điều hạnh phúc cao thượng biết bao!

Thật ra, điều chắc chắn là chúng ta không có một ai có khả năng biết được mình có đầy đủ ba-la-mật hay chưa. Nếu như mình có đủ ba-la-mật mà không thực hành thiền tuệ thì cũng không thể chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn. Như vậy, mình đã làm mất đi một cơ hội tốt, trong kiếp có duyên lành gặp được Phật giáo, thật đáng tiếc biết dường nào!

Chúng ta nên tâm niệm lời giáo huấn cuối cùng của Đức Phật, câu chót: “Appamādena sampādetha”.

“Các con nên cố gắng tinh tấn hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế bằng pháp không dể duôi, thực hành Tứ niệm xứ”.

Trong Tứ Thánh Đế, mỗi Đế có một phận sự riêng biệt:

* (Khổ Thánh Đế): Đó là chấp thủ ngũ uẩn; hoặc sắc pháp, danh pháp trong tam giới là pháp mà hành giả có phận sự nên biết, thì đã biết xong.

* Nhân Sanh Khổ Thánh Đế (Tập Thánh Đế): Đó là tham ái là pháp mà hành giả có phận sự nên diệt, thì đã diệt xong.

* Diệt Khổ Thánh Đế (Diệt Thánh Đế): Đó là Niết Bàn là pháp mà hành giả có phận sự nên chứng ngộ, thì đã chứng ngộ xong.

* Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế (Đạo Thánh Đế): Đó là pháp hành Bát chánh đạo là pháp mà hành giả có phận sự nên thực hành, thì đã thực hành xong.

Như vậy gọi là hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế.
Mọi phận sự Tứ Thánh Đế này được hoàn thành bằng pháp không dể duôi, luôn luôn có chánh niệm và trí tuệ tỉnh giác. Đó chính là pháp hành Tứ niệm xứ hoặc pháp hành thiền tuệ đúng theo pháp hành Trung đạo, bởi vì chỉ có pháp hành này mới có khả năng dẫn đến hoàn thành mọi phận sự Tứ Thánh Đế mà thôi.

Pháp không dể duôi là như thế nào?

Để hiểu rõ pháp không dể duôi (appamāda), thì nên hiểu rõ pháp dể duôi (pamāda) trước. Pháp dể duôi (pamāda) đó là pháp thất niệm, quên mình, không có trí nhớ, không có trí tuệ biết mình.

Pháp không dể duôi (appamāda) đó là chánh niệm: Niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp và trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế.

Đức Phật dạy về pháp không dể duôi và pháp dể duôi rằng:

Appamādo amatapadaṃ,
Pamādo maccuno padaṃ.
Appamattā na mīyanti,
Ye pamattā yathà matā.

Ý nghĩa:

Pháp không dể duôi, thường có chánh niệm,
Là con đường đến Niết Bàn bất tử.
Và pháp dể duôi, thường hay thất niệm,
Là con đường vòng, tử sinh luân hồi.
Những chúng sinh nào tính không dể duôi,
Chúng sinh ấy chết cũng như không chết.
Những chúng sinh nào có tính dể duôi,
Chúng sinh ấy sống cũng như chết rồi!

Tỳ khưu Hộ Pháp (Ý Nghĩa Đêm Rằm Tháng Tư)

Không có nhận xét nào: