Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

TỰ NGÃ LÀ GÌ?

Đức Phật xem thế giới này là thế giới của khổ đau, và dạy những phương pháp đối trị nó. Vậy, cái do đâu khiến thế giới này toàn khổ đau? Lý do đầu tiên, như đức Phật đã dạy, là các pháp đều vô ngã, nghĩa là vạn vật - hữu tình hay vô tình - tất cả không có cái mà chúng ta có thể gọi là bản ngã hay thực thể. Ta thử khảo sát con người. Một người không thể xem hạch nhân hay hồn của y là một thực ngã. Y hiện hữu, nhưng không thể nào nắm được cái thực thể của y, không thể tìm thấy được hạch nhân của y, bởi vì hiện hữu của con người không gì ngoài cái “hiện hữu tùy thuộc vào một tràng nhân duyên”. Mọi vật hiện hữu đều là vì nhân duyên, và nó sẽ tan biến khi những tác dụng của tràng nhân duyên đó chấm dứt.

Những làn sóng trên mặt nước quả là hiện hữu, nhưng có thể gọi mỗi làn sóng đều có tự ngã không? Sóng chỉ có khi mà gió lay động. Mỗi làn sóng đều có riêng đặc tính tùy theo sự phối hợp của những nhân duyên, cường độ của gió và những chuyển động, phương hướng của gió... Nhưng khi mà những tác dụng của những nhân duyên đó chấm dứt, sóng sẽ không còn nữa. Cũng vậy, không thể nào có cái ngã biệt lập với nhân duyên được.

Khi con người còn là một hiện hữu tùy thuộc một tràng nhân duyên thì, nếu y cố gắng trì giữ lấy chính mình và nhìn mọi vật quanh mình từ quan điểm độc tôn ngã là một điều thật vô lý. Mọi người phải từ bỏ cái ngã của mình, cố gắng giúp đỡ kẻ khác và phải nhận thức cái hiện hữu cộng đồng, vì không thể nào con người hoàn toàn hiện hữu độc lập được.

Nếu mọi vật đều hiện hữu tùy thuộc vào tràng nhân duyên thì cái hiện hữu đó cũng chỉ là một hiện hữu tùy thuộc điều kiện mà thôi; không có một vật nào trong vũ trụ này có thể trường tồn hay biệt lập. Do đó, đức Phật dạy rằng vô ngã là yếu tính của vạn vật và từ đó tất yếu dẫn đến một lý thuyết nữa là vạn vật đều vô thường (anitya).

Hầu hết mọi người đều dốc năng lượng vào việc bảo tồn hiện hữu và những tư hữu của mình. Nhưng thực ra, không thể nào tìm được hạch nhân cho hiện hữu của họ, cũng không thể bảo tồn nó đời đời. Không vật nào là không biến chuyển ngay cả trong một sát-na. Không những nó bất ổn trong tương quan với không gian mà nó cũng bất ổn trong tương quan với thời gian nữa. Nếu ta có thể tìm được một thế giới không có không gian và thời gian, thế giới đó mới thật là thế giới tự do chân thật, tức là Niết bàn (Nirvāṇa).

Nếu, như những nhà vật lý hiện đại xác nhận, không gian thì gấp khúc và thời gian thì tương đối, thế giới của không gian thời gian này là cái tù ngục mà chúng ta không thể nào thoát ra được - chúng ta đã bị buộc chặt trong vòng nhân quả rồi vậy.

Khi nào con người chưa tìm được cái thế giới không bị hạn cuộc bởi thời gian và không gian, con người vẫn còn phải là một tạo vật khổ đau.

Quả quyết rằng con người có thể đạt đến một trạng thái như thế, không bị cục hạn trong thời gian và không gian, đó là thông điệp của Phật giáo.

Lẽ dĩ nhiên không có gì có thể được xem như là không gian vô hạn và thời gian vô cùng. Ngay cả khoa học vật lý ngày nay cũng không thừa nhận tính vô hạn của thời-không. Tuy nhiên, Phật đã xướng thuyết về lý tưởng Niết bàn (tịch diệt), theo nguyên tắc vô thường và vô ngã. Niết Bàn có nghĩa là hủy diệt sinh tử, hủy diệt thế giới dục vọng, hủy diệt những điều kiện thời-không. Sau hết, Niết bàn có nghĩa là cảnh giới của giải thoát viên mãn.

Vô ngã (không có cái bất biến), vô thường (không có cái trường tồn) là trạng huống thật sự của hiện hữu của chúng ta. Niết bàn, theo nghĩa tiêu cực là hủy diệt, theo tích cực là tròn đầy, là lý tưởng của chúng ta, ấy là giải thoát trọn vẹn.

THE ESSENTIALS OF BUDDHIST PHILOSOPHY
Người dịch TUỆ SỸ

3 nhận xét:

VB EXCEL nói...

Cám ơn tác giả.

Nặc danh nói...

Dạ đáng để đọc ạ.

Nặc danh nói...

Đã ngộ ra ạk