Trong những cái biết hiện tại, trong từng cái biết đó, có cái biết là của Ta, của Phật tánh của ta chưa từng thay đổi, có cái biết được phát sinh, thay thế, tích lũy từ vô thủy đến nay, hiện tại, ngay bây giờ.
Cái được phát sinh, thay thế, tích lũy từ vô thủy đến nay, hiện tại, ngay bây giờ thuộc về tàng thức, thuộc về trung ấm, thuộc về năm uẩn.
Còn cái biết luôn có mặt để những cái biết khác hiện hữu và tồn tại như phát sinh, thay thế, tích lũy từ vô thủy đến nay, hiện tại, ngay bây giờ thì không thuộc về tàng thức, không thuộc năm uẩn. Cái biết này là thường hằng, không bao giờ thay đổi. Cái biết này là của Ta, là của Phật tánh của ta. (Pháp Không Chân Như)
Pháp Không Chân Như: Có Phật tử nào tin luân hồi nhưng còn nghi ngờ về nhân quả rằng sau kiếp súc sanh có thể làm kiếp con người hoặc sau kiếp con người có thể làm kiếp súc sanh hay không?
Nguyên Thanh: Dạ, con chưa thấu lý về nhân quả, nghiệp báo luân hồi. Thầy có thể giảng rõ cho Nguyên Thanh và mọi người được không ạ?
Pháp Không Chân Như: Tôi hỏi là có ai không tin được súc sanh mãn kiếp có thể làm kiếp người và ngược lại. Nếu Nguyên Thanh có chút nghi ngờ về điều này thì tôi sẽ cố gắng giúp ông. Chứ còn để thấu lý về nhân quả, nghiệp báo luân hồi thì phải giảng rất nhiều. Nếu ông muốn dứt nghi về điều tôi đang nói trong bài này thì ông cứ nói tại đây. Nếu ông muốn thấu lý nhân quả, nghiệp báo luân hồi thì ông hãy đặt câu hỏi riêng trên Facebook của tôi để tránh xao lãng đề tài của bài đăng này vậy. Nam mô Phật.
Hoang My: Xin Thầy hoan hỷ giảng dạy giúp con câu hỏi trên. A Di Đà Phật.
Pháp Không Chân Như: Nếu ông đã xác quyết rằng một kẻ kiếp này không thể thành nhiều kẻ trong cùng một kiếp khác thì tôi hỏi ông: vào đầu Công nguyên, dân số thế giới khoảng 300 triệu người; vào năm 2009, dân số thế giới khoảng 6,777 tỉ người. Vậy sự chênh lệch này theo ông từ đâu mà có?
Hoang My, Nguyên Thanh! Có phải chư vị có chút nghi ngờ, không thể tin nổi rằng súc sanh, sau khi mãn kiếp có thể làm con người phải không?
Nguyên Thanh: Theo con, trước đó dân số có thể nhiều như vậy nhưng do hoạn nạn (thiên tai hay dịch bệnh) mà chết đi và không có thân mạng để tái sanh. Bây giờ không hạn chế sinh sản nên dân số mới đông như vậy.
Pháp Không Chân Như: Nguyên Thanh! Ông nói sự chênh lệch dân số quá khứ và hiện tại là do trước quá khứ đó có hoạn nạn nên họ đã chết đi và bây giờ họ tái sinh trở lại. Vậy tôi hỏi ông, trước thời điểm hoạn nạn đó, dân số đông từ đâu mà có?
Nguyên Thanh: Lấy cái nhìn của một nhà khoa học, sự xuất hiện của loài có đủ ngũ căn và đặc biệt là có tánh biết thì chỉ chứng minh là tương đối. Vì họ còn đang đi tìm sự sống ở các hành tinh khác ngoài trái đất. Còn lấy cái nhìn của đạo Phật, loài này xuất hiện từ vô thỉ!
Pháp Không Chân Như: Nguyên Thanh! Ở đây có hai phương tiện đưa đến sự thật súc sanh sau khi mãn kiếp có thể thọ thân con người. Một là sự tiến hóa thân, hai là sự tiến hóa tâm.
Về tiến hóa thân.
Nếu ông nói rằng, trước thời điểm hoạn nạn đó cũng như dân số sau này so với hiện nay, nghĩa là cũng từ hoạn nạn trước đó nữa, sau đó dân số phát triển dần đến thời điểm xảy ra hoạn nạn, thì rõ ràng ông đã khẳng định rằng ngay từ khi loài người xuất hiện trên Trái Đất đã có đầy đủ một lần cùng lúc số con người nhiều nhất từ quá khứ đến vị lai. Hoặc là ông khẳng định rằng ngay từ khi con người xuất hiện trên Trái Đất, có sẵn thân của một nam, một nữ, và nhiều chủng tử con người khác.
Nguyên Thanh: Nếu chiếu theo lời Phật dạy mọi sự vật, hiện tượng hiển hiện trong Hư không pháp giới này là "Vốn vậy" thì theo sự và lý Nguyên Thanh tin là vậy.
Pháp Không Chân Như: Ông tin là vậy là tin thế nào?
Nguyên Thanh: Tin vào Nhân Quả!
Pháp Không Chân Như: Vậy, ông có còn muốn hỏi gì về việc này nữa không, Nguyên Thanh?
Nguyên Thanh: Thưa Thầy, lấy cái gì để minh chứng tương đối cho "phần hồn" vừa trở về từ kiếp súc sanh?
Pháp Không Chân Như: Tôi không có cái gì để đem ra minh chứng cho ông thấy được "phần hồn" vừa trở về từ kiếp súc sanh. Minh chứng cho sự thật súc sanh mãn kiếp có thể thọ thân con người và ngược lại là phương tiện loại trừ và phản biện đưa đến không còn cách nào khác chứ không phải đem nó ra phơi bày cho người ta thấy trực tiếp được.
Chân Như Tuệ Quang: Mô Phật. Thầy có thể nói rõ hơn để con hiểu được những cơ sở minh chứng cho sự thật súc sanh mãn kiếp có thể thành người và người mãn kiếp có thể làm súc sanh.
Pháp Không Chân Như: Nếu Chân Như Tuệ Quang muốn tôi nói thì tôi phải dựa vào suy nghĩ của ông để nói. Đây là phương tiện của tôi dùng cho trường hợp này. Vậy ông hãy trả lời các câu hỏi mà tôi đã hỏi Nguyên Thanh thì tôi mới tiếp tục được.
Chân Như Tuệ Quang! Có kẻ cho rằng chết là hết, không tin có luân hồi. Kẻ này có biết mình đang hiện hữu hay không? Kẻ này biết mình đang hiện hữu. Kẻ này có biết phân biệt mình và thứ khác không? Kẻ này biết phân biệt mình và thứ khác không phải mình. Nghĩa rằng kẻ này biết về mình là một cá thể đang hiện hữu, cùng lúc với những thứ khác được kẻ này biết đó không phải là mình. Cái biết phân biệt mình và không phải mình là nhờ vào biết mình đang hiện hữu và nhờ vào biết đối tượng không phải mình cùng đang hiện hữu. Nếu không biết mình đang hiện hữu, hoặc không biết đến đối tượng đang hiện hữu không phải mình thì kẻ này không có cái biết phân biệt. Vậy nên, kẻ này có cái biết về những hiện hữu.
Có ai phản biện về kết luận này hay không? Chân Như Tuệ Quang có phản biện hay không?
Chân Như Tuệ Quang: Con đồng thuận với kết luận trên. Kẻ này có cái biết về những vật hiện hữu.
Pháp Không Chân Như: Ở đây, theo dòng phương tiện đã nêu ra, kết luận: kẻ không tin có luân hồi nhưng có cái biết về những hiện hữu. Chân Như Tuệ Quang! Kết luận này không giống với kẻ này có cái biết về những "vật" hiện hữu. Vì kẻ này chưa hề nói rằng mình là vật hiện hữu hay một thứ gì, nhưng biết đó là một hiện hữu - là mình. Vậy nên, sự đồng thuận của ông đã nêu trên là chưa rốt ráo. Ông có phản biện gì về kết luận này không: kẻ này có cái biết về những hiện hữu?
Bài này đang giảng cho kẻ không tin có luân hồi. Kẻ không tin có luân hồi mà nghe mọi người nói về luân hồi thì kẻ này có thể sẽ đưa ra nhiều phản biện để bảo vệ rằng không có luân hồi. Vậy nên, chư vị nên cố gắng phản biện thì bài giảng này mới đem đến lợi ích thật sự cho nhiều người, trong đó có kẻ không tin có luân hồi.
Chân Như Tuệ Quang: Con không có phản biện. Vì con người có cái biết phân biệt cái này cái kia, thân này là mình thân kia không phải mình, vậy kẻ này có cái biết về những hiện hữu.
Pháp Không Chân Như: Chân Như Tuệ Quang! Có kẻ không tin có luân hồi nói rằng cái biết của kẻ đó về những hiện hữu là cái biết được phát sinh cùng lúc với sự tiếp xúc, sự câu hội của kẻ đó với thứ được biết. Nghĩa là, kẻ đó muốn nói rằng, cái biết không có từ trước so với thời điểm mà kẻ đó biết đến những hiện hữu, gọi là cái biết không kế thừa.
Này, Chân Như Tuệ Quang! Nếu như vậy, lẽ ra kẻ đó phải biết sự hiện hữu của tất cả các tế bào đang ẩn bên trong thân thể của kẻ đó. Nhưng kẻ đó không biết đến tất cả chúng mặc dù kẻ đó đang tiếp xúc, câu hội trực tiếp với chúng. Vậy kẻ đó nói vậy là không đúng. Ông nghĩ thế nào?
Mong chư vị đang theo dõi hoan hỷ phản biện những kết luận trong bài giảng này. Nam mô Phật.
Chân Như Tuệ Quang: Thưa thầy, họ không tin vào người khác, họ luôn tin vào cái biết tiếp xúc trực tiếp - cái họ tin là mắt thấy tai nghe. Như vậy, khi họ đang tiếp xúc trực tiếp với các tế bào đang hiện hữu trong thân thể họ nhưng họ chẳng biết về nó. Vậy, kẻ đó nói như vậy là không đúng.
Pháp Không Chân Như: Có kẻ không tin có luân hồi nói rằng cái biết của kẻ đó về những hiện hữu có sự kế thừa. Cái biết để cho ra sự kế thừa của cái biết về những hiện hữu bắt đầu từ đâu và từ lúc nào. Có phải từ lúc được sinh ra chăng? Kẻ này nói cái biết để cho ra sự kế thừa của cái biết về những hiện hữu bắt đầu từ lúc sinh ra. Kẻ này nói như vậy không đúng. Vì sao? Trong bụng mẹ, kẻ này đã thể hiện sự hiện hữu của mình vì kẻ này thường hay cựa quậy trong bụng mẹ. Trong bụng mẹ, kẻ này cũng biết mẹ đang xoa bụng. Trong bụng mẹ, kẻ này cũng biết giật mình khi mẹ đánh yêu vào bụng,... Nghĩa là kẻ này biết sự hiện hữu của mình trong bụng mẹ và cũng biết bụng mẹ không phải là mình. Ông nghĩ thế nào Chân Như Tuệ Quang?
Chân Như Tuệ Quang: Thưa thầy, kẻ này nói "cái biết để cho ra sự thừa kế của cái biết về những hiện hữu bắt đầu từ lúc sinh ra" là không đúng. Vì lúc chưa sinh ra khi còn trong bụng mẹ, kẻ này đã có cái biết.
Chân Như Vô Ngại: Nam mô Phật. Cái biết của một kẻ phụ thuộc vào khả năng biết của kẻ đó và sự biết đã có từ trước đó về đối tượng đang hiện hữu. Giả sử người đó không có khái niệm gì về tế bào, chưa từng nghe về tế bào tức là kẻ đó không có cái biết về những thứ hiện hữu của kẻ đó. Trong trường hợp này là khả năng biết của họ chưa đủ nên họ chưa nhận ra mặc dù họ đang tiếp xúc, câu hội với tế bào.
Giả sử người đó khi bắt đầu có những khái niệm về tế bào, kẻ đó tin và biết tế bào đang hiện hữu. Tại thời điểm đó, khả năng biết của kẻ đó là cái biết theo cách họ nhập cái biết vào bộ não. Cái biết này không đầy đủ, do vậy họ vẫn không nhận biết được tất cả tế bào.
Do đó, con thấy mặc dù họ đang tiếp xúc, câu hội nhưng họ vẫn không biết thì không có gì là mâu thuẫn.
Pháp Không Chân Như: Chân Như Vô Ngại nói vậy không đúng. Ở đây, nói rằng cái biết về những hiện hữu, chứ không nói rằng cái biết về những hiện hữu thì phải là biết cái hiện hữu đó cái gì, như thế nào, mà đang nói là biết nó đang hiện hữu. Chân Như Vô Ngại! Nay ông đã biết về tế bào, đã nghe nói, đã có khái niệm, ông cũng biết đếm. Bây giờ ông xem, ông có biết nó đang hiện hữu trong con người ông hay không? Và ông có đếm được không mặc dù ông đã có khái niệm, đang tiếp xúc trực tiếp lại biết đếm?
Chân Như Vô Ngại: Con đã đồng ý lời của Thầy. Nói “cái biết của một kẻ về những hiện hữu là cái biết được phát sinh cùng lúc với sự tiếp xúc, sự câu hội của kẻ đó với thứ được biết” là không đúng. Vì có những thứ ta tiếp xúc, câu hội với nó mà ta cũng không biết là đang có những thứ đó đang hiện hữu, chúng vẫn đang là chính chúng. Ví dụ về tế bào của Thầy, con cũng đã rõ rồi. Nhưng như vậy cũng không đồng nghĩa với câu "cái biết không có từ trước so với thời điểm mà kẻ đó biết đến những hiện hữu, gọi là cái biết không kế thừa". Vì ngay khi tiếp xúc, câu hội với thứ đó, họ vẫn không biết có sự hiện hữu đó. Khi đó, đúng là cái biết không có từ trước khi và sau khi tiếp xúc câu hội với thứ hiện hữu đó. Nam mô Phật.
Chân Như Tuệ Không: Nam mô Phật. Thưa Thầy, như vậy thì cái biết đó sẽ có được cùng lúc khi bé được hình thành và phát triển trong bụng mẹ. Trước đó thì không có.
Pháp Không Chân Như: Như Chân Như Tuệ Không nói, cái biết để cho ra sự kế thừa của những cái biết khác về những hiện hữu có được cùng lúc, khi bé được hình thành và phát triển trong bụng mẹ. Lúc đó là lúc nào vậy chư vị?
Chân Như Tuệ Quang: Nếu nói như Chân Như Tuệ Không thì cái biết trong giai đoạn mới thụ thai, bé biểu hiện cái biết bằng cách nào? Vì khi thụ thai tức đã và đang hình thành và phát triển.
Chân Như Tuệ Không: Nam mô Phật. Thưa Thầy, theo con là lúc thai nhi được hình thành giai đoạn có được ngũ uẩn. Cái biết được hình thành và tiến triển dần khi thai nhi phát triển.
Chân Như Tuệ Quang: Thưa thầy! con đồng thuận với Chân Như Tuệ Không cái biết được hình thành và phát triển khi thai nhi hình thành ngũ uẩn.
Pháp Không Chân Như: Chư Phật tử! Nếu nói rằng cái biết (một) để cho ra sự kế thừa cái biết về những hiện hữu "được bắt đầu" thì chẳng phải nói rằng cái biết (một) không có sự kế thừa? Chư vị nghĩ thế nào?
Chân Như Tuệ Quang: Điều Thầy nói hoàn toàn đúng.
Pháp Không Chân Như: Có ai phản biện không?
Chư vị hãy phản biện với hết khả năng của mình để sau này gặp kẻ không tin có luân hồi thì biết phương tiện mà độ, bằng không họ sẽ phản biện mà chư vị chẳng thể đáp được.
Chân Như Tuệ Không: Thưa Thầy, cái biết (một) không có sự kế thừa.
Pháp Không Chân Như: Chân Như Tuệ Không! Nếu kẻ đó nói cái biết (một) không có sự kế thừa thì sao trước đây nói cái biết có sự kế thừa?
Chân Như Tuệ Không: Thưa Thầy, cái biết có sự kế thừa của cái biết (một) là lúc được hình thành ngũ uẩn.
Chân Như Tuệ Quang: Thưa thầy, sau khi quán xét lại nếu cái biết (một) không có sự kế thừa thì cái biết (một) từ đâu mà có? Như vậy nếu nói cái biết (một) là sự kế thừa cho những hiện hữu thì cái biết (một) phải hiện hữu. Vậy cái biết kế thừa cái gì để hiện hữu?
Chân Như Bồ Đề: Bạch Sư Phụ! Con đọc vẫn chưa hiểu rõ. Nhưng theo con, sẽ có nhiều người không tin vào luân hồi, hoặc tin luân hồi nhưng không tin có thể từ người thành con vật, hay từ vật thành con người. Họ cho rằng cái biết từ trong bụng mẹ, họ cảm nhận được nhưng khi sinh ra rồi lớn lên họ lại không nhớ. Hoặc sẽ có người nghĩ rằng khi sinh ra có nhận thức mới bắt đầu có cái biết. Con muốn hỏi: vậy trước khi sinh ra và sau khi mất đi họ có tồn tại không, nếu có họ sẽ là gì và ở đâu? Với câu hỏi này, con nghĩ cũng sẽ có nhiều cách trả lời. Có người cho rằng có linh hồn, chết rồi đầu thai thành người tiếp nhưng quên hết. Có người cho rằng do gen di truyền từ bố mẹ (tinh trùng và trứng kết hợp lại cho họ sinh mạng).
Chân Như Tuệ Không: Thưa Thầy, con xin nói rõ hơn ý của con. Cái biết được hình thành trong bụng mẹ là cái biết (một). Trước đó không có cái biết. Nên cái biết (một) không có sự kế thừa. Trước đây nói cái biết có sự kế thừa là kế thừa của cái biết (một). Và cái biết này có sinh ra, tồn tại song song với con người, cái biết này không phải tuyệt đối, nên nó không biết hết mọi thứ và bị mất đi khi một người không còn tồn tại. Cũng như một chúng sinh có sinh rồi có diệt, diệt là hết. Nếu trước cái biết (một) đã có cái biết, sao con người khi sinh ra cần phải học hỏi thì mới biết được mọi thứ?
Pháp Không Chân Như: Chân Như Tuệ Không, Chân Như Bồ Đề! Cái biết mà tôi nói đến không như hai cô hiểu. Cái biết mà tôi nói không chỉ có cái biết theo ngôn ngữ mặc định, mà còn có cái biết mình hiện hữu, biết thứ khác hiện hữu, biết phân biệt mình và thứ khác. Hai cô quán chiếu xem, nếu mình không biết cái bàn như một kẻ mù, điếc, câm từ khi sinh ra, chưa từng thấy cái bàn, chưa từng nghe về cái bàn, chưa từng biết ngôn ngữ, chưa từng đụng chạm đến cái bàn. Khi đụng đến nó, hai cô có biết nó không phải là mình hay không? Hai cô có biết mình đang hiện hữu, đang tồn tại hay không? Hai cô có biết mình không phải là cái mình đụng chạm hay không? Hai cô có biết cái mình đụng chạm thì đang tồn tại, đang hiện hữu hay không?
Chân Như Vô Ngại: Con vẫn còn chỗ chưa được thông suốt. Con xin nói lại ý của con: "Có kẻ không tin có luân hồi nói rằng cái biết của kẻ đó về những hiện hữu là cái biết được phát sinh cùng lúc với sự tiếp xúc, sự câu hội của kẻ đó với thứ được biết" (Con gọi câu này là câu A) không đồng nghĩa với câu "kẻ đó muốn nói rằng, cái biết không có từ trước so với thời điểm mà kẻ đó biết đến những hiện hữu, gọi là cái biết không kế thừa" (Con gọi câu này là câu B).
Như ví dụ về tế bào của Thầy, con đồng ý rằng một kẻ nói câu A như vậy là không đúng. Bởi vì kẻ đó có cái biết về mình đang hiện hữu, nhưng không có cái biết về đối tượng được biết (là tế bào) đang hiện hữu.
Đứng trên góc độ đối tượng là tế bào, thì nói câu A là không đúng. Nhưng nói câu B lại đúng. Bởi vì cái biết về tế bào đang hiện hữu cũng đang không có trước khi kẻ đó tiếp xúc, câu hội với tế bào. Ngay từ khi sinh ra đến thời điểm hỏi kẻ đó về sự hiện hữu của tế bào thì kẻ đó đều chưa có thời điểm nào biết về sự hiện hữu của tế bào.
Như vậy, ở ví dụ tế bào, đối với đối tượng được biết là tế bào thì nói A không đúng, còn B lại đúng. Do đó A không đồng nghĩa với B. Nam mô Phật.
Pháp Không Chân Như: "Kẻ đó muốn nói rằng, cái biết không có từ trước so với thời điểm mà "kẻ đó biết đến những hiện hữu" gọi là cái biết không kế thừa". Chân Như Vô Ngại! "Kẻ đó biết đến những hiện hữu" nhờ vào đâu?
Chân Như Vô Ngại! Chẳng phải kẻ đó nói rằng "kẻ đó biết đến những hiện hữu" là nhờ vào cái biết phát sinh cùng lúc với sự tiếp xúc, câu hội của kẻ đó với thứ được biết hay sao. Kẻ đó muốn khẳng định rằng, cái biết không có sự kế thừa.
Nếu kẻ đó lại nói rằng, cái biết có thể không phát sinh cùng lúc, mà là phát sinh sau đó, hoặc không bao giờ phát sinh đối với cái thứ mà kẻ đó tiếp xúc, câu hội. Kẻ đó nói như vậy không đúng. Vì kẻ đó nói như vậy là kẻ đó đã có tiếp xúc, câu hội. Đã có tiếp xúc, câu hội nghĩa là đối với kẻ đó, đối tượng được tiếp xúc, câu hội đang hiện hữu. Vậy sao nói là không biết chúng đang hiện hữu.
Nếu kẻ đó lại nói kẻ đó chưa từng tiếp xúc, câu hội nên cái biết về sự hiện hữu của chúng chưa phát sinh. Kẻ này nói vậy cũng không đúng. Vì kẻ này đã tiếp xúc, câu hội với tế bào.
Ở đây, Chân Như Vô Ngại, đoạn này đang nói đến kẻ không tin có luân hồi nhưng xác định cái biết về những hiện hữu không có sự kế thừa, mà là cái biết về những hiện hữu phát sinh cùng lúc với sự tiếp xúc, câu hội của kẻ đó đối với thứ được biết. Tại đây, chúng ta chứng minh lời của kẻ đó nói thế nào cũng bị mâu thuẫn. Buộc kẻ đó phải tin rằng cái biết về những hiện hữu có sự kế thừa từ trước.
Và sau đó, chúng ta lại tiếp tục chứng minh lời của một kẻ đó nói thế nào cũng bị mâu thuẫn. Đó là, kẻ đó không tin luân hồi nhưng xác định cái biết về những hiện hữu có sự kế thừa từ trước.
Chân Như Vô Ngại! Chúng ta lần theo suy nghĩ của kẻ đó, và lần lượt chứng minh lời của kẻ đó luôn mâu thuẫn khi kẻ đó không tin có luân hồi, để cuối cùng, kẻ đó được đưa đến quyết định rằng: có luân hồi.
Chân Như Vô Ngại: Con đã hiểu lộ trình rồi. Nhưng có trường hợp thế này. Nếu cái biết có được kế thừa từ trước khi kẻ đó tiếp xúc, câu hội với đối tượng được biết thì tại sao khi tiếp xúc, câu hội với tế bào, họ lại không có cái biết sự hiện hữu của tế bào. Nam mô Phật.
Pháp Không Chân Như: Chân Như Vô Ngại! Khi đã xác định cái biết về những hiện hữu có sự kế thừa thì tiếp xúc, câu hội chưa chắc đã biết. Khi đó phải có sự tích lũy và kế thừa thì mới biết.
Chân Như Tuệ Không: Thưa Thầy, con biết được con đang hiện hữu, đang tồn tại. Con biết được những vật xung quanh con đụng chạm được không phải là con. Con biết được chúng đang hiện hữu. Cái biết này đã sẵn có trong con. Thầy cho con hỏi, vậy cái biết này từ đâu mà con có được?
Pháp Không Chân Như: Chân Như Tuệ Không, đứng ở góc độ là Phật tử, tất nhiên đã tin có luân hồi, tức là ta có từ vô thỉ và luân hồi cho đến nay. Cái biết về những hiện hữu, trong đó có biết mình đang hiện hữu.
Trong những cái biết hiện tại, trong từng cái biết đó, có cái biết là của Ta, của Phật tánh của ta chưa từng thay đổi, có cái biết được phát sinh, thay thế, tích lũy từ vô thủy đến nay, hiện tại, ngay bây giờ.
Cái được phát sinh, thay thế, tích lũy từ vô thủy đến nay, hiện tại, ngay bây giờ thuộc về tàng thức, thuộc về trung ấm, thuộc về năm uẩn.
Còn cái biết luôn có mặt để những cái biết khác hiện hữu và tồn tại như phát sinh, thay thế, tích lũy từ vô thủy đến nay, hiện tại, ngay bây giờ thì không thuộc về tàng thức, không thuộc năm uẩn. Cái biết này là thường hằng, không bao giờ thay đổi. Cái biết này là của Ta, là của Phật tánh của ta.
Chân Như Vô Ngại: Khi nói cái biết phải do tích luỹ và kế thừa mới có được. Vậy kẻ đó nói khi kẻ đó đang tiếp xúc, câu hội với đối tượng hiện hữu, sở dĩ chưa biết được là do chưa tích luỹ mà biết được chứ chưa chắc là do kế thừa cái biết. Thưa Thầy, với ý này sẽ như thế nào?
Pháp Không Chân Như: Chân Như Vô Ngại! Nếu nói "sở dĩ chưa biết được là do chưa tích luỹ mà biết được chứ chưa chắc là do kế thừa cái biết" là không đúng. Vì sao? "Sở dĩ chưa biết được là do chưa tích lũy" tức là do tích lũy mà biết. Vậy cái biết này là có sự kế thừa (từ tích lũy).
Chân Như Vô Ngại: Con đã thông hiểu. Con cám ơn Thầy. Vấn đề này sẽ được lần đến thời điểm kẻ đó có cái biết sự hiện hữu đầu tiên khi ở trong bụng mẹ. Cái biết này cũng có được là do kế thừa và tích luỹ cái biết từ quá khứ, trước khi có cái biết sự hiện hữu đầu tiên ở trong bụng mẹ. Tức là có sự kế thừa và tích luỹ từ kiếp trước. Con hiểu vậy đúng không thưa Thầy?
Pháp Không Chân Như: Có thể như vậy, Chân Như Vô Ngại! Cũng có thể khi kẻ đó tin rằng cái biết có sự kế thừa từ trước và không phải từ việc thụ thai, từ cha, từ mẹ, hoặc từ cha mẹ, thì kẻ đó sẽ lại nói kẻ đó có "linh hồn" nhưng không có luân hồi, như kinh thánh đã nói. Nam mô Phật.
Cho dù một kẻ có được phương tiện thiện xảo cũng chưa hẳn độ được kẻ không tin có luân hồi, Chân Như Vô Ngại à! Có những kẻ được gọi là Nhứt xiển đề. Kẻ này chưa độ được. Phật cũng không độ được.
Vân Tường: Cách hỏi và trả lời của Pháp Không Chân Như mình cảm thấy giới hạn người đọc, vì có nhiều người huệ căn không đủ thì sẽ không hiểu và trở thành trở ngại khi muốn đến học pháp với Pháp Không Chân Như. Cũng chủ đề này có thể dùng ngôn ngữ giản dị hơn để mọi người ở mọi tầng lớp đều hiểu cũng như cổng chùa mở không có giới hạn tầng lớp người đi vào được không Pháp Không Chân Như?
Mình nói câu này là không muốn nói với ai trong các vị đang trao đổi về chủ đề được chỉ dẫn; nhưng vì câu nói này liên quan đến điều mình muốn nói và cũng có sự tương đồng với chủ đề. Mình nói như vậy Pháp Không Chân Như có hiểu ý mình không?
Pháp Không Chân Như: Vân Tường! Cô nói chẳng sai. Tuy nhiên, trong trường hợp này, không có một phương tiện mà có thể cho tất cả được. Nếu một người như một học giả về thuyết đoạn diệt, thì nói đơn giản, người ấy chẳng xem ra gì. Nếu một người có huệ căn không đủ mà nói như trên, người ấy cũng chẳng hiểu được. Ở đây, tôi đang nói cho người như học giả, hoặc gần như vậy. Còn người huệ căn chưa đủ thì không biết thế nào là nói cho vừa. Trường hợp này, tùy theo người đối diện mà nói vậy. Cho nên, những đoạn đầu, tôi đã nói, ta không thể đóng vai người đó mà hỏi được vì ta không biết chính xác người đó muốn nói gì. Nương theo lời người hỏi mà nói là hợp với người đó. Có người, ta chỉ cần nói một ít thì họ đã tin có luân hồi. Có người ta phải nói thật sâu sắc thì mới tin có luân hồi. Cảm ơn cô đã góp ý.
Chân Như Vô Ngại: Nam mô Phật. Con xin tri ân công đức Thầy và ghi nhớ lời Thầy dạy. Và con hiểu điều chúng con cần làm là học cho được phương tiện thiện xảo để độ ai được thì độ. Còn gặp kẻ Nhứt Xiển Đề ta cứ biện tài hết mức mà không được thì đành vậy. Ít ra cũng đã gieo nhân Phật pháp cho họ.
Trong trường hợp kẻ đó nói cái biết là do "linh hồn" hoặc do cha, mẹ mà có thì con chưa nghĩ ra được các trường hợp để hỏi.
Pháp Không Chân Như: Cô Vân Tường nói có cái lý của cô ấy, Chân Như Vô Ngại à. Sự thật sẽ không diễn ra đơn giản như Vân Tường đã nói vì họ không phải là Vân Tường - người đã có niềm tin này. Như trên đã nói, tùy cơ ứng biến nha. Không có một lối nói chung cho tất cả. Như những đoạn đầu định nói với Nguyên Thanh đơn giản vậy thôi. Sự thật đã diễn ra như Vân Tường đã đọc. Tùy cơ ứng biến vậy.
Vân Tường: Nếu không có sự hoan hỷ trong người thì mình không dám đọc những điều Pháp Không Chân Như chỉ dẫn và mọi người cùng nhau học hỏi đâu. Vì mình không làm bạn hiểu ý mình nói. Mình mới là người gởi đến bạn sự hoan hỷ của bạn. Bạn hoan hỷ cho Vân Tường nha.
Chân Như Vô Ngại: Bạn Vân Tường! Không có ai sai đâu. Chúng ta đang cố gắng hoàn thiện mình và tác ý tốt đến kẻ chưa tin có luân hồi. Mình và bạn đều hoan hỷ với những lời góp ý mà. Mình chúc bạn luôn tinh tấn tu học để độ mọi người, thân tâm thường an lạc nhé. Nam mô Phật.
Chân Như Bồ Đề: Nam Mô Phật! Xin cho con được đôi lời ạ! Chị Vân Tường mến! Em hiểu cảm giác của chị. Vì lúc đầu đọc Pháp của Sư Phụ, em cũng không hiểu đâu. Em cũng nghĩ như chị vậy. Nhiều người sẽ không hiểu. Nhưng mà cũng do duyên chị ạ. Em đọc vài lần thì hơi hơi hiểu. Em lại đọc tiếp nhiều lần như vậy, phân tích từng câu, từng chữ, ngẫm nghĩ mãi mới hiểu được. Như bài này em cũng chưa hiểu. Cứ từ từ đọc, không vội, không gấp rồi sẽ hiểu.
Pháp Không Chân Như: Như Chân Như Tuệ Không nói, cái biết (một) - cái biết bắt đầu, nó hình thành trong bụng mẹ. Nếu kẻ không tin luân hồi nhưng xác định rằng cái biết có sự kế thừa, và cho rằng cái biết (một) - cái biết bắt đầu để cho ra cái biết về những hiện hữu thì kẻ đó nghĩ cái biết bắt đầu đó có mặt từ khi nào trong bụng mẹ? Chư vị nghĩ thế nào?
Chân Như Tuệ Không: Thưa Thầy, nếu kẻ đó nghĩ rằng cái biết bắt đầu có mặt, khi cơ thể bé đã hoàn chỉnh trong bụng mẹ. Nếu kẻ đó nghĩ như vậy thì không đúng.
Pháp Không Chân Như: Như Chân Như Tuệ Không nói, cái biết (một) - cái biết bắt đầu, nó hình thành trong bụng mẹ. Nếu kẻ không tin luân hồi nhưng xác định rằng cái biết có sự kế thừa, và cho rằng cái biết (một) - cái biết bắt đầu để cho ra cái biết về những hiện hữu thì kẻ đó nghĩ cái biết bắt đầu đó có mặt từ khi nào trong bụng mẹ? Chư vị thử nghĩ xem, kẻ đó sẽ nói cái biết bắt đầu có mặt từ khi nào?
Chân Như Vô Ngại: Con xin có chút ý kiến về câu hỏi “cái biết bắt đầu (một) có mặt từ khi nào trong bụng mẹ?”. Theo con nghĩ nếu một kẻ không tin Phật pháp, không tin có luân hồi thì họ cũng không có khái niệm gì về ngũ uẩn hay chúng sanh cả. Mỗi người có cái hiểu về thai nhi trong bụng mẹ khác nhau. Theo con, có thể kẻ đó nói cái biết bắt đầu (một) có từ khi bắt đầu thụ thai, hoặc khi có tim thai hoặc có khi có bộ não,… (tức là một thời điểm trong quá trình hình thành thai). Cái biết đó được kế thừa từ cái biết của chủng tử X và Y của bố mẹ (tức là do bố mẹ). Hoặc như trường hợp Thầy nói về quan điểm của một số đạo khác, khi thụ thai thì có một “linh hồn” nhập vào thai nhi. Con chỉ nghĩ có được vậy. Nam mô Phật.
Chân Như Bồ Đề: Nam Mô Phật! Con cũng nghĩ như huynh Chân Như Vô Ngại. Kẻ đó sẽ nói tại thời điểm phôi thai nhận được sự quan tâm từ mẹ, sự vuốt ve, sự nói chuyện. Thì cái biết (một) hình thành, khi phôi thai có tim và bộ não.
Pháp Không Chân Như: Vậy thì hãy thử nghĩ xem, kẻ đó sẽ nói cái biết đó là biết thứ gì?
Chân Như Vô Ngại: Thưa Thầy, con nghĩ cái biết đó là cái biết đang có sự hiện hữu của mình.
Chân Như Bồ Đề: Con nghĩ kẻ đó sẽ nói đó là cái biết về tình thương, tình thương của người mẹ dành cho kẻ đó.
Chân Như Tuệ Không: Thưa Thầy, vì kẻ không tin luân hồi nhưng xác định rằng cái biết có sự kế thừa, và cho rằng cái biết (một) - cái biết bắt đầu để cho ra cái biết về những hiện hữu. Theo con kẻ đó nghĩ cái biết bắt đầu đó có mặt khi cơ thể bé đã hoàn chỉnh trong bụng mẹ. Kẻ đó nghĩ là lúc mới bắt đầu thụ thai cũng có cái biết. Vì kẻ đó xác định rằng cái biết có sự kế thừa. Nếu nói cái biết có mặt lúc thụ thai, kẻ đó biết trước đó đã có cái biết. Nhưng lại không tin luân hồi, kẻ đó biết mình mâu thuẫn. Nên kẻ đó không nói cái biết có mặt lúc thụ thai, hoặc có trước đó. Kẻ đó sẽ nói cái biết bắt đầu có mặt khi cơ thể bé đã hoàn chỉnh trong bụng mẹ.
Pháp Không Chân Như: Chư Phật tử! Nếu một kẻ nói cái biết của kẻ đó kế thừa từ cha thì lẽ ra những gì cha biết thì kẻ đó phải biết. Nếu kẻ đó nói cái biết của kẻ đó kế thừa từ mẹ thì lẽ ra những gì mẹ biết thì kẻ đó phải biết. Nếu kẻ đó nói cái biết của kẻ đó bắt đầu từ giọt máu của cha thì lẽ ra giọt máu của cha cũng có cái biết. Nếu kẻ đó nói cái biết của kẻ đó bắt đầu từ giọt máu của mẹ thì lẽ ra giọt máu của mẹ cũng có cái biết.
Nếu kẻ đó nói cái biết của kẻ đó bắt đầu từ lúc thụ tinh, hoặc từ lúc có tế bào não bộ, hoặc từ lúc có tim,… hoặc từ lúc có bộ não, hoặc từ lúc có đầy đủ thân người thì cái biết bắt đầu này là cái biết về thứ gì.
Nếu nói rằng cái biết bắt đầu như vậy là cái biết về sự hiện hữu của chính mình thì không đúng. Vì sao? Vì cái biết về sự hiện hữu của chính mình phải nương vào cái biết về thứ hiện hữu không phải mình. Nếu không biết về thứ hiện hữu không phải mình thì không thể biết mình đang hiện hữu. Nếu nói rằng không biết về thứ hiện hữu không phải mình nhưng biết về sự hiện hữu của chính mình thì không đúng. Vì nếu như vậy, lẽ ra trong suốt thời gian ngủ, kẻ đó đang hiện hữu, đang tồn tại, thì kẻ đó phải xuyên suốt biết mình đang hiện hữu. Kẻ đó đã không xuyên suốt biết mình đang hiện hữu khi kẻ đó đang ngủ.
Nếu kẻ đó nói rằng cái biết bắt đầu như vậy là cái biết về những hiện hữu không phải mình thì không đúng. Vì sao? Vì nếu kẻ đó không biết mình đang hiện hữu thì không thể biết rằng cái thứ kia không phải là mình.
Nếu kẻ đó nói rằng cái biết bắt đầu như vậy gồm hai cái biết, cái biết về sự hiện hữu của chính mình và cái biết về những hiện hữu không phải mình thì không đúng. Vì sao? Vì hai cái biết đó không thể xảy ra cùng một lúc, mà cần phải có thời gian câu hội, tiếp xúc, dù thời gian đó vô cùng ngắn. Nghĩa là trong hai cái biết đó, phải có cái biết xuất hiện trước và cái biết xuất hiện sau.
Cho nên, nếu kẻ đó nói cái biết của kẻ đó bắt đầu từ lúc thụ tinh, hoặc từ lúc có tế bào não bộ, hoặc từ lúc có tim,… hoặc từ lúc có bộ não, hoặc từ lúc có đầy đủ thân người thì không đúng.
Kẻ đó đã không tìm thấy cái biết được bắt đầu. Cho nên kẻ đó nói, cái biết đã có sự kế thừa từ trước, không phải từ cha, mẹ, nhẫn đến thân người. Khi đó, kẻ đó có thể nói, và chỉ có thể nói, cái biết kế thừa từ kiếp trước, hoặc cái biết của linh hồn của kẻ đó do một đấng toàn năng ban cho.
Trên đây là một đoạn phương tiện điều phục kẻ không tin có luân hồi. Chư Phật tử hoan hỷ, cố gắng phản biện để đem lại lợi ích cao nhất.
Chân Như Vô Ngại: Nam mô Phật. Con xin có câu phản biện đầu tiên ạ. Kẻ không tin có luân hồi trả lời lại rằng, cái biết của họ được kế thừa từ cha mẹ là một cái biết duy nhất, là cái biết sự hiện hữu của chính kẻ đó. Thời điểm của cái biết đó là thời điểm đầu tiên mà cả cha mẹ và kẻ đó đều cùng có cái biết sự hiện hữu của chính kẻ đó trong bụng mẹ. Từ cái biết này sẽ tích lũy những cái biết về sau.
Pháp Không Chân Như: Chân Như Vô Ngại! Cái biết bắt đầu là cái biết duy nhất về sự hiện hữu của chính kẻ đó thì tôi đã nói rồi.
Chân Như Vô Ngại: Nam mô Phật. Con cũng đã tìm thấy lỗi sai của câu phản biện này rồi ạ. Vì không có thời điểm nào là thời điểm cả 3 người là cha, mẹ và kẻ đó cùng có cái biết về sự hiện hữu của kẻ đó ạ. Con xin suy nghĩ thêm.
Vân Tường: Cám ơn Thầy đã giảng lại cho các Phật tử nhiều thắc mắc rối ren nhưng đơn giản như Thầy chưa từng nghĩ tới. Thầy đã chịu khó dù chỉ một người. Trò vẫn giữ câu nói ban đầu. Thời mạt pháp này hiếm có người mạnh mẽ dẫn dắt từng người đi đến con đường Phật pháp.
Pháp Không Chân Như: Cảm ơn Vân Tường đã gợi ý cho mọi người cách để thâm nhập Phật pháp. Ta sẽ cảm nhận sự đơn giản, ý tứ mộc mạc trong cái tinh tế của Phật pháp khi ta trở về ngôn ngữ đời thường, an trú ở ngôn ngữ giản đơn để đọc một cách chậm rãi. Lắng đọng liên tưởng đến những đối tượng mà ta hoàn toàn có thể chạm tay đến. Khi đó, ta sẽ thấy nó thật giản dị, không có gì là phức tạp, rối ren.
Như các đoạn pháp trên, mọi người chỉ cần lắng đọng, nhắm mắt lại và liên tưởng, thì cái biết về sự hiện hữu, nó rất mộc mạc, không cần phải biết nó có tên gì, hình dạng ra sao, màu sắc thế nào, xấu hay đẹp,... chạm đến, ta biết nó đang hiện hữu. Chỉ vậy thôi. Như một người mù chạm tay vào bức tường mà thôi.
Chân Như Tuệ Quang: Thưa Thầy, nếu có kẻ không tin luân hồi nói rằng cái biết có sự kế thừa vào cái biết ban đầu (một). Kẻ đó nói cái biết ban đầu là cái biết trong bụng mẹ, là cái biết không có sự kế thừa, là cái biết làm nền tảng cho cái biết sau đó nối tiếp cho đến cái biết cuối cùng khi chết là không biết nữa, nghĩa là cái biết chấm dứt. Nhờ thầy chỉ dạy cho con.
Pháp Không Chân Như: Câu hỏi của Chân Như Tuệ Quang thì tôi đã nói ở trên rồi.
Chân Như Vô Ngại: Xin Thầy nói rõ chỗ này, con chưa hiểu: "Nếu nói rằng cái biết bắt đầu như vậy là cái biết về sự hiện hữu của chính mình thì không đúng. Vì sao? Vì cái biết về sự hiện hữu của chính mình phải nương vào cái biết về thứ hiện hữu không phải mình".
Trong trường hợp họ thừa nhận cái biết được kế thừa. Tất cả mọi cái biết về sau được kế thừa từ cái biết ban đầu (một). Như vậy, trước cái biết một sẽ không có cái biết nào cả, kể cả chữ "trước". Trong đoạn trên nói cái biết một là cái biết đang hiện hữu của chính mình. Do vậy, tại sao lại nói cái biết một đó phải nương vào cái biết về thứ hiện hữu không phải mình? Trước cái biết (một) có cái biết nào đâu mà cái biết (một) phải nương nhờ?
Pháp Không Chân Như: Ông nói trước cái biết (một) chưa từng có cái biết nào là ông dựa vào đâu vậy Chân Như Vô Ngại?
Chân Như Vô Ngại: Trong trường hợp kẻ không tin luân hồi đã bị thuyết phục rằng cả cái biết (một) cũng là do kế thừa từ trước. Trường hợp đó họ sẽ không lý luận được nữa. Sau đó họ hỏi lại là theo họ thì họ có một cái biết đầu tiên, từ cái biết đầu tiên thì những cái biết sau lấy nó là cái biết kế thừa và tích luỹ dần thành những cái biết sau. Trong trường hợp này thì lại khác (ngày trước mẹ của con nói tạo hoá sinh ra đã vậy). Vậy, giả sử có kẻ nói tạo hoá sinh ra cho cái biết đầu tiên, trước đó không có cái biết nào thì sao ạ?
Pháp Không Chân Như: Tạo hóa là gì vậy Chân Như Vô Ngại?
Chân Như Vô Ngại: Con cũng chưa tìm hiểu chuẩn nghĩa của từ tạo hoá ạ. Nhưng theo con, họ nghĩ tạo hoá là lẽ tự nhiên, mặc định là như vậy ạ.
Pháp Không Chân Như: Mặc định từ lúc nào và vào cái gì vậy. Cái gì mặc định, cái gì được mặc định?
Chân Như Vô Ngại: Họ nghĩ mặc định rằng con người sinh ra đã tự nhiên, đã có cái biết rằng mình đang hiện hữu, là cái biết một, trước đó không có cái biết nào. Theo con phần lớn người không tin luân hồi đều nghĩ vậy ạ.
Pháp Không Chân Như: Lập lại rồi. Cái biết đó có từ lúc nào?
Chân Như Vô Ngại: Con thấy chưa lặp lại. Thầy hoan hỷ chỉ cho con ạ. Họ nói cái biết được bắt đầu ngay trước khi bắt đầu có tim thai thì sao ạ. Tại thời điểm đó cái biết bắt đầu xuất hiện. Rồi kẻ đó bắt đầu thấy tim thai mình đập,... Nam mô Phật. Khi đó, cái biết này có phải nương nhờ vào cái gì đâu ạ. Trước thời điểm đó không có cái biết, cũng không phải nương nhờ vào đâu vì mặc định tạo hoá đã vậy.
Pháp Không Chân Như: Chân Như Vô Ngại đã quán kỹ chưa mà hỏi vậy? Về đoạn này: "Họ nói cái biết được bắt đầu ngay trước khi bắt đầu có tim thai thì sao ạ. Tại thời điểm đó, cái biết bắt đầu xuất hiện. Rồi kẻ đó bắt đầu thấy tim thai mình đập,..." thì tôi đang giảng rồi, bác bỏ rồi.
Chân Như Vô Ngại: Con chưa thấy ạ. Thầy cho con xin suy ngẫm lại ạ. Nam mô Phật.
Pháp Không Chân Như: Còn đoạn này "Khi đó, cái biết này có phải nương nhờ vào cái gì đâu ạ. Trước thời điểm đó không có cái biết, cũng không phải nương nhờ vào đâu vì mặc định tạo hoá đã vậy" thì mâu thuẫn.
Dựa vào đâu mà nói trước thời điểm đó không có cái biết? Dựa vào lời của kẻ đó, không phải vậy hay sao. Mà lời của kẻ đó đã bị bác bỏ do đã chỉ ra được thời điểm bắt đầu như tôi đã giảng trước đây.
Dựa vào một lời đã bị bác bỏ để nói trước đó không có cái biết là vô lý. Còn nói do mặc định thì tôi hỏi mặc định đó vào cái gì, vào lúc nào? Trả lời câu hỏi này thì chắc chắn lặp lại từ đầu: chỉ ra thời điểm và đối tượng có cái biết (một).
Đây là đoạn tôi đã giảng để bác bỏ sự việc kẻ đó chỉ ra được đối tượng và thời điểm của cái biết đầu tiên:
Chư Phật tử! Nếu một kẻ nói cái biết của kẻ đó kế thừa từ cha thì lẽ ra những gì cha biết thì kẻ đó phải biết. Nếu kẻ đó nói cái biết của kẻ đó kế thừa từ mẹ thì lẽ ra những gì mẹ biết thì kẻ đó phải biết. Nếu kẻ đó nói cái biết của kẻ đó bắt đầu từ giọt máu của cha thì lẽ ra giọt máu của cha cũng có cái biết. Nếu kẻ đó nói cái biết của kẻ đó bắt đầu từ giọt máu của mẹ thì lẽ ra giọt máu của mẹ cũng có cái biết.
Nếu kẻ đó nói cái biết của kẻ đó bắt đầu từ lúc thụ tinh, hoặc từ lúc có tế bào não bộ, hoặc từ lúc có tim,… hoặc từ lúc có bộ não, hoặc từ lúc có đầy đủ thân người thì cái biết bắt đầu này là cái biết về thứ gì.
Nếu nói rằng cái biết bắt đầu như vậy là cái biết về sự hiện hữu của chính mình thì không đúng. Vì sao? Vì cái biết về sự hiện hữu của chính mình phải nương vào cái biết về thứ hiện hữu không phải mình. Nếu không biết về thứ hiện hữu không phải mình thì không thể biết mình đang hiện hữu. Nếu nói rằng không biết về thứ hiện hữu không phải mình nhưng biết về sự hiện hữu của chính mình thì không đúng. Vì nếu như vậy, lẽ ra trong suốt thời gian ngủ, kẻ đó đang hiện hữu, đang tồn tại, thì kẻ đó phải xuyên suốt biết mình đang hiện hữu. Kẻ đó đã không xuyên suốt biết mình đang hiện hữu khi kẻ đó đang ngủ.
Nếu kẻ đó nói rằng cái biết bắt đầu như vậy là cái biết về những hiện hữu không phải mình thì không đúng. Vì sao? Vì nếu kẻ đó không biết mình đang hiện hữu thì không thể biết rằng cái thứ kia không phải là mình.
Nếu kẻ đó nói rằng cái biết bắt đầu như vậy gồm hai cái biết, cái biết về sự hiện hữu của chính mình và cái biết về những hiện hữu không phải mình thì không đúng. Vì sao? Vì hai cái biết đó không thể xảy ra cùng một lúc, mà cần phải có thời gian câu hội, tiếp xúc, dù thời gian đó vô cùng ngắn. Nghĩa là trong hai cái biết đó, phải có cái biết xuất hiện trước và cái biết xuất hiện sau.
Cho nên, nếu kẻ đó nói cái biết của kẻ đó bắt đầu từ lúc thụ tinh, hoặc từ lúc có tế bào não bộ, hoặc từ lúc có tim, … hoặc từ lúc có bộ não, hoặc từ lúc có đầy đủ thân người thì không đúng.
Kẻ đó đã không tìm thấy cái biết được bắt đầu. Cho nên kẻ đó nói, cái biết đã có sự kế thừa từ trước, không phải từ cha, mẹ, nhẫn đến thân người. Khi đó, kẻ đó có thể nói, và chỉ có thể nói, cái biết kế thừa từ kiếp trước, hoặc cái biết của linh hồn của kẻ đó do một đấng toàn năng ban cho.
Trên đây là một đoạn phương tiện điều phục kẻ không tin có luân hồi. Chư Phật tử hoan hỷ, cố gắng phản biện để đem lại lợi ích cao nhất.
Chư vị còn thắc mắc gì nữa không?
Chân Như Vô Ngại: Thưa Thầy, tạm thời con chưa hiểu hết được những lời Thầy dạy ở trên. Con xin suy ngẫm thêm. Xin Thầy tiếp tục bài giảng ạ.
Chân Như Tuệ Quang: Nhờ thầy giảng rõ cho con nhân duyên gì sau kiếp súc sanh có thể làm kiếp con người hoặc sau kiếp con người có thể làm kiếp súc sanh.
Pháp Không Chân Như: Chân Như Tuệ Quang! Nghiệp tương ưng loài nào thì cảm ứng thọ thân loài đó.
Chân Như Tuệ Quang: Thưa Thầy, khi nào thì súc sanh có thể thọ thân người vậy Thầy. Có phải những súc sanh gần gũi và thân thiết với con người thì những súc sanh đó sẽ dễ thành tựu thân người ở kiếp sau không?
Pháp Không Chân Như: Nhân gì mà Chân Như Tuệ Quang cứ phải hỏi y lại những gì tôi đã trả lời rồi vậy? Trước khi hỏi thì ông cũng nên bỏ một thời gian quán xét, thực hành để trí huệ của ông tăng trưởng. Ông chỉ nghe tôi giảng để biết không thì chẳng ích lợi gì cho ông.
Nếu ông cứ nghĩ đến khi nào súc sanh thọ mạng chung thì thọ thân người thì ông đã phân biệt rạch ròi quá rồi. Sáu cõi cũng chỉ là tương đối để phân biệt chứ làm gì có cái ranh giới rõ ràng nào nằm ở giữa.
Chân Như Tuệ Quang: Con quán thấy các loài chó, khỉ và các loài thú được con người nuôi làm thú cưng được thường xuyên tiếp xúc với con người hơn so với các loài sâu bọ và các loài thú hoang dã. Vì những con vật gần gũi với con người thì có đủ nhân duyên thành tựu thân người hơn so với các loài kia. Nên con hỏi Thầy cách quán xét như thế có phù hợp với nghiệp báo hay có sai sót gì không. Mong thầy hoan hỷ. Nam mô Phật.
Pháp Không Chân Như: Chân Như Tuệ Quang! Không thể nghĩ bàn. Làm sao ta biết cụ thể từng chúng sinh đã tích lũy công đức như thế nào. Mỗi con người trên Trái đất ta còn không biết cụ thể họ thế nào huống chi là nhiều loài súc sanh.
(Hoàng Lạc kết tập vào ngày 16/11/2016, chỉnh sửa ngày 14/6/2022)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét