Chúng ta thường nghe nói Pháp giới. Vậy có bao nhiêu Pháp giới? Có nhiều, cụ thể như Thập pháp giới là Địa ngục pháp giới, Súc sanh pháp giới, Ngạ quỉ pháp giới, Tu-la pháp giới, Nhơn pháp giới, Thiên pháp giới, Thanh văn pháp giới, Duyên giác pháp giới, Bồ-tát pháp giới, Phật pháp giới. Rồi cũng có Tứ pháp giới là Sự pháp giới, Lý pháp giới, Lý sự vô ngại pháp giới, Sự sự vô ngại pháp giới. Cũng có Nhất chơn pháp giới, cũng có Trùng trùng pháp giới. Chữ pháp giới trong kinh dùng nhiều chỗ lắm. Có nơi còn có chữ pháp giới tánh nữa. Vậy chúng ta phải tìm hiểu từng chữ một.
Như ta biết, cái gì có tính cách riêng có thể làm cho biết được cái ấy là cái ấy, không thể lẫn lộn với cái khác. Như khi ngắm núi ta biết đó là núi, vì nó có đá, có cây cao hơn các chỗ khác. Nếu trong khi ta ngắm núi mà nghĩ tới một câu thơ hùng vĩ, ta mơ cái tính cách anh hùng, thì cái mơ tới tính cách anh hùng, nhớ câu thơ hùng vĩ, đó cũng là một pháp. Nó có tính cách riêng của nó, tất cả đều gọi là pháp cả. Mỗi pháp đều có tính cách riêng, không thể lẫn lộn với các pháp. Vậy mỗi pháp tức có phạm vi giới hạn của nó. Bàn không phải là ghế, núi không phải là sông. Thấy không phải là nghe. Phạm vi của pháp nào thì có giới hạn của pháp đó, đó là pháp giới. Nhưng chưa hết, chữ giới có hai nghĩa: Một là phạm vi giới hạn của từng pháp đó như thấy không phải là nghe. Hai là chữ giới có nghĩa là cõi. Cõi là phạm vi cùng tột của pháp ấy trong thời gian và không gian. Vậy thì pháp giới theo nghĩa hẹp là cõi của một pháp. Theo nghĩa rộng, pháp giới có nghĩa như vũ trụ, là không gian vô cùng và thời gian vô tận. Vậy khi nói pháp giới cũng như nói vũ trụ là gồm tất cả, không có một cái gì thoát ra ngoài nó. Chẳng hạn như nói: “Trăm năm trong cõi người ta”. Vậy cõi người ta ngang đâu? Ngang đâu là cõi người ta? Ngay trong cái phòng chắc? Hay ra bến xe? Thật ra khó định cõi người ta ngang đâu lắm, chữ pháp giới như vậy đó.
Cái tính của pháp giới nó ra sao? Về tính chơn thật của pháp giới, thật ra không có cái tính chơn thật nào là tính chơn thật của pháp giới hết. Tính chơn thật của pháp giới là tính tuyệt đối đối đãi. Đó là tính chơn thật của pháp giới, chỉ có đối đãi với chung quanh mà hiện ra tính cách. Nếu không có đối đãi chung quanh thì không hiện ra tính cách gì hết. Vì là đối đãi cho nên cái ghế nó tùy chỗ đối đãi với cái pháp, có tính cách riêng của nó là như thế này, như thế kia, như thế nọ. Vậy thì cái ghế là một pháp trong vũ trụ của các pháp khác. Nó đối đãi với tất cả pháp mới thành nó. Vậy thì cái ghế cũng có trăm năm trong cõi cái ghế. Nó cũng có cảnh, có vũ trụ của nó, vì nó có cái sự đối đãi chung, mặt nọ mặt kia đủ thứ, mới thành cái ghế. Chứ còn nếu như không, một mình trơ trọi, trên trời dưới đất gì cũng một mình nó thì có thành cái ghế không? Thành thử nó cũng là trăm năm trong cõi cái ghế, như nhau. Pháp khắc cũng có tính cách đối đãi với cái ghế. Vậy toàn thể tính cách ấy là tánh vũ trụ của cái ghế. Cứ như vậy mà suy ra trong giọt nước có muôn vạn vi trùng. Vậy đối với vi trùng, tất giọt nước kia là thế giới của chúng. Vậy mà cứ mỗi ngày ta uống hết bao nhiêu giọt nước như vậy, thì mình chính là cái thế giới của muôn vạn con vi trùng. Cái bụng mình là thế giới của muôn vạn con vi trùng, vậy thì biết đâu rằng mình cũng là con vi trùng trong cái bụng của thế giới con khác. Làm sao tránh khỏi chuyện đó. Đã là đối đãi thì các pháp ta nhận biết thật đều do đối đãi với thân ta mà có tính cách. Vậy thì đã là đối đãi như vậy, cho nên chuyện ai đối đãi đâu mặc kệ, chính riêng mình, cái pháp đối với mình, chính do đối đãi với thân mình mà nó có tính cách. Bởi vì chân ta mềm nên đá mới cứng chứ. Cái gì hợp với mắt thì cho là đẹp, cái gì vừa miệng thì cho là ngon. Do đó cũng nhiều quán ăn, người thì thích quán này kẻ thì thích quán khác. Nếu không thì chỉ cần làm một món chứ mắc mớ gì làm nhiều món. Tánh cách của pháp giới chỉ vì đối đãi mà có, thì nó chỉ có với ta, của riêng ta, vũ trụ ta nhận biết thật là vũ trụ của riêng ta. Bất kỳ một pháp gì cũng đều có vũ trụ riêng của pháp ấy. Con lăng quăng thế giới của nó là bể cạn, con muỗi thế giới của nó là góc vườn, hạt cát thế giới của nó là bãi sa mạc. Thì trong cái thế giới sa mạc của hạt cát, ở đó gỗ là mềm mà sắc là cứng. Chính trong loài người chúng ta hình như cùng chung trong một vũ trụ, nhưng kỳ thật vũ trụ của ta khác nhau xa lắm. Chợ Bến Thành của em bé nó khác hơn chợ Bến Thành của người lớn, của các bà ngồi bán trong chợ. Nước Việt Nam của người Việt Nam khác với nước Việt Nam của người ngoại quốc. Khác nhau xa lắm. Đã tuyệt đối đối đãi như vậy thì tâm hay cảnh không thể là hai được. Đã không thể là hai thì lấy gì làm giới hạn, ranh giới của pháp này ranh giới của pháp khác, cái giới hạn ấy có chăng chỉ do cái giả danh, cái nhận thức sai lầm của ta mà có thôi. Khi đã biết đối đãi mà có các pháp, có tánh cách thì nếu một nguyên tắc nào trong vũ trụ thay đổi, chắc chắn tính cách vũ trụ đo cũng thay đổi. Áo chật trong khi ta mập, áo rộng trong khi ta gầy, ta gầy cho nên tính chất cái áo nó thay đổi, ta mập cho nên tính cách cái áo cũng thay đổi. Ta lành cho nên tính cách miếng ăn cũng thay đổi, ta đắng miệng, ta đau, cho nên tính cách miếng ăn cũng thay đổi. Một nguyên tắc thay đổi thì các nguyên tắc khác cũng thay đổi. Tỷ dụ như trong lớp này mà có một người ngủ gật thì nó cũng ảnh hưởng chung cho cả lớp, chư không phải riêng người đó không mà thôi. Nó tác động lên nhau hết. Biết đâu chừng anh ngồi bên cạnh anh bắt chước ngủ gật theo cũng nên. Vì một khi biết vũ trụ thì ta nhận biết là vũ trụ riêng đối đãi với ta mà có, lại biết riêng một nguyên tắc trong vũ trụ thay đổi thì toàn thể vũ trụ cũng thay đổi, cho nên ta có thể chỉ thay đổi một tâm niệm thì vũ trụ có thể thay đổi và tạo vũ trụ theo ý muốn của ta. Và hiểu được lý chân thật ấy, ta có thể xét hiểu tất cả vũ trụ đối đãi với tất cả chúng sinh tùy tiện; và để tạo được những vũ trụ an vui cho nhau theo ý muốn, thì ảnh hưởng của ta sẽ rộng lớn vô cùng. Chân tánh của vũ trụ là tuyệt đối đối đãi, nên Đức Phật dạy rằng “nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”. Điều này có nghĩa là “Nhất nhập vào nhất thiết, nhất thiết nhập vào nhất”. Một pháp sở dĩ in tuồng có duyên cùng tất cả pháp, ảnh hưởng qua lại vô cùng tận. Do đó, một tâm niệm tham khởi lên thì cảnh giới thống khổ của ngạ quỷ hiện ra. Biết được “nhất thiết tức nhất, nhất tức nhất thiết” là giác ngộ được toàn trí, ứng dụng được pháp giới tính là toàn năng. Pháp giới tính đó chính Đức Phật đã ngộ được. Cho nên Đức Phật gọi là một vị toàn giác và toàn năng.
Nói chung lại, sự vật chỉ đối đãi, mà cái gì đem đối đãi? Chính cái tâm ta đem đối đãi, cho nên nói duy thức duy tâm là vậy. Chứ tự nó, nó có nói nó đối đãi không? Cái thước, cái bàn nó nằm bên nhau cả năm không có đụng chạm chi nhau, nó không đập lộn đâu, vì mình dính vào, anh giành cái thước anh giành cái bàn mới sinh ra đập lộn, chứ nó nằm cả đời nó có đập lộn ai bao giờ? Vậy sự đối đãi đó là đem cái tâm thức của chúng ta, ta đua cái này qua cái kia, cái kia qua cái nọ mà ta đối đãi. Mà vì cái đối đãi đó, cho nên người ta ưa cái này, nói cái này là phải, người ta thích cái kia, nói cai kia là phải. Muốn đánh đổi cái phải cái trái một cách sai lầm đó, cho nên ông Trang tử nói rằng “Dĩ chỉ dụ chỉ chi phi chỉ, bất nhược dĩ phi. Chỉ dụ chỉ chi phi chỉ, dĩ mã dụ mã chi phi mã, bất nhược dĩ phi mã dụ mã nhi phi mã. Thiên địa nhất mã, vạn vật nhất mã.” (Lấy ngón tay trỏ của ta mà ví cho ngón tay giữa của người kia, cho cái ngón tay giữa của người kia không phải là ngón tay trỏ của ta thì không bằng lấy cái ngón tay giữa người kia không phải ngón tay trỏ của người ta mà ví dụ cho cái ngón tay trỏ của ta, không phải là ngón tay giữa của người kia. Lấy con ngựa trắng này ví dụ cho con ngựa đen kia, không phải con ngựa trắng này thì không bằng lấy con ngựa đen kia, không phải con ngựa trắng này mà ví dụ cho con ngựa trắng này không phải con ngựa đen kia). Cứ như vậy dụ qua dụ lại tất cả đều thị và tất cả đều phi. Cho nên thiên địa nhất chỉ, vạn vật nhất mã. Có phải viên phấn không? – phi phấn. Có phải cái thước không? – phi thước. Có phải cái gương không? – phi gương. Ủa, vậy thì trong khi anh thấy cái gì? Vậy là cái gì? – Ngón tay. Trong khi anh thấy 3 cái phi mà không nói phi mã lại nói thị phi thước, phi phấn, phi gương. Thế thì nói tôi thấy cái gì? Tôi thấy cái phi thước, phi gương? Sao nói tôi thấy cái đó mà nói tôi thấy ngón tay. Nói vậy có sai không? Anh em đã học Trung luận rồi thì phải biết điều đó. Cái này có phải ngón tay không? Phi tay. Có phải phấn không? Phi phấn. Có phải gương không? Phi gương. Té ra là vậy, mới ngón tay đó giờ phi tay rồi. Té ra thị và phi, phi và thị chỉ đối đãi mà thôi. Không gì thực thị mà không gì thực phi. Vì thế cho nên thị trở thành phi và phi trở thành thị, không có thị có phi, phi chẳng qua vì chấp trước mà thành thị phi. Nếu không chấp trước thì tất cả đều thị, tất cả đều phi, cho nên thiên địa nhất chỉ, vạn vật nhất mã. Một ngón tay đâu có hai ngón tay mà có thị có phi, phải không? Một con ngựa chứ đâu phải hai con ngựa mà có thị có phi. Bởi cái nào cũng thị, cái nào cũng phi hết thì không còn cái nào hết.
Giới có hai nghĩa. Một là lãnh vực, phạm vi, hai là cõi. Trong khi cắt nghĩa là phạm vi là lãnh vực, thì tất nhiên cái nào nó nằm riêng cái đó. Cũng y như nói chủng tộc thì họ nào nằm riêng họ đó. Ví dụ họ Võ đi theo họ Võ, họ Trần đi theo họ Trần, chứ không phải họ Trần đẻ ra họ Võ được. Cho nên ở đây dùng chữ chủng tộc. Cũng như là lãnh vực, phạm vi thì pháp nào nó nằm riêng nơi lãnh vực phạm vi pháp đó. Chữ giới như đã giải thích ở trước có hai nghĩa, mà nghĩa thứ hai là cõi. Pháp giới: lãnh vực của pháp, phạm vi của pháp. Khi nói lãnh vực của pháp thì cái đó là cái đó, cái kia là cái kia, thấy là thấy, nghe là nghe, chứ nghe không phải là thấy, bàn không phải là ghế, người không phải là con cóc. Còn nói đến cái cõi tức nhiên có cái nghĩa biến rộng ra nữa, cái cõi của một pháp lấy đâu làm giới hạn? Tôi đã dùng câu: Trăm năm trong cõi người ta. Cõi người ta lấy đâu mà làm giới hạn? Cho nên khi đã nói cái cõi là có nghĩa, vạn pháp trùng trùng duyên khởi trong đó rồi, nó tương đố nhau mà có, mà thành tựu. Vì vậy trong khi mình nói cái này là cái gương, cái thị, thì cái thị này là một cái nó thành hình giữa muôn vạn cái phi mà thành ra. Phi tất cả, phi đủ thứ, giữa muôn vạn cái phi mà có cái thị này. Như vậy cái thị này không ngoài cái phi mà có. Vậy nói ranh giới cái cõi của cái gương này nó nằm ngang đâu? Thứ hai nữa là theo sự đối đãi của nó. Khi đối với mình là cái gương, nhưng đối với con chuột có gọi là cái gương không? Con gà có gọi cái gương không? Không phải. Cái bàn đối với mình là để viết, còn vi trùng đó là món ăn. Cho nên mọi pháp không có tính cách vô định nào hết. Pháp bất định, bất định pháp. Không có một tính cách nào nhất định hết, mà chỉ tùy theo sự đối đãi của nó mà thành ra như thế này và thành ra như thế khác, chứ không có cái gì nhất định cả, không có một pháp gì nhất định hết. Vì vậy nếu chấp một cái gì cố định thì đó là thường, đoạn, nhất, dị, lai, khứ, chứ còn không có cố định thì làm sao nói nhất dị… lai khứ, sanh diệt được. Vì lẽ cái phạm vi vọng tưởng của mình quen đi rồi, nên cứ khái niệm trong một cái phạm vi rất nhỏ để cho rằng, mỗi pháp nó thành ra mỗi pháp. Do đó mới có cái trước có cái sau. Vì thấy có cái trước cái sau cho nên mới cãi nhau. Anh thì nói cái này trước, cái kia sau, anh thì nói cái kia sau cái này trước. Cũng y như cãi nhau cho rằng con gà riêng cái trứng riêng, anh nói cái trứng trước, anh nói con gà trước. Tại sao không nói trong trứng có gà, trong gà có trứng. Phải không? Nếu trong trứng có gà, trong gà có trứng thì có cãi nhau gà trước hay trứng trước không? Làm sao cãi được. Mà đúng là như thế: Trong gà có trứng, không có trứng lấy đâu có gà nở ra nó. Thành chữ chủng tử, chữ pháp hiểu hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là lãnh vực là phạm vi. Khi gọi là lãnh vực phạm vi thì thấy không phải là nghe, bàn không phải là chén. Nhưng khi nói cái cõi tức nhiên là tùy theo sự đối đãi của nó mà nó thành tựu…Do đó, sự đối đãi của nó vô cùng vô tận, không thể nói hết được. Cho nên không nói một pháp cũng là pháp giới được và cả toàn vũ trụ cũng thành pháp giới được. Chữ pháp giới có nghĩa rộng như vậy đó. Tỷ dụ như thập pháp giới: Địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, nhơn, thiên, a tu la, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật pháp giới. Nhưng chính trong một pháp giới cũng có đủ 9 pháp giới kia, trong thập pháp giới đủ 9 pháp giới kia. Vì vậy thập giới mà nói bách giới. Trong một có 10, cái nghĩa trong kinh Pháp Hoa. Một pháp giới đủ 10 pháp giới. 10 pháp giới nhân 10 thì thành trăm. 100 pháp giới mà pháp giới nào cũng có đủ 10 tướng Như thị tướng, tánh, thể, lực, tác, nhân, duyên, quả, báo và như thị bản mạt cứu cánh, thế là bách giới thiên. Như vậy chữ pháp giới này khi gọi một pháp theo cái lãnh vực của nó thì cũng gọi là pháp giới, mà khi gọi pháp giới theo cái nghĩa là cõi thì nó biến khắp hết vũ trụ cũng là pháp giới.
Trích
TÂM LÝ PHẬT GIÁO TRONG TÂY DU KÝ - THÍCH THIỆN SIÊU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét