Dĩ nhiên người học Phật ai cũng biết rõ điều này. Nhưng để vượt thắng ái dục thì không phải ai cũng làm được. Tùy duyên nghiệp của mỗi người mà có các phiền não nặng nhẹ khác nhau. Ai có phước trí thì nhẹ nhàng, ai ít phước và kém trí thì nghiệp ái dục biểu hiện rất nặng nề. Thời Thế Tôn, một vị Tỳ-kheo đã chân thành phát lộ “Con có nhiều tâm dục, thân ý lẫy lừng không thể dừng nghỉ”.
Để chuyển hóa tâm tham dục, Thế Tôn đã dạy pháp quán bất tịnh. Bất tịnh có nghĩa là không sạch, nhơ nhớp. Quán sát vạn pháp, nhất là những gì mình yêu thích để thấy rõ sự nhơ nhớp, không sạch của nó; sâu xa hơn là thấy rõ trong bản chất của chúng vốn ẩn tàng hiểm họa, vô thường, vô ngã. Nhờ đó mà giữ tâm định tĩnh, bất động trước năm dục.
"Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc".
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Tỳ-kheo đó bạch Phật:
Hôm nay, Như Lai vì các Tỳ-kheo dạy pháp mười tưởng. Ai có thể tu tập mười tưởng ấy thì sẽ dứt sạch các hữu lậu, thành tựu hạnh vô lậu. Nhưng bạch Thế Tôn! Như con không thể kham tu hành mười tưởng ấy. Vì sao? Vì con có nhiều tâm dục, thân ý lẫy lừng không thể dừng nghỉ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo đó rằng:
Nay thầy nên bỏ tưởng tịnh mà suy nghĩ về tưởng bất tịnh, bỏ tưởng hữu thường mà suy nghĩ về tưởng vô thường, bỏ tưởng hữu ngã mà suy nghĩ về tưởng vô ngã, bỏ tưởng những điều vui thích mà suy nghĩ về tưởng các điều không vui. Vì sao? Nếu Tỳ-kheo suy nghĩ về tưởng tịnh thì tâm dục lừng lẫy, nếu suy nghĩ về tưởng bất tịnh thì không còn tâm dục. Tỳ-kheo nên biết! Dục là bất tịnh như đống phân kia, dục như con vẹt lắm điều, dục hay phản bội như rắn độc, dục như huyễn hóa, như mặt trời tan tuyết. Nên suy nghĩ lìa bỏ dục như tránh xa gò mả, dục trở lại tự hại như rắn chứa nọc độc; họa của dục không chán như uống nước muối; dục khó đầy như biển nuốt dòng sông; dục có nhiều sự đáng sợ như làng quỷ La-sát; dục như oan gia thường phải xa lìa; dục như ít vị ngọt dính trên lưỡi dao; dục không thể yêu mến như xương trắng bên đường; dục hiện dáng bề ngoài như hoa mọc từ chuồng heo; dục không chân thật như bình đựng đồ nhơ nhớp, bên ngoài thấy lạ; dục không chắc chắn như đống bọt.
Tỳ-kheo! Nay thầy nên nghĩ xa lìa tưởng tham dục mà suy nghĩ về tưởng bất tịnh. Tỳ-kheo! Nay thầy hãy nhớ rằng, xưa kia Phật Ca-diếp đã vâng theo và thực hành mười tưởng, nay nên suy nghĩ thêm về mười tưởng ấy thì tâm hữu lậu liền giải thoát.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 46. Kết cấm,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.303)
Quán bất tịnh là thấy rõ như thật bản chất của nó đang là, không sạch đúng nghĩa chứ không hề gượng ép kiểu “tự kỷ ám thị”. Thân mình và thân người không sạch, một túi da chứa đồ bất tịnh bên trong. Dục nguy hiểm thực sự như nọc rắn, dục như uống nước muối không bao giờ hết khát, dục không bao giờ đủ đầy như biển nhận nước sông, dục như liếm mật trên lưỡi dao. Dục như huyễn hóa, như tuyết tan nhanh dưới ánh nắng mặt trời, như đống bọt tuy có hình nhưng trống rỗng. Vì phần lớn chúng ta chỉ thấy bên ngoài, bất tịnh mà nghĩ là tịnh, vì nhận lầm nên chạy theo mãi trong luân hồi.
Thế Tôn đã dạy: “Nếu Tỳ-kheo suy nghĩ về tưởng tịnh thì tâm dục lừng lẫy, nếu suy nghĩ về tưởng bất tịnh thì không còn tâm dục”. Hình ảnh nếm chút mật trên lưỡi dao với hiểm họa đứt lưỡi đang cận kề thật ấn tượng. Dĩ nhiên mật thì ngọt ngào, nhưng nó tiềm ẩn nguy cơ bị cắt đứt lưỡi bất cứ lúc nào. Nếu siêng năng quán tưởng bất tịnh, thấy rõ sự nguy hiểm, vô thường và trống rỗng của dục thì dục tâm mới lắng dịu. Tâm có tịnh thì thân mới an và hành giả trở nên vững chãi trước bão giông cám dỗ của ngũ dục và ngũ trần.
Quảng Tánh
Nguồn: http://giacngo.vn/phathoc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét