Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

LUẬT LÀ GÌ?

Tưởng là dễ. Thật ra rất khó định nghĩa luật. Khó đến nỗi chẳng ai định nghĩa được. Hiện tượng luật bàng bạc khắp mọi hiện tượng xã hội; làm sao chiết ra được từ những hiện tượng xã hội một thứ hiện tượng gọi là hiện tượng luật? Lấy tiêu chuẩn gì mà chiết? Lấy tiêu chuẩn gì mà gọi đó là hiện tượng luật?

Khó khăn lại càng lớn hơn nữa, vì làm sao có một định nghĩa duy nhất về cái gọi là luật từ xưa cho đến nay, từ vùng văn hóa này qua vùng văn hóa khác, Trung Hoa, Ả Rập, La Mã, mỗi vùng có một quan niệm khác nhau về luật?

Chịu! Không ai định nghĩa được. Cho nên đành phải chấp nhận một định nghĩa tương đối. Mở sách giáo khoa về luật ra, những quy phạm (normes) về hành động xã hội. Nhưng sách nào cũng cảnh cáo liền: đó chỉ là một định nghĩa tạm bợ, một bước khởi hành để tiếp tục suy nghĩa. Và nói ngay: “nguyên tắc” ở đây có thể là những điều luật, chiếu chỉ, hoặc cách xử sự, phong tục, tục lệ, hoặc quyết định của tòa án, của trọng tài.

Điều luật: chuyện này dễ hiểu trong các nước có truyền thống luật thành văn. Ở ta, ngày xưa có những bộ luật: luật Hồng Đức, luật Gia Long. Quyết định của tòa án: chuyện này hơi khó hiểu hơn một chút vì hơi xa với những “nguyên tắc”. Nhưng đó cũng là luật vì hai lẽ chính: một là luật ở các nước common law như Mỹ chẳng hạn chủ yếu là luật bắt nguồn từ những bản án; hai là có những ngành luật như luật hành chánh của Pháp là thứ luật được sáng tạo dần dần từ những bản án, một thứ luật án lệ.

Nhưng cái này mới khó: phong tục, tục lệ, cách xử sự. Luật gồm những nguyên tắc hành động, nhưng trong xã hội có những nguyên tắc hành động khác mà không phải là luật. Làm sao phân biệt những nguyên tắc có tính luật với những nguyên tắc khác? Đâu là nguyên tắc luật, đâu là nguyên tắc phong tục? Đâu là nguyên tắc luật, đâu là nguyên tắc luân lý? Đâu là nguyên tắc luật, đâu là nguyên tắc tôn giáo? Cho nên, chuyện trước tiên là phải làm thế nào phân biệt luật với phong tục, luân lý, tôn giáo. Đâu có dễ! Sự phân biệt này đến rất muộn trong các nền văn minh. Tất cả lẫn lộn với nhau trong các luật cổ. Luật cổ Trung Hoa chẳng hạn là một ví dụ gần gũi chúng ta. Với phong tục, hiện tượng luật có lẽ dễ phân biệt nhất, nhưng cũng đã khó rồi. Với luân lý và tôn giáo, nhiều khi không phân biệt nỗi. Vậy, bắt đầu với cái dễ trước.

So sánh với luân lý, phong tục ở cấp dưới. Đây là những nguyên tắc hành động theo thói quen, không bao hàm những phán đoán giá trị, cũng không lôi kéo theo những cắn rứt, nhưng nhứt nhối lương tâm trong trường hợp vi phạm. “Yêu nhau cởi áo cho nhau” là một câu hát tình tứ thôi, nhưng đeo nhẫn cho nhau thì đã đi vào tập tục của chàng và nàng. Vậy đeo nhẫn là một phong tục? Ở Âu Châu, người ta kín đáo liếc mắt nhìn quanh nơi ngón tay xem nó có óng ánh vàng hay không, để gọi người nói chuyện với mình là “bà” hay “cô”. Nhưng điều này không chính xác vì bây giờ người ta ăn ở với nhau mà chẳng cần trang điểm gì cho ngón tay thứ tư mỹ miều nơi bàn tay trái cả.

Một số nhà xã hội học ở Mỹ đào sâu khái niệm phong tục, phân tích cấp bật giữa folkways và mores, đưa đến sự phân biệt cao thấp giữa:

- Law (luật)

- Mores (phong tục nghĩa hẹp)

- Folkways (cách sống của một dân tộc)

Folkways là những lề thói thong thường, không quan trọng, ta làm hằng ngày. Ví dụ: cách ăn mặc. Ở Huế ngày trước, mới đây thôi, các chị bán chè bán cháo gánh hàng với chiếc áo dài, cực mấy cũng vậy, nóng mấy cũng vậy. Ví dụ: cách chào: Ở Âu Châu hôn nhau chút chút như kiến gặp nhau, ở Miến Điện thì chắp tay trang nhã, ở ta… thì thế nào nhỉ? Ví dụ: cách ăn uống. Ở ta có cái thói (và cái thú) nhậu lai rai mà ở Mỹ không có, nhậu và ăn hàng bất kể giờ giấc. Nhậu đó rất khác với tập tục khai vị (apéritif) của Âu Châu. Ở Âu Châu, món xúp dọn trước; ăn tiệc cưới tiệm Tàu, món cháo dọn sau cũng hấp dẫn quá! Nói tóm, đó là thói quen, nhưng không phải là riêng của một cá nhân hay gia đình nào, mà là của một dân tộc hoặc ít ra của một tầng lớp xã hội.

Mores khó phân tích hơn. Ở Mỹ trước đây có tục buộc anh chàng sở khanh phải chữa lỗi bằng cách cưới cô gái trót mang thai với anh ta. Tục này có thể đã là luật trong thời đại trước (Thánh kinh Do Thái, Exode 22:16). Nhưng ngay trong xã hội hiện nay, vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của nguyên tắc đó như một nguyên tắc đáng làm, phải chăng và hợp tình hợp lý.

Khác nhau giữa mores và folkways là hậu quả của vi phạm. Vi phạm mores thì làm thiệt hại quyền lợi kẻ khác: người con gái bị quyến rũ, đứa bé trong thai. Vi phạm folkways thì chẳng gây thiệt hại cho ai cả. Đó là nói thế, chứ xét cho kỹ, không đơn giản lắm đâu. Ví dụ: những nguyên tắc về lễ phép mà các tác giả Mỹ thường liệt vào folkways. Lễ phép cũng có thể được xem như một sự chú ý đến quyền lợi kẻ khác. Nhường chỗ cho phụ nữ trên xe buýt chẳng hạn. Hoặc mở cửa cho phụ nữ, hào hiệp đi sau, “em đi chàng theo sau”, như trong bài thơ Đi chơi chùa Hương. Mấy ai làm đuôi mua hàng mà nhường chỗ cho phụ nữ nhỉ? Nói cho vui như thế để hiểu sự phân biệt của các ông triết gia, phân biệt giữa hình thức và nội dung trong cử chỉ lễ phép. Cách chào chẳng hạn là hình thức, khác nhau tùy dân tộc, đẳng cấp, thế hệ. Nội dung là ý niệm về tính cách ràng buộc, bổn phận. Ai phải chào ai trước? Người kia chào tôi như vậy, tôi có bổn phận đáp lễ lại không? Hay tỉnh bơ? Đây là những chuyện rất tinh tế trong tương quan xã hội mà khoa tâm lý xã hội học nghiên cứu.

Vậy thì xã giao, lịch sự, danh dự v.v… có ràng buộc không? Câu trả lời thường là không. Cho nên phong tục khác luật. Giống như những nguyên tắc luật, những nguyên tắc ngoại pháp lý này có mục đích áp đặt những thái độ bên ngoài để đưa đến một trật tự trong quan hệ giữa người và người. Nhưng trật tự đó phần nhiều không liên hệ đến nhóm này nhóm kia, tầng lớp này tầng lớp nọ trong xã hội. Còn một điều khác với luật nữa là sự vi phạm những nguyên tắc của phong tục, vì không gây thiệt hại gì đáng kể, nên không bị truy tố trước tòa án, trừ trường hợp vi phạm trầm trọng. Ví dụ: vô phép biền thành nhục mạ.

Nói như vậy, chứ sự phân biệt không dễ. Xã giao, lịch sự, danh dự… lắm khi cũng ràng buộc. Ở Âu Châu, người ta nói: “Thưa quý bà, quý ông”, có ai nói ngược đâu! Ở ta, nếu ta nói: “Vợ tôi và tôi”, e rằng trong cử tọa có tiềng cười khúc khích. Các bà mẹ ở thế hệ tôi không bao giờ tiếp khách nơi bộ xa lông, lãnh địa của các ông chồng. Mẹ tôi tiếp khách nơi bộ phản, thường chỉ ngồi trên một góc phản. Hãy xem cách mẹ tôi ngồi: không bao giờ vắt chân chữ ngũ. Và hãy xem cách người ta khẩn khoản xin ai một đặc ân: chấp tay, vái, lạy, quỳ. Không ai buộc phải làm như thế cả. Nhưng ai cũng làm. Lấy danh dự ra mà thề thốt, rồi không làm, chẳng chết chóc gì cả. Nhưng đừng tưởng rằng không có những nguyên tắc danh dự. Tất cả những chuyện đó tưởng như phát xuất từ bản năng mà kỳ thật là đã được quy định một cách thầm kín. Bởi vậy, rất khó phâ biệt. Nhưng chính vì vậy mà sự phân biệt luật với phong tục là căn bản trong xã hội học luật. Montesquieu đã làm sự phân biệt đó trong tác phẩm Esprit des lois, nhưng Montesquieu chỉ mới dọc đường cho Marx thôi, Marx mới rành mạch: luật phát sinh ra từ tư hữu; trước khi có tư hữu, tất cả chỉ là phong tục.

Trong luật thành văn, sự phân biệt luật và phong tục có vẻ dễ hơn so với luật bất thành văn (hay là luật phong tục: droit coutumier). Nhưng nhất quyết thế này thì người Nhật chẳng hạn sẽ không tin. Ở Nhật, bên cạnh những nguyên tắc luật pháp có những nguyên tắc hành động khác không phải là luật pháp mà người ta vẫn tự buộc mình phải theo như thường. Đó là những nguyên tắc Giri. Giri là gì, người Nhật cũng không định nghĩa nổi, chỉ có thể nói một cách chung chung rằng đó là cách thức phải cư xử đối với người khác tùy theo tình trạng xã hội của mình: con đối với cha, trò đối với thầy, tớ đối với chủ, kẻ chịu ơn đối với người thi ân… Chẳng hạn: Chủ hãng phải biết chú ý đến đời sống riêng tư, gia đình của người làm công trong hãng; ngược lại, nếu chủ dọn nhà mà người làm công không biết đến giúp một tay thì thiếu sót Giri. Chẳng hạn: tôi quen hớt tóc ở hiệu anh Xoài; bỗng nhiên một hôm tôi đi hớt tóc ở hiệu anh Mít, thế là tôi áy náy lắm, vì cảm thấy cư xử không đúng với Giri.

Luật gia đình của Nhật thừ nhận hợp đồng hôn nhân. Nhưng nếu anh hôn phu nào đó, trước ngày cưới, đả động với người đẹp về chuyện tiền bạc trong đời sống tương lai giữa hai người, thì anh ấy bao gan quá, vì chẳng biết Giri gì cả. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao từ ngày ban hành luật gia đình ở Nhật chẳng mấy ai chọn hợp đồng hôn nhân.

Cái gì buộc người ta phải theo Giri? Danh dự. Sợ mất mặt! Mất mặt quan trọng lắm, nhiều khi còn quan trọng hơn cả mất mạng!

Ruth Benedict phân biệt hai loại văn minh: văn minh xây dựng trên ý niệm hổ thẹn, và văn minh xây dụng trên ý niệm tội lỗi. Trong văn minh thứ hai, vi phạm một nguyên tắc luân lý bị xem như một tội lỗi. Ý tưởng tội lỗi đè nặng trên lương tâm người vi phạm. Bởi vậy, người ta cố tránh làm điều xấu để lương tâm khỏi phải tự trách mình; còn người khác biết hay không biết điều xấu mình đã làm, chẳng quan trọng gì cả. Trong văn minh xây dựng trên ý niệm hổ thẹn, ngược lại, người ta tránh làm lỗi để khỏi bị người khác chê cười. Bởi vậy, nếu không ai thấy mình làm lỗi, mình sẽ làm lỗi, bởi vì có mất mặt đâu. Điều mà người ta cố tránh là sự chê cười của người khác ngay cả trong những sự việc nhỏ nhặt của cuộc sống. Sự trừng phạt tâm lý đó khiến những nguyên tắc Giri được chấp hành một cách rất nghiêm túc. Khi mà Giri được đưa lên hàng đầu như thế, những nguyên tắc luật pháp xây dựng trên khái niệm luật và nghĩa vụ rất khó thấm vào xã hội. 

Trích : Thượng đế - Thiên nhiên - Con người - và Chúng ta
Cao Huy Thuần

Không có nhận xét nào: