Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

NHỮNG TÂM SỰ RIÊNG

TTđTD - Chúng con nói thật rằng đang rất cần tuệ giác. Tuệ giác đạt được là công phu của sự quán chiếu. Những kiến thức từ các trường Phật học chẳng qua cũng chỉ là những ý niệm mà không phải là tuệ giác. Mà đã là ý niệm thì không thể giúp cho chúng ta vượt thoát khỏi phiền não. Bánh vẽ thì không bao giờ no được. Làm sao để có nhiều quý thầy có tuệ giác. Cách duy nhất là tu là thực hành theo con đường chánh pháp, theo bát chánh đạo chứ không phải theo bát tà đạo.

Quý thầy nếu không tập sống trong giản dị mà cứ chạy theo xe ô tô xịn, điện thoại đắt tiền, xe máy sang, tượng Phật quý hiếm thì có lẽ khoảng cách với Phật với Thánh, khoảng cách với giác ngộ và giải thoát càng ngày càng xa. Cái tôi càng lớn. Cái của tôi càng to. Thì Phật càng xa.

Con đã suy nghĩ rất nhiều khi đặt bút viết bài này. Con đã nghĩ nhiều lần rằng có nên viết hay không, bởi viết ra sẽ đụng chạm đến một số quý vị tu sĩ, trong khi con mới chỉ là một cư sĩ sơ cơ mới tu tập.

Con thành tâm sám hối với tất cả quý vị xuất sĩ vì vốn hiểu biết nông cạn của mình, vì cái thấy hạn hẹp của con. Con thành tâm muốn viết ra để biết đâu có quý vị giật mình để sửa. Tu là sửa mà. Cả giới xuất sĩ và giới cư sĩ tại gia đều đang tu mà.

Bài này con mong rằng sẽ có ít nhất một ngàn người đọc. Trong một ngàn người đó ít nhất có 10 người, hoặc 100 người giật mình. Trong số đó con chỉ mong có đúng một người bừng tỉnh ra biết trở về con đường chính của người tu thì con đã hạnh phúc lắm rồi. Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với con không còn là danh vọng, địa vị, chức vụ, chẳng là của cải, vật chất, cũng không là cao lương mỹ vị hay những của ngon vật lạ nữa. Hạnh phúc thực sự của con là giác ngộ. Thấy được quý vị giác ngộ con lại có thêm rất nhiều niềm vui, và đặc biệt là niềm tin cậy nơi người tu sĩ.

Đối với con, quan trọng nhất là gặp được minh sư. Tu tập thì rất cần bậc minh sư, bậc chứng ngộ. Mà có lẽ không chỉ có con mà ngay cả các vị tu sĩ trẻ cũng rất cần 1 minh sư để hướng dẫn, nếu không sẽ bế tắc.

Con cũng hay tự hỏi, ở Việt nam ta có bao nhiêu minh sư. Họ là ai, ở đâu, chùa nào, thiền viện nào. Họ có toát lên chất liệu của người tu hay không. Và có cách nào để rất nhiều cư sĩ tại gia có thể được tiếp cận, được hướng dẫn để tu đúng tu trúng.

Con cũng luôn hỏi, trong giới cư sĩ tu tại gia thời nay có bao nhiêu quý vị tu đúng chánh pháp, có ai chứng đắc, có ai dám nói thẳng nói thật. Liệu thời nay có được những bậc như Tuệ Trung Thượng Sĩ, một vị cư sĩ mà làm thầy của nhiều vị tu sĩ hay không. Hiện nay có bao nhiêu Võ Đình Cường đang ngày đêm tu và hành đạo. Về vấn đề này con sẽ viết trong bài sau là “Người cư sĩ cũng nên nhìn lại”.

Đắc đạo. Đó là ý kiến nông cạn theo hiểu biết của con. Mục đích tối hậu của người tu là đắc đạo, là giác ngộ và giải thoát khỏi sinh tử trầm luân, giải thoát khỏi phiền não. Người xuất sĩ dành trọn đời mình quyết chí xuất gia cũng chỉ để đắc đạo mà thôi. Đắc đạo rồi sẽ mang đạo vào đời, sẽ hướng dẫn những tứ chúng cùng tu để đắc đạo, để giải thoát.

Nhưng nếu tu không đắc đạo thì sao. Chưa đắc đạo thì tiếng nói và đạo lực không mạnh. Cái đó ai cũng có thể cảm nhận được dễ dàng, ngay cả những cư sĩ tại gia.

Con ngồi đọc lại kinh điển thời xưa và phát hiện ra rằng các thầy ngày xưa không xây chùa. Các quý xuất sĩ chỉ tập trung tu tập. Phật tử xây chùa, phận sự chính của quý thầy là tu. Việc xây chùa, đúc tượng đúc chuông đã có cư sĩ lo. Đó là phận sự của cư sĩ để hộ pháp.

Con đang ngồi gõ và tự nhiên nhớ lại rằng vua Trần Thái Tông hồi nhỏ rất đau khổ và có ý định trốn đi tu. Vua lên núi gặp quốc sư. Quốc sư hỏi lên núi làm gì. Vua nói lên núi tìm Phật. Quốc sư nhìn vua nói, trong núi không có Phật, Phật ở trong tâm bệ hạ. Nếu bệ hạ có thể làm cho tâm mình lắng lại, trí tuệ xuất hiện thì đó chính là Phật. Trí tuệ chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được ý ấy thì lập tức thành Phật ngay tại chỗ, không cân tìm kiếm bên ngoài.

Con nghe câu chuyện này rất rất lâu rồi và vẫn luôn suy nghĩ như là một công án thiền. Nghe và nhớ lại. Nhớ lại và ngẫm. Ngẫm và nhắc mình mỗi ngày.

Chục năm nay con nhận ra rằng, nếu tu mà có đến 10 bằng tiến sĩ hay có chức rất to, thậm chí chức lớn trong Giáo hội Phật giáo mà chưa có trí tuệ, vẫn không biết đường đi, vẫn không có khả năng chỉ lối thì thật là uổng. Tu như vậy vẫn là trật. Rõ ràng tu là cần làm cho tâm lắng lại. Tâm mình, tâm của chính mình cần lắng lại trước.

Những năn gần đây con mới ngộ ra rằng, muốn làm tâm lắng lại thì phải áp dụng kinh “Tứ niệm xứ” vì kinh này là nền tảng căn bản của thiền tập trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh của đời sống hàng ngày. Kinh “Tứ niệm xứ” cần học thuộc lòng. Bởi trong kinh Phật có nói rằng đây là con đường duy nhất để giúp chúng sinh thực hiện thanh tịnh, vượt thắng phiền não, tiêu diệt khổ ưu, đạt tới chánh đạo, chứng nhập niết bàn. Đó là con đường của 4 phép an trú trong chánh niệm. Kinh này vô cùng căn bản, vô cùng quan trọng. Ấy vậy mà vẫn có thể có những quý vị xuất sĩ không biết đến, không hành trì. Tiếc thay.

Người tu nên dừng lại. Con thành tâm và xin một lần nữa được sám hối trước Tam Bảo khi nói điều này. Người xuất sĩ nên và cần rũ bỏ hào nhoáng bên ngoài. Chạy theo xe cộ, điện thoại, chùa to, Phật lớn,… là không đúng. Những thứ đó Đức Thế Tôn không cần. Phật muốn người tu sĩ đặt Phật trong trái tim của mình. Cần xây những ngôi chùa trong trái tim của mình, trong tâm của mình. Đây mới là “Mái chùa che chở hồn dân tộc”. Mái chùa này là mái chùa trí tuệ chứ không phải là mái chùa bằng gạch, ngói, bằng xi măng, cốt thép. Chỉ khi rũ bỏ được hào nhoáng bên ngoài, và quay lại với tâm mình, quay lại để tìm lại chính mình thì mới có khả năng che chở giông bão của cuộc đời. Khi làm như vậy mới là con thứ thiệt của đức Phật, là tưởng tử của Đức Như Lai.

Phẩm đạo hành tức kinh Pháp cú trong hán tạng có những câu “Trí vi thế trường. Đàm lạc vô vi. Tri thọ chánh giáo. Sinh tử đắc tận”. Xem trí tuệ là sự nghiệp quan trọng nhất trong đời. Biết thờ ơ với dục lạc. Biết sống với niết bàn trong giây phút hiện tại. Biết tiếp nhận chánh giáo. Thì có thể chấm dứt được sinh tử. Con rất tâm huyết với những câu này. Là cư sĩ tại gia mới tu có 10 năm nay nhưng con thật sự thấy những câu này quá hay và cần quán chiếu ngày đêm để tỏ rạng tâm can, để từng bước từng chút chứng ngộ niết bàn bây giờ và ở đây. Here and now. At this moment.

Con xin suy ngẫm một chút về hàng thật hàng giả. Phật tử thứ thiệt. Con Phật thứ thiệt. Vậy nên tất cả những người con Phật, nhất là quý vị xuất sĩ nên thực tập đúng lời Phật dạy. Thực tập tối quan trọng. dành thời gian để thực hành lời Phật dạy là tối quan trọng. Có thực tập mới có kết quả, mới có chứng đắc, mới gây được niềm tin.

Con lại mạo muội suy nghĩ thiển cận về y áo. Không hiểu sao thời nay quý thầy tu sỹ không giữ được màu áo Việt Nam. Con thật tâm buồn lòng (con thật đáng trách, quá đáng trách khi lại soi ra ngoài) khi thấy quý thầy tu sĩ dùng y áo và đồ dùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Màu áo truyền thống của Việt Nam ta hình như là màu nâu sồng thể hiện sự khiêm cung mà toát lên được sức mạnh tâm linh. Màu áo nhắc mình phải luôn trở về, làm cho nội tâm phát huy được năng lượng trí tuệ từ bi. Càng hướng ra ngoài càng đánh mất mình và có thể làm nô lệ cho lòng tham của chính mình mất thôi.

Quan sát chưa thật kỹ con thấy có những quý vị tu sĩ quên đi cái tâm ban đầu. Khi mới xuất gia chí nguyện rất lớn, tâm rất đẹp, chí rất cao, trí rất sáng. Sống trong chùa lâu ngày, không ai chỉ bảo, thiếu đi tăng đoàn, mất dần định hướng. Tiếc thay. Tiếc nhất là có những quý thầy sống buông thả, phóng dật, đi sai và đi xa con đường do đức Thế Tôn đã tìm ra và chỉ dạy. Con vẫn cho rằng sống trong tăng đoàn, tu trong chúng là rất quan trọng. Nếu chỉ “Nhất tăng nhất tự” thì thật khó tu mà rất khó có kết quả, rất khó đạt đến chứng ngộ và giải thoát.

Trong chùa nhiều khi cũng vậy. Bao hủ tục, thói xấu, cách làm sai từ xưa và nay vẫn vậy. Ví như chuyện mang rượu thịt vào lễ ở bàn đức Chúa Ông trong chùa. Hay cách tư duy “trẻ vui nhà già vui chùa” đúng sai thì ai cũng rõ mười mươi rồi.

Phật tử cần gì?

Câu hỏi này những người như con suy nghĩ cả mấy chục năm nay. Bao đời nay cư sĩ tại gia đau đáu chuyện này. Phật tử cần người thầy giỏi, chỉ được đường đi. Người tu cần tu sĩ đưa đường chỉ lối. Người phật tử cần nhất là được quý sư, quý tu sĩ chỉ đường để tu, được bày cách sống trong tỉnh thức và chánh niệm, sống trong bình an và có thể xử lý được mọi nghịch cảnh của cuộc đời.

Pháp của Phật cần được thể hiện trong đời sống hàng ngày. Pháp của Phật là đến để thấy. cần được ứng dụng thường xuyên. Cần được thực tập trong 4 tư thế: đi đứng nằm ngồi. Qua những gì quý thầy nói, quý thầy làm cần toát ra được từ bi và trí tuệ ở đó. Để phật tử tại gia học theo và hành theo.

Vị thế của quý Thầy rất quan trong. Quý thầy cần toát ra niềm tin cho cư sĩ. Niềm tin có thì phật tử sẽ tu, sẽ hành và sẽ có kết quả. Khi mỗi gia đình tu theo quý Thầy có kết quả thì chúng ta có 1 xã hội tuyệt vời.

Đạo Phật không chỉ là xiêm y. Đạo Phật không chỉ là chùa và tượng Phật. Thời Phật còn tại thế làm gì có tượng Phật. Thời xưa làm gì có chùa to chùa lớn. Thời xưa chỉ là tu, tu trong giản dị và thanh tịnh, tu trong thiểu dục tri túc. Phải chăng thời nay đầy đủ quá về vật chất mà ngay cả quý thầy xuất sĩ cũng khó tu. Phải chăng tài danh thời nay lớn đến mức cuốn hút được cả một số thầy xuất sĩ.

Con lại ngớ ngẩn suy nghĩ làm sao để khoảng cách gần lại. Thanh bần lạc đạo có lẽ là giải pháp tốt nhất. Quý thầy nếu không tập sống trong giản dị mà cứ chạy theo xe ô tô xịn, điện thoại đắt tiền, xe máy sang, tượng Phật quý hiếm thì có lẽ khoảng cách với Phật với Thánh, khoảng cách với giác ngộ và giải thoát càng ngày càng xa. Cái tôi càng lớn. Cái của tôi càng to. Thì Phật càng xa. Thì càng xa quý cư sĩ chân chính. Cư sĩ tại gia mà nhiều người còn đang thực sự sống nghèo nhưng thanh cao, sống ở đời thường mà vui với đạo. Không khéo có hẳn một bộ phận quý thầy tu sĩ sống ở đạo mà lại vui với đời mất thôi. Con lạy Phật ạ.

Khi người thầy thể hiện giác ngộ mới dẫn được các học trò theo con đường đạo đức, cứu được tình trạng hiện tại của nước nhà, của thế giới này. Chúng con rất cần những bậc thầy giải thoát để chỉ đường cho chúng con đi theo và giải thoát. Đức Phật đã nhập diệt cách đây hơn 2 ngàn năm. Nếu quý thầy không chứng đắc để dẫn dắt chúng con thì chúng con, những kẻ mù này, biết đi đâu về đâu….

Con thành tâm mong cầu và nguyện cầu chư Phật mười phương gia hộ độ trì để quý thầy trở về mục tiêu tối hậu của người tu là đắc đạo. Con chỉ mong được gần bên quý thầy đắc đạo, được học các Ngài, được thực hành theo các Ngài. Mong lắm ạ.

Lại nói về phương pháp thực hành. Đức Phật giảng và được chép lại trong bộ Nykaya gồm trọn 21 tập khá dày mà con hay đọc. Tuy nhiên con nghĩ dại rằng đó là hàng vạn bài giảng của đức Phật cho các đối tượng khác nhau. Giống như đó là hàng ngàn bài thuốc. Mỗi bài thuốc chỉ chứa được cho một loại bệnh thôi chứ. Bài Phật giảng cho vị doanh nhân khác xa bài Ngài giảng cho bác nông dân. Thời nay, quý thầy giác ngộ cũng nên nói cho từng nhóm khác nhau, từng giới khác nhau những bài khác nhau chứ ạ.

Con luôn nghĩ và biết rằng giới nhân sĩ, trí thức, doanh nhân… trong mọi hoàn cảnh luôn đồng hành cùng quý Thầy, nếu quý Thầy theo đúng chánh Pháp. Lý do cũng đơn giản rằng ai cũng muốn và cần tìm cho mình được 1 điểm nương tựa vững chãi nhất, đáng tin cậy nhất để học, để hành, để noi theo và phục vụ. Chỉ mong quý Thầy tu đúng và dẫn đúng đường. Nếu sai được thì tội nghiệp lắm ạ, cho cả thầy lẫn hàng ngàn hàng vạn trò chúng con.

Con rất mong rằng tất cả quý thầy tu cùng đều tạo ra môi trường thiện lành để xuất hiện những bậc Thánh chứ không phải quý thầy có bằng cấp. Môi trường nào đây, ở đâu đây để quý tu sĩ nuôi dưỡng chất Thánh trong họ. Phải chăng thời xưa, các bậc tổ có nhiều vị Thánh vì có môi trường tốt, tập trung tu tập cao độ, ít phân tán và hướng ngoại như thời nay.

Chúng con nói thật rằng đang rất cần tuệ giác. Tuệ giác đạt được là công phu của sự quán chiếu. Những kiến thức từ các trường Phật học chẳng qua cũng chỉ là những ý niệm mà không phải là tuệ giác. Mà đã là ý niệm thì không thể giúp cho chúng ta vượt thoát khỏi phiền não. Bánh vẽ thì không bao giờ no được. Làm sao để có nhiều quý thầy có tuệ giác. Cách duy nhất là tu là thực hành theo con đường chánh pháp, theo bát chánh đạo chứ không phải theo bát tà đạo.

Cá nhân con mới học Phật có 20 năm và chỉ thực sự thực hành được 10 năm nhưng khi nhìn lại khách quan thấy rằng còn nhiều cái ham muốn rất là vi tế. Biết bao phiền nào vẫn chưa dập tắt. Ôi con mới chỉ chứng tỏ mình học Phật với sự chất chứa khái niệm chứ chưa thực sự mang trọn vẹn những giáo lý đức Phật tha thiết áp dụng cào cuộc sống hàng ngày. Để chúng con thực sự thực chứng. Khi chưa thực chứng thì những cái đó chưa phải là tuệ giác. Ôi kiến thức ơi là kiến thức.

Lỗi lầm chúng con có nhiều quá. Lỗi lầm của quý thầy tu sĩ có lẽ cúng không ít. Tuy nhiên chúng ta cần dám nhìn thẳng nhìn thật vào đó. Chúng ta cần có phương pháp vượt thoát lỗi lầm. Trên thực tế sau khi bố mẹ đánh con xong cần phân tích để con nhận ra lỗi. Nhận ra lỗi rất quan trọng. Vấn đề sau đó là sửa lỗi. Thật mà.

Con viết những dòng này tại cơ quan và vào cuối ngày làm việc. Con viết mà không suy nghĩ, cứ thấy gì từ tâm chảy ra là gõ lại thôi. Đã là những ngày cuối cùng của năm 2015 thật rồi. Năm mới ai cũng chúc nhau có nhiều cái mới. Nhưng sẽ chẳng có gì mới nếu chúng ta không tự làm mới, không tự thay đổi, dù chúng ta là ai. Kể cả khi có quý vị là những chức sắc trong Giáo hội nhưng vấn đề vẫn là thực chứng.

Con xin thành tâm ngồi tự nhẩm lại trong tâm mình bài “Kinh sám nguyện” trước khi gửi bài này. Thêm một lần nữa thành tâm xin được sám hối.

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

Ghi chú: Bài viết thể hiện những tâm sự riêng, trải nghiệm của cư sĩ Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc ThaiHaBooks

Nguồn : phatgiao.org

Không có nhận xét nào: