Thế nào là pháp tu không sát sanh? Chư Phật tử! Pháp tu không sát sanh là pháp tu tâm có bốn đạo phần:
Đạo không giam giữ;
Đạo không làm khổ đau thân xác;
Đạo không giết hại;
Thế nào là thực hành đạo phần không giam giữ? Này chư Phật tử! Vị này không bắt giam người, không bắt giam súc sanh, không bắt giam chúng sanh nói chung. Vị này không bao vây, không khống chế không gian sinh tồn tự nhiên của người, của súc sanh, của chúng sanh nói chung. Vị này không giữ buộc người, súc sanh, chúng sanh nói chung làm nô lệ hoặc làm thú vui. Vị này không xúi dục kẻ khác phạm đạo phần không giam giữ. Vị này không hoan nghênh kẻ khác phạm đạo phần không giam giữ. Vị này không có nhu cầu mà nhu cầu đó làm cho kẻ khác phạm đạo phần không giam giữ. Vị này khuyên kẻ khác thực hành đạo phần không giam giữ. Vị này luôn thực hành đạo phần không giam giữ. Làm như vị này là thực hành đạo phần không giam giữ. Thực hành đạo phần không giam giữ sẽ được phước báu không bị giam giữ và được vô lượng công đức tăng trưởng tâm từ-bi-hỷ-xả.
Chư Phật tử! Thế nào là thực hành đạo phần không làm khổ đau thân xác? Vị này không mua bán, không trao đổi người, súc sanh, chúng sanh nói chung. Vị này không đánh đập, không làm tổn thương thân xác của người, của súc sanh, của chúng sanh nói chung. Vị này không làm cho người, cho súc sanh, cho chúng sanh nói chung bị nhiễm độc, nhiễm bệnh. Vị này không bắt buộc người, súc sanh, chúng sanh nói chung đánh đập lẫn nhau, làm tổn thương thân xác lẫn nhau. Vị này không hành hạ thân xác của người, của súc sanh, của chúng sanh nói chung. Vị này không xúi dục kẻ khác phạm đạo phần không làm khổ đau thân xác. Vị này không hoan nghênh kẻ khác phạm đạo phần không làm khổ đau thân xác. Vị này không có nhu cầu mà nhu cầu đó làm cho kẻ khác phạm đạo phần không làm khổ đau thân xác. Vị này khuyên kẻ khác thực hành đạo phần không làm khổ đau thân xác. Vị này luôn thực hành đạo phần không làm khổ đau thân xác. Làm như vị này là thực hành đạo phần không làm khổ đau thân xác. Thực hành đạo phần không làm khổ đau thân xác sẽ được phước báu không bị khổ đau thân xác và được vô lượng công đức tăng trưởng tâm từ-bi-hỷ-xả.
Thế nào là thực hành đạo phần không giết hại? Chư Phật tử! Vị này không giết hại người, không giết hại súc sanh, không giết hại chúng sanh nói chung. Vị này không xúi dục kẻ khác giết hại người, súc sanh, chúng sanh nói chung. Vị này không hoan nghênh kẻ khác giết hại người, súc sanh, chúng sanh nói chung. Vị này không có nhu cầu mà nhu cầu đó làm cho kẻ khác giết hại người, giết hại súc sanh, giết hại chúng sanh nói chung. Vị này khuyên kẻ khác thực hành đạo phần không giết hại. Vị này luôn thực hành đạo phần không giết hại. Làm như vị này là thực hành đạo phần không giết hại. Thực hành đạo phần không giết hại sẽ được phước báu không bị giết hại và được vô lượng công đức tăng trưởng tâm từ-bi-hỷ-xả.
Chư Phật tử! Thế nào là thực hành đạo phần cứu sinh? Vị này không tạo ra điều kiện, hoàn cảnh, môi trường mà điều kiện, hoàn cảnh, môi trường đó sẽ làm cho chúng sanh sẽ bị giam giữ, sẽ bị khổ đau thân xác hoặc sẽ bị chết. Ví như vị này không làm đổ thức ăn trên sàn nhà, luôn lau dọn sàn nhà sạch sẽ thơm mát, cho nên con kiến không đi trên sàn nhà để lấy thức ăn. Chính vì vậy mà con kiến không bị đạp chết. Ví như vị này đang thi công hố ga trên đường, vị này che chắn hàng rào bảo vệ, lắp đặt đầy đủ biển báo và đèn báo. Chính vì vậy mà người và con vật không bị tai nạn do hố ga gây ra. Ví như vị này phát tâm phóng sanh cá, vị này không cho ai biết vị này sẽ phóng sanh cá, vị này âm thầm mua cá và đem đến một nơi an toàn cho cá để thả. Chính vì vậy mà không ai biết vị này sẽ phóng sanh cá nên không bắt cá để bán cho vị này. Chính vì vậy mà không ai biết vị này thả cá ở đâu để đến đó đánh bắt lại.
Vị này thấy biết chúng sinh sẽ bị nạn giam giữ, sẽ bị nạn khổ đau thân xác hoặc sẽ bị nạn chết và bằng những phương tiện hợp lý, vị này giúp đỡ chúng sinh đó thoát được nạn giam giữ, nạn khổ đau thân xác, nạn chết. Ví như vị này nhìn thấy đàn kiến đang bò trên sàn nhà, vị này lấy chổi nhẹ nhàng quét chúng đến một nơi mà nó có thể bình yên. Chính vì vậy mà đàn kiến không bị đạp chết. Ví như vị này thấy một con trăn đang bò trên đường, vị này lặng lẽ đuổi nó đến một nơi an toàn cho nó. Chính vì vậy mà không có ai đuổi bắt nó, và nó cũng tránh nạn bị xe tông. Ví như vị này thấy một người bị bệnh mà không có tiền chữa bệnh. Vị này kêu gọi người hảo tâm bố thí tiền của để bệnh nhân có tiền chữa bệnh. Nhờ vậy mà bệnh nhân tránh được sự đau khổ thân xác kéo dài hoặc tránh được sự chết. Ví như vị này thấy một con nhím đã bị dính bẩy của thợ săn, vị này lặng lẽ thả nó đi trước khi bị làm thịt.
Vị này khuyên kẻ khác thực hành đạo phần cứu sinh. Vị này luôn thực hành đạo phần cứu sinh. Làm như vị này là thực hành đạo phần cứu sinh. Thực hành đạo phần cứu sinh là tạo ra ân đức cứu sinh. Ân đức cứu sinh là ân đức to lớn mà chúng sinh luôn ghi nhận và đền ân bằng cách này hay cách khác, tại kiếp này hay kiếp khác khi họ có đủ nhân duyên. Vì vậy, thực hành đạo phần cứu sinh sẽ đạt được phước báu vô lượng không thể kể đếm. Nhưng này Chư Phật tử! Thực hành đạo phần cứu sinh phải bằng tâm chân thật, không mong cầu đền đáp, không mong cầu ai biết đến, không mong cầu ai khen thì mới đạt được công đức vô lượng tăng trưởng tâm từ-bi-hỷ-xả.
Đây là pháp thực hành tu không sát sanh, chư Phật tử hãy cố gắng thực hành, chớ có buông lung.
Pháp Không Chân Như
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét