GIẢI ĐỀ
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG là siêu việt số lượng.
ĐẠI là thể tánh bao gồm tất cả.
PHƯƠNG QUẢNG là nghiệp dụng phổ biến khắp nơi.
HOA dụ cho vạn hạnh khai mở.
NGHIÊM dụ cho đại pháp trang nghiêm thành tựu cho con người.
KINH là xuyên thấu tất cả pháp.
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG là pháp sở chứng.
PHẬT là người năng chứng.
Hai chữ Hoa Nghiêm dụ cho Phật ở nơi nhân địa mà vạn hạnh như hoa; dùng hoa này mà trang nghiêm quả địa, nên gọi là Hoa Nghiêm.
Vì Kinh Hoa Nghiêm quá dài, khó đọc, khó tin, khó giải, khó hành, khó chứng, cho nên nay tôi trích dịch yếu chỉ Kinh này để giúp cho các điều khó kể trên được dễ lại một phần nào.
Duy Tắc Thiền Sư là tổ thứ mười chín của phái Lâm Tế, cũng là trưởng tử của Ngài Trung Phong Thiền Sư, sanh vào cuối đời nhà Nguyên Trung Quốc. Tác phẩm và ngữ lục của Ngài được ghi trong Tục Tạng Kinh, tập thứ một trăm hai mươi hai.
THÍCH DUY LỰC
Tám mươi mốt quyển Kinh Hoa Nghiêm chia làm bốn phần, gọi là tín, giải, hành, chứng.
Mười một quyển đầu tiên là vì chúng sanh khai phát cửa TÍN.
Bốn mươi mốt quyển kế là vì chúng sanh khai phát cửa GIẢI.
Bảy quyển kế tiếp là vì chúng sanh khai phát cửa HÀNH.
Hai mươi mốt quyển sau là vì chúng sanh khai phát cửa CHỨNG.
Giải thích ý nghĩa kinh này chẳng ra ngoài NGŨ CHU, LỤC TƯỚNG, TỨ PHÁP GIỚI, THẬP HUYỀN MÔN.
NGŨ CHU gồm năm thứ nhân quả viên tròn chu đáo là nghĩa lý tổng quát của Kinh Hoa Nghiêm.
1. Nhân quả sở tín.
2. Nhân quả sai biệt.
3. Nhân quả bình đẳng.
4. Nhân quả thành hạnh.
5. Nhân quả chứng nhập.
LỤC TƯỚNG là tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại.
Theo sự thấy của phàm phu, trên “Sự tướng” mà nói, sự và tướng mỗi mỗi cách biệt chẳng đủ lục tướng. Nếu theo sự thấy của bậc Thánh mà nói, thể tánh các pháp, mỗi một sự, một tướng đều đủ lục tướng viên dung. Vì lục tướng viên dung nên các pháp tức là nhất chân pháp giới vô tận duyên khởi, cũng gọi là Nhất chân pháp giới vô tận của “pháp giới”. Lý viên dung này của vạn pháp do lục tướng mà được chứng tỏ. Lý này căn cứ theo lời văn nguyện thứ tư trong Sơ Địa Thập Đại Nguyện của bổn kinh, và là một đại pháp môn của Tông Hoa Nghiêm do Chí Tướng đại sư kiến lập (Nhị Tổ Tông Hoa Nghiêm).
1. Tổng tướng là nhất hàm đa đức như thân người có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, do các căn mà thành một thể.
2. Biệt tướng là nhiều đức dụng mỗi mỗi khác biệt chẳng phải một, như thân thể tuy là một mà nhãn, nhĩ v.v… các căn mỗi mỗi chẳng đồng.
Hai tướng tổng, biệt này là một thân với các căn tương đối của hai nghĩa bình đẳng và sai biệt (nhân quả Ngũ Chu).
3. Đồng tướng là nhiều đức dụng chẳng trái nhau, mỗi mỗi sai biệt đều thành một nghĩa của Tổng tướng, cũng như nhãn, nhĩ v.v… các căn mỗi mỗi đều thành nghĩa thân thể mà chẳng phải vật khác.
4. Dị tướng là nhiều nghĩa tương đối, mỗi loại khác nhau, cũng như tướng mạo của nhãn, nhĩ v.v…các căn đều khác nhau.
Hai tướng đồng dị này là các căn tương đối lẫn nhau mà sáng tỏ được hai nghĩa bình đẳng và sai biệt.
5. Thành tướng là nhiều nghĩa đang duyên khởi mà thành một thể, cũng như các căn duyên khởi mà thành một thân.
6. Hoại tướng là nhiều nghĩa, mỗi mỗi trụ nơi tự tướng mà chẳng thay đổi, cũng như các căn trụ nơi tự tướng mà mỗi mỗi đều hiện ra sự dụng riêng biệt của mình.
Hai tướng thành hoại này y theo hai tướng đồng dị mà sáng tỏ cái quả của hai tướng tổng biệt và hai nghĩa bình đẳng, sai biệt.
Lục tướng này y theo Thể, Tướng, Dụng, phân làm hai nghĩa bình đẳng và sai biệt. Biểu đồ như sau:
TẤT CẢ CÁC PHÁP
THỂ TƯỚNG DỤNG
TỔNG BIỆT ĐỒNG DỊ THÀNH HOẠI
TƯỚNG TƯỚNG TƯỚNG TƯỚNG TƯỚNG TƯỚNG
BÌNH ĐẲNG SAI BIỆT
TỨ PHÁP GIỚI:
1. Sự pháp giới: các pháp sắc và tâm của chúng sanh mỗi mỗi sai biệt, có giới hạn phân cách, nên gọi là “sự pháp giới”.
2. Lý pháp giới: các pháp sắc và tâm của chúng sanh dù có sai biệt, mà đồng một thể tánh, nên gọi là “lý pháp giới”.
3. Lý sự vô ngại pháp giới: Lý do sự mà hiển bày, sự do lý mà thành tựu, lý sự dung hợp lẫn nhau nên gọi là “lý sự vô ngại pháp giới”.
4. Sự sự vô ngại pháp giới: Tất cả giới hạn, phân cách của sự vật xứng với tánh dung thông, một tức nhiều, nhiều tức một, lớn vào nhỏ, nhỏ vào lớn, trùng trùng vô tận, nên gọi là “sự sự vô ngại pháp giới”.
THẬP HUYỀN MÔN cũng gọi là Thập Huyền Duyên Khởi, do Hoa Nghiêm Tông kiến lập, để hiển bày “sự sự vô ngại pháp giới” trong Tứ Pháp Giới. Nếu thông suốt nghĩa này thì có thể nhập vào Huyền Hải của Kinh Hoa Nghiêm, nên gọi là Huyền Môn. Mười môn này làm duyên với nhau mà sanh khởi cái khác, nên gọi là Duyên Khởi.
THẬP HUYỀN MÔN LÀ:
1. Đồng thời cụ túc tương ứng môn:
Tất cả các pháp đồng thời đầy đủ trong một pháp, mỗi pháp đều có sự tương trợ lẫn nhau.
2. Quảng hiệp tự tại vô ngại môn:
Từ một tâm sanh ra vô lượng pháp là quảng, từ vô lượng pháp trở về một tâm là hiệp. Muốn quảng, muốn hiệp đều tự tại vô ngại.
3. Nhất đa tương dung bất đồng môn:
Một pháp dung nạp nhiều pháp, nhiều pháp ở trong một pháp, mỗi pháp chẳng đồng mà đồng, đồng mà chẳng đồng.
4. Chư Pháp tương tức tự tại môn:
Tất cả pháp đều do tâm tạo, vốn chẳng có khác, nên pháp kia tức pháp này, pháp này tức pháp kia, tương tức với nhau.
5. Ẩn mật hiển liễu câu thành môn:
Ngôn giáo của chư Phật hoặc ẩn hoặc hiển đều vì thành tựu cho chúng sanh.
6. Vi tế tương dung an lập môn:
Tất cả pháp dù vi tế đến chỗ vô hình vô tướng cũng dung nạp lẫn nhau và cũng kiến lập lẫn nhau.
7. Nhân Đà-La-Võng pháp giới môn:
Nhân Đà-La-Võng là lưới báu của Đế Thích, mỗi mắc lưới đều dùng châu ngọc giao kết nhau để dụ cho vạn pháp giao kết lẫn nhau, trùng trùng vô tận.
8. Thác sự hiển pháp sanh giải môn:
Mượn sự vật giả thiết thí dụ để hiển bày chánh pháp cho chúng sanh được dễ sanh khởi tín giải.
9. Thập thế cách pháp dị thành môn:
Cổ kim xa cách nhiều kiếp, dù mỗi pháp khác biệt mà nhân quả tương trợ với nhau nên vạn pháp mỗi mỗi đều được thành tựu.
10. Chủ Bạn (năng sở) viên minh cụ đức môn:
Dù lập năng sở mà viên tròn sáng tỏ, siêu việt năng sở, tất cả công đức vốn tự đầy đủ.
Thập huyền môn duyên khởi với nhau để diễn tả pháp giới sự sự vô ngại.
Tại sao các pháp sự sự vô ngại?
1. Vì duy tâm sở hiện, nên các pháp vốn chẳng có khác, chỉ do tâm Như Lai Tạng duyên khởi mà thành pháp sai biệt, nên phải có lý dung thông.
2. Vì pháp tánh vô định nên các pháp là pháp duyên khởi của tâm Như Lai Tạng, vốn chẳng có tự tánh nhất định, nên phải có lý dung thông.
3. Vì duyên khởi lẫn nhau, pháp duyên khởi không được tự thể độc lập, phải do pháp khác làm duyên mà thành, nên phải có lý dung thông.
4. Vì pháp tánh dung thông nên sự vật dung thông tự đúng như pháp tánh, nên phải có lý dung thông.
5. Vì pháp như mộng huyễn, các pháp chẳng thật, nên phải có lý dung thông.
6. Vì pháp như bóng hình, nên các pháp duyên khởi từ một tâm giới mà chẳng tồn tại, như bóng hình trong gương, nên phải có lý dung thông.
Sáu thứ nhân kể trên đều sẵn có lý dung thông, là y theo đức tướng của các pháp như như mà nói.
Bốn thứ nhân kể sau này là theo nghiệp dụng vô ngại mà nói.
7. Vì nhân vô hạn, nên hàng Bồ Tát tu nhân vô hạn, thì phải được quả nghiệp dụng vô ngại.
8. Vì Phật chứng chân tánh cùng tột, nên nghiệp dụng đúng như tánh cũng vô ngại.
9. Vì sức thiền định thâm sâu huyền diệu, nên được nghiệp dụng vô ngại.
10. Vì sức dụng thần thông giải thoát của tự tánh bất khả tư nghì, lìa sự ràng buộc của vạn pháp mà được tự tại, nên nghiệp dụng vô ngại.
Như thế gọi là “sự sự vô ngại pháp giới”. Nếu chứng được sự sự vô ngại pháp giới thì tất cả đều là việc tự kỷ, cũng gọi là “nhất chân pháp giới”. Nhưng hiện nay người khắp thế gian đều chẳng biết có việc tự kỷ, vì họ chẳng biết nên chẳng chịu tin. Vì chẳng tin nên chẳng thể hành, chỉ ở trong giàu sang, phú quí, tửu sắc, tài lợi mà trôi qua một đời, chẳng được thành tựu gì cả, dù biết ngày chết sắp đến, cũng còn không chịu quay đầu lại. Thật đáng thương xót!
Nhất chân pháp giới bao gồm vô biên thế giới, mười thứ huyền môn tổng nhiếp vô lượng pháp môn, tức sự tức lý, tức tánh tức tướng, tức tục tức chân, tức nhân tức quả, tức năng tức sở, tức Thánh tức phàm, tức đa tức nhất, tức chánh báo tức y báo, như lưới báu của Đế Thích, trùng trùng hiển hiện, chẳng phải thần thông làm thành, vốn là pháp tánh như thế, kẻ mê gặp đâu đều chướng ngại, kẻ ngộ ngay đó toàn hiển bày. Ấy là lời văn viên đốn, xứng với tự tánh của Kinh Hoa Nghiêm, cũng là kinh của Thế Tôn giảng nơi thất xứ cửu hội vậy.
THẤT XỨ CỬU HỘI LÀ:
1. Bồ Đề tràng.
2. Phổ Quang Minh điện.
3. Đao Lợi thiên.
4. Dạ Ma thiên.
5. Đâu Xuất thiên.
6. Tha Hóa thiên.
7 và 8. Trùng hội nơi Phổ Quang Minh điện.
9. Thệ đa lâm.
Ø Đệ nhất hội thuyết Như Lai Y báo và Chánh báo.
Ø Đệ nhị hội thuyết Thập Tín.
Ø Đệ tam hội thuyết Thập Trụ.
Ø Đệ tứ hội thuyết Thập Hạnh.
Ø Đệ ngũ hội thuyết Thập Hồi Hướng.
Ø Đệ lục hội thuyết Thập Địa.
Ø Đệ thất hội thuyết Đẳng Giác và Diệu Giác.
Thất hội kể trên đều theo thứ tự mà thuyết, gọi là “Pháp môn hành Bố”.
Ø Đệ bát và đệ cửu hai hội:
Phổ Huệ Bồ Tát đề ra hai trăm vấn, Phổ Hiền Bồ Tát trả lời hai ngàn đáp, phàm nói một pháp thì tất cả pháp đều bao gồm trong đó, gọi là “Pháp môn viên dung”. “Hành Bố” như hoa đào hoa lý thì hoa trước quả sau; “Viên dung” như hoa sen thì hoa quả đồng thời.
Ø “Viên Dung” có hai nghĩa:
1. Nhân gồm quả hải (biển quả).
2. Quả thấu nguồn nhân.
a. Nhân gồm biển quả là khi đề Thập tín thì Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác đều bao gồm trong đó.
b. Quả thấu nguồn nhân là khi đề Đẳng giác, Diệu giác thì Thập địa, Thập hồi hướng, Thập hạnh, Thập trụ, Thập tín cũng đều bao gồm trong đó. Cho nên nói “Hành Bố” thì giáo tướng sai biệt; nói “Viên Dung” thì tánh tướng vô ngại. Tướng là tướng của tánh, nên Hành Bố chẳng ngại “Viên Dung”; tánh là tánh của tướng, nên “Viên Dung” chẳng ngại Hành Bố. Vì “Viên Dung” chẳng ngại Hành Bố, nên một tức là vô lượng. Hành Bố chẳng ngại “Viên Dung” nên vô lượng tức là một.
Vô lượng tức là một thì ẩn ẩn dung thông, một tức là vô lượng thì trùng trùng thấu nhập. Như thế cửu hội cộng thành tám mươi mốt quyển Kinh Hoa Nghiêm.
Trong kinh nói:
“Hoa tạng thế giới sở hữu trần,
Nhất nhất trần trung kiến pháp giới”.
Dịch nghĩa:
“Bụi trần đầy thế giới hoa tạng,
Trong mỗi hạt bụi hiện pháp giới”.
Các ngươi có thấy chăng? Nếu mà thấy được thì liền thấy thân Như Lai Tạng vô tận quang minh công đức, cùng hư không, khắp pháp giới, hiện ở nơi đây; vi trần số cõi Phật Bồ Tát hải hội, cũng tại nơi đây; vi trần số cõi Phật chư thiện tri thức, thiên long bát bộ, cũng tại nơi đây; vi trần số cõi Phật, bảo tòa, bảo sàng, bảo liên hoa, bảo anh lạc, bảo võng, bảo thụ cũng tại nơi đây; lời vấn lời đáp; viên dung hành bố cũng tại nơi đây; tín giải hành chứng cũng tại nơi đây; Di Lặc búng tay mở cửa lâu các (cung điện) cũng tại nơi đây; Văn Thù đưa tay xoa đầu Thiện Tài cũng tại nơi đây. Cho đến ngũ chu, lục tướng, tứ pháp giới, thập huyền môn, cũng đều tại nơi đây; ấy chẳng phải ngay đó toàn hiển bày sao?
Trong Kinh nói: “Tỳ Lô Hoa Tạng Trang Nghiêm Hải, cùng khắp nhất thiết xứ; Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh bao gồm tất cả Hoa Tạng Hải”.
Nghĩa là:
Biển trang nghiêm Liên Hoa Tạng của Phật Tỳ Lô, cùng khắp tất cả nơi. Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật bao gồm tất cả pháp.
Đã nói cùng khắp tất cả nơi xin hỏi : chuồng trâu, chuồng ngựa, quán rượu, nhà mãi dâm, kiếm thụ đao sơn, chảo dầu sôi, lò lửa than v.v… những cảnh giới ô uế ác trược này đặt ở chỗ nào ? Nếu không có chỗ để đặt, bèn cho lò lửa than, chảo dầu sôi, đao sơn kiếm thụ, gọi là Hoa Tạng Hải được chăng? Nếu không được gọi là Hoa Tạng Hải thì chẳng thể nói là cùng khắp tất cả nơi vậy.
Nói Kinh Hoa Nghiêm bao gồm tất cả pháp, thì xin hỏi những tiếng thần kêu quỉ khóc, tiếng nước chảy, gió thổi, gà gáy, chó sủa v.v…những âm thanh ô uế ác trược ấy hướng vào đâu mà phân biệt? Nếu không có chỗ phân biệt, bèn cho tiếng chó sủa, gà gáy, tiếng gió thổi, nước chảy, gọi là Kinh Hoa Nghiêm có được chăng? Nếu không được gọi là Kinh Hoa Nghiêm, thì chẳng thể nói bao gồm tất cả pháp vậy. Các ngươi ngay chỗ này mà chỉ không ra, Sơn Tăng hôm nay vì các ngươi chỉ ra cho.
Vô lượng số thế giới núi thiết vi, vô lượng số giải thoát bồ đề tràng, vô lượng số ma ni bảo quang tụ, vô lượng số cung điện lâu các vân, vô lượng số liên hoa sư tử tòa, vô lượng số biến hóa trang nghiêm thân, vô lượng số quốc thành thiện tri thức, hôm nay ở trên cây phất trần này đồng thời hiển lộ ra rồi!
Giáo chủ Tỳ Lô Giá Na Phật sở thuyết, Phổ Hiền Bồ Tát sở thuyết, Văn Thù Bồ Tát sở thuyết, thất xứ cửu hội chư Bồ Tát sở thuyết, bốn mươi mốt vị pháp thân đại sĩ, tất cả phát đại tâm chúng sanh, Thiên Long Bát Bộ chúng hội sở thuyết, địa thần thuyết, thủy thần thuyết, hỏa thần thuyết, phong thần thuyết, sơn lâm thần, đạo tràng thần sở thuyết, cho đến vân đài thuyết, bảo võng thuyết, trần thuyết, sát thuyết, đủ thứ thuyết, hôm nay đều nhờ cây gậy này xiển dương rồi.
Vậy, cây gậy và cây phất trần tại sao quái lạ như thế? Nếu biết được chỗ quái lạ thì biết được chỗ dung thông biến hiện; nếu biết được chỗ dung thông biến hiện, thì biết được cùng khắp nhất thiết xứ, bao gồm tất cả pháp vậy. Đã biết được như thế này, mới rõ tiếng thần kêu quỉ khóc, tiếng nước chảy, gió thổi, chó sủa, gà gáy v.v…không có pháp nào chẳng phải Kinh Hoa Nghiêm; chuồng trâu, chuồng ngựa, quán rượu, nhà mãi dâm, đao sơn kiếm thụ… Không nơi nào chẳng phải Hoa Tạng Hải vậy.
Tâm này chưa liễu thì danh tướng muôn ngàn sai biệt, tâm này đã liễu thì thể dụng chỉ là một thôi. Nên nói:
Tam muội liễu tâm hay như thế
Người tâm chưa liễu chẳng thể tri.
Có một quyển đại Kinh ở trong một hạt bụi, có người trí phá hạt bụi này, hiện ra quyển đại Kinh. Nếu thấy được quyển đại Kinh này thì tám mươi mốt quyển Kinh kia đều thành giấy vụn.
Chân thiện tri thức chẳng lìa tự kỷ, cầu đạo nơi tự kỷ, chẳng tìm ở nơi khác. Nếu gặp được thiện tri thức này thì năm mươi ba vị thiện tri thức kia đều là người dưng.
Nếu ông chưa thể thừa nhận như thế, thì chẳng được bỏ qua tám mươi mốt quyển kinh, cần phải đọc kỹ từ đầu đến cuối; năm mươi ba vị thiện tri thức cũng nên từng vị mà tham học. Sở dĩ Kinh nói: Thiện tri thức là chỗ sanh trưởng nhiều thiện căn, thiện tri thức là chỗ sanh ra công đức, thiện tri thức là chẳng nhiễm thế pháp, thiện tri thức là chẳng thọ ác báo, thiện tri thức là chiếu sáng pháp giới, thiện tri thức là sanh trưởng thân Bồ Tát. Còn nói: Gặp thiện tri thức được tâm chẳng tán loạn, gặp thiện tri thức được phá núi chướng ngại, gặp thiện tri thức được vào biển đại bi cứu giúp chúng sanh, gặp thiện tri thức được ánh sáng trí huệ chiếu soi pháp giới. Còn nói:
Do thân cận thiện tri thức được dũng mãnh siêng năng tu đạo, do thân cận thiện tri thức được ở nơi một hạt bụi thuyết pháp mà âm thanh khắp pháp giới, do thân cận thiện tri thức được niệm niệm đi đúng hạnh Bồ Tát, cứu cánh an trụ nơi nhất thiết trí địa.
Lành thay! Lành thay! Thiện tri thức có sự lợi ích như thế, dù vậy muốn gặp thiện tri thức, phải có đại nhân duyên, có nhân duyên thì cách xa ngàn dặm cũng được gặp; không có nhân duyên thì đối diện mà chẳng thấy. Nên nói:
Ưu Bát Đàm Hoa còn dễ thấy
(ba ngàn năm hiện một lần)
Đại thiện tri thức rất khó gặp.
Lời này đâu phải gạt người!
Kinh Hoa Nghiêm có hai bài kệ, có thể đại diện cho cả bộ Kinh này:
Bài kệ thứ nhất:
Nhược nhân dục liễu tri,
Tam thế nhất thiết Phật,
Ưng quán pháp giới tánh,
Nhất thiết duy tâm tạo.
Dịch nghĩa:
Nếu người muốn biết rõ,
Tất cả Phật tam thế,
Phải quán tánh pháp giới,
Tất cả do tâm tạo.
Tất cả cảnh giới Thánh, phàm, thế gian và xuất thế gian, chỉ một bài kệ này đã bao gồm chẳng thiếu sót. Hai chữ “Pháp giới” gồm có tứ Thánh lục phàm, hợp thành mười pháp giới.
Mười pháp giới này vốn chẳng có tự thể, chẳng có tự tánh, chẳng có tự chủng, cũng chẳng có tự căn (gốc), đều do một tâm tạo ra.
Nói đến chữ TÂM cũng như hư không, vốn là thanh tịnh, vốn là thấu triệt, chẳng có hình dáng, chẳng có phương sở, bất diệt, bất sanh, bất động, bất biến. Vậy tại sao lại nói là duy tâm tạo? Nguyên cái tâm này dù nói bất biến mà cũng là tùy duyên, vì tùy duyên nên năng tạo; nói tùy duyên là vì một niệm thình lình sanh khởi, hoặc tiếp xúc với ngoại cảnh, trong và ngoài cảm ứng với nhau, gọi là nhân duyên, có nhân duyên mới thành pháp giới. Nay dùng thí dụ để tỏ rõ:
Tâm như nước, pháp giới như làn sóng. Bản thể của nước vốn yên tịnh, chẳng phương sơ, chẳng lay động, khi gặp gió thổi thì muôn ngàn làn sóng tùy sự tiếp xúc mà nổi lên. Vậy thì nước có thể tạo ra làn sóng, làn sóng do nước mà có; cũng như Tâm có thể tạo ra pháp giới, pháp giới do tâm mà có vậy.
Do đó, nhất thừa linh động, vạn đức trang nghiêm là pháp giới của chư Phật; viên tu lục độ, tổng nhiếp vạn hạnh, là pháp giới của Bồ Tát; chấp vào nhân duyên, chứng lý Thiên Không, là pháp giới của Duyên Giác; tứ đế công thành, chứng tiểu Niết Bàn, là pháp giới của Thanh Văn; ham tu giới thiện, làm nhân hữu lậu, là pháp giới của cõi Trời; ái nhiễm chẳng ngừng, cũng làm thiện duyên, là pháp giới của cõi Người; chấp tâm hiếu thắng, nổi sân đấu tranh, là pháp giới của Tu La; ái kiến làm gốc, bỏn xẻn làm nghiệp, là pháp giới của Ngạ Quỷ; Tham dục chẳng ngừng, luôn luôn si tưởng là pháp giới của súc sinh; tạo mười ác nghiệp, lục căn thọ báo, là pháp giới của Điạ Ngục. Nói tóm lại, vô biên thế giới y theo tâm này mà biến tạo, mặt trăng, mặt trời y theo tâm này mà vận hành, sự mê của tất cả chúng sanh là mê tâm này, sự ngộ của Thánh hiền tam thừa là ngộ tâm này, sự dẫn dắt của Đại Tạng giáo điển là dẫn dắt tâm này, sự khai thị của Lịch đại Tổ sư là khai thị tâm này; tam quán là quán tâm này; đơn truyền là truyền tâm này; nhiều kiếp tu tập là tu tâm này; chứng ngộ từng bậc là chứng tâm này. Do tâm này tùy duyên biến tạo, nên mới có mười pháp giới, nếu được nhất tâm chẳng sanh, liễu ngộ liễu chứng, thì mười pháp giới cũng theo sự liễu mà hết. Thế nên thập ác đã dứt, lục căn thọ báo chẳng sanh, thì tâm địa ngục được liễu; tham dục đã dứt, si tưởng chẳng sanh, thì tâm súc sinh được liễu; ái kiến đã dứt, bỏn xẻn chẳng sanh, thì tâm Ngạ Quỉ được liễu; hiếu thắng đã dứt, sân đấu chẳng sanh, thì tâm Tu La được liễu; ái nhiễm đã dứt, chánh niệm hiện tiền, thì tâm cõi Người được liễu; bỏ nhân hữu lậu, tu nghiệp vô lậu thì tâm cõi Trời được liễu; chẳng chấp tứ đế, chẳng giữ chân không, thì tâm Thanh Văn được liễu; chẳng chấp nhân duyên, hồi tâm hướng đại (thừa), thì tâm Duyên Giác được liễu; lục độ công thành, đốn siêu địa vị, thì tâm Bồ Tát được liễu; Bồ Đề viên mãn, quy vô sở đắc thì tâm chư Phật được liễu.
Thế thì làm sao cho tâm được liễu?
Ngài Diệu Thọ nói:
Từ tán tâm đến đa tâm,
Từ đa tâm đến thiểu tâm,
Từ thiểu tâm đến nhất tâm,
Từ nhất tâm đến vô tâm,
Từ vô tâm đến liễu tâm,
Chỉ cần tham câu thoại đầu, thì mỗi mỗi tâm đều được liễu.
Bài kệ thứ nhì:
Nhược nhân dục thức Phật cảnh giới,
Đương tịnh kỳ ý như hư không,
Viễn ly vọng tưởng cập chư thủ,
Linh tâm sở hướng giai vô ngại.
Dịch nghĩa:
Nếu người muốn biết cảnh giới Phật,
Ý căn thanh tịnh như hư không,
Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ,
Khiến tâm khắp nơi đều vô ngại.
Cảnh giới Phật là gì? Không và hữu thay phiên hiển bày, lý sự vô ngại, một tức nhiều, nhiều tức một, lớn vào nhỏ, nhỏ vào lớn là cảnh giới Phật vậy. Do đó được biết, một hạt bụi, một giọt nước cho đến vi trần số cõi Phật Hoa Tạng Hải đều là cảnh giới Phật cả. Nhưng các ngươi tay chỉ mắt nhìn, trên là trời, dưới là đất, vận hành là nhựt nguyệt. Tịnh mà trụ gọi là núi, động mà chảy gọi là sông, hữu tình là người, vô tình là vật. Cảnh giới Phật ngay trước mắt mà lại chẳng thấy, thực là thật đáng thương xót! Tại sao vậy? Chỉ vì các ngươi nơi ý căn chưa từng thanh tịnh, nên có đủ thứ vọng tưởng, đã có vọng tưởng là có phân biệt, đã có phân biệt thì kẹt vào danh tướng, đã kẹt vào danh tướng nên thấy trời chỉ là trời, thấy đất chỉ là đất, thấy núi sông chỉ là núi sông, thấy người vật chỉ là người vật; lại ở nơi danh tướng vọng sanh đủ thứ chấp trước, như chấp núi sông người vật, lại còn ở nơi chấp trước sanh ra đủ thứ chướng ngại, cũng như bị sắc, thinh, hương, vị chướng ngại, bị núi, sông, người, vật, vạn tượng sum la chướng ngại, vì ở khắp nơi đều bị chướng ngại, nên muốn thấy cảnh giới Phật lại càng khó hơn nữa.
Dù vậy, nếu ông chân thật muốn thấy cũng chẳng khó, chỉ cần đem các thứ vọng tưởng, chấp trước, chướng ngại ấy, mỗi mỗi đều xoay trở về tự tánh, khiến cho nơi ý căn thanh tịnh như hư không. Ở trên đỉnh đầu mở ra chánh nhãn (tham ngộ), chiếu soi khắp thế gian. Như vậy thì trời là cảnh giới Phật, đất cũng là cảnh giới Phật, núi sông người vật, hạt bụi giọt nước, cho đến vi trần số cõi Phật thế giới, không nơi nào chẳng phải là cảnh giới Phật cả. Đang lúc ấy luôn cả vọng tưởng, chấp trước, chướng ngại cũng đều là cảnh giới Phật rồi vậy.
Cảnh giới như thế, phi hữu phi không, phi lý phi sự, phi nhất phi đa, phi tiểu phi đại, phi mê phi ngộ, phi tu phi chứng, gọi là cảnh giới Phật cũng được, chẳng gọi là cảnh giới Phật cũng được. Vi diệu như thế bất khả thuyết, viên dung như thế bất khả thuyết, tự tại vô ngại như thế bất khả thuyết, chứng ngộ giải thoát như thế bất khả thuyết, công đức lợi ích như thế bất khả thuyết. Ấy gọi là bất khả thuyết lại thêm bất khả thuyết của cảnh giới Phật. Các ngươi ở nơi cảnh giới Phật này đã từng đích thân đi đến chưa? Nếu chưa đến nơi, cần phải nghe ta từ đầu nói trắng ra:
Ø Nếu ngươi muốn biết cảnh giới Phật (Là trên đầu lại sanh thêm đầu).
Ø Ý căn thanh tịnh như hư không (Vì có ai bị ô nhiễm đâu?)
Ø Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ (Là vạch sóng để tìm nước).
Ø Khiến tâm khắp nơi đều vô ngại (Thì trước mắt đều là núi xanh).
Nói trắng ra rồi đó. Chớ nên hiểu lầm!
Xưa kia Thế Tôn ở nơi pháp Bồ Đề tràng mới thành chánh giác, than rằng: “Lạ thay! Nay Ta thấy khắp tất cả chúng sanh đều đủ cả đức tướng trí tuệ của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà chẳng chứng đắc”. Vậy Phật đã đem hết sự sở chứng tỏ bày rồi, các ngươi hiện đang ở nơi pháp Bồ Đề Tràng, mỗi người đầu đội hư không, chân đạp quả đất mà chẳng thành Chánh Giác là tại sao? Vì vọng tưởng chấp trước chưa dứt, đại tâm Bồ Đề chưa phát.
Mê thì Bồ Đề là vọng tưởng,
Ngộ thì vọng tưởng là Bồ Đề.
Muốn thành Chánh Giác cần phải phát tâm Bồ Đề, nên Kinh nói: “Tâm Bồ Đề cũng như chủng tử, vì hay sanh tất cả Phật pháp; tâm Bồ Đề cũng như đại địa, vì hay trì tất cả thế gian; tâm Bồ Đề cũng như nước trong sạch, vì hay rửa tất cả cấu bẩn phiền não; tâm Bồ Đề cũng như gió lớn vì thổi khắp thế gian đều vô ngại; tâm Bồ Đề cũng như xe lớn, vì hay chuyên chở chư Bồ Tát; tâm Bồ Đề cũng như đại đạo (đại lộ), Vì hay khiến chúng sanh được vào thành đại trí; tâm Bồ Đề cũng như vườn hoa, vì cho chúng sanh ở nơi đó du hí thọ pháp lạc; tâm Bồ Đề giống như hạt châu như ý vì hay cấp cho tất cả người nghèo khổ được no ấm”.
Lành thay! Lành thay! Tâm Bồ Đề có công đức như thế.
Nếu đã phát tâm Bồ Đề, đương nhiên phải tu hạnh Bồ Tát, hạnh Bồ Tát nếu chẳng tu, thì tâm Bồ Đề thành vọng phát. Há chẳng thấy Thiện Tài đồng Tử khi tham vấn mỗi thiện tri thức đều nói: “Con đã phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề mà con chưa biết làm sao học hạnh Bồ Tát, làm sao tu đạo Bồ Tát. Nghe nói bậc Thánh hay dạy bảo cách khéo léo, xin vì con mà thuyết”. Ấy là cái gương của Thiện Tài Đồng Tử phát tâm tu hành. Do đó được biết, dù có nghe nhiều, nếu chẳng chịu tu hành thì cũng bằng người chẳng nghe, như người chỉ nói ăn mà chẳng ăn thì làm sao được no.
Thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na giấu trong một lỗ chân lông, biển hạnh nguyện của Phổ Hiền rải khắp trên trăm đầu ngọn cỏ.
Dầu ở nơi một lỗ chân lông, rõ ràng là dựng đất chỏi trời; dù ở nơi trăm đầu ngọn cỏ, rốt cuộc quét sạch dấu tích. Các ngươi muốn thấy một lỗ chân lông chăng?
- Chiều dọc thì xuyên qua tam tế (quá khứ, hiện tại, vị lai), chiều ngang thì rộng khắp mười phương; muốn thấy trăm đầu ngọn cỏ chăng?
- Tia lửa ánh chớp không kịp nháy mắt. Có khi một lỗ chân lông nuốt hết trăm đầu ngọn cỏ, có khi trăm đầu ngọn cỏ hiện ra một lỗ chân lông, có khi một lỗ chân lông tức là trăm đầu ngọn cỏ, có khi trăm đầu ngọn cỏ tức là một lỗ chân lông; khiến cho Phật Tỳ Lô Giá Na, Bồ Tát Phổ Hiền hòa thành một khối, làm cho tất cả chúng sanh tìm mãi chẳng ra, chen thân chẳng lọt, dùng sức chẳng đụng, chân đạp chẳng vững, vốn chẳng định thể, cũng chẳng định danh. Có khi gọi là nhất chân pháp giới, có khi gọi là đại quang minh tạng, có khi gọi là pháp Bồ Đề Tràng, có khi gọi là diệu trang nghiêm thành, có khi gọi là nghĩa lục tướng, có khi gọi là Thập Huyền Môn, hoặc nói ám hiệu tử, hoặc nói Bản Lai Nhân, cho đến dùng nó thành cây gậy, biến nó thành tiếng hét. Thả đi thu lại, muôn ngàn sai biệt, đến khi tẩy sạch triệt để khám phá cuối cùng (kiến tánh), vốn chỉ là một mình tự kỷ! Cái tự kỷ này, ở trời thì đồng với trời, ở đất thì đồng với đất, nơi người thì đồng với người, nơi vật thì đồng với vật. Trên bổn phận tự kỷ, hoặc nói bổn cụ (vốn đầy đủ), hoặc nói bổn không (vốn trống rỗng), hoặc nói mê và ngộ, hoặc nói tu và chứng, bày ra đủ thứ dây trói buộc, kỳ thật:
Gió xuân chẳng thấp cao,
Nhánh hoa tự ngắn dài.
Nhớ lại Thiện Tài Đồng Tử tham vấn khắp miền nam năm mươi ba vị thiện tri thức, sau cùng gặp Bồ Tát Phổ Hiền, bảo phát mười đại nguyện, dẫn dắt vãng sanh lạc độ. Dù nói vãng sanh, thực là hiển thị pháp vốn vô sanh vậy.
Vì đã nói nhất thiết duy tâm tạo, thì lạc độ đâu phải ở ngoài tâm? Nên nói tâm tịnh thì Phật độ tịnh.
Duy tâm tịnh độ diệu như thế,
Kẻ tâm chưa tịnh khó liễu tri.
PHỤ LỤC
Công án của Duy Tắc Thiền Sư.
Tăng xin hỏi về bệnh thiền.
Sư nói: “Ta có một phương thuốc bí mật, rất là giản dị, chỉ bảo ông buông thân xả mạng đại tử một lần. Nếu được đại tử một lần thì tất cả gốc bệnh tự dứt, sau đó nhào lộn một cái, làm người sống lại như cũ. Khi ấy mới cho ông đem phương thuốc hiệu nghiệm này để trị người thiền bệnh khắp thiên hạ”.
Tăng do dự muốn nói.
Sư liền hét: “Thằng tham sống sợ chết! Ở đây không có chỗ cho mày đứng. Đi ra!”
PHỤ CHÚ
HỎI: Đã nói “Nhất thiết duy tâm tạo” thì pháp giới Phật và cảnh giới Phật là sở tạo, tâm là năng tạo. Chư Phật đã chứng quả cùng tột, năng sở đều dứt. Tại sao còn có tâm để tạo pháp giới Phật và cảnh giới Phật như trong yếu chỉ đã nói?
ĐÁP: Kinh Hoa Nghiêm có bài kệ rằng:
Phật thân sung mãn ư pháp giới,
Phổ hiện nhất thiết quần sanh tiền,
Tùy duyên phó cảm mị bất chu,
Nhi thường xử thử Bồ Đề tòa.
Dịch nghĩa:
Thân Phật đầy khắp nơi pháp giới,
Phổ biến hiện trước mắt chúng sanh,
Tùy duyên cảm ứng chẳng thiếu sót,
Mà thường ngồi tại tòa Bồ Đề.
Thân Phật đầy khắp pháp giới thì làm sao có năng sở, chỉ vì chúng sanh nơi chín giới kia khởi tâm vọng tạo mới thành bệnh, nên Phật tùy duyên mà cảm ứng để đối trị. Đối với bệnh “địa ngục” thì dùng “thuốc địa ngục” để trị. Đối với bệnh “Bồ Tát” thì dùng “thuốc Bồ Tát” để trị. Đã nói:
“Tùy duyên cảm ứng mà thường ngồi tại tòa Bồ Đề” hiển nhiên chưa từng khởi tâm động niệm, thì làm sao có năng tạo và sở tạo được?
Sở dĩ nói: Pháp giới Phật và cảnh giới Phật là chỉ vì độ chúng sanh mà phương tiện lập danh thôi.
Hòa thượng Duy Lực trích giảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét