Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

CÂU CHUYỆN VÔ THƯỜNG

I. Dòng chảy Nho giáo

Nhập đề
Tài liệu đính kèm: Tải về
Tôi có may mắn làm việc một thời gian dài với một nhà văn am hiểu Trung Quốc là nhà văn Hà Phạm Phú, gần đây lại tiếp xúc với Nhà văn Trần Đình Hiến, người cả đời sống và chiêm nghiệm với nền văn hóa Hán, người dịch Mạc Ngôn trứ danh, nên dần dần hiểu đôi điều về Trung Quốc. Điều đó thoạt tiên có vẻ vu vơ, tình cờ, nhưng sau rồi càng ngẫm càng thấy may mắn, bởi vì trong cuộc sống một con người Việt Nam, nói không ngoa, động đâu cũng thấy hình bóng Trung Hoa. Lịch sử, văn hóa, thương mại, bang giao, xã hội… chỗ nào cũng thấy cái bóng to vật vã mang tên Trung Quốc. Bạn là nhà doanh nghiệp hay nhà buôn ư? Đố bạn không tính đến yếu tố hàng hóa mang giá trị đồng Tệ. Bạn là nhà hoạt động văn hóa xã hội ư? Nếu bạn không hiểu về một dòng chảy lịch sử mang tên Trung Quốc, thì chắc gì đã biết về chính dân tộc Việt.

Có một tâm niệm như vậy, nên gần đây tôi viết một loạt bài nhân dịp nói chuyện với hai nhà văn Hà Phạm Phú và Trần Đình Hiến. Sau đó, có nhiều ý kiến phản bác và ủng hộ, đó cũng là lẽ thường tình. Mục tiêu của tôi không phải là cố gắng vận động một chủ thuyết, mà là trình bày quá trình tự học của một nhà văn. Đó là phương tiện cho một cứu cánh là các tiểu thuyết lịch sử. 

Tôi có kể lại một số chuyện qua các câu chuyện kể của các ông bạn già, như là một người tổng thuật. Rồi cũng có những ý kiến của tôi, tát nước theo mưa. Tôi nghĩ đó là chuyện thường của các nhà văn. Viết gì ư? Nếu không biết, không hiểu, thì viết gì? Biết và hiểu thì hoặc là đi, hoặc là học. Học thày không tày học bạn. Giống như cuộc đời luôn luôn vận động, lịch sử chỉ có một, nhưng kiến giải về lịch sử thì có vô vàn. Ngày hôm qua con người ta nghĩ thế này, hôm nay cũng nghĩ thế có thể không còn đúng, mà phải thế khác. Trong Phật luận, có cái nhìn "vô thường" đối với cuộc đời. Câu chuyện của tôi cũng chỉ là một câu chuyện vô thường.


1. Nho giáo chính là Hán giáo.

Hiện nay, một vấn đề xã hội nan giải là chuyện dạy và học lịch sử. Cái gì làm cho người ta chán ngấy môn sử và nguy cơ của nó như thế nào, sau này tôi sẽ trở lại chuyện này. Nhưng có lẽ thế hệ chúng tôi đã được/bị giáo dục về sử học có phần thiên lệch. Nhà văn Trần Đình Hiến cho rằng, lịch sử dân tộc ta không phải chỉ có (hoặc phần lớn) là lịch sử chiến tranh giữ nước. Theo ông Hiến, đó là lịch sử văn hóa và bài học tự tôn dân tộc.

Tại sao một ông nói tiếng Hán, đọc văn Hán lại nói như thế? Ông Trần Đình Hiến năm nay ngoài tám mươi tuổi, mấy chục năm sống và làm việc ở Trung Quốc, mới có thể thốt lên như thế. Vậy thì phần lớn trong chúng tôi không có kinh nghiệm sống như ông ấy, liệu có thể hiểu nổi vấn đề đó không? Tôi muốn ông Hiến tóm lược một hai câu, thì ông Hiến nói chắc nịch: “Nho giáo chính là Hán giáo. Thời kỳ nào văn hóa Việt đủ sức “đối tác” với nó thì còn là Việt”

Nho giáo chính là Hán giáo. Câu nói đó hình như có thể làm cho tôi chợt tỉnh. Nếu Nhà văn Trần Đình Hiến đi tu Thiền, chắc hẳn ông sẽ theo Thiền phái Vô Ngôn Thông, chú trọng thoại đầu và hướng đến đốn ngộ (Tôi sẽ trở lại vấn đề Thiền ở phần sau). Câu nói đó đánh một chùy vào trực giác nhận thức, có thể soi sáng nhiều vấn đề kinh nghiệm.

Không ở đâu trên thế giới, mà một bộ quan niệm bao gồm những câu nói rời rạc của một ông thày, lại được nâng lên mức như một tôn giáo, như cái gọi là Nho giáo. Tại quê hương của nó, người thày Khổng Tử lận đận để thi hành cái đạo đó, sinh thời thất bại. Nhưng kể từ Hán Vũ đế, Nho gia bắt đầu được đề cao, hệ tư tưởng Nho trở thành trụ cột văn hóa, tinh thần cho chế độ cai trị, từ đó, tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử Trung Quốc. Lịch sử hai nghìn năm Trung Quốc, có thể nói là lịch sử diễn biến Nho giáo. Cho đến nay, người Trung Quốc chính là người Hán, chữ Trung Quốc là chữ Hán, tiếng Trung Quốc cũng là tiếng Hán. Nho giáo đồng hóa xã hội Trung Quốc, rèn giũa nên một loại con người mới. Từ tu thân, tề gia đến trị quốc và chót vót là bình thiên hạ. Thiên hạ thì chỉ có một chủ, đó là thiên tử. Nên thực chất người thấm Nho đều phấn đấu trở thành quân tử, dưới một người trên vạn vạn người. Song, từng nấc thang đó, nếu anh không bình thiên hạ được thì cũng tề gia và tu thân, đều được gọi là Hảo Hán. Con người tiêu biểu của xã hội Nho giáo luôn luôn là người Hán tốt. Đó chính là tiên đề (không cần chứng minh) của bộ lý luận Nho giáo. Và, nói Nho giáo là Hán giáo chính là vì thế.

Nho giáo có sức sống mãnh liệt, nhào nặn nên văn hóa Trung Quốc, cũng là vì nó là bộ giáo lý dạy người hợp với quy luật tự nhiên. Sự phân loại con người trong xã hội rõ ràng xếp theo hình chóp. Đỉnh chóp là thiên tử (bình thiên hạ) và xuống thấp dần đến đáy bao gồm mọi kẻ tu thân. Khi anh chấp nhận phấn đấu là quân tử, thì công nhận sự cai trị của một ông vua. Cho nên, ông Hà Phạm Phú nói, bạn bè trí thức Trung Quốc mà ông tiếp xúc, đều công nhận lịch sử Trung Quốc không có tầng lớp trí thức như chúng ta hiểu ngày nay. Không có phản biện xã hội, không có trào lưu tư tưởng mới có tính đột phá. Mọi diễn biến đều vùng vẫy trong bể Nho giáo cổ truyền.

Nhưng nguyên nhân chính yếu làm cho Nho giáo có sức sống, đó chính là vì nó phản ánh sinh động tâm tư nguyện vọng của người Trung Quốc. Khổng Tử, người nước Lỗ, vốn không phải Hán (mà là Bách Việt) hẳn phải hiểu đến chân tơ kẽ tóc con người sinh sống ở bình nguyên giữa hai con sông lớn trên lục địa Trung Quốc. Cho nên, thắng lợi của Nho giáo lại là sự toàn thắng của văn hóa Hán. Nói Nho giáo là Hán giáo cũng không ngoa.

Trong xã hội Trung Quốc, ngay từ khi Nho giáo chưa có địa vị gì, từ thời Xuân thu chiến quốc, đã hình thành một tầng lớp trí thức gọi là quân sư. Nhà văn Trần Đình Hiến cho rằng, trí thức quân sư là một loại tầng lớp đặc biệt chỉ có ở Trung Quốc. Toàn bộ hoạt động sáng tạo của người có học trong một xã hội phong kiến tôn ti trật tự chỉ là tiến thân nhờ uốn ba tấc lưỡi để cho giới cầm quyền thi hành "cái đạo" của mình, như Tô Tần, Trương Nghi. Nho giáo ra đời, tổng hợp các quan niệm về nhân sinh quan, vũ trụ quan của người có học, coi như trao cho những quân sư một loại vũ khí lợi hại để tiến thân. Tiến lên thì làm quan, lui về thì dạy học, làm thuốc. Hình ảnh quân sư lý tưởng nhất là Khổng Minh. (Nói kỹ ở phần Tam Quốc)

Từ đó, mà xã hội Trung Quốc từ bao đời, cũng có một loại người bí hiểm, là ẩn sĩ. Phải chăng ẩn sĩ nếu không là Nho sĩ mài giũa kiến thức, thu mình chờ thời, kiểu như Tư Mã Ý, thì cũng là một kiểu như Từ Thứ, biết mà không làm gì cả, bất đắc chí văng ra khỏi nền chính trị đương thời. Ẩn sĩ chính là trí thức của nhân dân, tham mưu cho cộng đồng dân cư, là tác giả vô danh trong các phát kiến, sáng tác. Mạc Ngôn trở nên đáng đọc ở Trung Quốc, theo ông Trần Đình Hiến, chính là do Mạc Ngôn quan niệm, lịch sử phản ánh trong các tác phẩm của ông phải là lịch sử do nhân dân kể lại, được ký ức nhân dân lưu giữ, chứ không phải lịch sử thành văn do các sử gia vẽ nên ở triều đình. Nhân dân sao có thể làm sử, "dân dĩ thực vi tiên". Thực chất ký ức lịch sử mà sau này Mạc Ngôn nghe lại được "từ nhân dân" phải chăng chính là từ các ẩn sĩ có nguồn gốc Nho gia. Đó là một loại "hủ nho" bật ra khỏi cái bẫy của việc gắn bó với triều đình.

Ấn Độ có Ấn Độ giáo, phát sinh từ nền văn minh sông Hằng, nhưng Nho giáo thì không bao giờ tự nhận mình là Hán giáo. Có lẽ nó liên quan đến điều mà ông Trần Đình Hiến gọi là “cái đạo của sự dối trá”. Bộ giáo lý Nho giáo đặc biệt đắc lực trong việc hình thành nên gia phong, một luật lệ gia đình. Gia đình Nho giáo cũng có một ông quân gia, vua trong nhà. Xét cho cùng, đó là cái đạo của sự áp chế, tìm kiếm khoái lạc, mà lại dùng các mỹ từ để trốn tránh sự khoái lạc, gọi sự chinh phạt bằng cái tên khác. Người Hán ưa dùng ngoa ngôn. Ngay trong các ngoa ngôn đời sống cũng ẩn chứa sự dối trá, mà lại phải dối trá. Một Hảo hán trong đời không thuộc quy luật xảo ngôn thì anh không sống nổi. Mở mồm là nhún mình đến mức coi mình như con vật, là “bỉ nhân”, là “hèn sĩ”, nó chỉ thực chất khi gươm đao khua lên, hét to giữa trận tiền. Cho nên Kim Dung trở nên vĩ đại, vì ông ta hiểu sâu xa con người Trung Quốc, xã hội chưởng Kim Dung chính là xã hội Trung Hoa bị ngọn đèn nhà văn soi vào. Ngày nay, ai dám bảo Trung Hoa được gán nhiều mỹ từ hiện đại là không còn Nho giáo. Đó là Nho giáo khoác áo mới mà thôi. Nào là đồng chí tốt, nào là anh em, nhún mình đến mức vì lý tưởng, nhưng khi cần thì nói năng không khác côn đồ. Tầng lớp quan lại Trung Quốc đã từng đánh ViệtNam, là tột cùng của loại Hảo hán, đó chính là loại quân tử Tàu chính hiệu.

Khi hỏi Khổng Tử ông làm gì đầu tiên khi được ngồi vào ngai vàng, ông trả lời “Phải chính danh”. Có thể chính Khổng Tử cũng không lường được sự biến dạng khách quan của khái niệm “danh”. Mặt tốt của yếu tố “dối trá” trong Nho giáo là nó đồng hóa được mọi kẻ thù. Anh nào đô hộ người Hán cũng bị hấp dẫn bởi Nho giáo, khi anh lấy Nho giáo làm tư tưởng chủ thể, thì vô hình trung anh biến thành Hán cả. Ông Hà Phạm Phú nói, các đời vua Trung Quốc từ Tần đến Thanh, chỉ có một hai đời đúng là xuất phát từ dân tộc Hán. Và, dĩ nhiên ngày nay con cháu họ phần nhiều trở thành người Hán. Nếu không thì cũng chỉ còn cái tên dân tộc, từ trong tâm hồn đã là Hán rồi.

Song, mặt trái của yếu tố “dối trá” trong Nho giáo là khi anh truyền bá thì dễ bị nhận ra chân tướng. Thử hỏi, Nhật Bản hay Hàn Quốc, và đến ViệtNam, mấy nước bị Nho giáo truyền thụ một hai nghìn năm cả, nhưng văn hóa bản địa luôn luôn âm ỉ một cuộc phản kháng. Tôi nói với ông Trần Đình Hiến, tại sao chúng ta cứ giảng giải lịch sử phản kháng, giữ gìn bản sắc dân tộc, mà không thấy rằng, đó chính là lịch sử phản kháng văn hóa. Điều này trùng với nhận định của ông Hiến về Nho giáo. Nhật Bản và Hàn Quốc, khi có yếu tố phản kháng, là người ta rũ bỏ Nho giáo, hoặc bổ sung vào hệ tư tưởng Nho cái nội dung bản địa, khác hẳn. Đó là thắng lợi của sự chọn lọc và phản kháng Nho. Còn Nho giáo Việt Nam thì sao?

2. Bi kịch Mạc

Tôi thấy nhiều sách nói Sĩ Nhiếp là thái thú đầu tiên truyền bá Nho học. Có lẽ không hẳn là thế. Trước Sĩ Nhiếp đã có mấy trăm năm nhà Hán đã thiết lập chế độ cai trị sau khi đánh thắng Nam Việt của Triệu Đà.

Các cụ trí thức Việt Nam trước kia đều coi nhà Triệu của Triệu Đà là tiếp quốc thống Âu Lạc, có lẽ có một cái lý chí tử mà chúng ta sau này không hiểu. Đó là nhìn nhận triều đại dưới lăng kính văn hóa dân tộc. Nhà văn Trần Đình Hiến thì không đồng ý coi nhà Triệu là quốc thống Việt, bởi vì Triệu Đà là người Hán Chân Định, nhà Triệu có tội để mất nước vào tay Hán. Nhưng nhà văn Hà Phạm Phú thì đặt vấn đề: Triệu Đà cai trị Nam Việt, là phần đất của người Bách Việt, song Triệu Đà đối lập và phản kháng nhà Hán, vờ phụ thuộc mà thiết lập quan chế riêng. Đến Hai Bà Trưng khởi nghĩa trên lãnh thổ Nam Việt (gồm Bắc Việt Nam và Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay), thì thấy mọi thiết chế xã hội thời Hùng vương còn rất đậm nét, xã hội bộ lạc mẫu hệ vẫn còn, chứng tỏ ở Nam Việt, chưa có dấu hiệu Hán hóa rõ ràng. Nguyễn Trãi khi viết Cáo Bình Ngô nhân danh Lê Lợi, cũng kể từ Triệu, đến Đinh, Lê, Lý, Trần. Ai cũng công nhận Cáo Bình Ngô là niềm tự hào dân tộc, mà chưa có đủ lý lẽ ai phản đối ông Nguyễn Trãi sai lầm.

Mã Viện là viên quan Hán đã tiêu diệt Hai Bà, xóa bỏ hoàn toàn văn hóa Việt, hẳn là sự Hán hóa bắt đầu mạnh mẽ. Nho giáo tất nhiên phải được truyền vào. Và đến Sĩ Nhiếp làm Thái thú, chắc là Nho giáo thắng thế và có ảnh hưởng đáng kể vào tầng lớp trí thức. Trong khi Trung Quốc loạn Tam Quốc, thì Sĩ Nhiếp giữ cho Giao châu thanh bình, thịnh trị, uy tín Nho giáo càng lên cao. Thế mà gần một nghìn năm sau cho đến Ngô vương dựng nước, Đinh - Lê quật khởi, Nho giáo dù đã được nhà cầm quyền áp chế, nhưng vẫn không có địa vị độc tôn, là bởi vì có sự xuất hiện của Phật giáo. Ngày nay, Phật giáo tuyên bố đầy hào sảng: “Phật giáo đồng hành với dân tộc”, là một tuyên ngôn có sơ cở thực tế.

Nghiên cứu lịch sử thời Lý, tôi cho rằng, đó là thời hoàng kim tam giáo đồng nguyên. Đó là thời kỳ đa nguyên tư tưởng đầu tiên của dân tộc. Nho giáo bị chính Đạo giáo cũng có nguồn gốc Trung Quốc, cùng với Phật giáo, giành giật dân chúng. Lý Thái tổ xây dựng chế độ phong kiến tập quyền, nhưng chiếm được địa vị nhờ phương pháp tuyên truyền sấm ngữ của Thiền gia. Lý Thánh tông xây dựng Quốc tử giám, đặt niên hiệu Đại Việt, song lại xây chùa, tự mình làm tổ Thiền phái Thảo Đường. Đó là nền dân chủ tư tưởng đáng ngạc nhiên. Về Phật giáo thời Trần, sau đây có một phần bàn riêng, ở đây chỉ xin nói về “dòng đời” của Nho Việt.

Tôi đã phát biểu ở một bài bút ký về nhà Mạc đăng trên báo Văn Nghệ. Cuối Trần, tầng lớp Nho giáo thời Trần đã rất mạnh, nhưng Nho giáo chưa thể trở thành nền tảng tư tưởng của nhà nước phong kiến. Chỉ sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi xây dựng nhà nước phong kiến dập khuôn toàn bộ mô hình Trung Quốc. Nho giáo thời Lê được ươm mầm hơn một nghìn năm, đến đó phát triển tươi tốt, cực thịnh. Đến đây, có thể thấy một mẫu số chung, kẻ chiến thắng Hán đã trở thành giống như Hán. Từ trước đến nay, chúng ta tự hào đánh thắng quân Minh, gìn giữ chủ quyền, đúng thôi. Và sự thật lịch sử là thế. Nhưng từ nhà Lê, Nho giáo bắt đầu chiếm địa vị hệ tư tưởng độc tôn, cũng là một sự thật rành rành không thể nói khác. Chữ là chữ Thánh hiền. Thánh hiền là ai? Là một ông họ Khổng nào đó. Toàn bộ trí thức chăm chăm học để thành người quân tử, nói trắng phớ ra là làm một người Hán tốt. Dĩ nhiên căn cốt dân tộc vẫn không thể mai một được, đó là vì còn nhiều yếu tố khác “kháng Nho”, mà cái kháng Nho ghê gớm nhất là Phật giáo, giáo lý Trúc Lâm còn dai dẳng, âm ỉ trong dân chúng.

Nho giáo trở thành nền tảng cơ sở xây dựng xã hội Lê, đạt đỉnh cao thời Hồng Đức. Đến đây, toàn bộ tinh hoa hay nhất của Nho đã được người Việt dùng gần như hết. Sau Lê Thánh tông, xã hội Đại Việt suy vi, đó là sự phát tác của mặt trái Nho giáo, thứ triết thuyết ngoại lai. Nho giáo có thể hợp với người Trung Quốc, nhưng không hợp với người Việt. Dĩ nhiên, trong lịch sử học thuật, tôi biết nhiều bậc mũ cao áo dài ra sức tìm tòi, chứng minh sự khác biệt của Nho Việt, so với Nho Tàu, nhưng dù sao thì đó vẫn là thứ Hán giáo không thể khác. Đó là con đường bành trướng và đồng hóa của văn hóa Hán.

Khi học thuyết ngoại lai khủng hoảng, người ta quay trở về nguồn mạch dân tộc, trở về với cái tồn tại của bản xứ, đó là quy luật tất yếu. Những bài viết về nhà Mạc của Nhà sử học Trần Quốc Vượng soi sáng điều này. Ông Vượng cho rằng, nhà Mạc từ bỏ độc tôn Nho, phát triển tầng lớp thương gia, cho đình chùa quay lại có vai trò quan trọng trong đời sống làng quê. Ông Vượng sinh ra và lớn lên ở vùng Đông Bắc, gần với quê hương của tôi, và là quê hương nhà Mạc, nên tôi cảm thấy rất dễ đồng cảm. Bây giờ, người ta có ngôn từ “làng mạc”, có lẽ là vì làng thời Mạc đã phát huy hết bản tính cộng đồng cư dân Việt. Nhà Mạc mất đi, nhưng cái làng Việt với cây đa, bến nước, sân đình thì vẫn còn và có thể nói, có sử liệu rõ ràng là từ thời Mạc. Tôi viết bài “Đoản khúc Dương Kinh bi tráng” nói về đô thị Dương Kinh, là tiếp nối cảm hứng đối với nhà Mạc mà ông Trần Quốc Vượng đã khơi gợi. Nhà Mạc với Mạc Đăng Dung có thể là triều đại đổi mới dũng cảm trong lịch sử dân tộc. Đó là một thể nghiệm hướng ngoại, hướng sang cái thiên hạ khác với Hán và trở về phong tục dân tộc. Cùng thời với các làn sóng hướng ngoại của Nhật Bản, tư tưởng võ sĩ đạo làm nên những biến đổi trong xã hội Nhật. Tuy nhiên, người Việt chịu một bi kịch, đó chính là nỗi bi kịch gắn liền với sự thất bại của Nhà Mạc.

Tất nhiên, sự đổ nát một chế độ mới có hơn 60 năm xây dựng có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân thất bại của Nhà Mạc là không dứt khoát lựa chọn văn hóa, chưa có nền tảng tư tưởng mới, mà trực tiếp là sự thất bại của nền giáo dục. Các vua Mạc sau Mạc Đăng Dung ứng xử với Nho học có hai mặt, tước bỏ địa vị độc tôn, nhưng lại giữ lại cách tuyển bổ quan lại kiểu Nho giáo. Một cách hình ảnh, nhà Mạc ứng xử với Nho giáo như là nuôi một con hổ, nhưng lại coi nó là mèo. Chính con hổ ấy sổng chuồng quay lại tiêu diệt cái cũi định nhốt nó. Cứ xem xét toàn bộ cái triều đình Lê Trung hưng lưu vong chống Mạc ban đầu, thì thấy cốt lõi là Nho sĩ. Thời Mạc, việc thi cử, tuyển bổ quan lại rất đều đặn, tuy nhiên các vua sau nhà Mạc phần lớn đều hèn yếu, văn hóa thấp, nhũng lạm hiếu sắc, cho đến Mạc Mậu Hợp là đỉnh cao của hủ bại, văn thần võ tướng đều bất hợp tác. Chưa có thời nào mà triều quan lại xin về hưu trí nhiều đến thế.

Có lẽ sau này, nhà Mạc không có lấy một sử gia riêng, không có một bộ sử riêng, cũng là lẽ đó chăng. Mọi sử liệu về nhà Mạc đều được viết lên từ các Nho gia, phục vụ các triều đại chống lại và đánh thắng nhà Mạc. Dù cho Lê - Trịnh, hay Nguyễn đều coi Mạc là ngụy. Những sử liệu về “trói tay xin hàng” Trung Quốc của vua Mạc đều có nói đến, hư hư thực thực. Trớ trêu thay, một triều đại muốn từ bỏ độc tôn Hán giáo, lại bị thất bại, và bị mang tiếng là “đầu Hán”. Còn các thế lực tiếp tục nuôi dưỡng Hán giáo, đưa dân tộc trở lại quỹ đạo Hán giáo thì lại vô can.

Sau này, đến thời đại ngày nay, tôi vẫn thấy sử sách tiếp tục ứng xử với nhà Mạc như “ngụy”, tuy không nói ra từ ngụy. Đó là một bất công lớn đối với nhà Mạc. Ở đây, lại có một mẫu số chung là nhận định triều đại phải xuất phát từ cái gốc văn hóa. Ngay cách dùng từ của các sử gia là Nho sĩ Việt Nam thời xưa, cũng có sự tinh tế đáng lưu ý. Hồ thì gọi là Nhuận Hồ. Còn Mạc thì dứt khoát phải là "ngụy Mạc". Có người giải thích, đó là do nhà Hồ ngắn, chỉ là "thừa" (nhuận), còn nhà Mạc dài lâu hơn, thì bị gọi là "giả" (ngụy). Không phải. Nhà Hồ chưa có sự lựa chọn dứt khoát về hệ tư tưởng. Họ chỉ mới dè dặt cải tổ xã hội đổ nát cuối Trần, thì nhân dân đã không tin tưởng để nghe theo, cuối cùng nhận lấy thất bại ở chiến trường. Xét cho cùng, Hồ cũng chỉ là Trần kéo dài mà thôi. Còn Mạc thì là một triều đại có ứng xử khác hẳn với nền tảng Nho giáo. Cái đáng gọi là ngụy của Mạc, theo các Nho gia, chính là ứng xử đáng giận với Nho giáo. Mạc Đăng Dung rõ ràng có gia phả xuất phát từ khu vực Bách Việt, Nam Trung Quốc, nhưng ông có tư tưởng xây dựng một nhà nước không có Nho giáo độc tôn, mà còn có Phật và Đạo. Cũng như Trần Cảnh, có gia phả là đời thứ năm chuyển xuống từ Nam Trung Quốc (cũng là vùng văn hóa Bách Việt), lại quật khởi chống Nguyên và xây dưng một chế độ thể hiện tinh thần dân tộc hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Đó cũng là một hiện tượng lịch sử đáng suy ngẫm. Ông Trần Đình Hiến nghiên cứu sâu văn hóa Trung Quốc, cho rằng, ngay tại Trung Quốc, tuy văn hóa Hán có thế thắng áp đảo, nhưng không phải văn hóa Việt cổ bị mai một, mà nó chỉ tồn tại dưới dạng khác mà thôi. Ở Bắc Kinh, người ta gọi tiếng Quảng Châu là “Việt ngữ”, gọi thứ kịch cổ truyền đến từ vùng nước Kinh là “kinh kịch”, đó là văn hóa Bách Việt cổ sơ tồn tại dưới màu áo khác. Còn không hiểu Kinh Thư có phải là “thơ của người Kinh” không thì tôi chưa hỏi ông Trần Đình Hiến.

Cùng với nhận định như vậy, khi xem xét nỗi bi phẫn thời Nguyễn, cũng lại là sự thất bại về văn hóa. Tại sao người Việt Nam nhanh chóng tiếp thu văn hóa Pháp đến như vậy? Đó là một dịp phản kháng văn hóa Hán, điều vốn dĩ tiềm ẩn trong lịch sử dân tộc. Song, nhà Nguyễn cũng có một sức ép lựa chọn, để tránh thứ tôn giáo đến theo đội quân xâm lược, thì lại ra sức quay trở lại với thứ văn hóa cổ truyền hơn, là Nho giáo. Nhưng chuyện này lại là một đề tài khác.

II. Hình bóng Nho giáo

Nói như ông Hà Phạm Phú, rất hiếm có hình thái xã hội nào trên thế giới ít biến đổi như xã hội Trung Quốc. Con người từ Tần Hán cho đến Thanh, đến thời cận đại, chỉ có quần áo là khác, còn hành vi nhân bản, nếp ăn ở, suy nghĩ, cho đến chữ nghĩa, đều gần như cũ. Cũng lại thấy vai trò của Nho giáo. Trước kia là một thiên tử, ngày nay là một ông Mao và ai đó kế thừa. Một người chưa có đủ bóng lớn như Mao thì tập thể bẩy người, chín người. Xử thế về cơ bản không có gì khác.

Có một nhận định rất chính xác là, các nền văn minh cổ đại trên thế giới đều đã bị tuyệt diệt. Văn minh Hy-La, văn minh Ai Cập, Ăng Co hay In-ca, đều đã biến mất. Hậu duệ của những con người thời ấy ngày nay chỉ có thể nghiền ngẫm, suy tư về ánh hào quang đã mất của tổ tiên. Chỉ duy nhất có văn minh cổ đại Trung Hoa là còn lại. Con cháu của Tô Tần, Trương Nghi tiếp tục làm quân sư. Con cháu Tào, Lưu, Ngô tiếp tục dền dứ, lúc nào cũng sẵn sàng ra quân chinh phạt. Thứ chữ Hán, tiếng Hán vẫn là chữ viết và ngôn ngữ phổ thông… Đó là sức mạnh văn hóa ghê gớm của Trung Quốc. Yếu tố thành bại quan trọng trong quá trình phát triển của Trung Quốc bao giờ cũng là yếu tố con người, người Trung Quốc coi đó là sức mạnh mềm, thật không phải là nói quá.

1. Ánh sáng chói chang

Tam Quốc diễn nghĩa có hay không? Hỏi như vậy, chắc khá nhiều người cho rằng người hỏi chả hiểu gì. Tam Quốc diễn nghĩa là một trong 4 bộ sách bất tử của nền văn hóa Trung Quốc và là bộ sách đỉnh nhất. Với Việt Nam, Tam Quốc diễn nghĩa trở thành sách gối đầu giường của cả tầng lớp tinh hoa lẫn bình dân. Điển tích Tam Quốc, nhân vật Tam Quốc hầu như ăn vào máu người Việt. Những mưu mô, thủ đoạn trong Tam Quốc được đưa ra bình luận, mổ xẻ, đến nỗi sách viết về Tam Quốc diễn nghĩa còn nhiều gấp hàng nghìn lần số trang của chính bộ sách này.

Ở Việt Nam còn như thế, thì ở Trung Quốc, Tam Quốc diễn nghĩa dĩ nhiên là một phần máu thịt trong đời sống văn hóa tinh thần của họ. Hiếm có tác phẩm nào trên thế giới có vị thế như vậy, có chăng chỉ có thiên "Nghìn lẻ một đêm".

Ông Trần Đình Hiến kể, trong cuộc đời ngoại giao của ông, ông đã gặp khá nhiều anh phương Tây. Và phần lớn trong số họ nhún vai, không thể hiểu nổi người Trung Quốc (dĩ nhiên, và cả Việt Nam) lại có thể say mê một bộ sách đồi bại như vậy. Đó là cuốn sách miêu tả say mê dục vọng con người. Con người trong Tam Quốc đầy mưu mô, thủ đoạn. Tính mạng con người như cỏ rác. Chỉ nhằm phục vụ ý định vớ vẩn nào đó của một ông tướng, cũng có thể giết hàng trăm thủ cấp. Không có mục tiêu nhân văn trong cái bộ sách đồ sộ vĩ đại đó. Thật lạ lùng là bao nhiêu thế hệ người Việt, say mê ca tụng Tam Quốc, vận nó vào mình, mà không khác hành động bản năng, làm mà không biết mình làm gì. Con cá bơi trong nước có thấy quá ướt át không? Không bao giờ. Chỉ khi con mèo ngồi trên bờ giật mình ngạc nhiên, sao con cá lại sống như thế, trong nước và không biết đến khí trời. Người Trung Hoa và Việt Nam cũng như con cá, ngàn năm hít thở không khí Nho giáo, cho dù thời cuộc hơn 100 năm nay đã khác, tư tưởng Nho giáo tiếp tục nhấn chìm con người và xã hội Việt Nam. Không còn cảnh miệt mài học sách thánh hiền, chữ thánh hiền, nhưng cái biến thể của nó, biểu hiện của nó vẫn còn đậm đặc. Say mê Tam Quốc, thần thánh hóa Tam Quốc cũng là một hội chứng mê lú vì Nho giáo mà không biết. Tiếc thay làm sóng Hán hóa đang biểu hiện rất nhiều, không khác đọc Tam Quốc là mấy. 

Khi người ta mê đắm, thì thường người ta không biết mình mê. Người Việt hàng trăm năm đã ăn phải bả cái Hán giáo, tự biến thành Hán, thì dù cho đã dừng ăn thuốc mê, vẫn tiếp tục bị mê một thời gian dài nữa chăng?.

Tam Quốc diễn nghĩa là tác phẩm văn học phát ra thứ ánh sáng chói lóa của Nho giáo. Khi đi trong đó, nhìn chỗ nào cũng thấy sáng chói, mà không biết còn có thứ màn đêm ở cuối chân trời. Có nhà văn nói ra là chống Trung Quốc, nhưng bất kể cái gì cũng vận dụng Tam Quốc để luận giải một cách say mê.

Nếu lùi lại một chút, như con mèo ngồi trên bờ đọc tác phẩm của con cá, tỉnh táo một chút, thì thấy đúng như vậy. Đó là một bộ sách thực hành Nho giáo. Toàn bộ tâm tư tình cảm, hành vi ứng xử của các nhân vật đều vùng vẫy trong cái bể Nho giáo của thời Nho mới chiếm được địa vị chúa tể trong xã hội. Con người nhân vật Tam Quốc là một xã hội Nho giáo tiêu biểu, điển hình. Cái hay cái dở của Nho giáo hiện rõ mồn một. Sự tráo trở và lừa bịp của đạo Nho cũng hiện ra ở đó. Quân thần ư? Quân thần đến nỗi Tào Tháo ép vua, cho vua nào được sống thì cho. Kết nghĩa vườn đào ư? Sao lại có cái kiểu nghĩa huynh đệ cực đoan đến nỗi vứt đi sự nghiệp chỉ để thỏa mãn ý nghĩ báo thù. Khổng Minh là tiêu biểu của trí tuệ bác học, là quân sư tuyệt vời, cũng là con người Nho gia u mê điển hình. Khi ông ta làm quân sư thi hành cái đạo của mình, nhờ uốn ba tấc lưỡi ký sinh vào vua, thì ông ta rất sáng láng. Khi làm Thừa tướng, tự mình trở thành một bộ phận của bộ máy cai trị, thì ra lại thua Tư Mã Ý về chiến lược lẫn chiến thuật.

Trong các nhân vật Tam Quốc, Tào Tháo là tiêu biểu nhất của con người gian giảo, mưu lược, thông thái pha lẫn tàn ác, bỉ ổi. Tào Tháo là Đại hảo hán, người Hán tiêu biểu mà người Trung Hoa say mê nhất. Một đạo diễn điện ảnh ở Hoàng Điếm, kinh đô điện ảnh Trung Quốc, nói với tôi rằng, riêng phim về Tào Tháo, cho đến năm 2009, đã có đến hơn 70 phim. Anh chàng đạo diễn kia cũng nói với tôi, nếu thăm dò dư luận Trung Quốc, thì Tần Thủy Hoàng và Tào Tháo là hai anh hùng dân tộc được ngưỡng mộ nhất. Người hiện đại được ngưỡng mộ nhất là ai? Tôi hỏi anh ta, anh ta trả lời không đắn đo: Đặng Nhỏ. Đó là ai? Là Đặng Tiểu Bình.

Có lẽ, lịch sử Trung Quốc sẽ ghi tên Đặng Tiểu Bình kế tục Tào Tháo về mức độ gian hùng. Đặng lên voi xuống chó, lên tột đỉnh quyền lực, rồi bị cách đến dân đen, cuối cùng ông ta vẫn có cách để đi vào lịch sử Trung Quốc. Ông Trần Đình Hiến kể, Sau cách mạng văn hóa, khi Đặng được phục hồi, dưới một người, trên gần tỷ người, thì Đại sứ quán Việt Nam là nơi ông ta đến đầu tiên, nói một câu ẫm ờ, cám ơn úp mở. Có lẽ chính vì lẽ đó mà nhiều người không ngờ chính ông ta ra lệnh đánh Việt Nam năm 1979, rồi chính con người đó ra lệnh đàn áp ở Thiên An Môn. Sau Tào Tháo, triều đình nhà Hán đã đổi khác; sau Đặng Tiểu Bình, nước Trung Hoa cũng lột xác là một nước Trung Hoa khác. (đoạn bị cắt)

2. Bóng tối.

Tôi tán thành ý kiến ông Trần Đình Hiến, bóc tách lớp lang tư tưởng Nho giáo, thì thấy rõ ràng Nho giáo là bộ hệ thống giáo lý tự lừa dối mình và lừa dối người khác. Nói thế này thật phạm thượng. Bao nhiêu thế hệ ông cha ta đã là Nho gia cơ mà. Nhưng quả thật có thế. Sự dối trá khoác cái áo màu mè là tôn ty trật tự, là lễ nghĩa. Tệ nhất là khi ông thày Nho giáo nói những câu rời rạc, nói trong hoan cảnh cụ thể, nó có ý nghĩa cụ thể trong ứng xử cha con, thày trò, nhưng rồi sau này nó là kim chỉ nam cho mọi cách ứng xử trong xã hôi.

Một trong luận điểm lạ lùng của nhà Nho là quan niệm về con người. Nho giáo coi con người chia làm 3 hạng: thánh nhân, quân tử và tiểu nhân. Phụ nữ xếp vào hạng nào? 50% nhân loại được Nho gia coi như hạng tiểu nhân.

Một câu nói của Khổng tử "duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã" khiến cho hậu thế bàn mãi xem Khổng Tử nói về phụ nữ nói chung, hay chỉ là nữ ở dạng tỳ thiếp, nói về tiểu nhân theo nghĩa đối ngược với quân tử hay là trẻ nhỏ. Không cần bàn luận về "Tử viết" (Khổng tử nói) đó, hãy xem tôn ty trận tự xã hội mà Khổng giáo dạy cho vào nền nếp, phép tắc, bằng các cặp quan hệ: Quân thần, phu phụ, phụ tử (vua tôi, vợ chồng, cha con) thì thấy người đàn ông có thể tìm kiếm khoái lạc khi anh ta làm cha, làm chồng, còn khi đã làm vua thì thôi rồi khỏi bàn làm gì. Che đậy cái mục đích tìm kiếm và hưởng lạc bằng những nghi lễ, phép tắc tưởng như trời sinh ra thế. Bóc tách những lời dạy rời rạc của Khổng Tử, có không ít nội dung mâu thuẫn, lại được giải thích đầy ngụy biện. Ví dụ: Một trong nội dung của đức Nhân (cùng với Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là 5 đức của người quân tử) là câu nói nổi tiếng: Kỷ sử bất dục, vật thi ư nhân. Điều gì mình không muốn, thì đừng nên thi hành với người khác. Nhưng nếu như vậy thì làm sao có quân thần, phu phụ. Nếu anh không muốn áp chế người khác, sao anh lại "trị quốc" và "bình thiên hạ". Nếu không có lúc nhúc đám dân đen chỉ yên phận tu thân thì sao các anh ở đỉnh cao chót vót mà "trị" với "bình".

Một cột trụ quan trọng dạy người xử thế là "trung chính". Mạnh tử chỉ có câu đó phát triển thành một "luận án" mang tên "Trung Dung". Nhưng có lẽ đó là ước mơ của Khổng tử thổi vào Nho giáo nguyên thủy mà thôi.

Trung Quốc ngày nay ra sức truyền bá Khổng Tử, coi đó là truyền bá văn hóa Trung Quốc, một loại sức mạnh mềm. Quan sát điều đó, lại càng thấy nhận định "Nho giáo là Hán giáo" của ông Trần Đình Hiến là chính xác.

Do những mâu thuẫn che đậy dục vọng, mà khi nói đến đàn bà, là chỗ yếu nhất của Nho gia. Người quân tử Tàu xông pha chiến trận, bách chiến bách thắng, nhưng có khi chết trên giường đệm của đàn bà. Lịch sử Trung Quốc chẳng đã có bao nhiêu Võ Tắc Thiên, Từ Hi Thái hậu, cho đến Giang Thanh khuynh đảo xã hội đó thôi.

Văn học Trung Quốc có một dòng văn học thú vị, đó là văn học son phấn. Nhà văn Trung Hoa dĩ nhiên hiểu rõ con người dân tộc họ. Mang son phấn đàn bà làm tấm gương soi, người quân tử sẽ hiện ra rõ mồn một cái bản chất người của anh ta. Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử đều có những trang tuyệt kỹ miêu tả son phấn đàn bà. Tam Quốc diễn nghĩa đầy gươm đao, nhưng thấp thoáng cũng có những bóng giai nhân như Điêu Thuyền, Kiều nữ. Những tác phẩm như Kim Bình Mai, Nhục Bồ Đoàn cũng khiến độc giả say mê. Và, một trăm phần trăm các bậc Nho gia đều trở nên hề trước đàn bà. Nói cách khác, nếu như Nho giáo làm ánh sáng soi đường cho sự chinh phạt của người quân tử, thì bóng đêm của Nho gia chính là son phấn đàn bà.

Một bộ giáo lý như vậy là một bộ giáo lý hủ bại, con người mà giáo lý ấy hướng tới, hình ảnh quân tử chỉ đẹp khi được tô vẽ bằng xảo ngữ, thực chất là giả dối, phi nhân tính.

Tuy nhiên, cũng như một cái cây, nói quật đổ nó thì nói, mà quật được đổ cũng không dễ. Nó đổ rồi thì bật rễ, cây cành làm tan hoang một vùng, bóng rợp của nó vốn dĩ che nắng, nay để lại một khoảng trống vắng. Bóng rợp của nó mất, nhưng cái bóng trong tâm hồn con người vẫn còn.

Nhật Bản, Hàn Quốc đã ứng xử thế nào với Nho giáo của họ, chắc không khó kiếm tài liệu nói về điều đó. Nho giáo cũng có cái hay, đó là dạy người ta tu thân, tề gia. Những quốc gia có truyền thống Nho giáo rất có lợi khi tổ chức xã hội khi có minh quân. Nhưng nếu có hôn quân thì mặt trái Nho giáo bắt đầu phát tác. Diễn dịch hủ Nho hay chân Nho lúc đó chỉ là tương đối. Một nền Nho giáo thịnh hành, được gọi là chân Nho, khiến cho xã hội Việt Nam thời Lê Trung hưng hèn yếu, phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.

3. Nỗi niềm bi phẫn Nguyễn.

Nhà Nguyễn sau khi đánh thắng triều đình Tây Sơn, thống nhất đất nước, phải giải một bài toán khó. Đó là sự có mặt của các viên quan mũi lõ người Pháp. Nếu đọc sử liệu, mới biết triều Gia Long có bao nhiêu quan Tây mang hàm nhất phẩm, nhị phẩm. Như vậy, thời kỳ đầu triều Nguyễn, có một không gian mới đối với khái niệm "thiên hạ", trước kia thiên hạ là Trung Quốc, đến lúc đó, thiên hạ hóa ra rộng lớn hơn nhiều.

Thực ra, có một đoạn lịch sử 200 năm người Việt Nam biết rất ít, đó là thời kỳ các chúa Nguyễn. Nguyễn Hoàng vào Nam lần cuối năm 1598 rồi không ra Thăng Long nữa. Cho đến năm 1621, lãnh thổ các chúa Nguyễn mới mở đến Phú Yên. Rồi hai đời chúa sau thì gần như đã đến cửa ngõ Đồng Nai. Thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên là thời kỳ cực thịnh của Đàng Trong, khi đó, người Bồ, người Hà Lan đã đặt chân đến Đàng Trong truyền giáo, giao thương. Tôi đã viết cuốn tiểu thuyết "An lạc dưới trời" mô tả giai đoạn này.

Các chúa Nguyễn cai trị làm cho Đàng Trong hùng mạnh đến đời chúa Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần. Một trận hải chiến năm 1643, mà các chúa Nguyễn đánh thắng hải quân Hà Lan, khiến cho người Hà Lan từ đó không bao giờ ảnh hưởng đến Đàng Trong được nữa.

Như vậy, để cho Gia Long lên ngôi được năm 1802, hay tính đến 1788 khi Quang Trung lên ngôi, thì các đời chúa Nguyễn đã có 190 năm hùng cứ Đàng Trong. Nói hùng cứ không phải là ngoa ngôn. Vì đó là một quốc gia thật sự, có triều đình riêng, có quân đội riêng (mạnh), nền kinh tế riêng (giàu có). Quân đội 4 đời chúa Nguyễn ban đầu là một quân đội, ngoài biển thì đánh thắng phương Tây, phía Bắc cự với nhà Trịnh, phía Nam mở mang bờ cõi. Tại sao thời kỳ đó các chúa Nguyễn lại làm được như vậy. Về mặt kinh tế, chúa Nguyễn tạo dựng một cơ chế mà ngày nay gọi là "cơ chế mở cửa", buôn bán bình đẳng với ngoại bang. Và, có điều này, hầu như ít có học giả nào nghiên cứu, hệ thống khoa cử, trường ốc của các chúa Nguyễn có phải dập khuôn hoàn toàn Đàng Ngoài không? Có lẽ không phải. Điển hình là câu chuyện Đào Duy Từ. Trong khi hệ thống thi cử Nho giáo chặt chẽ phía Bắc không dung, thì Duy Từ được thi thố tài năng ở phía Nam. Những giai thoại về tiến cử Đào Duy Từ chủ yếu là do sau này đơm đặt. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận các chúa Nguyễn không coi trọng nặng về các giáo lý Nho giáo, mà chú trọng mang Phật giáo để giáo hóa dân chúng mới theo về, từ một nền văn hóa khác, vốn có ở bản địa.

Đến đây, tôi lại thấy một mẫu số chung giữa các chúa Nguyễn với thời nhà Lý, đó là một thời kỳ Nho giáo mất địa vị độc tôn, thời kỳ đa dạng tư tưởng, quay về tìm kiếm hệ tư tưởng có tính bản địa. Và, đó là một thời kỳ dân tộc hùng cường.

Sau này, các chúa Nguyễn về sau ngày càng có chân đứng vững trên phần đất mới, thì càng có ý thức xây dựng triều chính cho bề thế như Đàng Ngoài, như Trung Quốc. Hệ thống khoa cử Nho giáo bắt đầu kiện toàn, cũng là lúc triều chính bắt đầu có tham nhũng, dân bị bỏ rơi điêu linh. Và đó là điều kiện tất yếu phát sinh ra phong trào Tây Sơn.

Ngày nay, cứ nói đến Nhà Nguyễn là phần lớn người ta nghĩ ngay bắt đầu từ Gia Long 1802. Hơn 200 năm tổ tiên nhà Nguyễn là các chúa Nguyễn thật hiển hách, rồi Gia Long mới thừa hưởng một giang sơn như thế chứ. Gia Long cũng có bài học của cha ông là dựa vào ngoại bang để xây dựng quân đội mạnh, nhưng cách ứng xử với văn hóa để trị quốc của các vua Nguyễn thì thấp xa một trời một vực so với các chúa Nguyễn tổ tiên.

Ở đây lại thấy lại một hiện tượng lịch sử, đó là khi Quang Trung là một đội quân nông dân, mới xây dựng triều đình hoàn toàn không có Nho gia, hoặc dựa rất ít vào Nho gia, thì bách chiến bách thắng, mà sau đó đóng đô ở Phú Xuân, triều chính đề huề, thì lại đại bại. Quang Trung đánh thắng nhà Lê mục nát, nhưng rồi lại xây dựng chính quyền giống như Lê. Gia Long hậu duệ của các chúa Nguyễn, đánh thắng Quang Trung, lại xây dựng một triều đình theo khuôn mẫu cũ. Vua Gia Long tiếp tục truyền thống xưng chư hầu với nhà Thanh đang suy yếu và dứt khoát quay lại với Nho giáo. Đó là sự lực chọn tiềm ẩn nguy hiểm mà hậu quả sau này các vua Nguyễn mắc vào một nỗi bi phẫn lớn.

Có thể vua Gia Long không thể có lựa chọn như các chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên là bang giao, buôn bán bình đẳng với nước Pháp. Bởi vì chính nước Pháp giờ đây đang ở thế chủ nợ, nhiều người Pháp làm quan lớn ở triều đình. Nỗi lo sợ bị mất quyền trước người Pháp, khiến cho vua Gia Long, sau đó là Minh Mạng, đã có những cố gắng khoanh hẹp phạm vi ảnh hưởng của các viên quan đó, cho họ thuần túy bổng lộc kinh tế. Theo các ghi chép của một số giáo sĩ thời bấy giờ, sự nghi kị phương Tây vẫn thường trực trong triều đình. Đến thời Minh Mạng, một làn sóng bài Gia Tô giáo xảy ra. Nhà vua đã đào hố ngăn cách với văn hóa phương Tây.

Mặc dù một cuộc cách mạng mới về chữ viết vẫn âm thầm diễn ra trong phạm vi khu vực truyền giáo, triều đình vẫn không đánh giá đúng về tầm quan trọng của những thay đổi văn hóa ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước. Ngay trước khi quân Pháp hoàn tất hành động xâm chiếm đất, áp đặt chế độ bảo hộ, biến nhà vua thành bù nhìn, thì mọi sự đổi thay từ văn hóa đến kinh tế diễn ra đã hầu như ngoài tầm "trị quốc" của triều đình.

Nhà Nguyễn có mối quan hệ rất tốt với nước Pháp, trong khoảng mấy chục năm từ Gia Long, đến Minh Mạng, Thiệu Trị, tức là trước đời vua Tự Đức, ba đời vua đầu triều đó hoàn toàn có thể canh tân đất nước, phát triển công nghệ và giao thương với phần "thiên hạ mới". Lo sợ mất thần dân bị cuốn vào thứ "đạo Chúa Trời", mà nhà Nguyễn dứt khoát trở về với Nho giáo truyền thống, để đối kháng với tôn giáo Phương Tây. Nhà Nguyễn đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng, nhầm lẫn truyền thống tư tưởng và truyền thống dân tộc. Nhà Nguyễn chỉ lo giữ ngôi vị, lo sợ mất ngôi vị, hơn là tính toán để cho dân giàu nước mạnh. Khi đó, Gia Long hoặc Minh Mạng đủ thông tin để biết rằng, thiên hạ cũ hay thiên hạ mới mạnh hơn.

Quay về Nho tức là hướng về quan hệ bang giao truyền thống với nhà Thanh và tiếp tục là một bản sao mờ nhạt của nhà Thanh. Thử lần giở sử liệu mà xem, nhà Thanh suy yếu như thế nào thì nhà Nguyễn suy vi như thế ấy. Chỉ đến khi nước Pháp thiết lập quyền cai trị trên đất đai của các vua Nguyễn, thì mối quan hệ với nhà Thanh mới chấm dứt.

Rõ ràng, những tính toán lựa chọn Nho giáo của các vua Nguyễn không thể phù hợp với làn sóng phát triển của thời đại. Gần một thế kỷ từ Tự Đức đến Bảo Đại, là một thế kỷ loạn ly, khủng hoảng về tư tưởng. Cuộc chuyển biến chữ tượng hình sang chữ Latinh, bỏ bút lông sang bút sắt, bỏ truyền thống Đại Việt, hướng về nước Mẹ Đại Pháp, là một cuộc đứt gãy ghê gớm về văn hóa. Chống lại xu hướng thời đại, không bằng chủ động đón lấy làn sóng mới, có cách để chung sống với nó. Các chúa Nguyễn đã làm thế. Chống lại xu thế mới, quay lại với hệ tư tưởng cổ hủ, các vua Nguyễn đã làm và để lại hậu quả lớn trong lịch sử dân tộc.

Một thời gian dài, sử sách hiện đại hầu như nói xấu về triều Nguyễn, coi những nhân vật của triều đại này như những kẻ bán nước, đầu hàng Pháp. Đó dứt khoát là một nhận định không đúng. Để cho đất nước suy yếu, rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp, nhà Nguyễn chịu trách nhiệm lớn, nhưng đó là hậu quả từ lựa chọn văn hóa sai lầm của các vua Nguyễn. Nhà Nguyễn đã phải trả giá cho những sai lầm đó. Ban đầu, khi Pháp mới xâm lược, nhà vua và các quan lại cũng hăng hái chống Pháp, nhưng dĩ nhiên là không nổi. Nhà vua Tự Đức buộc phải chọn con đường tồn tại. Đó không chỉ là bi kịch như Mạc. Nhà Nguyễn vẫn còn, đủ để làm bù nhìn mà thôi. Đó là nỗi bi phẫn lớn. Bi phẫn của một triều đại, nỗi khổ cực và hèn yếu của cả một dân tộc.

III. Di sản Trúc Lâm.

Nói về Nho giáo, với ý kiến của ông Trần Đình Hiến, tôi bị một số ý kiến phản đối. Vậy cái gì là dân tộc? Việt Nam giáo ở đâu. Nếu nói đơn giản đó là Trúc Lâm thiền phái, thì hoặc là bị chê là "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", hoặc là cho rằng võ đoán.

Tôi không phải nhà lý luận, nhắc lại, đây chỉ là tâm sự, kiến giải của một nhà văn. Đây là câu chuyện về di sản Trúc Lâm, chứ không phải bài thuyết về Thiền Trúc Lâm. Dĩ nhiên, tôi phải nói lớp lang một chút.

1. Phật giáo đồng hành cùng với dân tộc.

Nói về Phật giáo, vừa dễ vừa khó. Dễ là vì thời đại ngày nay, các bộ kinh có thể xếp cao như núi. Nhiều giáo trình lịch sử Phật giáo ra đời. Có thể có vài chục tiết học Phật pháp để hiểu rõ lịch sử tư tưởng các Thiền phái, hay tìm hiểu lịch sử đạo Phật ở Việt Nam… vân vân. Nhưng cũng khó nói về nó bằng một ít lời.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một trước tác, có nói, kinh Phật chân truyền chính là bộ kinh không có chữ. Kế thừa tập quán ngữ lục thoại đầu, câu nói của Thiền sư Nhất Hạnh là tổng kết đúng đắn nhất về kinh Phật. Hay đó là cách diễn đạt khác đi của phương pháp truyền thừa Thiền học: Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật. Không có văn mẫu, không có tư tưởng mẫu, không có độc tôn tư tưởng, mà nhà Phật khuyên người tu hành muốn học Phật phải “phá chấp”, tức phá bỏ những thành kiến định sẵn (bất lập văn tự), làm cho đầu óc rỗng không (trực chỉ nhân tâm), mới có thể thu nhận chân lý được. Đầu óc anh đầy những tạp luận, thì còn có chỗ nào chứa cái gì hơn nữa (lý do giáo ngoại biệt truyền).

Nền giáo dục Việt Nam ngày nay có lẽ nên nghiền ngẫm 12 chữ phương châm đó của giáo dục của Phật giáo. Trường ốc hiện nay hình như làm ngược hoàn toàn phương châm đó.


Tư tưởng Phật giáo có quê hương ở Ấn Độ, nhưng đó không phải là Ấn Độ giáo. Tiếp thu Phật giáo, nhưng chưa có nước nào có nguy cơ bị Ấn Độ hóa, hay lệ thuộc vào Ấn Độ. Đó cũng vì Phật giáo không hướng đến xây dựng con người "Hảo Ấn".

Nghiên cứu cuộc đời con người dưới lát cắt “khổ”, Đức Phật từ tầng cao xã hội, là một Thái tử, đã tìm sự cứu khổ từ chính nội tâm con người. Đó là lý thuyết giải thoát của con người đau khổ trong xã hội. Có một sự so sánh thô mộc đối với đạo Thiên chúa, khi họ xem xét cuộc đời con người với tiên đề là lát cắt “tội”. Nếu như Phật tử sẵn sàng nhẫn chịu khổ để hướng thiện thoát khổ, thì con chiên lại sẵn sàng chấp nhận có tội để rửa tội. Kết quả sự hành đạo cho thấy xã hội Phật giáo và xã hội Thiên chúa giáo khác nhau như thế nào.

Phật giáo Đại thừa, giáo lý Phật giáo đã qua nhiều lần kết tập chỉnh sửa, tỏ ra khá hợp với đặc tính dân cư lúa nước ở phía Bắc nước ta. Cuộc sống cư dân lúa nước khác hẳn với cư dân du mục Bắc sông Trường Giang. Đất đai nhỏ bé, không có ý chinh phạt. Con người hồn nhiên nhi nhiên, không có động lực tu thân hay tề gia. Phật giáo quả thật đã tìm thấy mảnh đất màu mỡ để bén rễ. Sau này, cùng với sự Hán hóa của Nhà nước Trung Quốc, thì Thiền học Bồ Đề Đạt Ma lại thâm nhập vào nước ta, đó là làn sóng truyền giáo lần thứ hai, sau trào lưu truyền giáo trực tiếp từ Ấn Độ với trung tâm Luy Lâu hồi đầu Công nguyên. Các tông phải Thiền Nam Trung Quốc phát triển cực thịnh suốt một thiên niên kỷ, cũng là nơi phát tích văn hóa Bách Việt. Một khi tông phái Thiền truyền thừa có gốc từ Trung Quốc, nhưng Phật tử cũng không có nguy cơ bị Hán hóa. Đó là cái duyên vô lượng của Phật tử, khác hẳn Nho gia. Phật giáo cũng là một bộ triết thuyết dự trên căn bản duy vật trực quan, chứ không phải như Nho giáo dự trên cơ sở Âm dương ngũ hành duy tâm, kinh nghiệm.

Do có cái nhìn về dòng chảy Nho giáo, chính là dòng sông chuyên chở con thuyền Hán hóa, mà càng công nhận tính đúng đắn của mệnh đề “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”. Phật giáo trong suốt gần hai ngàn năm, là dây neo hòa nhập vào xã hội Đại Việt, nó giữ hồn cốt dân tộc, âm thầm níu giữ cái văn hóa bản địa khác với Hán. Phép vua cứ thi hành, mà lệ làng thì cứ giữ. Tôi có một bài viết về các tên Nôm làng Việt, đăng tạp chí Hồn Việt. Các tên Nôm có sức sống lạ kỳ qua cuộc Hán hóa hai nghìn năm, là vì các từ thuần Việt vẫn được mặc nhiên chấp nhận trong cuộc sống thực tế, còn tên chữ Hán Việt chỉ dùng trong văn tự của Nhà nước. Những Kẻ Mọc, Kẻ Cót, Kẻ Mơ… vẫn sống dai dẳng, mặc cho trên giấy là Nhân Mục, Yên Quyết, Bạch Mai… Đáng tiếc thay, biết đâu hai ngàn năm nay vẫn sống, mà thời đại chúng ta lại khai tử nó đi qua cách đặt tên đất, tên đường.

Phật giáo, từ chỗ đồng hành cùng dân tộc, nuôi dưỡng tâm linh con người, sống mềm mại trong dân chúng, rồi vụt trở thành dân tộc với hệ tư tưởng Trúc Lâm.

2. Sợi dây tinh thần huyền bí.

Đến thế hệ tôi, lớn lên nhìn thấy chùa làng, đình làng. Trong chùa lại có ban thờ Trần triều. Phật và Thánh, rồi Mẫu cùng chung hưởng. Mà rất nhiều tượng Phật. Từ ông Hộ Pháp đến các Bồ Tát, đều thành Phật cả. Bố mẹ ông bà thì hàng ngày vẫn có thể ăn thịt cá, rồi ngày rằm mồng một lên chùa. Khi đẻ đứa trẻ khó nuôi thì “bán khoán” cho chùa. Lúc chết nhiều người di chúc con cháu “gửi tro lên chùa” để cho siêu thoát. Ngôi chùa là một yếu tố tâm linh tự nhiên của làng quê. Đó là một thứ tôn giáo kỳ lạ đầy sức sống của cư dân Việt.

Khi mới thống nhất đất nước, có một anh bạn tôi nhà theo đạo Phật (Tiểu thừa) lần đầu ra Bắc, anh ta không thể hiểu nổi tại sao Phật giáo miền Bắc lại “lung tung” thế. Chỉ thờ một ông Phật “chính hiệu” thôi chứ. Đã theo đạo Phật thì kiêng sát sinh chứ, đã là Phật tử thì phải lên chùa thờ Phật, đọc kinh chăm chỉ chứ. Đã ăn thịt chó thì sao lại lên chùa?

Có lần gặp một sinh viên học triết học năm cuối bậc đại học, tôi hỏi lại câu hỏi của Phật tử tiểu thừa: Vậy thì tại sao lại thế nhỉ? Nếu mang câu hỏi này hỏi các cử nhân của ta, có lẽ phần lớn là bối rối khó trả lời. Tôi lại hỏi, rốt cuộc, Thiền phái Trúc Lâm là gì, bây giờ tôi muốn nhìn thấy một Phật tử Trúc Lâm thì giới thiệu cho tôi, nó khác gì so với Thiền phái không Trúc Lâm? Câu trả lời là một mớ giáo lý lằng nhằng đọc từ giáo trình ra, nào là thống nhất ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường… Rồi cuối cùng anh ta chỉ tôi đến… Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt.

Thì ra, là người Việt mà hiểu con người Việt cũng không phải dễ. Có thế thì trong cộng đồng mới nảy nòi ra các nhà văn, nhà thơ. Họ không trả lời rành rẽ rằng thế nào là Việt, nhưng trong tâm hồn họ cảm nhận được mạch nguồn hồn dân tộc. Thật bất hạnh cho các dân tộc không có các nhà văn, nhà thơ lớn.

Về đề tài tâm hồn dân tộc, trong một số báo Tạp chí Phật học đã đăng bài của tôi, nhận định bản Quốc ca của Văn Cao có bố cục và âm hưởng của Bát Nhã Tâm Kinh. Trước đây, tôi có làm Tạp chí Nghiên cứu Phật học mấy năm cùng các Hòa thượng ở Chùa Quán Sứ, các hòa thượng hoàn toàn nhất trí với phát hiện này.

Bát Nhã Tâm Kinh là bộ kinh cổ nhất, đơn giản nhất, ngắn nhất trong lịch sử Phật giáo, nó kể câu chuyện về cuộc chuyện trò giữa ngài Bồ Tát Quán Tự Tại và Phật tử Xá Lợi Tử, rằng nên hành pháp tu Phật như thế nào. Bồ Tát Quán Tự Tại chỉ ra rằng, mọi hiện tượng đều là Không, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Vì vậy mà nếu Phật tử thấu hiểu lẽ đó, thì Tâm thoát khỏi mọi ràng buộc, đạt cứu cánh Niết Bàn. Và cuối cùng, Ngài Quán Tự Tại khuyên một câu thần chú, bằng Phạn ngữ, dịch ra có nhịp điệu thôi thúc: Vượt qua, vượt qua bờ bên kia, hoàn toàn giác ngộ. Âm Hán Việt là: "Yết-đế, yết-đế, Ba-la yết-đế. Ba-la-tăng yết-đế Bồ-đề tát-bà-ha". Bản tiếng Pháp và Anh dịch: Đi lên, đi đến bờ bên kia, reo vui" (La tinh hóa: Gate gate, Pàragate, Pàrasaṃgate, Bodhi svàhà)

Nói không ngoa, toàn bộ giáo lý thực hành Phật pháp xoay quanh việc nhận chân "Sắc sắc, không không". Và bài Tâm kinh ra đời từ năm 100 trước Công nguyên là sách kinh vỡ lòng, căn bản của Phật tử. Điều khá ngạc nhiên là kết cấu của bản Quốc ca Việt Nam cũng tương tự như một bài Tâm kinh của thời đại mới. Sau khi trình bày hành khúc hành động của đoàn quân giải phóng, đập tan xiềng xích để xây đời mới, một kiểu giải thích cuộc đời này vì sao ta phải hành động, thì câu kết cũng vang lên giục giã "Tiến lên, tiến lên, nước non Việt Nam vững bền". Đó không khác câu thần chú bản Tâm kinh thời hiện đại của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Văn Cao đọc Tâm kinh hay không không còn quan trọng. Điều hay là bài Tiến quân ca có sức sống lâu bền. Không nói ra lời, mà ai cũng thấy nó quen thuộc, như có sợi dây tinh thần sâu xa liên kết một đoàn tín đồ. Điều quan trọng là bài Tiến quân ca cũng kêu gọi người ta xây đắp một lý tưởng, cứu cánh "nước non vững bền" như một thể Niết bàn thời đại. Ai cũng thấy Tiến quân ca có vẻ gì đó quen thuộc, thôi thúc, hùng tráng mà thâm trầm. Đó là âm hưởng chính yếu của Bát Nhã tâm kinh đã sống hơn 2100 năm nay.

3. Phật giáo trước Trúc Lâm.

Tuy rằng Phật giáo Đại thừa có vẻ là tín ngưỡng phù hợp với cư dân lúa nước ở đồng bằng sông Hồng, nhưng tự nó cũng phải đổi mới để vượt qua thử thách thời đại. Trước thời Lý Thánh Tông, nhà chùa và triều đình phân biệt. Nhà tu hành và người làm quan khác nhau. Hẳn là khi xây dựng vương triều, nhà Lý bị đặt vào thế lựa chọn giáo lý làm hệ tư tưởng của triều đại, giữa Nho, Phật và Đạo. Cuối cùng, Lý Thánh Tông chọn Phật. Từ Lý Thánh Tông, với Thiền phái Thảo Đường, ông quan có thể là Phật tử, nhà vua cũng là giáo chủ. Thảo Đường là Thiền phái hoàng gia ở Việt Nam. Một bước tiến đáng kể về lịch sử tư tưởng, khi mà Nhà nước công nhận thứ giáo lý bắt nguồn từ dân chúng, lấy đó làm hệ tư tưởng trị nước của mình.

Phật giáo từ chỗ sống trong dân chúng, đến lúc bắt rễ vào tầng lớp quý tộc, thì Nho giáo chắc chắn chỉ còn địa vị thứ yếu, con đường Hán hóa hẳn đã bị đẩy lùi xa lắm. Cái mà sau này gọi là "chủ nghĩa dân tộc" thì chắc phải là rực sáng ở thời Lý - Trần. Bởi vì lúc đó từ triều đình cho đến thần dân, đều chăm chú hướng đến tinh thần thuần Việt, không màng đến hình mẫu Hảo Hán của người Trung Quốc. Võ công hiển hách nhất chống Trung Hoa chính là xảy ra ở thời nhà Lý. Quân đội hùng mạnh nhất khu vực, kể cả so với nhà Tống, cũng chính là quân đội của nhà Lý.

Cho nên, khi học lịch sử, học sinh chỉ được học và nhớ một cách cơ học cuộc kháng chiến chống Tống, rồi đến chống Nguyên, chống Minh. Mà không biết nguyên nhân sâu xa của các võ công ấy cũng bắt nguồn từ văn hóa. Chỉ có văn hóa mới soi sáng được các hiện tượng lịch sử tưởng như rất giống nhau.

Cho đến nay, đã có hàng vạn cuốn sách nói về triều đại nhà Trần và cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Cũng có hàng vạn quyển sách nói về Vua Phật khai sinh Thiền phái Trúc Lâm. Nhưng có phải là Thiền phái này chỉ truyền từ Điều Ngự Giác Hoàng, đến Pháp Loa, rồi đến Huyền Quang là thất truyền hay không? Vậy thì các Thiền phái ở các chùa ngày nay, nào là Mật tông, nào là Tịnh Độ, nào là Lâm Tế… không còn là Trúc Lâm nữa ư? Thật bất ngờ, khi hỏi một nhà tu hành là chủ ngôi chùa rất hoành tráng, ông sư này cũng ngắc ngứ. Vậy thì Trúc Lâm Đại đầu đà chắc hẳn chưa thể siêu thoát được.

Nhà Trần chống Nguyên Mông thực sự là một cuộc kháng chiến, có giao chiến trên chiến trường cũng chỉ là chiến thuật, thắng bại từng trận trong một thế chiến lược là chống trả, giữ phẩm giá dân tộc, chủ quyền quốc gia, chứ không phải cuộc ra quân đối đầu, có tính toán vừa chinh phạt vừa giữ đất như thời Lý. Trong một cuộc kháng chiến như vậy, chỉ có đại đoàn kết dân tộc mới mong chiến thắng. Và, nhà Trần lại một lần nữa, và tiến xa hơn nhà Lý, chọn giáo lý Phật giáo làm sợi dây cố kết triều đình với thần dân, thực hiện đại đoàn kết toàn dân. Nếu như nhà Trần chọn Nho giáo, thì không bao giờ kháng cự nổi với Nguyên Mông. Hảo hán ở Trung Nguyên chẳng đã thua tan tác dưới vó ngựa quân Mông rồi đó sao, nói chi một sắc dân "giống như Hán". Sau này, khi cuộc kháng chiến ác liệt, tầng lớp Nho sĩ Thăng Long (tiêu biểu là Trần Ích Tắc) là đám người dễ đầu hàng nhất và thực tế đã đầu hàng. Nho sĩ thấm nhuần Nho giáo, vốn dĩ đã học làm Hảo hán, sẽ tìm thấy lý do bào chữa cho việc phản bội dân tộc, là đi theo tiếng gọi của đạo Thánh hiền. Xét cho cùng, triều đình phong kiến Việt Nam khi đã thấm nhuần Nho, thì không còn khả năng kháng cự cuộc chinh phạt của người Hán, kể cả văn và võ.

Thiền Thảo Đường thời Lý như thế nào? Phật tử hành đạo ra sao, nhà chùa là tu viện có dáng dấp khác ngày nay thế nào? Trong các sách về Phật giáo, rất nhiều lý luận mà rất ít mô tả thực tiễn. Nếu phải làm một bộ phim về Lý - Trần chắc rất khó mô tả cách hành đạo trước khi có Thiền Trúc Lâm. Viết một cuốn tiểu thuyết về Lý - Trần ư? Nếu chưa hiểu tinh thần Thiền Lý - Trần thì không thể viết. Một Hòa thượng có chức sắc ở chùa Quán Sứ đã nói với tôi, nhà văn hiện nay hiểu khác chúng tôi (vị hòa thượng này nói khéo, cách khác của nhận xét rằng các anh nhà văn chả hiểu gì) khi cho rằng Thái sư khai quốc thời Trần xử tội các cung nữ bằng cách cho họ lên giàn thiêu. Đó thật là xa lạ, ngược đời so với tinh thần văn hóa Phật giáo đương thời. Trần Thủ Độ có thể mai phục, có thể treo cổ, có thể chém ngang lưng đám cung nữ nhà Lý. Nhưng gia tộc sùng Phật như Trần gia thì không bao giờ xử tội kẻ có tội bằng giàn lửa.

4. Vì sao nhà vua đi tu?

Câu chuyện vua Trần Nhân Tông đi tu được diễn giải rất nhiều, với nhiều cách hiểu khác nhau. Một ông vua đi tu, đơn giản thôi, mà vĩ đại. Vĩ đại ở chính cái điều không ai làm được. Từ bỏ cái khoái sướng chót vót mà con người Nho gia phấn đấu để đoạt lấy, quay về nơi tu hành đau khổ. Nhìn nhận với nhân sinh quan Nho giáo, hóa ra, ông vua ấy đi ngược quy luật Thánh hiền Trung Quốc đã dạy. Giở Đại Việt sử ký toàn thư ra mà xem Nho gia thời Lê nhận xét về vị vua vĩ đại của người Việt thế nào. Dĩ nhiên là chê trách ông ấy quá phiền lụy vì Phật giáo, trước khi nói đạo Phật là sằng bậy.

Có nhiều sách vở dạy cho hậu thế về bài học đạo đức của vua Trần Nhân Tông. Con người làm vua, sống đời sống đế vương, mà bỏ ngai vàng "như trút đôi dép rách". Nếu chỉ làm gương đạo đức cho thần dân bằng cách tu Phật, thì có đáng làm như vậy không?

Là Tổng chỉ huy cuộc kháng chiến chống Nguyên, vua Trần Nhân Tông hẳn hiểu hơn ai hết mối nguy xâm lược. Ông cũng hiểu vì sao người Trung Hoa thất bại trước quân Nguyên. Nho giáo là nền tảng xã hội Trung Quốc, lấy "trị, bình" làm căn bản đối xử với dân chúng, sẽ làm cho triều đình xa thần dân. Khi không có dân ủng hộ, triều đình chỉ là một đám người yếu ớt, không thể kháng cự với một đội quân hung hãn. Bài học "chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân" thấm nhuần từ Trần Quốc Tuấn, chắc hẳn nhà vua hiểu rõ.

Làm thế nào để giữ cho dân tộc không quay vào quỹ đạo của kẻ xâm lược phương Bắc? Câu trả lời là phải giữ được phẩm giá Việt Nam. Thực ra bài học này đã có từ thời Lý Thánh Tông. Nhà Lý đã công nhận Phật giáo vốn là tôn giáo sống với dân gian, làm nền tảng tư tưởng của triều đình, biến quan lại thành Phật tử, biến nhà vua thành Giáo chủ, nên một bộ phận dân chúng theo Thiền phái Thảo Đường mặc nhiên là đệ tử của nhà vua, sống chết với triều đình. Vua Trần Nhân tông chỉ thực hiện điều tương tự Lý Thánh Tông ở quy mô lớn hơn, mức độ cao hơn, tính chất thâm sâu hơn. Đầu tiên ông sáp nhập tất cả các thiền phái. Phép sáp nhập dĩ nhiên phải xóa bỏ sự khác nhau, tổng hòa sự tương tự, chủ yếu là về phương pháp truyền thừa và cách thực hành Phật pháp. Sao cho toàn bộ dân chúng đều có thể là Phật tử, đó là thắng lợi về chính trị của nhà vua đi tu. Muốn thế, thì cách hành đạo phải đơn giản, quan niệm về đạo và đời phải hết sức "thoáng".

Đó là cách lập luận duy lý. Nếu như vua Trần Nhân Tông làm vua ở vùng đất khác, ông có thể thành công khi lựa chọn phương pháp ấy không? Câu trả lời là không cần trả lời. Triết lý Thiền Trúc Lâm được diễn tả bằng khá nhiều chữ, nhưng căn bản dựa trên ngữ lục đơn giản, dễ hiểu là "Cư trần lạc đạo". Ở với trần gian bụi bặm, mà vẫn có thể đắc đạo. Phương pháp hành đạo là "Tùy duyên". Đó là thứ giáo lý "thoáng" nhất có thể, không thể đơn giản hơn được nữa. Từ sau Trúc Lâm, thần dân Đại Việt của nhà Trần có thể ăn thịt chó, mà ngày rằm mồng một vẫn lên chùa cầu Phật. Là thần dân của nhà vua, lấy vợ sinh con, chăm lo làm lụng, cũng có thể hướng đến Niết Bàn nơi cửa Phật.

Thật sự thì quan niệm của Thiền Trúc Lâm cũng không phải do nhà vua đi tu áp đặt nên, hay muốn nghĩ ra là được. Đó là một cuộc chuyển biến về nhận thức Phật pháp từ từ, lâu dài. Con đường Phật giáo đi vào dân chúng phải kinh qua hơn một nghìn năm, đến Trúc Lâm, thì Phật giáo từ chỗ đồng hành cùng dân tộc, trở thành tôn giáo chuyên chở tâm linh dân tộc, là dân tộc.

Về mặt đạo pháp, tôi chỉ nói theo kiến thức sách vở như sau: Cuộc sinh nở Thiền Trúc Lâm có lẽ được thai nghén từ vua Thái Tông. Trong Khóa hư lục, chân lý "Phật tại tâm" đã được phát biểu như một phát hiện, chính vì lẽ đó mà Trần Thái Tông đề cao sám hối, một kiểu phê và tự phê hiện đại, để mong "kiến tính", thấy được bản tính mình, từ đó đi đến giác ngộ. Một khi "Phật tại tâm" thì nhà vua và dân chúng đều có thể bình đẳng đi đến bến bờ giác ngộ. Đến Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, thì quan niệm "Hòa quang đồng trần" lại dấn thêm một bước, mang "đạo" về gần với "đời". Tuy nhiên, đó vẫn là thế giới quan nhìn từ trên cao xuống, mang ánh sáng cao khiết hòa vào trần gian. Người/Phật thực hiện hành động "hòa quang" trong quan niệm của Tuệ Trung Thượng Sĩ là ngôi thứ nhất, là chủ thể. Tuệ Trung Thượng Sĩ là người thày về tư tưởng của vua Trần Nhân Tông, Người lẫn trong ánh sáng nhìn xuống dân gian. Và cho đến Trần Nhân Tông, trần gian không phải là đối tượng để thứ ánh sáng nào chiếu dọi, mà trần gian chính là chủ thể, biến ánh sáng "đạo" thành khách thể. Trần Nhân Tông nói: Cư trần lạc đạo. Có thể nói với Trúc Lâm, vua Trần Nhân Tông biến mình thành một trong số thần dân, chính ông là một phần của trần gian bụi bặm.

Quan niệm "Tùy duyên" lại tỏ ra rất phù hợp với tâm lý người Việt. Người Việt xưa vốn là cộng đồng dân cư nông nghiệp, canh tác tùy theo khí hậu trời đất, sống hồn nhiên nhi nhiên. Hệ tư tưởng với quan niệm đơn giản "cư trần lạc đạo" khiến cho hầu hết thần dân trở thành Phật tử, thống nhất phần hồn con người tôn giáo với phần xác con người xã hội. Nói đó là chiến thắng chính trị của vua Trần Nhân Tông cũng không sai. Nhà vua đi tu, trở thành Giáo chủ không phải là một hành vi tôn giáo, hay tấm gương đạo đức, mà trước hết, đó là hành động xây dựng nên hình mẫu con người mới, sinh ra nền văn hóa mới.

Thực ra, "tùy duyên" cũng là cách diễn tả khác đi, cụ thể hóa trong trường hợp hành đạo của nguyên lý "vạn vật vô thường" của nhà Phật. Vạn vật không ngừng biến đổi, nên ứng xử với vạn vật cũng phải tùy duyên. Đơn giản thế thôi.

Đơn giản thế, nhưng Thiền Trúc Lâm lại làm được một việc mà lịch sử tư tưởng Việt Nam chưa bao giờ lặp lại. Đó là một lần tư tưởng Việt thắng thế trong xã hội, một thời kỳ mà triều đình cai trị dân chúng không phải bằng mệnh lệnh hành chính áp đặt các giáo lý ngoại lai, một lần xã hội Việt thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa Hán. Nhưng sao lại gọi Trúc Lâm là một hệ tư tưởng. Xin thưa, đó là tôi cảm nhận thấy như thế. Nó có lý do ở chính sự thất truyền về mặt danh nghĩa Thiền, mà bất diệt ở phong tục và cách nghĩ của người dân.

5. Trúc Lâm không đơn giản là Thiền.

Vậy nó là gì? Trả lời: Đó là một hệ tư tưởng, một hệ thống nhân sinh quan của người Việt.

Cũng có nhiều sách bàn về sự thất bại truyền thừa của dòng Thiền Trúc Lâm. Chỉ sau khi vua Trần Nhân Tông mất, Trúc Lâm sống qua Pháp Loa, rồi đến Huyền Quang, sau đó không ai chính thức được coi là nhận chân truyền.

Có ý kiến cho rằng, triều đình thời mạt Trần đi vào suy vi, tầng lớp Nho sĩ lớn mạnh, thiền Trúc Lâm không còn địa vị trong Phật giáo thời Lê. Sau này, thiền sư Hương Hải thế kỷ 17 được coi là người đã cố gắng khôi phục Thiền Trúc Lâm, nhưng rồi cũng không có ai kế tục.

Tại sao thế? Một thiền phái do chính vị vua vĩ đại tạo lập, lại chịu số phận đáng buồn như thế ư?

Sử Phật giáo cũng có ghi lại các tài liệu về cách hành thiền của vua Trần Nhân Tông, như cuộc giảng thiền tại chùa Vĩnh Nghiêm, hay lễ truyền tông ấn cho Pháp Loa. Giáo sư Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã dẫn lại một buổi hành thiền của Điều Ngự, cho thấy Điều Ngự không có biện pháp gì cao siêu hơn cách hành thiền trước đó. ( "Trúc Lâm được sống nhiều năm trong thiền viện và đã sinh hoạt theo thể thức và quy chế thiền viện. Vua đã nhiều lần kết hạ an cư, đăng đàn thuyết pháp và chủ tọa những buổi đại tham, tức là những cuộc tham vấn về thiền trong đó toàn thể đại chúng trong thiền viện được tham dự. Những buổi tham vấn nhỏ thì được gọi là tiểu tham. Trúc Lâm thường bắt đầu buổi đại tham bằng lễ niệm hương. Kế tiếp, vua nói một vài lời mở đầu, và sau đó trả lời những câu hỏi"). 

Tuy nhiên, cách diễn đạt về tư tưởng Thiền của Trúc Lâm thì dường như các vị Thiền sư, cao tăng hầu như ít có điều để nói, ngoài những câu kệ, ngữ lục và mấy bài thơ nôm của nhà vua đi tu. Ông Nguyễn Lang cho rằng: "Bí quyết của Trúc Lâm là làm cho tâm hồn không vướng bận. Lòng không vướng bận nghĩa là không bị ràng buộc bởi thành bại đắc thất và bởi sự dồn chứa kiến thức". 

Cũng không có gì xa khác quá, nhưng tại sao nhà vua lập ra một giáo hội, mà không có tổ truyền thừa, để đến nỗi sau này không còn thấy một dòng Thiền Trúc Lâm trực tiếp chân truyền nữa.

Tôi cho rằng, tìm hiểu tư tưởng vua Trần Nhân Tông, có lẽ chìa khóa là việc "sáp nhập 3 thiền phái" và "sự thất bại truyền thừa".

Sáp nhập thì phải hình thành một Thiền phái, sau này Pháp Loa và Huyền Quang đã rất cố gắng tạo dựng các yếu tố của một thiền phái riêng, nhưng tại sao vẫn không thể truyền được. Cũng không có sách nói sau khi sáp nhập thì các Thiền sư giữ lại yếu tố nào của Thiền phái nào, bỏ yếu tố nào. Phải chăng, khi lập ra Thiền phái Trúc Lâm, thì 3 thiền phái trước đó, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường tự tan rã. Hoặc chính Trần Nhân Tông có ý đồ giải tán cả ba thiền phái đó. Từ lâu, các sử liệu nước ta đều viết là "nhập 3 thiền phái" thực ra chỉ là một cách nói cho đẹp, một kiểu mỹ từ mà thôi.

Bởi vì với tư tưởng Thiền "làm cho tâm hồn không vướng bận" đến tư tưởng hành đạo "cư trần lạc đạo" thì khác hơi xa so với cách hành đạo của 3 phái thiền trước đó.

Cũng vì tư tưởng Thiền của Trần Nhân Tông là hướng đến Phật tử, một tư tưởng tự do khó chấp nhận với mọi dòng thiền, nên sau này, không có một dòng thiền nào chấp nhận cách quan niệm về hành thiền như thế.

Không có chính danh một dòng thiền nào mang tên Trúc Lâm tồn tại sau Huyền Quang, nhưng dân chúng, thần dân của vua Trần Nhân Tông thì bắt đầu được ngôi chùa phù trợ tâm linh. Tuy dòng Thiền mang tên Trúc Lâm không còn, nhưng tư tưởng Trúc Lâm thì sống mãi trong cộng đồng dân chúng.

Ở đây, lại có một mẫu số chung giữa các học thuyết có sức sống. Chỉ với những lời rời rạc do học trò đời sau chép lại, mà Luận ngữ khai sinh ra Nho giáo, rồi phủ bóng lên lịch sử Trung Quốc. Một cách tương tự, tuy nhiên khác về tính chất nội dung và quy mô, Trúc Lâm thực ra cũng là một hệ thống Thiền, thông qua ngữ lục, song đã làm một cuộc cách mạng về tư tưởng, ảnh hưởng lâu đời với dân cư Việt. Vua Trần Nhân Tông hẳn là hiểu sâu sắc thần dân và dân tộc mình, mới truyền bá tư tưởng Trúc Lâm như vậy.

6. Biểu hiện di sản Trúc Lâm.

Di sản Trúc Lâm sống lâu bền trong cách tồn tại của ngôi chùa làng quê Bắc Bộ. Cách đối xử với nhà chùa của người dân chính là thừa hưởng tư tưởng của Thiền Trúc Lâm. Dù cho thiền sư có thể biến thành sơn môn nào, theo thiền phái nào, thì dân chúng và Phật tử, vẫn đối xử với ngôi chùa bằng tinh thần có từ thuở Trúc Lâm. Điều này chắc chắn có bị mai một qua thời Lê sơ, nhưng được nhà Mạc khuyến khích, rồi sống bền bỉ qua sóng gió của thời Lê Trung hưng và Nguyễn. Ăn thịt chó, ngày rằm mồng một lên chùa. Phật không phải là sư, sư không phải là Phật. Trong không gian trần thế bụi bặm, vẫn có một góc tâm linh siêu việt hướng về Đạo và có thể "lạc đạo". Đó là triết lý Phật giáo diễn tả bằng tâm lý Việt. Đó là một cách thực hành của tư tưởng "làm cho tâm hồn không vướng bận" trong tư tưởng Thiền của Trần Nhân Tông.

Tư tưởng Trúc Lâm phản ánh tâm lý người Việt, cũng tham gia hình thành cách sống Việt. Nó có mặt hay, cũng có cái dở. Người Việt ưa mềm mại, dĩ hòa vi quý, vốn thờ phụng nước. Gọi lãnh thổ là nước, chắc ít có dân tộc như dân tộc Việt. Tùy duyên mới có thể tồn tại qua phong ba bão táp lịch sử, trước những can qua, do địa chính trị của nước Việt. Cư trần lạc đạo chính là triết lý lớn, mà vua Trần Nhân Tông phát biểu "giúp" dân tộc. Đời và đạo, thì coi trọng đời, coi trọng "cư trần", có cư trần thì mới lạc đạo. Đạo gì cũng phải bắt nguồn từ trần. Lấy đạo áp đặt lên bụi trần, thì không còn đạo, mà cũng không còn trần.

Nói về thời hiện đại, một số Thượng tọa chức sắc ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đồng ý với tôi, ngày nay Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt cũng chỉ là "Trúc Lâm Đà Lạt" mà không bao giờ là hậu duệ của "Trúc Lâm". "Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử" lại là chi nhánh của Trúc Lâm Đà Lạt, càng không phải Trúc Lâm nguyên thủy. Vua Trần Nhân tông hành đạo ở vùng Đại thừa Bắc bộ, nơi dân chúng "cư trần lạc đạo". Chùa của vua Trần Nhân Tông là chùa Đại thừa, cả một xã hội trần gian đều thành Phật. Vào chùa là vào một cung đình, thứ thế lớp lang như đời, mà là Phật. Khác hẳn với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, rất đắc dụng ở phép dưỡng sinh, nhưng giáo lý thì chặt chẽ, ảnh hưởng tiểu thừa rõ rệt ở cách bày biện nhà chùa, cho đến hành lễ. Đó chắc hẳn không phải Thiền Trúc Lâm của vua Trần.

7. Về trường hợp Tây Du ký: Hình bóng Trúc Lâm.

Trong một bài xuất bản trên mạng, tôi có dẫn ý kiến ông Trần Đình Hiến, về nghi ngờ Tây du ký có nguồn gốc từ Đại Việt. Sau đó có nhiều ý kiến phản đối. Một trong các lý do là cái bóng quá lớn của văn hóa Hán. Nó là Hán, sao lại là mình được?

Một là, chính người Trung Quốc nhiều thế hệ nghi ngờ sự xuất hiện của tác phẩm được gán cho Ngô Thừa Ân. Tác phẩm ra đời sau khi Ngô gia chết mấy chục năm. Hai là cuộc cướp phá văn vật thời Minh thuộc, có sử liệu nói rõ phái đoàn các Nho gia sang cướp bóc văn tự, kể cả đình chùa. Ông Trần Đình Hiến có nghiên cứu về mối liên hệ dòng họ Ngô của Thừa Ân và Ngô ở Việt. Ba là, một số chi tiết nội dung, sự đối xử thờ ơ và tệ bạc với phái đoàn của nhà Đường, coi như không ai biết đến nước Đường to vật vã trong thiên hạ. Nếu nước Đường ấy bị chữa từ Đại Việt ra, thì hợp lý với nội dung.

Nhưng có nguyên nhân sâu xa này: Tôi thì cho rằng, xét về hành trạng Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, Sa Tăng, thì họ chính là Phật tử của Thiền phái Trúc Lâm. Cư trần không gì hơn Chư Bát Giới. Trần tục và phàm phu đến bất ngờ. Tùy duyên không đâu bằng cách Tôn Ngộ Không ứng xử. Phật tử Trung Hoa không có thế. Các thiền phái Trung Hoa có sư hổ mang, có sư giả cầy, nhưng không có sư "tùy duyên" đến như con khỉ và con lợn biến thành. Tư tưởng Trúc Lâm đậm đặc trong các nhân vật của sứ đoàn lấy kinh.

Trong Tây du, Phật Bà Quan Âm là chúa tể, là đấng cứu thế, cứu giúp thày trò đi lấy kinh. Cách tôn kính Phật Bà quan âm có nguồn gốc từ Thiền Đại Việt và khu vực văn hóa Bách Việt thờ phụng vua Bà. Nếu Tây Du ký là sản phẩm của các vùng văn hóa Bách Việt thì có thể đúng.

Một chi tiết tưởng như hài hước, vu vơ, là chuyện thày trò Đường Tăng nhận được những quyển kinh không có chữ, rồi quay lại đòi đổi lại. Phải người am hiểu Phật pháp mới viết đến như thế. Giống như ngày nay Thiền sư Nhất Hạnh nói, chân kinh là kinh không có chữ. Lần thứ nhất, thày trò Đường Tăng chính là được chân kinh. Qua đó, có thể thấy quan niệm của tác giả, việc đi lấy kinh cũng là hành động kỳ khu, không cần thiết. Toàn bộ cuộc đi lấy kinh chỉ là tưởng tượng, hành vi phi Phật pháp, không đúng tinh yếu của Phật pháp. Cuộc đi lấy kinh, dưới mắt nhà chùa, chỉ là hành động mang tính xã hội, chứ không có mấy ý nghĩa về Phật pháp.

Vậy mà, Trung Quốc thời Đường quả đúng là có sư Huyền Quang đi Ấn Độ lấy kinh. Sau này, vận chuyện Tây du cho Huyền Quang, cũng là khiên cưỡng. Những nghi vấn của ông Trần Đình Hiến quả là có lý do, mặc cho câu trả lời có thể mãi mãi không có, nhưng không phải vì không có câu trả lời mà không có bài toán đặt ra.

Vũ Xuân Tửu

Không có nhận xét nào: