Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

THỂ VẬT LÝ

Thuật ngữ thể vật lý (physical body) phải bao gồm cả hai nguyên khí thấp của con người mà thuật ngữ cổ xưa của chúng ta gọi là Sthūla Sharīra và Linga Sharīra, bởi vì cả hai đều hoạt động trên cõi vật lý, đều gồm có chất vật lý, được tạo thành trong thời kỳ một kiếp sống trên cõi vật lý và bị con người vứt bỏ vào lúc chết để rồi cùng nhau tan rã trên cõi vật lý khi con người chuyển sang cõi trung giới.

Một lý do khác để xếp hai nguyên khí này hợp lại thành thể vật lý là vì chừng nào chúng ta chưa thoát ra khỏi thế giới vật lý – tức cõi mà chúng ta quen gọi là cõi trần – thì chúng ta còn phải dùng tới một trong hai lớp áo vật lý này hoặc cả hai. Chúng đều thuộc về cõi vật lý do cấu tạo vật liệu của cõi này và không thể thoát ra khỏi bên ngoài nó; tâm thức hoạt động bên trong chúng bị hạn chế trong nội bộ sự gò bó của cõi vật lý và phải tuân theo những định luật thông thường về không gian và thời gian. Mặc dù có thể tách rời nhau một phần nào, song chúng hiếm khi rời xa nhau trong khi còn sống trên cõi trần, sự rời xa đó không đáng khuyến khích và luôn là dấu hiệu bệnh tật hoặc cấu tạo mất thăng bằng.

Xét theo vật liệu cấu tạo nên chúng thì ta có thể phân biệt chúng ra thành xác phàm (the gross body) và thể phách (the etheric double), thể phách là bản sao chính xác từng hạt một của thể hữu hình và là môi trường thông qua đó có tác dụng mọi dòng điện và dòng sinh khí mà hoạt động của xác phàm tùy thuộc vào đó. Từ trước đến nay, ta vẫn gọi thể phách là Linga Sharīra, nhưng vì nhiều lý do dường như ta nên chấm dứt việc dùng tới tên gọi đó để chỉ thể này. Từ lâu rồi cổ thư của Ấn Độ đã dùng từ “Linga Sharīra” theo một nghĩa khác, và cho dù là người Đông phương hay người Tây phương thì các học viên kho tài liệu Á đông ắt gặp phải nhiều lẫn lộn do hậu quả võ đoán, xuyên tạc ý nghĩa mà nó đã được công nhận; vì lý do đó (nếu không phải còn lý do khác nữa) tốt hơn ta nên từ bỏ cách dùng không chính đáng ấy. Hơn nữa, nếu có được một tên gọi bằng tiếng Anh để chỉ những phần chia nhỏ trong cấu tạo của con người thì ắt là tốt hơn, do đó khiến cho kho tài liệu sơ cấp của chúng ta không còn chướng ngại vật cho những kẻ sơ cơ đứng trước thuật ngữ tiếng Bắc phạn. Vả lại tên gọi thể phách cũng biểu diễn chính xác được bản chất và cấu tạo của phần tinh vi thuộc thể vật lý; do đó nó có ý nghĩa và dễ nhớ hơn (mọi tên gọi đều nên như thế); nó là “thể phách” vì nó được cấu tạo bằng “chất dĩ thái” (ether), nó là “nhị trùng thể” (double) vì nó là bản sao chính xác của xác phàm, có thể nói là cái bóng của xác phàm.

Thế mà vật chất của cõi trần được chia ra bảy lớp, phân biệt với nhau được, và mỗi lớp có đủ thứ tổ hợp trong nội bộ giới hạn của mình. Bảy lớp này là: chất đặc, chất lỏng, chất khí, chất dĩ thái; chất dĩ thái có bốn tình huống phân biệt với nhau cũng giống như chất lỏng phân biệt với chất đặc và chất khí. Đây là bảy trạng thái của vật chất thuộc cõi trần, và bất cứ bộ phận nào thuộc vật chất đó cũng đều có thể chuyển thành bất kỳ một trong các trạng thái này. Mặc dù ở nhiệt độ và áp suất bình thường theo cách mà ta gọi thì vật chất đó sẽ có một trong các trạng thái tương đối là trường tồn, chẳng hạn như vàng thường là chất rắn, nước thường là chất lỏng, clor thường là chất khí. Thể vật lý của con người bao gồm vật chất ở bảy trạng thái này: xác phàm gồm vật chất ở thể đặc, thể lỏng và thể khí; còn thể phách bao gồm bốn lớp chất dĩ thái mà ta lần lượt biết tên là Dĩ thái I, Dĩ thái II, Dĩ thái III và Dĩ thái IV.

Khi chúng tôi trình bày cho mọi người thấy những sự thật cao siêu của Thông Thiên Học, thì chúng tôi thấy họ thường phàn nàn là các sự thật đó quá lờ mờ và họ thắc mắc: “Chúng tôi nên bắt đầu từ đâu? Nếu chúng tôi muốn tự mình học hỏi và chứng tỏ sự thật những lời khẳng định đó thì chúng tôi phải khởi sự như thế nào? Đâu là những bước đầu tiên mà chúng tôi phải bước đi? Thật vậy, đâu là bộ chữ cái của ngôn ngữ mà các nhà Thông Thiên Học cứ liếng thoắng thuyết pháp? Chúng tôi là những người nam nữ sống trên thế gian thì nên làm gì để hiểu được và kiểm chứng được những vấn đề này, thay vì chỉ chấp nhận chúng dựa vào đức tin nơi những người khác vốn tự cho là mình có biết? Trong những trang sau đây tôi sẽ cố gắng trả lời thắc mắc đó để cho những người thật sự tha thiết có thể hiểu được những bước thực tiễn sơ khởi mà họ phải bước đi; ta luôn luôn phải hiểu rằng những bước này ắt thuộc về một sinh hoạt mà bộ phận đạo đức, trí thức và tâm linh của nó còn đang được rèn luyện. Dù cho người ta có làm gì cho thể vật lý không thôi thì điều đó cũng không biến y thành một nhà thấu thị hoặc một ông thánh; nhưng cũng đúng là xét vì thể vật lý là một công cụ mà chúng ta phải sử dụng cho nên ta cần đối xử với nó theo cách nào đó để cho chúng ta có thể chuyển bước theo hướng Thánh đạo. Trong khi việc chỉ xét tới thể vật lý không thôi chẳng bao giờ đưa chúng ta lên đến những đỉnh cao mà chúng ta đang hoài bão, thế nhưng nếu bỏ mặc thể vật lý đó không xét tới nó thì tuyệt nhiên cũng không thể khiến cho ta leo lên được những đỉnh cao đó. Những hạ thể mà ta phải sinh hoạt và làm việc trong đó là những công cụ của chơn nhơn và chúng ta phải hiểu ra điều sơ khởi này. Hạ thể tồn tại vì chúng ta chứ chúng ta không tồn tại vì hạ thể; hạ thể để cho chúng ta sử dụng chứ chúng ta không phải là tay sai của hạ thể để cho bị nó sử dụng. Hạ thể là một công cụ cần phải được tinh luyện, cải thiện, rèn luyện, uốn nắn thành ra một hình dạng và cấu tạo bằng những thành phần khiến cho nó có thể thích hợp nhất để làm công cụ trên cõi trần, phục vụ những mục đích cao nhất của chơn nhơn. Mọi điều hướng theo chiều đó đều cần phải được khích lệ và bồi dưỡng; mọi điều đi ngược lại hướng đó đều nên tránh. Việc hạ thể có thể có những mong ước gì, có thể đã tập nhiễm những thói quen gì trong quá khứ thì chẳng có chi quan trọng; hạ thể thuộc về chúng ta, là tôi tớ của chúng ta để chúng ta tùy ý sử dụng và đến lúc mà nó chiếm quyền kiểm soát đòi dẫn dắt con người thay vì chịu sự chỉ dạy của chơn nhơn thì lúc đó trọn cả mục đích của cuộc đời đã bị phá hoại và hoàn toàn không thể có được bất kỳ loại tiến bộ nào. Đây là điều mà bất cứ người nào tha thiết đều phải khởi sự từ đó. Chính bản chất của thể vật lý khiến cho nó là một điều có thể dễ dàng trở thành một tôi tớ hoặc một công cụ. Nó có một vài đặc tính giúp ta rèn luyện được nó và tương đối dễ dàng chỉ đạo, uốn nắn nó; một trong những đặc tính này là khi nó đã quen hoạt động theo một đường lối đặc thù nào thì nó dễ dàng tự nguyện đi theo đường lối đó và rất vui lòng làm như thế cũng giống như trước kia nó đã từng đi theo những đường lối khác. Nếu ta đã tập nhiễm theo một thói quen xấu thì hạ thể sẽ chống cự khá quyết liệt đối với bất kỳ sự thay đổi thói quen này; nhưng nếu nó bắt buộc phải thay đổi, nếu ta vượt qua được trở ngại mà nó cản đường, và nếu nó buộc lòng phải hành động theo ý muốn của chơn nhơn thì chỉ ít lâu sau, hạ thể sẽ lại tự nguyện lập lại cái thói quen mới mẻ mà con người đã áp đặt lên nó, và sẽ vui lòng theo đuổi phương pháp mới cũng giống như nó đã từng theo đuổi phương pháp cũ mà chơn nhơn thấy có lý do để phản đối.

Giờ đây chúng ta hãy chuyển sang xét tới xác phàm mà ta có thể đại khái gọi là phần hữu hình của thể vật lý mặc dù mắt phàm không được rèn luyện không thấy các thành phần cấu tạo bằng thể khí. Đây là lớp áo ngoài cùng của chơn nhơn, là biểu lộ thấp nhất của nó, là biểu hiện hạn chế nhất và bất toàn nhất của chơn nhơn.

Xác phàm

Chúng ta phải lần lữa nói lâu dài đúng mức về cấu tạo của xác phàm thì chúng ta mới có thể hiểu được bằng cách nào chúng ta có thể xét tới hạ thể này, tẩy trược nó và rèn luyện nó. Chúng ta phải liếc nhìn một loạt các hoạt động mà phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của ý chí rồi đến những hoạt động chịu sự kiểm soát của ý chí. Cả hai loại hoạt động này đều vận hành nhờ vào các hệ thần kinh, nhưng đó là các loại thần kinh hệ khác nhau. Một hệ thống xúc tiến mọi hoạt động của cơ thể để duy trì sinh hoạt bình thường của nó, nhờ vậy phổi mới co bóp, tim mới thoi thóp và hệ tiêu hóa mới được điều động. Hệ thần kinh này bao gồm các dây thần kinh không cố ý mà ta thường gọi là “hệ giao cảm”. Có một lúc trong quá khứ lâu dài khi cơ thể của ta được kiến tạo qua sự tiến hóa vật lý thì hệ thần kinh này chịu sự kiểm soát của con thú có hệ thần kinh đó, nhưng dần dần nó bắt đầu hoạt động một cách tự động: nó thoát ra khỏi sự kiểm soát của ý chí, có được sự gần như độc lập của riêng mình để tiến hành mọi hoạt động bình thường có tầm quan trọng sống còn cho cơ thể. Trong khi một người đang khỏe mạnh thì y không nhận ra được những hoạt động này; y chỉ biết rằng mình đang thở khi sự hít thở đó bị chèn ép hoặc kiểm soát, y chỉ biết rằng tim mình đập khi tim đập đó là thùm thụp hoặc không đều, nhưng khi mọi chuyện đều suôn sẻ thì những quá trình này tiếp diễn mà y không để ý thấy. Tuy nhiên người ta có thể đưa hoạt động của hệ thần kinh giao cảm này chịu sự kiểm soát của ý chí qua việc thực tập một cách lâu dài và gian khổ; một lớp đạo sĩ Yoga ở Ấn Độ (được gọi là đạo sĩ Hatha Yoga) phát triển quyền năng này đến mức phi thường với mục đích kích thích các thần thông hạ đẳng. Ta có thể triển khai những thần thông này (vốn chẳng liên quan gì tới sự tăng trưởng về trí thức, đạo đức hoặc tâm linh) bằng cách tác động trực tiếp lên thể vật lý. Đạo sĩ Hatha Yoga học cách kiểm soát hơi thở của mình thậm chí tới mức tạm ngưng thở trong một thời gian đáng kể để kiểm soát nhịp đập của tim khiến cho sự tuần hoàn được đẩy nhanh lên hoặc chậm đi tùy ý, và bằng cách đó y khiến cho xác phàm lâm vào tình trạng xuất thần và thể vía xuất ra. Ta không được đua đòi theo phương pháp này, thế nhưng nó cũng dạy cho các quốc gia Tây phương (vốn thường tôn sùng thể xác đến mức độc đoán) biết cách mà một người hoàn toàn kiểm soát được quá trình thể chất thông thường là tự động này; và họ cũng hiểu ra được rằng hàng ngàn người đã áp đặt lên mình một giới luật lâu dài và vô cùng gian khổ để cho mình được thoát ra khỏi cái nhà tù tức là thể xác, và biết được rằng mình còn sống khi thể xác đã tạm thời không còn hoạt động nữa. Ít ra thì họ cũng tha thiết chứ không còn chỉ là nô lệ cho các giác quan.

Ngoài hệ thần kinh này ra chúng ta còn có hệ thần kinh cố ý vốn quan trọng hơn nhiều cho các mục đích tâm trí của ta. Đây là hệ thần kinh lớn vốn là công cụ để cho ta tư duy, nhờ đó chúng ta có cảm giác và vận động được trên cõi trần. Nó bao gồm trục não tủy – bộ óc và tủy sống – từ đó chạy ra khắp cơ thể các sợi dây bằng chất thần kinh tức là các dây thần kinh cảm giác và vận động: dây thần kinh giúp chúng ta có cảm giác chạy từ ngoại vi vô trục, còn dây thần kinh giúp chúng ta vận động chạy từ trục ra ngoại vi. Các sợi dây thần kinh đó xuyên suốt mọi bộ phận của cơ thể, liên kết với nhau lại thành từng bó, các bó thần kinh lại nối vào tủy sống để tạo thành chất sợi ở bên ngoài rồi lại chuyển lên trên lan tỏa ra và chia nhánh nhóc trong bộ óc, vốn là trung tâm của mọi cảm xúc và mọi sự vận động cố ý do ý chí kiểm soát. Đây là hệ thần kinh giúp con người biểu hiện ý chí và ý thức của mình, ta có thể nói rằng ý chí và ý thức đóng đô nơi bộ óc. Nếu không thông qua bộ óc và thần kinh hệ thì con người không làm gì được trên cõi trần; nếu bộ óc và thần kinh hệ bị xáo trộn thì con người không còn có thể biểu hiện một cách trật tự được nữa. Đây chính là sự kiện đặt nền tảng cho thuyết duy vật với lập luận rằng tư tưởng và tác động của bộ óc biến thiên cùng với nhau; khi chỉ xét tới cõi trần thôi (nhà duy vật đúng là chỉ xét tới nó) thì tư tưởng và tác động của bộ óc đúng là biến thiên cùng với nhau, và ta cần dẫn nhập các lực từ một cõi khác tức cõi trung giới thì mới chứng tỏ được rằng tư tưởng không phải là kết quả của những tác động thần kinh. Nếu bộ óc bị ảnh hưởng của thuốc men, của bệnh tật hoặc bị tổn thương thì tư tưởng của con người có bộ óc đó không còn có thể biểu hiện thỏa đáng trên cõi trần được nữa. Nhà duy vật ắt cũng nêu rõ rằng nếu ta bị một bệnh nào đó thì tư tưởng cũng bị đặc biệt ảnh hưởng tới. Có một bệnh hiếm có là bệnh mất ngôn ngữ (aphasia) vốn hủy hoại một bộ phận đặc thù của mô não ở gần tai, có kèm theo việc hoàn toàn mất trí nhớ xét về ngôn từ; nếu bạn hỏi một người mắc bệnh này một câu hỏi thì y không thể trả lời được, nếu bạn hỏi tên y thì y sẽ chẳng trả lời, nhưng nếu bạn nói tên y ra thì y sẽ tỏ ra nhận biết được tên đó, nếu bạn đọc cho y một phát biểu nào đó thì y sẽ tỏ vẻ đồng ý hoặc không tán thành; y có thể suy nghĩ nhưng không nói được. Dường như thể bộ phận thuộc bộ óc bị tiêu tán đi có liên quan tới trí nhớ về ngôn ngữ trên cõi trần sao cho khi mất đi bộ phận đó con người cũng mất đi trí nhớ ngôn từ trên cõi trần và trở nên câm lặng trong khi y vẫn còn giữ được khả năng suy tư và có thể đồng ý hoặc không tán thành bất cứ đề nghị nào được đưa ra. Cố nhiên là lập luận của nhà duy vật sẽ bị sụp đổ ngay tức khắc khi ngưới đó được giải thoát ra khỏi công cụ bất toàn của mình; bấy giờ y có thể biểu hiện quyền năng của mình mặc dù y lại bị què quặt trở lại khi một lần nữa phải chịu biểu hiện trên cõi trần. Tầm quan trọng của điều này xét về sự tìm hiểu hiện nay của ta không ở nơi lập trường của nhà duy vật có căn cứ hay không có căn cứ mà ở nơi sự thật là con người bị hạn chế biểu hiện trên cõi trần là do năng lực của công cụ trên cõi trần và công cụ đó chịu ảnh hưởng của các tác nhân trên cõi trần; nếu những tác nhân này có thể gây tổn thương cho nó thì những tác nhân đó cũng có thể cải thiện được nó – một nhận xét mà chúng ta ắt thấy có tầm quan trọng sống còn đối với chúng ta.

Cũng như mọi bộ phận của cơ thể, các thần kinh hệ được cấu tạo từ tế bào vốn là các vật thể nhất định nho nhỏ có bức vách bao xung quanh, bên trong có chứa một số chất mà ta thấy được dưới kính hiển vi, các tế bào đó thay đổi theo các chức năng khác nhau. Đến lượt các tế bào này được cấu tạo từ những phân tử nho nhỏ và những phân tử này lại được cấu tạo từ những nguyên tử - nguyên tử của nhà hóa học là một hạt tối hậu không thể phân chia được của một nguyên tố hóa học. Những nguyên tử hóa học này tổ hợp với nhau theo vô số cách để tạo ra các chất khí, chất lỏng và chất đặc của xác phàm. Đối với nhà Thông Thiên Học thì mỗi nguyên tử hóa học cũng là một sự vật sống động có thể sống cuộc đời độc lập và mỗi tổ hợp của các nguyên tử đó thành ra một thực thể phức tạp hơn cũng lại là một sự vật sống động; mỗi tế bào cũng có sự sống của riêng mình và tất cả các nguyên tử hóa học, phân tử và tế bào này tổ hợp lại với nhau thành ra một tổng thể có tổ chức tức là một cơ thể được dùng làm hiện thể có một dạng tâm thức cao siêu hơn so với bất kỳ tâm thức nào mà các tế bào, phân tử và nguyên tử biết tới trong sinh hoạt riêng rẽ của mình. Thế mà các hạt hợp thành những cơ thể này đều thường xuyên xuất nhập, các hạt đó là những khối tập hợp các nguyên tử hóa học nhỏ xíu đến nỗi mắt phàm không thấy được mặc dù nhiều khối tập hợp đó lại nhìn thấy được qua kính hiển vi. Nếu ta nhỏ một chút máu rồi quan sát nó dưới kính hiển vi thì chúng ta thấy trong đó có vận động một số vật thể sống động tức là bạch huyết cầu và hồng huyết cầu; bạch huyết cầu có cấu trúc và hoạt động gần giống như những con a-míp thông thường; ta thấy có những con vi trùng liên quan tới nhiều bệnh tật và đủ thứ trực khuẩn; các nhà khoa học cho chúng ta biết rằng trong cơ thể chúng ta có những vi trùng thân thiện và không thân thiện. Một số vi trùng gây tổn thương còn những vi trùng khác vồ lấy và ngấu nghiến những kẻ xâm nhập gây hại và vật chất đã bị mục rữa. Một số vi trùng xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể chúng ta nhưng không gây bệnh tật cho cơ thể, có những vi trùng lại làm cho sức khỏe tăng tiến, vậy là những lớp áo của chúng ta thường xuyên thay đổi vật liệu, chúng đến và tạm trú trong một lúc rồi lại đi ra để tạo thành bộ phận của các cơ thể khác – một sự thay đổi và tương tác liên tục.

Thế mà đại đa số loài người biết rất ít và lại càng chẳng quan tâm tới những sự kiện này; thế nhưng khả năng tẩy trược xác phàm khiến cho nó là hiện thể thích hợp hơn đối với chơn nhơn lại xoay quanh những sự kiện ấy. Người bình thường bỏ mặc cho cơ thể được kiến tạo theo một cách nào đó từ những vật liệu cung ứng cho nó mà không màng tới bản chất của những vật liệu đó, y chỉ quan tâm xem món ăn có khoái khẩu và dễ chịu đối với ham muốn của mình hay chăng chứ không quan tâm xem chúng thích hợp hay không thích hợp với việc tạo ra một chỗ trú thanh khiết và cao cả cho Chơn ngã vốn là chơn nhơn sống đời đời. Y chẳng thèm giám sát những hạt này khi chúng đến rồi lại đi, chẳng tuyển lựa mà cũng chẳng vứt bỏ, cứ phó mặc cho mọi chuyện tha hồ được xây dựng vào chẳng khác chi một người thợ hồ vô ý vô tứ cứ chụp đại bất kỳ thứ rác rưởi nào để làm vật liệu xây nhà: len và tóc trôi nổi, bùn đất, mảnh vụn, cát, móng chân tay, đồ ô uế và đồ thiu thối thuộc bất cứ thứ nào. Phàm nhơn chính là kẻ xây nhà đích thực đối với cơ thể mình. Vậy thì việc tẩy trược cho xác phàm cốt ở quá trình cố ý tuyển lựa các hạt được phép cấu tạo nên nó; con người sẽ chỉ tiếp nhận dưới dạng thực phẩm những thành phần thanh khiết nhất mà y có thể nhận được và vứt bỏ thành phần không thanh khiết, thô trược; y biết rằng do thay đổi tự nhiên, các hạt kiến tạo nên xác phàm trong thời gian y còn sinh hoạt bừa bãi sẽ dần dần mất đi ít ra là chỉ nội trong bảy năm – mặc dù quá trình này có thể được đẩy nhanh lên đáng kể - thế là y quyết tâm không xây dựng vào xác phàm điều gì không tinh khiết nữa; khi y gia tăng những thành phần thanh khiết thì y tạo ra trong cơ thể mình một đội quân phòng vệ hủy diệt được bất kỳ hạt ô uế nào lọt vào trong cơ thể từ bên ngoài hoặc len lỏi vào trong cơ thể mà không được y tán thành; và y còn canh giữ nó hơn nữa bằng một ý chí chủ động sao cho nó sẽ được thanh khiết, và khi tác động bằng từ khí liên tục đẩy lùi mọi tạo vật không tinh khiết ở gần mình, chúng còn lâu mới xâm nhập được vào cơ thể y; vậy là y khiến cho chúng không thể xâm nhập được vào thể xác trong khi y đang sống trong một bầu không khí thấm đẩm đủ thứ điều không tinh khiết.

Khi một người đã quyết tâm tẩy trược thể xác mình và khiến cho nó trở thành một dụng cụ thích hợp cho Chơn ngã hoạt động, thì y đã tiến bước đầu tiên hướng về việc thực hành Yoga – bước này phải được thực hiện trong kiếp hiện nay hoặc trong một kiếp khác trước khi y có thể nghiêm túc thắc mắc: “Làm thế nào tôi có thể học được cách tự mình kiểm chứng những sự thật Thông Thiên Học?” Mọi sự kiểm chứng cá nhân về những sự thật siêu vật lý đều tùy thuộc vào việc chơn nhơn tức chủ nhơn ông có hoàn toàn chế ngự được thể xác hay chăng; con người phải kiểm chứng và y không thể kiểm chứng được điều này trong khi y còn bị cột chặt vào bên trong nhà tù là cái xác hoặc lúc cái xác đó không được thanh khiết. Ngay cả khi do nhiều kiếp đã thực hiện giới luật tốt, y kế thừa được một phần những thần thông đã phát triển và biểu lộ được chúng mặc dù hoàn cảnh hiện tại không thuận lợi thì việc sử dụng những thần thông này cũng bị cản trở khi y ở trong xác phàm nếu xác đó không thanh khiết; nó sẽ làm trì độn hoặc xuyên tạc việc vận dụng những thần thông đó khi chúng tác động qua nó và tường trình của những người đó không đáng tin cậy.

Ta hãy giả sử rằng một người cố tình quyết tâm có được một thể xác thanh khiết và y lợi dụng sự kiện thể xác sẽ thay đổi hoàn toàn trong bảy năm hoặc y có thể chọn con đường ngắn hơn và khó khăn hơn là thay đổi nó nhanh chóng hơn; trong bất cứ trường hợp nào thì y cũng phải tức khắc bắt đầu tuyển lựa vật liệu để xây dựng thể xác mới cho trong sạch, lúc đó vấn đề ăn uống sẽ xuất hiện. Y sẽ tức khắc bắt đầu loại ra khỏi thực phẩm của mình mọi thứ kiến tạo vào trong cơ thể y những hạt không thanh khiết và gây ô nhiễm. Y sẽ kiêng mọi thứ rượu, rượu mạnh và rượu nhẹ cũng có chất rượu vì nó sẽ đưa vào trong thể xác y những vi sinh vật thuộc loại ô trược nhất vốn là sản phẩm của sự phân rã. Bản thân của những vi sinh vật này không có tác hại nhưng chúng thu hút về mình – và do đó thu hút về bất cứ thể xác nào mà chúng tạo thành một bộ phận – một số những cư dân vô hình trên cõi trần nhưng thuộc loại bất hảo nhất của cõi kế tiếp. Những kẻ nghiện rượu đã mất xác phàm do đó không thể thỏa mãn được sự khao khát chất độc ấy nữa cứ lởn vởn quanh những quán rượu và xung quanh những bợm nhậu, cố gắng nhập vào xác của những người đang uống rượu để chia sớt cái thú vui thấp hèn của mình đã cam chịu. Những phụ nữ thanh lịch ắt phải tránh xa rượu nếu họ thấy được những tạo vật ghê gớm tìm cách tham gia vào việc hưởng thụ thú vui đó và mối liên hệ mật thiết mà họ tạo ra với những sinh linh thuộc loại ghê tởm nhất. Các tinh linh ngũ hành tà vạy cũng bu quanh tư tưởng của kẻ nghiện rượu khoác lấy chất tinh hoa ngũ hành, còn thể xác thu hút về mình từ bầu không khí xung quanh những hạt thô trược khác xuất phát từ các cơ thể say mèm và phóng túng, những hạt này lại được kiến tạo vào trong thể xác làm cho nó thô trược và tồi bại đi. Nếu chúng ta quan sát những người thường xuyên uống rượu, chế biến hoặc phân phối rượu mạnh, rượu vang, rượu bia và các loại đồ uống không tinh khiết khác thì chúng ta có thể thấy thể xác của họ đã trở nên thô trược biết chừng nào. Một người làm ở nhà máy bia, một chủ quán nhậu – chứ đừng nói tới những người thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội mà nhậu nhẹt quá nhiều – những người này đã chứng tỏ trọn vẹn điều mà mỗi người kiến tạo vào cơ thể mình bất kỳ hạt nào đang gây ra chuyện gì một phần và từ từ; y càng kiến tạo các hạt này vào thì cơ thể của y sẽ càng trở nên thô trược. Và cũng như thế với các món khác của chế độ ăn uống, thịt của động vật có vú, chim, bò sát và cá, thịt của các động vật thuộc loại giáp xác và loài nhuyễn thể sống dựa vào xác thối rữa – làm thế nào mà những cơ thể được tạo ra từ những vật liệu như thế lại tinh anh, nhạy cảm, thăng bằng, tế nhị mà vẫn hoàn toàn mạnh khỏe với sức mạnh và tinh tế của thép đã được trui rèn giống như thứ mà con người cần tới cho mọi công việc thuộc loại cao siêu hơn? Liệu lại cần thiết phải nói thêm bài học thực tiễn mà ta có thể học được qua việc nhìn vào cơ thể của những người sống trong môi trường xung quanh như thế? Ta hãy xem những người đồ tễ và người bán thịt, và phán đoán xem liệu cơ thể họ có giống như những dụng cụ thích hợp nhất được dùng cho những tư tưởng cao siêu và những đề tài tâm linh cao siêu. Thế nhưng chúng chỉ là những sản phẩm đã được hoàn tất của các lực tác động tỉ lệ (trong mọi cơ thể) với điều được cấp dưỡng theo những món ăn không tinh khiết mà chính họ cung ứng. Thật vậy con người muốn hiến mình cho đời sống tâm linh không chú ý gì tới thể xác, nhưng tại sao y lại cản trở mình bằng một cơ thể không tinh khiết? Tại sao y lại để cho những quyền năng của mình (cho dù lớn hay nhỏ) đều bị hạn chế, ức chế, bị thu hẹp lại trong toan tính biểu lộ ra do công cụ của mình là bất toàn một cách không cần thiết?

Tuy nhiên có một khó khăn cản đường chúng ta mà chúng ta không thể lờ đi; chúng ta có thể chịu nhiều đau khổ về cơ thể và có thể quyết tâm từ chối không làm cho nó ô uế, nhưng chúng ta đang sống giữa nhân quần với những người vô ý vô tứ và những người phần lớn chẳng biết gì về những sự kiện này trong thiên nhiên. Trong một đô thị như Luân đôn, hoặc thật ra trong bất kỳ thị trấn nào khác ở phương Tây, chúng ta không thể đi bộ ngang qua đường phố mà không bị tấn công ở mỗi ngã rẽ khúc ngoặc, và chúng ta càng làm cho thể xác tinh vi thì các giác quan thể xác càng sắc xảo tế nhị hơn và chúng ta càng phải chịu đau khổ trong một nền văn minh thô trược và nhiều thú tính biết bao như hiện nay. Khi đi bộ qua những đường phố nghèo nàn hơn nơi mà mỗi góc phố đều có những quán bia thì chúng ta khó lòng mà thoát khỏi cái mùi rượu nồng nặc, uế khí xuất phát từ nơi nhậu nhẹt này lấn sang nơi kế cận – ngay cả những đường phố có tiếng là khả kính cũng bị nhiễm độc như thế; cũng vậy khi chúng ta phải đi băng ngang qua những lò sát sinh và những cửa hàng bán thịt. Dĩ nhiên người ta biết rằng khi nền văn minh tiên tiến hơn một chút thì người ta sẽ dàn xếp được tốt hơn và người ta sẽ đạt được một điều gì đó khi mọi thứ không trong sạch này được thu gom vào những khu phố đặc biệt nơi mà những người có nhu cầu có thể tìm được chúng. Nhưng trong khi đó các hạt xuất phát từ các nơi này vẫn lọt vào trong cơ thể chúng ta và chúng ta hít thở chúng trong không khí. Nhưng cũng như cơ thể bình thường khỏe mạnh không phải là mảnh đất để các vi trùng gây bệnh có thể sinh sôi nảy nở được, cũng vậy cơ thể trong sạch không phải là mảnh đất để cho những hạt không tinh khiết này có thể tăng trưởng. Ngoài ra như chúng ta thấy có những đạo quân sinh linh luôn luôn làm việc để giữ cho máu của chúng ta luôn luôn trong sạch, và những đoàn quân vệ sĩ chân chính này sẽ tấn công bất cứ hạt độc hại nào xâm nhập vào đô thị của cơ thể trong sạch, hủy diệt nó và xé vụn nó ra. Chúng ta phải chọn lựa xem liệu trong máu mình nên có những kẻ bảo vệ sự sống này hay chúng ta sẽ làm cho máu chứa đầy những tên ăn cướp, đi cướp bóc và giết hại những sinh linh tốt. Chúng ta càng quyết tâm không để cho điều gì thiếu trong sạch xâm nhập vào cơ thể thì chúng ta càng được củng cố để chống lại những sự tấn công từ bên ngoài.

Người ta đã nói tới tính tự động của cơ thể và sự thật thì nó là một tạo vật của thói quen và tôi xin nói rằng có thể lợi dụng được đặc tính này. Nếu nhà Thông Thiên Học nói với một người tầm đạo nào đó vốn còn lâu mới thực hành Yoga để nhập vào các cõi cao như sau: “Thế thì bạn phải bắt đầu ngay tức khắc tẩy trược cơ thể, và điều này phải có trước toan tính thực hành Yoga xứng đáng với tên gọi đó. Vì Yoga thực sự cũng nguy hiểm cho một cơ thể không trong sạch và vô kỷ luật giống như một que diêm đối với một thùng thuốc súng”. Nếu nhà Thông Thiên Học bảo như thế thì rất có thể y sẽ bị đốp chát lại rằng sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nếu người ta chọn theo một lộ trình như thế. Sự thật là về lâu về dài thì cơ thể sẽ làm rất kỹ lưỡng tới điều mà bạn cung cấp cho nó, miễn là bạn cung cấp cho nó một điều gì đó khiến cho nó khỏe mạnh; và chỉ trong một thời gian ngắn thì nó sẽ thích ứng với một dạng thực phẩm trong sạch và bổ dưỡng mà bạn đã chọn dùng. Chỉ vì nó là một tạo vật tự động cho nên chẳng bao lâu sau nó sẽ không còn yêu sách những thứ mà ta cứ đều đều không cho nó, và nếu bạn lờ đi những yêu sách của nó về các loại thực phẩm thô trược và nặng mùi thì chẳng bao lâu sau nó có thói quen không thích những thứ đó. Cũng giống như ngay cả một khẩu vị tự nhiên là mực thước cũng dội đi với một cảm giác ghê tởm gây bệnh hoạn đứng trước loại thịt thú săn và thịt nai đang thối rữa nếu nó được gọi là thuộc “cấp cao”; cũng vậy một khẩu vị thanh khiết sẽ không chịu được mọi thực phẩm thô trược. Giả sử rằng một người đã nuôi dưỡng cơ thể bằng đủ thứ món không trong sạch thì cơ thể y sẽ lồng lộn lên yêu sách chúng và y sẽ có khuynh hướng chiều theo nó; và nếu y không chú ý tới nó cứ đi theo đường lối của mình chứ không theo đường lối của cơ thể thì có lẽ y sẽ ngạc nhiên mà phát hiện ra rằng chẳng bao lâu sau cơ thể sẽ công nhận người chủ của mình và phục tùng mệnh lệnh của y, giờ đây nó bắt đầu thích những thứ mà y cung cấp cho nó và sẽ có thói quen thích những thực phẩm trong sạch, không ưa những thực phẩm không trong sạch. Thói quen có thể được dùng để trợ giúp cũng như để ngăn cản, và cơ thể phục tùng khi nó hiểu rằng bạn mới là chủ nhân ông và bạn không có ý định để cho mục đích cuộc đời mình bị can thiệp bởi cái chỉ là công cụ mà bạn sử dụng. Thật ra thì chính yếu không phải thể xác có lỗi mà đúng ra là Kama, tức bản chất dục vọng mới có lỗi. Cơ thể của người lớn đã tập nhiễm thói quen yêu sách những thứ đặc biệt, nhưng nếu bạn để ý tới một đứa con nít thì bạn ắt thấy rằng cơ thể của đứa con nít không tự phát yêu sách những thứ mà cơ thể người lớn khoái trá với những khoái lạc thô trược. Trừ phi chịu ảnh hưởng của một di truyền thể chất rất xấu, còn thì cơ thể của con nít dội lại trước rượu và thịt, nhưng người lớn bắt nó ăn thịt, cha mẹ cho nó nhấm nháp rượu vang trong ly của mình lúc tráng miệng và bảo nó hãy là “người trưởng thành tuy vẫn còn nhỏ”, cho tới khi đứa bé do khả năng bắt chước của chính mình và do sự cưỡng bách của những người khác chuyển sang con đường tà vạy. Dĩ nhiên, nếu những thị hiếu không được trong sạch đã được tập nhiễm và có lẽ những khao khát xưa cũ của dục vọng đã được khơi dậy mà lẽ ra ta có thể bỏ lơ nó đi, thì dần dần cơ thể sẽ có thói quen yêu sách những thứ mà nó được cấp dưỡng. Bất chấp mọi điều này trong quá khứ bạn hãy thay đổi, và khi bạn dẹp bỏ những hạt khao khát những điều không trong sạch thì bạn sẽ thấy cơ thể mình thay đổi thói quen và dội lại trước chính cái mùi vị của những sự vật mà nó đã quen vui hưởng. Khó khăn thật sự cản đường ta chính là việc cải tạo Kama chứ không phải cải tạo thể xác. Bạn không muốn làm điều đó, còn nếu bạn muốn thì bạn ắt đã làm rồi. Bạn tự nhủ: “Xét cho cùng thì có lẽ điều đó không quan trọng lắm, tôi không có năng khiếu về thần thông, tôi không đủ tiến bộ về phương diện này thì như thế nào cũng được? Bạn sẽ chẳng bao giờ trở nên tiên tiến nếu bạn không cố gắng sống theo mức cao nhất ở trong tầm với của mình – nếu bạn để cho bản chất dục vọng can thiệp vào sự tiến bộ của mình. Bạn bảo rằng “tôi muốn có được thần nhãn thể vía xiết bao, tôi muốn xuất vía đi chu du xiết bao !”, nhưng đến khi thử thách thì bạn lại thích có một bữa ăn tối “ngon miệng”. Nếu phần thưởng để từ bỏ món ăn không trong sạch là một triệu bảng Anh vào cuối một năm, thì những khó khăn đó sẽ biến mất nhanh xiết bao và bạn sẽ tìm ra được cách giữ cho cơ thể vẫn sống mà không cần tới rượu thịt! Nhưng khi người ta chỉ đề nghị kho tàng vô giá của một sinh hoạt cao thượng hơn thì khó khăn lại không thể vượt qua được. Nếu người ta thật sự muốn điều mà người ta giả vờ tự cho là mình muốn thì chúng ta đã có những thay đổi nhanh chóng hơn nhiều diễn ra xung quanh chúng ta so với mức chúng ta thấy hiện nay. Nhưng thiên hạ chỉ giả vờ và giả vờ khéo đến nỗi họ tự lừa gạt mình với ý tưởng là họ đang tha thiết. Thế rồi hết kiếp này sang kiếp khác, họ cứ tái đi tái lại cái cách sống thiếu tiến bộ như thế trong cả ngàn năm để rồi một kiếp đặc biệt nào đó họ lại thắc mắc không biết tại sao mình không tiến bộ, còn một người nào đó lại tiến bộ nhanh như thế ở kiếp này trong khi mình chẳng tiến bộ gì hết. Kẻ thật sự tha thiết – không phải năm thì mười họa, mà là kiên trì đều đặn – đều có thể thực hiện sự tiến bộ mà mình muốn; trong khi kẻ giả vờ thì vẫn ngựa quen đường cũ trong nhiều kiếp sắp tới.

Ở đây dù sao đi nữa việc tẩy trược cơ thể cũng là để chuẩn bị cho mọi phép thực hành Yoga – chắc chắn là không phải chuẩn bị hết mà chỉ là chuẩn bị phần cốt yếu. Như vậy cũng đủ cho thể xác rồi , đó là hiện thể thấp nhất của tâm thức.

Thể phách

Khoa học vật ký hiện đại chủ trương rằng mọi sự thay đổi của cơ thể - cho dù nơi cơ bắp, tế bào hoặc dây thần kinh – đều có kèm theo tác động điện và có lẽ điều đó cũng đúng ngay cả đối với những sự biến đổi hóa học đang liên tục tiếp diễn. Bằng chứng hùng hồn về điều này đã được tích lũy do việc cẩn thận quan sát bởi những điện kế nhạy nhất. Bất cứ khi nào có tác động điện xảy ra thì chất dĩ thái phải có mặt sao cho sự có mặt của dòng điện chính là bằng chứng về sự có mặt của chất dĩ thái, nó lồng vào và bao xung quanh mọi thứ; không một hạt vật chất nào trên cõi trần mà lại tiếp xúc với bất kỳ hạt khác song mỗi hạt đều dao động trong một trường dĩ thái. Nhà khoa học Tây phương khẳng định điều đó là một giả thuyết cần thiết, còn người đệ tử lão luyện của khoa học Đông phương lại khẳng định điều đó là một sự quan sát có thể kiểm chứng được vì chất dĩ thái quả thật cũng nhìn thấy được giống như một cái ghế hoặc một cái bàn, chỉ có điều cần phải có một thị giác hơi khác với thị giác bình thường trên cõi trần. Như ta có nói, chất dĩ thái tồn tại theo bốn biến thể, biến thể tinh vi nhất bao gồm các cực vi tử hồng trần (the ultimate physical atoms) – không phải cái gọi là nguyên tử hóa học, nguyên tử này thực ra là một thể phức hợp – gọi là cực vi tử hồng trần là vì khi phân rã chúng sẽ cho ta vật chất của cõi trung giới. [Xem Hóa Học Huyền Bí của Annie Besant và C.W.Leadbeater.]

Thể phách bao gồm bốn chất dĩ thái này, chúng lồng vào các thành phần thể đặc, thể lỏng và thể khí của xác phàm, xung quanh mỗi hạt của xác phàm đều có một lớp vỏ bọc bằng chất dĩ thái; do đó thể phách là một bản sao hoàn chỉnh của thể thô trược hơn. Người nào có thị giác lão luyện đều hoàn toàn thấy được thể phách, nó có màu tím xám, kết cấu của nó thô trược hay tinh vi là tùy theo xác phàm thô trược hay tinh vi. Bốn chất dĩ thái là thành phần cấu tạo nó, cũng giống như chất đặc, chất lỏng và chất khí là thành phần cấu tạo xác phàm, nhưng bốn chất dĩ thái có thể tổ hợp một cách thô trược hoặc tinh vi cũng giống như các thành phần cấu tạo nên xác phàm. Thật quan trọng mà lưu ý rằng xác phàm và thể phách có chất lượng biến thiên cùng với nhau sao cho khi người tầm đạo cố ý hữu thức tẩy trược xác phàm của mình thì thể phách cũng nương theo đó mà y không hề biết tới và cũng chẳng cần nỗ lực thêm. [Khi dùng thần nhãn của thể vía để quan sát các hạ thể của con người, thì ta thấy thể phách (Linga Sharīra) và thể vía (Kama rupa) lồng vào nhau cũng giống như cả hai thể này lại lồng vào xác phàm, vì thế cho nên trong quá khứ đã có một sự lẫn lộn nào đó; người ta đã dùng các tên gọi Linga Sharīra hoán chuyển được với thể vía, trong khi tên gọi thể vía lại cũng được dùng để chỉ Kama rupa tức thể dục vọng. Thuật ngữ mơ hồ này đã gây ra nhiều rắc rối vì các chức năng của thể vía tức Kama rupa lại thường được hiểu là chức năng của thể phách cũng được gọi lẫn lộn là thể vía, và người học vì không tự mình nhìn thấy bằng mắt được nên bị rối rắm một cách tuyệt vọng trong những điều mâu thuẫn biểu kiến như thế. Việc quan sát kỹ lưỡng sự tạo lập của hai thể này giờ đây khiến chúng tôi có thể nói dứt khoát rằng thể phách chỉ bao gồm các chất dĩ thái thuộc cõi hồng trần thôi và nếu nó có xuất ra khỏi xác phàm thì nó cũng không thể rời được cõi trần và không thể rời xa đối thể thô trược của nó; hơn nữa nó được kiến tạo theo cái khuôn mà các Đấng Nghiệp Quả Tinh Quân đã áp đặt chứ không phải do Chơn ngã mang theo, mà phải chờ cho Chơn ngã cùng với xác phàm được kiến tạo trong cái khuôn đó. Thể vía tức thể dục vọng mặt khác chỉ bao gồm vật chất của cõi trung giới thôi, khi thoát ra khỏi thể vật lý, nó có thể vân du trên cõi trung giới, và là hiện thể thích hợp của Chơn ngã trên cõi đó, nó được Chơn ngã mang theo khi Chơn ngã tái sinh luân hồi. Trong tình huống đó tốt hơn là ta nên gọi thể đầu tiên là thể phách còn thể thứ nhì là thể vía để tránh lẫn lộn].

Chính nhờ có thể phách thì sinh lực, tức Prāna mới chạy dọc theo các dây thần kinh của cơ thể, khiến cho các dây thần kinh đóng vai trò truyền dẫn lực vận động và sự nhạy cảm với các tác động bên ngoài. Năng lực tư duy, vận động và cảm giác ở nơi chất liệu thần kinh hoặc chất dĩ thái thuộc cõi trần; đó là hoạt động của Chơn ngã được vận hành trong các thể nội giới và biểu hiện của chúng trên cõi trần là khả hữu do có sinh khí chạy dọc theo các sợi thần kinh và xung quanh các tế bào thần kinh; đó là vì Prāna, tức sinh khí, là năng lượng hoạt động của Chơn ngã đúng như Shrī Shankaracharya đã dạy. Chức năng của thể phách là được dùng làm phương tiện trên cõi trần cho loại năng lượng này, vì thế trong kho tài liệu của chúng ta nó thường được gọi là “hiện thể của Prāna”.

Ta nên lưu ý rằng thể phách đặc biệt mẫn cảm với các thành phần cấu tạo dễ bay hơi của rượu.

Các hiện tượng liên quan tới Thể vật lý

Khi một người “đi ngủ” thì Chơn ngã thoát ra khỏi thể vật lý, bỏ mặc nó thiu thiu ngủ để phục hồi sức lực cho ngày làm việc sắp tới. Vậy là xác phàm cùng với thể phách bị bỏ mặc cho chúng muốn làm gì thì làm và do ảnh hưởng của những thứ mà chúng ta đã thu hút về mình theo thành phần cấu tạo và những thói quen. Các luồng hình tư tưởng xuất phát từ cõi trung giới có bản chất tương thích với những hình tư tưởng mà Bản ngã đã tạo ra hoặc ấp ủ trong sinh hoạt hằng ngày, bèn nhập vào rồi lại xuất ra khỏi bộ óc phàm và bộ óc dĩ thái, chúng trộn lẫn với những rung động được lập đi lập lại một cách tự động do Bản ngã đã dựng nên trong ý thức lúc tỉnh táo; kết quả là gây ra những giấc mơ gián đoạn và hỗn loạn mà hầu hết mọi người đều quen thuộc. [Xem các bài viết về “Giấc mơ” trong tạp chí Lucifer số tháng 11 và tháng 12 năm 1895, được xuất bản lại dưới dạng sách nhỏ năm 1898]. Những hình ảnh đứt đoạn này mang tính giáo huấn vì nó cho thấy sự vận hành của thể vật lý khi nó bị bỏ mặc muốn làm gì thì làm; nó chỉ có thể mô phỏng lại những mảnh vụn của các rung động quá khứ mà không có sự cố kết hoặc trật tự hợp lý, nó lắp ráp chúng lại sau khi đã xáo xạo hết lên mặc dù chúng có vẻ đầu voi đuôi chuột một cách nực cười đến đâu đi chăng nữa; nó chẳng có ý thức gì về sự phi lý hoặc bất hợp lý mà bằng lòng với một sự huyễn hoặc những hình dáng và màu sắc thiên biến vạn hóa thậm chí cũng chẳng có sự đều đặn như trong kính vạn hoa. Khi nhận định theo chiều hướng này thì ta mới dễ dàng công nhận bộ óc của thể xác và thể phách chỉ là các công cụ của tư tưởng chứ không sáng tạo ra tư tưởng, vì khi bị bỏ mặc cho muốn làm gì thì làm, tạo vật của chúng có vẻ lập dị đối với ta biết dường nào.

Khi ta ngủ, Chơn ngã biết suy tư thoát ra khỏi hai thể này hoặc nói cho đúng hơn là một thể duy nhất với các bộ phận hữu hình và vô hình, Chơn ngã bỏ mặc chúng lại với nhau; còn khi ta chết, Chơn ngã cũng thoát ra lần chót nhưng lần này có khác là nó kéo theo thể phách và tách rời thể phách ra khỏi đối thể thô trược; như vậy khiến cho sinh khí không còn có thể tác động lên xác phàm trên cương vị là một tổng thể có tổ chức. Chơn ngã cũng nhanh chóng rũ bỏ thể phách; như chúng ta thấy thể phách không thể chuyển lên được cõi trung giới và bị bỏ mặc cho tan rã cùng với đối tác mà nó đã từng ăn đời ở kiếp. Đôi khi nó cũng xuất hiện ngay sau khi chết cho những người bạn ở không xa lắm nơi xác chết đang nằm; nhưng dĩ nhiên là nó rất ít ý thức, chẳng nói năng hoặc làm được trò trống gì ngoại trừ việc “hiện hình” ra. Vì thuộc về cõi trần nên nó cũng tương đối dễ thấy và hệ thần kinh chỉ căng thẳng một chút thì cũng đủ để cho thị giác bén nhạy nhận ra được nó. Nó cũng chịu trách nhiệm về nhiều thứ “ma trơi” ngoài nghĩa địa khi nó lởn vởn bên trên ngôi mộ mà đối thể thô trược của nó đang nằm trong đó, vì những lý do vừa nêu ta thấy nó dễ dàng hơn thể vía. Như vậy ngay cả “khi chết chúng cũng không rời xa nhau” nhiều hơn một vài bộ (feet= 0,3048cm)trong không gian.

Đối với người bình thường thì sự chia tay này chỉ xảy ra vào lúc chết, nhưng có một số người bất bình thường thuộc loại được gọi là đồng cốt thì ngay trong buổi sinh thời thể vật lý cũng phần nào tách đôi ra, đây là một điều bất bình thường nguy hiểm và may mắn là tương đối hiếm có, nó sinh ra rất nhiều sự xáo trộn và căng thẳng thần kinh. Khi thể phách xuất ra thì chính thể phách bị xé toạc làm đôi; trọn cả thể phách không thể tách rời khỏi xác phàm mà không khiến cho xác phàm phải chết, vì các dòng sinh khí cần có thể phách thì mới tuần hoàn được. Ngay cả khi nó chỉ xuất ra có một phần thì xác phàm cũng lâm vào tình trạng hôn thụy, các hoạt động có tầm quan trọng sống còn hầu như bị tạm đình chỉ, khi các bộ phận bị tách rời hợp nhất trở lại thì hậu quả là cực kỳ kiệt quệ và tình trạng của người đồng cốt cho tới khi đã tái lập được sự hợp nhất bình thường là tình trạng vô cùng nguy hiểm cho thể xác. Phần lớn những hiện tượng xảy ra khi có mặt người đồng cốt không liên quan tới việc thể phách bị xuất ra, nhưng một số người có đặc điểm với tính cách nổi bật là hiện hình được do họ đã tham dự trợ giúp tạo ra hiện tượng đó thì đưa ra đặc tính này để ta quan sát. Tôi được biết rằng ông Eglinton đã phô diễn được sự tách rời vật lý kỳ diệu này đến một mức hiếm hoi, ta có thể thấy thể phách của ông rịn ra khỏi sườn bên trái trong khi xác phàm của ông co rút lại đáng kể; ta cũng quan sát thấy hiện tượng giống như thế nơi ông Husk, xác phàm của ông bị teo tóp lại đến nỗi quần áo của ông mặc trở nên rộng thùng thình. Có một lần thể xác của ông Eglinton bị giảm kích thước nhiều đến nỗi một hình dáng hiện ra để cho những người lên đồng thấy được: đây là một trong những trường hợp hiếm có mà cả người đồng cốt lẫn hình dáng hiện ra đều thấy được dưới ánh sáng đủ để cho người ta khảo sát. Sự co rút lại của người đồng cốt dường như hàm ý nó đã lấy bớt đi ra khỏi thể xác một lượng vật chất thô trược nào đó “có thể cân đong đo đếm được” – rất có thể là bộ phận cấu tạo nên chất lỏng – nhưng theo chỗ tôi biết thì chưa có một sự quan sát nào được thực hiện về vấn đề này, do đó ta không thể nói chắc chắn được. Điều chắc chắn là thể phách xuất ra một phần gây nên nhiều xáo trộn về thần kinh, cho nên bất cứ người nào có lý trí cũng không nên thực hành điều đó nếu y phát hiện ra rằng mình thật không may mà có thể làm được chuyện này.

Giờ đây chúng ta đã nghiên cứu thể vật lý cả về bộ phận thô trược lẫn bộ phận dĩ thái, đó là lớp áo mà Chơn ngã phải khoác lấy để làm việc trên cõi trần, là chỗ trú sẽ có thể là nơi làm việc tiện lợi để hoạt động trên cõi trần; hoặc là cái nhà tù mà chỉ có sự chết mới nắm chìa khóa mở ra được. Chúng ta có thể thấy mình nên làm gì và dần dần có thể làm được gì: một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh và lực lưỡng đồng thời lại có tổ chức tinh vi, tế nhị và nhạy cảm. Nó phải khỏe mạnh - ở phương Đông người ta nhấn mạnh tới sức khỏe là điều kiện để làm đệ tử - vì mọi thứ khiến cho cơ thể không khỏe mạnh đều làm phương hại cho nó với vai trò là công cụ của Chơn ngã, và có khuynh hướng xuyên tạc cả những ấn tượng được truyền vào trong lẫn những sức thôi thúc được phóng ra bên ngoài. Hoạt động của Chơn ngã bị cản trở nếu công cụ bị căng thẳng hoặc bị sức khỏe kém làm cho nó méo mó. Vậy thì nó phải là một cơ thể khỏe mạnh, được tổ chức tinh vi, tế nhị, nhạy cảm, tự động đẩy ra mọi ảnh hưởng tà vạy, tự động tiếp thu mọi ảnh hưởng tốt đẹp; chúng ta nên cố tình xây dựng nó bằng cách chọn lựa trong số mọi thứ xung quanh ta những thứ nào có xu hướng đưa tới cứu cánh đó, vì biết rằng ta chỉ hoàn tất nhiệm vụ đó dần dần nhưng ta vẫn làm việc một cách kiên nhẫn và kiên định với mục tiêu ấy. Chúng ta sẽ biết khi nào thì mình bắt đầu thành công ngay cả ở mức độ rất giới hạn vì chúng ta sẽ thấy mở ra cho mình đủ loại khả năng nhận thức mà trước đó ta không hề có. Ta sẽ thấy mình trở nên nhạy cảm hơn với những âm thanh và cảnh vật, bén nhạy hơn với những hài âm phong phú du dương và trọn vẹn hơn, bén nhạy hơn với những sắc thái phơn phớt đẹp đẽ và dễ thương hơn. Cũng giống như người họa sĩ rèn luyện mắt mình để thấy được những điểm tế nhị về màu sắc mà mắt thường không thấy được; cũng giống như người nhạc sĩ rèn luyện tai mình để nghe được những giọng cao của các nốt nhạc mà tai thường không nghe được; cũng vậy chúng ta có thể rèn luyện các hạ thể của mình để tiếp nhận những rung động tinh vi hơn trong cuộc sống mà người thường bỏ qua. Quả thật là sẽ có nhiều cảm giác khó chịu vì thế giới mà chúng ta đang sống trong đó bị loài người sống nơi đây làm cho thô trược và thô thiển; nhưng mặt khác các vẻ đẹp sẽ bộc lộ ra đền đáp lại cho chúng ta gấp cả trăm lần những khó khăn mà chúng ta phải đương đầu và khắc phục. Hơn nữa, chúng ta đâu phải sở hữu những hạ thể đó vì mục đích ích kỷ hoặc vì hiếu danh hay muốn hưởng thụ mà vì chúng ta sử dụng chúng để hữu dụng nhiều hơn hầu có thêm sức mạnh phụng sự. Chúng sẽ là những công cụ hữu hiệu hơn để trợ giúp cho sự tiến bộ của loài người, và như thế thích hợp hơn để góp phần vào nhiệm vụ thúc đẩy sự tiến hóa của loài người vốn là công tác của các Chơn sư cao cả mà chúng ta có thể có đặc quyền cộng tác vào.

Mặc dù suốt phần này trong đề tài của chúng ta, chúng ta chỉ mới ở trên cõi trần nhưng chúng ta cũng có thể thấy rằng việc nghiên cứu nó đâu phải là không quan trọng và hiện thể tâm thức thấp nhất của chúng ta cần được chúng ta chú ý và sẽ đền đáp cho sự chăm sóc của chúng ta. Những đô thị này của chúng ta, vùng đất này của chúng ta sẽ sạch sẽ hơn, đẹp hơn, tốt hơn khi tri thức này trở thành sự hiểu biết thông thường và khi người ta chấp nhận nó chẳng những là có lẽ đúng với cái trí mà còn là một định luật của sinh hoạt hằng ngày. 

TTđTD - trích  Bản Dịch Chơn Như - Mùa Hè 2007
Ấn bản năm 1912  (Ấn Bản Đầu Tiên Năm 1896)
Nguồn: http://thongthienhoc.com/index.html

Không có nhận xét nào: