Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

DỊCH HỌC VÀ SỐ MỆNH

Mục đích của Đạo Phật là giác ngộ và giải thoát. Trong kinh Di Giáo trước khi Phật nhập niết bàn, Ngài khuyên học trò của mình không nên bói toán và xem tướng số. Các trường đại học Phật giáo trước đây ở Ấn Độ, trong năm môn học được giảng dạy như nội minh, nhân minh, công xảo minh, y phương minh, thanh minh không có môn tướng số và bói toán.

Phật giáo không phản đối dịch học như là một bộ môn triết học phương Đông do các bậc thánh thời xưa sáng lập và hoàn chỉnh. Dịch học theo bản ý của các bậc thánh đó không phải là môn học bói toán, mà là môn triết học bàn về đạo lý thịnh suy, lành dữ của cá nhân, cộng đồng và quốc gia. Tinh thần của dịch học là đức năng thắng số chứ không phải con người phục tùng số mệnh; trái lại nếu xem dịch học là bói toán thì làm dung tục hoá dịch học. 

Xem một số lời giải các quẻ của Văn Vương hay các lời giải các hào của Chu Công thì chúng ta sẽ thấy các bậc thánh này nhấn mạnh vai trò của đức - sự nổ lực của đạo đức cá nhân hơn là số. Dù gặp cảnh ngộ khó khăn gian khổ nhưng nếu biết giữ đức hạnh, sống chính đáng thì dữ sẽ hoá ra lành, hung sẽ biến thành cát. Rõ ràng, đó là quan điểm đức năng thắng số.

Trong Văn Ngôn Truyện, một cuốn sách chủ yếu giải thích hai quẻ Càn và Khôn có câu: "Tích thiện chi gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương...". Nghĩa là: Nhà tích chứa điều thiện thì sẽ có thừa điều lành, nhà chứa tích nhiều điều ác thì sẽ gặp nhiều điều dữ...

Gia đình như vậy, cá nhân cho tới quốc gia và xã hội cũng đều như vậy. Trị nước mà tàn bạo, hà hiếp, bóc lột dân quá đáng thì dân sẽ loạn. Cá nhân sống ác sẽ gặp nhiều điều bất hạnh; nếu cá nhân làm điều thiện sẽ gặp nhiều điều may mắn. Đó là đạo Trời, là luật tự nhiên. 

Dịch học tuy bàn chuyện hưng vong, thịnh suy nhưng cuối cùng vẫn khẳng định con người sống phải có đức, trị nước cũng phải có đức, thì mọi việc mới thông suốt, hài hoà, chính đáng bền vững. 

Ảnh: Internet 

Không có nhận xét nào: