Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Trường Sinh học - Qua cái nhìn người học Phật

Con người mình có những khả năng khó lường, nhưng ít ai sử dụng được nó vì quá bận bịu với cuộc sống hiện tại… Cô em họ tôi, mỗi lần có chuyện gì không hay xảy ra là nó thấy trước, không ngủ mà thấy. Vừa rồi, con nhỏ thấy mình nằm nhà thương, còn con chị thì đi thăm nuôi. Rốt cuộc nó bị hai thằng nhóc giỡn nhau đụng vào. Té thì không mạnh nhưng xương đầu gối dập, dây chằng rối tung. Mổ rồi, hy vọng sẽ… mổ lại lần nữa, cũng chưa biết có đi lại được không. Một viễn cảnh tương lai chưa có gì bảo đảm.

Phải nằm chờ mấy tiếng đồng hồ trong phòng lạnh một mình (vì phòng mổ của bệnh viện quá tải), do có tiền sử bệnh tim nên khi mổ, bác sĩ không cho gây mê mà chỉ chích thuốc tê, nên con bé nghe đầy đủ các âm thanh gõ đục (kể cả việc đục nhầm), bắt vít … Chưa kể phải nằm một chỗ như phế nhân và nhất là những cơn đau trong hiện tại – không khỏi khiến con bé hãi hùng. Nó thấy mệt mỏi và sợ hãi, giấc ngủ chập chờn.

Ngoài việc khuyên con bé phải hương hoa cúng dường chư Phật lại cho đàng hoàng, đồng thời tiếp tục trì chú (tại nó quen trì chú) và tụng sám hối, tôi mời ông bạn già có sở trường trị đau bằng pháp “Trường Sinh học” đến trị thêm cho con bé, hy vọng nó bớt đau và ngủ được.

Khi ông bạn đặt tay vào những nơi cần thiết để trị bệnh, con bé rất đau. Dù xuyên qua hai lớp giường và nệm, con bé vẫn cảm thấy cái lực làm nó đau ấy. Nhưng sau 20 phút làm việc, con bé hết đau và ngủ một giấc khá dài cho đến sáng. 

Đó là những gì mà môn Trường Sinh học của ông bạn tôi mang lại lợi ích cho con bé. Một kết quả mà chúng ta không thể phủ nhận. 

I. Trường Sinh học 

Với cái nhìn của tôi, Trường Sinh học đặt nền tảng trên việc dùng định lực khai thông 7 huyệt đạo quan trọng của con người. Tuy cùng thờ chung một Tổ, nhưng tùy trường phái mà cách đặt tâm theo hơi thở ra vào có khác nhau. Nhưng nói chung, đều là dùng phương tiện mà nhà Thiền hay gọi là “Hệ duyên thủ cảnh chỉ” để khai thông các huyệt đạo. Tùy định lực mạnh hay yếu mà việc tự lợi và lợi tha có khác nhau. 

II. Ưu điểm của Trường Sinh học 

- Trường Sinh học giúp chúng ta giải quyết được một số trường hợp không cần đến bàn tay của y học, như tình trạng của cô em họ tôi. Tôi cũng từng chứng kiến một bệnh nhân ung thư đã yên lắng cơn đau dưới tay người bạn và ra đi khá nhẹ nhàng. Rồi thêm các bệnh mỡ trong máu, hen suyễn, v.v,… 

- Muốn pháp học có tác dụng thì hành giả phải tuân thủ một số điều khoản nhất định. Đó là những việc mà với cái nhìn nhân quả của nhà Phật, chính là cái nhân mang lại cái quả trị bệnh tốt đẹp cho môn sinh trong hiện tại và mai sau.

1- Không uống rượu: Muốn tập trung để định được tâm, đòi hỏi tinh thần hành giả phải tỉnh sáng, vì thế người học pháp này không được uống rượu trong lúc đang hành trì. Đó cũng là giới mà một Phật tử đã thọ Tam quy Ngũ giới phải giữ. Với cái nhìn của nhà Phật, không phạm vào giới này, ngoài những lợi ích nó mang lại trong hiện tại, nó còn giúp chúng ta tránh được cái nhân sinh vào nhà “tà kiến” trong tương lai. Tà kiến, phát sinh từ nhiều nguyên nhân mà rượu là một trong các nguyên nhân đó. Sống với tà kiến, chúng ta dễ có những hành động sai trái khiến đời sống của mình hay bệnh tật, tai ương, hoạn nạn, v.v,… 

2- Không sử dụng bùa ngải: Thường những gì đụng đến bùa ngải đều mang tính chất tác ý không tốt. Không vì hại người thì cũng dùng pháp bất chính để sửa nghiệp của mình. Nghiệp chỉ thêm nặng. Đó là đang tạo một nhân xấu. Quả bất hạnh sẽ xảy đến khi đủ duyên. 

3- Khi trị bệnh không được đặt điều kiện với bệnh nhân để thủ lợi. Việc này giúp phá bớt lòng tham của mình, đồng thời mở tâm vì người. 

4- Khuyên sống đời đạo đức thuần lương, tránh tình trạng đáng tiếc trong công phu cũng như trị bệnh.

5- Tránh ăn uống bừa bãi. 

6- Tránh thực hành các hoạt động có thể làm giảm tuổi thọ của nội tạng. 

Ba thứ sau chỉ nói chung chung, không nói rõ từng hành động cụ thể. Song nói chung, nó giúp việc điều thân được tốt. Nó giúp con người hạn chế đi những tham dục về ăn uống, ngủ nghỉ, ái dục, v.v,… Chừng đó, đủ để hiện đời, thân tránh được những nhân duyên gây bệnh. Thân nếu có bệnh là do những nghiệp nhân khác đã gieo trong quá khứ. 

7- Không nên kiêu mạn và có thái độ coi thường người bệnh hoặc sợ lây bệnh. Chữa trị với tình thương, không phân biệt sang hèn, v.v,… Kiêu mạn là một loại phiền não chướng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của ta rất nhiều. Kiêu mạn, khiến ta bỏ qua những lời khuyên bổ ích. Kiêu mạn dễ sinh thù oán. Kiêu mạn cũng là nhân làm nảy sinh bệnh tật như ung thư, v.v,... Tỉnh giác, không kiêu mạn là đang gieo một cái nhân rất tốt vào tiềm thức. Chữa trị với tình thương, v.v,… giúp khai triển lòng bi. 

III. Những hạn chế của Trường Sinh học 

Với cái nhìn Duyên khởi, những gì có tướng đều mang tính tùy duyên, không mang tính phổ quát. Đã mang tính phổ quát thì vô tướng. Cho nên, không phải chỉ có môn Trường Sinh học mà với tất cả pháp thế gian, trong đó không loại trừ Phật pháp, đều có những hạn chế nhất định. Đó là lý do vì sao, Phật pháp có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, kinh luận có đến hàng ngàn quyển. Là để đáp ứng đủ mọi tâm bệnh của chúng sinh. Mỗi pháp trị một bệnh. Ngoài bệnh đó ra pháp không có tác dụng.

Như muối, ai cũng cần, nhưng nó chỉ thực sự có giá trị đối với những món ăn lạt và những người thiếu muối. Thêm muối vào, giá trị món ăn tăng lên, con người cũng khỏe ra. Nhưng với những món ăn đã mặn và người bị cao huyết áp thì muối trở thành tác hại. Các pháp ở thế gian đều mang tính tương tự như thế. 

Như vậy, nói đến mặt hạn chế của muối hay của bất kỳ pháp nào khác ở thế gian, chính là nói đến mặt ứng dụng không đúng duyên của nó. Nếu ứng dụng đúng duyên, đúng trường hợp thì pháp thành tốt, nó thành có ưu điểm. Nếu ứng dụng pháp không đúng duyên thì pháp không có tác dụng, thậm chí còn gây tác hại. Đó là mặt hạn chế mà chúng ta đang bàn đến. 

1. Lành bệnh còn tùy duyên 

Người xưa nói “Phước chủ, may thầy”, câu nói ngắn gọn nhưng nó mang tính Nhân duyên sâu xa trong đó. Việc trị bệnh của thầy thuốc còn lệ thuộc vào phước duyên của gia chủ. Nếu không có nhân duyên với nhau, và quả xấu của bệnh nhân chưa đến hồi khả quan, thì vẫn có những điều không như ý xảy ra.

Nha sĩ HQ là một nha sĩ giỏi, nhưng thay vì nhổ chiếc răng sâu cho ông bạn tôi, bà đã nhổ lộn cái răng cấm còn rất tốt bên cạnh. 

Ngay cả môn Trường Sinh học mà ông bạn đang ứng dụng rất tốt cho cô em họ tôi, thì với cô em ruột lại không có kết quả, dù nó đã cố gắng đi nhiều lần và tuân thủ những quy định khá tốt. Cũng thấy hơi ấm truyền sang người, nhưng ngoài những cảm nhận đó ra, chẳng còn tác dụng gì khác. Vẫn đau không thuyên giảm. 

Biết mặt tùy duyên này của pháp để làm gì? Để tránh tình trạng thấy người này trị lành, cũng nhất quyết người kia sẽ lành. Do cái nhìn đó, có khi mình bỏ đi những chữa trị cần thiết của ngành y học hiện đại. Hoặc do không như ý, lại khởi tâm bực bội vì “đã chỉ cho rồi mà không chịu đi, hoặc không đi cho liên tục”, v.v,… 

Đã là pháp tùy duyên thì phải biết có người hợp, có người không. Đó là cái nhìn mà người trị bệnh cũng như bệnh nhân cần có, để an tâm. 

2. Không thắng được nghiệp 

Có một số bệnh mà chính một số môn sinh trị bệnh của Trường Sinh học cũng phải chấp nhận: “Bệnh lành hay không, còn tùy thuộc vào nghiệp. Những bệnh nào không thuộc nghiệp thì dễ lành”. Trong các trường hợp đó, cần cầu nguyện Phật Tổ hay các bậc thánh nhân.

Ông bạn tôi cũng xác định: “Đã có 21 người ung thư chết dưới tay tôi”, không phải ông làm cho họ chết, mà với một số căn bệnh, ông cũng bó tay, nhưng ông có thể làm cho họ nhẹ đau và “ra đi” êm ái,… 

Danh thắng Thích ca Phật đài Vũng Tàu - Ảnh: TL 

Với cái nhìn của nhà Phật, không có thứ gì không từ nghiệp mà ra. Bệnh nhẹ, bệnh nặng, hạnh phúc, hoạn nạn, đau khổ, giàu, nghèo, xấu đẹp, v.v,… đều do nghiệp mà có. NGHIỆP của một người, không do Thượng Đế hay Phật Tổ nắm giữ mà chính là từ sự tạo tác của thân, khẩu và ý nghiệp của chính người đó. Vì thế cầu nguyện Phật Tổ không phải không cần thiết. Bởi nhờ niềm tin và lòng quy hướng mà lực gia trì của chư vị có chỗ hiển ứng. Nhưng việc chính vẫn là làm sao “săn sóc” ba nghiệp của mình cho thanh tịnh. Tức suy nghĩ, hành động và lời nói của mình cần chuyển thiện. Đó là chúng ta đang chuyển nghiệp. Khi đã tạo được những nhân thiện thì ngay cả khi bị định nghiệp, cũng có khi hưởng được mặt bất định của nó. Nghĩa là, cũng phải trả, nhưng có thể kéo dài thời gian hay nhẹ hơn chút. Tùy mức độ nghiệp nặng hay nhẹ mà chúng ta phải hành thiện nhiều hay ít, sâu hay cạn để mà chuyển nghiệp. 

Tôi có nhân duyên tiếp xúc với một người mà ngày xưa gần như là một phế nhân. Ông bị chấn thương cột sống nằm liệt một chỗ. Theo lời ông kể, khi nằm trong bệnh viện, ông mộng thấy đức Quán Thế Âm. Sau đó ông được một sư cô truyền dạy một pháp, mà nhờ nó ông đi lại được, có vợ con và sống cuộc sống như một người bình thường. Vì lý do đó, ông đã nguyện mang pháp đó truyền dạy cho người để họ cũng được yên ổn như ông. 

Bệnh khó trị, y học bó tay, ông cũng giúp cho thuyên giảm được, khả năng lành bệnh rất hy vọng, nhưng chưa đâu vào đâu, tức bệnh nhân của ông chưa lành, thì tôi nghe tin ông vào bệnh viện vì ung thư phổi. Ông hút thuốc đã thành thói quen, không thể bỏ, cũng không ý thức để từ bỏ. Vào viện hơn một tháng, ông mất. 

Nghe tới đó, mình thấy buồn cho người thân của mình, bệnh chưa kịp lành thầy đã ra đi. Nhưng nhờ đó, mình thấy được thực lý mà Phật đã nói: Lý Tứ đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. 

Phật nói KHỔ có là do TẬP. Thứ gì tích tập nhiều quá sẽ sinh khổ. Ăn nhiều quá cũng sinh khổ, chứ đừng nói là uống rượu hay hút nhiều thuốc. Ngay cả thuốc bổ mà tích tụ nhiều cũng sinh khổ. Cho nên, muốn không khổ vì thân bệnh, việc đầu tiên là phải ăn uống, ngủ nghỉ, tham dục vừa đủ. 

TÍCH TẬP, Phật nói là nhân của khổ. Tự bản thân nó không những chỉ khiến mình khổ mà nó còn có lực dẫn mình đến đường khổ, nối tiếp nhau như vòng bánh xe. Nếu mình không ý thức từ bỏ sự tích tụ thì khó có ngày ra khỏi quả khổ. 

Cừ khôi như thầy mà rốt cuộc cũng phải bỏ mạng dưới cái tập hút thuốc của mình. Tập, chính là nghiệp, nói đủ là “nghiệp tập”. Bởi nghiệp, chỉ mới là hành động, chưa tích tụ thành thói quen. Song sau này đều gọi tắt là nghiệp. 

Mọi thứ đều do nghiệp. NGHIỆP là cội gốc quyết định mọi thứ, nên pháp của đức Phật chỉ tập trung dạy SỬA BA NGHIỆP. Tùy căn cơ sâu cạn và mục đích hành giả muốn đến, mà thấy pháp có khác nhau, song tựu trung vẫn là làm thanh tịnh ba nghiệp. 

Những quy định mà môn Trường Sinh học đề ra cho môn sinh phải tuân thủ cũng ẩn chứa việc sửa ba nghiệp này. Như việc hạn chế và điều hòa những tác động và ăn uống có hại đến thân, không thủ lợi, v.v,… là để tránh việc tích tụ, cái nhân của bệnh khổ. 

Nói lời dịu dàng, hòa nhã với bệnh nhân, v.v,… là giúp cho khẩu nghiệp được thanh tịnh. 

Không phân biệt giàu nghèo, không để tâm kiêu mạn làm chủ, v.v,… là để ý nghiệp được thiện. Ngay cả tư tưởng giúp người trị bệnh không thủ lợi để bản thân mình thoát bệnh tật, cũng là một loại ý thiện, vì tin vào nhân quả. 

Song chỉ mới chừng đó thì chưa đủ để cứu gỡ những nghiệp nạn khác của mình. Như mục nói lời dịu dàng với bệnh nhân. Nếu chúng ta áp dụng việc đó không phải chỉ với bệnh nhân mà với mọi người chung quanh bằng tâm chân thành thì quả báo được toàn vẹn. Song nếu lời dịu dàng ấy, trong phạm vi khác, lại ẩn chứa những mưu đồ chia rẽ gây bất lợi cho người, nhằm thủ lợi cho mình, hoặc phỉ báng các pháp môn của Phật, v.v,… thì lại bị khẩu nghiệp không tốt. Tạo nhân rồi mà không biết sám hối dứt bỏ thì khi đủ duyên sẽ có quả. Nếu là nghiệp nặng thì có khi nạn tai mình gặp không thuộc phạm vi chữa trị của Trường Sinh học, hoặc Trường Sinh học không cứu chữa nỗi. 

Ăn uống điều độ và có đời sống đạo đức là nhân tốt của việc trị bệnh, nhưng đó chỉ mới là mặt nhân duyên nổi. Với cái nhìn của đức Phật, nhân duyên chính khiến chúng ta có bệnh là đã làm cho chúng sinh đau đớn dưới mọi hình thức như đánh đập, dao gậy, v.v,… Ngoài ra, cái quả của sát sinh là chết yểu, nhưng nếu hiện đời chúng ta chịu tu hành và làm việc phước thiện nhiều thì quả ấy sẽ được chuyển hóa thành bệnh tật. Như tác giả kinh Thủy Sám đã kể về cuộc đời ngài, hoặc bệnh thấp khớp của ngài Giới Hiền, người truyền pháp cho ngài Huyền Trang. 

Cho nên, ngoài những điều khoản cần tuân thủ khi tham cứu Trường Sinh học, chúng ta cần phải giữ gìn 5 giới mà mình đã thọ, nhất là giới “Không sát sinh”. Không nên vì chút ngon miệng hơn mà mình tự giết hay bảo người khác giết. 

Giữ được 5 giới thì bệnh tật, nạn tai không chạm đến thân mình. Có chạm đến cũng gặp thầy gặp thuốc mà lành bệnh. Đó là lý do vì sao kinh luận của Phật Tổ chỉ đề cập đến việc trừ bỏ tham, sân, si hay tập trung làm thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình, mà không nói đến việc mở luân xa, xuất hồn, v.v,… Bởi nghiệp là cái gốc của mọi sự ở đời. Chuyển nghiệp là chuyển đời. 

IV. Những việc phật tử cần biết khi tham cứu Trường Sinh học 

Về mặt giới tướng mà nói, những ai đã thọ Tam quy Ngũ giới dưới bất cứ hình thức nào, tự mình quy y hay cha mẹ quy y cho, đều gọi là phật tử. 

Với những điều khoản mà Trường Sinh học đã đặt ra cho môn sinh cũng như tác dụng mà Trường Sinh học mang lại, thì việc tham gia để có một thân thể khỏe mạnh là tốt. Nhưng cũng như muối, nó chỉ thật sự tốt khi chúng ta sử dụng nó đúng duyên. Nếu ta đề cao quá mức những khả năng mà Trường Sinh học mang lại thì có khi không lợi mà còn hại, không phải chỉ trong kiếp này mà cả những kiếp về sau, nhất là những gì thuộc về tâm linh. 

1. Tránh thái độ coi Tổ hơn Phật, lấy ít làm nhiều, lấy một làm tất cả 

Do Trường Sinh học mang lại những tác dụng mà ta cảm nhận được trong hiện tại, nên nó dễ tạo niềm tin với người đời. Do niềm tin ấy ta tôn thờ vị Tổ đã lập ra nó. Đó là điều đáng hoan nghênh. Nhưng không nên vì thế mà bỏ bê việc thờ Phật. Chư Tổ, nếu là người có trí tuệ, cũng không muốn chúng sinh chỉ tôn thờ mình mà quên Phật.

Trong cuộc sống này, có những dây nhân duyên nhân quả mà với con mắt thường tình đây, mình không thể thấy. Sự gia trì của chư Phật và Bồ tát, chúng ta cũng không thể thấy. Chư Phật không bao giờ bỏ chúng sinh, nhưng một khi chúng sinh quay lưng với ngài, thì chúng sinh sẽ không nhận được lực gia trì ấy nữa. 

Đó là nói trên mặt GIA TRÌ. 

Nói về mặt GIÁO PHÁP, nếu chúng ta quay lưng với đức Phật, cũng có nghĩa là chúng ta quay lưng với giáo pháp của ngài. Giáo pháp của ngài, nhà bác học vĩ đại Einstein đã nói: “Nếu có tôn giáo nào có thể ứng phó được với các nhu cầu của nền khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo”. Phật giáo là như thế. Nó không chỉ nằm trong việc giúp con người thoát khổ mà còn mở rộng ra thế giới bên ngoài. Có điều, do chúng ta quá vô minh mà không nhận ra được những gì Phật đã nói giá trị thế nào. 

Chúng ta hết khổ, hết bệnh, hết hoạn nạn, v.v,… là nhờ vào giáo pháp của Ngài. Nếu ta ứng dụng giáo pháp của Ngài vào đời sống của mình, ta sẽ hiểu cái gì nên làm, cái gì nên tránh. Nhờ đó sẽ tránh được tai ương hoạn nạn bệnh tật. Không thì sẽ tạo vô vàn ác nghiệp. 

Ác nghiệp là đầu mối của bệnh tật và nạn tai. Nghiệp mình nếu quá mạnh thì Trường Sinh học chưa chắc đã cứu chữa được, cũng chưa chắc đã đủ duyên để gặp được Trường Sinh học mà chạy chữa. Nghiệp nếu nhẹ, thì có khi chỉ cần vài thang thuốc bắc hay vài lọ thuốc của y học hiện đại cũng đã lành, không cần đến Trường Sinh học. 

Hàng xóm tôi có ông lão tuổi hơn 70, sáng nào cũng chạy bộ để sống được trường thọ hơn. Nhưng một sáng kia, khi đang chạy bộ, ông bị xe quệt và chết. Xem như ý muốn trường thọ của ông không thành, dù thân thể ông rất khỏe mạnh. Bởi cái quyết định thân mạng không nằm ở việc tạo ra sức khỏe mà nó còn bị chi phối bởi nghiệp. Cho nên, không nên chỉ chạy theo cái ngọn mà bỏ đi cái gốc của mình. 

Cuộc đời này không chỉ có nỗi khổ về thân bệnh, mà còn nhiều cái khổ khác nữa. Nghèo cũng khổ, cãi vã chia ly cũng khổ, đang hạnh phúc mà lăn ra chết cũng khổ. Vợ con đang nheo nhóc mà bị tai nạn chết, cũng khổ. Rất nhiều cái khổ mà nếu chúng ta chỉ tuân theo vài điều khoản Trường Sinh học đặt ra, còn lại đều buông lung như sát sinh, nói thêu dệt, v.v,… thì khó mà không có nạn tai. Vì thế, không nên thứ gì cũng Trường Sinh học mà bỏ qua những giới luật đã thọ của một phật tử tại gia và xem thường các lễ nghĩa khác, như: không thờ cúng ông bà cha mẹ, không giỗ kỵ, không cúng dường Tam bảo, cho việc thắp hương là tội lỗi, v.v,…

2. Tránh thái độ phỉ báng các pháp môn mà Phật đặt ra 

Phật Tổ đặt ra rất nhiều pháp môn, là tùy căn cơ chúng sinh mà lập. Do chúng sinh có bệnh mà chư Phật đặt ra các pháp môn ấy. Dù không mang tính phổ quát nhưng nó có giá trị nhất định trong một số duyên nào đó, mang lại lợi ích cho người đời. 

Nhóc bạn tôi, cũng muốn theo tham cứu môn Trường Sinh học, nhưng tôi thấy nó rút lui êm thấm, hỏi tại sao? Nó nói: “Mới gặp lần đầu đã thấy chê pháp Niệm Phật. Mất hứng!”. Pháp Niệm Phật là pháp nhóc đang theo. Đó là cách xử lý không khéo mà mình cần phải tránh. Dù nhiệt tình, cũng cần có trí tuệ dẫn đường. 

Không cần phải lôi kéo người bằng cách chê pháp môn mà người đang theo. Chỉ cần cho họ thấy được lợi ích của môn mình đang dạy thì không cần quảng cáo, họ vẫn theo. 

Phật Tổ đặt ra pháp môn, nhưng với các pháp môn ấy, các ngài vẫn có lúc khen, lúc chê. Không phải do pháp môn ấy dở hoặc hay, chỉ là vì hợp hay không hợp với căn cơ của chúng sinh mà thành như thế. Như muối, do đối với người thiếu muối hay dư muối mà nói muối là tốt hay xấu, còn bản thân muối thì không tốt không xấu, chỉ tùy duyên mà thành tốt hay xấu. 

Trong Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký, phần “Chúng sinh ý nhạo ý thú” thuộc “Tứ ý thú” ghi: “Như ngay ở một người, trước tán thán Bố thí mà sau lại chê Bố thí. Với Trì giới và các thứ khác cũng vậy”. Ngài Vô Tánh giải thích: “Trước vì đối trị san tham mà tán thán bố thí. Sau do người ấy đã thích Bố thí thì chê Bố thí. Các thứ còn lại như Trì giới, v.v,… cũng vậy”. Luận Trang Nghiêm nói: “Vì được chút ít thiện liền cho là đủ nên có khen hay chê”. 

Do thấy được mặt Duyên khởi của pháp, lại đủ trí tuệ để thấy được căn cơ của người đối diện hợp với pháp nào, nên một khi chư vị đã khen hay chê, đều có tác dụng giáo hóa chúng sinh. Còn mình, nếu có duyên với Trường Sinh học hơn các pháp khác thì cứ theo, nhưng nên tránh thái độ khen hay chê các pháp môn của Phật Tổ. Bởi mình chưa đủ trí tuệ để làm việc đó, nên lợi ích cho người nhiều khi không đạt, lại thêm cái tội phỉ báng Phật pháp. Tai hại là ở đó. Đây là việc mình cần rút kinh nghiệm, không thì lại rơi vào thái độ kiêu mạn, chỉ thấy pháp mình hành là nhất, còn lại đều là đồ bỏ. Cần nhớ, hay hoặc dở, nhất hay không … là còn tùy duyên, là tùy căn cơ của chúng sinh mà ra. Đúng duyên thì pháp có lợi ích. Không đúng duyên thì pháp không lợi ích. 

3. Trí tuệ là quan trọng 

Trong kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 3 có kể câu chuyện sau: 

Đề Bà Đạt Đa làm sa môn, có thần túc lại được vua A Xà Thế mỗi ngày cúng dường năm trăm nồi cơm. Các Tỉ kheo cho việc đó là “có oai thần rất lớn” và mang chuyện đó kể lại cho đức Phật. Phật nghe xong, nói: 

- Chớ có khởi niệm như thế về sự tham lợi dưỡng của Đề Bà Đạt Đa. Tì kheo Đề Bà Đạt Đa ở trong pháp này đã chẳng được trí tuệ, cũng không đủ giới luật. 

Rồi dạy tiếp: 

- Giới luật là chuyện thường tình của thế tục. Thành tựu định lực cũng là chuyện thường tình của thế tục. Thần túc phi hành cũng là chuyện thường tình của thế tục. 

Thành tựu trí tuệ mới là nghĩa đệ nhất. 

Những hiện tượng phi thường như hóa hiện trên hư không, trị lành bệnh do trụ tâm, v.v,… đều là kết quả của định lực. Định lực cũng là nền tảng để có trí tuệ, nhưng điều đó không có nghĩa có định là liền sinh tuệ. Vì thế mới có hai chữ “Tà định”. Ngay ở phẩm đó, Phật cũng dạy: “Tỉ kheo này phát sinh lợi dưỡng, vâng giữ giới luật, không tự khoe khoang, lại chẳng chê bai người khác, tu hành chánh định. Cũng lại như thế mà dần dần tu trí tuệ”. Có định rồi, còn phải dần dần tu trí tuệ. Đề Bà Đạt Đa có định lực cao đến mức có thể tạo tác ra mọi thứ thần biến, nhưng tuệ vẫn không có. Chính vì không có tuệ, ông mới có những hành xử mà sau này phải đọa địa ngục. 

Việc “Có định liền sinh tuệ” là đối với người mà giáo pháp của Phật đã thấm nhuần sâu xa. Song cũng chỉ là từng phần, chưa thể như Phật và các bậc Tổ sư. Thành mọi thứ vẫn phải y vào kinh luận. Trong việc giải nói, tùy cơ chúng sinh mà thấy hình tướng diễn giải dường như có khác, nhưng tinh thần vẫn không khác. 

Muốn có trí tuệ, ngoài việc tu CHỈ để có định lực, chư Phật và các bậc Tổ sư còn dạy tu QUÁN để phát tuệ. Quán Tứ đế, quán Thập nhị duyên sinh, quán khổ, không, vô thường, vô ngã, quán huyễn, quán Duyên sinh, v.v,… 

Trong kinh cũng như luận, không thấy nói đến việc mở các luân xa mà phát trí tuệ hay giải thoát. Điều này tương hợp với những gì mà kinh Bát nhã, là bài kinh chủ về trí tuệ, đã nói: “Khi hành sâu Bát nhã ba la mật đa, chiếu thấy năm uẩn đều không…”. Một khi dụng sâu được trí tuệ Bát nhã thì sẽ thấy thân và thế giới – sản phẩm của vô minh – đều không. Không, thì không còn huyệt đạo hay luân xa để thấy xoáy tròn. 

Ngay cả những bài kinh thuộc hệ Nguyên thủy cũng không thấy dạy người khai mở luân xa, chỉ thấy dạy người quán: “Sắc không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta…”. Một khi công phu thuần thục thì ta sẽ chứng nghiệm được trạng thái “không phải ta” đó. Đây là y vào kinh luận mà nói bằng sự thực nghiệm, không phải lý luận suông trên ngôn từ. 

Nêu ra điều này để thấy: 

- Trường Sinh học có thể là một môn chữa bệnh khá tốt. Nhờ giới luật của nó, ta có cuộc sống về ngủ, nghỉ, ăn, uống không đi quá mức cho phép. Cũng giúp ta mở lòng ít nhiều với mọi người trong thời buổi mà con người chỉ biết lợi mình, chết người. Cũng khiến tâm trí ta bớt não loạn nhờ trụ tâm một chỗ. Nhưng đặt vấn đề giải thoát hay nó là pháp có khả năng hiển bày phần tự nhiên sâu xa, nguồn gốc của tất cả mọi sự vật hiện tượng, v.v,… thì cần phải coi lại. Bởi nói đến giải thoát và thấy được thực tánh các pháp thì không ai có thể hơn đức Phật, nhưng kinh luận không hề nói tới việc đặt tâm vào các luân xa. Dù lập ra rất nhiều pháp môn và ngữ luận, tinh thần chính vẫn là trừ bỏ dòng vọng niệm, trừ bỏ tham, sân, si đưa tâm về chỗ vô trụ. Tùy việc trừ bỏ sâu hay cạn mà thấy pháp có khác nhau. 

Thực tế thì, đa phần phật tử tham cứu Trường Sinh học cũng không nghĩ đến chuyện giải thoát mà chỉ tính đến việc lợi ích trước mắt: Có năng lượng để trị bệnh cho mình và cho thân nhân hàng xóm. Song dù tập trung cho lợi ích trước mắt thì cũng cần phải có cái nhìn tương đối về pháp mình đang sử dụng, để hiện tại mình được lợi ích mà tương lai cũng được lợi ích. Nếu nghĩ pháp ấy có thể mang lại cho mình tất cả, rồi quên lễ nghĩa thường tại của con người, không thấy được mặt chi phối của nghiệp, bỏ luôn 5 giới đã thọ, thì pháp dù chánh, qua tay mình cũng thành tà. Đã sử dụng tà pháp thì quả khổ không thể nào tránh khỏi. 

- Khi định được tâm, hay có hiện tượng tâm hiện khởi liên tục những niệm tưởng khác lạ thì khoan cho những ý tưởng đó là thánh niệm. Việc đó chỉ như nước lóng mà thấy cát. Có điều cát của chúng ta không phải chỉ có Phật pháp, mà đủ thứ tạp nhạp trong tàng thức, bao gồm cả những tà niệm trong quá khứ. Nếu không lấy kinh luận làm nền tảng để kiểm nghiệm, cho đó là trí tuệ bộc phát nhờ định lực, rồi theo những tà kiến ấy mà sống, là tiếp tục dấn thân vào đường tà. Việc lợi ích cho người đáng nhẽ là chân chính, lại trở thành tà. Khi đủ duyên sẽ lãnh quả khổ trong tương lai. 

- Không nên xem trọng những hiện tượng phi thường quá mức mà bỏ qua phần trí tuệ, là kim chỉ nam cần thiết cho cuộc sống của mình. 

Trí tuệ, là cái trí thấy các pháp đúng như chính nó. Như thấy sống ở đời, ai rồi cũng phải chết, có sinh là có diệt. Đó là cái thấy đúng. 

Dụng pháp đúng với bản vị của nó, cũng đòi hỏi phải có trí tuệ. Trí tuệ này lúc đầu phải nương nhờ vào kinh luận của Phật Tổ, đọc học và thực hành, ta sẽ chứng nghiệm được nó trong công phu và cuộc sống. Có công phu và thành quả ít nhiều rồi, cũng phải y vào kinh luận dùng đó để ấn tâm. 

Thấy đúng thì suy nghĩ và hành xử của ta mới không lầm nhân lộn quả. Cuộc sống của ta mới an bình hạnh phúc. 

Những gì có tướng đều là pháp tùy duyên. Nếu chúng ta đặt nó đúng vị trí của nó, thì nó thành có ích. Nếu không đúng, nó sẽ mang lại thiệt hại cho mình rất nhiều, không phải chỉ trong kiếp này mà cả những kiếp về sau. 

CHÂN HIỀN TÂM 
Nguồn: Thiền Viện Thường Chiều, Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai.

Không có nhận xét nào: