|
Cổng Đền |
Đền Hùng là tên gọi khái quát quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh cao 175m so với mặt nước biển, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu, cách thành phố Việt Trì 10km, cách thủ đô Hà Nội 100km theo dọc quốc lộ 2. Đền Hùng gồm nhiều công trình quan trọng, gắn với lễ hội được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.
|
Đền Hạ |
Đền Hùng gồm nhiều công trình quan trọng. Ngay từ chân núi, du khách sẽ bước qua cổng đền. trèo 225 bậc thang đá sẽ đến đền Hạ và chùa Thiên Quang Tự, được xây dựng từ thế kỷ 15. Ngày 19-9-1954, trên đường về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Hồ Chí Minh đã ghé thăm đền Hùng. Tại đây dưới gốc cây Thiên Tuế ở đền Hạ, Hồ Chí Minh đã nói chuyện với các chiến sĩ đại đoàn Quân Tiên Phong:
"Các vua Hùng có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước."
|
Đền Trung |
Từ đền Hạ lên lên 168 bậc nữa sẽ đến đền Trung (tức Hùng Vương Tổ miếu). Tương truyền nơi đây, các vua Hùng lập quán xá để nghỉ nơi và bàn việc nước. Tại nơi đây, Vua Hùng Vương thứ 6 tổ chức thi món ăn ngon và Hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng (hình vuông) và bánh dày (hình tròn) tượng trưng cho Trời Đất.
Từ Đền Hùng đi tiếp 102 bậc sẽ đến đền Thượng, còn gọi là đền Thượng Kinh thiên linh điện (điện thờ trời). Tương truyền, đây là nơi các vua Hùng thờ Trời, thờ Thần Lúa.
|
Đền Thượng |
Cách đền Thượng không xa là lăng vua Hùng. Tương truyền đây là lăng vua Hùng thứ 6. Sau khi Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân và bay lên trời, thì vua Hùng thứ 6 cũng cởi áo bào vắt lên cành kim giao rồi hoá ở đó.
Đền Giếng nằm ở dưới chân núi Ngũ Lĩnh về phía Đông Nam. Tương truyền hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng thứ 18, thường chải tóc chít khăn bên giếng này.
|
Đền Giếng |
Hiện nay tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều di vật và phế tích từ thời Văn Lang đến thời Đại Việt như rìu đá, giáo đồng, bát, đĩa gốm sứ, cột đá, thạp đất nung, gạch ngói...
|
Lăng Hùng vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh |
Đền Hùng là mảnh đất cội nguồn của Việt Nam ta, vì vậy hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, dân Việt khắp nơi trong nước và ngoài nước đều về hoặc hướng về núi Nghĩa Lĩnh giỗ Tổ Hùng Vương. Trong dân gian đã có câu ca truyền tụng từ đời này qua đời khác:
Dù ai đi ngược về xuôi
nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
TTđTD (tổng hợp)
Ảnh: Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét