"Niềm tin được xác lập trên hai cơ sở. Một là niềm tin ấy được xác lập trên cơ sở quán xét kỹ. Hai là niềm tin ấy được xác lập trên cơ sở là tin vào lời tuyên nói của vị tỉnh thức như Phật, Bồ tát." (Pháp Không Chân Như)
***
Phật tử My Dung Hoang thưa: A Di Đà Phật, đệ tử cảm nhận cá nhân rằng, đọc từng lời Phật dạy là hành động đọc. Đọc lời ấy mà tin tưởng ngay thì chỉ có thể giải thích theo kinh sách rằng đệ tử đã từng tin không ngờ điều ấy. Đọc lời ấy mà còn nghi ngờ thì đệ tử lại phải chấp trước mà tự tư duy, quán sát. Hành động ấy phải chăng là chứng minh thực nghiệm (theo khoa học)? Cái đích cuối cùng của đệ tử cũng là xây dựng niềm tin không chút nghi ngờ ở trong tâm đệ tử. Và cho đến bây giờ, đệ tử vẫn còn chấp rằng Phật học vẫn là môn khoa học thực nghiệm mà không phải là một tôn giáo để tín ngưỡng, vì có tín ngưỡng là mê tín.
Phật tử My Dung Hoang thưa: A Di Đà Phật, đệ tử cảm nhận cá nhân rằng, đọc từng lời Phật dạy là hành động đọc. Đọc lời ấy mà tin tưởng ngay thì chỉ có thể giải thích theo kinh sách rằng đệ tử đã từng tin không ngờ điều ấy. Đọc lời ấy mà còn nghi ngờ thì đệ tử lại phải chấp trước mà tự tư duy, quán sát. Hành động ấy phải chăng là chứng minh thực nghiệm (theo khoa học)? Cái đích cuối cùng của đệ tử cũng là xây dựng niềm tin không chút nghi ngờ ở trong tâm đệ tử. Và cho đến bây giờ, đệ tử vẫn còn chấp rằng Phật học vẫn là môn khoa học thực nghiệm mà không phải là một tôn giáo để tín ngưỡng, vì có tín ngưỡng là mê tín.
Kính mong người giảng đáp! A Di Đà Phật.
Pháp Không Chân Như nói: My Dung Hoang! Niềm tin được xác lập trên hai cơ sở. Một là niềm tin ấy được xác lập trên cơ sở quán xét kỹ. Hai là niềm tin ấy được xác lập trên cơ sở là tin vào lời tuyên nói của vị tỉnh thức như Phật, Bồ tát.
Vì sao có loại niềm tin được xác lập trên cơ sở là tin vào lời tuyên nói của vị tỉnh thức? Vì con người không có khả năng quán xét về nó, không có khả năng phản biện, phản bác nó hoặc chứng minh nó. Nó thâm sâu hơn so với sự hiển bày của sự vật và hiện tượng mà con người chưa tỉnh thức không thể tiếp cận được nó. Ví như sự sống sau cái chết. Ví như sự tồn tại của các cõi trong Vũ Trụ.
Đối với tri kiến mà con người có thể quán xét, tức có khả năng tiếp cận đối tượng mà tri kiến đó đề cập thì sự quán xét sẽ xác lập niềm tin. Quán xét một tri kiến là dựa vào sự hiểu biết, nhận thức, nhận biết đối với thế giới xung quanh và chính mình. Về nhận biết thì có nhiều phương tiện, như định tâm, tuệ quán, suy nghĩ, tư duy, suy luận, phản biện, phân tích, tổng hợp, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thiết bị và dụng cụ thí nghiệm chứ không chỉ là thực nghiệm khoa học.
Vì sao sự quán xét như vậy có thể đánh giá được tri kiến cần quán xét ở một mức độ nhất định? Vì mọi sự vật hiện tượng không nằm ngoài thật tướng của nó. Sự vật hiện tượng là sự hiển bày của thật tướng, tuy nhiên không đầy đủ. Không đầy đủ ở đây là do khả năng của con người không đầy đủ. Khả năng của con người không đầy đủ là do vô minh che lấp Phật tánh chính mình. Như vậy sự quán xét đem đến lợi ích gì? Sự quán xét có tính phủ định rất hiệu quả, nghĩa là tìm thấy cái nghịch lý đối với tri kiến đó. Nếu sự quán xét tìm thấy thỏa đáng cái nghịch lý đối với tri kiến đó thì chứng minh tri kiến đó không đúng. Nhưng sự quán xét tìm thấy cái đúng của tri kiến đó thì sự tìm thấy cái đúng của tri kiến đó không thể kết luận được tri kiến đó hoàn toàn đúng. Vì sao vậy? Như tôi đã nói, sự vật và hiện tượng không nằm ngoài thật tướng, là sự hiển bày của thật tướng nhưng không đầy đủ.
Phật pháp không phải là một môn khoa học, cũng không phải là một tôn giáo để tín ngưỡng. Phật pháp có được không phải từ việc sử dụng kiến thức khoa học, nhận biết sự vật hiện tượng, tư duy suy luận, thí nghiệm. Phật pháp không phải là kết quả của suy nghĩ. Phật pháp không có được theo lộ trình đó. Nên Phật pháp không phải là một môn khoa học. Phật pháp không dạy cho con người có niềm tin mù quáng. Bất cứ vị tỉnh thức nào cũng không yêu cầu con người phải tin ngay mà không cần thắc mắc. Phật pháp thoải mái một cách tự do trong sự phản biện, phản bác của bất cứ ai. Đây là tinh thần không có niềm tin mù quáng trong Phật pháp. Phật pháp là lời diễn đạt lại về thật tướng Vũ Trụ và Nhân sinh của chư Phật, Bồ tát - những kẻ tỉnh thức.
Phật tử My Dung Hoang thưa: Nam mô A Di Đà Phật, đệ tử cảm ơn lời chỉ bảo của Ngài. Đệ tử còn thắc mắc, xin Ngài giảng nói: "Vì sao con có thể tin rằng Phật là một vị tỉnh thức?".
Pháp Không Chân Như giảng: My Dung Hoang thật khéo hỏi. Vì sự hỏi này giúp nhiều người đưa đến xác lập niềm tin nơi Tam Bảo. Từ đó giúp họ học hành Phật pháp để đưa họ đến giác ngộ, an lạc, giải thoát.
Như cô đã hỏi: “Vì sao con có thể tin rằng Phật là một vị tỉnh thức?”. Đây là một câu hỏi lớn, một câu hỏi mà câu trả lời không có kết thúc của chính nó. Vì sao vậy? Vì Phật là bất khả tư nghì. Nói về Phật thì có nói mãi cũng không bao giờ được đầy đủ. Nói về Phật thì có nhiều đối tượng không thể dùng ngôn ngữ để phơi bày, ngôn ngữ không thể phơi bày được đối tượng đó. Có kẻ nghi hoặc về cái gọi là bất khả tư nghì. Kẻ ấy cho rằng đó chỉ là viện cớ cho một sự bất lực. Nhưng sự thật có bất khả tư nghì. Ví như mùi hương, con người có thể ngửi và phân biệt được mùi hương nhưng họ không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt về mùi hương đó, phân biệt mùi hương này với mùi hương khác. Ví như điểm trong không gian, không thể dùng ngôn ngữ để phơi bày rốt ráo đến tận cùng vì nó vô thủy vô chung. Khi con người sử dụng nó buộc phải dụng đến “xem như là” để kết thúc quá trình luận bàn về nó. Một đối tượng mà nói mãi vẫn không hết thảy, hoặc ngôn ngữ không thể phơi bày, đối tượng đó bất khả tư nghì.
Vì vậy, My Dung Hoang, tôi sẽ nói giản lược, cô hãy khéo lắng nghe.
Một vị có đời sống phạm hạnh; Vị ấy có tâm tứ đại từ, bi, hỷ, xả; Vị ấy không có tâm tham, không có tâm sân, không có tâm bất thiện, không có tâm phân biệt, không có tâm ngã mạn, không có tâm nghi; Vị ấy có tuệ sáng suốt siêu việt, không có ngu si và không có vô minh; Vị ấy có biện tài vô ngại và vị ấy dùng phương tiện thế gian dạy cho chúng sinh tu hành để được như vị ấy. Một vị như vậy là vị tỉnh thức, là Phật.
My Dung Hoang! Vì sao có thể tin rằng vị ấy là vị tỉnh thức, là Phật? Bằng cảm thọ, bằng nhận biết, bằng quán xét trong khả năng giới hạn của mình, thấy rằng vị ấy có đời sống phạm hạnh; Thấy rằng vị ấy có tâm tứ đại từ, bi, hỷ, xả; Thấy rằng vị ấy không có tâm tham, không có tâm sân, không có tâm bất thiện, không có tâm phân biệt, không có tâm ngã mạn, không có tâm nghi; Thấy rằng vị ấy có tuệ sáng suốt siêu việt, không có ngu si và không có vô minh; Thấy rằng vị ấy có biện tài vô ngại và thấy rằng vị ấy dùng phương tiện thế gian dạy cho chúng sinh tu hành để được như vị ấy. Này My Dung Hoang, niềm tin được xác lập và tin rằng vị ấy là vị tỉnh thức, là Phật.
Ví như đức Thích Ca Mâu Ni, nhiều người bằng cảm thọ, bằng nhận biết, bằng quán xét trong khả năng giới hạn của họ, thấy rằng ngài ấy có đời sống phạm hạnh; Thấy rằng ngài ấy có tâm tứ đại từ, bi, hỷ, xả; Thấy rằng ngài ấy không có tâm tham, không có tâm sân, không có tâm bất thiện, không có tâm phân biệt, không có tâm ngã mạn, không có tâm nghi; Thấy rằng ngài ấy có tuệ sáng suốt siêu việt, không có ngu si và không có vô minh; Thấy rằng ngài ấy có biện tài vô ngại và thấy rằng ngài ấy dùng phương tiện thế gian dạy cho chúng sinh tu hành để được như ngài ấy. Này My Dung Hoang, niềm tin được xác lập trong họ và họ tin rằng ngài ấy là vị tỉnh thức, là Phật.
Thế nào là vị có đời sống phạm hạnh? My Dung Hoang! Vị ấy không mong cầu một nơi ở đẹp đẽ, khang trang. Vị ấy ở đâu cũng được, vị ấy luôn hài lòng nơi đó. Vị ấy không mong cầu mặc đồ đẹp, sang trọng. Vị ấy mặc gì cũng được, vị ấy luôn hài lòng đồ mặc đó. Vị ấy không mong cầu phương tiện bắt mắt. Vị ấy dùng phương tiện nào cũng được, dùng được là được, vị ấy luôn hài lòng với phương tiện đó. Vị ấy không bon chen mong cầu tài vật, danh sắc, chức sắc, địa vị, tiếng tăm, vị ấy luôn không ham thích tài vật, danh sắc, chức sắc, địa vị, tiếng tăm. Vị ấy không tham dự sự thị phi của đời sống phàm tục, vị ấy luôn không tạo sự thị phi. Vị ấy không nói lời dối trá, không nói lời thô ác, không nói lời thêu dệt. Vị ấy không trộm cắp, không ham thích ái dục, không cờ bạc, không uống rượu. Vị có đời sống như vậy là vị có đời sống phạm hạnh.
Thế nào là vị có tâm tứ đại từ, bi, hỷ, xả? Thế nào là vị không có tâm tham, không có tâm sân, không có tâm bất thiện, không có tâm phân biệt, không có tâm ngã mạn, không có tâm nghi? Thế nào là vị có biện tài vô ngại và vị ấy dùng phương tiện thế gian dạy cho chúng sinh tu hành để được như vị ấy? My Dung Hoang! Tôi không cần phải nói thêm vì hiện tại có nhiều người, nhiều tư liệu đã giải thích thỏa đáng, cô hãy tự tìm hiểu.
Thế nào là vị có tuệ sáng suốt siêu việt, không có ngu si và không có vô minh? My Dung Hoang! Vị ấy không nghiên cứu khoa học cũng không có phương tiện thực nghiệm khoa học. Vị ấy không nghiên cứu lý luận trên các cơ sở lý thuyết như triết học, thần học, khoa học. Vị ấy không sử dụng thành tựu khoa học, kết quả các lý thuyết triết học, thần học, khoa học. Nhưng đương thời, không ai biết đối tượng đó về Vũ Trụ và Nhân sinh, vị ấy đã tuyên nói nhiều đối tượng về Vũ Trụ và Nhân sinh. Người đương thời cảm thọ, nhận biết, quán xét trong khả năng giới hạn của họ và kết quả quán xét của họ về lời tuyên nói của vị ấy chỉ tìm thấy cái đúng, sự thỏa đáng, không tìm thấy cái nghịch lý nào để phản biện, bác bỏ. Và vì vậy, niềm tin được xác lập trong họ về vị ấy rằng vị ấy có trí huệ siêu việt. Trong thời kỳ khác sau đó, con người hậu thế cảm thọ, nhận biết, quán xét trong khả năng giới hạn của họ và kết quả quán xét của họ về lời tuyên nói của vị ấy chỉ tìm thấy cái đúng, sự thỏa đáng, không tìm thấy cái nghịch lý nào để phản biện, bác bỏ. Và vì vậy, niềm tin được xác lập trong họ về vị ấy rằng vị ấy có trí huệ siêu việt. Lại trải qua nhiều thời kỳ như vậy, trải dài trong vô lượng thời kỳ, con người hậu thế cảm thọ, nhận biết, quán xét trong khả năng giới hạn của họ và kết quả quán xét của họ về lời tuyên nói của vị ấy chỉ tìm thấy cái đúng, sự thỏa đáng, không tìm thấy cái nghịch lý nào để phản biện, bác bỏ. Và vì vậy, niềm tin được xác lập trong họ về vị ấy rằng vị ấy có trí huệ siêu việt.
Một niềm tin được xác lập có thể trở thành cơ sở cho niềm tin khác được xác lập. My Dung Hoang! Ví như khi một cháu bé chưa biết gì. Cha mẹ đã dạy cháu nhiều điều hay, lẽ phải. Cháu ấy nghe và tin lời cha mẹ đã dạy nên đã làm theo lời dạy của cha mẹ. Niềm tin ấy của cháu bé được xác lập trên cơ sở niềm tin của cha mẹ đã được xác lập. Ví như khi cô đăng ký học tiếng Anh ngoại khóa. Cô đã tìm hiểu, lắng nghe lời kết luận, khen chê từ nhiều phía, trong đó nổi bậc có vị thầy dạy hay. Cô đã đăng ký để học tiếng Anh từ vị ấy. Niềm tin trong cô đã được xác lập trên cơ sở niềm tin của những người xung quanh. Trong quá trình cô theo học, cô cảm thọ, nhận biết, quán xét trong khả năng giới hạn của cô, cô thấy rằng vị thầy này giỏi tiếng Anh và dạy hay. Cô đã xác lập niềm tin trên cơ sở niềm tin ban đầu và sự trực tiếp quán xét của chính cô một lần nữa. Vì vậy cô quyết tâm theo học vị ấy. Nhờ vậy, tiếng Anh của cô được thuần thục. My Dung Hoang! Nếu ngay từ đầu cháu bé không có lòng tin được xác lập trên cơ sở niềm tin của cha mẹ, cháu bé sẽ không biết gì. Nếu cô không có lòng tin được xác lập trên cơ sở niềm tin của những người xung quanh, cô không có nơi để học tiếng Anh và vì vậy, cô không biết tiếng Anh.
My Dung Hoang! Xác lập niềm tin là sự cần thiết để có niềm tin chín chắn và vững chắc. Niềm tin chín chắn và vững chắc là nền tảng vững chắc mở ra nhiều cánh cửa bí mật và tạo ra tiến bộ, giác ngộ, an lạc.
Nguyện cô có niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo.
Phật tử My Dung Hoang hoan hỉ thưa: Nam mô A Di Đà Phật! Đệ tử xin đảnh lễ Ngài Pháp Không Chân Như:
Một lạy, lạy Người khai ngộ cho đệ tử;
Một lạy, lạy Người đã thuyết phục được đệ tử;
Một lạy, vì đệ tử kính Ngài.
Đệ tử cũng xin đảnh lễ toàn thể chư hiền hữu, thiện tri thức, với tấm lòng Bồ Tát, không ngại mà phá trừ nghi ngờ trong lòng đệ tử!
---
Pháp Không Chân Như: thuyết giảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét