Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Thời đại tin học

Thời đại tin học bắt đầu với việc phát minh ra máy tính cá nhân (personal computer- PC). Từ giữa thế kỷ 20, con người đã bắt đầu chế tạo được máy tính điện tử, có thể thực hiện được rất nhiều phép tính trong một giây đồng hồ. Con người có thể thiết lập chương trình cho máy tuần tự giải quyết công việc bằng các dòng lệnh nối tiếp nhau. Nhưng những máy tính như thế chiếm không gian rất lớn, bằng cả một tòa nhà. Do đó chỉ có nhà nước mới có khả năng sở hữu.


Computer luôn gắn liền với con chíp vi xử lý (processor), đó là quả tim của máy tính. Còn bộ nhớ của máy tính gồm hai bộ phận : bộ nhớ hoạt động RAM và bộ nhớ lưu trữ dữ liệu là đĩa cứng (hard disk hoặc hard drive).

Từ năm 1980, công ty máy tính IBM của Mỹ bắt đầu sản xuất một loại máy tính nhỏ để cho cá nhân sử dụng (IBM-PC) nhưng khả năng còn rất hạn chế, màn hình trắng đen. Năm 1984, họ cho ra đời PC-AT (Advanced Technology) có bộ vi xử lý 80286 (ngoài thương trường gọi tắt là máy 286) bắt đầu sử dụng màn hình màu. Đến 1987 ra đời bộ vi xử lý 80386 (gọi tắt là 386) có tốc độ cao hơn. Sau đó đến chip 486 và 586. Đến 1993 thì bộ vi xử lý Pentium ra đời và tồn tại đến 2006. Sau đó thì đến thế hệ của Core Duo rồi Core 2 Duo. Đến nay thì con chip đã phát triển đến Core i7 có tới 6 nhân (lõi), có khả năng xử lý đồng thời nhiều luồng thông tin. Sắp tới các smartphone có thể sử dụng chip 8 nhân (Octo core) ví dụ con Exynos 5 Octa của Samsung.

Máy tính cá nhân cần phải có một hệ điều hành (Operation System) để quản lý và điều khiển các thao tác trên máy. Công ty Microsoft của Bill Gates ra đời, xây dựng nhiều hệ điều hành vô cùng thông dụng cho PC. Ban đầu là MS-DOS, sau đó là các hệ điều hành Windows : Windows 3.0 còn chạy trên nền DOS. Các thế hệ Windows sau không còn dựa vào DOS : Win95, Win98, WinXP, WinVista, Win7, Win8.

Các máy tính cá nhân hoạt động riêng rẽ thì khả năng và hiệu quả không cao, rất hạn chế. Nên người ta tìm cách liên kết chúng lại thành mạng máy tính của từng đơn vị công ty hay tổ chức, và cuối cùng thành mạng internet toàn cầu. Đến đây thì tin học đạt được hiệu quả thần kỳ chưa từng có trong lịch sử. Ví dụ một cá nhân có thể gởi thư điện tử (email) đi khắp thế giới thật nhanh và thật tiện lợi. Một cá nhân cũng có thể nói chuyện, đồng thời nhìn thấy hình ảnh sống động của người đối thoại qua những công cụ như Yahoo Messenger, Windows Live hay Skype, thực hiện miễn phí qua mạng internet.

Trước đây, muốn tặng ai một bản nhạc, thật rất phiền toái. Phải gởi thư hay gọi điện yêu cầu tới một đài phát thanh rồi nhờ đài đó phát bản nhạc đồng thời thông báo cho người được tặng. Rất dễ xảy ra trường hợp người được tặng không hay kịp thời nên không thu nghe được bản nhạc. Ngày nay điện thoại di động đã phát triển gần tương đương với PC, đều có khả truy cập internet với tốc độ cao qua wifi hoặc 3G, 4G. Do đó chỉ cần gởi một đường dẫn (path) tới điện thoại của người nhận, thì tức khắc người đó có thể mở nghe và xem bản nhạc bằng âm thanh hay bằng video. Nếu trường hợp bản nhạc mp3 hay video không có sẵn trên mạng, cá nhân vẫn có thể post lên mạng nhờ những tiện ích của những công ty tin học khổng lồ, ví dụ Microsoft hay Google, cụ thể là OneDrive và Youtube. Mặt khác, cá nhân cũng có thể dùng điện thoại quay những video clip ngắn chất lượng cao, rồi gởi ngay tức thì cho người nhận qua Viber.

Nhưng tin học không chỉ dừng lại ở đó. Tin học còn rất nhiều ứng dụng vô cùng thần kỳ mà con người đầu thế kỷ 21 hiện nay chưa tưởng tượng nổi, chúng ta có thể liệt kê như sau :

Như chúng ta đã biết, Phật giáo từ hơn 2000 năm nay đã nói Tam giới duy tâm, vũ trụ chỉ là thức (Duy Thức). Khoa học hiện đại nhất của loài người gần đây cũng phát hiện rằng vũ trụ chỉ là số (digital). Tất cả có thể quy về lượng tử. Như vậy khi chế tạo được máy tính lượng tử, thì loài người sẽ có khả năng xử lý vật chất và năng lượng trong không gian ba chiều bằng máy tính lượng tử. Máy tính lượng tử có khả năng xử lý thông tin nhanh hơn máy tính điện tử hàng tỉ lần, ngoài ra có thể đồng thời xử lý lượng tử ở trạng thái chồng chập hay vướng víu (entangled), điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì dữ liệu được xử lý trong điều kiện không có không gian và thời gian, như vậy sẽ có những hiệu ứng không tưởng tượng nổi.

Ngay hiện nay cũng bắt đầu có những ứng dụng mới, ví dụ máy in 3D. Một số sản phẩm bằng nhựa và nhiều vật liệu khác, hiện nay đã có thể sản xuất bằng loại máy này.

Máy in 3D

Ngay cả nhà cũng có thể được làm bằng công nghệ này.

Một công ty xây dựng của Trung Quốc cho biết họ đã sử dụng công nghệ in 3D để xây những ngôi nhà. Họ sử dụng một máy in 3D khổng lồ để phun xi-măng và một loại vật liệu đã được tái chế thay thế cho các loại bê-tông thông thường dùng để xây nhà. Những ngôi nhà được xây bằng công nghệ 3D không có thiết kế quá đẹp và kích thước lớn, tuy nhiên giá thành của chúng khá rẻ, chỉ khoảng 5000 USD một căn. Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành một ngôi nhà được xây bằng công nghệ in 3D rất nhanh, công ty này đã xây xong 10 ngôi nhà chỉ trong một ngày.


Vật liệu cho loại sản phẩm này, theo như mô tả của các nhà nghiên cứu, thì vật liệu mà họ phát triển là một dạng siêu vật liệu (metamaterial) cấu trúc micro. Đây là vật liệu nhân tạo có các đặc tính mà không loại vật liệu thiên nhiên nào có được. Nó gần như vẫn giữ nguyên được độ cứng trên từng mật độ đơn vị, thậm chí ở mật độ rất thấp nó vẫn đảm bảo độ cứng.

Với các đặc tính đó, các nhà nghiên cứu hy vọng trong tương lai nó sẽ được dùng để phát triển các bộ phận và linh kiện cho máy bay, xe hơi hay tàu vũ trụ nhờ vào công nghệ in 3D.

Kỹ sư Jim Kor và các đồng nghiệp của mình đã có một ý tưởng táo bạo khi chế tạo nguyên một chiếc ô tô bằng công nghệ in 3D. Chiếc xe được sản xuất năm 2013, có hai bánh và có thể chở được hai hành khách, với các chi tiết được làm chủ yếu từ nhựa nhờ máy in 3D. Chiếc xe được trang bị động cơ hybrid được làm bằng sắt.

Xe hơi 3D 

Chúng ta hiện nay chỉ mới ở thời kỳ sơ khai của công nghệ 3D. Trong tương lai sẽ còn nhiều hứa hẹn thần kỳ hơn nữa. Thử tưởng tượng như sau :

Người ta có thể sử dụng lượng tử vừa là thông tin vừa là vật liệu cơ bản để sản xuất bất cứ thứ gì mà con người có thể tưởng tượng ra theo đúng nguyên tắc vạn pháp duy tâm. Mỗi gia đình có thể trang bị cho mình cái máy vạn năng. Chiếc máy này có thể tạo ra đủ thứ sản phẩm, từ quần áo, giày dép, cho tới mọi thứ vật dụng, kể cả lương thực thực phẩm, bánh, trái cây, xe máy, xe hơi. Năng lượng và vật liệu cho tất cả sản phẩm là điện hoặc ánh sáng mặt trời. Thiết kế của sản phẩm có sẵn trên mạng internet, chúng ta chỉ việc download về và dùng chiếc máy vạn năng để làm ra.

Tất cả các ngành sản xuất vật chất đều không còn cần thiết nữa, người ta chỉ cần làm ra mỗi chiếc máy vạn năng này mà thôi. Máy có nhiều kích cỡ và công suất khác nhau để phục cho một cá nhân, một gia đình hay một tập thể lớn hơn. Người ta không cần chăn nuôi, giết mổ chi cho dơ dáy, độc ác. Máy có thể làm ra thịt heo, thịt bò, trứng, sữa, tôm, cá… mà không hề cần tới con heo, con bò, con gà, con tôm, con cá thật. Quả thật là không có bắt đầu, đúng như Phật pháp đã nói (vô sinh pháp nhẫn), không cần biết con gà có trước hay trứng gà có trước, thời gian là vô nghĩa, bởi vì có thể làm ra trứng gà mà không cần con gà. Máy có thể làm ra cơm, bánh mì, mì sợi mà không hề cần tới lúa mì, lúa gạo; không cần sản xuất nông nghiệp; cũng không cần sản xuất công nghiệp chi cho ô nhiễm môi trường. Xã hội chỉ còn hoạt động dịch vụ và một trong các dịch vụ thiết yếu nhất là thiết kế sản phẩm trên máy tính rồi để trên mạng internet để ai muốn sử dụng thì cứ lấy xuống dùng, giống như hiện nay chúng ta có thể lấy hình ảnh và video từ trên mạng, nhưng khác với hiện tại là có thể dễ dàng biến chúng thành vật thể 3 chiều bằng chiếc máy vạn năng. Chiếc máy đó quả thật giống như chiếc đũa thần trong truyện cổ tích.

Bấy giờ giữa ảo và thật cũng không còn phân biệt nữa, bởi vì một bản thiết kế sản phẩm cũng giống như sản phẩm vì nó sẽ được làm ra dễ dàng và nhanh chóng bằng chiếc máy vạn năng.

Máy bay tàu thủy không còn cần thiết nữa, vì không còn nhu cầu chở hàng chở khách. Khi cần đi xa, người ta sử dụng phương thức viễn tải lượng tử. Muốn đi từ Việt Nam sang Mỹ, người ta chỉ cần đi vào chiếc máy viễn tải lượng tử và chỉ trong khoảnh khắc đã có thể bước ra từ chiếc máy bên Mỹ. Di chuyển bằng xe hơi hay tàu thủy chỉ còn sử dụng ở những cự ly ngắn, có ý nghĩa du lịch nhiều hơn là vận tải, ví dụ trong phạm vi một thành phố. Con người di chuyển bằng hai phương thức phổ biến nhất : phương thức chậm nhất là đi bộ đối với những cự ly rất ngắn, ví dụ trong một tòa nhà, trong một khuôn viên; phương thức nhanh nhất, viễn tải lượng tử, áp dụng cho cự ly xa hơn 1km. Nhưng người ta cũng có thể sử dụng những phương thức cổ điển như xe máy, xe hơi để đi tới những nơi không quá xa một cách tùy thích.

Đây thực sự là một xã hội tri thức, vì việc đáp ứng các nhu cầu hoàn toàn dựa vào tri thức chứ không cần tới vật chất nữa, vì tất cả mọi vật chất đều có thể từ tri thức biến ra. Ngay cả việc thiết kế một con người với thể chất như thế nào, tâm hồn như thế nào, sở thích ra sao, đều có thể làm được. Nếu hiện nay, với điện ảnh, người ta có thể xây dựng một nhân vật theo ý muốn mà chúng ta thường thấy trong phim truyện. Thì trong thời đại tin học hóa cao độ đó, mọi nhân vật đều có thể được chế tạo giống y như người thật. Con người có thể xuất hiện một cách khơi khơi, ngang xương, không cần tới cha mẹ, không mất bao nhiêu thời gian. Những con người do cha mẹ sinh ra theo phương thức cổ điển và những con người xuất hiện ngang xương sống lẫn lộn với nhau, thật giả không thể nào phân biệt được.

Đến lúc đó, người ta mới thật sự hiểu điều mà Phật pháp đã nói từ lâu : thế gian là huyễn ảo, không có gì là thật cả.

Truyền Bình
TTđTD - Trích từ bài: CHÍNH TRỊ, CÔNG NGHIỆP VÀ TIN HỌC

Không có nhận xét nào: