Hiện nay có một số nhà khoa học nghi ngờ rằng vũ trụ là số. Điều đó có ý nghĩa hết sức to lớn, bởi vì nếu vũ trụ là số, vậy thì vũ trụ cũng là ảo, nếu là ảo thì nó hoàn toàn tương đồng với thế giới tin học của chúng ta hiện nay, chỉ cao cấp hơn chứ không khác về bản chất. Nếu đúng như vậy thì vũ trụ cũng chỉ là thông tin, nói cách khác vật chất và năng lượng cũng là thông tin, hạt hay sóng thì tất cả cũng chỉ là thông tin. Và như vậy con người có thể điều khiển được vũ trụ.
Một trong số những nhà khoa học đó là Craig Hogan, người đang tìm cách chứng minh vũ trụ là số bằng cách phát hiện và đo đạc tiếng ồn toàn ảnh (holographic noise). Ông là Giám đốc Trung tâm Vật lý thiên văn các hạt cơ bản, Phòng thí nghiệm Gia tốc quốc gia Fermi , GS Đại học Chicago, Illinois.
Craig Hogan |
Theo lý thuyết của Hogan, mọi vật trong thế giới 3D (thế giới đời thường của chúng ta) đều có thể mã hóa trên một diện tích 2D ở độ phân giải Planck. Kích cỡ Planck là kích cỡ vật lý nhỏ nhất mà con người còn phân biệt được. Và những bit cơ bản của thông tin nằm trong kích cỡ Planck. Kích thước Planck là khoảng cách vật lý nhỏ nhất còn có ý nghĩa, dưới khoảng cách này thì con số chỉ còn là con số toán học vô nghĩa, nó vô nghĩa vì không còn tương ứng với một thực thể vật lý nào. Kích thước Planck là 10-33 (mười lũy thừa trừ 33) cm. Đó chính là kích thước của lượng tử (quantum). Từ kích thước Planck, ông tính ra diện tích Planck là 10-66 cm2 (mười lũy thừa trừ 66 centimét vuông). Một bit thông tin vũ trụ bằng 4 diện tích Planck. Ngược lại các thông tin trên mặt phẳng 2D có thể phóng hiện lên thành thế giới đời thường, vũ trụ vạn vật 3D mà chúng ta hiện đang sống trong đó. Đây là một suy nghĩ vô cùng táo bạo đối với một nhà khoa học, bởi vì nếu thực hiện được việc đó thì con người trở nên ngang hàng với Thượng Đế.
Bit thông tin vũ trụ bằng 4 diện tích Planck
Ông đi tìm tiếng ồn toàn ảnh, đó là một dấu hiệu chứng thực bản chất số của vũ trụ. Craig Hogan cho rằng nếu nhìn sâu vào những phân chia vô cùng nhỏ của thời-không, chúng ta sẽ thấy vũ trụ được chiếm đầy bởi một tiếng ồn nội tại gọi là tiếng ồn toàn ảnh. Tiếng ồn đó xuất phát từ những bit thông tin. Chúng ta có khả năng phát hiện tiếng ồn số đó của vũ trụ và tiếng ồn đó chứng tỏ rằng vũ trụ chúng ta đang sống là một vũ trụ số ( universe is digital). Khi đi vào cấu trúc sâu của thời-không (space-time) chúng ta sẽ thấy vũ trụ được cấu tạo không phải bằng vật chất và năng lượng mà bằng những bit thông tin, vũ trụ xuất hiện và hoạt động dựa trên những bit thông tin đó. Trong một vũ trụ số, bản thân không gian đã được lượng tử hóa, không gian phát sinh từ những bit lượng tử gián đoạn ở kích cỡ Planck.
Nếu không gian là lượng tử thì phải chịu sự bất định (incertainties) của Cơ học lượng tử (CHLT). Ta sẽ có những thăng giáng dạng bọt (foamlike fluctations).
Vì rằng thể tích của vũ trụ rộng lớn hơn diện tích mặt phẳng chân trời sự kiện, Hogan hiểu rằng với cùng một số bit như trên diện tích chân trời, thì vũ trụ phải được cấu tạo bởi những hạt (grain) lớn hơn độ dài Planck (ví dụ quark, electron, neutrino) nói cách khác, vũ trụ của chúng ta phải bị nhòe đi (blurry), mờ đi. Tương tự như khi ta xem TV, ta thấy mọi vật dường như đều mịn nhưng nếu phóng hình ảnh lên quá to thì sẽ bị nhòe. (Tính chất nhòe đi, mờ đi này rất quan trọng trong việc cảm nhận thế giới, nó chính là nguyên lý để cảm nhận, nhận thức thế giới mà Phật giáo gọi là vô minh, mắt xích đầu tiên của thuyết Thập nhị nhân duyên. Nhờ có cái vô minh này chúng ta mới thấy và cảm nhận H2O là nước, chứ nếu không bị mờ mịt đi thì chỉ cảm nhận được là proton, neutron, electron hay 0 và 1 chứ không phải nước -TB)
Muốn thực hiện những thí nghiệm với năng lượng tương ứng với kích cỡ Planck là điều vô vọng vì chúng ta phải cần những máy gia tốc lớn bằng cả Thiên hà. Song nghiên cứu những thăng giáng do tiếng ồn toàn ảnh là điều khả thi, vì kích cỡ của chúng chỉ bằng khoảng 10-16 m (mười lũy thừa trừ 16 mét.) Nếu chúng ta nằm trong một hologram, ta có thể biết được điều đó bằng cách đo độ mờ tiếng ồn toàn ảnh này.
Một nhóm các nhà vật lý Đức và Anh làm việc tại một hệ thống thiết bị phát hiện sóng hấp dẫn (gravitational wave detector) đặt tại phía nam Hanover, Đức Quốc gọi tắt là GEO600. Thiết bị này có hai cánh tay mỗi cái dài tới 600m. Ngày 15-01-2009, trong khi đang truy tìm sóng hấp dẫn, thiết bị đã ghi đo được một tiếng ồn lạ lùng mà họ không giải thích được. Nhà vật lý Mỹ CRAIG HOGAN đã tiên đoán sự tồn tại của tiếng ồn đó và đồng nhất tiếng ồn đó với tiếng ồn toàn ảnh (holographic noise) của vũ trụ. Trong vũ trụ toàn ảnh, mọi thực thể trong không gian và thời gian đều liên thông với nhau (interconnectedness) và cách tiếp cận toàn ảnh giúp thống nhất hấp dẫn và lượng tử (bài toán số một của vật lý) và rộng hơn cung cấp một tầm nhìn nhất quán đối với mọi hiện tượng thuộc vật lý, sinh học, bệnh học, tâm lý học, ngoại tâm lý học (parapsychology)… Vũ trụ toàn ảnh nếu đúng sẽ mở ra một kỷ nguyên khoa học mới có chiều sâu hơn hiện nay (ScienceDaily Feb.4, 2009).
Craig Hogan nói rằng nhóm GEO600 đã tiến đến giới hạn cơ bản của thời- không, đã tiến đến điểm mà continium phẳng phiu của Einstein chấm dứt, nhường chỗ cho cấu trúc dạng “hạt” gián đoạn, nhóm GEO600 đã chạm ngõ đến sự thăng giáng (fluctuation) “run rẩy” lượng tử của thời- không, một mức sâu của thực tại trong vũ trụ hologram. Tại những khoảng cách vi mô với kích thước cỡ 10– 33cm (độ dài Planck) không thời gian có cấu trúc gián đoạn như được cấu tạo bằng những pixel (điểm ảnh) .
GS Bernard Schutz (Viện Thiên văn Hoàng gia Anh) nói: nếu tiếng ồn toàn ảnh được phát hiện thì đây là tín hiệu của một kỷ nguyên mới trong vật lý cơ bản (ScienceDaily, Feb.4,2009). GS Karsten Danzmann, Giám đốc Viện Albert Einstein Hannover dè dặt hơn phát biểu: vấn đề tiếng ồn toàn ảnh đã đặt nhóm nghiên cứu GEO600 vào tâm cơn lốc của một nghiên cứu cơ bản quan trọng của thế kỷ. Nhóm các nhà vật lý GEO600 đang tích cực thu thập dữ liệu để chứng minh liệu tiếng ồn họ thu được có phải là tiếng ồn toàn ảnh hay không? Nếu nhóm GEO600 đã tìm thấy những gì mà Craig Hogan phỏng đoán thì chúng ta đang ở trong một hologram vũ trụ khổng lồ.
Năm 1982 Alain Aspect (Đại học Paris) đã thực hiện một thí nghiệm có thể nói là quan trọng nhất trong thế kỷ 20, liên quan đến nghịch lý EPR, chứng minh rằng trong những điều kiện nhất định các hạt như electron, photon có thể tức thời liên lạc với nhau bất kể khoảng cách giữa chúng là 10 m hay 10 triệu dặm.
Theo David Bohm thì thí nghiệm của Aspect cũng chứng minh vũ trụ quả là một hologram (toàn ảnh). Trong nghịch lý EPR , theo Bohm thì Einstein sai lầm vì cho rằng hệ đó là hai hạt riêng lẻ trong khi phải xét chúng như một hệ không phân chia được. Và không phải các electron đã truyền thông tin cho nhau theo một cách bí ẩn nào đó mà là sự phân cách giữa chúng chỉ là một ảo tưởng. Ở chỗ sâu kín, các hạt đó không là những thực thể riêng lẻ mà chỉ là những biểu kiến của một thực thể cơ bản.
Rộng hơn, mọi thành phần của vũ trụ ở chỗ sâu kín đều liên thông với nhau (interconnectedness) và ngược lại vũ trụ hiện hữu trong mỗi bộ phận (“whole in every part”). Theo Bohm ta thấy được những thực thể riêng biệt vì ta chỉ nhìn được một khía cạnh của thực tại. Các thực thể riêng biệt đó chỉ là những bóng ma (eidolon) còn vũ trụ tự thân là một hình chiếu, nói cách khác là một hologram.
Các electron của nguyên tử carbon trong não bộ của con người liên thông với các nguyên tử của mỗi con cá hồi đang bơi, của mỗi quả tim đang đập và của những vì sao đang chiếu sáng trên bầu trời. Vì sự liên thông phổ quát này mà trong vũ trụ toàn ảnh, thậm chí không gian và thời gian không còn là cơ bản nữa! hay nói cách khác là không có thật.
Những khái niệm như tọa độ và thời điểm sẽ không còn ý nghĩa trong một vũ trụ mà không một vật gì được tách rời với vật khác trong không gian và thời gian. Tại mức sâu kín này, thực tại là một siêu hologram trong đó quá khứ, hiện tại và tương lai quyện vào nhau và tồn tại đồng thời. Tại mức sâu siêu hologram nếu tìm được phương pháp thích hợp chúng ta có thể làm tái hiện được những cảnh tượng từ quá khứ xa xôi.
Chính vì lẽ này mà trong World Cup 2010 tại Nam Phi, chú bạch tuộc Paul đã đoán đúng kết quả của 8 trận đấu trong đó 7 trận có đội Đức tham dự, cuối cùng đoạt hạng ba, và trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Hà Lan với chiến thắng vô địch thuộc về đội Tây Ban Nha. Bạch tuộc Paul thật ra không phải dự đoán, mà đúng như suy nghĩ của David Bhom, quá khứ, hiện tại, tương lai tồn tại đồng thời. Đối với người bình thường trên địa cầu, các trận đấu chưa diễn ra, nhưng Paul là một linh vật có khả năng thấy được phần ẩn khuất của thế giới. Tương lai chưa diễn ra là đối với địa cầu, nhưng nó đã có sẵn ở đâu đó rồi, nếu dự đoán thì không thể chính xác được vì nó bị chi phối bởi nguyên lý bất định mà Heisenberg đã nêu ra năm 1927, nhưng vì nó có sẵn nên chúng sinh nào có huệ nhãn thì thấy được và chỉ cần nói ra cái thấy đó thôi. Ngài Trí Dược Tam Tạng cũng đã từng nói trước là 170 năm sau khi ông viên tịch thì sẽ có một đại thánh tăng đến chùa Bảo Lâm để hoằng pháp, thực tế diễn ra đúng như vậy, Huệ Năng đã đến và làm cho Thiền tông đại hưng thịnh. Ngày nay nhục thân bất hoại của Huệ Năng vẫn còn tại ngôi chùa đó mà ngày nay đã đổi tên thành Nam Hoa Thiền Tự bên dòng suối Tào Khê tại Thiều Châu, cách Quảng Châu 220 km về phía bắc.
Việc quá khứ, hiện tại, tương lai, tồn tại đồng thời và đều không có thật vì vũ trụ là số, vũ trụ là ảo, đã được các bậc giác ngộ nhận thức. Cụ thể là bà già bán bánh rán đã gặp sư Đức Sơn Tuyên Giám, câu chuyện có ghi trong Thiền sử Trung Quốc. Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám (德山宣鑒782-865) sống vào đời Đường ở Trung Quốc, đã gặp một thách thức về thời gian như sau :
Sư họ Chu, quê ở Kiếm Nam, Giản Châu đời Đường (唐代劍南道简州人), xuất gia lúc 20 tuổi. Sư thông Luật tạng và các bộ kinh, luận. Vì thường giảng Kinh Kim Cang nên người đời gọi sư là Chu Kim Cang. Nghe Nam phương Thiền tông thịnh hành, sư bất bình nói: “Kẻ xuất gia muôn kiếp học uy nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật mà còn chưa thấy gì. Bọn ma con ở phương nam dám nói ‘Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.’ Ta phải ruồng tận hang ổ của chúng, diệt hết nhóm ma quái để đền ân Phật.”
Sư bèn khăn gói lên đường, mang theo bộ Thanh Long sớ sao tới Lễ Châu. Trên đường, sư gặp một bà già bán bánh rán, bảo bà lấy ít bánh ăn điểm tâm. Bà chỉ cái gánh của sư hỏi:
“Gói này là gì.”
Sư trả lời: “Thanh Long sớ sao.”
Bà nói: “Tôi có một câu hỏi, nếu thầy đáp được, tôi xin cúng dường bánh điểm tâm. Bằng đáp không được, mời thầy đi nơi khác.”
Sư đồng ý, bà liền hỏi: “Trong kinh Kim Cang có nói ‘Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.’ Vậy thầy muốn điểm tâm nào?”
Sư bối rối rồi lặng thinh, không đáp được. Bà già liền chỉ sư đến tham vấn thiền sư Long Đàm Sùng Tín. Sau đó sư Sùng Tín giúp Đức Sơn giác ngộ, mới hiểu được lời nói của bà già bán bánh.
Các sự kiện kể trên chứng tỏ vũ trụ đúng thực là ảo; vật chất, năng lượng đều chỉ là thức, là thông tin. Khối lượng vật chất cũng không có thật. Điều gì chứng tỏ ?
Thứ nhất : Mặc dù các nhà khoa học còn dè dặt chưa dám kết luận, nhưng tiếng ồn toàn ảnh mà nhóm GEO600 phát hiện quả thật chứng tỏ không gian vũ trụ tràn ngập các bit thông tin nói lên bản chất số của vũ trụ.
Thứ hai : Thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 cũng như các thí nghiệm về sau, nhất là của Nicolas Gisin năm 2008 và của Maria Chekhova năm 2012 về hiện tượng vướng víu lượng tử, chứng tỏ rằng một electron hay một photon có thể xuất hiện đồng thời ở hai hay rất nhiều vị trí khác nhau trong không gian, dù các vị trí cách nhau bao xa, các hạt đều có thể tương tác tức thời không mất thời gian. Điều đó chứng tỏ số lượng vật chất, khoảng cách không gian và thời gian đều là ảo.
Thứ ba : Hễ cái gì là ảo thì đều tương đồng với thế giới thông tin, thế giới của tin học. Vũ trụ là ảo thì tất nhiên vật chất và năng lượng phải là thông tin. Heisenberg đã xác nhận nguyên tử không phải là vật (Atoms are not things) Vậy nguyên tử là gì? Nguyên tử, viên gạch đầu tiên của vật chất phải là thông tin.
Thứ tư : Duy thức học Phật giáo, tương truyền do Phật Di Lặc thuyết cho Vô Trước nghe, sau đó Vô Trước cùng với em là Thế Thân lập nên học thuyết Duy thức, sau được Huyền Trang mang về Trung Quốc lập nên phái Pháp tướng tông. Bộ Thành Duy Thức Luận của Huyền Trang tổng kết “Vạn pháp duy thức” Thức tức là thông tin. Vạn pháp duy thức nghĩa là tất cả các pháp dù là tâm thức hay vật chất cũng đều là thông tin.
Thứ năm: Thông tin của vũ trụ chứa ở đâu ? Cơ chế nào khiến dữ liệu thông tin biến thành vũ trụ vạn vật? Theo Duy thức học thì thông tin của Tam giới chứa trong A-lại-da (Alaya) thức. Nó là một kho dữ liệu ảo, không có thật nhưng có tác dụng. Tại sao lại như thế? Điều này là bất khả tư nghị, trí óc con người không thể hiểu được. Kinh Kim Cang diễn tả nó bằng câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” Kỳ tâm là cái tâm chân như bất nhị. Nó là tánh Không nhưng có công năng vô lượng không thể nghĩ bàn. Nó là tánh Giác còn gọi là Chánh biến tri, hiểu biết vô lượng, bởi vậy có dân tộc gọi nó là Thượng Đế, có dân tộc khác gọi nó là Trời. Các nhà khoa học thấy nó là chân không lượng tử không ngừng dao động thăng giáng sinh ra năng lượng rồi lại biến mất cứ thế tiếp tục mãi mãi không bao giờ ngừng. Nó có khả năng sinh ra các hạt ảo mà ngày nay các nhà vật lý tổng kết thành mô hình chuẩn của vật lý gồm 17 hạt như sau :
Mô hình chuẩn của Vật lý (Standard Model of Physics)
Trên quả địa cầu này chỉ cần 7 hạt : quark up, quark down, electron và 4 hạt truyền lực (forces) là đủ để tạo ra vạn vật. Chính tánh Giác hay Chánh biến tri đó hướng dẫn các hạt ảo kết hợp thành nguyên tử, phân tử, chất sống, sinh vật, con người có bộ não phát triển như ta thấy ngày nay. Thời xa xưa khi con người chưa xuất hiện thì không có quả địa cầu cũng không có vũ trụ vì chưa có ai nhận thức. Tuy nhiên quả địa cầu và vũ trụ đã có ở dạng tiềm năng, nghĩa là có một cấu trúc ảo nhưng chưa thành hiện thực. Cấu trúc đó chỉ là ảo vì nó do các hạt ảo tạo ra nên nói không có cũng không sai, còn nói có thì là dạng tiềm thể. Dạng tiềm thể này được Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, người phát minh ra nguyên lý bất định - không thể đồng thời xác định vị trí và vận tốc hay động lượng của một hạt, ví dụ electron) phát biểu như sau : “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).
Dạng tiềm thể này Phật giáo gọi là vô thủy vô minh. Gọi vô thủy vì nó là cấu trúc ảo không có thật thì làm gì có bắt đầu. Gọi vô minh vì không thể xác định nó là cái gì, chưa phải là vật, không phải có mà cũng không phải không có.
Vậy khi nào thì tiềm thể đó mới trở thành vật ? Khi tánh Giác tạo ra được cấu trúc ảo của loài hữu tình mà thượng đẳng nhất là con người có lục căn, lục trần và lục thức. Con người cũng là một loại cấu trúc ảo tức không có thật, nhưng nó lại có khả năng phát ra nhất niệm vô minh. Loại vô minh này là cơ chế ảo hóa, giúp con người tưởng tượng bằng cả 6 giác quan khi tương tác với lục trần phát sinh lục thức. Trong lục thức thì ý thức do não tổng hợp và phân biệt dữ liệu từ lục căn là quan trọng nhất. Nó có khả năng phân biệt ra từng cặp phạm trù mâu thuẫn như sáng tối, nóng lạnh, mềm cứng, mặn ngọt, đẹp xấu, ngon dở, ưa ghét… Nói nhất niệm là vì mỗi lần nó phát sinh một niệm và cứ liên tiếp như thế. Nói vô minh là vì tất cả các nhận thức này đều là tưởng tượng mê mờ chứ không có gì là thật cả. Ví dụ với cấu trúc H2O tất cả lục thức đều đồng bộ tưởng tượng là nước chứ thực ra thì chỉ là proton, neutron và elctron, thực tế sau cùng chỉ là tưởng tượng chứ không có gì cả (rốt ráo là tánh không).
Tóm lại chủ thể (con người ảo) tương tác với đối tượng (vật ảo) thành ra vật thật với màu sắc, âm thanh, hình dáng, thơm thúi, chua cay mặn ngọt, trơn nhám, đau sướng…tất cả đều là tưởng tượng rất có cơ sở và rất rõ ràng.
Trên đây là nói theo vật lý học. Còn nói theo tin học thì vũ trụ chỉ là các bit thông tin theo mô hình của Craig Hogan đã trình bày. Ở dạng ẩn thì bit thông tin bị cuốn lại nên vô hình, nằm trong kho chứa là Alaya thức, nhưng được sắp xếp, mã hóa theo nguyên lý toàn ảnh. Ai chưa đọc qua nguyên lý này thì coi lại bài :
Ở dạng hiện thì các bit thông tin đó phóng hiện thành Tam giới. Vấn đề mã hóa và giải mã các bit thông tin hiện nay còn là điều bí ẩn đối với con người, nó có phần giống như tin học của nhân loại hiện nay nhưng phải cao cấp hơn rất nhiều, số lượng thông tin của nó vô cùng khổng lồ nên các siêu máy tính nhanh nhất của loài người hiện nay vẫn còn là quá chậm. Loài người phải bước vào thời đại máy tính lượng tử mới có hi vọng xử lý nổi các bit thông tin vũ trụ.
Bậc thánh trí giác ngộ không khởi lên nhất niệm vô minh thì tất cả chỉ là tánh không, còn người mê khởi lên nhất niệm vô minh thì thấy có vũ trụ vạn vật và chúng sinh và bị đủ thứ chướng ngại. Tại sao Trương Bảo Thắng có thể đi xuyên qua tường? Vì khi đó anh ta không khởi nhất niệm vô minh nên thân thể anh ta và bức tường đều không có thật. Kinh điển nói bậc thánh cũng có thế lưu bố tưởng tức cũng phải khởi nhất niệm vô minh để có nhận thức tương đồng với chúng sinh thì mới tiếp xúc với chúng được, nhưng các ngài không cố chấp cho là thật nên không có chấp trước tưởng.
Thứ sáu : Có những thực nghiệm nào chứng tỏ vũ trụ vạn vật là ảo? Những thực nghiệm loại này phải là đặc dị công năng. Sau đây là một số thực nghiệm được ghi nhận trong hai quyển sách được xuất bản chính thức ở Trung Quốc, được sự đồng tình tán trợ của những nhà lãnh đạo và nhân sĩ cao cấp nhất của quốc gia này như : Tổng bí thư Hồ Diệu Bang, Phó chủ tịch nước Vương Chấn, Phó thủ tướng Dư Thu Lý, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Ngoại trưởng Cơ Bằng Phi, Tiến sĩ hàng không và toán học Tiền Học Sâm, người đầu đàn xây dựng nền hàng không vũ trụ của Trung Quốc.
Có một số người cho rằng những câu chuyện về Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý là bịa đặt, phản khoa học, có lẽ họ chưa biết ai là người đã thu thập và viết ra những câu chuyện đó, cũng như chưa biết ai là người đã cho phép chúng được xuất bản chính thức. Dưới đây là câu trả lời, ngoài ra cũng nêu thêm ý kiến của thầy Duy Lực về vấn đề “phản khoa học” :
Hai quyển sách đó là :
1. Siêu nhân Trương Bảo Thắng do Quảng Đông Nhân Dân Xuất Bản Xã phát hành lần đầu năm 1991. Tác giả là Gia Cát Hỉ Hán, Chủ nhiệm Ban Khoa Học Kỹ Thuật thành phố Bổn Khê tỉnh Liêu Ninh.
2. Đông Phương Kỳ Nhân do Nhà xuất bản Đại học Công nghiệp Trung Nam tỉnh Hồ Nam phát hành lần đầu năm 1993. Tác giả là ký giả Liêu Văn Vĩ, Chủ nhiệm Ban biên tập tạp chí Bằng Hữu, tờ báo của Công Đoàn tỉnh Hồ Nam.
Dưới đây là trích ra một ít sự kiện trong hai quyển sách trên.
Qua những câu chuyện có thật này, nếu không thừa nhận vật chất là ảo, giống như những files tin học thì không có cách nào hiểu được tại sao Trương Bảo Thắng lại có thể đi xuyên qua tường hay lấy một quả táo ra khỏi chiếc thùng sắt bị hàn kín, cũng như không cách nào hiểu được tại sao Hầu Hi Quý có thể phục nguyên một chiếc đồng hồ tay bị đập bẹp dí. Hầu Hi Quý có thể biến ra một thau trứng tươi rồi biến ra năng lượng nhiệt để luộc chín thau trứng, cũng có thể lấy một gói thuốc lá hiệu Đỗ Quyên Hoa từ một nơi xa xôi nghìn dặm. Tất cả những sự việc trên đều chứng tỏ vật chất và năng lượng đều là ảo, con người hoàn toàn có thể dùng tâm niệm để điều khiển chúng.
Kết luận : Vật chất và năng lượng đều là ảo hóa. Mà hễ cái gì là ảo thì có tính chất duy thức. Những sự vật ảo trên computer hiện nay như hình ảnh, âm thanh, chữ viết thì mắt, tai và ý thức có thể tiếp xúc, ai cũng thừa nhận. Còn những vật ảo khác thuộc về không gian ba chiều như sông núi, xe cộ, nhà cửa, sinh vật…có thể tiếp xúc bằng 6 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý thức) thì không ai hiểu nổi, không ai tin nổi đó là những vật ảo. Thế nhưng lý trí của chúng ta với sự trợ giúp đắc lực của khoa học, biết rằng vũ trụ vạn vật chẳng qua cũng chỉ là 17 loại hạt ảo. Những loại hạt đó là ảo vì không thể cô lập và lưu trữ chúng một cách riêng rẽ được. Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922) nói “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật).
Cấu trúc của hạt ảo tạo ra vật ảo là vật chất và sinh vật, con người, việc đó đã quá rõ ràng. Lục căn của con người đều là ảo, tiếp xúc với lục trần cũng là ảo, phát sinh ra lục thức. Lục thức chính là thông tin đã đành, mà cả lục căn, lục trần cũng đều là thông tin. Việc này thì tin học hiện nay của loài người đủ sức chứng minh. Trên smartphone hiện nay, chúng ta đều xài bàn phím ảo, máy nghe nhạc ảo. Rất nhiều softwares đã hoàn toàn thay thế cho các thiết bị phần cứng, chứng tỏ căn, trần, thức cũng đều là ảo cả.
Chúng ta vẫn còn phải dùng tới thiết bị phần cứng để liên lạc viễn thông, nhìn thấy và nghe tiếng nói của bà con bạn bè bên kia quả địa cầu. Thế nhưng Bồ tát Quán Thế Âm thì không cần dùng tới bất cứ phần cứng nào, thân thể vật chất cũng không có, không cần bất cứ thiết bị gì, vẫn có thể quán thông với tất cả chúng sinh trong Tam giới. Điều đó chứng tỏ Ngài hoàn toàn dùng softwares để thể hiện tất cả mọi thứ thần thông kỳ diệu nhất. Điều đó cũng chứng tỏ rằng toàn bộ Tam giới đều là thông tin, các cõi Sắc giới và Vô Sắc giới cũng chẳng có gì bí mật cả.
Vậy thì vật chất và năng lượng đều là ảo, là thông tin. Như vậy con người trên địa cầu có cần phải tranh giành đất đai, tài nguyên, biển đảo, nguồn năng lượng hay không? Hay là nên cùng nhau tìm kiếm phương thức làm chủ được tin học vũ trụ, tự mình làm Thượng Đế có phải hơn không? Có hai phương thức làm chủ vũ trụ. Một là theo truyền thống Phật giáo, tham thiền và tu giới định huệ, giác ngộ, làm chủ tâm linh thì có được khả năng như Phật A Di Đà, có thể sáng tạo cả một cõi giới Tây phương Cực lạc vô cùng rộng lớn. Hai là theo khoa học kỹ thuật, tìm hiểu để biết được cách mã hóa và giải mã bit thông tin vũ trụ thì ít ra cũng làm chủ được Thái dương hệ chăng?
Nhưng nói cho cùng, theo Phật pháp, Tam giới duy tâm, làm chủ được tâm tức làm chủ được Tam giới. Còn khả năng của khoa học, có đủ sức mã hóa và giải mã thông tin về vật chất và năng lượng để làm chủ được toàn bộ tài nguyên trên địa cầu không, vẫn còn là nghi vấn vì hiện nay con người chưa hiểu mấy về tin học vũ trụ, chưa chế tạo được máy tính lượng tử nên con đường còn xa. Nếu làm được thì không lo gì thiếu năng lượng, con người không cần phải tranh giành nhau nữa.
Truyền Bình
Bài có sử dụng tư liệu trong bài viết “Vũ trụ là số ?” của Gs. Cao Chi đăng trên tạp chí Tia Sáng điện tử. Xin cám ơn tác giả.
Phụ lục : theo đề nghị của độc giả, tôi sẽ lần lượt đưa lên mạng một số tư liệu khoa học có liên quan đến chủ đề của bài viết bằng video dưới đây :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét