Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

NGUỒN GỐC VIỆT (NAM) của tên 12 con giáp - Ngọ - Ngũ -ngựa (phần 13)

Ngọ hay Ngũ 午 là chi thứ 7 trong thập nhị chi hay 12 con giáp. Biểu tượng của Ngọ là con ngựa dùng chỉ thời gian như giờ Ngọ từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều (chính ngọ là đúng trưa, giữa trưa hay 12 giờ trưa), tháng 5 ... và xác định không gian như hướng Nam. Phần này không bàn về khái niệm thời không gian hay Ngũ Hành/kinh Dịch của Ngọ mà chỉ chú trọng vào các liên hệ ngữ âm của Ngọ và ngựa so với mã 馬 (tiếng Hán Việt/HV cũng chỉ con ngựa). Phần sau sẽ cho thấy mã là tiếng Hán có gốc Hán Tạng, khác hẳn với ngựa tiếng Việt - và liên hệ trực tiếp của Ngọ và ngựa cho thấy tên chi này có nguồn gốc Việt (Nam) chứ không phải Trung Quốc/TQ cũng như tên gọi của 11 con giáp còn lại ...

Ngựa tiếng Thái là maH ม้า, năm Ngọ là maH-mia มะเมีย hay bpee mah-mia ปีมะเมีย. Điều này cho thấy ảnh hưởng trực tiếp của TQ (mã là ngựa) cũng như dạng Ngọ HV của tiếng Việt. Tiếng Lào1 cũng có dạng maH chỉ con ngựa cho thấy vay mượn từ TQ, sa-nga (ngựa) là một dạng khác trong tiếng Lào có thể là tàn tích của một nhóm ngôn ngữ liên hệ đến tiếng Ahom (shi-nga), tiếng Lanna (sa-nga)... Các dữ kiện như tiếng Thái, Lào, Hán Việt ... sẽ không có trích dẫn nguồn (vì rất dễ kiểm tra lại) so với những bài viết hay tài liệu ngôn ngữ đặc biệt hơn.

Giọng Bắc Kinh/BK bây giờ được ghi bằng pinyin (bính âm) rất phổ thông, so với các số sau vần chỉ thanh điệu như ma3 (mǎ BK) hay mẫu tự như H (High, chỉ thanh điệu cao như tiếng Thái maH) - không nên lầm với các số cho phần ghi chú thêm.

1. Giới thiệu tổng quát

Hình ảnh loài ngựa rất thường gặp trong văn hóa Á Đông, khắp nơi trên thế giới vì các khả năng chuyên chở, săn bắn và chiến lược cũng như loài ngựa khá dễ thuần hóa.

1.1 Ngựa trong văn hóa TQ

Lão kí phục lịch : chỉ người có chí lớn

Lão mã thức đồ : chỉ người thông minh lịch lãm

Long mã tinh thần : hàm ý có tinh thần phấn đấu vượt hiểm nguy

Thiên mã hành không : hàm ý ung dung tự tại phóng ngựa phi nhanh ...

Mã đáo thành công, Mã đáo công thành : việc làm thành công sớm - thời xưa khi quân đội xuất chinh thì thường chúc nhau là đánh một lần thì thành công. Thành ngữ này xuất phát từ Nguyên khúc tuyển, Sở Chiêu Công, chiết 1 ... Thành ngữ này rất thông dụng ngay cả bây giờ trong tiếng Việt

Thiên quân vạn mã : chỉ thanh thế mạnh mẽ (hùng mạnh)

Tái ông thất mã (ông già cửa ải mất ngựa) : hàm ý phúc họa không ai biết trước được hay trong điều xấu có thể có điều tốt …

Hồ mã Việt điểu : ngựa Hồ phương Bắc và chim Việt phương Nam khi ở Trung Quốc vẫn nhớ đến quê cũ

Mã cách quả thi : da ngựa bọc thây (trích từ Hậu Hán Thư, câu nói của danh tướng Mã Viện trả lời Hán Quang Vũ về ý chí làm trai thà chết nơi chiến trường).

Mã thượng khán hoa : cưỡi ngựa xem hoa, hàm ý chỉ xem qua loa mà thôi

Mã giác ô bạch (sừng ngựa quạ trắng), mã giác ô đầu (sừng ngựa đầu quạ) ... đều hàm ý chuyện không thể xẩy ra, không thể thực hiện được (ngựa không có sừng, quạ không thể có màu trắng ...)

Mã bất bội chủ : ngựa không phản lại chủ, hàm ý trung thành

Phi lư phi mã : chẳng phải lừa và chẳng phải ngựa, không giống con giáp nào cả ...

Mã nhĩ đông phong (gió đông qua tai ngựa) : vào tai này ra tai kia, không chú ý hay tập trung, nước đổ đầu vịt ...

Mã công Mai tốc (công phu như Mã và nhanh nhẹn như Mai) : mọi người đều có khả năng riêng

Mã mã hổ hổ : lè phè, làm việc không cẩn thận ...

Mã ngưu khâm cư : trâu và ngựa mặt quần áo người, thiếu tư cách ... Cách trang điểm phải thích hợp - so với câu 'cái răng cái tóc là gốc con người' trong văn hóa Việt Nam

Mã thượng bất tri mã hạ khổ : người đi ngựa không biết nỗi khổ của người đi bộ (hoàn cảnh khác nhau khó thông cảm)

Hại quần chi mã : con ngựa làm hại cả đàn, hàm ý một cá nhân làm hại cả tập thể ...

Mã đằng vu tào, nhân huyên vu thất : ngựa chạy trong chuồng và người nói trong phòng - hàm ý một nơi (cơ sở) to lớn

Mã kháo an trang, nhân kháo y thường : cái yên làm nên con ngựa và quần áo làm nên con người – hay ‘người đẹp nhờ lụa, ngựa nhờ yên'2

Mã bất đình đề : ngựa chạy không nghỉ, hành trình không nghỉ ...

Thiên lý mã : ngựa giỏi, nổi bật. Ngựa xích thổ của Quan Công thời Tam Quốc có thể đi rất xa (nên còn gọi là thiên lý câu) nhịn ăn mà chết theo chủ cho thấy tính trung thành của loài ngựa ...

Án đồ sách kí : xem tranh để chọn ngựa

Hãn mã công lao : giải quyết thành công việc nước

Phong mã ngưu bất tương cập : ngựa và trâu có đuổi nhau cũng không gặp, hàm ý hai vật gì không có liên quan với nhau

Mã thủ thị chiêm : đầu làm gì đuôi theo nấy, khi đánh trận phải xem hướng đầu ngựa của chủ Tướng chỉ huy (tới, lui hay ngừng ...) hàm ý vui vẻ hòa thuận và tuân lời chỉ huy

Đao thương nhập khố, mã phóng Nam Sơn : đao thương cất vào kho và cho ngựa ăn cỏ ở núi Nam Sơn, thái độ tiêu cực không phòng bị dễ thất bại (dễ bị kẻ địch phản công).

Mã đề đao biều lý thiết thái - trích thủy bất lậu : bần tiện như thái rau cải bằng móng ngựa - xài nhỏ giọt, keo kiệt ...

Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã : người cùng bản tính thường tìm đến nhau ... 

Mã còn là một họ TQ, như Mã Viện (danh tướng đời Hán). Tổ tiên Mã Viện giỏi thuần ngựa nên có danh hiệu là Mã Phục Quân (người giỏi thuần ngựa).

…v.v…

Đúng ra ta cần cả một cuốn sách dầy2 viết về hình ảnh của loài ngựa trong văn hóa TQ và VN, tuy nhiên phần này chỉ tóm tắt những câu thường gặp cho thấy ảnh hưởng sâu xa của loài vật này qua thành ngữ tục ngữ TQ.

1.2 Ngựa trong văn hóa Việt Nam

Loài ngựa đã gắn bó với loài người từ thời Thượng Cổ, không chỉ có ở Việt Nam. Do đó ta cũng có nhiều ca dao, tục ngữ, khẩu ngữ có hình ảnh loài ngựa - không những thế ngựa đã đóng góp trong quá trình giữ nước qua truyện thánh Gióng3 hay Dóng, Đổng 董.

Truyện Kiều có ít nhất 24 câu ‘dính dáng’ đến loài ngựa như

Ngựa xe như nước áo quần như nêm (câu 48)

Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi (câu 378)

Vó câu thẳng ruổi nước non quê người (câu 1602)

...v.v...

Một số ca dao thành ngữ Việt Nam cho thấy ảnh hưởng của TQ như 'bóng ngựa (câu) qua cửa sổ' hàm ý thời gian qua nhanh, từ câu nói của Trang Tử (Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích, hốt nhiên chi dĩ) và

Bây giờ kẻ Bắc người Nam

Ngựa Hồ chim Việt biết làm sao đây

Và 

Ngựa ai buộc ngõ ông Cai

Hoàn ai mà lại đeo tai bà Nghè

Ngựa ai buộc ngõ ông Nghè

Gà ai lại thả trước hè ông Cai

…v.v…

So với các thành ngữ tục ngữ khác như ngựa non (con) háu (sáo) đá, lên xe xuống ngựa, ngựa quen (theo) dấu (đường) cũ, chạy như ngựa, được đầu voi đòi đầu ngựa, mồm chó vó ngựa, như ngựa bất kham, một con ngựa đau cả tàu chê cỏ, thẳng (như) ruột ngựa, thiếu voi phải dùng ngựa, thân (kiếp) trâu ngựa, ngựa long-cong ngựa cũng đến bến - voi thủng-thỉnh voi cũng đến đò, ngựa dập (xéo) voi giày …v.v…

Ảnh hưởng của loài ngựa rất sâu đậm trong văn hóa dân gian TQ và Việt Nam như đã thấy bên trên; Thành ra để thấy rõ nguồn gốc chữ Ngọ từ nền văn hóa cổ điển nào thì ta phải đi vào chi tiết của cách thành lập chữ và âm Ngọ.

Nếu mã 馬 được dùng cho chi thứ 7 thay vì Ngọ thì không ai đặt vấn đề nguồn gốc phi-Hán của tên 12 con giáp làm gì, nhưng khi xem kỹ lại nguồn gốc thành lập chữ mã từ thời giáp cốt văn, kim văn, chữ triện ... ta thấy rõ ràng là chữ mã 馬 tượng hình con ngựa – xem thêm trang mạng của Richard Sears (cập nhật 2008). 


Tài liệu đính kèm: Tải về (đọc tiếp)
Nguyễn Cung Thông (nguyencungthong@yahoo.com)
Bài do tác giả gửi 

Không có nhận xét nào: