Câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” 應無所住而生其心 trích từ kinh Kim Cang, nhờ nghe câu này mà anh tiều phu Huệ Năng hoát nhiên tỏ ngộ, sau đó có cơ hội làm bài kệ “Bồ đề bổn vô thụ, Minh kính diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai” 菩提本無樹 明鏡亦非台 本來無一物 何處惹塵埃 trình cho ngũ tổ Hoằng Nhẫn của Thiền tông và được truyền y bát để trở thành tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa. Lục Tổ và các môn đồ làm cho Thiền tông đại hưng thịnh, thiền sử ghi nhận có hơn 5000 người kiến tánh.
Kinh Kim Cang, tên đầy đủ là Kim cang (cương) bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (zh. 金剛般若波羅密多經, sa. vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra) là một bộ kinh liễu nghĩa (tức nói ý nghĩa rốt ráo chứ không phải nghĩa phương tiện, do đó không dễ hiểu đối với người bình thường). Có ít nhất 6 bản dịch từ Phạn sang Hán trong đó bốn dịch giả người Ấn (Cưu Ma La Thập, Đạt Ma Cấp Đa, Chân Đế -真諦Paramartha- và Bồ Đề Lưu Chi) và hai dịch giả người Hoa, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh. Trong đó phổ biến nhất là bản dịch của Cưu Ma La Thập (鳩摩羅什 Kumārajīva 344-413, dịch vào đời Diêu Hưng nước Hậu Tần trong thời kỳ các dị tộc xâm chiếm Trung Quốc sau nhà Tây Tấn, trước sau dựng lên tất cả 16 nước, thời kỳ mà sử gọi là Ngũ Hồ loạn Hoa (năm dị tộc xâu xé nước Trung Hoa).
Nội dung kinh là cuộc đàm luận giữa Phật và tôn giả Tu Bồ Đề, bày tỏ ý nghĩa thù thắng, rốt ráo của Phật pháp . Bộ kinh kết luận bằng bài kệ :
一切有爲法 Nhất thiết hữu vi pháp
如夢幻泡影 Như mộng huyễn bào ảnh
如露亦如電 Như lộ diệc như điện
應作如是觀 Ưng tác như thị quán
Tất cả các pháp hữu vi tức là pháp có sinh có diệt, đều như mộng huyễn, như bọt nước, như hạt sương mong manh hoặc như điện chớp, tức không có gì thật sự vững chắc, nên xem xét nhận thức như thế.
Ý kinh nói rằng vũ trụ vạn vật chỉ là ảo ảnh, không phải thật, do đó không nên chấp trước cho là thật. Ngày xưa khoa học chưa phát triển nên trong nguyên tác, các bản dịch và luận giải đều chưa có dẫn chứng khoa học, nên ý nghĩa của câu chủ đề trên còn khá mơ hồ. Ngày nay chúng ta có điều kiện hơn, vì khoa học đã phát triển, nên có điều kiện giải thích cụ thể rõ ràng hơn.
Bây giờ chúng ta sẽ phân tích ý nghĩa của câu chủ đề :
應無所住而生其心 Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm
Ưng vô sở trụ : Đây là câu bàng thái cách (subjonctif) với nghĩa cần phải không có chỗ trụ, nếu chúng ta dùng tiếng Pháp là một ngôn ngữ rất tinh tế để diễn đạt thì có thể dịch : Il faut que vous soyez nonlocal. Hoặc tiếng Anh : You must be nonlocal.
Nhi sinh kỳ tâm : thì cái tâm ấy mới xuất hiện: pour que cet esprit apparaisse. Hoặc tiếng Anh : for the appearing of this mind. Cái tâm ấy tức là tâm giác ngộ.
Thế nào là không có chỗ trụ, tại sao không thể có chỗ trụ ? Đây là chỗ cần dùng khoa học để dẫn chứng. Phật pháp nói rằng các pháp đều là ảo hóa. Mà sự ảo hóa cần đến chuyển động không thể ngừng. Ví dụ để có sự xuất hiện của nguyên tử, electron phải chuyển động vòng quanh hạt nhân rất nhanh và không ngừng. Để cho cuộc sống trong phim sống động như thật, máy chiếu phim phải chạy đều đều không thể ngừng. Các vật thể vi mô hay vĩ mô đều phải chuyển động không ngừng. Hành tinh chuyển động chung quanh mặt trời, vệ tinh như mặt trăng chuyển động chung quanh hành tinh, thái dương hệ chuyển động trong ngân hà, các thiên hà chuyển động không ngừng trong vũ trụ. Tâm thức của con người chúng ta cũng luôn luôn vận động, nhất niệm vô minh cứ nối tiếp nhau thành dòng tâm thức vô tận. Tất cả sự chuyển động đó tạo ra thế giới mà Phật pháp đã tóm tắt trong danh xưng Ngũ Uẩn五蘊 hay còn gọi là Ngũ Ấm五陰, đó là Sắc色,Thọ受,Tưởng想, Hành行,Thức識 .Đó là năm yếu tố tạo thành thế giới trong đó Sắc là vật chất, Hành là chuyển động, Thọ là cảm giác, Tưởng là nghĩ ngợi, tưởng tượng, Thức là nhận biết. Phật pháp nói rằng Ngũ Uẩn Giai Không五蕴皆空 Năm yếu tố cấu thành thế giới đều không có thật nên không thể có chỗ trụ.
Nguyên lý vô sở trụ đã được Heisenberg nhận thức thành nguyên lý bất định (principle of uncertainty) trong vật lý học. Vô sở trụ còn được nhận thức thành định lý bất toàn (Theorem of incompleteness) trong toán học do Kurt Godel phát hiện. Vô sở trụ còn hiển hiện trong nhiều lỗ hổng không thể lấp đầy của Sinh vật tiến hóa luận do Charles Darwin đề xướng. Xem loạt bài về
Khoa học lượng tử tương quan (RQM : Relational Quantum Mechanics) ngày nay cũng đi đến kết luận rằng đã đến lúc chúng ta cần xét lại hình ảnh của thế giới bên ngoài! :
Thực tế khách quan không phải là một thực tế tuyệt đối cũng không phải là một thực tế độc lập mà chỉ là một thực tế tương quan.
Điều này có ý nghĩa cụ thể như thế nào ? Có nghĩa rằng vật không có thật, nhưng chúng ta vẫn thấy có vật, vì cái mà chúng ta thấy là sự tương tác giữa các giác quan của chúng ta (lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ) với mối quan hệ (tương quan) của các cấu trúc ảo của vật chất. Cấu trúc ảo đó là gì ? Từ những hạt ảo là quark và electron, cấu trúc thành proton, neutron, hạt nhân nguyên tử, nguyên tử, phân tử và cuối cùng là thế giới, sinh vật, con người. Vật thì không thật sự hiện hữu, nhưng những hạt ảo làm thành cấu trúc ảo, và chúng ta thấy và tương tác với mối quan hệ giữa các cấu trúc ảo đó.
Tóm lại vì bản chất của thế giới là ảo hóa, là chuyển động nên không thể trụ, không thể dừng lại, kể cả chết cũng không dừng lại, vì thức sẽ chuyển qua một đời sống khác gọi là tái sinh chuyển kiếp, vì bản chất là không nên không có chỗ trụ. Kinh nói :
若以色見我 Nhược dĩ sắc kiến ngã
以音聲求我 Dĩ âm thanh cầu ngã
是人行邪道 Thị nhân hành tà đạo
不能見如來 Bất năng kiến Như Lai
Nếu lấy vật chất để thấy ta (ta là Như Lai) nghĩa là hình dung ta dưới hình thức vật chất với 32 tướng tốt, phương phi tuấn tú, sức mạnh vô địch v.v…Hoặc lấy âm thanh để cầu ta, nghĩa là dùng tiếng nói để tán thán, cầu khấn ta, hay dùng âm nhạc để diễn tả những phẩm đức của ta trong những bài thánh ca tuyệt hay. Thì người đó đã đi sai đường, không thể thấy được Như Lai, nghĩa là không thể giác ngộ. Tóm lại không thể trụ ở các pháp trần.
Bản chất của thế giới là vô sở trụ, nghĩa là không có một điểm cố định nào để dừng nghỉ. Tất cả những chỗ an tĩnh dừng nghỉ đều chỉ là ảo tưởng. Khoa học ngày nay đã hiểu được điều này. Ví dụ một thiền sư đang ngồi tham thiền, liệu thân ông ta có chuyển động không ? Bên trong thân, máu đang lưu thông, nhiều tế bào chết đi, nhiều tế bào mới sinh ra, cơ thể đang tiến hành tiêu hóa, bài tiết, tăng trưởng, không lúc nào ngừng nghỉ. Tâm thức cũng không hề im lặng, nó đang quán tưởng, đang phiêu du qua vô số cảnh giới hay đang phát khởi nghi tình. Cả cái thân tứ đại ấy cũng chuyển động hỗn loạn theo chuyển động xoay tròn của địa cầu, theo chuyển động trên quỹ đạo chung quanh mặt trời, theo chuyển động của thái dương hệ trong ngân hà và theo sự chuyển động của ngân hà trong vũ trụ.
Vô sở trụ còn có nghĩa là khắp không gian và khắp thời gian, không hạn chế ở một chỗ nhất định nào trong không gian hoặc một thời điểm nào trong thời gian. Tính chất này, ngày nay khoa học gọi là nonlocality (bất định xứ). Hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã chứng ngộ tính chất này, vì vậy mới có danh xưng Như Lai, danh xưng này cũng có nghĩa là bất định xứ, đồng thời tuyên thuyết Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Còn khoa học thì mãi đến thế kỷ 20 mới hiểu được qua hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Trên blog này, đã nói rất nhiều về hiện tượng này, nếu cần xem lại thì bấm vào đây :
Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng tính chất bất định xứ chỉ xảy ra trong thế giới lượng tử, còn thế giới đời thường thì các vật thể đều có định xứ. Đó là một nhận thức hạn hẹp, nói hạn hẹp vì họ chỉ mới biết một mà chưa biết hai, họ chưa biết và chưa thấy vật thể cũng có tính chất bất định xứ như lượng tử. Điều này đã được các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý chứng tỏ một cách rõ ràng qua các sự kiện như : Trương Bảo Thắng đã dùng tâm niệm lấy sợi dây nịt đang mang trong lưng quần của một nhà xã hội học ngay lúc ông ta đang đăng đàn diễn thuyết chỉ trích đặc dị công năng. Anh cũng dùng tâm niệm lấy trái táo ra khỏi một thùng sắt mà nắp bị hàn kín. Hầu Hi Quý đã dùng tâm niệm lấy xăng từ Bắc Kinh đổ vào bình xăng của một chiếc xe hơi đang đậu ở suối Sa Cốc, cách đó khoảng 50 km. Những vật đó bản chất vẫn là ảo, là bất định xứ, nên có khả năng di chuyển tự do nếu hành giả có tâm lực đủ mạnh, không một lực nào níu kéo lại được dù đó là chiếc thùng sắt kiên cố.
Tính chất vô sở trụ ngày nay đã được khoa học ứng dụng vô cùng phổ biến với mạng internet và điện thoại di động thông minh (smartphone). Tất cả bài báo, thông tin, âm nhạc, phim ảnh…có thể đến với người sử dụng bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần có sóng thích hợp như wifi, 3G, 4G, sóng vệ tinh v.v…Khoa học còn có tham vọng một ngày kia sẽ chuyển các vật thể đi khắp nơi bằng phương thức gọi là vô tuyến vận tải (télétransport) cũng giống như chuyển thông tin hiện nay. Tất cả đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ. Từ bao đời nay, các vong linh, thần thức, tái sinh chuyển kiếp trong khắp tam giới đều bằng tốc độ của ý niệm, đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ.
Thế nào là nhi sinh kỳ tâm ? Chữ sinh ở đây phải hiểu là xuất hiện chứ không phải sinh ra vì nó vốn đã có sẵn. Khi nào có đủ điều kiện thì nó xuất hiện. Tâm là vô sanh pháp nhẫn, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh như Bát Nhã Tâm Kinh đã nói. Giống như mặt trời bị mây che nên không nhìn thấy, khi nào mây tan thì mặt trời xuất hiện. Kỳ tâm có nghĩa là cái tâm ấy. Cái tâm ấy là tâm giác ngộ, tâm bất nhị. Bất nhị có nghĩa là không phải hai, không phải nhiều, cũng không phải một, tóm lại bất nhị là không có số lượng. Tại sao không có số lượng ? Vì tất cả vật đều là ảo. Một tấm ảnh ảo thì không có số lượng vì nó có thể biến thành vô lượng vô số tấm ảnh. Một vật thể cũng là ảo nên cũng không có số lượng. Hạt photon là ảo nên trong thí nghiệm của Nicolas Gisin năm 2008 tại Geneva, Thụy Sĩ, nó có thể xuất hiện ở hai vị trí khác nhau, cách nhau 18 km theo thiết lập của thí nghiệm. Còn trong thí nghiệm của Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow năm 2012, hạt photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau. Như vậy số lượng vốn là không có thật, tùy ý ta muốn bao nhiêu cũng được. Trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh có kể câu chuyện để biểu thị tính vô lượng cũng như tính bất định xứ của không gian và thời gian, như sau:
Bấy giờ, Xá Lợi Phất nghĩ rằng:
- Sắp đến giờ ăn. Các Bồ Tát sẽ thọ thực ở đâu? Duy Ma Cật biết ý, nên nói rằng:
- Phật thuyết bát giải thoát. Nhơn giả đã thọ hành. Há có xen cái tâm muốn ăn mà nghe pháp ư! Nếu muốn ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cho ông được bữa ăn chưa từng có. Duy Ma Cật liền nhập chánh định. Dùng sức thần thông thị hiện cho đại chúng thấy một cõi phương trên, cách bốn mươi hai hằng sa quốc độ, có Phật Hương Tích thị hiện ở cõi Chúng Hương. Mùi hương cõi ấy bậc nhất, siêu việt mùi hương trời người của các cõi Phật mười phương. Cõi ấy chẳng có tên gọi nhị thừa. Chỉ có chúng đại Bồ Tát trong sạch, đang nghe Phật thuyết pháp. Sự vật trong đó, tất cả đều dùng hương làm thành. Lầu các, vườn tược cho đến đất kinh hành đều có mùi hương. Mùi hương của cơm lan tràn khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Phật cùng các Bồ Tát đang ngồi ăn. Có các thiên tử cùng một danh hiệu gọi là Hương Nghiêm, đều phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, cúng dường Phật và các Bồ Tát. Ðại chúng nơi cõi này đều thấy rõ cả.
Duy Ma Cật hỏi các Bồ Tát rằng:
- Các nhơn giả! Vị nào có thể đến thỉnh cơm của Ðức Phật ấy? Do e ngại sức oai thần của Văn Thù, nên cả chúng đều im lặng.
Duy Ma Cật nói:
- Này các nhơn giả! Chẳng tự hổ thẹn sao?
Văn Thù nói:
- Như lời Phật dạy, chớ khinh sơ học.
Khi đó, Duy Ma Cật chẳng rời chỗ ngồi. Trước mặt đại chúng hóa ra vị Bồ Tát tướng tốt rực rỡ, oai đức thù thắng hơn cả chúng trong hội, mà bảo rằng:
- Ông hãy đến cõi Phật Chúng Hương, bạch như lời tôi đây:
“Duy Ma Cật đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, và vô cùng cung kính tỏ lời hỏi thăm sự ăn ở hằng ngày, ít bệnh, ít phiền não, khỏe mạnh chăng? Mong được cơm thừa của Phật, đem về cõi Ta Bà bố thí làm Phật sự. Khiến kẻ ưa pháp tiểu thừa được vào đại thừa. Cũng khiến cho tiếng tăm của Như Lai ai cũng được nghe.”
Khi ấy, đại chúng trong hội đều thấy hóa thân Bồ Tát bay lên phương trên, đến cõi Chúng Hương đảnh lễ chân Phật và lập lại lời Duy Ma Cật như trên. Các đại sĩ cõi ấy thấy hóa thân Bồ Tát, tán thán việc chưa từng có, liền hỏi Phật:
- Thượng nhơn này từ đâu đến? Cõi Ta Bà ở chỗ nào? Thế nào gọi là kẻ ưa pháp tiểu thừa?
Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:
- Nơi phương dưới cách bốn mươi hai hằng sa cõi Phật, có thế giới Ta Bà là ngũ trược ác thế. Hiện có Phật Thích Ca, đang vì những chúng sanh ưa pháp tiểu thừa, diễn giảng Phật pháp. Ở đó, có vị Bồ Tát tên là Duy Ma Cật, trụ nơi giải thoát bất khả tư nghì. Vì đang thuyết pháp cho các Bồ Tát, nên sai hóa thân đến khen ngợi danh hiệu ta, và tán thán quốc độ này, khiến các Bồ Tát ấy tăng thêm công đức.
Các Bồ Tát hỏi:
- Vị đó như thế nào, sao có sức công đức vô úy hóa ra Bồ Tát thần túc như thế?
Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:
- Thần lực của Duy Ma Cật rất lớn. Thường sai hóa thân đến khắp cõi mười phương bố thí làm Phật sự để lợi ích chúng sanh.
Tức thì Hương Tích Như Lai dùng bát Chúng Hương đựng đầy cơm hương trao cho hóa thân Bồ Tát.
Khi ấy, chín triệu Bồ Tát kia đều nói:
- Chúng con muốn đến cõi Ta Bà cúng dường Phật Thích Ca và muốn gặp Duy Ma Cật với các Bồ Tát cõi ấy.
Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:
- Ðược thôi! Nhưng phải thu nhiếp mùi hương của các ngươi. Chớ khiến chúng sanh cõi kia khởi lòng mê đắm. Lại nữa, hãy bỏ hình dạng của các ngươi. Chớ khiến những người cầu Bồ Tát thừa cõi kia sanh lòng hổ thẹn. Và các ngươi đối với cõi ấy chớ khởi tâm khinh chê mà tự chướng ngại. Tại sao? Mười phương quốc độ đều như hư không. Chư Phật vì muốn hóa độ những kẻ ưa pháp tiểu thừa, nên chẳng hiện cõi thanh tịnh ấy thôi.
Khi hóa thân Bồ Tát thọ lãnh bát cơm xong, cùng với chín triệu Bồ Tát thừa oai thần Phật và thần lực của Duy Ma Cật, ở nơi cõi ấy bỗng nhiên biến mất, chốc lát đến nhà Duy Ma Cật. Lúc đó, Duy Ma Cật liền hóa ra chín triệu tòa sư tử tốt đẹp như trước, các Bồ Tát đều an tọa.
Hóa thân Bồ Tát đưa bát cơm hương cho Duy Ma Cật. Mùi hương của cơm tỏa khắp thành Tỳ Da Ly và đại thiên thế giới. Các Bà La Môn và cư sĩ trong thành Tỳ Da Ly ngửi được mùi hương, thân tâm khoan khoái, tán thán việc chưa từng có.
Trưởng giả Nguyệt Cái cùng với tám mươi bốn ngàn người đến nhà Duy Ma Cật, thấy trong phòng đông đảo các Bồ Tát và những tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, đều rất vui mừng, đảnh lễ các Bồ Tát và đại đệ tử rồi đứng qua một bên.
Các địa thần, hư không thần và chư thiên cõi dục giới, sắc giới ngửi được mùi hương cũng đều đến nhà Duy Ma Cật.
Bấy giờ, Duy Ma Cật bảo Xá Lợi Phất và các vị đại Thanh Văn rằng:
- Các nhơn giả cứ tùy ý dùng cơm cam lồ của Như Lai, vì cơm nầy do đại bi sở huân, nếu có ý hạn lượng mà ăn thì chẳng thể tiêu.
Có hàng Thanh Văn lại nghĩ rằng:
- Cơm này ít thế làm sao đủ cho đại chúng ăn?
Hóa thân Bồ Tát nói rằng:
- Chớ dùng tiểu đức, tiểu trí của Thanh Văn mà đo lường vô lượng phước huệ của Như Lai. Nước bốn biển có thể hết, chứ cơm này thì vô tận. Dẫu cho tất cả mọi người đều ăn từng nắm cơm to bằng núi Tu Di, ăn mãi cho đến một kiếp cũng chẳng thể hết. Tại sao? Vì cơm dư của Người đầy đủ các công đức như vô tận giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến v.v… thì ăn mãi cũng không thể hết được.
Vì thế, một bát cơm cho tất cả chúng trong hội ăn đều no đủ, mà cơm vẫn còn dư. Các Bồ Tát, Thanh Văn, Trời người ăn cơm này rồi, thân thể an vui giống như các Bồ Tát ở cõi Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm, và từ lỗ chân lông phát ra mùi hương cũng như cây hương của cõi Phật Chúng Hương vậy.
Câu chuyện trên giống như truyện thần thoại bịa đặt, nhưng thí nghiệm của Nicolas Gisin và Maria Chekhova chứng tỏ rằng vật chất (hạt photon) quả thật có những tính chất giống như thế. Điều này khó tin đến nỗi, sinh thời Einstein đã không tin, cố bài bác bằng giả thuyết EPR, nhưng ngày nay các nhà khoa học đều biết rằng giả thuyết EPR là sai, lượng tử quả thật có những tính chất giống như trong kinh nói. Nhiều nhà khoa học sẵn sàng xây dựng lý thuyết trên cơ sở thế giới là ảo, vũ trụ là số, như chúng ta đã thấy David Bohm và Craig Hogan đã làm.
Tóm lại Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm biểu thị các tính chất vô sở trụ không thể tưởng tượng nổi của tâm giác ngộ. Đó là tâm như hư không vô sở hữu, nhưng đó lại là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, nó biểu thị rằng không gian, thời gian và số lượng đều là ảo hóa, đều là không có thật. Trong tâm giác ngộ đó thì không có chỗ trụ, không được chấp có, không được chấp không, không vừa có vừa không, cũng không chẳng có chẳng không. Tóm lại là không để lọt vào tứ cú. Tình trạng đó không thể dùng ngôn ngữ, lời nói để diễn tả được, mà phải chứng nghiệm, thiền Ấn Độ gọi là nhập niết bàn, hay chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Còn thiền Trung Hoa thì gọi là kiến tánh thành Phật.
Truyền Bình
Nguồn: http://duylucthien.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét