Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

PHONG THỦY LẠC VIỆT ỨNG DỤNG TRONG KIẾN TRÚC NHÀ RIÊNG

LỜI TỰA

Tác giả: Thiên Sứ - Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Nguồn: Trung tâm NCLH Đông Phương

Kính thưa quí vị và anh chị em quan tâm.

Trong quá trình nghiên cứu Lý học Đông phương, nhân danh Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miến nam sông Dương tử, cá nhân tôi đã thay đổi nguyên lý căn để của thuyết Âm Dương Ngũ hành - "Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt" - thay thế cho "Lạc Thư phối Hậu Thiên Văn Vương". Từ sự thay đổi nguyên lý căn để này, tôi đã hiệu chỉnh, hệ thống hóa và xác định thuyết Âm Dương ngũ hành là một học thuyết hoàn toàn khoa học - căn cứ vào tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học được coi là đúng của tri thức khoa học hiện đại. 

Thuyết Âm dương Ngũ hành tồn tại trong nền văn minh Đông phương qua những phương pháp ứng dụng bao trùm lên mọi lĩnh vực: Từ thiên nhiên, vũ trụ, xã hội, cuộc sống và cho đến từng hành vi của con người có khả năng tiên tri. Đó là các bộ môn dự báo cho mọi lĩnh vực, Đông y...trong đó có kiến trúc xây dựng - mà chúng ta quen gọi là phong thủy.

Sự phổ biến của các phương pháp ứng dụng bao trùm lên tất cả cuộc sống xã hội Đông phương từ hàng thiên niên kỷ. Trong từ mỗi căn nhà, góc đình, phố chợ...gần như ngay cả những bà buôn thúng bán mẹt cũng có thể biết "Thìn , Tuất, Sửu, Mùi, tứ hành xung", sinh năm nào thì mạng gì..vv... cho đến một ông lang, hoặc thày bói trung bình cũng có thể kể vanh vách về lịch sử kinh Dịch, ý nghĩa của các quẻ, sự ứng dụng của kinh mạch và các huyệt đạo...vv... Nhưng tất cả những kiến thức đó và tất cả những bộ môn ứng dụng của thuyết Âm Dương Ngũ hành, không phản ánh bản chất của học thuyết này, khi nó bao trùm lên mọi lĩnh vực từ thiên nhiên, vũ trụ, xã hội cuộc sống cho đến từng hành vi của con người với khả năng tiên tri.

Thuyết Âm dương Ngũ hành giải thích từ sự khởi nguyên của vũ trụ : "Thái cực sinh lưỡng nghi..." cho đến từng hành vi con người - với những phương pháp ứng dụng có hiệu quả trải hàng thiên niên kỷ - tạo nên giá trị tự thân của nó, để tồn tại một cách khách quan, vượt thời gian trải hàng thiên nên kỷ cho đến ngày hôm nay - Với thực tế đó, đã chứng tỏ học thuyết này phải là sự tổng hợp của những trí thức vô cùng đồ sộ, mà nhân loại của nền văn minh cổ xưa đã nhận thức được và hệ thống hóa trở thành một học thuyết bao trùm lên mọi lĩnh vực. 

Tri thức khoa học hiện đại - niềm tự hào của nền văn minh hiện đại - chưa hề có một lý thuyết nào có khả năng như vậy, cho dù, đã có thể sử dụng tất cả những tri thức vật lý, toán học...vv... để có thể đưa con người lên sao Hỏa. Nhưng đó chỉ là sự tổng hợp nhưng tri thức rất cục bộ và ứng dụng riêng lẻ - so với hệ thống lý thuyết của thuyết Âm Dương Ngũ hành thể hiện qua những phương pháp ứng dụng bao trùm lên mọi lĩnh vực. 

Nếu như chúng ta chỉ cần xét một trong nhiều bộ môn ứng dụng của học thuyết này, và nghiên cứu theo định hướng đi tìm bản chất đích thực của toàn bộ hệ thống học thuyết - là cơ sở phương pháp luận của hệ thống ứng dụng đó - thì cũng đủ nhận thấy một hệ thống tri thức rất bao la, kỳ vĩ của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Trong bài viết này, tôi cố gắng mô tả một bộ môn ứng dụng rất phổ biến của thuyết Âm Dương ngũ hành, đó là ngành Phong Thủy của nền văn minh Đông phương - Nhân danh nền văn hiến Việt với danh xưng Phong Thủy Lạc Việt, một cách rất cụ thể là kiến trúc ngay trong căn nhà của tôi.

Danh xưng Phong Thủy Lạc Việt, không phải là một trường phái mới trong phong thủy. Mà đó là sự xác định cội nguồn lịch sử của ngành học này trong văn minh Đông phương. Nó là kết quả của sự hiệu chính có tính học thuật, từ nguyên lý căn để của thuyết Âm Dương Ngũ hành - "Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt" và ứng dụng thay thế cho nguyên lý "Lạc thư phối Hậu Thiên Văn Vương" - trong tất cả mọi lĩnh vực của học thuyết này và cụ thể trong Phong Thủy Lạc Việt. 

Chính sự hiệu chính này, đã xác định cội nguồn của ngành Phong thủy và hệ thống hóa toàn bộ những tri thức rời rạc, mâu thuẫn của bộ môn này - được miêu tả trong cổ thư chữ Hán, quen gọi là trường phái, còn lưu truyền trong nền văn minh Đông phương, khi nền văn minh Lạc Việt sụp đổ ở miền nam sông Dương tử - trở thành một ngành nghiên cứu có tính hệ thống,nhất quán và hoàn chỉnh, có tính quy luật, tính khách quan trong việc lý giải tất cả mọi hiện tượng liên quan đến nó với khả năng tiên tri. Điều này hoàn toàn phù hợp với tiêu chí khoa học cho một lý thuyết khoa học và nhân danh khoa học.

Đến đây, tôi cũng xin được lưu ý rằng: Sự hiệu chỉnh nguyên lý căn để của thuyết Âm dương Ngũ hành và ứng dụng trong hệ thống phương pháp luận của ngành Phong thủy mang tính lý thuyết. Nó chỉ có tác dụng hiệu chỉnh rất cục bộ khi có sự sai lệch giữa hai nguyên lý ứng dụng.
Nó không phải là sự phủ định những gía ứng dụng của ngành này. Những tuyệt chiêu bí truyền và những pho sách ứng dụng có giá trị của các cao thủ phong thủy vẫn là những vấn đề chúng tôi cần học hỏi và tham khảo. Tuy nhiên, sự hiệu chỉnh này xác định tính khoa học về mặt lý thuyết của bộ môn này. Và nó chỉ xác định tính khoa học với Phong thủy Lạc Việt vì sự phù hợp với tiêu chí khoa học của nó.

Kính thưa quý vị và anh chị em quan tâm.

Trước đây, chỉ hơn nửa thế kỷ, có thể nói rằng: tất cả các bộ môn ứng dụng của thuyết Âm Dương ngũ hành đều bị coi là "mê tín dị đoan". Yếu tố căn bản để có sự nhìn nhận sai lệch này chính vì cả một hệ thống lý thuyết liên quan đến hệ thống phương pháp luận trong các bộ môn ứng dụng đã thất truyền, nên nó trở nên mơ hồ và người ta không thể giải thích được mối liên hệ hợp lý của nó giữa những nền tảng lý thuyết là cơ sở tạo ra hệ thống phương pháp luận trong ứng dụng. Nhưng khi tri thức khoa học hiện đại càng phát triển, thì sự nhìn nhận các bộ môn ứng dụng của nền văn minh Đông phương đã được xem xét lại. TTNC LHDP đã tổ chức một cuộc hội thảo quy mô và chứng minh "Phong thủy là một ngành khoa học". Nhưng cuộc hội thảo này, chúng tôi chỉ dừng lại ở sự so sánh những tiêu chí khoa học với một hệ thống những nguyên lý lý thuyết ứng dụng trong bộ môn này. Và chúng tôi chưa có sự thuyết trình sâu về nội dung của nó. Bài viết này như là một sự bổ sung phần nào cho khoảng trống của cuộc hội thảo nói trên.

Người viết bài này, hy vọng qua nội dung của nó, sẽ xác định những gía trị đích thực của ngành phong thủy, tính khoa học và cội nguồn lịch sử của nó - thuộc về nền văn hiến Việt với gần 5000 năm lịch sử.

Hiện nay, rất nhiều người hiểu sai về bản chất của ngành học này. Họ gán ghép tất cả mọi thứ ăn theo phong thủy: Sim số cũng theo phong thủy, biển số xe, cũng theo phong thủy, đặt tên con cái, bảng hiệu cũng theo phong thủy....vv..... Thậm chí gần đây, bùa chú cũng được gán vào môn phong thủy. Thực ra , tất cả những hiện tượng đó, không liên quan gì đến những gía trị đích thực của ngành Phong Thủy học Đông phương. Nó cũng giống như ngành cơ khí chế tạo có thể làm ra những dụng cụ y học, nhưng nó không liến quan gì đến ngành y vậy.

Tất cả những gì mà tôi đã trình bày là nội dung của bài viết này sẽ đề cập đến. Và để có sự liền mạch có tính hệ thống. Trong bài viết này, tôi sẽ lặp lại một cách tóm tắt nội dung của một số bài viết đã trình bày trong sách và các bài viết khác trên diễn đàn - liên quan đến Hà Đồ, Lạc thư và các nguyên lý khác của Phong Thủy - để quí vị và anh chị em quan tâm nhưng không có chuyên môn sâu về Lý học có thể đối chiếu, so sánh.

Xin cảm ơn sự quan tâm của quí vị và anh chị em.

Phong Thủy Lạc Việt là một hệ thống phương pháp ứng dụng, hệ quả trực tiếp của thuyết Âm Dương ngũ hành với nguyên lý căn để "Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt", được phục hồi nhân danh nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm lịch sử - có một nội dung, nhất quán , hoàn chỉnh, có tính hệ thống, phản ánh tính quy luật, tính khách quan và khả năng tiên tri; hoàn toàn phù hợp với tiêu chí khoa học cho một hệ thống lý thuyết khoa học.

Đây là sự khác biệt căn bản với những tri thức rời rạc, mâu thuẫn, mơ hồ từ các mảnh vụn còn sót lại về tri thức của ngành học này vốn ghi nhận trong các bản văn cổ chữ Hán.

Nếu như những tri thức khoa học hiện đại trong kiến trúc và xây dựng là sự thể hiện những nhận thức kỹ thuật kiến trúc và kết cấu xây dựng với tính thẩm mỹ theo nhãn quan thẩm mỹ thời đại - thì - Phong Thủy Lạc Việt chính là một hệ thống tri thức, mô tả quy luật tương tác của tự nhiên với ngôi nhà, được hệ thống hóa, chuẩn hóa và phân loại thành những quy tắc, nguyên lý, tiêu chí và các mô hình biểu kiến trong sự ứng dụng của từng hệ quy chiếu, để quán xét ảnh hưởng của những tương tác này đối với ngôi gia và con người có khả năng tiên tri. 

Căn cứ vào những tiêu chí và nguyên tắc, quy ước này, các phong thủy gia sẽ thiết kế, bài trí nội thất và tiến hành xây dựng căn nhà, hoặc các công trình xây dựng khác. Tùy theo sự hiểu biết và khả năng của các phong thủy gia, mà có thể cùng một hệ thống kiến thức về phong thủy, căn nhà vẫn có những thể hiện kiến trúc hình thức khác nhau. Tương tự như cùng một khóa kiến trúc sư ra trường và cùng thiết kế một ngôi nhà với chức năng sử dụng như nhau, mỗi người vẫn có thể đưa ra phương án kiến trúc khác nhau. Miễn là đồ án của họ phù hợp với những tiêu chí trong kiến trúc và xây dựng.

Kiến thức phong thủy và kiến trúc hiện đại hoàn toàn không hề có mâu thuẫn như nhiều người lầm tưởng. Nhưng nếu chỉ sử dụng kiến thức của kiến trúc và xây dựng hiện đại thì người kiến trúc sư sẽ thiết kế dễ hơn rất nhiều. Vì họ không bị buộc phải tuân thủ một số tiêu chí, và quy định bởi kiến thức phong thủy vốn khá chặt chẽ. Nhưng trong trường hợp này, nếu phạm phải những tiêu chí xấu trong phong thủy thì gia chủ, hoặc người thân của họ có thể gặp phải những điều không may mắn có thể tiên tri. 

Những phương pháp ứng dụng trong phong thủy hoàn toàn khách quan và đầy đủ tính chất khoa học theo tiêu chí khoa học. Nó không vì quan lớn, hoặc dân đen mà thay đổi tiêu chí và những nguyên tắc của nó. Do đó, tuân thủ theo đúng những nguyên tắc và tiêu chí phong thủy thì cũng như uống đúng thuốc, hoặc thuốc bổ, phạm vào các tiêu chí xấu thì cũng như uống thuốc độc và đều có khả năng tiên tri - chứng tỏ tính quy luật khách quan phản ánh trong các qui định và mô hình biểu kiến của phương pháp này.

Bởi vậy, hoàn toàn bất hợp lý khi cùng là hệ quả của một hệ thống lý thuyết mà lại có đến bốn trường phái phong thủy khác nhau và đầy mâu thuẫn được miêu tả trong cổ thư chữ Hán.

Phong thủy Lạc Việt là sự hiệu chỉnh và đã xác định cái gọi là bốn trường phái trong cổ thư chữ Hán thực chất là 4 yếu tố tương tác căn bản trong Phong thủy. Chúng có những phương pháp đặc thù với một hệ quy chiếu riêng trong hệ tương tác của nó và hoàn toàn không hề có mâu thuẫn về mặt lý thuyết. 

Bốn yếu tố tương tác chủ yếu đó là:

1 - Loan Đầu - Cấu trúc môi trường thiên nhiên chung quanh ngôi gia với những quy luật tương tác được mô hình hóa và ảnh hưởng đến ngôi gia, có thể tiên tri. Cổ thư chữ Hán coi đây là một trường phái ứng dụng độc lập.

2 - Cấu trúc hình thể ngôi gia - bao hàm những cơ sở của Dương trạch Tam yếu . Tức là hình thể ngôi gia, bên ngoài và bên trong. Ảnh hưởng của những quy luật tương tác của yếu tố này với con người sống trong ngôi gia có tính quy luật có thể tiên tri. Cổ thư chữ Hán coi đây là một trường phái ứng dụng độc lập.

3 - Ảnh hưởng của địa từ trường trái đất lên con người thông qua ngôi gia. Cổ thư chữ Hán gọi là trường phái Bát trạch.

4 - Ảnh hưởng của sự vận đông các hành tinh gần gũi trái Đất lên ngôi gia vào thời điểm xây cất và nhập trạch. Cổ thư chữ Hán gọi là trường phái Huyền không.

Những trường phái này theo mô tả trong các bản văn chữ Hán là những phương pháp tách rời, ứng dụng một cách độc lập và không có sự liên hệ với nhau. Nội dung của các trường phái này đều có những yếu tố mơ hồ về khái niệm, mâu thuẫn với nhau và có lịch sử ra đời muộn nhất là phái Huyền Không vào thế kỷ XV AC và hoàn thiện vào thế kỷ XIX AC. Sớm nhất là Bát trạch vào thế kỷ thứ II BC.

Phong thủy Lạc Việt coi đây là sự phát hiện riêng phần trong lịch sử Hán hóa các tri thức Việt khi sụp đổ ở miền nam Dương tử và xác định đó chính là bốn yếu tố tương tác với những hệ quy chiếu riêng và là hệ quả thống nhất của thuyết Âm Dương Ngũ hành. 

Sự ứng dụng một cách thống nhất và có hệ thống cả 4 yếu tố tương tác này trong kiến trúc nhà ở của người viết là một minh họa cho quan niệm trên. Và không phải là duy nhất.

Do tính phổ biến trong ứng dụng của ngành Phong Thủy Đông phương trải hàng ngàn năm. Đến nay, rất nhiều người vì kém hiểu biết đã đơn giản hóa môn phong thủy. Họ quan niệm Phong thủy chỉ là việc xem hướng bếp, hướng nhà, hướng ngồi làm việc, ngủ thì nằm quay đầu về đâu ...vv...

Nhưng ngành phong thủy thực sự lại không hề đơn giản như vậy. Phong thủy là một ngành học có kiến thức tổng hợp rất đồ sộ về những quy luật tương tác của thiên nhiên với cuộc sống của con người, có khả năng tiên tri. Để ứng dụng kiến thức phong thủy vào một ngôi gia, đòi hỏi phong thủy gia - ngoài kiến thức phong thủy - phải có một kiến thức rộng về nhiều mặt. Trong đó cần có cả khả năng cảm thụ nghệ thuật, sự tinh tế trong thẩm mỹ và kiến trúc. 

Ngành Phong thủy Đông phương, cũng không chỉ giới hạn ở phần Dương trạch: phân bổ khu đô thị, dân cư, xây dựng dự án, tư gia...vv...Mà còn cả vấn đề Âm trạch. Tức là mối liên hệ giữa nơi đặt huyệt vị người thân đã khuất và ảnh hưởng tương tác đến người còn sống..

Để thực hiện một dự án phong thủy đơn giản nhất là phong thủy cho một ngôi gia - chưa nói đến những công trình phức tạp hơn, như: xí nghiệp, nhà chung cư, khách sạn; hoặc qui mô hơn như khu chung cư; khu đô thị, thậm chí cả một thành phố... thì vấn đề còn phức tạp hơn nhiều.
Trong trường hợp những dự án lớn - từ khu chung cư trở lên đến cấp thành phố - những kiến thức về Âm trạch phải được xét đến, như: long mạch, nơi vượng, thoái khí ...vv.....phải được đặt ra.

Nội dung bài viết này, như tôi đã trình bày - mô tả sự ứng dụng phong thủy Lạc Việt ứng dụng trong một ngôi gia cụ thể là kiến trúc của ngôi gia nhà của tôi. Và từ đấy sẽ chứng tỏ rằng: Để thực hiện một phương án phong thủy - dù chỉ cho một ngôi gia - cũng cần đến một sự tính toán, tham chiếu hết sức phức tạp như thế nào.

Chúng tôi bắt đầu từ nguyên lý căn để của thuyết Âm Dương ngũ hành nhân danh nền văn hiến Việt.

Hà Đồ trong văn minh Lạc Việt.

Danh xưng phong thủy Lạc Việt là hệ quả của sự hiệu chỉnh từ nguyên lý căn để cho toàn bộ hệ thống ứng dụng của thuyết Âm Dương ngũ hành - nhân danh nền văn hiến Việt trải gần 5000 năm lịch sử, một thời huy hoàng ở bờ nam sông Dương tử. Đó chính là Hà Đồ phối Hậu thiên Lạc Việt so sánh với nguyên lý căn để được ứng dụng trong cổ thư chữ Hán là Lạc Thư phối Hậu Thiên Văn vương. Bạn đọc xem hình dưới đây:


Hậu thiên bát quái Văn Vương phối Lạc thư



"Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt".

Những luận cứ có tính hệ thống và nhất quán chứng minh "Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt" chính là nguyên lý căn để đích thực trong tất cả mọi phương pháp ứng dụng của thuyết Âm Dương ngũ hành đã được mô tả trong cuốn sách đã xuất bản: "Hà Đồ trong văn minh Lạc Việt". Bạn đọc có thể tham khảo toàn bộ nội dung của cuốn sách này ngoài trang chủ của diễn đàn. Ở đây, tôi chỉ đưa lên hình ảnh để đối chiếu, so sánh với sự ứng dụng cụ thể trong kiến trúc nhà của tôi.

Sự thay đổi nguyên lý căn để này - nhân danh nền văn hiến Việt - đã dẫn đến sự phục hồi những yếu tố căn bản cấu thành thuyết Âm dương ngũ hành, giải thích và phục hồi những gía trị đích thực của Lạc thư hoa giáp, hiệu chỉnh Tử Vi Lạc Việt và hợp nhất một cách hoàn chỉnh những nội dung rời rạc, thất truyền và sai lệch trong cổ thư chữ Hán của ngành phong thủy - hoàn toàn phù hợp khi so sánh với tiêu chí khoa học cho một lý thuyết nhân danh khoa học.


Môi trường cảnh quan nhà của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Yếu tố Loan đầu.

Căn nhà của tôi có diện tích đất xây dựng là 127 mét vuông. Hướng Tuất, Tọa Thìn. Nằm ở khúc quanh bên sông Sài Gòn, Bên kia sông là khu du lịch Bình Quới gần cư xá Thanh Đa nổi tiếng một thời. Vị trí ngôi nhà trong cảnh quan này, được thể hiện màu đỏ, lớn hơn tỷ lệ thật cho dễ nhìn, trong bản vẽ dưới đây:


Quán xét mối quan hệ giữa cảnh quan môi trường với ngôi gia, cổ thư chữ Hán quen gọi là trường phái Loan Đầu. Thực ra với Phong Thủy Lạc Việt thì đây chính là một trong bốn yếu tố tương tác cấu thành hệ thống ứng dụng của ngành Phong Thủy Lạc Việt. Bô môn Loan đầu có một hệ quy chiếu và những nguyên lý , quy tắc riêng trên cơ sở hệ thống lý thuyết của thuyết Âm Dương ngũ hành. Đây là yếu tố đầu tiên cần được xét đến khi chọn đất và xem xét ảnh hưởng của tương quan môi trường với vị trí căn hộ.

Ở vị trí địa lý này - theo quan niệm về "Khí" của Phong thủy Lạc Việt - thì căn hộ của tôi, hoàn toàn bất lợi về Âm khí. Âm khí vượng và tụ lại từ địa danh Vườn Lài đến phía dưới cầu Thanh Đa trên bản đồ và ở mé bên trái sông Sài Gòn - trừ bán đảo Thanh Đa (Bán đảo Thanh Đa là vị trí suy khí nặng). 

Nhưng bù lại, chính hai cây cầu Bình Lợi và Bình Triệu đã dẫn khí vào khu vực căn hộ của tôi.
Vị trí căn hộ được thế Thanh Long, Bạch hổ cân đối. Nhưng hậu sơn có vấn đề, chính vì dòng sông uốn quanh sau nhà. Nhưng xét tổng quan về hình thể thì đấy là một thế đất xấu - Bị phạm cách "Thượng sơn hạ thủy" (Trên núi ngậm nước) , cho tất cả những ngôi gia có hướng Bắc, Tây Bắc tọa Nam, Đông Nam - nếu như không khắc phục được hiện trang này thì hậu vận rất phiền phức, mặc dù từ sau nhà tôi ra đến bờ sông còn cả 3/ 400m. Tuy nhiên, với những ngôi gia có hướng Nam, Đông nam thì không phạm cách này, nhưng lại nghịch Long hổ, cũng không thật tốt.

Có thể nói rằng: Nếu như dòng sông Sài Gòn chảy đến cầu Bình Triệu, chảy thẳng theo kênh Thanh Đa thì thế đất còn tạm được. Chính khúc quanh sang phải làm nên bán đảo Thanh Đa đã phá thế đất căn hộ của tôi. Nhưng bù lại, chính cái "võng nước" phía sau nhà lại là nơi tụ Thiên khí do từ trường trái đất tạo ra. 

Nếu xét về khu vực vượng khí trên bản đồ này thì hai trục: tọa Bắc triều Nam và Tọa Tây Bắc, hướng Đông Nam (Theo PTLV) bên trái sông Sài Gòn trên bản đồ này đểu rất tốt. Bên phải sông Sài Gòn rất xấu, đặc biệt là bán đảo Thanh Đa. Thế đất của tôi còn tạm được, ngoại trừ cách xấu đã nói ở trên.


Mô hình phân cung, điểm hướng với huyệt khí bảo châu này, hoàn toàn nhất quán với nguyên lý căn để: "Hà đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt". Trong đó phần Đông trạch gồm các phương vị Bắc (Khảm); Đông (Chấn); Nam (Ly); Tây nam (Tốn) để tô màu vàng. Tây trạch màu trắng. 

Khí mạch từ dòng sông Sài Gòn từ hướng Tuất dẫn lại. Đây chính là hướng chuẩn của căn hộ, hợp với Bảo Châu huyệt khí "Canh". Dòng sông mở rộng, ôm lấy cuộc đất rất hữu tình, tạo nên thế "Tả Thanh Long" tuyệt đẹp cho cuộc đất. Nhưng ở thế "Hình hữu dư, thần bất túc" - cái này anh chị em PTLV cao cấp đều đã biết: Khí tụ bên Hữu ngạn sông, bên Tả ngạn vô khí - nếu như không có hai cây cầu dẫn khí qua.

Nhưng cũng phải nói rằng: chúng tôi đã chọn cả chục cuộc đất - tất nhiên là trong phạm vi túi tiền cho phép - ở khắp ngõ ngách Sài Gòn. Cuối cùng xét thấy cuộc đất này có thể "khắc phục được khuyết điểm và phát huy ưu điểm" - trên cơ sở tiêu chí và những nguyên tắc của PTLV, nên quyết định mua miếng đất này.

Hòn non bộ này được trấn trạch phía sau nhà, khắc phục sự khiếm khuyết của cách xấu "Thượng sơn hạ thủy" ( Nước tụ phía sau nhà)(*).

Về yếu tố Loan đầu - Cảnh quan môi trường - thì trên thực tế của cuộc sống hiện đại rất khó lựa chọn theo ý muốn. Thế đất của tôi còn bị một yếu tố xấu nữa: Đó chính là mỗi khi triều cường, lòng đường lại ngập nước. Xét tương quan ngôi nhà và môi trường lại phạm cách "Dương thịnh, Âm suy". Về mặt kỹ thuật thì Thiên Anh (Hoàng Anh) - Học viên khóa Phong thủy Lạc Việt cao cấp - Giám đốc Cty xây dựng và Nội thất Gia Phúc - bảo đảm làm rất kỹ nền móng. Tất nhiên Thiên Anh sẽ hiểu tôi muốn gì và biết cần phải làm gì với ngôi gia của tôi theo Phong Thủy Lạc Việt. Kết quả của sự xây dựng này về mặt phong thủy chính là nội dung của bài viết này.

Về mặt lý thuyết của thuyết Âm Dương Ngũ hành ứng dụng trong phong thủy - thì - việc đóng cọc, gia cố nền móng , cũng chính là một biện pháp cân bằng Âm Dương ở những cuộc đất nền không cứng chắc (Âm suy). Việc quy hoạch đường nội bộ trong tương lai sẽ nâng cao mặt đường lên khoảng nửa mét (Âm vượng) - Do đó, để cân bằng Âm Dương trước quy hoạch thì nền nhà phải cao - trường hợp này lại phạm cách "Cô Âm" cho chính ngôi gia, khi nền đường chưa nâng cao.

Để khắc phục các cách phạm tiêu chí phong thủy này, cũng còn có cả chút may mắn. Đó là xung quanh ngôi gia của tôi, đều đã có nhà xây cất từ trước. Nền của họ khá cao. Nên cách "cô Âm" của ngôi gia của tôi không hoàn toàn cô Âm. Có thể nói rằng: nếu như ngôi gia của tôi được xây đầu tiên trong cuộc đất này và xung quanh trống trải thì chắc chắn tôi không thể mua miếng đất ở đây để xây nhà.

Qua đó, bạn đọc cũng thấy rất rõ rằng: Chỉ riêng về yếu tố cảnh quan môi trường tác động lên ngôi gia, cũng cho thấy những liên hệ tương tác từ tổng hợp cảnh quan khu vực rộng, cho đến chi tiết chung quanh ngôi gia đều cần phải xét đến.

Trên thực tế thì yếu tố cảnh quan xấu, chỉ có thể khắc phục bởi chính cấu trúc hình thể nhà tương quan.

Phần tiếp theo đây là phần nội dung ứng dụng chính của Phong Thủy Lạc Việt trong kiến trúc ngôi gia của tôi.


Bát trạch Lạc Việt & Cấu trúc hình thể - Hình Lý khí Lạc Việt
Ứng dụng trong kiến trúc ngôi gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh


Trong cấu trúc hình thể nhà được quán xét trên cơ sở hai yếu tố tương tác căn bản - mà cổ thư chữ Hán gọi là "trường phái Bát Trạch" và trường phái "Dương trạch tam yếu", có cân nhắc và tham chiếu với yếu tố cảnh quan môi trường (Loan đầu).

Sự nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy đây chính là hai yếu tố tương tác có mối liên hệ khá chặt chẽ và hoàn toàn không hề mâu thuẫn nhau. Mặc dù chúng có hệ quy chiếu khác nhau và hệ thống phương pháp luận ứng dụng riêng; nhưng chúng hoàn toàn hỗ trợ và bổ sung cho nhau khá chặt chẽ.

Nó tương tự như ngành "gây mê hồi sức" và ngành mổ xẻ trong y học vậy. Không thể coi đây là hai "trường phái" trong y học được. Chính vì tính tương tác phức tạp của các yếu tố trên trong phong thủy và là hệ quả của sự thống nhất từ hệ thống lý thuyết căn bản là thuyết Âm Dương ngũ hành - cho nên có thể sử dụng ưu thế của hệ quy chiếu của yếu tố tương tác này, để khắc phục những yếu tố xấu xét từ một hệ quy chiếu của yếu tố tương tác khác.

Sự mâu thuẫn giữa các "trường phái" trong phong thủy; sự mơ hồ về những khái niệm cũng như nội dung từ cổ thư chữ Hán và tính bất hợp lý trong sự xuất hiên của chính những cái gọi là "trường phái" trong lịch sử phong thủy từ văn minh Hán, thì chúng tôi đã có nhiều bài viết chứng minh trên diễn đàn, bạn đọc có thể tham khảo.

Ở đây, chúng tôi chỉ trình bày về sự ứng dụng của Phong Thủy Lạc Việt, nhằm thể hiện tính nhất quán, hoàn chỉnh, tính hệ thống tính quy luật, tính khách quan và khả năng tiên tri của ngành học này - hoàn toàn phù hợp với tiêu chí khoa học cho một hệ thống phương pháp luận ứng dụng, nhân danh khoa học - thuộc về một nền văn minh cổ xưa, được phục hồi nhân danh nền văn hiến Việt.



Sơ đồ mặt bằng nhà, phân cung theo Bát Trạch Lạc Việt 
- Tức nhất quán với nguyên lý căn để "Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt " (Đổi chỗ Tốn/ Khôn).



Cấu trúc hình thể - Hình Lý khí Lạc Việt " - tương đương "Dương trạch tam yếu"
Sơ đồ phiên tinh phòng.




Cấu trúc hình thể nhà.


Từ sơ đồ kiến trúc nhà và hình ảnh bạn đọc cũng nhận thấy những tiêu chí và nguyên tắc ứng dụng trong phong thủy đều được ứng dụng triệt để và hoàn toàn nhất quán với nguyên lý căn để của thuyết Âm Dương ngũ hành nhân danh nền văn hiến Việt - Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt trong việc phân cung, điểm hướng và kiến trúc.

Quí vị và anh chị em quan tâm thân mến.

Nếu như tri thức khoa học hiện đại xác định được rằng: Bản chất của mọi vật thể có khối lượng trong vũ trụ, đều có cấu trúc từ những hạt vật chất vi mô, gọi là những hạt cơ bản. Thuyết Lượng tử của Vật Lý hiện đại nhận thấy sự giống nhau giữa cái chìa khóa lạnh ngắt và bông hồng đầy cảm xúc. Nhận thức của khoa học hiện đại mới chỉ đạt tới tính trực quan - thông qua các phương tiện kỹ thuật - và mang tính cơ học. 

Nhưng trong Lý học Đông phương, nền tảng nhận thức không những hoàn toàn tương đồng như tri thức khoa học hiện đại, khi xác định rằng: "Vạn vật đông nhất thể";mà còn tỏ ra vượt trội hơn rất nhiều khi ứng dụng trong cuộc sống của con người - cụ thể là ngành phong thủy.

Phong thủy Lạc Việt xác định rằng: Mọi ngôi gia, thậm chí từng căn phòng trong ngôi gia đều có thể coi như những sinh thể sống. Tính biểu tượng và mối liên hệ giữa các biểu tượng với ngôi gia đều được ứng dụng triệt để. Thí dụ như tính tương sinh của Ngũ hành - mái nhà nhọn, đỏ thuộc Hỏa sinh căn nhà vuông ,màu vàng thuộc Thổ; hoặc nhà hình cái ấn: hình "lộ cốt phòng"....vv....Tất cả những cái đó đều mang tính biểu tượng và mối liên hệ tương quan với những biểu tượng đó trong việc tương tác với con người trong ngôi gia.

Qua đó, bạn đọc cũng thấy rằng: Khi khoa học hiện đại mới chỉ dừng lại ở tính nhận thức thì nền văn minh cổ xưa không những cũng có sự tương đồng về nhận thức, mà còn tỏ ra vượt trội khi ứng dụng cụ thể trong cuộc sống của con người, qua mối liên hệ giữa các biểu tượng trong sự ứng dụng trong phong thủy.

Do đó, việc nghiên cứu và ứng dụng Phong Thủy Lạc Việt - và Lý học Đông phương nói chung - đòi hỏi một tư duy trừu tượng rất phong phú và phát triển, để quán xét mối liên hệ giữa mọi hiện tượng.


===================
* Lưu ý: Thế núi trong hình này Âm vẫn còn vượng. Nhưng tôi chưa có thời gian chỉnh sửa lại. Tạm đặt vào đây.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ngôi nhà này mới xây mà tác giả lấy để làm dẫn chứng cho công trình nghiên cứu của mình, thật là nực cười!!!! Sau 5 - 10 năm sau mọi việc vẫn tốt mới có thể gọi là tác dụng của phong thủy.

Với cách lập luận và những dẫn chứng mà tác giả bài viết này trong các sách Hà Đồ trong văn minh Lạc Việt,... thì thấy rằng các dẫn chứng đều cắt xén từ những bài báo, tư liệu trôi nỗi ... và chưa đủ để nói lên điều gì, tác giả chỉ cố tình đánh lừa, dẫn dắt người đọc theo quan điểm của tác giả để tranh thủ sự đồng tình từ lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc sẳn có trong mọi người (mà những người đó chưa biết hoặc biết rất ít về lý học đông phương) để lôi kéo, mê hoặc, làm cho người khác hiểu sai nhằm PR trường phái phong thủy Lạc Việt.

Thật sự, PTLV vẫn chưa được hoàn chỉnh, huyền không phi tinh Lạc Việt vẫn chưa thể viết cho hoàn chỉnh. Trong khi Huyền Không phi tinh chỉ là tiểu huyền không, một phần rất nhỏ của Huyền Không mà không thể đại diện cho Huyền Không trong phong thủy được. Mà tiểu huyền không đã không thể sắp xếp cho hợp lý theo cách phù phép Tốn Khôn của tác giả bài viết thì làm sao viết tiếp các phần khác???? Như vậy thì PTLV trước mắt là một lý thuyết chưa hoàn chỉnh mà PR inh ỏi nhằm thu tiền tư vấn, học tập từ những người chưa biết gì như vậy liệu sẽ như thế nào? PTLV viết xong phi tinh không biết có thể viết tiếp để hợp lý theo sự phù phép Tốn Khôn không?

Giữa lời nói, phát ngôn và hành động thực tế khi tư vấn hay học PTLV sẽ thấy mục đích của sự phù phép là gì? Phải chăng ví ảo danh, tư lợi nên phải sáng tạo ra cái mới, lạ để mọi người hiếu kỳ tìm hiểu, làm theo,... hay đánh vào tâm lý đám đông để PR thu lợi?

Giữa tự hào dân tộc và chân chính trong học thuật là hai cái khác nhau hoàn toàn, không thể lấy tự hào dân tộc để suy diễn cho học thuật, đó là điều mà mọi người nên lưu ý.

Phong thủy ít thì ảnh hưởng họa phúc một gia đình, nhiều thì họa phúc cả dòng họ. Mong mọi người bình tâm suy nghĩ, họa phúc không thể thử được!!!!