« Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ nghe kinh Diệu pháp Liên Hoa phẩm Đề Bà Đạt Đa, sanh lòng trong sạch kính tín chẳng nghi lầm, thời chẳng đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, được sanh ở trước các đức Phật trong mười phương… từ hoa sen hóa sanh »…
Đề Bà Đạt Đa là em chú bác của Phật, cũng tu hành đâu đó đàng hoàng, chỉ có cái lòng tham quá lớn, nhiều lần muốn giết Phật, muốn thay Phật lãnh đạo tăng đoàn, tìm cách gây « mất đoàn kết nội bộ », ném đá giết Phật, xúi voi giày Phật, xúi giục con vua giết vua, chiếm ngôi v.v… Tóm lại, đó là một con người « cùng hung cực ác », xứng đáng cho vào chín tầng địa ngục dài lâu…
Vậy mà ở thời Pháp hoa, Đề Bà Đạt Đa được Phật ca ngợi hết lời, còn thọ ký cho sẽ thành Phật Thiên Vương Như Lai… không thua kém bất cứ một Đại Bồ-tát nào !
Tin nổi không ? Tin một kẻ xấu ác như Đề Bà Đạt Đa, một « kẻ thù » không đội trời chung của Tăng đoàn mà cũng trở thành Bồ-tát, thành Phật ?
Tin quá đi chứ ! Có gì mà không tin ! Trước hết, Pháp hoa đã khẳng định ai cũng sẽ là Phật, ai cũng sẵn có tri kiến Phật, sẵn có Phật tánh cả, như viên ngọc trong chéo áo, chẳng qua vì không biết để nhận ra. Đề Bà Đạt Đa cũng là… người – dù là người ác – nên đương nhiên có viên ngọc quý đó trong chéo áo. Đề Bà Đạt Đa cũng có Phật tánh của mình chứ ! Phật tánh đó cũng « bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm… » chứ, một lúc nào đó nó cũng sẽ hiện ra chứ, cho nên Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật như mọi người mới hợp lý !
Huống chi Đề Bà Đạt Đa lại là người có công rất lớn… đối với Phật. Đề Bà Đạt Đa đã giúp cho Cồ Đàm thành… Phật ! Giả sử không có người ném đá làm chảy máu chân thì có khi Phật quên mình có… chân, quên mình có máu đỏ bởi mãi lo « chánh niệm » tận đâu đâu mà không thấy thân mình là quý, chỉ thấy thân bất tịnh, thọ thị khổ… mà quên thân là tháp báu, quên phải quay về nương tựa chính mình! Không có Đề Bà Đạt Đa gây chia rẻ, thì Phật sẽ không lo xây dựng Tăng đoàn, « củng cố nội bộ », đào tạo lực lượng kế thừa, đề ra những giáo quy phù hợp tình thế…
Cho nên « phản diện », « đối lập » quả là cần thiết, người phản diện đối lập đáng là một… Đại Bồ-tát ! Chướng tai gai mắt đó mà cần biết chừng nào, qúy biết chừng nào. Không có cái đối kháng đó, ta dễ trở thành một thứ « tăng thương mạn » ! Ngay trong cơ thể ta, đã có hệ giao cảm ắt phải có hệ đối giao cảm để mà điều chỉnh.
Hãy nghe Phật kể « công đức » của Đề Bà Đạt Đa : « Do nhờ ông Thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa làm cho ta đầy đủ sáu pháp ba-la-mật, từ bi hỷ xả, mười trí lực, bốn món vô sở úy, bốn món nhiếp pháp, mười tám món bất cộng… và nhờ đó mà thần thông đạo lực, thành bực đẳng Chánh giác rộng độ chúng sanh. Đó là chưa kể có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi món đẹp, thân sắc vàng tía… ». Thấy chưa ! Tất cả đều là nhờ công đức của Đề Bà Đạt Đa đó. « Tất cả công đức đó đều là nhơn thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa cả ! ». Hóa ra Đề Bà Đạt Đa là một… thiện tri thức, một người tạo ra « nhơn » để từ đó mà có « quả » của Phật! Thử tưởng tượng không có Đề Bà Đạt Đa, Phật còn lâu mới có được nhẫn nhục, tinh tấn… còn lâu mới có lục độ vạn hạnh, còn lâu mới có được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi món đẹp, thân sắc vàng tía… ! Cho nên học Phật, trong đời cũng rất nên có những Bồ tát « thuận » và những Bồ tát « nghịch », những Đề Bà Đạt Đa của riêng mình.
Hãy tưởng tượng Đề Bà Đạt Đa là một người… nịnh Phật, suốt ngày khen Phật có những tướng tốt, các món đẹp gì gì đó thì Phật còn lâu mới thành… Phật được! Cho nên thực tế trong đời sống, kẻ « đối lập » ta chính là người ơn của ta. Sau này ta thấy Bồ-tát Thường Bất Khinh – thực chất là một « hạnh » của Phật- đã xử sự ra sao trước mọi người bất kể người đó là ai. Dù bị chửi bới mắng nhiếc xua đuổi, Thường Bất Khinh luôn chắp tay xá xá : « Xin chào ngài. Ngài là vị Phật tương lai… ». Mới nghe tưởng chế giễu, nhạo báng mình nhưng nghe đi nghe lại thì giật mình à há, mình cũng có « hạt giống » Phật trong người đó chứ, nếu chịu khó tưới bón, hôm nào cũng dám mọc ra một cây bồ-đề lắm chứ !
Đề Bà Đạt Đa nhìn bằng con mắt « bất nhị » là một vị Phật đứng bên cạnh Phật Thích Ca. Một nhân vật phản diện cần thiết ! Cái ác mà không « cực ác » thì cái thiện cũng khó mà « cực thiện »! Ở các cửa chùa xưa nay luôn có ông Thiện và ông Ác ! Ông Thiện cũng dễ thương mà ông Ác cũng dễ thương! Quán Tự Tại Bồ-tát thì thảnh thơi hơn, lúc Thiện lúc Ác, tùy cơ ứng biến mà cứu độ chúng sanh, với lòng đại từ đại bi của Ngài thì khi cần thiện hóa thiện, khi cần ác hóa ác.
Cho nên đọc Đề Bà Đạt Đa thấy sảng khoái ! Sao lại không « kính tín chẳng nghi lầm » nhỉ? Giả sử xưa Pháp hoa không có phẩm này, sau mới có bậc « cao nhân » đưa thêm vào thì phải cúi đầu mà « tán thán » chứ !
Đỗ Hồng Ngọc
(Phật đản 2557)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét