Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

CHỐT LẠI CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA PHẬT GIÁO VÀ KHOA HỌC

Năm 2000, một tu sĩ Phật giáo, Ông Matthieu Ricard, [Tiến sĩ Sinh học (Biologie), ngườì Pháp. Sau nhiều năm làm việc về Di truyền học tại Institut Pasteur, Paris, ông đã để tâm nghiên cứu Phật giáo và quyết định thoát tục, trở thành một tu sĩ Phật giáo. Ông hiện tu tập tại một thiền viện ở Schechen, gần Katmandou, Népal. Ông cũng là một tác giả nổi tiếng tại Pháp với tác phẩm Le Moine et le Philosophe (Thầy tu và Triết gia _Matthieu Ricard/Jean-François Revel , nxb NiL 1997) và nhiều tác phẩm khác] cùng với một nhà khoa học người Việt Nam, Ông Trịnh Xuân Thuận, một tác giả nổi danh [ giáo sư Ðại học Virginia Hoa kỳ ngành Vật lý thiên thể (Astrophysique), cũng là một người theo đạo Phật. Với hai tác phẩm khoa học là La Mélodie secrète và Le Chaos et l'Harmonie (Giai điệu bí mật, Hỗn độn và Hài hòa _nxb Fayard 1988 và 1998)] cùng nhau viết một tác phẩm đối chiếu với quy mô lớn những điểm tương đồng và dị biệt giữa Phật giáo và Khoa học với nhan đề L’Infini dans la paume de la main – du Big Bang à l’éveil, NiL éditions, 2000 (Vô tận trong lòng bàn tay – từ Big Bang đến tỉnh thức, nhà xuất bản Sông Nil năm 2000). Cuốn sách nêu ra nhiều điểm tương đồng quan trọng giữa Phật giáo và Khoa học.

Trong bài viết này, tôi không nêu lại những đối chiếu đó, mà cố gắng chốt lại, tìm kiếm một kết luận sơ bộ hay tạm thời trong chừng mực nào có thể, trong khi chờ đợi khoa học có thêm những phát hiện mới để làm rõ thêm những điểm còn phân vân bất định trong quyển sách.

Nhận xét đầu tiên là tương đồng nhiều hơn dị biệt, điều này dễ hiểu vì cả hai người, một đại diện cho Phật giáo (Matthieu Ricard) và một đại diện cho khoa học (Trịnh Xuân Thuận) cả hai đều theo đạo Phật và đều am hiểu khoa học, trong khi Phật giáo, theo nhận định của Einstein là một tôn giáo có khả năng đáp ứng các yêu cầu của khoa học hiện đại.

Nhưng một điều quan trọng mà cuộc đối thoại đó chưa đề cập tới, hoặc cố tình bỏ qua, đó là thần thông hay đặc dị công năng. Bỏ qua thần thông thì không hiểu được hết thế giới, cũng không hiểu được Phật giáo. Điểm này rất quan trọng, bởi vì Thích Ca, người sáng lập đạo Phật, không phải là triết gia, chỉ có lý luận suông, cũng không phải là nhà khoa học, bị giới hạn trong ý thức duy lý. Thích Ca là bậc toàn giác, đã chứng nghiệm vô thượng chánh đẳng chánh giác, có đầy đủ thần thông, cụ thể là 6 thứ thần thông như sau :

Lục thông, 六通 , tiếng Phạn ṣaḍ abhijñāḥ: Sáu phép thần thông, biểu hiện năng lực tâm thức bát nhã của chư Phật và Bồ tát.

A-tì-đạt-ma-câu-xá luận zh. 阿毗達磨俱舍論, sa. abhidharmakośa-śāstra, thường được gọi tắt là Câu-xá luận) có kể rõ lục thông là :

Thân như ý thông, Phạn (sa) ṛiddhi viṣaga-jñānaṃ, còn gọi là Thần túc thông: biến hiện tuỳ theo ý muốn, thân có thể bay lên trời, đi trên biển, chui vào trong núi… tất cả mọi động tác đều tuỳ theo ý muốn, không hề chướng ngại.

Thiên nhãn thông, sa. divyaṃ-cakṣuḥ-jñānaṃ: nhìn thấy tất cả mọi hình sắc ở gần hay ở xa trong cả thế gian, nhìn thấy mọi hình tướng khổ vui của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi.

Thiên nhĩ thông, sa. divyaṃ-śrotraṃ-jñānaṃ: nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi.

Tha tâm thông, sa. paracitta-jñānaṃ: biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của chúng sinh trong lục đạo.

Túc mệnh thông, sa. purvanivasānusmṛiti-jñānaṃ, còn gọi là Túc mệnh minh: biết được kiếp trước của chính bản thân mình và của chúng sinh trong lục đạo, từ một đời, hai đời cho đến trăm ngàn vạn đời trước đều biết rõ, nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì…

Lậu tận thông , sa. āsravakṣaya-jñānaṃ: lậu tức là kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi. Lậu tận thông là dứt trừ toàn bộ kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi, không còn sinh tử luân hồi trong ba cõi, được giải thoát hoàn toàn.

Thích Ca không coi trọng thần thông và cũng ít thể hiện thần thông bởi vì thần thông không thể thắng được nghiệp, nhưng thần thông hé lộ nhiều điều bí mật mà khoa học không được phép bỏ qua.

Bởi vì hai đại biểu của chúng ta đều là nhà khoa học, họ không muốn đề cập thần thông vì huyễn hoặc khó tin quá, khoa học không lý giải được, nhưng tôi cho rằng thiếu sót đó rất nghiêm trọng và hậu quả là không chốt được cuộc đối thoại, khiến cho cuộc đối thoại không đạt được tầm cao mong đợi của cả giới khoa học và của phật tử, mà chỉ tầm tầm bậc trung.

Von Neumann
Trước hết hãy nói về điểm quan trọng nhất của Phật giáo là tánh Không. Ngày nay vật lý lượng tử cũng khám phá rằng quả thật vật chất là cái gì không thể biết, không thể hiểu được, lượng tử dường như trả lời người quan sát đo đạc, theo cách mà người đó hỏi nó, hay nói cách khác, dường như nó có ý thức, hoặc đi xa hơn nữa, nó chính là sản phẩm của ý thức do người đó sáng tạo ra. Điều này đã được Von Neumann và Eugene Wigner nêu ra.

Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).

Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) viết : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).

Eugene Wigner
Thích Ca không phải suy luận ra tánh Không mà chứng nghiệm và vận dụng được nó, tánh Không đó còn được gọi là Tâm, Bồ Tát Long Thọ đã diễn tả nó bằng câu “Tâm như hư không vô sở hữu” (Tâm giống như hư không, không có thật) nhưng lại có vô lượng vô biên diệu dụng.

Một câu hỏi do Einstein nêu ra mà các nhà khoa học ngày nay không ai dám trả lời. Đó là “Nếu không có ai nhìn Mặt trăng thì Mặt trăng có tồn tại hay không ?” Bởi vì nếu nói có thì trái với lý thuyết lượng tử, trái với đạo Phật (đạo Phật nói tánh Không, vạn pháp đều do Tâm tạo). Còn nếu nói không thì trái với thường nghiệm, vì chúng ta đều nghĩ rằng trước khi loài người xuất hiện thì Mặt trăng cũng đã có. Hai đại biểu của chúng ta đều tránh né trả lời câu hỏi này, bởi vì họ chưa được xem biểu diễn đặc dị công năng, hoặc không tin. Hãy xem Trương Bảo Thắng.

Tại Trung Quốc gần như ai cũng biết câu chuyện về Đạo sĩ Lao Sơn. Truyện kể một người kia đến Lao Sơn gặp đạo sĩ tại đó học đạo pháp, anh mấy lần thỉnh cầu đạo sĩ dạy cho thuật đi xuyên tường. Anh ta trở về nhà nói với vợ : “Tôi có thể niệm chú xuyên tường, dùng phương pháp này ăn trộm tiền, đồ vật, không lo thiếu tiền xài” nói xong anh muốn trước mặt vợ biểu diễn một phen, không ngờ lời chú không linh, đụng đầu vào tường thì đầu vỡ máu chảy.

Trương Bảo Thắng
Không ai tin câu chuyện thần thoại này là thật, trong đời sống hiện thực cũng chẳng ai có khả năng đi xuyên tường, qua vách. Thế nhưng công năng của Trương Bảo Thắng xác thực cho người ta thấy một sự kiện giống như “Lao Sơn Đạo sĩ”, một vấn đề không thể hiểu nổi.

Trương Bảo Thắng lúc chuẩn bị lễ kết hôn, dọn đến chỗ ở mới. Cô giáo Lưu Huệ Nghi của Học viện Sư phạm Bắc Kinh đến chỗ ở mới của anh để chúc mừng. Cô Lưu còn cách nhà anh khoảng hơn 10m, đứng lại nói chuyện với người khác, Bảo Thắng đứng trong nhà anh gọi tên cô Lưu, mời cô vào nhà, cô còn đứng ngoài cửa, qua cửa kiếng, thấy Bảo Thắng đứng trong nhà nói chuyện. Bảo Thắng dùng tay chỉ cánh cửa nói to : “Cửa này khóa rồi, tôi đứng bên trong mở không được, xin cô dùng chìa khóa từ bên ngoài mở cửa”

Nói rồi anh cầm chùm chìa khóa từ trong cửa sổ đưa qua song sắt cho cô giáo, sau đó trở lại cửa cái, anh đứng bên trong cửa, cô giáo đứng bên ngoài cửa, hai người vừa nói chuyện, cô Lưu vừa lựa chìa khóa để mở cửa, không biết vì sao cô Lưu không mở được khóa. Vài phút đã trôi qua, cô hãy còn chuyên tâm dùng chìa khóa cố mở.

- Ha ha !

Sau một tràng tiếng cười, nghe “bộp” một tiếng, một bàn tay vỗ vào lưng cô Lưu, cô phản ứng :

- Trương Bảo Thắng gạt tôi hả ? Trương Bảo Thắng lại xuyên tường rồi !

Cô quay người lại đánh Bảo Thắng, anh quay người chạy đi. Hai người vừa đánh vừa cười vừa chạy, đến chỗ có mấy người khác, Bảo Thắng đến núp sau lưng một người. Đợi cô Lưu giải thích sự việc với mấy người kia xong, một người nọ nắm tay Bảo Thắng lôi đến trước cửa nhà anh, yêu cầu anh nói rõ việc gì vừa xảy ra :

- Anh làm sao ra ngoài được ?

- Tôi từ góc tường bên kia ra ngoài. Anh dùng tay phải chỉ góc tường bên phải

Cô Lưu và mọi người kiểm tra căn phòng mới, ngoài chiếc cửa cái duy nhất, không còn cửa nào khác, vài chiếc cửa sổ đều có song sắt, người bình thường không thể chen ra được, cửa cái duy nhất thì đã khóa, chìa khóa nằm trong tay cô Lưu đang đứng phía ngoài dùng chìa mở cửa mà mở chưa được.

Từ đó về sau, có người từng nhiều lần hỏi Trương Bảo Thắng về công năng xuyên tường, trạng huống đó như thế nào. Anh thừa nhận tại Thẩm Dương anh từng vào kho chứa vàng. Tại Bắc Kinh anh từng đi xuống cung điện dưới đất, và miêu tả tình huống anh thấy những gì : khô ráo sáng sủa nhưng cũng có vẻ âm u, châu báu lấp lánh, hòm rương hoàn hảo, thi hài, xương cốt nguyên vẹn, các bức tượng mỗi mỗi khác nhau.

Người ta phát hiện công năng này của Bảo Thắng ngày càng mạnh, chính anh cũng nỗ lực khai phá loại công năng này, anh nghĩ : “Sẽ có một ngày tôi dẫn các vị cùng nhau xuống cung điện dưới đất xem một cái, chắc là hay !”

Xác thực, năm 1982 lúc anh còn ở Trung Y học viện Liêu Ninh, thầy giáo Vương Phẩm Sơn và đồng nghiệp từng phát hiện anh có công năng dùng ý niệm di chuyển vật, đặc biệt là cách tường di chuyển cả một bao đường trắng ra ngoài. Các giáo viên đã đến kho kiểm tra kỹ lưỡng, kết quả : cửa kho khóa, cửa sổ đã đóng chết. Trong kho đường trắng bị các bao lớn đường vàng đè lên trên. Nếu xét thể lực của Trương Bảo Thắng lúc đó, anh không có đủ sức để dời các bao đường vàng đi để lấy được bao đường trắng. Bất luận phân tích thế nào, người ta vẫn còn hoài nghi không biết anh thực sự có bản lĩnh của Lao Sơn đạo sĩ không. Do đó Vương Phẩm Sơn và các giáo viên tổ chức một hoạt động. Họ nói với Trương Bảo Thắng :

- Anh có thể nào đi vào Đại Lễ Đường mà không bị người ta phát hiện không ?

- Thử một cái xem ! Trương Bảo Thắng cười đáp ứng.

Hoạt động bắt đầu. Có người dẫn Bảo Thắng ra xa khỏi Đại Lễ Đường. Sau đó các giáo viên bố trí sinh viên đứng quan sát ở tất cả cửa ra vào và cửa sổ của Đại Lễ Đường, kể cả các cửa sổ, cửa nhỏ bên hông. Tất cả bố trí xong. Thầy trò đều mở to mắt nhìn, đề phòng Bảo Thắng dở trò ảo thuật. Vài phút trôi qua, rồi mười mấy phút trôi qua, lúc mọi người đều hướng về lễ đường tìm kiếm, Trương Bảo Thắng đã ở bên trong lễ đường kêu to : “Tôi ở đây này !” Tức thì mọi người chạy ùa vào lễ đường.

Sau sự kiện đó, mọi người truyền nhau : có người nói Trương Bảo Thắng có thuật ẩn thân, có người nói anh có khả năng xuyên tường tẩu bích. Bảo Thắng trả lời rất giản đơn : “Trái với thông thường, các ông không thể ngăn trở tôi được”.

Chính vì tánh Không của vật chất (bức tường và thân thể của Trương Bảo Thắng) nên anh có thể dễ dàng đi xuyên qua tường. Vậy tại sao người bình thường không thể đi xuyên qua tường ? Vì người thường không điều khiển được a-lại-da thức của họ. Nói trắng ra là do tâm họ cố chấp cho rằng bức tường là có thật, thân thể là có thật, niềm tin đó ăn sâu tới tiềm thức hay a-lại-da thức, chính thói quen mê lầm đó cản trở họ. Còn diễn giải theo khoa học thì chính tâm cố chấp của họ tạo ra hiện tượng giam hãm (confinement) ba hạt quark bị giam hãm trong cấu trúc của hạt proton và hạt neutron, nếu giải trừ được thói quen cố chấp này trong a-lại-da thức (chấp pháp) và mạt-na thức (chấp ngã) thì hiện tượng giam hãm không còn, tường và thân thể thành không nên không trở ngại nhau, sau khi xuyên tường thì tâm trở lại với thói quen thông thường, tường và thân thể hiện trở lại như cũ.

Như vậy chúng ta có thể trả lời câu hỏi của Einstein, mặt trăng tồn tại khi a-lại-da thức chấp có và không hiện hữu khi tâm thức hoàn toàn không chấp. Chỉ có Đức Phật và các Đại Bồ Tát mới phá được thói quen chấp thật đó. Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý và Nghiêm Tân nên được xem là hiện thân của các vị Bồ Tát, xuất hiện tại nước Trung Hoa cộng sản để sửa đổi thói quen duy vật của giới lãnh đạo nước này, khiến họ chịu tiến hành cuộc cải cách mở cửa vĩ đại bắt đầu từ năm 1979 cho đến nay.

Như vậy tánh không hoàn toàn có cơ sở lý luận khoa học và thực nghiệm, đó là điểm thứ nhất (1) cần phải chốt lại. Tánh không có những hệ quả quan trọng cần phải chốt thêm, đó là :

(2) không có không gian, hay nói cách khác, khoảng cách không gian không có thật.
(3) không có thời gian, hay nói cách khác, thời gian không có thật.
(4) không có số lượng, hay nói cách khác, số lượng không có thật.

Thuyết tương đối hẹp (special theory of relativity) của Einstein nói rằng không gian và thời gian gắn liền với nhau thành thời-không 4 chiều và có tính tương đối tức có thể co dãn, không gian có thể bị cong nơi vật chất tập trung nhiều, như gần mặt trời chẳng hạn. Vào năm 1919, thuyết tương đối tổng quát của Einstein đã trở nên hoàn thiện và ông đã sửa chữa được sai lầm tính toán của ông trước đây về độ lệch của tia sáng khi nó đi ngang qua gần Mặt Trời. Việc sửa chữa này xẩy ra ngày 18 tháng 11 năm 1915, khi Einstein thông báo độ cong dự kiến của tia sáng đúng lúc nó lướt qua rìa mép của Mặt Trời bằng 1,75 giây. Tháng 3 năm 1917, Quan chức đại diện thiên văn hoàng gia lúc đó là ngài Frank Dyson thông báo với các nhà khoa học rằng vào ngày 29 tháng 5 năm 1919 sẽ có một cuộc nhật thực toàn phần . Đợt nhật thực này không thể quan sát được tại châu Âu, nhưng có thể quan sát trong một khu vực trên Đại tây dương bao gồm một vùng ở Brazil đồng thời trên một hòn đảo nhỏ Principe thuộc vùng nhiệt đới gần bờ biển Tây Phi. Dyson nhận xét rằng kỳ nhật thực lần này có thể đặc biệt thuận lợi để kiểm tra hiện tượng cong khả dĩ của ánh sáng của các ngôi sao bên rìa mép của Mặt Trời lúc bị che khuất, bởi vì sẽ có những chòm sao xuất hiện như thí nghiệm mong muốn. Hai địa điểm được các nhà thiên văn thấy có nhiều hứa hẹn nhất là Sobral, trong một phần hoang vắng của tiểu bang Ceara trong vùng Amazon ở bắc Brazil, và bên kia đại dương là hòn đảo Principe. Mỗi địa điểm sẽ có một nhóm các nhà thiên văn của một đài quan sát. Brazil là nơi đến của nhóm thuộc Đài quan sát Greenwich, do A.C.D. Crommelin dẫn đầu, và Principe thuộc trách nhiệm của nhóm thuộc Đài quan sát Cambridge. Nhóm này do Arthur Eddington lãnh đạo. Kết quả thật kinh ngạc: Khảo sát tại Principe, một sự xê dịch vị trí trung bình là 1,6 giây cộng hoặc trừ sai số 0,3 giây. Với kiểm tra thống kê, những kết quả này cực kỳ phù hợp với dự đoán của thuyết tương đối tổng quát của Einstein (với độ xê dịch 1, 75 giây). Kết quả tính toán của nhóm Sobral cho thấy một độ xê dịch trung bình là 1,98 giây và sai số tiêu chuẩn là 0,12 giây. Theo đánh giá thống kê, những kết quả này cũng xác nhận dự đoán của Einstein.

Kết quả trên khiến thuyết tương đối của Einstein nổi danh như cồn. Einstein phân vân không biết chắc thời gian có thật hay không, nhưng đoan chắc không gian và số lượng là có thật. Ông xác định tốc độ của ánh sáng là cao nhất trong thế giới vật chất, trong không gian, nó vào khoảng 300.000 km/giây, là hằng số và không tùy thuộc vận tốc ban đầu, và ông đưa ra công thức rất đơn giản nhưng rất nổi tiếng, về quan hệ giữa vật chất và năng lượng.

E (năng lượng) = M (khối lượng) x V2 (bình phương vận tốc ánh sáng).

Sự chế tạo được bom nguyên tử càng khiến Einstein nổi tiếng hơn nữa vì nó xác nhận công thức của ông.

Thế nhưng niềm tin của Einstein (cho rằng không gian và số lượng là có thật) là trái với tánh không của Phật giáo. Niềm tin đó của Einstein bị sốc nặng trong hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement). Ông không hiểu vì sao hai photon lại liên kết, vướng víu với nhau ở khoảng cách xa. Ông thật sự bối rối và nói rằng đó là tác động ma quái từ xa (Spooky action at a distance). Ở đây có một vấn đề quan trọng cần phải chốt lại, đó là sai lầm của Einstein cũng như của đa số các nhà khoa học khi cho rằng không gian và số lượng là có thật. Hiện tượng rối lượng tử là thực nghiệm chứng tỏ khoảng cách không gian và số lượng chỉ là ảo tưởng chứ không phải thật. Đây là chỗ mà tôi cho rằng cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Khoa học nói trên, chưa đạt tới tầm cao mong muốn. Họ không luận kỹ về tánh không của Phật giáo, cũng không dám đưa ra kết luận của Phật giáo nói rằng không gian, thời gian và số lượng đều không có thật. Vì không gian không có thật nên khoảng cách giữa hai photon trong thí nghiệm của Nicolas Gisin năm 2008 (18km) là không có thật, hai photon cũng không phải là hai cũng không phải là một (Phật giáo gọi là bất nhị) nghĩa là số lượng không có thật. Những thí nghiệm sau này càng chứng tỏ số lượng không có thật, không phải chỉ có hai photon ở trạng thái vướng víu (entangled) mà hàng trăm ngàn.

Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow vừa tạo ra những trạng thái lượng tử chứa tới 100.000 photon, và tất cả chúng đều bị vướng víu với nhau. Họ tạo những xung ánh sáng trong một trạng thái “chân không nén” và đội nghiên cứu tìm thấy sự vướng víu trở nên mạnh hơn khi số lượng photon có trong xung tăng lên. Như vậy có thể nói trong điều kiện lượng tử, 1= 100.000. Nhưng đó chưa phải là giới hạn, không có giới hạn nào, một có thể bằng vô cực. Điều này càng cho thấy rõ toán học chỉ là tùy tiện, chủ quan, số lượng chỉ là ảo tưởng.

Nhà khoa học Trương Văn Tân trong bài báo đăng trên Vietsciences ngày 11/03/2006 nhan đề “Cảm tưởng về quyển The Quantum and The Lotus” (The Quantum and The Lotus là một bản dịch tiếng Anh có sửa đổi của quyển L’Infini dans la paume de la main – du Big Bang à l’éveil, tên đầy đủ của bản dịch là A Journey To The Frontiers Where Science and Buddhism Meet: The Quantum and the Lotus, xuất bản tại Mỹ năm 2001), có đưa ra nhận xét như sau :

“Trong thế giới vĩ mô (macrocosm), nguyên lý bất định Heisenberg mất ý nghĩa. Khác với những vật cực nhỏ mà vị trí của nó dựa vào tính xác suất ở nhiều nơi A, B, C…. khác nhau, một vật to như cái bàn không thể lúc thì ở trong phòng học lúc thì tự động nhảy vào nhà bếp hoặc “rong chơi” ngoài sân. Cái bàn trong phòng học sẽ mãi mãi ở đúng vị trí của nó trừ khi ta phải xê dịch. Như vậy, trong thế giới vật lý vĩ mô khác vi mô.”

Điều mà ông Trương Văn Tân không ngờ là cái bàn cũng hành xử giống như photon trong nhân thể đặc dị công năng. Hạt photon dễ dàng bị ý thức của người quan sát làm thay đổi vị trí vì hạt photon không có khối lượng, nó không có quán tính hay sức ỳ, trong khi cái bàn có khối lượng, có quán tính khá lớn nên ý thức của người bình thường khó làm cho nó di động, nhưng nếu nói ý thức hay tâm niệm hoàn toàn không thể làm cho nó di chuyển là không đúng. Ý thức không đủ sức mạnh nhưng tiềm thức hay a-lại-ya thức thì có thể làm được đối với người làm chủ được nó. Hãy xem biểu diễn của Hầu Hi Quý.

Đó là một ngày mùa xuân rộn rịp năm 1991, Hầu Hi Quý đi chúc tết ông Lý Gia Thành, chủ khách sau một hồi hàn huyên thăm hỏi, bèn nói chuyện một cách thoải mái không có gì câu thúc.

“Đã sớm nghe đại danh của Hầu tiên sinh, hôm nay mới gặp, quả nhiên là tướng mạo đường đường.” Lý Gia Thành ngồi trên sofa, cúi mình cười nói, “nhưng công phu phi phàm của ông, tôi chưa được xem qua, chẳng hay ông có vui lòng cho xem không ?”

Hầu Hi Quý cũng cúi mình, nói : “Không biết Lý tiên sinh muốn xem loại công phu nào ?”

“Ở đây tôi có 4 tách trà cao cấp do Cảnh Đức Trấn sản xuất, nếu như ông có thể biến chúng thành 8 tách với cùng phẩm chất, cùng màu sắc hoa văn, cùng tạo hình, tôi thật sự bội phục ông.”

Hầu Hi Quý mỉm cười, nói : “Điều đó không khó, nhưng tôi có điều kiện, quê hương của tôi mong mỏi tôi quyên góp cho họ chút tiền để xây dựng, mà tôi không có, nếu ông đồng ý giúp tôi việc đó, tôi nhất định sẽ biến cho ông xem.”

“Được, được,” ông Lý Gia Thành mỉm cười gật đầu, nói “Cái đó đương nhiên.”

Thế rồi Hầu Hi Quý đứng dậy, hỏi mượn chủ nhân một tấm vải đen, đem che lại 4 tách trà trên bàn, phủ kỹ lưỡng ở 4 góc bàn. Sau đó trên mặt Hầu Hi Quý lộ vẻ nghiêm trang, ngưng mâu trong chốc lát, môi miệng mấp máy vài lần, rồi hét lên một tiếng “đến”, xong dỡ mạnh tấm vải đen, 4 tách trà bây giờ đã biến thành 8 tách, mỗi mỗi đều tinh xảo, hoa văn tươi đẹp, xếp hàng ngay ngắn giữa bàn.

Ông Lý Gia Thành không nghi ngờ, bước đến gần, cầm từng tách trà lên xem kỹ, không thể phân biệt được chân giả, ngụy liệt, bất giác kêu lên “Bội phục”

“Tôi có một thỉnh cầu hơi bất thường, không biết Hầu tiên sinh có đáp ứng không ?” Lý Gia Thành muốn thử xem công phu của Hầu Hi Quý cao thấp, nên bỗng nhiên phát sinh chủ ý, ông nói với Hầu Hi Quý, “Ông đã từng đến nhà tôi ăn cơm, chắc còn nhớ trong phòng ăn của tôi có một cái bàn được bao bọc bằng vàng. Nếu như ông có thể đem cái bàn bọc vàng đó đến phòng làm việc của tôi, thì thật là thần diệu đó.”

Hầu Hi Quý nhướng mày hai cái, ông biết cái bàn bọc vàng đó rất nặng, “di chuyển” nó đi hao phí công phu rất lớn, nhưng để cho ông Lý chân thành kính phục, ông đáp ứng. Hầu Hi Quý yêu cầu ông Lý cung cấp tấm drap giường, lập tức có người đi ra giao cho ông. Ông trải tấm drap dưới đất, kéo cho bằng phẳng, sau đó cởi áo ngoài, mặt hướng về phía cửa, đứng ngưng thần, thời gian chốc lát, chỉ thấy bụng của Hầu Hi Quý từ từ hóp vào, mặt đỏ lên, tiếp đó liên tiếp kêu to : “bàn vàng mau đến! bàn vàng mau đến !” Năm ba phút trôi qua, tấm drap dưới đất bỗng đột ngột nổi lên, lúc kéo tấm drap ra, cái bàn vàng to lớn với ánh vàng óng ánh đã ở đó.

Ông Lý Gia Thành kinh ngạc chưa từng thấy, mắt trừng trừng nhìn cái bàn bọc vàng như muốn chứng thực rằng đây không phải là huyễn ảnh mà là sự thật sống động.

Lúc nhìn Hầu Hi Quý, thấy mồ hôi đầm đìa, mắt lờ đờ, ho nhẹ một tiếng, miệng thổ ra hai búng máu tươi.

Lý Gia Thành nghe tiếng kinh hô, bèn sực tỉnh, thấy Hầu Hi Quý miệng thổ máu tươi, cuống lên, vội kêu người đưa Hầu Hi Quý vào bệnh viện.

Lý Gia Thành và Hầu Hi Quý

“Không cần phải khẩn cấp, không cần phải khẩn cấp.” Hầu Hi Quý xua xua bàn tay to lớn của mình, đặt mông ngồi xuống sofa, nói, “ Lý tiên sinh muốn tôi làm, tôi không thể không làm…có hơi mệt một chút, sẽ khỏe ngay thôi, không cần khẩn cấp.”

Ông Lý Gia Thành lắc đầu nhè nhẹ tỏ vẻ áy náy, cầm bút lên, lập tức ký một tờ chi phiếu 100 vạn nhân dân tệ tặng cho Hầu Hi Quý, rồi cùng với Hầu Hi Quý tay khoác tay chụp hình để ghi nhớ kỷ niệm.

Nếu không tận mắt chứng kiến công phu thần kỳ của Hầu Hi Quý, ông Lý Gia Thành không có lý do gì để tặng ông 100 vạn (một triệu) nhân dân tệ và còn khoác tay chụp hình một cách rất thân mật.

Không công nhận biểu diễn của Hầu Hi Quý hay cho rằng đó chỉ là chuyện bịa, là thái độ thiếu trách nhiệm đối với khoa học. Nhà khoa học chân chính không được phép bỏ qua hiện tượng này. Hầu Hi Quý đích thực là đã dùng ý niệm để di chuyển cái bàn bọc vàng từ nhà ông Lý Gia Thành đến văn phòng làm việc của ông. Ai nghi ngờ thì cứ đến hỏi ông Lý Gia Thành (Li Ka-shing).

Các vật thể trong thế giới đời thường cũng hành xử giống y như lượng tử nhưng đòi hỏi tâm lực mạnh hơn rất nhiều.

Ông Trương Văn Tân cũng nhận xét :

“Vũ trụ có một khởi thủy ban đầu hay không? Có cần đến một Đấng Sáng Tạo hay không?” là những đề tài của Chương 2 và Chương 3. Vụ nổ lớn nguyên thủy (Big Bang) gần 15 tỷ năm trước là nguồn gốc phát sinh ra vũ trụ bao gồm vật chất, thời gian và không gian. Cơ học lượng tử đã chứng minh sự không cần thiết của một Đấng Sáng Tạo. Với một kết luận tương tự, luật Nhân Quả và duyên sinh không chấp nhận một khởi điểm nguyên thủy với khái niệm nổ “đùng” một cái vạn vật đều hiện hữu từ cái không có (trang 27). Vạn vật xảy ra vì một nguyên nhân và sự tương thuộc. Theo luật Nhân Quả và duyên sinh, Big Bang chỉ là một giai đoạn của một chuỗi sự kiện vô thủy vô chung. Theo tác giả Trịnh Xuân Thuận, cơ học lượng tử chỉ cho ta biết vũ trụ ở thời điểm 10-43 giây sau Big Bang – rất gần thời điểm zero nhưng chưa phải là zero, lúc đó vũ trụ chỉ là một điểm cực nhỏ có kích thước cỡ 10-33 cm. Hai con số nầy là thời gian và chiều dài Planck và cũng là giới hạn đo lường của vật lý hiện đại. Chưa ai có thể phỏng đoán được sự kiện gì đã xảy ra “trước” thời điểm zero của Big Bang. Khoa học không suy diễn mông lung những sự kiện chưa có thể kiểm chứng được.”

Ở đây có ba vấn đề cần phải chốt lại (5) :

1/Vũ trụ có bắt đầu không ?
2/ Có một Đấng Sáng Tạo ra vũ trụ vạn vật hay không ?
3/Số lượng vật chất, không gian và thời gian là thật hay ảo ?

Câu trả lời của khoa học là vũ trụ có bắt đầu, về không gian nó bắt đầu ở kích thước Planck 10-33 cm (mười lũy thừa trừ 33 cm). Về thời gian, nó bắt đầu ở thời điểm 10-43 giây (mười lũy thừa trừ 43 giây). Kích thước nhỏ hơn bức tường Planck chỉ là con số toán học vô nghĩa vì không có thực thể vật lý nào tương ứng với con số đó . Thời gian trước bức tường Planck là cái mà khoa học không thể biết, không thể quan niệm.

Khoa học cho rằng không có Đấng Sáng Tạo, vật chất, không gian, thời gian tự diễn biến theo quy luật để trở thành như chúng ta thấy ngày nay.

Khoa học cho rằng số lượng vật chất, không gian và thời gian đều có thật.

Câu trả lời của Phật giáo thì khác. Người sáng lập Phật giáo là Thích Ca có thần thông siêu việt nên cái thấy không thể nghĩ bàn hay nói năng gì được. Cuộc đời của Đức Phật lịch sử chỉ là trình hiện cho người đời thấy, chứ đó không phải toàn bộ sự thật. Theo kinh điển, lúc mới vừa chào đời Thích Ca đã đứng dậy, đi bảy bước và tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Câu nói đó không phải tự cao, tự đại hay chấp ngã nặng nề. Ngã (ta) tức là Tâm, nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, tất cả chúng sinh đều chung một tâm ấy. Vũ trụ vạn vật hay nói chính xác là Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) đều là biểu hiện của Tâm, chỉ là ảo không phải thật. Thích Ca không phải chỉ mới thành đạo cách nay hơn 2500 năm, mà đã thành đạo từ vô lượng kiếp. Kinh Pháp Hoa nói rõ như thế. Chúng sinh trong đó có con người chúng ta, đều là Phật đã thành sẵn chứ không phải sẽ thành (vì thời gian không có thật), khả năng của mỗi người chúng ta đều không hề thua kém chút xíu nào so với Thích Ca, bởi vì tất cả đều chung một Tâm. Cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Khoa học có đề cập đến tính tương thuộc, tương quan giữa vạn hữu, nhưng không dám kết luận rằng chúng ta chính là Đấng Sáng Tạo toàn năng, chứ không phải ai khác. Tại sao ta có toàn năng ? vì vũ trụ chỉ là ảo, là tưởng tượng chứ không phải thật (Kinh điển nói đó là thế lưu bố tưởng). Vì vũ trụ là ảo nên không có bắt đầu cũng không có kết thúc vì không có thật. Chính vì lẽ đó, trong Bát Nhã Tâm Kinh nói rất rõ, không có Sinh Lão Bệnh Tử, không có Khổ Tập Diệt Đạo, không có gì là thật cả. Người kiến tánh, giác ngộ là “ngộ” được sự thật của tánh không, vô tu, vô chứng, vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở úy.

Trong giới khoa học chỉ có một số ít khoa học gia can đảm, dám nhìn nhận sự thật đó như Niels Bohr, Heisenberg, Von Neumann, Eugene Wigner, David Bohm, Craig Hogan… Họ gần như đồng tình với Phật giáo cho rằng vật chất là do tâm tạo, vũ trụ là ảo, vũ trụ là số. Còn một số đông khác, trong đó có Einstein vẫn cố bám víu vào thế giới khách quan, duy vật.

Phật giáo không nói tới một Đấng Sáng Tạo hữu ngã, nhưng có nói vạn pháp duy tâm, và chúng sinh đều chung một tâm ấy, như vậy rõ ràng mỗi người chúng ta chính là Đấng Sáng Tạo toàn năng, Phật giáo cũng có nói tới Chánh biến tri là cái biết của Tâm bất nhị, tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh tri giác do tiếp xúc, tánh tư duy đều có sẵn trong Tâm bất nhị. Những tánh đó đủ để sáng tạo ra những điều thần kỳ là vũ trụ vạn vật với 15 hằng số vũ trụ kỳ diệu rất hài hòa, rất chính xác mà Trịnh Xuân Thuận đã nêu ra. Những tánh đó là những software nằm sẵn trong a-lại-ya thức mà khi vận dụng thì sản sinh ra những điều kỳ diệu trong thế giới đời thường mà chúng ta không tưởng tượng nổi. Để thấy được sự kỳ diệu đó, không gì hay hơn là xem biểu diễn đặc dị công năng.

Đó là năm 1980, tại thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Hầu Hi Quý đến, anh không thoái thác, theo sự sắp xếp của Chu Hiệu Pháp, đồng ý biểu diễn tại Cung Văn hóa Công nhân. Đó là chủ ý hay của Chu Hiệu Pháp, ông biết rằng nếu dùng ảo thuật nhất định phải có sự phối hợp, chắc chắn phải có đạo cụ, phải đem người tới, cửa đóng chặt, không ai có thể ra vào, tự nhiên là không thể phối hợp được. Đến như đạo cụ, thì khi vào nơi biểu diễn, không cho mang bất cứ thứ gì vào, không cần phải quan tâm. Người được vào xem, thì ngoài Phó chủ tịch Long và Trưởng ban Văn, còn có nhân viên tùy tùng của họ, những người lãnh đạo của Cung Văn hóa và vài vị cán bộ Công Đoàn của thành phố Tương Đàm, đều không phải là người thân quen với Hầu Hi Quý, không thể trợ giúp anh ta làm điều gian dối.

Tất cả chuẩn bị đâu vào đấy, Hầu Hi Quý hướng về Phó chủ tịch Long, hỏi mượn chiếc đồng hồ đeo tay. Ông mỉm cười không hiểu Hầu Hi Quý cần chiếc đồng hồ để làm gì, nhưng ông cũng lập tức cởi chiếc đồng hồ đưa cho anh ta. Hầu Hi Quý tiếp nhận đồng hồ, thuận tay xé một mảnh giấy bỏ, gói cái đồng hồ lại, quay đầu về phía một cán bộ ở gần đó ra dấu bảo anh ta đến giúp.

“Xin anh hãy nhặt nửa cục gạch tiểu đằng kia” Hầu Hi Quý chỉ chỉ cục gạch nằm dưới chân tường, nói với người cán bộ : “Hãy đập mạnh, đập bẹp cái đồng hồ này.”

“Đập đồng hồ ?” người cán bộ do dự, anh ta nhặt cục gạch lên nhưng không dám đập, mà nói :

“ Đập bẹp nó rồi, ai bồi thường ? Hay là anh cứ tự mình đập đi !”

“Được, tôi đập, nhưng” Hầu Hi Quý hướng về chủ tịch Long nói “Nếu đập bẹp xong có cần bồi thường không ?”

“Đập bẹp thì cứ đập bẹp, thì nó sẽ là cái đồng hồ hư vậy, đeo nó đã lâu lắm rồi.” Long Quỳ là người phóng khoáng, “Không phải bồi thường đâu ?”

“Vậy thì được, một lời đã định nhé” Hầu Hi Quý giơ cao cục gạch, nhưng anh không đập xuống ngay. Những người vây quanh đều có chút căng thẳng, có người há hốc mồm, có người tròn xoe mắt nhìn, có người hít một hơi dài.

Hầu Hi Quý xuống tay xong, cục gạch đập mạnh vào gói giấy nghe một tiếng “bình !” kinh dị. Mọi người cảm thấy đáng tiếc, chiếc đồng hồ đẹp thế kia, tất yếu là vỡ ra mấy mảnh, không khỏi có tiếng xuýt xoa nổi lên.

“Mở gói giấy ra !” Hầu Hi Quý ra hiệu “xem đồng hồ !”

Không ai nhúc nhích. Cái bao giấy nhỏ cũng bị đập dẹp, phía trên hãy còn dấu vết những mảnh gạch vỡ vụn màu đỏ do sự va đập. Ai biết được cái đồng hồ đáng thương bị đập thì sẽ như thế nào ?

Hầu Hi Quý thấy không ai động thủ, dường như không sẵn sàng tình nguyện động thủ lắm. Anh chép miệng “chậc chậc !” hai tiếng, lại lắc lắc đầu, có tới 10 cặp mắt nhìn trân trân, anh cúi xuống nhặt gói giấy lên, nhẹ nhàng đặt lên lòng bàn tay, sau đó từ từ mở ra.

Cả 10 cặp mắt đều lộ vẻ khủng hoảng, đồng hồ quả nhiên bị đập bẹp, mặt kính vỡ nát, hư hỏng hoàn toàn, thành một cục sắt phế thải.

“Bẹp dí rồi, làm sao đây ?” Hầu Hi Quý hỏi to, tựa như anh cũng chưa từng dự liệu kết cục lại như thế.

“Đã tính rồi, đã tính rồi, đã tính là nó sẽ bẹp dí mà.” Phó chủ tịch Long Quỳ khẳng khái nói, tuy nét mặt không biến sắc, nhưng ngữ khí vẫn lộ chút vẻ bất lực không thể làm gì được.

Hầu Hi Quý khịt mũi một tiếng, gói lại cái đồng hồ bẹp dúm trước sự chú mục của 10 cặp mắt, để trong lòng bàn tay, nhè nhẹ xoa xoa một chút, sau đó thổi nhẹ một cái, đưa cho chủ nhân của chiếc đồng hồ.

“Không được, ‘ba điều kỷ luật lớn, tám hạng mục phải chú ý’ đập bẹp thì phải bồi thường, đền cho ông một chiếc nè.” Hầu Hi Quý nói một câu vui đùa, cười nhìn Long Quỳ.

Trưởng ban Văn tiếp nhận gói giấy, anh ta cũng không biết kết cục của màn biểu diễn của Hầu Hi Quý là như thế nào, chỉ biết theo thói quen bình thường là mở gói giấy. 

“Úi trời !” mọi người kinh ngạc kêu lên. Họ thấy trong gói giấy là chiếc đồng hồ hoàn toàn nguyên vẹn, bên cạnh vẫn còn vài mảnh vỡ màu đỏ của cục gạch. Chiếc đồng hồ vẫn chạy “tích tắc” đều đặn. Tâm lý của người xem trong giây phút đó ngẩn ngơ tê liệt. Trong số họ đại đa số đều giống như Long Quỳ, Văn Lực Sinh, Chu Hiệu Pháp, là những người tin tưởng ở chủ nghĩa Mác Lê Nin, là những người triệt để duy vật chủ nghĩa, nhưng bất luận thế nào, họ không cách nào liên hệ được giữa hai tình huống, một phút trước là chiếc đồng hồ hư hỏng hoàn toàn, còn bây giờ là chiếc đồng hồ hoàn hảo không chút tổn hại. Nhưng sự thực vẫn là sự thực, tiếng “tích tắc” của chiếc đồng hồ vang lên trong bầu không khí im lặng hoàn toàn trong gian phòng tách biệt với bên ngoài. Nó như đánh thức mọi người : các người giải thích chủ nghĩa duy vật còn quá hẹp hòi, chủ nghĩa duy vật còn có những hàm nghĩa sâu hơn, rộng hơn !

Nếu không xem biểu diễn đặc dị công năng thì không thể hiểu Chánh biến tri là gì và cũng không thể hiểu tại sao Chánh biến tri lại có thể tạo ra vũ trụ một cách kỳ diệu như vậy.

Điểm quan trọng cuối cùng mà tôi thấy cần chốt lại, đó là tính bất định (6) của vạn hữu. Bất định là không thể khẳng định, của từng cặp phạm trù mâu thuẫn. Khẳng định chỉ là gán cái kiến văn giác tri của mình cho đối tượng, chứ bản thân đối tượng thì không thể khẳng định. Chẳng hạn ta nói vũ trụ là có thật hay vũ trụ chỉ là ảo đều không hoàn toàn đúng. Trong Phật giáo, có 4 mệnh đề gọi là tứ liệu giản 四料簡 do thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền 臨濟義玄 (?-866/867) sống vào đời Đường ở Trung Quốc nêu ra. Nguyên văn như sau, được ghi trong Trấn Châu Lâm Tế Huệ Chiếu thiền sư ngữ lục 鎭州臨濟慧照禪師語錄

奪人不奪境 Đoạt nhân bất đoạt cảnh Bỏ người không bỏ cảnh
奪境不奪人 Đoạt cảnh bất đoạt nhân Bỏ cảnh không bỏ người
人境兩俱奪 Nhân cảnh lưỡng câu đoạt Người cảnh bỏ cả hai
人境俱不奪 Nhân cảnh câu bất đoạt Người cảnh đều không bỏ

Mệnh đề thứ nhất là lời dạy dành cho người chấp ngã, ý nói thế giới là có thật chỉ có cái ta là không thật nên bỏ. Mệnh đề thứ hai là lời dạy dành cho người đã phá được chấp ngã nhưng còn chấp pháp cho rằng thế giới là có thật, ý của lời dạy là thế giới không có thật nên bỏ. Mệnh đề thứ ba dạy rằng cái ta và thế giới đều không thật, nên bỏ cả hai. Mệnh đề thứ tư dành cho người không còn chấp thật nhưng lại chấp không, chấp không cũng sai, thật ra không có cái gì phải bỏ.

Hay như kinh Kim Cang nói : 應無所住而生其心 Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Không có chỗ trụ thì xuất hiện cái tâm ấy)

Không có chỗ trụ là không định xứ (nonlocality) là bản chất của lượng tử, đó cũng là nguyên lý bất định của Heisenberg. Dù là lượng tử hay một vật thể lớn, không có vật gì đứng yên một chỗ và chỉ là ảo. Ta ngồi thiền định trong phòng, đối với người cùng hệ qui chiếu thì ta ngồi yên bất động, nhưng đối với hệ qui chiếu khác, ta chuyển động hỗn loạn do trái đất vừa xoay tròn vừa di chuyển trên quỹ đạo quanh mặt trời, rồi cả thái dương hệ đều di chuyển trong ngân hà và cả ngân hà di chuyển trong vũ trụ.

Nhưng trong cuộc sống đời thường của chúng ta thì rõ ràng có định xứ (locality). Ta đang ở trong ngôi nhà nào, đường gì, thành phố gì, nước gì, châu lục gì đều có xác định rõ ràng. Như vậy định xứ hay không định xứ cũng chỉ là một, không hề mâu thuẫn. Ta đưa một bài viết lên mạng internet, chỗ chứa nó là có định xứ, chỗ nó sẽ xuất hiện thì vừa định xứ vừa không định xứ. Nó có khả năng xuất hiện bất cứ nơi đâu có mạng internet, như thế không định xứ, nhưng khi nó xuất hiện cụ thể tại một nơi nào đó thì có định xứ.

Phật giáo nói cuộc đời là huyễn ảo vì vũ trụ vạn vật có tính chất ảo hóa, bản chất là không, nhưng tất cả mọi người, kể cả phật tử, đều thấy cuộc đời là có thật, nhà cửa, xe cộ, đường sá, bến cảng đều là thật, thân tứ đại của ta cũng là thật. Như vậy đâu là sự thật ? chân lý là bất định, không thể khẳng định. Einstein nói vận tốc cao nhất của vật chất là 300.000 km/giây, biểu diễn đặc dị công năng chứng tỏ khẳng định của Einstein không hoàn toàn đúng. Hãy xem biểu diễn của Hầu Hi Quý.

Hôm đó, tham mưu Lưu và ông Lưu, Trưởng nhà nghỉ, và người quản lý, ông Cao nói rằng họ đến Trường An làm chút việc, mời Hầu Hi Quý cùng đi một thể. Lái xe muốn xử lý công việc, Hầu Hi Quý và mọi người bèn đứng trước tòa lầu đợi, khi nào lái xe đến thì đi.

Đợi mãi khá lâu, Hầu Hi Quý không chịu được, ông rung rung cái túi xách bằng giả da nhân tạo màu đen đang cầm, hỏi tham mưu Lưu : “Các ông nhìn xem trong này có tiền không ?” cố ý cầm cái túi lắc qua lắc lại.

“Tiền à, không có.” Tham mưu Lưu đánh giá Hầu Hi Quý đang định khai mở cái gì, nên trả lời đại.

“Đúng là không có,” Hầu Hi Quý mở dây kéo, trong đó trống không. “Không có tiền, đúng không ?”. Ông lại lấy cái túi vạch tận đáy, để cho mọi người đều thấy qua, sau đó đóng dây kéo lại, túi xách bỗng nhiên cộm lên.

“Có hay không, ai nói đi ?” Hầu Hi Quý cười ha ha lên, hai tay cầm túi xách.

Tham mưu Lưu muốn giật túi xách để coi rốt cuộc là cái gì. Hầu Hi Quý lùi lại chạy. Tham mưu Lưu vốn xuất thân là quân nhân, chạy rất nhanh, thấy vậy đuổi theo, ông ta đưa tay định đoạt túi xách. Bỗng nhiên Hầu Hi Quý trong chớp mắt biến mất. Tham mưu Lưu kinh ngạc, mọi người đều nhìn quanh bốn bề để tìm người, trên mặt lộ vẻ kinh hoảng.

“Ui, tại đây, tôi ở đây nè !” Bỗng nhiên từ trên không truyền lại tiếng của Hầu Hi Quý. Mọi người theo tiếng mà nhìn, chỉ thấy Hầu Hi Quý đang đứng tại balcon lầu ba, nhìn họ mà cười, tay cầm túi xách giơ lên.

“Lưu tham mưu, lại đây xem nha !”

Lưu tham mưu không làm sao được, chỉ lắc lắc đầu, vẻ kinh hoảng tăng lên cùng cực.

“Thôi được, để tôi xuống.” Hầu Hi Quý nói xong , lại nhanh như điện chớp biến mất khỏi balcon. Mấy người ở dưới cả sợ, vội nhìn tứ phía tìm ông.

“Hi hi, không phải tôi đang ở đây sao ?”

Mấy người quay đầu lại, Hầu Hi Quý đang cười sằng sặc đứng sau lưng họ, giống như chẳng có việc gì xảy ra. Tham mưu Lưu, Trưởng nhà khách Lưu và Quản lý Cao bỗng nhiên phát sinh nghi sợ, phải chăng Hầu Hi Quý đang đứng trước mặt họ, có thể phi thiềm tẩu bích (bay lên mái nhà, đi trên vách tường) và còn có thuật ẩn thân ? 

Hầu Hi Quý trong chớp mắt, thực tế là không mất chút thời gian nào, từ dưới đường nhảy lên balcon lầu ba của tòa lầu. Nói nhảy cũng không đúng, thực tế là biến mất từ vị trí dưới đường và xuất hiện tại balcon lầu ba bằng vận tốc của ý niệm, không tùy thuộc khoảng cách không gian. Thực vậy, Hầu Hi Quý có khả năng dùng tâm niệm để di chuyển một khối lượng xăng từ Bắc Kinh đến hồ Mật Vân, cách xa 50km một cách tức thời không mất chút thời gian nào, giống hệt như trường hợp hai photon ở trạng thái vướng víu.

Đặc dị công năng chứng tỏ một cách rõ ràng sự sụp đổ của các định luật vật lý, tường vách cũng không còn ngăn cản được vật.

Đó là một ngày tháng 12-1986, chuyện xảy ra tại nhà của Hầu Hi Quý ở Bảo Tháp Sơn, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. 

Trong số cử tọa có một nhân viên ngân hàng đã thấy hết tất cả, cảm thấy công năng đặc dị quá thần diệu, bỗng nảy sinh một chủ ý.

“Hầu thần tiên à, kho vàng của ngân hàng chúng tôi toàn là tiền, ông có thể biến lấy về, thế mới hay. Nhưng mà chỗ đó tường xi măng dày cả xích (khoảng 3 tấc tây- dm), phải qua vài cái cửa có vài ổ khóa, chỉ sợ không dễ dàng.”

“Anh không tiếc mạng hả ? Tiền trong kho vàng, biến lấy ra được hay sao ? Tôi cho rằng nếu có lấy được cũng có vấn đề.” Hầu Hi Quý trừng mắt nhướng mày, xua xua bàn tay to lớn.

Nhưng mọi người đâu có khẳng định như vậy, đó vừa là việc không thể làm được, nhưng họ lại vừa phát sinh ý muốn thấy Hầu Hi Quý hiển lộ công phu, bọn họ nhiều miệng cùng lời : mọi người ở đây làm chứng, biến lấy ra rồi biến trả về chỗ cũ, không động chạm tiền của quốc gia, Hầu Hi Quý đừng quá lo lắng. 

“Nếu cương quyết muốn tôi biến” Hầu Hi Quý trầm tư một chút, bắt đầu đi vào trong phòng, vừa đi vừa nói “vậy thì vào trong phòng biến.”

Mọi người cùng nhau theo ông vào trong phòng. Chỉ thấy Hầu Hi Quý kéo chiếc khăn trải gối trên giường, đưa hai tay vào bên dưới chiếc khăn, ngưng thần trong chốc lát, phía dưới khăn trải gối bỗng phát ra tiếng “sột soạt”, Hầu Hi Quý dỡ chiếc khăn trải gối lên, để lộ ra một khối tiền nhân dân tệ, mỗi xấp là 100 tờ mệnh giá 10 nguyên, cộng chung là một vạn nguyên ! Mọi người quá đỗi kinh ngạc vì đây không phải là vấn đề nhỏ, người nhân viên công tác tại ngân hàng hoảng quá, tay chân lập cập, luôn miệng tự nói “phi thường… … thật là phi thường…”

Hầu Hi Quý thấy mọi người hoảng loạn như thế, tằng hắng trong cổ họng, nghiêm túc nhận thức rằng “Đây là tiền của quốc gia, không thể để lâu, tôi phải đưa trở về.” Nói xong ông tự mình xếp tiền thành một chồng, mang ra ngoài bậc thềm, sau đó đứng thẳng người, miệng niệm chú, kế đó hét lên một tiếng “đi”, đống tiền nhân dân tệ trong sát-na bỗng biến mất…

Tiền để trong kho bạc ngân hàng, tường dày chắc chắn, nhiều lớp cửa, nhiều ổ khóa, nhưng Hầu Hi Quý không cần đi đến ngân hàng, cũng không cần mở cửa mà vẫn có thể di chuyển hàng đống tiền từ trong kho bạc nhà nước về nhà mình để biểu diễn cho mọi người thấy, rồi di chuyển trả về chỗ cũ chỉ bằng tâm niệm. Điều đó chứng tỏ tiền cũng chỉ là vật ảo, tường kho bạc cũng chỉ là vật ảo.

Cơ học lượng tử dường như đặt dấu chấm hết cho sự phân biệt giữa thực tế và thần thoại, nhưng chỉ là về mặt lý luận, còn nhân thể đặc dị công năng là thực nghiệm chứng tỏ lý luận của cơ học lượng tử chẳng những đúng đối với vật thể vi mô, lượng tử, mà cũng không sai đối với vật thể vĩ mô, nhưng cần phải là người có đặc dị công năng mới làm được.

Sau khi chốt lại cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Khoa học đánh số từ (1)…(6), chúng ta sẽ thấy một tầm cao mới của Phật giáo và Khoa học thể hiện như sau :

Kết luận

Tâm là Chánh biến tri có những tính chất không thể nghĩ bàn. Ví dụ khoa học và tất cả mọi người duy lý đều cho rằng thấy là do con mắt và ánh sáng, nếu thiếu các điều kiện đó thì không thể thấy. Trong phòng tối hoàn toàn không có ánh sáng thì dù có mắt cũng không thể thấy. Còn với người mù thì dù có ánh sáng, nhưng mắt đã hư cũng không thể thấy. Nhưng đặc dị công năng đã bác bỏ hoàn toàn nhận định đó. Em bé Đường Vũ xuất hiện năm 1979 tại huyện Đại Túc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã làm kinh ngạc giới khoa học, em thấy chữ bằng lỗ tai nên không liên quan gì đến ánh sáng và con mắt. Trương Bảo Thắng thấy chữ bằng lỗ mũi nên cũng tương tự như vậy. Một em bé khác thấy chữ bằng nách. Như vậy rõ ràng qui luật của khoa học cho rằng sự thấy cần hai điều kiện là ánh sáng và con mắt chỉ là chủ quan, tùy tiện chứ không phải chân lý.

Một sự kiện khác cũng đặt nghi vấn rất lớn đối với khoa học. Sư Huệ Năng (638-713), Tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Quốc, vào năm Nghi Phụng nguyên niên tức năm 676, đời Đường Cao Tông, đã đến chùa Pháp Tánh (nay là chùa Quang Hiếu 光孝 ) gặp hai ông tăng đang tranh luận không dứt về việc gió động hay phướn động, ngài nói rằng “chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm của các ông tự động” (不是風動 不是幡動 仁者心動 bất thị phong động, bất thị phan động, nhân giả tâm động). Giải thích của khoa học cho rằng sự chênh lệch nhiệt độ của không khí tạo ra gió và gió làm lay động lá phướn. Điều đó rất hiển nhiên và rất hợp lý, nhưng Huệ Năng nói là không đúng. Cái thấy của Huệ Năng là thế nào ? Gió làm lay động lá phướn chỉ là cái thấy thô thiển bề ngoài, cũng như khoa học cho rằng sự thấy là nhờ ánh sáng và con mắt. Bản chất của gió hay của không khí là gì, bản chất của lá phướn là gì ? Chỉ đến thế kỷ 20, khi khoa học nghiên cứu đến chỗ tận cùng của vật chất, mới biết rằng vật chất không có thật. Một số khoa học gia như Niels Bohr, Von Neumann, Eugene Wigner …nói huỵch tẹt là vật chất do ý thức tạo ra, còn một số đông khác trong đó có Einstein thì không dám nói như thế, họ nói tránh đi, về sau họ lập ra một ngành khoa học gọi là Cơ học Lượng tử Tương quan (Relational Quantum Mechanics, viết tắt RQM) giải thích rằng vật chất hay mọi hiện tượng khác là mối tương quan giữa hai loại cấu trúc, các cấu trúc đó làm bằng vật liệu gì thì không biết rõ lắm, nhưng vẫn có cấu trúc rõ ràng. Cấu trúc thứ nhất là sinh vật với các giác quan, trong đó nổi bật là con người với bộ não. Loại cấu trúc thứ hai là các thứ vật chất vô tri khác làm đối tượng cho nhận thức. Mối tương quan giữa hai loại cấu trúc đó, chính là nhận thức, là cảm giác : thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, ý thức, là lý, là học, là quy luật, là tư tưởng, là tình cảm…nói chung là cuộc sống. Chung quy giải thích đó chẳng khác gì lục căn+lục trần+lục thức = 18 giới của Phật giáo. 18 giới chính là tâm thức hay nói gọn là Tâm, duy thức học còn bổ sung 2 thức khác nữa là mạt-na thức và a-lại-ya thức. Vậy Tâm tức 20 giới, chính là nguồn gốc của mọi hiện tượng vật lý và tâm lý trong vũ trụ. Gió, phướn, thiên tai, bão tố…chỉ là hiện tượng của tâm được ý thức của con người nhận thức.

Đặc dị công năng làm sụp đổ các định luật vật lý. Bức tường chỉ là một mối tương quan, thân thể là một mối tương quan khác, mối tương quan không phải là cố thể vật chất cứng rắn, các mối tương quan đó chỉ là thói quen cố định của số đông người chứ không phải là sự thật tuyệt đối, nên Trương Bảo Thắng có thể đi xuyên qua tường, anh có thể dùng tâm niệm để lấy một trái táo ra khỏi một thùng sắt hàn kín, bức tường, thùng sắt không gây trở ngại cho anh. Anh có thể lấy áo ngực và áo lót đang mặc trên người của một nữ ảo thuật gia người nước ngoài mà bà ta không hay biết cũng không thể cản trở, ngay trong lúc bà ta đang lớn tiếng chỉ trích nhân thể đặc dị công năng. Anh có thể lấy sợi dây nịt đang mang trong quần của một nhà xã hội học ngay lúc ông ta đang ngồi thuyết trình công kích đặc dị công năng.

Chánh biến tri là cái biết bất nhị, nó có khả năng rất kỳ diệu, có thể phục nguyên một bức tranh bị xé nát, vò cục, ngâm trong thau nước mà Trương Bảo Thắng đã biểu diễn trước đám đông người và trước mặt của chính tác giả bức tranh. Nó có thể phục nguyên cái đồng hồ bị đập bẹp dúm, hay nối liền cái đầu bị chặt đứt lìa mà Hầu Hi Quý đã biểu diễn. Các biểu diễn đặc dị công năng chứng tỏ vật chất không phải cái gì có thật, mà chỉ là một mối tương quan ảo, nếu ai làm chủ được a-lại-ya thức thì có thể làm được bất cứ điều gì không thể tưởng tượng nổi.

Đức Phật A Di Đà sáng tạo ra thế giới Tây phương Cực lạc để tiếp dẫn những người tạo nhiều thiện nghiệp. Cõi giới đó hòa bình, an lạc, rộng lớn vô biên, không có người xấu, không có thiên tai, không có bệnh tật. Ai chán cảnh trần gian nhiều thương tâm, tranh giành, chém giết thì có thể phát nguyện hướng về cõi giới đó, điều kiện là : lòng tin, nguyện lực rộng lớn, tâm luôn nghĩ điều thiện và hành thiện nghiệp.

Đối với Phật và Bồ Tát, vũ trụ chỉ là ảo, không gian, thời gian, số lượng vật chất, năng lượng đều không có thật, cái ta của mỗi người cũng không thật (vô ngã), vạn pháp là vô thường, như hoa đẹp sớm nở tối tàn, bao nhiêu người đẹp tài hoa một thời rồi cũng già, bệnh, chết. Những cung điện nguy nga của kinh thành Ca tỳ la vệ, nơi quê hương Đức Phật nay chỉ còn dấu tích nền đá rêu phong. Thế thì nhân loại không việc gì phải tranh giành chém giết lẫn nhau một cách mê muội.

Pháp thân của Phật và Bồ Tát có mặt khắp Tam giới, suốt thời gian vô thủy vô chung. Phật còn có danh hiệu là Như Lai vì có tốc độ di chuyển bằng ý niệm, khởi niệm là đến, nên vũ trụ duy tâm mênh mông này đối với Như Lai bé như bàn tay. Còn khoa học duy lý dù tài giỏi đến đâu cũng không có khả năng đi khắp vũ trụ. Mà dù có đi được xa 1000 năm ánh sáng thì khi trở về cũng không còn ý nghĩa vì địa cầu đã biến đổi hoàn toàn sau 1000 năm, không còn ai biết đến chuyến đi của họ.

Tuy khoa học có giới hạn, nhưng cũng có vai trò nhất định của nó, không ai phủ nhận những thành quả tích cực mà khoa học đem lại cho cuộc đời, như nhà cửa, xe cộ, đồ dùng tiện nghi. Nhưng khoa học cũng đem lại tai họa (bom nguyên tử, các thứ vũ khí giết người, chất độc màu da cam, chất độc hóa học…). Nhân loại cần khoa học, nhưng cũng cần một thứ đạo lý vĩ đại hơn, hòa bình hơn, chân thiện mỹ hơn, mà Phật giáo có thể cung ứng.

Truyền Bình

Không có nhận xét nào: