Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Sự Tích Kinh Lăng Nghiêm

Sự Tích Kinh Lăng Nghiêm

Ở Ấn Độ khi xưa vào thời Đức Phật còn tại thế, mùa mưa thường kéo dài có khi đến vài tháng. Chính trong thời gian nầy, các chư tăng tề tựu đông đủ để nghe Đức Phật thuyết giảng và tham thiền nhập định. Thời gian nầy được gọi là ba tháng an cư kiết hạ. Sau đó, chư tăng cũng như Phật mỗi người đi mỗi ngã để lo hoằng dương đạo pháp và họ chỉ trở lại đây trước mùa mưa năm tới.

Một hôm, nhân mùa mãn hạ, cũng là ngày húy nhật của vua cha, nên vua Ba-tư-nặc sắm sửa nhiều món chay đặc biệt và chính thức nhà vua đi mời Đức Phật cùng chư tăng đến để cúng dường. Ngoài ra, các hạng trưởng giả cũng sắm đủ thức cơm chay để cung thỉnh chư tăng đến cúng dường. Phật bảo ngài Văn Thù Bồ tát chia chư tăng ra làm nhiều nhóm để đi từng nhà thọ cúng.

Trong lúc ấy, ông A Nan vì đã chịu người thỉnh riêng trước, nên trở về chẳng kịp để dự vào hàng chúng tăng thọ cúng. Ông mang bình bát đi vào thành, oai nghi tề chỉnh, dáng điệu chậm rãi, qua từng nhà để khuất thực. Với tâm bình đẳng, ông muốn làm phước điền cho tất cả mọi người, không phân biệt quý phái hay hạng bình dân. Ông chỉ mong gặp những người chưa làm phước, để hôm nay họ có cơ hội phát tâm cúng dường, như thế giúp họ gieo nhân tốt để ngày sau họ gặt lấy quả hiền. Vì nghĩ như thế, nên ông rảo bước vào các xóm làng, nhưng không may ông gặp một người đàn bà ngoại đạo có tên là Ma-đăng-già đã dùng thuật thần chú của Ta Tỳ Ca La tiên Phạm Thiên để bắt ông vào phòng định giở trò dâm dục.

Ông A Nan đang bị nạn, hết sức buồn rầu, chỉ còn chắp tay niệm Phật và hướng về Đức Chí Tôn để cầu cứu. Đức Phật cảm ứng được, nên khi vừa thọ trai xong không kịp thuyết pháp, Ngài liền trở về tịnh xá ngồi kiết già, phóng hào quang có hoa sen ngàn cánh và bắt đầu nói thần chú Lăng Nghiêm. Sau đó, Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi đem thần chú ấy đi đến chổ nàng Ma-đăng-già để phá trừ tà chú cứu nạn cho A Nan.

Sau khi được thoát nạn, ông A Nan về đến chổ Phật cúi đầu kính lạy, buồn tủi, khóc than và bạch với Phật rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn! Con từ hồi nào đến giờ có lòng ỷ lại bởi vì con là em của Phật, được Phật thương yêu, chắc chắn Phật sẽ ban cho con thần thông trí tuệ, hay đạo quả Bồ đề, nên chỉ lo học rộng nghe nhiều, mà không chịu tu niệm, không ngờ đạo Phật ai tu nấy chứng. Mặc dầu con là em của Phật, nếu không tu thì cũng chẳng ích gì! Cúi xin Phật rộng lòng từ bi, chỉ dạy cho con phương pháp nào mà mười phương chư Phật tu hành đều được thành đạo chứng quả”.

Nội dung của kinh Lăng Nghiêm là Phật chỉ dạy cho chúng sinh ngộ được chơn tâm. Bởi vì chúng sinh không ngộ được chơn tâm nên phải vỉnh viễn làm kiếp chúng sanh, trầm luân trong biển sanh tử và chịu không biết bao nhiêu khở sở. Còn Chư Phật thì đã thoát ly sanh tử luân hồi, được tự do giải thoát, thần thông tự tại, trí huệ vô biên cũng bởi các Ngài đã ngộ được chơn tâm.

Nói một cách khác là Phật với chúng sanh cùng đồng một thể tánh chơn tâm, nhưng các Ngài đã hoàn toàn giác ngộ được thể tánh ấy, nên mới thành Phật. Trái lại, chúng sanh vì mê muội thể tánh chơn tâm, nên phải bị sanh tử luân hồi. Nếu chúng ta giác ngộ chơn tâm thì chúng ta sẽ được như Phật. Ngộ được chơn tâm như người thức giấc mộng, không ngộ được chơn tâm như người còn ngủ chiêm bao.

Vì kinh Lăng Nghiêm quý giá như thế, nên thủa xưa các vị vua Ấn Độ xem nó như là quốc bảo và không cho truyền bá kinh nầy ra ngoài. Chúng ta còn nhớ, tiền nhà Đường có ngài Huyền Trang (Đường Tam Tạng) qua Ấn Độ và ở tại đây rất nhiều năm để thỉnh biết bao bộ kinh mà chúng ta thấy hiện nay, nhưng chính ngài cũng không hề biết ở Ấn Độ còn có bộ kinh Lăng Nghiêm. Cũng trong thời gian nầy, ở bên Trung quốc có vị Trí Giả Đại sư, là vị Tổ của Tông Thiên Thai, đã dùng kiến thức của ngài để phát minh ra môn Tam Chỉ Tam Quán. Khi ngài Trí Giả Đại sư thuyết giảng về môn Tam Chỉ Tam Quán nầy cho vị sư của Ấn Độ khi ông đến thăm núi Thiên Thai, thì vị sư người Ấn Độ tiết lộ rằng môn Tam Chỉ Tam Quán gần giống như kinh Thủ Lăng Nghiêm ở bên Ấn Độ. Từ đó người Trung Quốc mới biết hiện còn một bộ kinh nửa mà họ chưa được biết đến. Ngài Trí Giả Đại sư khát vọng muốn có cơ hội để xem cho được bộ kinh nầy, nên ngài mỗi ngày hai lần sớm chiều xây mặt về phía Tây (Ấn Độ) quỳ lạy cầu khẩn liên tiếp trong 18 năm cho Kinh Lăng Nghiêm được sớm truyền bá sang Trung quốc.

Khoảng 100 năm sau, trong thời đại của Vỏ Tắc Thiên hoàng đế, có ngài Bất Lạc Mật Đế, người Ấn Độ, đã hai lần tìm cách đem kinh Lăng Nghiêm sang truyền bá cho Trung Hoa, nhưng vì luật quá khắt khe nên không thể nào đạt được. Đến lần sau cùng, Ngài viết kinh trong miếng lụa mỏng, rồi cuốn lại, xẻ bắp vế nhét vào, băng lại như người có ghẻ, mới thành công đem ra được.

Ngài Bất Lạc Mật Đế dùng đường biển để đến Quảng Châu. Khi đến đất Nam Thuyên thì ngài gặp cư sĩ Phòng Dung. Cư sĩ Phòng Dung lúc còn trẽ làm đến chức Thừa tướng cho hoàng đế Vỏ Tắc Thiên, nhưng vì phạm lỗi lầm nên bị thuyên chuyển đến làm quan ở đất Nam Thuyên nầy. Vì làm đại quan, nên ông là bậc bác học uyên thâm và cũng là người rất hâm mộ Phật pháp. Khi nghe ngài Bất Lạc Mật Đế nói về kinh Lăng Nghiêm, thì ông hết sức vui mừng, nhưng khi mở tấm lụa ra thì máu me bám lấy lâu ngày làm mất cả chữ nghĩa. May thay, phu nhân của ngài Phòng Dung đem cuốn lụa ấy nấu với một chất hóa học, thì máu mủ đều theo nước mà tan đi, chỉ lưu lại các nét mực mà thôi.

Ngài Phòng Dung thỉnh ngài Bất Lạc Mật Đế dịch kinh từ chữ Phạn ra chữ Hán. Ngài Mật Đế thì dịch, còn quan Phòng Dung lại phụ âm, thành thử kinh Lăng Nghiêm chẳng những nghĩa lý rất hay mà văn chương còn tuyệt diệu. Từ xưa các học giả, không nhất thiết là trong đạo Phật, mà cả đạo Nho, mỗi khi xem đến kinh Lăng Nghiêm đều kính phục và vô cùng khen ngợi cái nghĩa lý cao siêu và văn chương tuyệt diệu của kinh.

Trước khi nói về chơn tâm, Phật gạn hỏi ông A Nan bảy lần về nơi thường trụ của tâm.

1) Tâm ở trong thân: Phật nói rằng nếu thật tâm ở trong thân, thì trước hết nó phải thấy tim, gan, ruột, phổi…rồi mới thấy các vật ở bên ngoài. Vậy có ai thấy được tim, gan … của mình chưa? Do đó tâm ở trong thân là phi lý.

2) Tâm ở ngoài thân: Lúc Phật đưa cánh tay ra thì mắt ông A Nan thấy cánh tay và tâm của ông liền phân biệt. Phật nói nếu mắt ông vừa thấy mà tâm ông liền nhận biết, thì thân và tâm không thể rời nhau được. Vì thế nói tâm ở ngoài thân là sai.

3) Tâm ẩn trong con mắt: A Nan nói tâm núp trong con mắt; cũng như con mắt của người mang kính, tâm chỉ thấy các cảnh vật bên ngoài, mà không thấy được bên trong. Phật dạy nếu tâm cũng như con mắt người mang kính có thể thấy được cái kính mang, còn tâm ông sao lại không thấy được con mắt của ông? Nếu tâm ông thấy được con mắt của ông, thì con mắt của ông thành ra cảnh bị thấy, nó phải ở ngoài thân ông mới phải. Còn nếu thân tâm ngoài nhau, thì làm sao mắt ông vừa thấy, tâm ông liền nhận biết. Do đó tâm núp sau con mắt cũng không đúng.

4) Thân thể của chúng sanh, tạng phủ ở trong, khiếu huyệt (ngũ căn) ở ngoài. Nội tạng thì tối, ngũ căn thì sáng. Nếu mở mắt thấy sáng gọi là thấy bên ngoài, nhắm mắt thấy tối gọi là thấy trong thân. Phật dạy khi A Nan nhắm mắt thấy tối, cái cảnh tối ấy là đối với mắt hay chẳng đối với mắt? Nếu đối với mắt thì tối ở trước mắt, tức ở ngoài thân, sao lại nói ở trong thân? Giả sử cho tối là trong thân thì lúc trong phòng tối chẳng có ánh sáng, những gì trong phòng tối đều là tạng phủ của ông sao? Nói như thế là sai.

5) Sự suy nghĩ là tâm: Tâm sanh nên các pháp sanh, pháp sanh nên các tâm sanh. Nay con suy nghĩ, chính cái suy nghĩ ấy là tâm của con, tùy sự suy nghĩ tâm liền có, cũng chẳng ở trong, ngoài và chính giữa. Phật dạy là Tâm chẳng có tự thể thì chẳng thể suy nghĩ. Nếu chẳng có tự thể mà suy nghĩ được thì vô căn phải thấy được vô trần, nghĩa nầy chẳng đúng.

6) Tâm ở chính giữa: A Nan nói nếu tâm ở trong thân, sao chẳng biết được trong? Còn tâm ở bên ngoài, thì sao thân tâm lại biết nhau? Như thế thì “tâm” chắc ở chính giữa. Phật hỏi ở chính giữa là ở chỗ nào? Ở nơi thân hay ở nơi cảnh? Nếu ở nơi thân, thì tâm phải thấy trước ruột, gan, phèo, phổi ở bên trong. Điều nầy là sai. Còn như ở về cảnh, là có thể nêu ra hay chẳng thể nêu ra? Nếu chẳng thể nêu ra thì cũng như là không có. Còn nếu có thể nêu ra thì không thể nhứt định chỗ nào là chính giữa. Tại sao? Ví như người cắm cây nêu làm chính giữa, nhìn từ phương Đông thì cho cây nêu ở phương Tây, nhìn từ phương Nam thì cho cây nêu ở phương Bắc, cái thế giữa được nêu ra đã lẫn lộn thì tâm cũng thành rối loạn, chẳng rõ ở đâu.

7) Cái vô trước là tâm: Cái tâm hiểu biết phân biệt, không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở chính giữa, không ở chổ nào cả, không dính mắc (vô trước) tất cả, đó gọi là tâm? Phật bảo A Nan: Ngươi có cái tâm giác tri chẳng ở chổ nào cả, vậy như các loài bay trên hư không, ở dưới nước và trên bờ, gọi là tất cả vật tượng nơi thế gian mà ngươi không trước đó, là có hay không? Không thì giống như lông rùa sừng thỏ. Nếu có sự không trước thì chẳng thể gọi là không. Không tướng mới không, chẳng không thì có tướng, tâm đã chấp có tướng, thì không thể nói là không trước được.

Trong phần gạn hỏi, Phật chỉ muốn đưa A Nan đến chổ tự ngộ bởi vì lời Phật chẳng phải là chơn lý. Phật chỉ dùng thuốc giả để trị bịnh giả của A Nan. Tại sao lại nói là bịnh giả? Vì những kiến chấp của A Nan vốn chẳng thật. Tại sao nói thuốc giả? Vì lời phá chấp của Phật cũng chẳng thật. Kỳ thật khi A Nan nói tâm ở trong thân, ở ngoài thân, cho đến nói không trước là tâm, thì không phải có chổ chẳng đúng hay chẳng sai. Nhưng vì ông ta chấp nhất định ở một chổ, nên Phật nói chẳng đúng. Nếu bịnh chấp chưa hết thì có thể nêu ra vô số chỗ, chứ đâu chỉ có bảy chổ thôi? Nếu bịnh chấp đã hết thì một chổ cũng chẳng có, nói gì đến bảy chổ!

Tự tánh vốn bất nhị, nếu chấp theo lời Phật, cho thật chẳng ở trong là nhị, cho thật chẳng ở ngoài cũng là nhị, cho đến bất cứ có ở một chổ nào , hay chẳng ở một chổ nào đều là nhị. Tại sao? Bởi vì nếu có ở một chổ nầy thì những chổ kia không có, chổ có chổ không tức là nhị. Do đó Phật mới nói: “Phàm hữu ngôn thuyết, giai phi thật nghĩa”, phàm có lời nói thì chẳng phải nghĩa thật.

Sau khi phá được cái chấp của A Nan, Phật bấy giờ mới từ từ chỉ cái Tâm đến sáu lần. Ban đầu, Phật tạm chỉ các giác quan về phần trực giác như nghe, thấy… là tâm. Khi A Nan đã hiễu rồi thì Phật lại tăng lên một cấp nữa là các giác quan tuy không phải là vọng, nhưng cũng chưa phải là chơn tâm. Cuối cùng Phật nói chỉ có cái Bản thể sanh ra các giác quan mới thật là chơn tâm. Tất cả các pháp đều từ tâm biến hiện, như ngũ uẩn, lục nhập, lục căn, lục trần và lục thức…đều do tâm sanh ra, rồi cũng trở về với thể tánh chơn tâm.

Tôn giả A Nan và đại chúng trí tuệ được thông suốt, nhận rõ rằng chúng sanh trôi nổi trong vòng sanh tử luân hồi hay chứng được đạo quả Bồ đề an vui giải thoát cũng đều là do ở lục căn. Trong niềm hân hoan của Pháp hội, Phật hỏi như vậy trong sáu căn thì nên tu theo căn nào để đạt được viên thông? Lúc nầy 25 vị đại A la hán, Bồ tát hàng đầu theo thứ tự trình lên Phật những kinh nghiệm tu chứng của mình. Sau cùng Phật hỏi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi trong 25 pháp tu đó thì pháp nào thích họp cho ông A Nan cũng như Phật tử căn cơ còn yếu.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói cho A Nan rằng:

- A Nan! Ông nên lắng nghe: Tôi vâng oai thần của Phật, nói pháp môn tu hành nầy. Ông đem cái nghe của ông, nghe tất cả pháp môn thâm mật của chư Phật, nhiều như vi trần nếu các phiền não dục lậu không trừ thì cái nghe càng thêm lầm lỗi. Ông biết đem cái nghe của ông, nghe các pháp môn của chư Phật, sao ông không đem cái nghe đó, trở lại nghe ”tánh nghe” (chơn tánh) của mình.

- A Nan! “cái nghe” nó không phải tự nhiên sanh, do có tiếng (thính trần) nên mới gọi rằng “nghe”. Nếu xoay cái nghe trở vào tự tánh, không chạy theo tiếng, thế là thoát ly được cái tiếng (thính trần). Lúc bấy giờ cái nghe nầy cũng không còn gọi tên là nghe nữa (vì không còn đối đãi nên chẳng có tên kêu gọi). Một căn (lỗ tai) đã được phản vọng trở về chơn rồi, thì cả sáu căn cũng đều được giải thoát.

- A Nan! Các cảm giác: thấy, nghe, hay, biết của ông đó, đều là hư huyễn, như con mắt bị nhặm. Còn ba cõi sum la vạn tượng đây, cũng không thật, đều như hoa đóm giữa hư không. Khi cái thấy, nghe, hay, biết xoay trở lại chơn rồi, thì cũng như con mắt kia hết nhặm. Khi các vọng trần tiêu hết thì tâm ông được thanh tịnh.

Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sang suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn tâm ông vừa tịch mịch lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian nầy, cũng như là việc trong chiêm bao. Khi ông được như thế rồi, thì nàng Ma-đăng-già ở trong mộng kia làm gì bắt ông được.

- A Nan! Ví dụ như các nhà huyển thuật làm các thứ hình, tuy có thấy cử động, nhưng cốt yếu là tại cái máy rút. Nếu máy kia thôi rút, thì các huyển kia yên lặng, vì nó không có tự tánh. Sáu căn của ông cũng thế, gốc từ nơi tâm, vì vô minh vọng động thành ra sáu căn. Nếu một căn phản vọng về chơn rồi, thì sáu giác quan đều không thành. Nếu trần cấu còn thì ông còn phải tu. Khi trần cấu hết, thì tâm tánh ông được hoàn toàn sang suốt, đó là Phật.

- A Nan! Ông chỉ xoay cái nghe của mình trở về chơn tánh, không chạy theo phân biệt vọng trần bên ngoài, thì ông tức thì thành đạo vô thượng. Đây thật là pháp tu viên thông.

Các Đức Phật nhiều như số vi trần cũng đều do một con đường nầy mà đến cửa Niết Bàn. Hiện tại các vị Bồ tát và những người tu hành đời sau, đều y theo pháp môn nầy mà thành đạo. chính tôi cũng nhờ pháp môn nầy mà được chứng quả, đâu phải chỉ một mình ngài Quán Thế Âm tu theo lối nầy mà thôi. Nay Phật dạy con lựa pháp môn tu hành, để cho người đời sau tu hành mau thành đạo quả, thì duy chỉ có pháp tu của ngài Quán Thế Âm là hơn hết. Còn bao nhiêu các pháp tu hành khác, đều nhờ oai thần của Phật gia hộ mới được thành tựu. Các pháp ấy đều từ nơi sự tướng mà dẹp trừ trần lao, nên không phải là một phương pháp trường kỳ tu tập. Bạch Thế Tôn! Phương pháp nầy rất là dễ tu, mau được thành đạo quả, có thể đem dạy cho A Nan và chúng sanh đời sau, y theo đây tu hành thì hơn các phương pháp khác. Đây là do lòng thành thật của con lựa chọn như thế.

Thật là một pháp môn tu chứng hoàn toàn, giải thoát rốt ráo, mà Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đã thay mặt Phật diễn nói trong kinh Lăng Nghiêm, mang lại vô số lợi ích cho tất cả chúng sanh cũng như các vị Bồ tát mới phát tâm nhờ đó mà tỏ ngộ được chơn tâm. Đối với chúng ta, không phân biệt căn cơ mau chậm, không phân biệt tuổi tác và hoàn cảnh, mọi người, mọi giới và mọi lúc đều có thể áp dụng hạ thủ công phu một cách liên tục pháp môn nầy để tiến đến giải thoát hoàn toàn. Bồ tát Văn Thù quả thật xứng đáng được tuyên xưng là vị Pháp Vương Tử tuyên dương diệu pháp.

Một thí dụ điển hình là khi mắt chúng ta vừa nhin thấy một chiếc xe đang đậu ngoài đường, thì sự thấy đầu tiên nầy cho chúng ta biết sự vật đó là chiếc xe. Như thế thì khi chúng ta biết đó là chiếc xe thì sự biết chính là chơn tâm. Nhưng khi nhìn kỷ lại thì chúng ta mới nhận định chiếc xe nầy có màu xanh rất đẹp. Khi sự biết chuyển thành phân biệt thì chơn tâm không còn nữa mà được thay thế bằng vọng tưởng. Bởi vì khi thấy chiếc xe thật đẹp thì tâm của ta đang bị si mê và lòng tham cũng bắt đầu nổi dậy. Phật dạy: đây chính là căn nguyên cội rễ của sự khổ đau.

Một thí dụ khác là ban đêm thanh vắng chợt có người dạo khúc đàn. Khi vừa mới nghe thì chúng ta biết đó là tiếng đàn thì sự biết nầy chính là chơn tâm. Nhưng khi nghe kỷ lại thì tiếng đàn lên xuống rất hay làm cho lòng ta xao xuyến. Khi sự biết chuyển qua thành xao xuyến thì chơn tâm cũng biến thành vọng tưởng. Bởi vì sự biết tiếng đàn không làm tim ta rung động có nghĩa là chơn tâm mà lòng ta xao xuyến có nghĩa là sự si mê đang nổi dậy trong tâm của chúng ta. Mà si mê chính là vọng tưởng.

Tóm lại sự hay biết của niệm ban đầu chính là chơn tâm. Còn sự phân biệt của những niệm sau chính là vọng tưởng.

Do đó khi đối diện với ngoại cảnh mà chúng ta không khởi vọng niệm phân biệt theo vọng trần, có nghĩa là chúng ta xoay các giác quan như thấy, nghe, hay, biết trở về với thể tánh chơn tâm. Nếu vọng niệm không khởi thì chơn tâm hiện bày. Trong kinh nầy Phật cũng dạy chúng sinh phải giữ trì giới để tâm được thanh tịnh và nhờ tâm tịnh mới phát sinh ra trí tuệ để phá trừ vô minh. Vô minh hết thì chơn tâm tự hiện bày.

Sau cùng Kinh Lăng Ngiêm muốn nhắn nhủ với chúng sinh là hằng ngày con người mỗi khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì tâm liền phân biệt tạo thành sáu thức. Sáu thức chính là tính thấy, tính nghe, tính nếm… . Nếu con người chỉ biết sự phân biệt thì vọng tưởng chưa dấy khởi và chân tâm vẫn còn. Ngược lại sau khi biết sự phân biệt tâm liền chạy theo ý niệm của tham-sân-si thì dĩ nhiên chân tâm biến mất và được thay bằng vọng thức. Thí dụ như chúng ta nếm một món ăn thì biết ngay món ăn nầy ngon hay dở. Cái biết ngon dở không có gì tai hại mà những ý niệm sau đó muốn chạy theo món ngon mà chê món dở thì mới tai hại.

Do đó dầu tâm có phân biệt nhưng nếu tâm không dính mắc thì chân tâm vẫn hiễn bày. Ngược lại sau khi tâm phân biệt mà tâm chạy theo lục trần bên ngoài thì chân tâm biến mất và được thay thế bằng vọng thức mê lầm để đưa con người lún sâu vào sinh tử luân hồi. Trong Kinh Kim Cang Phật dạy rằng:”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là đừng để tâm mình dính mắc nơi sáu trần thì tâm sẽ được thanh tịnh. Sáu căn của con người cũng ví như sáu cánh cửa của một căn nhà. Nếu chúng ta mở toan sáu cánh cửa thì chắc chắn gió lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sẽ tràn vào trong nhà tức là vọng thức từ sáu trần sẽ tràn vào xâm chiếm tâm thức chúng ta.

Tâm thức bây giờ được thay thế bằng vọng thức ô nhiễm từ bên ngoài làm tâm bất tịnh khiến tham-sân-si phát khởi liên miên tạo cơ hội cho con người dễ dàng tạo nghiệp. Nên nhớ có nghiệp là còn sinh tử Luân hồi. Chúng ta nên thức tỉnh quay về sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình thì sáu căn sẽ được sáng tỏ tức là sáu căn không còn dính mắc hay tùy thuộc vào những cảnh giới, màu sắc, hương vị…bên ngoài. Thí dụ khi biết rằng ăn để sống thì vấn đề ăn uống không còn quan trọng. Cũng như xe cộ, nhà cửa…chỉ là phương tiện để sống chớ con người không làm nô lệ cho nó thì tâm không còn dính mắc. Đây chính sống với chơn tâm của mình vậy.

Biết Có là chấp theo cái Có tức là cho sự vật là thật có. Nhưng tất cả vạn pháp đều là vô thường cho nên cái biết Có ấy cũng vô thường hoại diệt. Biết Không là chấp vào cái ngơ. Biết theo hai cái Có, Không là cái biết sanh diệt. Biết thật biết là cái biết của chơn tâm, không kẹt hai bên Có và Không. Đó chính là linh tri, Chơn Tánh của chúng ta vậy.

Lục Căn - Lục Trần - Lục Thức

Vì chúng ta bị si mê nên tạo ra căn nghiệp và chính những nghiệp lực nầy đã lôi kéo chúng ta đi vào vòng luân hồi sanh tử. Những nghiệp căn nầy đã dẫn dắt chúng ta trèo lên tuột xuống trong sáu nẽo luân hồi. Do đó nếu muốn hết sanh tử, thì chúng ta phải phá tan cái nghiệp nầy. Nhưng muốn dứt bỏ được cái nghiệp, thì trước hết chúng ta phải chinh phục nơi tâm mình, và phải dẹp bỏ vọng tưởng. Nhưng từ trước đến giờ chúng ta thường hay lầm vọng tưởng là tâm của mình. Chính sự lầm lẫn sai lạc này nên các vọng tưởng dẫn chúng ta chạy ngược chạy xuôi không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp.

Vậy vọng tưởng phát xuất từ đâu?

Khi thân tứ đại được phát sinh, thì Lục căn cũng dựa vào đó mà phát triển. Vậy thế nào là Lục căn? Căn là chỗ nương tựa, làm gốc cho những cái khác nẫy nở, tạo thành. Lục căn thì gồm có:

¨ Nhãn là mắt, dùng để nhìn.

¨ Nhĩ là tai, dùng để nghe.

¨ Tỷ là mũi, dùng để ngửi.

¨ Thiệt là lưỡi, dùng để nếm.

¨ Thân là da bọc thân người, dùng để nhận biết những cảm giác như nóng, lạnh..

¨ Ý là tư tưởng, dùng để phân biệt.

Chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu là hiện tượng, vật thể, biến đổi không ngừng cũng như chi phối từ tư tưởng đến hành động của chúng ta từng giây từng phút và chúng ta gọi nó là “trần”. Như thế, trần có nghĩa là buị, mà đã là bụị thì dơ bẩn và luôn luôn đổi dời. Trần ở đây cũng còn có nghĩa là phần vật chất, hay những cảnh vật chung quanh con người. Chúng ta gom lại được 6 trần nên gọi là lục trần:

- Sắc: là màu sắc, hình dáng.

- Thanh: là âm thanh phát ra.

- Hương: là mùi vị.

- Vị: là chất vị do lưỡi nếm được.

- Xúc: là cảm giác như cứng, mềm, nóng, lạnh.

- Pháp: là những hình ảnh, màu sắc, hương vị được lưu lại từ 5 trần ở trên.

Khi Lục căn (six sense organs) tiếp xúc với Lục trần (six sense objects), có nghĩa là: mắt thấy được hình ảnh nào, mũi ngửi được mùi thơm nào đó, lưỡi nếm được chất chua, cay hay ngọt, tai nghe được điệu nhạc êm đềm, thân thì cảm thấy đau đớn, hay lạnh lẽo, còn ý thì bắt đầu suy nghĩ, thì ký ức của chúng ta phát sinh ra sự phân biệt. Và chính sự phân biệt, hiểu biết và phán đoán này được gọi là thức. Cũng như Lục căn, thức cũng có 6 thức nên thường được gọi là Lục thức (six sense of consciousness). Do đó Lục thức gồm có: Nhản thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức. Tất cả những chủng tử của nghiệp từ nhiều đời trong quá khứ cộng với biết bao nhân duyên để tạo thành con người trong hiện tại mà nhà Phật gọi là Ngũ uẩn. Ngũ uẩn thì có sắc uẩn thuộc về phần thân xác và thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn thì thuộc về phần tâm thức. Vậy ý nghĩa nó thế nào?

- Sắc: là thân xác của con người.

- Thọ: là những cảm giác vui khổ của thân và tâm.

- Tưởng: là nhớ lại những hình ảnh vui khổ của thân và tâm .

- Hành: là những sự biến chuyển thay đổi của tâm niệm.

- Thức: là sự hiểu biết phân biệt để tạo thành cái biết ở trong tâm.

Ngũ uẩn tự nó không có được, mà là do nhân duyên kết thành nên tự nó không có tự tánh hay chủ thể tức là vô ngã. Nhưng một khi mà do nhân duyên kết hợp thì nó làm sao cố định cho được. Trước khi nhân duyên hòa hợp nó chưa có, sau khi nhân duyên ly tán thì nó cũng tiêu tan theo.

Tâm thì dựa theo Lục căn để nhận biết Lục trần và phân biệt thành Lục thức mà Ngũ uẩn thì biến chuyển rất nhanh thành thử Tâm của con người cũng phải chạy theo. Ý niệm đua nhau sinh khởi trong tâm thức của con người. Ý niệm sau thay thế ý niệm trước vì thế mà vọng tưởng không bao giờ dừng lại. Vọng tưởng còn thì chân tâm biến mất.

Trong 49 năm hành đạo, tôn chỉ của Đức Phật là dạy chúng sinh phải giữ tâm của mình cho được thanh tịnh và loại bỏ tất cả mọi phiền não. Bởi vì vọng tưởng và phiền não biến tâm của chúng ta thành mê muội, mà mê muội là cội nguồn của tham, sân, si.

Chẳng hạn như hôm nay trên đường đi làm về, chúng ta thấy (nhãn căn) một cô gái đẹp lái chiếc xe màu xanh (sắc trần) lạn qua lạn lại trước mắt của chúng ta. Khi về nhà ngồi yên tịnh thì hình ảnh cô gái hiện lên (nhãn thức) làm cho tâm tư chúng ta xao động. Khi mình nghĩ về những hình ảnh củ nầy thì tư tưởng sẽ phát sinh ra si mê. Nếu sự si mê này không được thỏa mãn thì nó sẽ biến thành căm hận và đây chính là lòng sân đã nổi dậy trong tâm của chúng ta rồi.

Thật vậy, chính tham, sân, si là đại lộ kinh hoàng để đưa chúng ta vào đường ác nghiệp và làm cho chúng ta mãi mãi trầm luân trong lục đạo luân hồi.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy rằng:

“Khi thấy,nghe, hay, biết, mà khởi vọng niệm phân biệt, đó là gốc vô minh. Còn khi thấy, nghe, hay, biết mà không khởi vọng niệm phân biệt, đó là Niết bàn”.

Trong các phiền não, chỉ có sân hận là thô bạo nhất, bởi thế cổ nhân có nói:”Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, tạm dịch là khi phát sinh một niềm giận hờn tức đã mở muôn ngàn cửa chướng ngại. Tệ hại hơn nữa, một khi tham, sân, si phát khởi, thì dâm, sát, đạo, vọng sẽ phát sinh. Đây là bốn đại ác nghiệp mà người tu Phật phải tránh xa.

Phật dạy rằng:

“A Nan, ông tu thiền, nếu không đoạn lòng dâm, thì cũng như người nấu cát muốn cho thành cơm, dầu trãi bao nhiêu kiếp cũng không thành được”.

Thật vậy, Đức Phật đã tuyệt đối ngăn cấm đệ tử của Ngài về tội gian dâm khi Ngài còn tại thế. Ngày nay chúng ta hảy lắng nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng phát biểu cảm tưởng của ngài khi ngài nói chuyện với tiến sĩ tâm lý học Jack Engler và Giáo sư tâm lý Jean Shinoda Bolen. Chúng tôi xin trích dịch nguyên văn như sau:

“Thứ nhất là phần lỗi thuộc về nử Phật tử: Vì họ đã dại dột coi các ông thầy như thần thánh, lầm tưởng mọi hành động của ông thầy đều cao thượng, nên tỏ ra tuân phục, cưng chìu các thầy quá đáng, làm cho họ hư hỏng. Điều quan trọng là đừng nên vội vàng coi ai là thầy của mình. Vì đó là mối liên hệ rất quan trọng. PhảI đợi một thời gian dài, có khi cần đến 10 năm, hay lâu hơn thế nữa, để quan sát cách xử sự, cách giảng dạy, khả năng tu hành của kẻ ấy cho thật chính xác. Trong thời gian đó ta chỉ nên coi họ như một người bạn thiện trí thức mà thôi. Không nên tin cậy gì nơi họ hết thảy.

Nếu Phật tử thấy ông thầy nào hành động bất xứng, không hợp đạo lý, có quyền phê bình ngay những hành động đó. Trong kinh sách, Phật đã dạy rất rõ là : Ta chỉ nên theo học người thầy có tư cách đàng hoàng. Kẻ nào bất xứng , nói những điều trái đạo lý, hành động gian tà, người Phật tử phải lánh xa ngay. Tóm lại, người Phật tử có trách nhiệm không để bị lôi cuốn vào con đường tội lỗi.

Còn về phía tăng sĩ thì Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nói tóm tắt như sau: Về phía người thầy thì họ phải chịu trách nhiệm về những hành xử của mình. Nếu người thầy mà để cho Phật tử quyến rũ vào con đường bất chính, thì người đó đã tỏ ra thiếu nội lực, thiếu nhân cách của kẻ tu hành. Trong khi rao giảng Phật pháp và nhân danh một kẻ tu hành mà chính ông thầy lại phạm những lỗi lầm mà ông ta thường khuyên kẻ khác nên tránh, tức là ông ta đã phản bội công việc mình làm. Thật là một điều đáng xấu hổ.”

Khi nói về lòng sát hại, thì Phật lại dạy rằng: 

“A Nan, nếu không trừ tâm sát hại mà muốn cầu được đạo, thì cũng như người tu bịt hai lỗ tai của mình, la tiếng thật lớn, mà muốn cho mọi người không nghe thì không thể được”.

Còn vấn đề trộm cướp, thì Phật dạy rằng:

“A Nan, nếu không đoạn trừ trộm cướp, mà muốn cầu cho được đạo quả, thì cũng như người rót nước vào chén bể mà muốn cho đầy, dầu trãi bao nhiêu kiếp cũng không thể đầy được”.

Sau cùng, Ngài thuyết giảng về vọng ngữ:

“A Nan, nếu các chúng sinh, đã giữ hoàn toàn ba hạnh trên là không sát, đạo, dâm rồi mà còn đại vọng ngữ, thì tâm cũng không thanh tịnh, mất hạt giống Phật. Đại vọng ngữ có nghĩa là chưa đặng đạo mà dám nói mình đặng đạo, chưa chứng quả mà nói mình chứng quả. Đối với người đời hay khoe: Ta đã chứng Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, hay Phật, để trông cầu người lạy cúng. Những người nói dối như thế, làm tiêu hạt giống Phật, sẽ đọa vào trong biển khổ. Cũng như cây Da La khi bị chặt đứt cội rồi, thì không thể mọc chồi đâm tước được”.

Ngoài ra, còn mối tham nhiểm ăn sâu vi tế mà chúng ta cũng cần lưu tâm. Chẳng hạn như số tiền nhỏ không làm cho tham, nhưng với số bạc lớn khiến cho người phải động tâm. Cũng như sắc đẹp tầm thường thì dễ dàng lướt qua, song giai nhân tuyệt sắc sẽ làm cho người mê lụy. Cho đến các vị tu hành mà còn ham thích chuổi tốt, tượng đẹp, hoặc cảnh lớn chùa to, thì cũng thuộc về tâm tham nhiễm.

Chúng ta phải nhận thức rằng lục căn, lục thức và lục trần đều là những pháp giả dối, không thật. Thế nhưng lục căn (nội thân) vì có thói quen tiếp xúc với lục trần (ngoại cảnh) bởi vì lục trần luôn luôn có sức hấp dẫn làm lục căn bị mê hoặc. Do đó khi lục thức (ý niệm và tư tưởng) được phát sinh thì trong tâm của chúng ta chất chứa toàn là vọng tưởng, thay đổi không ngừng. Muốn cho lục căn không bị ngoại cảnh (lục trần) cám dỗ thì chúng ta phải giữ cho tâm được hoàn toàn thanh tịnh và loại bỏ mọi chấp trước thì vô minh và vọng tưởng sẽ bị tiêu diệt. Nhớ lại ngày xưa trước khi Đức Phật chứng quả Niết Bàn thì chính Ngài cũng phải chiến đấu ngày đêm với bọn Ma vương. Trong thì có ngũ uẩn ma, pháp hành ma, tứ diệt ma, còn ngoài thì có chư thiên ma.

Thật vậy, chiến đấu trong nội tâm thì vạn phần khó hơn là chiến đấu ở ngoại cảnh, vì nếu mình giữ lục căn được trong sáng, thì dầu cho lục trần có quyến rũ, hấp dẫn cách mấy, cũng không thể nào thay đổi được minh tâm của chúng ta. Một trong những phương pháp để giữ tâm được trong sạch là thực tập pháp môn “bát chánh đạo”.

1) Chánh kiến: là thấy, nghe, hay biết một cách ngay thẳng.

2) Chánh tư duy: là suy nghĩ, xét nghiệm chân chính.

3) Chánh ngữ: là nói chân thật, công bình và hợp lý.

4) Chánh nghiệp: là hành động đúng với lẽ phải, có lợi ích cho chúng sinh.

5) Chánh mạng: là sinh sống một cách chân chính bằng nghề nghiệp lương thiện.

6) Chánh tinh tấn: là siêng năng làm những việc chánh nghĩa.

7) Chánh niệm: là nhớ các điều tội lỗi đã làm để thành tâm sám hối và làm bất cứ việc gì cũng nhớ đến hậu quả việc làm của mình.

8) Chánh định: là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng.

Tóm lại, chúng ta thấy hậu quả vô cùng tai hại do vọng tưởng sinh ra, nó là cội nguồn của tất cả mọi nghiệp báo để cột chặt chúng ta vào bể khổ của luân hồi. Do đó chúng ta phải sáng suốt dùng trí tuệ để đánh tan mọi vọng tưởng, vô minh để đem lại sự thanh tịnh, tinh khiết trong tâm của chúng ta.

Thêm nữa, nước từ bi mát mẻ sẽ rưới tắt lửa phiền nảo. Tâm nhẫn nhục là áo giáp bền chắc chống lại tất cả mũi tên tam độc. Phật pháp là ánh sáng phá tan khói mù tối tăm. Với những tâm niệm nầy, chúng ta nhứt quyết loại trừ tất cả dục vọng để tăng trưởng sức mạnh ngõ hầu đánh đổ bánh xe luân hồi cay nghiệt để tìm về nơi Cưc lạc.

“Lửa sân si tam độc, đốt hết rừng công đức

Muốn hạnh Bồ tát đạo, giữ thân tâm thanh tịnh”.

Thế nào là thanh tịnh pháp thân?

Phật dạy:”Thanh tịnh pháp thân là chơn tánh thanh tịnh, không sanh không diệt, không hoại không thành. Vọng tánh của chúng sanh chỉ thấy nhục thân mà không thấy pháp thân. Tại chổ phàm phu gọi là tâm tánh, tại nơi thánh hiền gọi là thánh tánh, trong cõi trời đất gọi là thiên tánh. Tới chỗ Bồ tát gọi là Phật tánh và tại chổ chư Phật gọi là thanh tịnh pháp thân”.

Nguyên nhân của sự đau khổ bắt nguồn từ bản ngã vì nó vốn có khuynh hướng phân biệt và từ đó nẩy sinh ra các tham vọng, ái dục.

Nguồn: lesyminhtung.net

Không có nhận xét nào: