Hiện nay vấn đề Tâm linh đang nở rộ và có tính toàn cầu. Nhiều nước trên thế giới, ví dụ như ở Mỹ người ta dành những kênh truyền hình chuyên chiếu về phim “Ma”, giới thiệu và lý giải sự tồn tại của thế giới Tâm linh, của những “linh hồn” con người sau khi đã chết. Hầu như các nước trên thế giới nước nào cũng có các tổ chức, các Hội nghiên cứu về Tâm linh với các tên gọi khác nhau như Hội Thông thiên học, Hội nghiên cứu Cận tâm lý…
Ở Việt Nam gần đây cũng đã có nhóm nghiên cứu Tâm linh có tên gọi là Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Mục tiêu chủ yếu của các Hội nghiên cứu Tâm linh là lý giải các hiện tượng siêu nhiên trên thực tế để đi đến kết luận là có tồn tại các “thực thể siêu hình” trong thế giới tự nhiên hoặc có những “linh hồn” con người sau khi đã chết hay không ?
Tuy các tổ chức, các Hội nghiên cứu Tâm linh của các nước đã nỗ lực hết sức, nhưng vẫn không thu được kết quả xác đáng chứng minh sự tồn tại của các “thực thể siêu hình”. Đến nay vấn đề Tâm linh vẫn được bao phủ bởi bức màn bí ẩn và nhận thức của con người vẫn còn mung lung, không biết đâu là thật, đâu là giả. Do đó, nhiều người đã có niềm tin quá mức để vô tình trở thành “mê tín dị đoan” thật. Cũng có lắm kẻ lợi dụng sự mơ hồ trong nhận thức Tâm linh của nhiều người trong xã hội để hành nghề kinh doanh kiếm chác. Chẳng thế mà tại nhiều cửa chùa đã có những dịch vụ Tâm linh từ A đến Z, công nghệ khấn vái thuê, viết sớ thuê, bày đồ thờ cúng thuê đã thành chuyên nghiệp mất hết cả nét đẹp văn hoá nơi tôn nghiêm, trong sạch của tinh thần. Hơn nữa tính chất Tâm linh đã trở thành hàng hoá với suy nghĩ thiếu lành mạnh của nhiều người rằng: Càng cúng lễ to, càng đốt nhiều vàng mã, (có cả vàng mã nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh…) thì càng chứng tỏ lòng “thành tâm”, càng được các cõi vô hình “phù hộ, độ trì”… Trước những thực tế ngày càng phồ biến những hiện tượng vừa đáng buồn, vừa đáng thương ấy việc cần thiết lúc này là chúng ta cần có nhận thức đúng đối với vấn đề Tâm linh để có lối sống sao cho “vừa tốt Đời, vừa đẹp Đạo”.
Để có nhận thức đúng về Tâm linh, trước hết nên nghe nhà bác học Albert Einstein, người được cả thế giới tôn vinh là vĩ đại nhất trong tất cả các nhà bác học phát biểu: “Khoa học thiếu Tôn giáo thì khập khiễng, Tôn giáo thiếu Khoa học thì mù loà”.
Hiện tượng Tâm linh xuất phát từ tôn giáo, từ các loại Đạo, nhưng hầu hết chẳng ai hiểu rõ và đúng về các loại Đạo cả. Cũng mang tiếng là đang “tu” theo Đạo đấy, nhưng là “tu mù”, vì chẳng hiểu gì về ý nghĩa của sự tu. Ví dụ như Đạo Phật chẳng hạn, đa số các con chiên đệ tử đều ngưỡng mộ, tin Đức Phật Thích Ca là Đấng siêu nhiên có phép thần thông biến hoá. Họ thường nghĩ cứ thắp hương cầu khấn lên Ngài là sẽ được phù hộ cho tai qua nạn khỏi, rồi phát tài phát lộc, thăng quan tiến chức… Đáng buồn thay! đọc giáo lý nhà Phật mà chẳng hiểu gì cả, tiền của, danh vọng… không phải từ trên Trời rơi xuống mà phải do bản thân tự kiến tạo ra theo đúng luật Nhân quả hết sức khoa học. Có gieo Nhân lành thì mới mong gặt hái được Quả tốt, có lao động trên thực tiễn tốt thì mới có hiệu quả nhiều tiền, thăng tiến…
Hiểu đúng về Đức Phật thì Ngài là nhà Đại bác học chứ không phải là giáo chủ tôn giáo có phép thần thông. Bằng chứng về việc này trong kinh “Diệu pháp liên hoa”, Ngài đã phát hiện ra sự tương đối của không gian, thời gian trước Thuyết tương đối của nhà bác học Einstein tới hơn 2.400 năm. ( Các bạn cứ giở quyển kinh nói trên xem phần Đức Phật nói về thời gian trôi tại các cảnh giới trong vũ trụ thì rõ). Nếu chúng ta tôn vinh Einstein là nhà khoa học vĩ đại thì tại sao không tôn vinh Đức Phật cũng là nhà khoa học vĩ đại mà lại nhận thức Ngài là tôn giáo? “Tôn giáo thiếu khoa học thì mù loà”, đã mù loà thì sao thấy được, nhận thức được Tâm linh? Chính vì thế mà các Hội nghiên cứu Tâm linh trên thế giới nghiên cứu mãi không ra kết quả. Đến nay vẫn mù tịt không chứng minh được sự tồn tại Tâm linh là đúng hay sai ? có tồn tại “thế giới siêu hình” hay không ?
Vấn đề Tâm linh quả là nan giải, nhưng không phải là bế tắc không nhận thức được. Bởi “Khoa học thiếu Tôn giáo..” thì chỉ bị “khập khiễng” chứ không “mù loà”. Nhận thức Tâm linh đúng phải theo con đường khoa học cao cấp hơn, và phải không bị “khập khiễng”. Ác một nỗi hiện nay khoa học hiện đại vẫn còn đang bị lủng củng, khập khiễng, còn chưa hoàn chỉnh. Có những hiện tượng trong vũ trụ, ví dụ như Hố đen, cấp độ nghiên cứu còn thấp hơn Tâm linh mà vẫn chưa nhận thức ra bản chất của nó. (Hố đen vũ trụ vẫn bị bao phủ bởi bức màn bí ẩn sau khi năm 2004 ông Stephen Hawking, người được đánh giá là vĩ đại chỉ đứng sau Einstein tuyên bố đã sai lầm sau 29 năm nghiên cứu Hố đen). Ngay cả Thuyết tương đối vang lừng thế giới của chính Einstein cũng còn bị nghi vấn có vấn đề cần phải xem lại, bổ xung cho hoàn chỉnh hơn.
Cái cần phải xem lại của Thuyết tương đối lại chính là mấu chốt, cơ sở cho việc nghiên cứu chứng minh cho Tâm linh, đó là tiên đề thứ hai về vận tốc ánh sáng. Có điều này là vì nghiên cứu Tâm linh ai cũng hiểu và nhận thức thấy tốc độ lan truyền của sóng thông tin Tâm linh là không có giới hạn, sự truyền thông tin gần như ngay lập tức, dường như không phụ thuộc vào khoảng cách với thời gian. Trong khi đó vận tốc truyền của sóng ánh sáng lại được coi là vận tốc giới hạn của mọi vận tốc đã được Khoa học hiện đại lấy làm tiêu chuẩn, “cơ sở khoa học” cho mọi phương trình tính toán. Nếu ai dám phát biểu c ≠ constant, và c (vận tốc ánh sáng) không phải là giới hạn của mọi vận tốc, thì người đó là “phản khoa học”. Khoa học bị “khập khiễng” ở chính chỗ đó. Giải quyết chữa được cái bảo thủ, “khập khiễng” của Khoa học này công cuộc nghiên cứu chứng minh Tâm linh mới chỉ có thể bắt đầu và phát triển.Khi khoa học đã giải quyết được bài toán về vận tốc ánh sáng không phải là vận tốc giới hạn của mọi vận tốc, thấy được cái “cong” của ánh sáng trong không gian “cong” khác với cái “thẳng” của ánh sáng trong không gian thông thường thì việc nghiên cứu Tâm linh, ứng dụng vào thực tiễn sẽ phát triển rất nhanh. Có thể chỉ vài chục năm sau, đến cuối thế kỷ 21, đầu thế kỷ 22 , Khoa học công nghệ thế giới sẽ chế tạo ra máy xem được hình dáng, nói chuyện trực tiếp với “thế giới siêu hình”, nôm na dễ hiểu là xem và nghe được các cảnh giới của “Ma quỷ”, “Thần thánh” vô hình trong vũ trụ. Lúc đó Khoa học thế giới mới chính thức công bố sự tồn tại Tâm linh, các “thực thể siêu hình” là có thật chứ không phải là chuyện tưởng tượng, “mê tín dị đoan”.
Câu chuyện nhân loại có thể chế tạo ra máy móc giao lưu trực tuyến với “thế giới siêu hình”, với “Ma quỷ”, “Thần thánh” trong tương lai có vẻ như chuyện hoang đường, viễn tưởng của hôm nay, nhưng sẽ là hiện thực của ngày mai trong tương lai với tầm nhìn của những nhà khoa học chân chính.
Bởi lẽ thứ nhất, chúng ta tin vào Đức Phật đã chỉ dẫn có tính khoa học rằng các chủng tử siêu vi hạt “sát na” có vận tốc cực nhanh khác với vận tốc ánh sáng, nhưng lại cùng ở dạng sóng lan truyền trong không gian. Chúng ta xem được vô tuyến truyền hình vì vô tuyến truyền hình là cái máy thu nhận được thông tin qua sóng điện từ với các tần số bước sóng thích hợp. Vậy thì tại sao khoa học công nghệ trong tương lai, với những thành tựu đã đạt được lại không thể chế tạo ra hệ thống máy móc thu nhận được các bước sóng thông tin siêu vi hạt “sát na” ? Tin vào Đức Phật, nhà bác học lỗi lạc đã phát hiện ra sóng siêu vi hạt “sát na”, nghĩa là khoa học đã không thiếu “tôn giáo”, nên không còn “khập khiễng” nữa. Đó là nguyên nhân có thể tin được là có người thấy được những điều không ai thấy, làm được những điều mà hiện tại tưởng là hoang tưởng.
Bởi lẽ thứ hai, cứ giả sử ví dụ như sau: Nếu có ai đó có tài tiên đoán sống ở đầu thế kỷ 20 phát biểu rằng đến cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, khoa học công nghệ phát triển, con người có thể chế tạo ra cái máy kỳ diệu bất chấp cả khoảng cách xa xăm, núi non biển cả ngăn cách, có một sự kiện thể thao diễn ra ở nước Pháp, thì đồng thời tại Mỹ, hoặc ở Việt Nam thông qua cái máy kỳ diệu đó bạn cũng có thể xem được hình ảnh, âm thanh của sự kiện thể thao đó rõ ràng như thể bạn đang ở Pháp. (Hệ thống vô tuyến truyền hình phát trực tiếp sự kiện thể thao). Dám cá rằng dù có trí tưởng tượng cao đến mấy thì hầu hết thiên hạ sống ở đầu thế kỷ 20 nghe thấy bạn nói thế cũng cho là “hoang tưởng”, nói không có “cơ sở khoa học” và không ai tin cái điều “nhảm nhí” như vậy.
Cái tưởng là “hoang tưởng”, không có “cơ sở khoa học” ở đầu thế kỷ 20, nhưng lại là sự thật, là khoa học ứng dụng hiện đại ở cuối thế kỷ 20 như ví dụ trên. Do đó nếu là người có văn hoá thì chúng ta không nên chê cười những cái gì mình chưa biết, chưa hiểu, chưa hình dung ra. Hiện tượng Tâm linh cũng vậy, hiện tại chưa biết, chưa hiểu, khoa học chưa chứng minh được thì không thể cứ mù quáng cho là “mê tín dị đoan”, nhưng cũng không thể cứ tin như thật, tin quá mức để trở thành “mê tín dị đoan”.
Tóm lại, hiện tượng Tâm linh là có thật, đã được thể hiện bằng việc các nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sỹ đúng trong nhiều trường hợp trên thực tế dù xác xuất tìm trong tổng số các trường hợp không phải là tuyệt đối 100%. Nhưng để khẳng định, chứng minh theo con đường khoa học thì nay mới chỉ là bắt đầu.
Trước hiện tượng các nhà ngoại cảm tìm được mộ các liệt sỹ, các nhà khoa học đã băn khoăn không hiểu vì sao họ lại có thể “nhìn” xuyên được dưới lòng đất? Khoa học đã đặt vấn đề phải chăng bộ não con người là một “bộ máy” cực kỳ tinh vi do tạo hoá sinh ra nhưng chưa được sử dụng hết mà chỉ có một số người như các nhà ngoại cảm do may mắn sử dụng được nên mới có thể “nhìn” thấy? Sự việc được sáng tỏ khi các nhà khoa học thế giới khám phá ra rằng bộ não con người có khoảng 2 ÷ 2,5 tỷ tế bào nơ ron thần kinh nhưng hiện tại mới chỉ sử dụng được khoảng 10%. Số lượng còn lại là “lãng phí”, chưa được sử dụng. Nếu sử dụng được thêm khoảng 1-2% nữa thì có thể con người sẽ thông minh hơn, hay cũng có thể “nhìn” xuyên được lòng đất như các nhà ngoại cảm? Đó là hướng tốt của tư duy khoa học, nhưng không phải là mới, bởi Đức phật đã nói điều này cách đây hơn 2500 năm trước rồi. Không phải vô cớ mà Đức Phật đã nói trong Kinh rằng: con người ai cũng có tâm Phật và sẽ trở thành Phật trong tương lai, nhưng vì hiện tại vẫn còn vô minh nên không biết bản thân mình là Phật tương lai, (trong Kinh Pháp Hoa). Khi đã được giác ngộ, hết vô minh trở thành Phật thì các bạn biết rồi đấy sẽ là người có trí tuệ siêu phàm, có thể nhìn thấu “tam đại thiên thế giới” , soi được các “cảnh giới vô hình” trong vũ trụ…Mục tiêu chủ yếu của Đạo Phật là tu đến đỉnh cao của Trí tuệ, hiểu sâu sắc hơn, phù hợp với khoa học hơn thì Đức Phật đã biết trong mỗi con người đã ẩn tàng một “khối lượng tri thức khổng lồ” nhưng chẳng ai biết chính bản thân họ có cái kho tàng tri thức khổng lồ ấy. Chỉ khi nào thành Phật thì họ mới biết là có cái “kho tàng tri thức khổng lồ” đó. Phật tử tu ít thì chứng quả nhỏ, tu nhiều thì chứng quả lớn. Nghĩa là cái “kho tàng tri thức” ấy sẽ được mở nhiều hay ít tuỳ vào sự tu nhiều hay ít của chính con người. Nói như các nhà khoa học thì cái “kho tàng tri thức” đang ẩn tàng đó mới được sử dụng rất ít, tương đương như việc con người mới chỉ sử dụng có 10% số tế bào nơ ron thần kinh thôi. Nếu sử dụng được nhiều hơn thì có thể sẽ trở thành các nhà bác học vĩ đại ví như Newton hay Einstein…
Như vậy vấn đề Tâm linh đã dần dần sáng tỏ, có tính lôgíc, khoa học. Cái số tế bào thần kinh trong não con người chưa sử dụng đến, chính là cái kho tàng tri thức khổng lồ mà không mấy ai biết mình đang có cái kho báu quý giá đó. Và đó cũng chính là điều ẩn chứa những bí ẩn trong mỗi con người, nói lên rằng chất Tâm linh đang tồn tại ở ngay trong chính con người mà bản thân con người đã không biết, không hiểu. Câu nói rất thông dụng từ xưa đến nay vẫn gọi là tôn giáo: cấu tạo con người gồm hai phần thể xác và linh hồn…là đúng nếu có trí tuệ Phật soi xét. Nhưng là không đúng khi trí tuệ con người chưa đạt đến trí tuệ Phật. Như phần đầu đã nói, chúng ta không nên phán xét những điều chúng ta chưa biết, chưa hiểu vì trình độ trí tuệ của đa số là chưa cao, chưa thể bằng Einstein, Newton… lại càng chưa thể sánh với trí tuệ Phật, điều tốt nhất là nên tin vào những người vĩ đại như Đức Phật đã nói.
Cái Tinh thần (linh hồn) của mỗi con người thực chất đúng là cái Tâm linh rất “thiêng liêng”, vĩ đại đang ẩn chứa kho tàng tri thức lớn lao, khổng lồ nhưng chẳng mấy ai biết, ai hiểu bản thân mình đang có cái kho tàng đó. Tương đương như việc số nơ ron thần kinh trong bộ não của con người còn 90% chưa được sử dụng.Vậy thì làm thế nào để mở được “kho tàng tri thức” đang ẩn chứa trong người ra để sử dụng? Hay tu như thế nào để trở thành có công quả thành Bồ tát, thành Phật ?
Theo như Đức Phật là người đã giác ngộ, có Tâm linh cao thì chìa khoá để mở cái kho tàng ấy đó là tình thương yêu, lòng nhân ái . Có chìa khoá đó thì việc mở, hay nói đúng hơn là kết hợp với động tác mở (các biện pháp cơ bản của Thiền như Yôga, khí công, Tâm năng dưỡng sinh, nhân điện…) sẽ rất dễ dàng mở được kho báu, và khi kho báu đã mở được rồi thì việc nhìn thấy “cảnh giới của Ma” là chuyện bình thường, lúc đó con người sẽ có trí tuệ rất cao, là những nhà bác học vĩ đại, những nhà tỷ phú có đầu óc kinh doanh lỗi lạc, những nhà lãnh đạo xuất chúng…
Chìa khoá để mở “kho tàng tri thức” đang ẩn tàng trong “linh hồn” con ngưòi đúng là tình thương yêu, nhân ái với sự trợ giúp của các công đoạn thể dục dưỡng sinh của Thiền. Không nói thì các bạn cũng đã biết, từ xưa đến nay bất kể các Đạo tôn giáo lớn nào trên thế giới đều hướng con người theo hướng thiện, có lòng nhân ái, tình thương yêu đồng loại và cao hơn là với tất cả các chúng sinh đang tồn tại trong thế giới tự nhiên này. Chẳng có Đạo nào dạy điều ác cả, ví đó không phải là chìa khoá dể mở kho báu. Ngoài việc phải có tình thương yêu đó ra, hàng ngày phải tĩnh lặng cầu kinh “sám hối”. Sự tĩnh lặng cầu kinh hàng ngày đó chính là phương pháp Thiền cơ bản, đơn giản nhất nhằm tập trung tư tưởng rũ bỏ mọi ý nghĩ vẩn vơ khiến cho bộ não được trong sạch, giảm treest… Nguyên lý cơ bản của Thiền là làm sao trí não được thư dãn tĩnh lặng tránh được những ý nghĩ hoạt động thường ngày chen lấn làm cho phần ‘tiềm năng phi thường” bị chèn không hoạt động. Phần này động thì phần kia phải tĩnh, muốn cho phần đang tĩnh hoạt động thì phần đang hoạt động phải tĩnh. Sự cân bằng là điều lý tưởng nhất cho sức khoẻ Tinh thần, mà biện pháp Thiền chính là biện pháp giúp cho sự cân bằng đó.
Ứng dụng của các phương pháp Thiền, tập luyện yoga, Tâm năng dưỡng sinh, nhân điện… có hiệu quả để mở ‘kho tàng tri thức…” khai thác tiềm năng to lớn đang tiềm ẩn trong mỗi con người thì trước hết con người phải có Nhân, có Đức có tình thương yêu con người, nghĩa là đầu tiên phải có chìa khoá. Không có chìa khoá tình thương yêu của con người, điều kiện cơ bản nhất thì có Thiền đến hết kiếp cũng chẳng có hiệu quả. Nhưng đã có chìa khoá chất lượng cao (lòng nhân ái lớn) và với sự trợ giúp của việc Thiền, thể dục dưỡng sinh… thì hiệu quả có thể nói là rất lớn, thậm chí là phi thường. Ví dụ như có nhà Yoga đã làm thí nghiệm trước sự chứng kiến của khoa học, ông ta đã “ngủ” ở dưới hầm sâu dưới lòng đất, không ăn, không uống, và hầu như “không thở” trong suốt 42 ngày đêm.Tổng kết thật ngắn gọn dễ hiểu là có thế giới Tâm linh thật và chính cá nhân mỗi con người có thể nói là cũng đang có tồn tại Tâm linh, thường gọi là “linh hồn” trên thân xác đang sống. Vì gọi “linh hồn” thì rất trừu tượng, siêu hình nên nói chệch đi là “tâm hồn”, hay “Tinh thần”, “ý thức”. “Linh hồn” con người đang sống đang ẩn tàng những tiềm năng vô cùng to lớn, nôm na là “kho tàng tri thức khổng lồ”, nếu biết khai thác những tiềm năng vô cùng to lớn đó thì con người sẽ trở thành vĩ nhân, có trí tuệ siêu phàm…Điều đặc biệt quan trọng là chìa khoá để mở những tiềm năng to lớn đang ẩn tàng trong “linh hồn”con người đó là Tình thương yêu, lòng nhân ái của con người, và sự trợ giúp hữu hiệu nhất cho chìa khoá đó là sự thư giãn tinh thần, nói theo cách nói của nhà Phật thì đó phương tiện Thiền.
Gần đây, nhiều người dự đoán và thường nói thế kỷ 21 là thế kỷ của Tâm linh, hay là kỷ nguyên Tâm linh. Nhưng cũng có nhiều người còn băn khoăn không biết điều dự đoán đó có đúng hay không ? Như đã phân tích về nhận thức Tâm linh trên và theo nhãn quan khoa học thì dự đoán đó là đúng vì rất phù hợp với quá trình tiến hoá của loài người. Theo như kinh sách, Đức Phật đã nói sau này Bồ tát Di Lặc thành Phật sẽ ở trên thế giới của các vị Bồ tát, thế giới đó nhà xây ngọc bảy báu, đường xá lát bằng vàng… (Kinh diệu pháp liên hoa). Đại ý là thế giới đó rất giầu sang không phải lo gì về của cải vật chất, còn tính cách của các vị bồ tát thì ai cũng hiểu đó là những người trí tuệ siêu phàm đầy lòng từ bi bác ái. Thế giới của Đức Phật nói rất trùng với tư tưởng biện chứng khoa học của ông Mác và Ăng ghen tiên đoán rằng nhất định nhân loại sẽ thực hiện được giấc mơ tiến tới thế giới đại đồng. Lúc đó trình độ khoa học công nghệ đã rất cao, con người đã giác ngộ văn hoá tư tưởng cao trở thành những người ưu tú trong xã hội, như các vị “Bồ tát” theo cách nói của Phật. Nên xã hội đó làm việc theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, người với người sống để yêu nhau. Những vĩ nhân đó nói không sai, chỉ có điều con người chúng ta trình độ trí tuệ chỉ có hạn nên chưa hiểu đúng tư tưởng của các vĩ nhân đó nên cứ hay nghi ngờ thật, giả.
Thế kỷ Tâm linh hay còn gọi là kỷ nguyên Tâm linh nghĩa là thế kỷ con người đã nhận thức đúng về Tâm linh, sống theo đúng nghĩa của Tâm linh, có tình thương yêu và giàu lòng nhân ái, luôn luôn trau rồi đạo đức, rèn luyện thư dãn ý thức theo đúng khoa học của Thiền. Khai phá mở được “kho tàng tri thức to lớn”, những tiềm năng đang tiềm ẩn trong con người mà trước đây không hề biết, nên dần dần đã trở thành những người ưu tú, những “Bồ tát” sống, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Nói theo cách khoa học đang nói là con người đã mở rộng phạm vi hữu ích trong số tế bào nơ ron thần kinh còn bị “lãng phí” trong bộ não. Hiện nay mới sử dụng có 10% thì tương lai sẽ sử dụng được 15%, thậm chí 20%. Đa số con người trong xã hội là Thiên tài, có “công năng đặc dị”, trí tuệ siêu phàm và lòng từ bi bác ái thì xã hội đó khác nào thế giới đại đồng của ông Mác- Ăng ghen là làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, người với người sống để yêu nhau? Xã hội đó cũng khác nào thế giới của các vị Bồ tát, nhà xây bằng ngọc ngà bảy món, đường lát bằng vàng theo tư tưởng của Đức Phật mà hiện nay vẫn cho là tôn giáo?
Cuối cùng chúng ta nên hiểu rằng nếu có nhận thức đúng về Tâm linh thì con người sẽ trở nên có văn hoá, có lòng từ bi, bác ác ái hơn, cuộc sống có ý nghĩa vừa có lợi cho bản thân, vừa có ích cho xã hội.
Lê Văn Cường
Nguồn: dienbatn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét