Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

VIỆT NAM NÊN DỜI THỦ ĐÔ VÀO ĐÀ NẴNG?

LẬP LUẬN

Chiếu Dời Đô xưa và tiêu chí mới cho Thủ đô hôm nay.
Theo đánh giá của các nhà sử học nhiều đời sau và đã được ghi chép lại thì có thể nói: Quyết định chọn Đại La để dựng nghiệp của vua Lý Thái Tổ cũng như triều đình nhà Hậu Lý là vô cùng anh minh, thượng sách.
Vậy tiêu chí cho Thủ đô hôm nay là gì? Và có cần sự xuất hiện của một đấng anh minh như vua Lý Thái Tổ hay không?
- Xin thưa ngay là không! Vì tất cả đã có sẵn. Đó chính là ý chí, là kinh nghiệm tinh hoa của ngàn đời đã được đúc kết. Là lời răn, lời dạy của bậc Vua anh minh truyền lại cho hậu thế trong việc định đô, dựng nghiệp. Và đã được thể hiện rất rõ ngay trong Chiếu dời đô xưa. Con cháu ngày nay chỉ cần mang ra, phân tích một chút là có ngay lời giải cho thủ đô hôm nay.
CHIẾU DỜI ĐÔ (Lý Thái Tổ).
"Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại, ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế Rồng chầu Hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?" 
(Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).
Qua nội dung của Chiếu dời đô, ta thấy nổi lên hai ý chính, nằm trong hai đoạn văn "chỉ", làm tiêu chí quan trọng cho việc lựa chọn của Người xưa.
Trích lược:
Ở đoạn văn chỉ thứ nhất là: "Chọn ở chỗ giữa".
Tiêu chí này còn được trình bày lại rõ hơn một lần nữa ở đầu đoạn văn chỉ thứ hai là: "Chính giữa Nam Bắc Đông Tây".
Theo học thuyết của phương Đông, cũng như của người Việt thì vị trí "trung tâm" luôn được đề cao vì đây là nơi giao hòa của đất trời, vạn vật. Là nơi tích tụ tinh hoa, quan yếu bốn phương hội tụ. Vậy nên, đây là một kinh nghiệm không thể bỏ, cần phải được tiếp tục áp dụng cho đời nay.
Địa thế của đất nước ngày nay không còn như Đại Cồ Việt khi xưa, chỉ dài từ biên giới phía Bắc xuống đến Hà Tĩnh (Hoan Châu), nên Đại La mới ở vị trí ("chỗ giữa - chính giữa Nam Bắc Đông Tây").

Đại La - Thăng Long ở vị trí "chỗ giữa" Đại Cồ Việt thời kỳ đầu nhà hậu Lý.

Đất nước ngày nay đã kéo dài tới tận cực Nam của bán đảo Đông Dương, đó là nhờ công mở mang bờ cõi của nhiều thế hệ Cha Ông. Thế nên, nếu mang kinh nghiệm: "Chọn ở chỗ giữa" đế xác định vị trí thì thế này: lấy Hà Nội làm điểm tâm, quay một vòng tròn có bán kính tới điểm cực Bắc của đất nước, ta sẽ thấy một kết quả là: Hà nội ngày nay không còn nằm ở vị trí "chỗ giữa" của đất nước, do lệch Bắc quá nhiều.

Hà Nội ngày nay không còn "ở chỗ giữa - chính giữa Nam Bắc Đông Tây" của đất nước.

Tiếp tục với: "Chính giữa Nam Bắc Đông Tây". Như đã nêu, đất nước Việt Nam có cấu trúc điển hình gồm ba thành phần chính là: Đồng bằng - Núi rừng - Biển. Để cho công tác quản lý không bị mất cân bằng và cũng là để dẹp bớt đi cái tư tưởng "đồng bằng" trong tư duy lãnh đạo thì Thủ đô ngày nay phải hội tụ cho đủ ba yếu tố trên là: Có núi rừng; Có đồng bằng; Có biển.

Biển của Đại Cồ Việt khi xưa - phần nhỏ trong vịnh Bắc Bộ

Phải nói như vậy vì biển của ta bây giờ rất dài và rất rộng, vòng xuống tới tận cửa Vịnh Thái Lan, biển không còn nhỏ hẹp như thời vua Lý, chỉ là phần nhỏ trong Vịnh Bắc Bộ, nên trách nhiệm giờ cũng phải rộng lớn, sát thực hơn thì mới phù hợp. Vẫn biết ngoài đó luôn có"cá Kình, sóng dữ", nhưng không vì thế mà cứ mãi ngồi đây "tựa núi" rồi mơ màng về biển.
"Đông"! Ở phía Đông đất nước mặc định đã là biển. "Tây"! Ở phía Tây hầu hết là núi rừng. Vì thế, tiêu chí để lựa chọn nếu cần phải viết ra sẽ là thế này:
- Rừng - Biển - Bắc - Nam, ở giữa đất trời, bốn phương tụ hội.
Như vậy, càng tiếp tục phân tích ở ý chính thứ nhất, càng thấy Thủ đô hiện giờ không hội tụ được những yếu tố để phù hợp với tiêu chí xưa và nay.
Tìm hiểu và phân tích sang ý chính thứ hai, trong đoạn văn chỉ thứ hai là: "Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng". Cụ thể, vị trí được chọn ở đây là một vùng đồng bằng sông Hồng rộng lớn.

Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng và nay đã mở rộng thêm.

Khác với Đại Cồ Việt ngày trước, đất nước ngày nay đang phải đối mặt với những nguy cơ như: Dân số tăng cao, ruộng đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, một số bị bạc màu, thiếu đói vẫn thường xảy ra. Cả nước chỉ trông cậy vào hai nguồn cung cấp lương thực chính là: Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi ở phía Nam, ĐBS Cửu Long đang phải đối mặt với nguy cơ mất ổn định do dòng chảy sông MêKông bị con người can thiệp thì ở phía Bắc, ĐBS Hồng cũng đang bất lực nhìn...bê tông, dây thép gai và cỏ dại xâm lấn.
Cứ bình tâm mà nghĩ xem, trong khi Nhà nước đang ra sức dùng mọi biện pháp để kéo giảm mức tăng dân số, nhằm ứng phó với tình hình thiếu đất nông nghiệp thì nhiều tỉnh thành lại liên tục lấy đất nông nghiệp để phát triển quỹ đất cho xây dựng. Đây có phải là một nguy cơ hay không!?
Chính vì vậy, kinh nghiệm của Người xưa chọn: "Vùng...đất rộng mà bằng phẳng" (nơi đang là vựa lúa của miền Bắc) để định đô, nhất quyết không được lấy làm tiêu chí cho hôm nay.
Vùng đất phù hợp để được chọn làm Thủ đô hôm nay và cả mai sau phải là vùng đất không lớn, có diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp. Như thế, mới mong làm gương cho cả nước trong việc gìn giữ đất nông nghiệp, để phục vụ cho an sinh muôn đời. Vì thế, tiêu chí thứ hai này phải khác là:
- Tuy hẹp mà "rộng", cho muôn đời sau.
(cái rộng ở đây là cái rộng về trách nhiệm đối với nền nông nghiệp của nước nhà).
Và với tiêu chí mới này, Hà Nội ngày nay càng không thể phù hợp được nữa. Thủ đô Hà Nội ngày nay không còn mang những yếu tố để làm nên một nơi "thắng địa" của đất nước.
Và đây chính là cơ sở để hôm nay đặt ra một câu hỏi:
- Có nên tính đến việc chuyển Thủ đô hay không và nơi chuyển đến là nơi nào???

Lời răn dạy của vua Lý Thái Tổ.

Quả thực, chẳng ai nghĩ rằng, vấn đề của Thủ đô hôm nay lại được đặt ra như những gì mà Ông Cha ta đã phải làm một nghìn năm trước. Cũng không ai nghĩ rằng, những lời răn của Người xưa trong việc định đô lại trở nên nóng hổi như mới đây thôi và đang âm vang truyền lại cho hậu thế:
"Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại, ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. (lời răn)
Và trên con đường dựng xây đất nước, mỗi người Việt Nam hôm nay đều phải nằm lòng những lời răn dạy này. Bởi nó sẽ soi đường, chỉ lối cho chúng ta bước tới.

ĐỀ XUẤT

- Nhìn vào thực trạng của Thủ đô hôm nay.
- Dựa vào những lời răn dạy của vua Lý Thái Tổ cùng các tiêu chí mới đã được phân tích.
- Căn cứ vào thực tế địa lý của đất nước (minh họa và bản đồ dưới đây).
- Xét đến hiệu quả, sự thuận tiện cho các hoạt động chính trị trong nước, khu vực và quốc tế.
Xin được đưa ra một đề xuất là:
- Chuyển Bộ máy hành chính Quốc gia ra khỏi Hà Nội và nơi chuyển đến là Đà Nẵng.

Đà Nẵng - "ở chỗ giữa - chính giữa Nam Bắc Đông Tây" của đất nước

Đà Nẵng - Vị trí trung tâm trên bản đồ nước CHXHCN Việt Nam.

Đôi nét về Đà Nẵng (nói chung).

Đà Nẵng (chụp từ vệ tinh)

Nằm dọc theo vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là một vùng đất có giá trị thấp về mặt nông nghiệp. Hầu hết đất ở đây là đất cát, đất mặn, đất nhiễm phèn, đất xám, đất mùn đỏ...Riêng đất nông nghiệp ở đây chỉ chiếm 117km2 trên tổng diện tích tự nhiên 1.255km2. Đất ở là 30km2, còn lại là đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng và đất chưa sử dụng.
Ở vị trí trung tâm ("chính giữa Nam Bắc Đông Tây") của đất nước, nhìn thẳng ra biển Đông và là đầu mối giao thông lớn nhất của vùng cả về đường sắt, đường bộ, đường không và đường biển. Đặc biệt còn có đường hành lang Đông - Tây đi qua nhiều nước trong khu vực. Có tọa độ địa lý 15°15' đến 16°40' Bắc và từ 107°17' đến 108°20' Đông. Cách Thủ đô Hà Nội 759km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 964km về phía Nam. Địa hình vừa có đồng bằng, vừa có núi rừng và biển đảo. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, xen giữa khí hậu miền Bắc và miền Nam và cũng mang hai mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 25,9°C ở đồng bằng và 20°C ở vùng núi cao.
Dân số hiện nay xấp xỉ 900 nghìn người, trong đó người Kinh chiếm hơn 99%, còn lại là người CơTu, Tày, Mường, Nùng, Thái, Hoa... Tài nguyên chính là tài nguyên rừng, tài nguyên biển. Trong đó có nhiều hệ động thực vật mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, rừng và biển ở đây còn mang nhiều ý nghĩa to lớn về môi trường sinh thái, nghiên cứu khoa học, du lịch...

Vài nét (Nói riêng).

- Giao thông: Nằm ở vị trí "chỗ giữa" của đất nước, có đủ các loại hình giao thông như: Đường sắt Bắc Nam, đường quốc lộ 1A chạy qua thành phố. Đường không là sân bay quốc tế Đà Nẵng (đã được đầu tư nâng cấp) và đường biển gồm nhiều cảng biển lớn, độ sâu đủ sứctiếp nhận các tàu có trọng tải hàng chục nghìn tấn. Thế nên, việc đến và đi với Đà Nẵng từ các vùng miền trong cả nước trở nên rất thuận tiện, hiệu quả.

Đà Nẵng có vị trí thuận tiện về giao thông đối với trong nước và khu vực

Với khu vực và quốc tế thì lại càng hiệu quả, bởi với hai loại hình giao thông quan trọng đường biển và đường không, lại có vị trí gần với trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Từ đây có thể kết nối "trực tiếp" với các cảng biển và cảng hàng không của nhiều nước. Có thể kể ra ở đây là: Philipinnes, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Myanmar, Indonesia, Campuchia. Đông á là: Macao, Quảng Châu (TQ), Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Một tuyến giao thông nữa cũng phải kể là tuyến hành lang Đông - Tây (đường màu vàng trên bản đồ) kết nối hai bờ biển Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Trong tương lai, đây sẽ là tuyến giao thông quan trọng.
- Du lịch: Tọa lạc ở chính giữa quần thể du lịch miền Trung, với phía Bắc là Cố đô Huế và phía Nam là phố cổ Hội An cùng Cửa Đại (Quảng Nam). Lại được sự ưu đãi của thiên nhiên ban cho nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và hùng vĩ như: Ngũ Hành Sơn, Bà Nà - Núi Chúa, bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, vịnh Đà Nẵng, bãi biển Mỹ Khê, bãi biển Nam Ô, bãi biển Xuân Thiều, bãi biển Thanh Bình, bãi biển Bắc Mỹ An, bãi biển Non Nước, bãi Bụt...Đó là những bãi biển cát vàng còn hoang sơ, nước trong xanh và ấm áp quanh năm.

Đà Nẵng - Thành phố: "xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển".

Nếu phải dùng lời lẽ để ca ngợi những vẻ đẹp thiên nhiên này thì không đến nỗi quá khó. Nhưng sẽ là hay hơn nếu nhường lời lại cho tất cả! Và cũng mong rằng, những ai chưa một lần đến với Đà Nẵng và đi tham quan các danh lam thắng cảnh nơi đây, hãy đến ít nhất một lần, để được tự mình cảm nhận và đánh giá.
- Tiện nghi: Giống như Hà Nội có Cửa Bắc Thành, nhưng thành ở đây hoàn toàn do thiên nhiên tạo ra. Đó là một nhánh núi thuộc dãy Trường Sơn nhô ra biển ở phía Bắc thành phố. Trên đỉnh hùng vĩ là Hải Vân Quan, còn được gọi là: "Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan" được xây dựng thời vua Minh Mạng. Từ cổng thành (hầm Hải Vân) đi vào thành phố, địa thế có hình thái rộng dần về phía Nam (hậu). Ở phía biển nổi lên một bán đảo nhô cao hướng ra biển xa, với độ cao xấp xỉ 700m so với mực nước biển, đảo Sơn Trà như một vọng gác tiền tiêu cho thành phố ở hướng biển. Về sông núi, không thua kém bất cứ nơi nào. Ở đây có rất nhiều núi. Núi xếp nối nhau trùng điệp ở phía Tây. Phía Đông (giáp biển) còn có năm ngọn núi nhỏ như những bức "bình phong", tên mỗi ngọn núi tượng trưng cho các yếu tố cấu thành vũ trụ là: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Ở đây cũng có nhiều con sông, nổi bật là sông Hàn chảy qua thành phố rồi đổ ra vịnh Đà Nẵng. Dòng sông đã tạo nên một hình thức giao thông đường thủy thuận tiện và đầy chất thơ trong nội đô. Cộng với những cây cầu có kiến trúc đẹp, hiện đại cùng mặt nước xanh êm ả, sông Hàn đã tô điểm cho Đà Nẵng một vẻ đẹp hữu tình hiếm có.
- Dương trạch: Nói về "Dương trạch" là nói về một khái niệm có thực. Một khái niệm được hiểu là kinh nghiệm nhìn nhận, đánh giá tốt - xấu về một "cuộc đất" để làm nơi cư trú, đình chùa... Mục đích là để giảm thiểu hoặc tránh đi được vận xấu hay giúp tăng thêm sự thành công và may mắn cho con người sống tại nơi đó. Tuy nhiên, dương trạch hay phong thủy cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ, cải biến, chứ không làm thay đổi được hoàn toàn.
Nhưng để hiểu được cặn kẽ về dương trạch cũng như phong thủy không phải là dễ vì nó rất phức tạp. Do có quá nhiều trường phái, nhiều phương pháp luận, nên dẫn đến không thống nhất, thậm chí đối lập nhau, nhiều điểm không rõ ràng. Vì vậy, ta chỉ cần hiểu một cách đơn giản là: Một cuộc đất tốt phải là cuộc đất hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, có môi trường sống tốt đẹp, trong lành, làm cho con người thấy khỏe mạnh, phấn chấn.
Thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng, nói một cách văn hoa thì nó xứng đáng được ngợi ca như lời của bài hát: "Tổ Quốc Tôi Chưa Đẹp Thế Bao Giờ". Thế nên, đây là một cuộc đất tốt vì một cuộc đất xấu không thể có những phẩm chất như vậy!
- Tâm linh: Như đã nói, đã là hình tượng tâm linh thì khó có thể chung một nhận định. Nếu như chỉ đơn giản cho rằng, những núi đồi, gò đống là hổ phục, hay dòng sông uốn lượn là rồng cuộn chầu thì trên khắp nước Việt này, rất nhiều nơi có địa vật như vậy. Vì thế, đây chỉ là một: "Yếu tố cần". Để có thể trở thành: "thắng địa - rồng chầu hổ phục" thì phải có thêm: "Yếu tố đủ" nữa là vị trí đó phải nằm ở trung tâm ("chính giữa Nam Bắc Đông Tây") của đất nước. Và Đà Nẵng là một nơi như vậy.
Tuy khó có thể cùng chung nhận định, nhưng riêng thì lại rất dễ. Ở đây xin được mạnh dạn đưa ra một hình tượng dựa trên cái nhìn chủ quan, coi như là một nét để cùng tham khảo.

Minh họa: Phượng hoàng vờn biển Đông.

Nhìn toàn cảnh địa hình Đà Nẵng từ trên cao, thật ngẫu nhiên, Đà Nẵng mang dáng dấp một con chim phượng hoàng đang vờn biển Đông, đầu hướng về phía mặt trời. Với cái đầu là vị trí tiền tiêu bán đảo Sơn Trà. Cánh trên giương cao bao chùm toàn bộ phần phía Bắc thành phố. Cánh dưới phủ bóng xuống hết phần phía Nam tới gần cửa Đại. Một đuôi che chở cho vùng núi Bà Nà. Hai đuôi còn lại ve vẩy trên dãy Bạch Mã.

Vài nét về chim phượng hoàng (nguồn wikipedia)

Nguyên thủy là con chim thần thoại của người dân khu vực Đông Á, ngự trị trên tất cả các loài chim khác. Là một trong tứ linh theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Miêu tả phổ biến là chim phượng hoàng đang tấn công con rắn bằng móng vuốt của nó với đôi cánh dang rộng, lông có năm màu (ngũ sắc) đại diện cho sắc màu của ngũ hành và cao sáu thước.
Từ xa xưa, phượng hoàng được sử dụng như là biểu tượng của hướng Nam, mang ý nghĩa tích cực, biểu tượng cho đức hạnh, duyên dáng và thanh nhã. Phượng hoàng cũng biểu thị cho sự hòa hợp Âm - Dương. Theo truyền thuyết, nó xuất hiện trong thời kỳ hòa bình và thịnh vượng, nhưng không phải là thời kỳ tăm tối sắp đến (tóm lược).

Rất có thể hình tượng: "Long Phụng triều Dương" sẽ linh ứng với Đà Nẵng.

P/s: Trước khi bước sang phần cuối cùng (ý nghĩa) xin được nêu bổ sung một vấn đề, tuy rằng nó không hề được đề cập đến trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ, nhưng chắc chắn nó sẽ xuất hiện khi "chuyển Thủ đô" được đưa ra bàn luận. Đó là vấn đề: "Địa linh".
"Địa linh"! Nói vậy thôi, chứ cả Trái Đất - nơi chúng ta đang được sống, đã là "Trái địa linh" rồi! Nhưng đã là "xã hội" thì nó muôn màu. Cũng nhờ thế mà xã hội mới tươi đẹp phải không? Chính vì vậy, đây là vấn đề không thể bỏ qua.
Như tất cả cùng biết và không ai có thể phủ nhận được rằng, trong suốt quá trình 1000 năm hình thành và phát triển, kinh đô Thăng Long luôn là một mảnh đất "Địa linh".
Bỏ qua giai đoạn trước Bắc thuộc, chỉ tính kể từ khi đất nước giành được độc lập, chấm dứt 1000 năm đô hộ của phương Bắc đến nay, đã có nhiều kinh đô được tạo dựng bởi các triều đại khác nhau, trên nhiều vùng đất khác nhau như:
- Hoa Lư - Ninh Bình (nhà Đinh)
- Thăng Long - Đại La (nhà Hậu Lý)
- Thành Tây Đô - Thanh Hóa (nhà Hồ)
- Thành Hoàng Đế - Quy Nhơn (nhà Tây Sơn)
- Kinh đô Huế - Phú Xuân (nhà Nguyễn).
Sự tồn tại về mặt thời gian của các kinh đô này như sau:
- Hoa Lư 42 năm (968 - 1010)
- Thăng Long 1000 năm (1010 - 2010, tính chẵn)
- Thành Tây Đô 7 năm (1400 - 1407)
- Thành Hoàng Đế 17 năm (1776 - 1793)
- Kinh đô Huế 143 năm (1802 - 1945, chỉ tính từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi mở đầu quốc gia Việt Nam thống nhất). 
Như vậy, chỉ có duy nhất kinh đô Thăng Long là tồn tại được lâu với một thời gian là 1000 năm tuy không liền mạch. Và trong suốt hành trình lịch sử, hào kiệt bốn phương đã hội tụ về đây tạo lên một trang sử hào hùng cho đất nước, cho dân tộc.
Thăng Long địa linh là bởi như vậy. Vậy tại sao chỉ có Thăng Long là dài còn những kinh đô khác thì lại ngắn ngủi? Đây là câu hỏi cần phải được tìm hiểu để giải đáp cho vấn đề của hôm nay.
Trở lại với mảnh đất Đại La xưa, trước khi được vua Lý chọn làm kinh đô, mảnh đất này đã bị quân xâm lược phương Bắc giày xéo trong suốt 1000 năm đô hộ. Nếu đem so sánh với những mảnh đất khác của nước Việt khi đó như: Phong Châu, Cổ Loa, Mê Linh, Long Biên, nơi gắn liền với những tên tuổi và chứng tích oai hùng của dân tộc thì rõ ràng không thể sánh. Cũng chính vì thế mà Đại La đã không được chọn khi Ngô Quyền lên ngôi. Như vậy, Đại La không phải là mảnh đất địa linh khi vua Lý lựa trọn, mà chỉ là một nơi:"Địa lợi" và điều này cũng đã được thể hiện rất rõ trong Chiếu rời đô.
Và từ mảnh đất bị giày xéo, cộng với hào kiệt tụ về, cộng với thời gian đã làm nên một Thăng Long địa linh như ngày nay. Vậy có gì khác nhau giữa những vùng đất của các kinh đô nước Việt? Phải chăng có tồn tại một sự huyền bí nào đó? Để đi tìm câu trả lời, không có cách nào khác là phải dựa vào những dấu tích và ghi chép của lịch sử.
Theo quan niệm của người Việt, để làm một việc gì lớn đạt tới sự thành công đều phải dựa vào ba yếu tố chính làm nền tảng xuất phát là:
1/ Thiên thời (điều kiện thuận lợi).
2/ Địa lợi (vùng đất được chọn, nói một cách cụ thể).
3/ Nhân hòa (chung một niềm tin).
Với ba yếu tố này, cộng với hào kiệt (thời nào cũng có), cộng với thời gian (nhiều vô kể) ta sẽ có chung một công thức để tìm câu trả lời như sau đây:

(Minh họa)

Dựa vào sử sách sẽ cho ta thấy: Kinh đô Hoa Lư - Thành Tây Đô - Thành Hoàng Đế - Kinh đô Huế, ở yếu tố "nhân hòa" đều là "ý chí tuyệt đối" (tự quyết) và có những kết quả là:
- Cố đô với Hoa Lư.
- Di tích với Thành Tây Đô.
- Di tích với Thành Hoàng Đế.
- Cố đô với Kinh đô Huế.
Chỉ duy nhất Thăng Long có yếu tố nhân hòa (chung một niềm tin), đã được thể hiện rất rõ trong Chiếu dời đô, ở lời chỉ cuối cùng:"Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?" và mang đến kết quả 1000 năm địa linh.
Như vậy, địa linh ở đây là kết quả của năm yếu tố tạo thành: Thiên thời + Địa lợi + Nhân hòa + Nhân kiệt + Thời gian, với nhân hòa(niềm tin) là tâm điểm, chứ hoàn toàn không phải là một sự huyền bí nào cả!
Niềm tin sẽ quyết định! Và như thế, sẽ thật rộng đường để lập ra một công thức cho "Đại La mới" của đất nước hôm nay - Đà Nẵng.


Ý NGHĨA

Tiếp nối truyền thống Ông Cha.
Chuyển Thủ đô về nơi mới - Đà Nẵng tức là tiếp nối và phát huy truyền thống, kinh nghiệm quý báu của Ông Cha trong việc định đô giữ nước ("nếu có chỗ tiện thì rời đổi").
Cân bằng hơn trong trách nhiệm với đất nước.
Do Đà Nẵng có địa lý mang đậm nét điển hình của cấu trúc đất nước là: Có đồng bằng; Có núi rừng; Có biển đảo. Vì thế người lãnh đạo ở đây sẽ được sát thực hơn, luôn cảm nhận được hơi thở của biển, tiếng động của núi rừng. Để rồi trong tư duy quản lý, sự cân bằng sẽ trở lại. Nhằm:
- Trách nhiệm hơn với biển.
- Hiểu và lo lắng hơn tới núi rừng.
Giải tỏa bất cập cho Hà Nội - Giành lại đất nông nghiệp cho đồng bằng sông Hồng.
Việc rút Bộ máy hành chính Quốc gia ra khỏi Hà Nội, ngay lập tức sẽ mang lại cho Hà Nội sự thanh bình. Những bất cập do quá tải sẽ được giải tỏa. Bộ máy quản lý sẽ sớm tìm lại được phương hướng. Căn bệnh "phì đại" không còn cơ hội phát triển. Hà Nội sẽ trở về với giá trị thực của nó.
Và như thế cũng đồng nghĩa với việc, giành lại đất nông nghiệp cho đồng bằng sông Hồng (nói riêng) và cả nước (nói chung) một lượng lớn đất màu mỡ sẽ bị mất trong tương lai do việc mở rộng Hà Nội.
Hiệu quả, thuận tiện cho các hoạt động chính trị trong nước và quốc tế.
Nằm ở "chỗ giữa' của đất nước, ra Bắc không quá gần vào Nam không quá xa. Gần hơn với trung tâm Đông Nam Á xôi động của Thế giới. Có đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển, đường hành lang Đông - Tây, cùng với cảnh quan tươi đẹp và môi trường trong lành, chắc chắn sẽ mang lại nhiều tiện lợi, hiệu quả cho các hoạt động chính trị trong nước cũng như quốc tế.
Xây dựng cho đất nước một Thủ đô tiêu biểu bên bờ biển.
Là người Việt Nam, chắc ai cũng mong muốn cho đất nước có một Thủ đô xứng tầm hàng đầu khu vực như:
- Đẹp về cảnh quan thiên nhiên.
- Trong lành về môi trường.
- Đồng bộ hiện đại về quy hoạch.
- Phong cách về kiến trúc.
- Lộng lẫy về sắc màu v.v.
Ngoài ra, Thủ đô còn phải được thiết lập một chức năng thật rõ ràng, để nó phù hợp với điều kiện của tự nhiên. Và đây là cơ hội để thực hiện. Nếu có được sự giúp đỡ của quốc tế nữa thì việc thực hiện sẽ càng trở nên dễ dàng hơn.
Một Thủ đô đầy ấn tượng, có chức năng "chuẩn chỉ" là: Trung tâm chính trị, du lịch và dịch vụ sẽ ra đời. Đồng hành với Hà Nội là: Trung tâm y tế, khoa học, giáo dục và thành phố Hồ Chí Minh là: Trung tâm công nghiệp và thương mại.

Thông điệp gửi tới mai sau.

Chuyển Thủ đô xuống phía Nam (giãn Bắc) còn là một thông điệp gửi tới mai sau về ý chí Độc lập - Tự cường của dân tộc hôm nay. Bởi như một lẽ cần phải có, nếu chúng ta thực tâm mong cho đất nước dứt ra được nỗi: "Bốn nghìn năm đất nước gian nan" thì xin hãy bắt tay vào quy hoạch cho đất nước một con đường.
Mang tên: Độc Lập - Tự Cường - Hòa Hợp.
Và một lần nữa:
- Với tất cả tấm lòng tôn kính đối với vua anh minh Lý Thái Tổ.
- Với tất cả thực trạng của Thủ đô hôm nay.
- Với tất cả niềm tin và ước vọng vào một kỷ nguyên mới phồn thịnh cho Nước nhà.

Xin trân trọng khởi xướng: Chuyển Thủ Đô vào Đà Nẵng.
Lập luận và khởi xướng: Đỗ Thanh Tùng
Nơi ĐKHK: 332 Hoàng Hoa Thám - Hà Nội
Nguồn: CHUYENTHUDO.COM.VN

1 nhận xét:

kylancusy nói...

Đà nẵng quá gần biển, trống trải lắm, chiều rộng hẹp, hứng nhiều gió bão, hoạ nước biển dâng;chiến tranh xảy ra "thủ đô" ở Đà Nẵng bị tiêu diệt, xoá sổ từ hướng biển ngay....