Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

NIẾT BÀN VÀ CHÁNH BIẾN TRI

Dẫn nhập
Người tu hành theo Phật giáo có cứu cánh là Niết Bàn (sa. nirvāṇa) . Niết Bàn có nhiều nghĩa, nghĩa đen là thổi tắt, thường được dịch nghĩa là tịch diệt, vô sanh, giải thoát. Thật ra mục đích của tu hành là phát hiện ra Tâm bất nhị, không còn tương đối. Tâm đó vốn vô sanh vô diệt, là bản thể của pháp giới, của vũ trụ vạn vật. Niết Bàn cũng chính là một thuộc tính hay một trạng thái của Tâm bất nhị. Tâm là bất khả tư nghị, bởi vì cái mà ta có thể suy nghĩ được, nói được, không còn là bất nhị, mà đã phân cực thành hai : chủ thể (ta) và đối tượng (bên ngoài của ta). Ta (ngã) bao gồm thân thể bằng vật chất (ngũ uẩn) và bát thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm giác thân thể, ý thức, mạt-na thức và a-lại-da thức. Bên ngoài của ta bao gồm thế giới được cho là khách quan, trong đó có sơn hà, đại địa, cầm thú, cá tôm, nhà cửa, xe cộ, vật dụng, tiền tài, thực phẩm v.v…

Khi Tâm đã phân cực thành hai, nhận thức của ta (ngã) phát sinh nhiều hạn chế và sai lầm. Cái ta trở nên vô cùng bé nhỏ vì số lượng đã phát sinh. Trên thế giới hiện nay có 7 tỉ người thì có 7 tỉ cái ta. Trên địa cầu có hàng tỉ tỉ sinh vật thì có tỉ tỉ cái ta. Thế giới bên ngoài là đối tượng của ta cũng trở nên hạn chế vì đã phát sinh ra không gian, thời gian và số lượng. Hạn chế về không gian, chẳng hạn địa cầu đã trở nên nhỏ bé, chật chội, không đủ chỗ cư trú và tài nguyên để nuôi cho 7 tỉ người và hàng tỉ tỉ sinh vật khác sống thoải mái. Hạn chế về thời gian, chẳng hạn đời người khoảng 100 năm là quá ngắn ngủi, nhất là tuổi thanh xuân khỏe mạnh và đẹp đẽ chỉ khoảng 30 năm đầu, sau đó bắt đầu già yếu, bệnh tật và cuối cùng là cái chết. Hạn chế về số lượng, chẳng hạn tài nguyên vật chất và năng lượng có hạn, không đủ diện tích trồng trọt, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, nhà ở, đường đi, vật dụng sinh hoạt cho 7 tỉ người sống, làm việc, di chuyển một cách thoải mái; ngoài ra còn nhu cầu của muôn loài khác.

Tâm bất nhị chỉ có thể ngộ mà không thể biết, không thể nói. Ngộ là ngộ nhập, tức là phát hiện đồng thời hội nhập làm một với nó, không còn ta là năng tri (chủ thể nhận thức) và tâm là sở tri (đối tượng của nhận thức) mà đã hội nhập, ta tức là tâm, tâm tức là ta. Tức là không còn cố chấp cái ta giả tạm, nhỏ bé, để dung thông với tâm vô lượng. Đó chính là ý nghĩa của câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang.

Khi tôi nói về tâm tức là đã bị phân cực, hạn chế về nhị nguyên, năng sở, không còn là tâm bất nhị, nên không hoàn toàn đúng nữa, chỉ có thể đúng một phần. Nhưng muốn truyền đạt một nhận thức cho người khác, tôi không có cách nào khác, ngoài dùng lời nói để diễn tả.

Tâm là vô hình, vô thể, không phải vật chất, cũng chẳng phải tinh thần. Long Thọ Bồ Tát diễn tả nó bằng câu : “Tâm như hư không vô sở hữu” (Tâm giống như hư không, không có thực thể). Tuy nói tâm giống như hư không nhưng không phải là hư không. Bởi vì hư không (虛空 Nothingness, Le Néant) là cái trống rỗng không có thuộc tính gì hết, không có công dụng. Hư không chỉ là sản phẩn tưởng tượng của ta mà thôi. Còn tâm, mặc dù cũng trống rỗng như hư không, nhưng có nhiều thuộc tính, nhiều công dụng. Cho nên cái Không trong Phật giáo không phải là hư không.

Tâm không có thực thể, nhưng không phải là hư không không có gì hết, mà tâm là dạng tiềm ẩn của pháp giới, của vũ trụ vạn vật. Nói một cách rõ ràng theo khoa học thì vật chất, và dạng cơ bản nhất của vật chất là lượng tử, cũng không có thực thể, giống y chang như tâm vậy, bởi vì vật chất cũng chính là tâm. Không có thực thể nhưng có sự ảo hóa. Ảo tuy không phải là thật, nhưng không phải là hư không trống rỗng. Sự khác nhau là rất rõ ràng. Ta xem một cuốn phim trên màn hình, đó là ảo, không phải thật, nhưng rõ ràng cụ thể, chi tiết tỉ mỉ, khác xa với tưởng tượng suông trong óc. Ta ăn một chén cơm, theo Phật giáo, đó là ảo không phải thật, nhưng cảm giác no, cảm giác ngon miệng, sự tiêu hóa, sự tăng trưởng của cơ thể là rất rõ ràng, khác xa với hư không mờ mịt trống rỗng.

Nói vật chất không có thực thể thì vật lý học ngày nay đã rõ, chính vì các khoa học gia hàng đầu thế giới đã hiểu điều đó, nên họ mới bắt đầu đề cập đến cuộc khủng hoảng của Vật lý học. Khủng hoảng bắt đầu khi các nhà vật lý học đi sâu vào thế giới vi mô, khảo sát tính chất của các hạt hạ nguyên tử (subatomic particles). Họ thấy rằng các hạt đó, như quark, electron chỉ là hạt ảo, không phải thật nên không thể cô lập được nó, tức không thể tách riêng nó ra, bắt nó đứng yên một chỗ để nhìn cho rõ. Khi cô lập như vậy thì nó biến mất.

Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922) nói “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật).

Khi các nhà khoa học đi sâu vào nghiên cứu lượng tử, họ thấy giống như mình đang ở trong thế giới thần thoại, kỳ lạ không thể hiểu nổi, một trong các hiện tượng khó hiểu là rối lượng tử (quantum entanglement – tôi đã nhiều lần đề cập trong các bài viết trước). Một hạt photon có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều vị trí khác nhau, trong một thí nghiệm ở Thụy Sĩ, hạt photon ở hai vị trí cách nhau 18km, nhưng khi vị trí này bị tác động thì lập tức vị trí kia bị tác động y hệt, nếu nói tín hiệu truyền đi từ chỗ này tới chỗ kia, thì chẳng lẽ vận tốc truyền là gấp hàng triệu lần tốc độ ánh sáng, như thế trái với định đề do Einstein nêu ra, rằng tốc độ ánh sáng là cao nhất trong thế giới vật chất. Lúc Einstein còn sống, ông có biết tới hiện tượng rối lượng tử, và rất bối rối không hiểu nổi, ông gọi đó là “Tác động ma quái từ xa” (Spooky action at a distance). Hiện tượng này cũng như nhiều hiện tượng khác, chẳng hạn hiện tượng “không thể xác định đồng thời vị trí và vận tốc hay xung lượng của một hạt, như electron chẳng hạn” mà Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức) đã tổng kết thành nguyên lý bất định, đã tạo ra những cú sốc lớn cho các nhà khoa học.

Cú sốc đó lớn đến nỗi Niels Bohr phải nhấn mạnh: “Nếu cơ học lượng tử chưa gây sốc một cách sâu sắc cho bạn thì có nghĩa là bạn chưa hiểu gì về nó”.

Người bị sốc nhất chính là Einstein, vì không ai khao khát khám phá ra Cái Đẹp của vũ trụ bằng Einstein, vì ông luôn nghĩ rằng tồn tại một thế giới khách quan ngoài ý thức. Và toán học cũng như vật lý học là tìm hiểu và mô tả thế giới khách quan đó. Không ngờ Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).

Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) giáng thêm một cú như trời đánh vào vật lý học : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).

Những dẫn chứng trên, thiết tưởng đủ để cho ta hiểu tại sao Vật lý học bị khủng hoảng, và tại sao trong Phật giáo có một câu tổng kết hết sức ngắn gọn, nhưng đầy đủ ý nghĩa : “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” (Ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, chỉ là tâm. Tất cả các pháp đều là tâm thức). Câu này khẳng định rõ ràng rằng Vật chất tức là Tâm mà bên trên đã trình bày.

Sau khi đã dẫn chứng Tâm cũng như Vật chất, đều không có thực thể, nhưng không phải là hư không. Tâm tức là vật. Vật tức là Tâm. Bây giờ tôi mới đề cập đến các thuộc tính của Tâm. Tâm có những thuộc tính sau:

1/Tâm là Niết Bàn là không sanh không diệt, là giải thoát khỏi mọi trói buộc. Trói buộc chính là sự hạn chế của không gian, thời gian và số lượng. Niết Bàn là cõi giới không có không gian, thời gian và số lượng.

Vì không có không gian, nên không cần phải đi lại. Tính chất này trong Phật học gọi là Như Lai, nghĩa là không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Nhưng Niết Bàn có khả năng biến hiện thành tam giới, khi đó xuất hiện không gian, thời gian và số lượng. Bồ Tát đi từ cõi giới này qua cõi giới khác bằng tâm niệm, bất kể bao xa, chỉ một niệm là đến. Vì thực chất không gian chỉ là ảo. Tính chất ảo của không gian thấy rõ qua hiện tượng rối lượng tử đề cập ở trên. Ngoài thí nghiệm khoa học về rối lượng tử , tính chất hư ảo, không có thật của vật chất và không gian còn có người hiện đại thực nghiệm được, người đó là Trương Bảo Thắng.

Trương Bảo Thắng lúc mới sinh tên là Thẩm Kế Bảo, sinh năm 1958 tại Nam Kinh trong gia đình họ Thẩm, cha là Thẩm Hậu Lâm. Vì gia đình đông anh em, ông là con trai thứ bảy trong gia đình đã có 3 trai 3 gái. Thời đó xã hội Trung Quốc xảy ra nạn đói, đời sống hết sức khó khăn, cha ông lại bị vu là phần tử hữu phái, bị bãi công tác, đi lao động cải tạo. Mẹ ông sau khi sinh ông bị bệnh nặng. Gia đình khó khăn như thế, nên sợ rằng không nuôi con nổi, mới đem cho người khác nuôi. Lúc còn là hài nhi, ông bị cho đi cho lại nhiều lần, chuyền qua tay hết cặp vợ chồng này đến cặp vợ chồng khác, lưu lạc qua nhiều thành phố như Nam Kinh, Thượng Hải, Trường Xuân, Quảng Châu, cuối cùng đến tay nhà họ Trương ở Bổn Khê tỉnh Liêu Ninh, được cải họ, đổi tên là Trương Bảo Thắng.

Năm 1983 Trương Bảo Thắng công tác tại học viện Sư Phạm Bắc Kinh, trước sự quan sát của các giáo viên vật lý của trường, ông đã tiến hành dùng ý niệm di chuyển một quả trứng gà từ trên bàn tay ông vào một hộc tủ có khóa của một cái bàn cách xa vài mét. Thí nghiệm này có những điểm kỳ lạ khó tin như sau :

- không dùng lực vật chất, chỉ dùng ý niệm di chuyển được quả trứng đi xa hơn 3m

- không thấy được quá trình di chuyển của quả trứng, nó tức thời biến mất khỏi bàn tay ông và xuất hiện trong hộc tủ, sự di chuyển là tức khắc không mất chút thời gian nào, giống như trong hiện tượng rối lượng tử, không một thiết bị nào khám phá được đường đi của quả trứng.

- không bị vật chất cản trở, hộc tủ bằng gỗ cứng chắc. có khóa hẳn hòi, không hiểu vì sao quả trứng có thể đi xuyên qua thành hộc tủ mà không để lại dấu vết, hộc tủ không hề bị tổn hại chút nào.

Qua thực nghiệm trên, có thể giải thích như sau : vì quả trứng và hộc tủ thực chất chỉ là vật ảo, là ảo tưởng trong tâm thức con người, bản chất là không, nên không trở ngại cho nhau như trong Kinh Hoa Nghiêm nói : “Pháp giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại”. Sự là vật, chỉ là ảo, bản chất là không, nên không gây trở ngại cho vật khác. Khoảng cách không gian cũng không có thật, quả trứng cũng không có thật, sự di chuyển cũng không có thật. Tóm lại tất cả chỉ là ảo, là huyễn ảo. Mặc dù ta có thể ăn quả trứng, cơ thể được no, được bồi bổ và tăng trưởng, nhưng tất cả chỉ là ảo không phải thật. Chính vì không phải thật, nên Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh mới nói :

Này Xá Lợi Phất, các pháp đều là không có thật, không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm. Vì trong cái không, không có vật chất; không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt tai mũi lưỡi thân ý; không có sắc thanh hương vị xúc pháp; không có cảnh giới của cái thấy, cho đến không có cảnh giới của ý thức. Không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết. Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có Trí, cũng không có Đắc. Vì không có Sở Đắc, Bồ Tát dựa vào Trí Bát Nhã, Tâm không dính mắc, vì không dính mắc, không có sợ hãi, xa rời điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn.

Chính Einstein bị vướng mắc trong sự chấp thật. Có lần Einstein nói rằng ông không thể tin mặt trăng sẽ ngừng tồn tại khi chúng ta ngừng quan sát nó – nếu mặt trăng không tồn tại thì vũ trụ sẽ trở thành vô nghĩa và khoa học không đáng để chúng ta phải mất công vì nó. Einstein không ngờ rằng nếu chúng ta dừng được việc khởi lên nhất niệm vô minh, thì mặt trăng sẽ không còn tồn tại. Bởi vì mặt trăng là một cấu trúc ảo, chỉ tồn tại trong nhất niệm vô minh của con người. Chỉ có điều chúng ta không thể dừng được nhất niệm vô minh, kể cả lúc chết đi. Chỉ có bậc giác ngộ mới dừng được, hoặc người có thần thông (ngày nay gọi là công năng đặc dị) như Trương Bảo Thắng đôi khi có thể làm được. Thật vậy, hãy xem miêu tả Trương Bảo Thắng đi xuyên tường.

Trương Bảo Thắng lúc chuẩn bị lễ kết hôn, dọn đến chỗ ở mới. Cô giáo Lưu Huệ Nghi của Học viện Sư phạm Bắc Kinh đến chỗ ở mới của anh để chúc mừng. Cô Lưu còn cách nhà anh khoảng hơn 10m, đứng lại nói chuyện với người khác, Bảo Thắng đứng trong nhà anh, gọi tên cô Lưu, mời cô vào nhà, cô còn đứng ngoài cửa, qua cửa kiếng thấy Bảo Thắng đứng trong nhà nói chuyện. Bảo Thắng dùng tay chỉ cánh cửa nói to : “Cửa này khóa rồi, tôi đứng bên trong mở không được, xin cô dùng chìa khóa từ bên ngoài mở cửa”

Nói rồi anh cầm chùm chìa khóa từ trong cửa sổ đưa qua song sắt cho cô giáo, sau đó trở lại cửa cái, anh đứng bên trong cửa, cô giáo đứng bên ngoài cửa, hai người vừa nói chuyện, cô Lưu vừa lựa chìa khóa để mở cửa, không biết vì sao cô Lưu không mở được khóa. Vài phút đã trôi qua, cô hãy còn chuyên tâm dùng chìa khóa cố mở.

– Ha ha ! Ha ha !

Sau một tràng tiếng cười, nghe “táp” một tiếng, một bàn tay vỗ vào lưng cô Lưu, cô phản ứng :

– Trương Bảo Thắng gạt tôi hả ? Trương Bảo Thắng lại xuyên tường rồi !

Cô Lưu và mọi người kiểm tra căn phòng mới, ngoài chiếc cửa cái duy nhất, không còn cửa nào khác, vài chiếc cửa sổ đều có song sắt, người bình thường không thể chen ra được, cửa cái duy nhất thì đã khóa, chìa khóa nằm trong tay cô Lưu đang đứng phía ngoài dùng chìa mở cửa mà mở chưa được. Có người nắm tay Bảo Thắng lôi đến trước cửa nhà anh, yêu cầu anh nói rõ việc gì vừa xảy ra:

– Anh làm sao ra ngoài được ?

– Tôi từ góc tường bên kia ra ngoài. Anh dùng tay phải chỉ góc tường bên phải (1)

Như vậy rõ ràng là trong tâm niệm của Trương Bảo Thắng, bức tường đã không còn hiện hữu, thân thể anh cũng không hiện hữu, nên anh mới có thể đi xuyên qua tường.

Vì không có số lượng nên không cần phải tranh giành, số lượng vật chất hay năng lượng chỉ là cảm giác, là tâm thức, cũng giống như không gian và thời gian là cảm giác tâm thức. Nhưng người bình thường vì bị hạn chế, vì mê lầm nên chấp là thật. Bậc thánh như Giê su có thần thông nên không bị hạn chế, trong số những người thân cận với ngài chỉ có 5 cái bánh và hai con cá nhưng có thể chia cho hơn 5000 tín đồ đến nghe giảng đạo bên hồ Galilea ăn no bụng, giải tỏa cơn đói xong mà vẫn còn dư lại 12 giỏ bánh.

Khi kinh điển Phật giáo nói : “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” tức phải hiểu tất cả đều là do tâm tạo, đều là ảo, không phải thật. Thế giới vi tính là thế giới ảo trên mặt phẳng có 3 chiều : dài, rộng và thời gian. Thế giới ngoài đời là thế giới ảo trong không gian bốn chiều : dài, rộng, sâu và thời gian.

Có nhiều người sẽ nghĩ rằng truyện kể trong Kinh Thánh chỉ là thần thoại làm sao đủ tin ? Vậy xin hỏi chỉ với một tấm hình duy nhất, tung lên mạng internet, thì có thể gởi cho hàng triệu người được không ? Hỏi tức là đã trả lời vậy. Tính chất không hạn chế bởi không gian và thời gian, ngày nay chúng ta có thể tự mình thực nghiệm trên mạng internet. Bài viết này khi đưa lên internet, sẽ có thể đến với bạn đọc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, vào bất cứ lúc nào, miễn có đủ nhân duyên. Nhân duyên đó là chiếc máy vi tính, laptop, netbook, ipad, iphone, điện thoại di động thông minh (smartphone) hay bất cứ thiết bị nào có thể kết nối với internet bằng ADSL, wifi, GPRS, 3G, 4G…

Phật giáo nói rằng cõi thế gian chỉ là mộng ảo giữa ban ngày, không khác gì mấy so với thế giới ảo của máy vi tính, có khác chăng chỉ là cao cấp hơn rất nhiều lần mà thôi. Vật lý học hiện nay lâm vào khủng hoảng vì các khoa học gia nhận thức được rằng thế giới lượng tử giống như thần thoại.

2/ Tâm là Chánh biến tri, là sự hiểu biết bất nhị, vô lượng, không bị hạn chế bởi không gian, thời gian và số lượng

Ngay từ thời cổ đại xa xưa, con người đã cảm nhận được chánh biến tri, nhưng họ hình tượng hóa thành thượng đế hữu ngã, trời hay thần tiên. Tại sao nó có khả năng hướng dẫn lượng tử vật chất hình thành nên các thiên hà trong đó có các thái dương hệ, trong thái dương hệ có mặt trời và hành tinh tương tự như thái dương hệ của con người chúng ta. Rồi trên hành tinh mà ta đặt tên là Trái đất (Earth) hay Địa cầu, xuất hiện sinh vật, chim muông, cầm thú, tôm cá và con người. Con người là cấu trúc cực kỳ phức tạp, cực kỳ tinh tế mà nếu không có một sự hiểu biết thật cao siêu, thật tuyệt vời thì không thể sáng tạo nổi. Thiên chúa giáo thì nói đó là do Thượng đế sáng tạo. Khoa học thì nói đó là do sự tiến hóa dần dần của tự nhiên mà Darwin là đại biểu, ông đã xây dựng nên học thuyết Sinh vật tiến hóa luận, giải thích khá rõ quá trình tiến hóa từ vật chất vô cơ như sắt, đồng, chì, kẽm, oxy, hydro, nitro, carbon đến vật chất hữu cơ như acid amin, glucid, lipid. protid, protein…Rồi từ sinh vật đơn bào đến đa bào, đến sinh vật có xương sống, có thần kinh, có bộ não. Từ con cá đến con khỉ rồi thành con người.

Còn Phật giáo thì nói Tâm có giác tánh, còn gọi là chánh biến tri, bao gồm tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh tiếp xúc và tánh biết. Tánh biết là tổng hợp của 5 tánh kia. Những tánh này cũng bất sanh bất diệt như tâm. Phật giáo nói rằng thấy không phải chỉ do con mắt, mặc dù ai cũng biết rằng mắt là cơ quan chủ yếu của sự nhìn thấy. Thật ra mắt chỉ là cơ quan tiếp nhận ánh sáng, trong ánh sáng có tín hiệu của hình ảnh. Không có ánh sáng thì mắt không thể thấy nhưng không phải là chấm dứt tất cả khả năng thấy. Khoa học ngày nay dễ dàng chứng tỏ, không dùng tới ánh sáng cũng có thể thấy bằng siêu âm. Con dơi không cần tới mắt vẫn có thể bay tránh được chướng ngại vật xung quanh nhờ vào siêu âm. Con người dùng máy siêu âm để “thấy” các cơ quan nội tạng trong cơ thể, cũng có thể dùng siêu âm để thấy được đáy biển sâu.

Đặc biệt, những người có đặc dị công năng có thể thấy mà không cần dùng tới mắt.

Ngày 11-03-1979, Tứ Xuyên nhật báo đưa tin về việc tại huyện Đại Túc có em học sinh 12 tuổi, tên Đường Vũ, dùng lỗ tai nhận ra chữ, tức là thấy bằng lỗ tai. Tạp chí Tự nhiên của Thượng Hải kỳ 11 năm 1979 có đăng báo cáo trắc nghiệm về các em bé Vương Cường, Vương Bân và Mỹ Yến có thể dùng nách nhận ra chữ, tức thấy bằng nách.

Riêng Trương Bảo Thắng có thể dùng mũi “ngửi” ra chữ, tức thấy bằng mũi. Ngày 18-05-1982, anh được nguyên soái Diệp Kiếm Anh (lúc đó ông là Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, tức Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc) mời đến nhà ông để thử tài. Chi tiết như sau :

Theo sau Diệp nguyên soái là nhiều người khác , có thư ký, y sĩ, nhân viên cảnh vệ…họ vào đầy phòng khách, đều hiếu kỳ chờ đợi Bảo Thắng biểu diễn. Chiếc ghế đẩy của Diệp soái dừng lại, ông nói với Bảo Thắng :

– Hãy ngồi ở bên này đi. Ông dùng tay chỉ vào một bên chiếc sô pha. Lúc đó Trương Bảo Thắng mới chịu ngồi xuống.

– Anh tên là gì ? Diệp soái thân thiết hỏi

– Trương Bảo Thắng

– Bây giờ bắt đầu trắc nghiệm nhé. Ông nói: Tôi nghe nói anh Trương có thể dùng đặc dị công năng nhận thức chữ, vì vậy tôi đã chuẩn bị cuộn giấy trên đó có viết chữ, bây giờ xin mời anh Trương biện nhận đi. Diệp soái cười thoải mái nói.

Bảo Thắng dùng tay phải cầm cuộn giấy được cắt đẹp đưa lên đầu mũi ngửi mấy cái, tiếp đó để xuống, biểu thị đã nắm được. Anh lập tức viết lại trên giấy, mọi người nhìn với ánh mắt nghi ngờ. Có người hỏi : “Biện nhận ra chưa ?” Bảo Thắng không ngó ngàng, chỉ dùng viết mực viết trên một tờ giấy, mọi người tập trung tinh thần xem. Trong sảnh đường thật yên lặng, chỉ nghe tiếng ngòi viết ma sát vào giấy nghe rào rào.

“Ha ha ha, ha ha ha……” chỉ nghe tiếng cười sảng khoái của Diệp soái, mọi người hướng nhìn vào mặt của ông. “Nhận đúng rồi ! nhận đúng rồi !” Không khí của sảnh đường lập tức ồn ào, sôi động hẳn lên. “Chữ màu đỏ” Bảo Thắng bổ sung một câu. Có người mở cuộn giấy, lúc đó mọi người thấy hai chữ đại tự viết bằng bút chì màu đỏ : “Tam tiếu” hoàn toàn đúng với chữ mà anh đã viết trên giấy. (2)

Qua các sự kiện trên, chúng ta thấy rằng tánh biết và 5 tánh kia đều dung thông lẫn nhau, phân biệt ra các tánh chất khác nhau, chức năng khác nhau là do con người chúng ta phân biệt, chia chẻ ra thôi. Bậc giác ngộ hoàn toàn như Đức Phật vận dụng được lục thông, tức 6 thứ thần thông : thân như ý thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông, lậu tận thông. Tức vận dụng được đầy đủ chánh biến tri, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, đạt tới sinh tử tự do.

Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, ngày nay không ai còn lạ, vì với các thiết bị như điện thoại di động, máy vi tính, mạng internet, ai chịu khó tìm hiểu về cách sử dụng các thiết bị này đều có thể tự mình thực hiện hai thứ thần thông này. Nhưng thay vì sử dụng khả năng của cơ thể, chúng ta dùng các thiết bị thông tin viễn thông.

Người có đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng, vận dụng được phần nào thân như ý thông và tha tâm thông. Thân như ý thông giúp anh có thể đi xuyên qua tường, đi vào những cung điện dưới lòng đất mà không cần mở cửa, đi trên mặt nước bằng chân đất, không cần thuyền bè. Tha tâm thông giúp anh có thể lái xe hơi mà không cần học lái, có thể sử dụng thành thạo máy vi tính mà không cần học tin học. Chỉ cần tài xế ngồi bên cạnh, không cần lên tiếng chỉ bảo gì cả, thì Trương Bảo Thắng có thể tự lái xe được, vì anh nắm bắt được các ý định, các tín hiệu trong não tài xế. Chỉ cần một chuyên viên vi tính ngồi bên cạnh nhìn anh thao tác, không cần lên tiếng hướng dẫn gì cả, thì anh có thể làm được tất cả những gì mà anh chuyên viên biết làm.

Khi Trương Bảo Thắng đến Bắc Kinh biểu diễn cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem công năng đặc dị, anh có gặp nhà khoa học nổi tiếng Tiền Học Sâm, ông này thấy anh trình độ học vấn thấp, khuyên nên học luyện thi vào đại học. Anh không học được, vì mỗi lần lấy sách ra học thì bị nhức đầu, nên thực tế không học gì cả, nhưng đến kỳ thi thì anh vẫn đi thi.

Phòng thi đặc biệt, tiến hành tại Lễ Đường Trung Nam Hải (Trung Nam Hải là khu vực cư trú của những nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc). Đối với Trương Bảo Thắng, các đề mục trong bài thi anh không thể làm được. Trong phòng thi yên lặng, không ai biết anh đang thi triển công năng của mình: anh bắt đầu thấu thị bài thi của người khác. Đáp án của người khác từ từ hiện lên trong não của anh, anh có thể giống như học sinh chép bài giải của thầy giáo trên bảng đen. Anh sao chép bài thi của người khác, không phải theo kiểu copy thông thường, vì trong phòng thi có giám thị đứng gác, không thể copy kiểu đó, mà anh copy từ trong não của người khác, nếu đáp án đúng thì anh cũng đúng, nếu đáp án sai thì anh cũng sai theo. Kết quả bài thi của anh, điểm không phải thấp. Nhưng Trương Bảo Thắng sau khi thi xong, báo cáo trung thực với thầy giáo và lãnh đạo, rồi nói : “Tôi không thể đọc sách được, vì tôi nhức đầu”. Do anh thêm một lần nữa phát biểu không tình nguyện học tập, cơ quan hữu quan bèn thôi, bỏ qua việc cho anh vào đại học. (3)

Riêng túc mệnh thông, lậu tận thông thì chỉ có Đức Phật đạt tới. Các Bồ Tát phải tới cấp thứ 9 (trong 10 cấp gọi là thập địa) là Thiện huệ địa mới vận dụng được đầy đủ các thần thông này. Ngay các thiền sư kiến tánh nhưng chưa dứt hết tập khí cũng có thể chưa vận dụng được túc mệnh thông, lậu tận thông. Một số thiền sư kiến tánh cũng có thể chưa vận dụng được bất cứ thần thông nào, vì còn nhiều tập khí. Tập khí là thói quen nhận thức đã ăn sâu vào tiềm thức hay vô thức, nói theo Phật giáo là a-lại-da thức, chính tập khí làm chướng ngại. Ví dụ ta không thể đi xuyên qua bức tường vì trong ý thức của ta cho rằng bức tường là có thật. Ngay cả khi ý thức của ta ngừng hoạt động, như trong lúc ngủ mê, hay chết giấc, thân thể của ta vẫn không thể đi xuyên qua tường, vì trong vô thức vẫn cho rằng thân thể và tường là có thật. Chỉ khi nào dứt bỏ được thói quen chấp thật từ trong chỗ sâu xa vô thức thì mới có thể đi xuyên qua bức tường.

Thông thường chúng ta dùng bộ não để nói năng, sinh hoạt, làm việc. Muốn vận dụng bộ não để làm những việc chuyên môn, phức tạp, ta phải học tập. Học tập là tập luyện cho bộ não có một thói quen phản ứng nhanh nhạy, chính xác trước các vấn đề cần giải quyết. Nhưng dù tập luyện thuần thục cỡ nào, hiệu ứng cũng không thể đạt 100%, bởi vì có vô lượng vô biên tình huống khác nhau, xảy ra trong những không gian và thời gian khác nhau, ta không thể nào xử lý luôn luôn hoàn hảo 100% không mắc sai sót. Đó là lý do tại sao có những thiên tài quần vợt, bóng đá, cờ vua hoặc các môn thể thao khác, dù luyện tập cỡ nào, phong độ vẫn có khi cao, khi thấp, không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Chẳng hạn Lionel Messi là cầu thủ bóng đá được cho là giỏi nhất thế giới hiện nay, anh chơi tốt, ghi bàn rất nhiều cho câu lạc bộ Barcelona, nhưng khi chơi trong đội tuyển Argentina tại World Cup 2010 Nam Phi, anh bị tịt ngòi, không ghi được bàn thắng nào khiến đội tuyển của anh thua tơi tả. Hầu Dật Phàm (Hou Yifan) là đương kim vô địch cờ vua nữ thế giới hiện nay, mới 18 tuổi, cô là thiên tài về cờ vua. Nhưng trong giải cờ vua Gibraltar vừa qua do nước Anh tổ chức, tuy cô đứng đầu bảng xếp hạng chung cho cả nam và nữ, đánh bại nhiều đại kiện tướng quốc tế nam, trong đó có Lê Quang Liêm của Việt Nam, nhưng trong trận quyết định giành chức vô địch bằng hai ván cờ nhanh, cô đã để thua kỳ thủ chủ nhà Nigel Short một ván, nên vuột mất chức vô địch.

Những sự kiện trên chứng tỏ khả năng của bộ não là có hạn chế. Còn nếu vận dụng được chánh biến tri thì kỳ diệu không thể tưởng tượng. Như trường hợp của Trương Bảo Thắng.

Năm 1986, tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, trước đám đông, Trương Bảo Thắng xin ông thị trưởng Chu Hải là Lương Quảng Đại lấy ra cho tấm danh thiếp, ở mặt sau danh thiếp, ông thị trưởng còn tự tay ghi tên mình . Sau đó anh yêu cầu một khán giả bỏ danh thiếp vào miệng nhai nát, nhổ ra một cái dĩa. Trương Bảo Thắng lấy từ trong dĩa ra đống giấy giống như hồ đó, để trong bàn tay xoa xoa miết miết trong vài phút, xong đưa lên miệng thổi vài cái, lại xoa miết thêm một hồi. Lúc đó anh quay xuống khán giả bên dưới nói : “còn thiếu một chút”.

Lúc đó bí thư thị ủy Chu Hải là đồng chí Phương Bao nghe thế bèn để ý tìm trên bàn, trong dĩa, thậm chí tìm trong kẽ răng của người nhai danh thiếp hồi nảy, quả nhiên tìm được mảnh giấy vụn nhỏ xíu. Khán giả bên dưới hỏi : “có nuốt vô bụng không đó ?” Sau đó trên bàn lại tìm được một mạt vụn nữa. Anh bèn bỏ những mạt vụn đó thêm vào đống hồ trong tay tiếp tục xoa miết, lại dùng hai tay ép lại, đem đống hồ ép thành miếng, dùng miệng thổi vài cái, sau đó để xuống bàn, ngưng thần nhìn chăm chú, chậm chậm dùng tay gõ, không bao lâu, đống hồ trong tay anh từ từ hoàn nguyên thành tấm danh thiếp, 3 chữ Lương Quảng Đại của ông thị trưởng ghi thêm trên mặt sau danh thiếp cũng phục hiện như cũ. Công năng thần diệu của Trương Bảo Thắng khiến Lương thị trưởng vô cùng kinh ngạc. Ông cầm tấm danh thiếp trên bàn đưa lên nói : “Đúng là tấm danh thiếp tôi có ghi thêm tên mình” (4)

Đầu óc của Trương Bảo Thắng không thể nhớ hết các chi tiết trên danh thiếp, chẳng hạn những số điện thoại. Anh cũng không thể nhớ chính xác chữ viết tay của ông thị trưởng đã viết như thế nào, chữ viết tay là rất khó bắt chước. Nhưng với chánh biến tri, anh có thể phục nguyên tấm danh thiếp, y nguyên như nó chưa hề bị nhai nát, chữ viết tay cũng hoàn toàn giống như cũ. Như thế rõ ràng chánh biến tri không phải là khái niệm suông, mà đó chính là một trạng thái của tâm bất nhị, có công dụng kỳ diệu. Điều này chứng tỏ Thượng đế của Thiên chúa giáo, hay Phật tánh của Phật giáo cũng chính là chánh biến tri. Chính chánh biến tri đã tạo ra vũ trụ, vạn vật, con người. Chánh biến tri có khả năng siêu việt thời gian.

Vì không có thời gian, nên không có bắt đầu, không có kết thúc, tức vô thủy vô chung. Quá khứ, hiện tại, vị lai không còn chia cắt phân biệt nữa, nên không có trước sau. Vì không có trước sau, nên Trí Dược Tam Tạng, thiền sư người Thiên Trúc (tên xưa của Ấn Độ) khi đến Tào Khê vào khoảng năm 502 thời Nam Bắc Triều ở Trung Quốc, thấy cái mà người đời cho là vị lai tức chưa xảy ra, không phải dự đoán mà thấy bằng huệ nhãn, rằng 170 năm sau khi ông tịch diệt, sẽ có một vị đại thánh tăng đến ngôi chùa mà ông và chính quyền địa phương đang làm lễ khánh thành và đặt tên là Bảo Lâm tự, hoằng pháp và làm cho Thiền tông đại hưng thịnh. Quả thật vậy, 170 năm sau, Lục Tổ Huệ Năng đã đến trụ trì chùa này trong 39 năm. Nói 170 năm sau, đó là nói theo người đời sống trong thế gian, có thời gian, có trước sau. Trí Dược có thần thông, nên thấy được cái mà người đời không thể thấy, quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ là tưởng tượng, không có thật, nên thấy việc vị lai chưa xảy ra là điều có thể.

Thời hiện đại cũng có bằng chứng. Trong thời gian diễn ra Giải Bóng đá Vô địch Thế giới (World Cup) 2010 tại Nam Phi. Chú bạch tuộc Paul đã làm cả thế giới kinh ngạc khi đã dự đoán trước, chính xác 100% kết quả của cả 8 trận đấu, trong đó 7 trận có đội tuyển Đức thi đấu, và trận cuối cùng là trận chung kết giữa hai đội tuyển Hà Lan và Tây Ban Nha. Paul đã dự đoán Tây Ban Nha thắng và kết quả diễn ra đúng như vậy, Tây Ban Nha đã đoạt cúp vô địch.

Tóm lại Tâm có nhiều thuộc tính kỳ diệu mà chúng ta khó có thể kể hết, nhưng nổi bật có hai thuộc tính chủ yếu :

Một là Niết Bàn, là bản thể của pháp giới, của vũ trụ vạn vật, thực tướng của pháp giới, với ý nghĩa là thoát khỏi tất cả mọi hạn chế ràng buộc về không gian, thời gian và số lượng, giảt thoát khỏi sinh tử luân hồi và tất cả khổ đau vì không còn mê lầm, chấp thật nữa.

Hai là Chánh biến tri, sự hiểu biết trọn vẹn, khả năng siêu phàm, siêu việt không gian, thời gian và số lượng, bất sanh bất diệt, là công dụng của tâm bất nhị. Chánh biến tri tạo ra pháp giới, vũ trụ vạn vật trong đó có con người. Con người tiếp tục vận dụng một phần của chánh biến tri thông qua bộ não (đã bị hạn chế) tiếp tục sáng tạo nền văn minh và các tiện nghi vật chất phục vụ cuộc sống của nhân loại. Nhưng nếu con người không giác ngộ bản tâm, thì bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi và cảm thấy khổ, bị mê lầm, khổ sở mê lầm nhiều lắm, đến nỗi có nhiều người nhận thức rằng đời là biển khổ. Chiến tranh, xung đột, mâu thuẫn, bất công, bệnh tật, thiên tai, nhân họa…khổ không sao kể xiết. Vậy con người phải giác ngộ, phải đạt tới sinh tử tự do thì mới có khả năng coi đời sống thế gian là một cuộc chơi vui thú, ta phải luôn làm chủ được mình, làm chủ được số mệnh, muốn được vậy phải giác ngộ.


Chú thích :
(1), (2), (3), (4) Trích dịch từ tác phẩm “Siêu nhân Trương Bảo Thắng” của Gia Cát Hỉ Hán, ông là Chủ tịch của Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố Bổn Khê, tỉnh Liêu Ninh. Nhà xuất bản Nhân dân Quảng Đông, ấn bản lần 5 1993.

Truyền Bình
Nguồn: http://duylucthien.wordpress.com

Không có nhận xét nào: