Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN PHẬT GIÁO

Tu hành trong Phật giáo là nhằm giác ngộ. Giác ngộ là thân chứng bản chất của vũ trụ vạn vật là không, không có gì cả, như hư không vô sở hữu (không có thật) chấm dứt sinh tử tức là chấm dứt cái vòng luân hồi đó bằng cách giác ngộ, tức là phá vỡ cái nguồn gốc của nó, tức là phá vỡ vô minh. Giống như khi ta tắt máy vi tính thì mọi hiện tượng trên màn hình đều chấm dứt, không có gì là thật cả. Cái Chân Như, Bản lai diện mục giống như hư không vô sở hữu, nhưng chỉ vì nhất niệm vô minh mà hình thành cả vũ trụ vạn vật. Nhất niệm vô minh tương đương với hành vi mở máy vi tính, bỗng nhiên xuất hiện một thế giới ảo. Còn giác ngộ thì giống như tắt máy, chấm dứt suy tưởng, vô niệm, không còn cái gì hiện hữu. Tuy nhiên hành giả cũng không được chấp Không. Không chấp Có, chẳng chấp Không, đó là cảnh giới bình thường : thấy núi là núi, thấy nước là nước, mọi sự vật vẫn bình thường, đó là thế lưu bố tưởng, nhưng không còn cố chấp nữa. Không cố chấp thì tâm sẽ an, thân sẽ không bệnh. Cái ảo cũng có rất nhiều công dụng, không việc gì phải bỏ. Chẳng hạn các hiện tượng trên máy vi tính là ảo nhưng công dụng thì rất lớn, nhưng đã biết ảo thì không nên cố chấp.
Thuyết Duyên khởi (zh. 縁起, sa. pratītyasamutpāda, pi. paṭiccasamuppāda, cũng được gọi là Nhân duyên sinh (zh. 因縁生), và vì bao gồm 12 thành phần nên cũng có tên khác là Thập nhị nhân duyên (zh. 十二因縁, sa. dvādaśanidāna, dvādaśāṅgapratītyasamutpāda, Thuyết này chỉ rõ là mọi hiện tượng tâm lí và vật lí tạo nên đời sống của vạn vật đều dựa vào nhau mà sinh khởi, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng tròn luân hồi với mười hai yếu tố. Các yếu tố này làm cho loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong Luân hồi (sa., pi. saṃsāra). Giáo lí duyên khởi được ghi lại trong kinh như sau (Chân Nguyên dịch Pāli-Việt):
Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt.
Mười hai nhân duyên cụ thể như sau:
Vô minh (zh. 無明, sa. avidyā, pi. avijjā), là trạng thái bị che khuất, không nhìn thấy toàn thể, hoặc không nhìn thấy rõ, không hiểu rõ đối với những sự vật quá vi tế, hoặc quá to lớn, từ đó phát sinh mê lầm. Ví dụ đám mây che khuất không nhìn thấy mặt trời, hoặc trái đất xoay nên có ngày đêm nhưng vì không hiểu rõ nên tưởng mặt trời xoay. Nguyên tử vật chất thực ra trống rỗng, thành phần chính yếu của hạt nhân nguyên tử là hạt quark không thể độc lập tồn tại, 3 hạt quark hợp lại mới thành hạt proton hoặc hạt neutron để tạo ra nhân nguyên tử, các hạt electron quay thật nhanh chung quanh nhân tạo ra vỏ nguyên tử, nhưng vì không thấy rõ nên tưởng vật chất là khối cứng, đặc, tưởng là có thật. Các hình ảnh, âm thanh, màu sắc trên màn hình hoặc do máy vi tính phát ra chỉ là ảo tưởng vì bản chất của chúng chỉ là điện tử, là 0 và 1, vốn là ảo, không có thật nhưng ta thấy rất thật, tưởng là thật. Vô minh là điều kiện căn bản để phát sinh thế giới, vũ trụ, vạn vật, bởi vì nếu không có vô minh, mê muội, bị che khuất, không thấy rõ, thì tất cả chỉ là không.
Vô minh sinh Hành (zh. 行, sa. saṃskāra, pi. saṅkhāra), Hành là chạy, hoạt động, vận động, chuyển động. Nếu không có vô minh thì bản thể của vũ trụ, vạn vật là hư không trống rỗng, bất động, bất sinh, bất diệt. Chính vô minh tạo điều kiện cho vũ trụ thành lập và hoạt động, bởi vì vô minh là cơ chế sinh ra ảo tưởng. Giống như vì ta không thể thấy rõ bản chất của mọi hiện tượng trên màn hình vi tính chỉ là điện, 0 và 1 thì hình ảnh, âm thanh, màu sắc mới thành lập được, bởi vì các hiện tượng chỉ là ảo, do mắt nhìn không kịp, các giác quan tưởng là thật. Và chuyển động là điều kiện tiên quyết để tạo ra ảo tưởng. Ví dụ khi ta xem một đoạn phim thì chuyển động là điều kiện cần thiết để ta thấy các nhân vật sống động, ta quơ một đóm nhang thấy một vòng tròn đỏ rực, vòng tròn không có thực, sự thực chỉ là một đóm lửa nhỏ. Phải có chuyển động mới thấy được vòng tròn đỏ, đó chỉ ảo ảnh, nhưng ảo ảnh đó chính là cuộc sống của chúng sinh trong thế giới.
Hành sinh Thức (zh. 識, sa. vijñāna, pi. viññāṇa), Thức là phân biệt. Chuyển động tạo ra phân cực. Ví dụ dòng electron (điện tử) chuyển động trong mạch tạo ra hiệu thế điện áp khác nhau giữa hai đầu và ngược lại, sinh ra cực dương và cực âm. Có chuyển động mới tạo ra không gian và thời gian. Các điện tử chạy quanh hạt nhân tạo ra không gian là nguyên tử, và tạo ra thời gian là lúc nguyên tử bắt đầu hình thành tới lúc nguyên tử diệt vong. Hành hay chuyển động tạo ra sự khác nhau của các cặp phạm trù mâu thuẫn như sáng tối (do trái đất xoay quanh trục tạo ra ngày và đêm, trục địa cầu nằm nghiêng tạo ra 4 mùa), âm dương, vật chất tinh thần, tâm vật, tốt xấu, thiện ác, lớn nhỏ, không gian thời gian, động tĩnh, hữu vô…Hành là cơ chế tạo ra sai biệt và phân biệt sẽ tạo ra thế giới.
Thức sinh Danh Sắc (zh. 名色, sa., pi. nāmarūpa), Danh là tên gọi, sắc là vật chất, sự vật. Ví dụ “người” là tên gọi chung cho loài động vật thượng đẳng, đứng thẳng có khả năng tư duy, sáng tạo. Hùng, Lan là tên riêng của từng cá thể loài người. Thân thể bằng xương bằng thịt của Hùng, Lan là sắc. Thức tức phân biệt tạo ra vô số danh sắc trong thế giới. Chẳng hạn con trâu, con chó, cây tùng, cây liễu, con cá, con tôm, tình yêu, từ bi, bác ái, pháp luật, quốc gia, lãnh thổ, hải phận, địa ngục, thiên đường… Nếu không có thức thì vật chất chỉ là quark, electron hay là hạt ảo, lượng tử, là không chứ chẳng có gì cả. Danh sắc là toàn bộ tâm lí và vật lí của loài người quan niệm, do Ngũ uẩn (sa. pañcaskandha, pi. pañcakhandha) tạo thành.. Phật giáo gọi chung tất cả danh sắc là Pháp (dharma). Đối với loài hữu tình như loài người thì xác thân và tâm thức gọi chung là Ngũ Uẩn bao gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Sắc (zh. 色; sa., pi. rūpa), chỉ thân và sáu giác quan (Lục căn), do Tứ đại chủng (sa., pi. mahābhūta) tạo thành, đó là bốn yếu tố: Đất, Nước, Gió, Lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng. Giải thích theo khoa học ngày nay thì Đất là các nguyên tố chất rắn, Nước là chất lỏng, Gió là chất khí, Lửa là năng lượng. Cơ thể sinh vật được cấu tạo bằng các phân tử hữu cơ trong đó 4 nguyên tố chính là Carbon (C), Hydro (H), Oxy (O) và Nitro (N). Ngoài ra còn một số nguyên tố vi lượng khác như sắt, kẽm, natri, lưu huỳnh. ma-nhê… Lương thực, thực phẩm ta ăn hàng ngày ngoài việc kiến tạo, phát triển cơ thể, thay thế những thành phần già cỗi, bị phế thải, còn cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Thọ (zh. 受, sa., pi. vedanā), tức là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính. Cơ thể liên lạc tiếp xúc với bên ngoài bằng Lục căn. Đối tượng của lục căn là Lục trần. Lục căn tiếp xúc với Lục trần sinh ra Lục thức bao gồm các cảm giác của thân xác và ý thức, do bộ não tổng hợp điều phối.
Tưởng (zh. 想, sa. saṃjñā, pi. saññā), là hoạt động cao cấp của bộ não và ý thức, ngoài việc nhận biết các cảm giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị…, kể cả nhận biết ý thức cái ta đang hiện diện như Descartes đã tuyên bố (Je pense, donc je suis- tôi tư duy tức tôi hiện hữu). Tưởng còn đi xa hơn trong tư duy, lý luận, tư tưởng triết học, tôn giáo, khoa học, chính trị, xã hội, nhân văn, kinh tế…phân biệt, chọn lựa tốt xấu, đúng sai…
Hành (zh. 行, sa. saṃskāra, pi. saṅkhāra), là hành động, thể hiện ra trong đời sống, quyết định nên làm gì, không nên làm gì sau những hoạt động tâm lí tư tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác, đuổi theo đam mê, dục lạc hoặc phát tâm tu hành hoặc làm một việc lớn nào đó trong đời (chí hướng) chọn lựa, hướng nghiệp v.v…
Thức (zh. 識, sa. vijñāna, pi. viññāṇa), là tri thức, tri kiến, hiểu biết sau quá trình dài tích lũy kinh nghiệm, từ đó sinh ra chấp ngã (thấy cái ta là có thật), chấp pháp (coi vạn pháp là có thật), thấy có thế giới hiện hữu, có vạn vật, có xã hội. Cái ý thức luôn duy trì bản ngã gọi là Mạt-na thức. Tất cả thông tin về bản ngã và tri kiến về thế giới, vũ trụ được chứa trong Tàng thức hay còn gọi là A-lại-da thức.
5. Danh sắc sinh Lục Căn (zh. 六根, sa. ṣaḍāyatana, pi. saḷāyatana), Danh sắc rất nhiều, rất đa dạng khiến cho cơ thể của loài hữu tình, nhất là loài người phát triển thành sáu cơ quan để phân biệt cho rõ ràng (gồm 5 giác quan: nhãn=mắt , nhĩ=tai, tị=mũi, thiệt=lưỡi, thân=thể xác, 5 giác quan này gọi chung là tiền ngũ thức và bộ não có khả năng ghi nhớ và tổng hợp, biết suy nghĩ, đó là thức thứ sáu hay ý thức);
6. Lục căn tiếp xúc với Lục Trần (bao gồm sắc=hình thể, thanh=âm thanh, hương=mùi, vị= cảm giác do lưỡi tiếp thu, xúc= cảm giác do thân thể tiếp thu, pháp= sự vật do ý thức nhận biết) tức các đối tượng bên ngoài, sinh ra Xúc (zh. 觸, sa. sparśa, pi. phassa) tức cảm xúc, cảm giác. Đây là sự quan hệ giữa bên trong và bên ngoài của một chúng sinh. Sự tiếp xúc này sinh ra Xúc hay còn gọi là lục thức tức là 6 cách nhận biết.
7. Xúc sinh Thọ (zh. 受, sa., pi. vedanā), là cảm nhận, cảm giác của chúng sinh với thế giới bên ngoài, đó là thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc cọ sát, và tri thức tổng hợp. Từ đó có nhận định, đánh giá : đẹp xấu, êm tai hay chói tai, thơm hay hôi thúi, ngọt bùi hay cay đắng, mềm mại trơn láng hay thô cứng sần sùi, đáng yêu hay đáng ghét.
8. Thọ sinh Ái (zh. 愛, sa. tṛṣṇā, pi. taṇhā), Từ nhận định, đánh giá, ghi nhớ của ý thức sinh ra tham ái, ham muốn đối với những sự vật mà nó ưa thích. Ví dụ thích nệm êm chăn ấm, nhà cao cửa rộng, xe cộ xênh sang, ăn ngon mặc đẹp, thích được khen, được kính trọng. Nếu trái với điều ham muốn thì sẽ bị nó thù ghét. Nếu không đạt được những điều ham muốn hay gặp nghịch cảnh thì nó cảm thấy Khổ.
9. Ái sinh Thủ (zh. 取, sa., pi. upādāna) Thủ là ghi nhớ, nắm giữ, chiếm lấy làm của riêng hay đặc tính riêng có cho mình, hình thành một cá tính gọi là Ngã. Ví dụ con người thì có đặc tính suy nghĩ, tạo tác, ham hiểu biết. Cọp thì thích ăn thịt. Trâu Bò thì thích ăn cỏ. Cá Tôm thì sống dưới nước. Giòi Bọ chỉ thích sống trong chỗ dơ bẩn. Con Gián chỉ thích sống trong tối. Thủ hình thành đặc tính, tập quán của các loài.
10. Thủ dẫn đến Hữu (zh. 有, sa., pi. bhava), Thủ là lưu giữ trong ký ức, trong A-lại-da thức để ghi nhớ, để nhận biết lại. Một ý niệm hay một sự vật đã đưa vào bộ nhớ thì sẽ tồn tại, hiện hữu. Sự tồn tại của thế giới, vũ trụ, vạn vật, gồm toàn bộ những gì mà ta thấy và cảm nhận được bằng giác quan, bằng ý thức, trong đó có cả những sự vật không thể cảm nhận được bằng tiền ngũ thức, chỉ cảm nhận sự hiện hữu qua suy luận của ý thức. Ví dụ vật chất tối, năng lượng tối, lỗ đen trong vũ trụ, sóng âm thanh, sóng điện từ…đó là những vật mà tiền ngũ thức không thể thấy nhưng do ý thức suy luận hoặc thiết bị mà con người biết được sự hiện hữu.
11. Hữu dẫn đến Sinh (zh. 生, sa., pi. jāti), Bản thể của Tâm là không, là vô hạn, vô thuỷ vô chung, nhưng khi đã phân cực, phân biệt thành có, thành hữu hạn thì bắt đầu có sự sinh khởi. Một vật khi đã hiện hữu thì có lý tính, hóa tính riêng, nó sẽ có phản ứng, tương tác để sinh ra các vật khác. Một sinh vật thì sẽ sinh sản để lưu truyền nói giống. Một hạt quark thì không tồn tại, không có sự hiện hữu. Ba hạt quark (2up+1down) hợp lại thì sinh ra hạt proton. Ba hạt quark khác (1up+2down) kết hợp thì sinh ra hạt neutron. Các hạt quark bị giam hãm mãi mãi trong hạt proton và hạt neutron, không thể tách ra được, bởi vì muốn tách ra, phải cần tới một năng lượng vô hạn. Hiện tượng giam hãm này tương ứng với tâm cố chấp của chúng sinh. Một hạt electron đứng yên một mình cũng không tồn tại, nó phải luôn luôn chuyển động, khi chuyển động nó mới hiện hữu. Chuyển động của nó tạo ra năng lượng hay nói cách khác, có một nguồn năng lượng bí mật khiến hạt electron chuyển động rất nhanh, mãi mãi không ngừng. Nó có đặc tính bất định do Werner Heisenberg nêu ra, là không thể xác định cùng lúc vị trí và động lượng của nó. Có nghĩa là nếu thu hẹp vùng không gian hoạt động của nó, hạt electron liền mau chóng tăng tốc độ, do đó một khi lực hút tĩnh điện kéo nó lại gần hạt nhân thì tốc độ của nó tăng lên khiến nó không bị rơi vào hạt nhân mà ổn định tại quỹ đạo cân bằng giữa lực hút và lực ly tâm tương ứng với mức năng lượng của nó. Hạt proton kết hợp với một hạt electron chuyển động không ngừng thì sinh ra nguyên tử Hydrogen.. 8 hạt proton + 8 hạt neutron + 8 hạt electron thì sinh ra nguyên tử Oxygen. Hai nguyên tử hydrogen kết hợp với một nguyên tử oxygen thì sinh ra nước (H2O). 7 hạt proton + 7 hạt neutron + 7 hạt electron thì sinh ra nguyên tử Nitrogen. Bốn nguyên tố C, H, O, N kết hợp thì thành những acid amin cơ bản, đó là chất sống để cấu thành cơ thể sinh vật, ví dụ glycine C2H5NO2 , gồm 2 nguyên tử carbon, 5 nguyên tử hydrogen, 1 nguyên tử nitrogen và 2 nguyên tử oxigen. Đây là một loại acid amin đơn giản nhất.
Nhiều acid amin kết hợp lại thì thành đại phân tử protein, chính là vật liệu tạo thành xác thịt của chúng ta. Vậy nguyên tử là hữu thể cơ bản, từ đó sinh ra đất đai sông núi, cây cỏ, sinh vật, con người, thế giới trong đó có nhiều loài chúng sinh hiện hữu, mỗi chúng sinh là một cá thể hữu ngã, cá thể cứ liên tục được sinh ra, giống như đại dương, sóng gió chuyển động sinh ra bọt nước. Mỗi bọt nước trong đại dương có thể so sánh với một cá thể trong pháp giới.
12. Sinh sinh ra Lão tử (zh. 老死, sa., pi. jarāmaraṇa), vì có Sinh nên có lão tử, có hoại diệt. Bất cứ loài vật nào, dù vô tình (gỗ đá, đồ vật) hay hữu tình ( người, động vật) hễ có sinh ra đều có lúc phải cũ, già, hư, bệnh và kết thúc bằng cái chết hay sự diệt vong. Nhưng chết không phải là hết mà là để tái sinh trong một kiếp khác. Cái vòng tròn luẩn quẩn sinh diệt đó gọi là luân hồi.
Tóm lại Thập nhị nhân duyên là lý thuyết tổng quát, mô tả chung tất cả các pháp, còn Ngũ uẩn là lý thuyết đặc biệt mô tả riêng loài hữu tình nhất là con người. Khi các nhân duyên đầy đủ thì xuất hiện thế giới cùng với các loài hữu tình, trong đó có con người, gọi chung là chúng sinh. Mỗi con người không hiểu bản chất của mình là do nhân duyên sinh, chỉ thấy một cách thiển cận là mình do cha mẹ sinh, mình là một cá thể hữu ngã, riêng biệt, con người cố chấp sự hiện hữu của mình là có thật, có cái ta thật, Phật giáo gọi đó là ngã tướng. Khi đã có ngã tướng thì ắt có nhân tướng tức là người khác, đồng loại với mình, rộng hơn một chút nữa thì là chúng sanh tướng tức là tất cả các loài hữu tình có tri giác. Và cuối cùng là tất cả các pháp trong pháp giới (vũ trụ hữu hình và vô hình) Phật giáo gọi một cách thật khái quát là là thọ giả tướng (tất cả các pháp sinh diệt có thọ mệnh) bao gồm tất cả loài hữu tình và vô tình (gỗ đá, đồ vật, sông núi, ý niệm…). Phật giáo gọi chung bốn hình thức đó là Tứ tướng, tức bao gồm ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Chúng sanh vì mê lầm, cố chấp tứ tướng là có thật, không hiểu rằng tất cả chỉ là do nhân duyên sinh, mà cái nguyên nhân cơ bản là vô minh, vì nhất niệm vô minh mới thấy có hạt quark và hạt điện tử (electron), hay nói khái quát hơn là lượng tử (quantum) vốn là không thật, không thể độc lập tồn tại, chỉ nương vào nhau mà xuất hiện, và cần phải có vô minh mới thành lập được, do đó tứ tướng cũng chỉ là giả lập, là ảo giác chứ không có thật. Tứ tướng chỉ xuất hiện trong nhất niệm vô minh, nếu không có nhất niệm vô minh thì chẳng có gì cả, cái Không đó, Long Thọ Bồ Tát trong tác phẩm Trung quán luận, gọi là “Tâm như hư không vô sở hữu”. Con người cũng như thế giới vật chất chỉ là nhân duyên giả hợp chứ không phải sự thật độc lập, vạn vật đều vô thường và không có tự tánh. Các nhà duy thức học đã giải thích như sau: sự vật hình thành do 3 nguyên lý:
Biến kế sở chấp S. Parikalpana): sự vật hiện hữu được là nhờ vào nimitta (tướng: về hình sắc) và lakṣaṇa (tánh: khổ, lạc…lý tính, mối quan hệ giữa các sự vật) được gán vào cho sự vật ấy. Ngược lại nếu tướng và tánh của chúng không được gán vào thì chúng sẽ không hiện hữu. Vậy sự hiện hữu có được của sự vật là do con người tưởng tượng đặt tên cho chúng, kể cả pháp của đức Phật. Do đó sự hiện hữu này chỉ là một sự hiện hữu trong tưởng tượng của con người, của chúng sinh chứ không phải sự thật độc lập. Sắc tướng của sự vật khi chưa được một chủ thể tổng hợp nhận thức thì nó ở dạng tiềm thể rời rạc, đó là dạng lượng tử vô định hình nghĩa là chưa thành sự vật gì cả, bản thân lượng tử cũng không phải là vật độc lập, nói tóm lại là chẳng có gì là thật cả. Tình trạng đó nhà triết học Kant gọi là Vật tự thể (Das ding an sich), Phật giáo gọi là vô thủy vô minh, Thiền học Trung hoa gọi là Thoại đầu. Điều này đã được các nhà khoa học nổi tiếng thế giới nhận thức. Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức người phát minh ra nguyên lý bất định _không thể đồng thời xác định vị trí và vận tốc hay động lượng của một hạt, ví dụ electron) nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (1)(Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật). Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922) nói “Isolated material particles are abstractions” (3) (Hạt vật chất cơ bản cô lập thì trừu tượng- tức không phải vật thật)
Y tha khởi (S. Paratantra) : sự vật này dựa vào sự vật khác mà hiện hữu. Đứng về mặt sinh khởi, sự hiện hữu của mọi sự vật được hình thành nhờ vào óc tưởng tượng và chúng được y cứ vào một sự vật khác để sinh khởi (Paratantra). Do đó sự vật không có nguồn gốc độc lập và không có tự tính, chúng dựa vào sự vật khác mà hình thành. Vì vậy dù sự vật, thiện, ác, vô ký, hay tam giới (ba cõi) tâm và tâm sở luôn luôn vẫn lệ thuộc vào tưởng tượng, và sự hiện hữu của chúng cũng khởi lên từ các nhân và duyên mà sinh khởi, có nghĩa là chúng nương tựa vào các pháp khác mà sinh khởi để hiện hữu, và vì vậy không thể gọi chúng là hiện hữu thật sự. Phật giáo Trung Hoa gọi là thế lưu bố tưởng (tưởng tượng thông thường của thế gian) . Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (4) (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).
Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) viết : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (5) (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại)
3. Viên thành thật (Pariniṣpanna) : là sự thật tròn đầy rốt ráo, sự thật tối cao thuộc về Paramrārtha (chân đế) hay còn gọi là Thắng nghĩa đế, hay Tathatā (như thật tánh) chúng liên hệ đến Niết-bàn, tịnh lạc v.v… mà tất cả phiền não và nghiệp chướng được diệt tận. Sự thật này thuần nhất không có phân biệt giữa chủ thể và vật thể như Paratantra. Về phương diện sự tướng thì cũng có thể gọi là Dharmatā (pháp nhĩ như thị), hay nói một cách khác là tối thượng tiềm tàng trong thế giới hiện tượng. Đó cũng tức là Tâm hay Tánh Không bao gồm Pudgalaśūnyatā (nhân không) và Dharmaśūnyatā (pháp không) có nghĩa là nguyên nhân cũng không, mà sự vật (hình thành do nhân duyên) cũng đều không có thật. Ngài Long Thọ (Nāgārjūna) nói rằng “ Tâm như hư không vô sở hữu” (Tâm giống như hư không, không có thật), “Nhất thiết không” (sarvaṃ śūnyam = mọi vật đều là không). Trong một định đề (postulate) khoa học, Stephen Hawking và Neil Turok (sinh năm 1958 tại Johannesburg, South Africa, Giáo sư Vật Lý của Đại học Princeton, Giám đốc Viện Perimeter về Vật Lý lý thuyết) nói : “The quantum world is one of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even in a vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven dimensions, most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which gravitation, spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton” (2) (Thế giới lượng tử là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa hiên hữu và cả hư không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11 chiều kích_ mà phần lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình_của một thực tại trong đó lực hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp lại trong ‘hiện tiền’ ). Ý của Hawking và Turek nói rằng lượng tử là hạt ảo tức không phải thật nhưng lại có khả năng kết hợp với nhau thành nguyên tử và thành vật chất trong đó lực hấp dẫn, không gian, thời gian và vật chất kết hợp lại thành cái thế giới hiện tiền trong tâm thức chúng ta.
Giác ngộ là tự mình chứng được cái Tâm đó, Thiền Trung Hoa gọi là kiến tánh thành Phật. Phật tức là người giác ngộ (giác giả). Cũng như trong tin học, chúng ta biết rõ những hiện tượng trên màn hình vi tính như hình ảnh, âm thanh, chữ viết, màu sắc, video…đều chỉ là ảo giác, không phải thật, bản chất của những hiện tượng đó là điện tử, chúng hợp lại thành bit thông tin, bit là trị số 0 hoặc 1 của hệ đếm nhị phân, 8 bit thành một byte (cơ bản 1 byte có 8 bit, đủ để biểu diễn một chữ con như a, b, c…, nhưng trong thực tế 1 byte có thể có từ 8-12 bit). Rồi hình ảnh, màu sắc, âm thanh, video…tất cả đều có thể dùng một số lượng byte để diễn tả, rốt cuộc hình thành thế giới ảo và công nghệ thông tin. Mà nguyên nhân cơ bản của tất cả mọi hiện tượng trên màn hình vi tính là điện tử, bản chất của điện tử cũng chỉ là ảo, không thể đứng yên, không thể định vị, không thể độc lập tồn tại. Theo Phật giáo thì năng lượng của điện tử cũng chính là Tâm như hư không vô sở hữu.
Tu hành trong Phật giáo là nhằm giác ngộ. Giác ngộ là thân chứng bản chất của vũ trụ vạn vật là không, không có gì cả, như hư không vô sở hữu (không có thật) chấm dứt sinh tử tức là chấm dứt cái vòng luân hồi đó bằng cách giác ngộ, tức là phá vỡ cái nguồn gốc của nó, tức là phá vỡ vô minh. Giống như khi ta tắt máy vi tính thì mọi hiện tượng trên màn hình đều chấm dứt, không có gì là thật cả. Cái Chân Như, Bản lai diện mục giống như hư không vô sở hữu, nhưng chỉ vì nhất niệm vô minh mà hình thành cả vũ trụ vạn vật. Nhất niệm vô minh tương đương với hành vi mở máy vi tính, bỗng nhiên xuất hiện một thế giới ảo. Còn giác ngộ thì giống như tắt máy, chấm dứt suy tưởng, vô niệm, không còn cái gì hiện hữu. Tuy nhiên hành giả cũng không được chấp Không. Không chấp Có, chẳng chấp Không, đó là cảnh giới bình thường : thấy núi là núi, thấy nước là nước, mọi sự vật vẫn bình thường, đó là thế lưu bố tưởng, nhưng không còn cố chấp nữa. Không cố chấp thì tâm sẽ an, thân sẽ không bệnh. Cái ảo cũng có rất nhiều công dụng, không việc gì phải bỏ. Chẳng hạn các hiện tượng trên máy vi tính là ảo nhưng công dụng thì rất lớn, nhưng đã biết ảo thì không nên cố chấp.
Truyền Bình 
Nguồn: Duylucthien 
Tham khảo : 
-Các bài Duyên Khởi và Ngũ Uẩn của Wikipedia. 
- Ý kiến các nhà khoa học : trích nguyên văn từ “Religion and the quantum world” của Giáo sư Keith Ward phát biểu tại Gresham College ngày 09/03/2005

Không có nhận xét nào: