Stephen Hawking |
Giáo pháp của Đức Phật nói rằng vũ trụ vạn vật, không gian, thời gian, số lượng vật chất chỉ là ý thức, là cảm giác, chứ không có thật, thế gian chỉ là huyễn ảo. Bát nhã ba la mật đa tâm kinh nói : “Chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức , vô nhãn nhĩ tị thiệt thân ý , vô sắc thanh hương vị xúc pháp…”
Dịch nghĩa : Các pháp (vạn sự vạn vật) có bản chất là không, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, như vậy trong cái không, không có vật chất, không có các cảm giác như thọ (tiếp xúc), tưởng (tưởng tượng), hành ( chuyển động, hoạt động), thức (phân biệt), không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác, ý thức, không có các đối tượng của các giác quan là sắc (vật chất), thanh (âm thanh), hương (mùi hương), vị ( vị giác của lưỡi), xúc ( cảm giác của thân thể), pháp ( đối tượng của ý thức)…
Trong tác phẩm Thành Duy thức luận (成唯識論 ) của đại sư Huyền Trang, tập họp và biên dịch từ các tác phẩm duy thức học của các Bồ-tát Thế Thân (世親 Vasubandhu) và Vô Trước (無著 Asanga) người Ấn Độ, có một câu đúc kết rất rõ ràng và rất sâu sắc : “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” ( Ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới chỉ là tâm, tất cả sự vật vô hình, hữu hình trong pháp giới, trong vũ trụ đều chỉ là thức).
Thế Thân là em của Vô Trước, nhỏ hơn khoảng 20 tuổi, Thế Thân là Tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ, là tác giả của “Duy thức tam thập tụng” gồm 30 bài tụng ngắn, tất cả 600 câu, bao quát triết học duy thức. Ngài mất mà chưa kịp giải thích 30 bài tụng. Sau đó 10 vị đại luận sư của Ấn Độ đã giải thích ý nghĩa 30 bài tụng, mỗi người 10 quyển, cộng 100 quyển, trong đó nổi bật là Trần Na (陳那, sa. Dignāga) và đệ tử của ông là Hộ Pháp (護法, sa. Dharmapàla). Lúc Huyền Trang đến Ấn Độ thỉnh kinh, có đến trung tâm Phật giáo là Nalanda học tập với sư Giới Hiền (Silabhadra) là người trụ trì Nalanda lúc đó, ngài đã trên 100 tuổi. Giới Hiền cũng chính là đệ tử của Hộ Pháp. Khi trở về Trung Quốc, Huyền Trang đã rút tỉa tinh hoa của 100 quyển luận nói trên, chủ yếu là từ 10 quyển của Hộ Pháp, biên tập thành bộ kinh “Thành duy thức luận”.
Phật tử có hiểu, có tin vào những điều Kinh nói không ? Thực tế là không mấy ai hiểu, không mấy ai tin vào Kinh cả. Đa số đều chỉ tin vào giác quan và nhận thức của mình, nghĩa là tin vật chất là có thật, nhà cửa, xe cộ tài sản của mình là có thật, thế gian là có thật. Đa số vẫn tin 100% là không gian có thật, thời gian có thật, số lượng vật chất có thật. Bây giờ thử hỏi những điều ghi trong Kinh điển Phật giáo có cơ sở khoa học hay không ?
Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922) nói “Isolated material particles are abstractions” (1) (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật).
Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism” (2) (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).
Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) viết : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (3) (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).
Qua ý kiến của 3 nhà khoa học hàng đầu của thế giới, ta thấy rằng ý thức góp phần quan trọng trong cấu thành của vật chất, tức là không thể có vật chất tồn tại độc lập ngoài ý thức. Một nhà khoa học khác :
Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, người phát minh ra nguyên lý bất định _không thể đồng thời xác định vị trí và vận tốc hay động lượng của một hạt, ví dụ electron) nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (4)(Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).
Điều này giải thích tại sao có những cổ vật bị chôn vùi hàng ngàn, hàng triệu năm dưới lòng đất, không ai biết, chúng tồn tại dưới dạng tiềm thể, khi được khai quật, được nhận thức chúng mới trở thành hiện vật. Có nghĩa là vật chỉ thực sự hiện hữu trong mối quan hệ với lục căn (sáu giác quan) của con người tức là trong lục thức, chứ nếu không có lục căn, lục thức thì vật chỉ là tiềm thể không có thật. Ý kiến của các nhà khoa học vô hình trung đã xác nhận vạn pháp duy thức.
Từ đầu thế kỷ 20, Einstein đã đưa ra thuyết tương đối hẹp, nói rằng không gian, thời gian, khối lượng vật chất là tương đối, có thể biến đổi chứ không phải cố định bất biến như Newton và người đời quan niệm. Tuy nhiên Einstein vẫn còn chưa dám kết luận là không gian, thời gian, số lượng vật chất là không có thật. Einstein có biết hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement) nhưng ông bối rối không thể giải thích được nên ông gọi đó là hiện tượng “tác động ma quái từ xa” (spooky action at a distance). Hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement) mới được khoa học chứng thực gần đây là thực nghiệm tiêu biểu xác nhận tính tương đối của không gian, thời gian và số lượng, tức là cả ba đại lượng trên đều không độc lập tồn tại. Hiện tượng rối lượng tử là hiện tượng các hạt cơ bản như photon, electron, proton, neutron, và kể cả nguyên tử, có thể xuất hiện đồng thời tại hai hoặc nhiều vị trí khác nhau, khiến người quan sát không thể xác định chúng là một hạt cùng lúc ở nhiều vị trí, hay là nhiều hạt giống hệt nhau ở tại các vị trí khác nhau. Nhưng điều quan trọng là nếu có sự biến đổi của một hạt ở vị trí này thì tất cả các vị trí khác đều biến đối y hệt, tức thời, bất kể khoảng cách bao xa. Nicolas Gisin, nhà vật lý của Đại học Geneve phát biểu : “điều thú vị ở đây là tự nhiên có thể tạo ra các sự kiện cùng xuất hiện ở nhiều địa điểm”
Năm 2002, nhà vật lý Australia gốc Trung Quốc Ping Koy Lam cùng cộng sự tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra (ANU) đã thực hiện thành công thí nghiệm chuyển thông tin theo nguyên lý hoàn toàn mới dựa trên “tương tác ma quỷ” tức hiện tượng rối lượng tử, của các quang tử (photon). Đúng vào lúc một chùm laser chứa những dữ liệu thông tin nhất định bị huỷ tại một vị trí trong phòng thí nghiệm, thì nhóm của Lam đã thấy xuất hiện một chùm laser khác giống hệt như thế tại một vị trí khác cách vị trí ban đầu 1 mét. Mặc dù chùm sáng không hề chuyển động từ điểm này đến điểm kia nhưng vì hai chùm sáng giống hệt nhau nên người quan sát có cảm tưởng rằng, chùm sáng đã được di chuyển tức thời, từ điểm này đến điểm kia.
Neil Turok |
Trong một thí nghiệm khác gần đây hơn, các nhà khoa học tại Geneve, Thụy Sĩ tạo ra những cặp photon hoặc các gói ánh sáng. Chúng được chia ra rồi truyền qua cáp quang được Swisscom cung cấp, đến hai trạm tại hai ngôi làng thuộc Thụy Sĩ cách nhau khoảng 11 dặm (18 kilômét). Các trạm khẳng định rằng từng cặp photon vẫn kết nối với nhau – bằng cách phân tích một photon, các nhà khoa học có thể dự đoán tính chất của photon kia. Hai photon đã tương tác với nhau một cách tức thời. Nếu cho rằng hai photon đã chuyển tín hiệu cho nhau thì tín hiệu đó phải di chuyển với tốc độ không tưởng, gấp vạn lần tốc độ ánh sáng.
Hiện tượng rối lượng tử xác định rõ ràng rằng không gian, thời gian và số lượng là không có thật, các đại lượng này chỉ phát sinh trong tâm thức của người quan sát khi có đủ điều kiện. Khoa học hiện đại hiểu rằng người quan sát có vai trò quan trọng trong việc hình thành các hiện tượng.
Mặc dù bản thân mỗi người đều có thể tự mình thực nghiệm tính chất không thực của không gian khi lên mạng internet, nhưng chắc có lẽ nhiều người vẫn còn rất hoài nghi về việc này, bởi vì các giác quan của chúng ta đều chứng thực rằng không gian, thời gian và số lượng là hoàn toàn có thật.
Ai cũng thấy khoảng cách không gian giữa Sài Gòn và Hà Nội là có thực. Nó được cấu tạo bởi hơn 1500 km đường đất, trên bề mặt quả địa cầu bằng đất đá. Tuy nhiên các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã chứng thực vật chất được cấu tạo bằng những hạt ảo, lượng tử là hạt ảo, các hạt cơ bản là ảo không thể độc lập tồn tại, cái mà ta thấy và cảm nhận được chỉ là mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau giữa các hạt ảo trong cơ cấu nguyên tử và vật chất. Stephen Hawking (nhà vật lý người Anh, hiện mang chức danh Giáo sư Lucasian tức giáo sư Toán học của Đại học Cambridge, chỉ những nhà khoa học xuất sắc như Isaac Newton hay Paul Dirac mới có chức danh này) và Neil Turok (sinh năm 1958 tại Johanestburg, South Africa) Giáo sư Vật Lý của Đại học Princeton, Giám đốc Viện Perimeter về Vật Lý lý thuyết).
Hai người nói trong một định đề (postulate) : “The quantum world is one of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even in a vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven dimensions, most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which gravitation, spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton” (5)(Thế giới lượng tử là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa hiện hữu và cả hư không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11 chiều kích_ mà phần lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình_của một thực tại trong đó lực hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp lại trong ‘hiện tiền’).
Vật chất chỉ là kết hợp nhân duyên ảo hóa, thế còn khoảng không gian không có chút vật chất nào (khoa học gọi nó là chân không lượng tử (quantum vacuum) (xem http://vietsciences.free.fr/giaokhoa/vatly/vatlyluongtu/caikhongtrongluongtu.htm) thì có tồn tại không ? Như đã nói trong phần trên, không gian đó cũng không có thực, nên tín hiệu từ một photon trong hiện tượng rối lượng tử đã không mất một chút thời gian nào để truyền đến photon kia. Hay nói cách khác, hai photon chỉ là một, một cũng tức là nhiều vì nó có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều vị trí khác nhau, ta không thể khẳng định đó là một photon có thể đồng thời hiện hữu ở nhiều vị trí khác nhau, hay có nhiều photon đồng thời hiện hữu ở nhiều vị trí khác nhau nhưng có thể coi là một vì chúng giống hệt nhau. Đó là điều mà Kinh nói số lượng vật chất là không có thật.
Như vậy về mặt lý trí, ta có thể lý giải về tính chất ảo hóa hay không thực của không gian, thời gian và số lượng. Về mặt thực nghiệm ta cũng có thể chứng thực điều đó trên internet. Ta có thể dùng Yahoo Messenger hoặc Skype, nói chuyện đồng thời với vài ba người bạn, mỗi người ở cách xa nhau cả vạn km, khoảng cách không gian không còn nữa.
Thế thì tại sao các giác quan của ta vẫn thấy không gian là có thực ? Chính đó là chỗ mà Phật giáo nói rằng do nhất niệm vô minh mà ta thấy có vũ trụ vạn vật, chúng sinh, con người. Giác ngộ trong Đạo Phật là phá được cái vô minh đó. Thuyết thập nhị nhân duyên của Phật giáo đã giải thích đầy đủ về nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Vô minh là nguyên nhân đầu tiên, với trùng trùng duyên khởi và quy luật nhân quả đã sinh ra lần lượt các mắt xích còn lại của 12 nhân duyên và cuối cùng là Lão tử (già chết).
Vô minh là trạng thái bị che khuất khiến không thể thấy hết toàn thể sự vật, hoặc bị quáng mắt không nhìn thấy rõ do sự vật quá vi tế, hoặc do chuyển động quá nhanh không nhìn thấy kịp, khiến phát sinh nhầm lẫn. Ví dụ khi xem phim, thấy các nhân vật hoạt động, nói năng, đó chỉ là ảo giác, không phải thật, do các hình ảnh lướt qua mắt rất nhanh không thể thấy kịp, chỉ thấy cái ảo ảnh. Ví dụ nhìn vào màn hình vi tính, thấy chữ viết, hình ảnh, video; nghe âm thanh …Đó chỉ là cảm giác do con chip dao động với tần số cực nhanh, xử lý các bit thông tin biểu trưng bằng con số 0 và 1 của hệ nhị phân, rồi quét lên màn hình hoặc chạy ra loa. Vô minh là điều kiện cần thiết để phát sinh hiện tượng, bởi vì nếu ta nhìn thấy kịp, hoặc không có gì che khuất, nghĩa là không có vô minh thì ảo giác sẽ bất thành.
Vô minh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống con người, bởi vì nếu không có vô minh thì vạn vật và đời sống cũng sẽ bất thành. Chẳng hạn nước là cực kỳ quan trọng cho đời sống sinh vật. Nhưng nước thực chất là gì ? đó là H2O, có thể phân tích thành hai loại khí là hydro và oxy. Nếu đi sâu hơn nữa thì cấu tạo của nguyên tử hydro gồm có 1 hạt nhân bao gồm 1 proton ở trung tâm, và 1 hạt electron quay xung quanh ở khoảng cách rất xa, như vậy nguyên tử thật ra là trống rỗng. Hydro có 2 chất đồng vị trong thiên nhiên là deutérium và tritium. Nhân của deutérium có 1 proton và 1 neutron, còn nhân của tritium có 1 proton và 2 neutron. Deutérium có thể kết hợp với oxy để thành nước nặng thường được dùng làm chất điều hòa trong các lò phản ứng nguyên tử. Tritium kết hợp với oxy thì thành nước siêu nặng.
Nguyên tử hydrogen và 2 đồng vị của nó là deutérium và tritium. Cấu tạo nguyên tử cho thấy vật chất trống rỗng chứ không phải đặc cứng như ta cảm giác.
Đi sâu hơn nữa vào hạt nhân nguyên tử ta thấy :
Hạt proton gồm 3 hạt quark :2up+1down
Hạt neutron cũng gồm 3 hạt quark :1up+2down
Kích thước của hạt quark cực kỳ nhỏ. Để hình dung, ta lấy nguyên tử carbon vốn đã rất nhỏ (0,5 nm -nano mét, 1nm= một phần tỉ mét), phóng đại bằng kích thước quả địa cầu (phóng đại cỡ 24 triệu tỉ tức 24×1015 lần) thì thấy hạt quark có kích thước chưa tới 5 ly (mm). Nhưng hạt quark không thể đứng một mình nghĩa là không thể độc lập tồn tại, hai hạt quark kết hợp với nhau mới thành hạt meson (gồm 1 quark và 1 phản quark, hạt này chỉ tồn tại một phần nghìn tỉ giây dưới dạng vật chất. Tương tác của các hạt quark rất phức tạp, lực kết nối chúng là lực tương tác mạnh được thực thi bởi một loại hạt trao đổi là gluon, khi tách 2 quark rời xa nhau thì lực này rất mạnh đến vô hạn nên không thể tách được gọi là hiện tượng giam hãm –confinement- còn khi chúng tiến sát nhau thì lực này bằng 0, bán kính tương tác của lực này chỉ khoảng một phần triệu tỉ mét, tức 10-15 m, ngoài khoảng cách này, lực gần như biến mất) ba hạt quark kết hợp với nhau mới thành hạt baryon, hai loại hạt baryon cơ bản nhất là hạt proton và hạt neutron, gọi chung là hadron nằm trong hạt nhân nguyên tử. Đó rõ ràng mang ý nghĩa nhân duyên hay sanh diệt. Một hạt quark đơn lẻ không thể độc lập tồn tại, phải có yếu tố nhân duyên kết hợp hai hay ba hạt quark mới sanh ra vật chất. Nếu tách rời các hạt quark thì vật chất biến mất.
Tóm lại nước chỉ là cảm giác do nhân duyên sinh khởi, không có thật, bới vì những thành phần cơ bản cấu tạo thành nước và các vật chất khác như hạt quark và electron, khi cô lập, chúng chỉ là những hạt ảo không có thật, nhưng khi kết hợp nhân duyên thì thành nguyên tử vật chất. Điều này thì các nhà khoa học đã xác nhận. Sở dĩ chúng ta cảm nhận và tin tưởng 100% rằng vật chất có thật là vì sự đồng bộ của các giác quan : mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân thể tiếp xúc, tiêu hóa, ý thức phân biệt rõ ràng, vì vậy không có chút gì nghi ngờ là vật chất không thật. Vô minh chính là điều kiện cần thiết để có những cảm giác như thế. Nếu không có cái vô minh đó thì vũ trụ thế giới không hiện hữu, không là gì cả, đó là chỗ Đạo Phật nói tánh Không của vạn hữu. Cũng chính vì vậy mà Đạo Phật nói vạn pháp duy tâm. Có nghĩa là vật không có thật, chỉ là tâm tưởng tượng ra.
Toàn bộ thế giới, cả vũ trụ vạn vật đều là ảo hóa, chẳng có gì là thật, do đó thầy Duy Lực nói rằng chúng ta không được chấp thật, chấp thật tức là pháp chấp, từ đó mà sinh ra ngã chấp, phá được ngã chấp và pháp chấp là phá được vô thủy vô minh, kinh Phật gọi là “Bách xích can đầu cánh tiến nhất bộ” 百尺竿头 更进一步 (đầu sào trăm thước tiến thêm bước nữa) tức là kiến tánh. Đức Phật đến cuối đời cũng đã phủ nhận toàn bộ: “trong suốt 49 năm qua, ta không hề nói một chữ nào”, cho đến thuyết thập nhị nhân duyên cũng bị phủ định (phi nhân duyên, phi tự nhiên) như trong câu đã trích từ Bát nhã ba la mật đa tâm kinh dẫn ở đầu bài. Không được chấp vào lời chư Phật, chư Tổ hay Kinh điển, như lời thầy Duy Lực thường nói “ Phàm cái gì có thể nói ra đều không có nghĩa thật”. Đó cũng là ý nghĩa của câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Kim Cang)
Nếu hiểu được chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, thế gian huyễn ảo, sướng khổ đều chỉ là tưởng tượng, không có thực, đó là giải ngộ về bản chất của vũ trụ vạn vật, khi nào tự mình thân chứng được và vận dụng được cái tánh không đó, tức là đang mở mắt chiêm bao giữa ban ngày, thức tỉnh, cũng tức là thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Truyền Bình
(1), (2), (3), (4), (5) trích trong “Religion and the quantum world” của Giáo sư Keith Ward phát biểu tại Gresham College ngày 09/03/2005
Nguồn: Duylucthien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét