Đức Phật Thích Ca, năm Ngài 41 tuổi |
Nhiều người không ngần ngại bầu chọn nhà khoa học Đức gốc Do Thái,
Albert Einstein là nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20, đồng thời là nhà
khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại, vì ông đã nêu ra thuyết tương đối đặc
biệt (the special theory of relativity) vào năm 1905 và thuyết tương
đối tổng quát (the general theory of relativity) vào năm 1916, làm đảo
lộn nhận thức của loài người về khoa học, về những cái tưởng chừng như
cố định vĩnh cửu không bao giờ thay đổi như không gian và thời gian,
khối lượng vật chất v.v…
Riêng tôi, có thể bầu chọn Einstein là nhà khoa học vĩ đại nhất thế
kỷ 20, nhưng không vội bầu chọn ông là nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời
đại, vì có một nhân vật lịch sử xứng đáng hơn cho danh hiệu đó, người
đó chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Siddhārtha Gautama) người sáng lập ra Phật giáo, sinh ra tại Ca Tì La Vệ (zh. 迦毘羅衛, sa. Kapilavastu thuộc nước Nepal ngày nay.
Nhiều người sẽ ngạc nhiên, vì Đức Phật đâu có phải là nhà khoa học,
ngoài ra Phật giáo cũng không có kiến lập chân lý, vậy thì lấy gì để so
sánh, đối chiếu với các lý thuyết của Einstein ? Thật vậy, trước lúc
nhập diệt, Phật đã phủ nhận toàn bộ lời giảng dạy của mình, nói rằng :
“Trong suốt 49 năm qua, ta chưa hề nói một chữ nào” . Như vậy đem Đức
Phật so sánh với Einstein thì thật là lố bịch. Tuy nhiên trong thế giới
vô minh, tương đối, Phật đã giảng rất nhiều bộ kinh, nay tôi lấy những
kinh điển có ý nghĩa như chiếc bè tạm bợ đó, để thử đối chiếu một lần
cho minh bạch về mặt khoa học của hai nhân vật lịch sử vĩ đại đó của
nhân loại, tôi nghĩ rằng bạn đọc có thể rút ra được nhiều điều thú vị,
bổ ích cho sự hiểu biết của mình về thế giới.
1. Hiểu thế nào về thế giới ?
Với Thuyết tương đối đặc biệt, Einstein nêu ra rằng không gian, thời
gian, khối lượng vật chất không bất biến như trong lý thuyết của Newton.
Ông khám phá rằng thời gian là chiều kích thứ tư không thể tách rời của
không gian, do đó không gian và thời gian nên được gọi chung là thời-
không (Space-time) là một thực thể liên tục (continuum) không gián đoạn.
Ông còn khám phá rằng ánh sáng là vận tốc cao nhất của vật chất trong
chân không và vận dụng nó trong công thức giản dị nhưng nổi tiếng nhất
thế giới, nêu ra tính chất tương đương giữa vật chất và năng lượng :
E=MC2 (E là năng lượng, M là khối lượng vật chất, C là vận tốc ánh sáng)
Thuyết tương đối được cho là một lý thuyết cao siêu có rất ít người
hiểu được, nhưng với thuyết tương đối Einstein vẫn chưa thực sự hiểu rõ
bản chất của thời-không, của khối lượng vật chất. Vì vậy khi gặp phải
hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement) ông không hiểu được.
Einstein sinh thời đã không hiểu được, không biết tại sao một hạt photon
có thể xuất hiện đồng thời ở hai hoặc nhiều vị trí khác nhau, và khi
hạt ở vị trí này bị tác động thì lập tức hạt ở các vị trí kia cũng bị
tác động y hệt, tức thời, bất kể khoảng cách là bao xa, ông gọi đó là
tác động ma quái từ xa (spooky action at a distance). Nếu cho rằng tín
hiệu được truyền đi, thì vận tốc phải gấp hàng triệu lần tốc độ ánh
sáng, điều đó trái với định đề của chính Einstein nêu ra rằng ánh sáng
là tốc độ cao nhất của thế giới vật chất, không có vật gì truyền đi
nhanh hơn ánh sáng, ánh sáng truyền trong chân không là một hằng số bằng
(qui tròn) 300.000km/giây, không có vận tốc đầu, bởi vì ánh sáng không
có khối lượng nên cũng không có quán tính (nói nôm na là nó không có
trớn). Gần đây, có người khám phá ra rằng hạt neutrino có vận tốc nhanh
hơn ánh sáng (306.000 km/giây) Khám phá này nếu được công nhận, thì chỉ
ra rằng Einstein có chút sai sót, nhưng cũng chưa đi đủ xa để làm thay
đổi nhận thức, chỉ gợi mở ý tưởng rằng con người có thể đi ngược thời
gian để thấy lại quá khứ (nếu đi với vận tốc của hạt neutrino
306.000km/giây, trong khi ánh sáng đi với vận tốc 299.792,5 km/giây, như
vậy có thể bắt kịp ánh sáng và thấy lại quá khứ)
Vậy Thích Ca có hiểu hiện tượng rối lượng tử không ? Thời Đức Phật
chưa ai biết có hiện tượng này, nhưng qua những lời giảng của kinh điển,
chúng ta có thể khẳng định Thích Ca biết và có đáp án rõ ràng cho hiện
tượng này. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật nhiều lần phóng hào quang
hiển thị cho tứ chúng (tăng, ni, nam nữ cư sĩ) tham dự, thấy vô lượng
vô biên thế giới (biểu thị không gian) từ quá khứ cho tới vị lai (biểu
thị thời gian) và hằng hà sa chúng sinh không thể đếm hết của mười
phương thế giới (biểu thị số lượng). Phật có đầy đủ thần thông (lục
thông). A-tì-đạt-ma-câu-xá luận zh. 阿毗達磨俱舍論, sa. abhidharmakośa-śāstra, thường được gọi tắt là Câu-xá luận) có kể rõ lục thông là :
Lục thông, 六通 , tiếng Phạn ṣaḍ abhijñāḥ: Sáu phép thần thông, biểu hiện năng lực tâm thức bát nhã của chư Phật và Bồ tát.
- Thân như ý thông, Phạn (sa) ṛiddhi viṣaga-jñānaṃ, còn gọi là Thần túc thông: biến hiện tuỳ theo ý muốn, thân có thể bay lên trời, đi trên biển, chui vào trong núi… tất cả mọi động tác đều tuỳ theo ý muốn, không hề chướng ngại.
- Thiên nhãn thông, sa. divyaṃ-cakṣuḥ-jñānaṃ: nhìn thấy tất cả mọi hình sắc ở gần hay ở xa trong cả thế gian, nhìn thấy mọi hình tướng khổ vui của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi.
- Thiên nhĩ thông, sa. divyaṃ-śrotraṃ-jñānaṃ: nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi.
- Tha tâm thông, sa. paracitta-jñānaṃ: biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của chúng sinh trong lục đạo.
- Túc mệnh thông, sa. purvanivasānusmṛiti-jñānaṃ, còn gọi là Túc mệnh minh: biết được kiếp trước của chính bản thân mình và của chúng sinh trong lục đạo, từ một đời, hai đời cho đến trăm ngàn vạn đời trước đều biết rõ, nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì…
- Lậu tận thông , sa. āsravakṣaya-jñānaṃ: lậu tức là kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi. Lậu tận thông là dứt trừ toàn bộ kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi, không còn sinh tử luân hồi trong ba cõi, được giải thoát hoàn toàn.
Nhờ có thần thông, nên mặc dù không có máy móc thiết bị gì cả, Phật
nhìn thấu suốt cả Tam giới từ những vi trần cực kỳ nhỏ như photon,
neutrino, các hạt cơ bản hạ nguyên tử (subatomic particles) như quark,
electron đến các thiên thể vũ trụ thuộc tam thiên đại thiên thế giới,
Phật biết chúng chỉ là hạt ảo không có thật và gọi chung là “hoa đốm
trong hư không”. Kinh Pháp Hoa có nói rõ trong mười phương thế giới có
vô số Phật Thích Ca đang đồng thời thuyết pháp. Điều đó chứng tỏ Phật
biết hiện tượng rối lượng tử, tức hiện tượng một hạt photon có thể xuất
hiện đồng thời ở nhiều vị trí khác nhau. Phật còn biết chính vì không
gian, thời gian, số lượng là không có thật, các đại lượng đó chỉ hiện
hũu trong tâm thức, nên một photon tại vị trí này bị tác động thì lập
tức photon ở vị trí kia bị tác động y hệt, không mất chút thời gian nào
vì không có việc truyền tín hiệu qua không gian. Einstein nói “tác động
ma quái từ xa” vì chưa hiểu thời-không và số lượng là không có thật. Có
điều gì chứng tỏ Phật biết thời-không và số lượng không có thật ? Số
lượng là số đếm của vạn vật, của hình tướng vật chất. Không một hình
tướng nào là có thật, vật chất là không có thực thể, điều này Bát Nhã Ba
La Mật Đa Tâm Kinh nói rất rõ :
(Này Xá Lợi Phất, các pháp đều là không có thật, không sinh, không
diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm. Vì trong cái không,
không có vật chất; không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt tai mũi
lưỡi thân ý; không có sắc thanh hương vị xúc pháp; không có cảnh giới
của cái thấy, cho đến không có cảnh giới của ý thức. Không có vô minh,
cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết
già chết. Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có Trí, cũng không có Đắc.
Vì không có Sở Đắc, Bồ Tát dựa vào Trí Bát Nhã, Tâm không dính mắc, vì
không dính mắc, không có sợ hãi, xa rời điên đảo mộng tưởng, cứu cánh
Niết Bàn).
2. Lý thuyết Trường Thống Nhất
Einstein dành 30 năm cuối của cuộc đời mình để nghiên cứu về một lý
thuyết có thể giải thích được tất cả (Theory Of Everything- TOE) mà ông
gọi tên là Lý thuyết Trường Thống Nhất (Theory of Unified Field), ông
muốn thống nhất thuyết tương đối và cơ học lượng tử nhưng cuối cùng thất
bại, ông qua đời năm 1955 mà không giải quyết được vấn đề. Thích Ca mặc
dù sống trước thời đại của Einstein đến hơn 2500 năm, nhưng đã tiên
đoán thất bại của Einstein và những người cùng chí hướng với ông, rằng
không thể có TOE. Đức Phật đã cho một ví dụ bằng câu chuyện người mù sờ
voi, ghi trong Niết Bàn Kinh 涅 槃 经
“有王告大臣,汝牵一象来示盲者时,众盲各以手触。大王唤众盲问之:“汝见象类何物?触其牙者言:象形如萝菔根;触其耳者言如
萁;触其脚者言如臼;触其脊者言如床;触其腹者言如瓮;触其尾者言如绳。……王喻如来正偏知,臣喻方等涅槃经,又象喻佛性,盲者喻一切众生无明也。”
(Có một vị vua nói với đại thần, ngươi hãy dẫn một con voi đến cho
bọn mù xem. Những người mù dùng tay để sờ. Vị đại vương kêu bọn mù lại
hỏi : “Các ngươi thấy voi giống như vật gì ? Người sờ cái ngà nói : voi
giống như cái củ cải. Người sờ lỗ tai nói giống nhánh lá ki. Người sờ
chân voi nói giống như cái cối. Người sờ lưng voi nói giống như cái
giường. Người sờ bụng voi nói giống như cái lu. Người sờ đuôi voi nói
giống như sợi dây thừng… Vua tượng trưng cái biết toàn thể của Như Lai
(chánh biến tri 正偏知 ) Đại thần tượng trưng Kinh Phương Đẳng Niết Bàn.
Con voi tượng trưng cho Phật tính. Những người mù tượng trưng cho tất cả
chúng sinh vô minh.)
Người mù không thể biết được cái toàn thể, mà chỉ biết được phần mớ
nào đó thôi. Người mù là ai ? Là nhà chính trị, nhà triết học, nhà khoa
học, nhà doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và cả bàn dân thiên hạ. Nói chung là
tất cả chúng sinh, với cái biết của bộ não, họ không bao giờ có thể đạt
tới cái biết toàn thể.
Đức Phật kể câu chuyện người mù sờ voi để biểu thị ý tưởng rằng trí
óc duy lý của con người là hữu hạn, nó không thể biết được cái toàn thể
vì cái hiểu biết của nó dựa trên cơ sở vô minh. Triết học và khoa học
của loài người xây dựng trên nền tảng vô minh, không biết rằng bản chất
của thế giới là không, không có nghĩa lý gì cả, nếu đi đến hiểu biết tận
cùng thì sẽ gặp phải mâu thuẫn, phi logic, lý thuyết trở nên phi lý
không thể hiểu được, không thể chấp nhận được. Điều này đã được nhà toán học Kurt Gödel phát biểu và chứng minh thành “Định lý bất toàn” công bố năm 1931. Định lý này được phát biểu thành 2 phần :
Định lý 1 : Nếu một lý thuyết
dựa trên một hệ tiên đề phi mâu thuẫn thì trong lý thuyết ấy luôn luôn
tồn tại những mệnh đề không thể chứng minh cũng không thể bác bỏ.
Định lý 2 : Không tồn tại bất cứ một quy trình suy diễn nào cho phép chứng minh tính phi mâu thuẫn của một hệ tiên đề.
Ý nghĩa triết học của Định lý Bất Toàn (Theorem of Incompleteness) là
luôn luôn có mâu thuẫn trong bất cứ hệ thống lý thuyết duy lý nào, Vật
chất thì không có thực thể; cái Không không có gì cả, không có nghĩa lý
gì, thì lại có thể tạo ra vũ trụ vạn vật; quark, electron chỉ là những
hạt ảo không có thật, nhưng lại có thể tạo ra thế giới thiên hình vạn
trạng, trong đó có con người thông minh, biết tư duy trừu tượng, biết
sáng tạo ra đủ thứ vật dụng máy móc thiết bị, nhưng không thể biết được
cái toàn thể. Các cặp phạm trù mâu thuẫn đều chỉ là một nhưng lại không
phải là một.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh cũng nói rõ “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”
Lý trí của chúng ta biết nhà cửa, xe cộ, thân ngũ uẩn của mình chỉ là
huyễn ảo không có thật, nhưng hàng ngày ta vẫn phải ăn uống, mặc, ở,
vẫn phải cần tới nhà cửa, xe cộ. Không thể có lý thuyết nào thống nhất
được các mâu thuẫn đó cả, trí óc là bất lực. Einstein bó tay. Nhưng
Thích Ca thì không, bộ não không thể giải quyết được vấn đề, nhưng không
dùng bộ não thì lại giải quyết được, kết quả không thể tưởng tượng nổi.
Sinh Tử là qui luật tự nhiên, ai cũng nghĩ thế, không ai thoát được,
nhưng Thích Ca thân chứng được là không có Sinh Tử và thoát khỏi Luân
Hồi. Thích Ca không đi tìm TOE vì biết TOE cũng ảo tưởng như hư không vô
sở hữu, nhưng vì muốn cứu khổ cho chúng sinh nên Thích Ca bày ra phương
tiện gọi là Tứ Đế trong đó nói Khổ, Tập, Diệt, Đạo để từ từ dẫn dắt
chúng sinh mê muội đi dần tới giác ngộ. Một phương tiện khác là Thập Nhị
Nhân Duyên để giải rõ nguồn gốc của vạn pháp, của chúng sinh. Các
thuyết lý đó và rất nhiều kinh điển khác đều chỉ là phương tiện tạm
thời. Đến Bát Nhã Tâm Kinh thì Thích Ca nói rõ, thật ra không có gì cả,
tất cả chỉ là tâm thức biến hiện, giống như toàn bộ hình ảnh, âm thanh,
chữ viết, video trên màn hình đều là ảo, nhưng chúng ta thấy là rất
thật, dù sao cũng còn biết đó là ảo. Đến cuộc sống đời thường thì tính
chất ảo hóa cao cấp hơn gấp bội, vì ngoài thấy, nghe, chúng ta còn sờ mó
được, ngửi nếm được, có sự tiêu hóa, tăng trưởng, chuyển đổi hình thái,
khiến cho chúng sinh không còn biết đó là ảo nữa, chỉ có bậc giác ngộ,
kiến tánh thành Phật mới ngộ ra tất cả chỉ là ảo hóa, là nằm mơ giữa ban
ngày. Không gian, thời gian, số lượng, người, vật đều không có thật.
Chính vì vậy trong câu chuyện người mù sờ voi, Phật nói thẳng thừng bọn
người mù là thí dụ cho tất cả chúng sinh vô minh (không loại trừ các nhà
khoa học chuyên dùng trí óc để phân tích, tổng hợp, nhưng không bao giờ
biết được hết cái toàn thể).
Các nhà khoa học mơ tưởng đi tới Sao Hỏa, là việc hết sức khó khăn.
Nhưng Thích Ca chỉ một niệm là có thể đến bất cứ đâu trong Tam giới (Tam
giới còn rộng lớn hơn vũ trụ vì bao gồm cả Sắc giới và Vô Sắc giới,
trong khi vũ trụ chỉ là một phần nhỏ của Dục giới, phần thấy được của
Dục giới mà thôi). Vì vậy Thích Ca còn có biệt danh là Như Lai. Ý nghĩa
của Như Lai là “Tùng vô sở khứ, diệc vô sở lai cố danh Như Lai” (chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu gọi là Như Lai - Kinh Kim Cang ) Đó là chánh biến tri (hiện hữu khắp không gian thời gian, biết chính xác khắp mọi nơi)
Đi mà không đi vì pháp thân của Thích Ca có mặt khắp không gian thời
gian, hay nói cách khác Tam giới không có thật nên đi với không đi cũng
chẳng khác nhau. Đây không phải là nói suông mà hiện nay chúng ta có thể
thực hiện một phần, Chẳng hạn khi đưa một bài viết lên mạng thì nó vốn
là một vật ảo, có mặt ở khắp thế giới, bất cứ chỗ nào, bất cứ giờ nào,
nếu hội đủ nhân duyên thì có thể thấy nó. Bây giờ việc gặp gỡ với bạn
bè, người thân, dù họ ở bất cứ phương trời nào trên thế giới là rất dễ
dàng, vì tiếng nói, hình ảnh của ta là những vật ảo, có thể xuất hiện
đồng thời bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu nhờ những công cụ như Skype
hoặc Yahoo Messenger hay Windows Live. Thân ngũ uẩn của ta cũng là một
vật ảo nhưng ở một trình độ cao cấp hơn, chỉ có những người có thần
thông hay công năng đặc dị mới thực hiện được thân như ý thông.
3. Làm sao xây dựng hòa bình và hạnh phúc cho thế giới ?
Hầu hết chúng ta đều mong mỏi thế giới hòa bình, ấm no và hạnh phúc
nhưng không có cách nào thực hiện được. Thế giới luôn luôn bất ổn, thiên
tai dồn dập, bạo lực khắp nơi. Các cường quốc luôn luôn ỷ mạnh hiếp
yếu, muốn tạo lập trật tự thế giới theo ý riêng của mình. Áp bức, bất
công, tham nhũng, cưỡng bức luôn luôn xuất hiện, chỉ khác là có nơi
nhiều nơi ít mà thôi. Tại sao có tình hình như thế ?
Trước hết nói về thiên tai. Khoa học với khả năng có hạn không thể
nào khắc phục được thiên tai. Động đất, sóng thần, cuồng phong, mưa bão,
núi lửa. Tất cả các thiên tai đó đều vượt quá khả năng của khoa học.
Phật pháp nói : “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Liệu con người có
thể rút ra một vài nhận thức và hành xử tốt hơn trong cuộc đời dựa vào
Phật giáo ? Thế giới là do tâm tạo, tâm thức con người với những tập
quán xấu như hung bạo, hiếu chiến, giết chóc tất nhiên là có ảnh hưởng
tới hòa bình thế giới, ai cũng thấy. Nhưng ít ai hiểu rằng thiên tai
cũng là do tâm tạo. Không có cái gì tự nhiên có. Thế giới vật chất, thái
dương hệ, mặt trời, hành tinh đều là cấu trúc ảo, vì vậy mới xảy ra
khủng hoảng Vật lý học mà các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã cảm
thấy, khi môn cơ học lượng tử phát triển, rằng vật chất không có thực
thể, như Niels Bohr (1885-1962, nhà vật lý người Đan Mạch, giải Nobel
Vật lý 1922), Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary,
có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính), Eugene
Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật
lý năm 1963), Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức,
người phát minh ra nguyên lý bất định), Stephen Hawking (nhà vật lý
người Anh, mang chức danh Giáo sư Lucasian tức giáo sư Toán học của Đại
học Cambridge), Thomas Samuel Kuhn (1922-1996, nhà vật lý Mỹ, tác giả
sách Cấu Trúc Các Cuộc Cách mạng Khoa học- Structure of Scientific
Revolutions)…, Phật giáo gọi cấu trúc ảo của vật chất là vô thủy vô
minh, Thiền gọi là thoại đầu. Tâm là lực tổng hợp của 4 lực cơ bản của
thế giới vật chất : Lực hấp dẫn (force de gravité, gravitation) là lực
hút giữa vật chất với nhau, có tác dụng ở mặt vĩ mô. Lực điện từ (force
électromagnétique, electromagnetism) tạo ra từ trường, trong đó điện
tích cùng dấu thì đẩy nhau, khác dấu thì hút nhau. Lực tương tác mạnh
(force interactive forte, the strong interaction) là lực liên kết các
hạt quark tạo ra hạt proton và hạt neutron, tạo ra sự vững bền của hạt
nhân nguyên tử và giữ cho electron chuyển động theo quỹ đạo nhất định.
Lực tương tác yếu (force interactive faible, the weak interaction) tạo
ra hiện tượng phóng xạ của các nguyên tố nặng (như uranium) tức là giải
phóng một số proton và neutron khiến nguyên tử dần dần bị phân rã. Lực
điện từ và lực tương tác yếu, từ năm 1983 khi khám phá hạt tương tác
boson W và boson Z thì có thể gom thành một lực chung gọi là lực tương
tác điện yếu (interaction of weak electromagnetic fields). Vì vật chất
là cấu trúc ảo nên Tâm lực có thể tác động để làm thay đổi. Các bậc giác
ngộ có thần thông, có thể làm được điều đó. Chẳng hạn Huệ Năng, Hám
Sơn, Đơn Điền đã làm thay đổi cấu trúc cơ thể của mình khiến nó trở nên
bất hoại mà không cần có sự can thiệp từ bên ngoài, không cần ướp xác gì
cả. Ngay cả những người chưa giác ngộ nhưng tâm lực đủ mạnh như Trương
Bảo Thắng, Hầu Hi Quý cũng làm được những việc thần kỳ như đi xuyên qua
tường, di chuyển cố thể vật chất như viên thuốc đi xuyên qua vỏ chai,
tiền giấy đi xuyên qua vách bê tông kho bạc của ngân hàng…Khi Phật giáo
nói “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” chúng ta phải hiểu rằng Tâm
chính là lực tổng hợp của 4 lực cơ bản của vật chất, Tâm là nguồn năng
lượng vô hạn. Thích Ca đã phát biểu điều đó từ rất lâu mà Einstein và
nhiều nhà khoa học hiện nay vẫn chưa hiểu.
Vũ trụ cũng chỉ là cấu trúc ảo, là nằm mơ giữa ban ngày, vũ trụ là
một trường thông tin mà tâm thức có thể tác động, với dữ liệu khổng lồ
vô hạn lấy từ a-lại-da thức. Loài người có cùng một cộng nghiệp nên họ
cùng thấy một vũ trụ giống nhau. Các loài khác với cộng nghiệp khác,
chúng thấy vũ trụ không giống như loài người thấy. Khi tâm lực đủ mạnh
thì có khả năng vận dụng, tức có lục thông, có thể dời núi lấp biển hay
tạo ra cả một thế giới khác, chẳng hạn Đức Phật A Di Đà đã tạo ra thế
giới tây phương cực lạc để tiếp dẫn những người tha thiết muốn đến đó,
nơi đó đất đai bằng phẳng, không có núi cao vực sâu, cư dân hóa sanh chứ
không phải thai sanh, cũng không phải cực nhọc suốt ngày lo kiếm ăn như
ở trần gian. Chúng ta có thể cho rằng đó là một thế giới ảo tưởng không
có thật. Đúng thế, nhưng nên biết rằng nó cũng bình đẳng như trần gian,
nghĩa là cõi thế gian cũng là ảo tưởng tương tự như vậy và có nhiều ác
trược hơn như thiên tai, bệnh tật, chiến tranh mà thế giới kia không có.
Thiên tai là sự báo động rằng nghiệp xấu, nghiệp ác đang hiện hành, là
quả báo của bất thiện nghiệp trong quá khứ. Tại sao có luật nhân quả ?
Luật nhân quả trong nghiệp chướng cũng giống như lực quán tính trong vật
lý học, điều đó là hoàn toàn tương đồng. Khi ta tạo một lực thì xuất
hiện một phản lực có cường độ tương đương nhưng có chiều nghịch lại. Đó
chính là nguyên lý của động cơ phản lực. Trong thế giới vô hình, nghiệp
lực cũng tác động theo đúng nguyên lý của lực quán tính trong thế giới
hữu hình. Khi ta tạo một nghiệp ác hoặc nghiệp thiện lên người khác hoặc
vật khác thì xuất hiện một phản nghiệp tác động lại chính mình mà ta
gọi là luật nhân quả. Có một nguyên lý bao trùm vũ trụ vạn vật, đó là
nguyên lý đối xứng. Khi có hạt electron thì cũng có hạt positron đối
xứng với nó, khi có vật chất thấy được thì cũng có vật chất tối không
thấy được. Nguyên lý đối xứng tạo ra cặp phạm trù mâu thuẫn trong bất cứ
lĩnh vực nào của thế giới dù là hữu hình hay vô hình.
Thiên tai có nguồn gốc rất sâu xa, không phải thô thiển như các nhà
khoa học giải thích. Nên khi thấy hai ông tăng cãi nhau về lá phướn bị
gió động hay tự lay động, Huệ Năng bảo : “Không phải gió động, cũng
không phải phướn động, mà do tâm các ông động” Lời nói đó có ý nghĩa rất
sâu xa.
Một cá nhân khó có thể đủ sức làm thay đổi cộng nghiệp của cả một
cộng đồng hàng trăm triệu người, nhưng hiểu rõ thì không còn than trời
trách đất hay than thân trách phận mà có thể bình tâm an nhiên thọ
nghiệp, biết nghiệp cũng chỉ là giả tạm, lòng không còn sợ hãi, như vậy
cũng đủ bình an.
Giải quyết được thiên tai thì cũng sẽ giải quyết được tất cả mọi họa
hoạn theo cùng một cách thế như vậy. Thích Ca dạy rằng hòa bình và hạnh
phúc là do ở mình, là tâm trạng, tâm thái chứ không phải do người khác
hay vật khác quyết định, do đó Phật giáo dạy nhẫn nhục và thường không
tán thành các biện pháp bạo lực. Ta thấy trong lịch sử khi Phật giáo bị
người Hồi giáo tàn phá, giết hại, càn quét khỏi quê hương Ấn Độ, người
Phật giáo cũng không trả thù, không cần trả thù, bởi vì gieo gió sẽ gặt
bão, luật nhân quả sẽ biểu hiện, chỉ sợ người Hồi giáo không tránh khỏi
quả báo.
Giáo lý của Phật giáo tự nó đã có sức đóng góp cho hòa bình và hạnh
phúc của nhân loại, trong khi khoa học tuy đem lại nhiều ích lợi, tiện
nghi vật chất, cơm ăn, áo mặc, cái đó không thể phủ nhận, nhưng đồng
thời cũng đem lại nhiều đau thương chết chóc như chất độc hóa học, chất
độc màu da cam, các loại vũ khí hủy diệt như bom nguyên tử, hay vũ khí
thông thường như mìn, bom đạn, hàng ngày giết hại không ít người.
Einstein ân hận không nguôi vì ông đã lỡ kí tên trong bức thư gởi Tổng
thống Mỹ Roosvelt đề nghị chế tạo bom nguyên tử để chống phát xít, mặc
dù sau đó ông không có tham gia chương trình, và khi biết quả bom đã
được chế tạo, ông đã gởi bức thư thứ hai cho Tổng thống Truman, mới lên
thay Roosvelt vì ông này qua đời, đề nghị không sử dụng bom nguyên tử,
nhưng đã quá muộn, hai quả bom nguyên tử đã rơi xuống Hiroshima và
Nagasaki gây thảm họa cho dân Nhật.
Tóm lại, chỉ xét riêng về phương diện thuần túy khoa học, chưa cần
xét tới sự nghiệp đối với nhân loại, Einstein cũng không sánh kịp Thích
Ca. Einstein chỉ hiểu thế giới trên nền tảng vô minh cục bộ, còn Thích
Ca ngộ Tâm bất nhị chính là vũ trụ vạn vật. Thích Ca thoát khỏi sinh tử
luân hồi, xứng danh Như Lai, vô lượng quang, vô lượng thọ (khắp không
gian thời gian) vô thủy vô chung. Trong khi Einstein loay hoay không
giải quyết được lý thuyết trường thống nhất. Vì vậy nên tôi chọn Thích
Ca là nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại.
Truyền Bình
Nguồn: http://duylucthien.wordpress.com
1 nhận xét:
Phật Thích Ca Mầu Ni, ứng thân của Phật là nhà khoa học vĩ đại nhất , sáng suốt nhất. Ngài lâm phàm để chỉ ra con đường hiểu chân lý cho nhân loại trên hành tinh có tên là Trái Đất này , khi ay khoa học chưa phát triển nên Ngài không giải thích theo kiểu khoa học được , vì chúng sinh ngày ay không thể hiểu, nay khoa học đã phần nào lý giải được lời giảng về chân lý của Ngài .
Khi nào khoa học đến điểm kỳ dị thì ....gặp Phật .
Đăng nhận xét