Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Năng lượng Tình thương

Bạn thường xuyên nạp năng lượng thông qua cuộc sống Thánh Thiện và Thiền định, vầng thứ bảy của trường hào quang mạnh mẽ, sáng suốt, sáng màu chàm, nhấp nháy với một tần số cao, sẽ giúp bạn xâm nhập vào “trường năng lượng vũ trụ”.

Vân Hạc được giáo sư Lê Trọng Khánh trao cho cuốn sách “Năng lượng tinh thần” của tiến sĩ Đặng Kim Nhung, về đến nhà đọc liền một mạch cho đến hết, lòng thầm cảm phục cái tài và cái tâm của tác giả. Điều đặc biệt là nội dung cuốn sách đem lại cho bạn đọc nhiều cái mới về cách nhìn nhận về con người và vũ trụ, mối quan hệ nhân quả, giúp mỗi người có khả năng điều chỉnh lối sống, chữa một số bệnh thông thường và nan y, sống khỏe và tràn đầy hạnh phúc.

Cánh cửa bí mật về một năng lượng siêu nhiên, về mối quan hệ giữa vũ trụ và tiểu vũ trụ – (con người) như có câu thần chú: “Vừng ơi…!” đã được khai mở. Người đọc khi hiểu được những thông tin bổ ích và lý thú mà tác giả cung cấp qua quá trình nghiên cứu, thực nghiệm sẽ tự tin hơn trong mọi hoàn cảnh. Tôi đặc biệt tâm đắc sự đơn giản nhưng hiệu quả của phương pháp “dưỡng sinh tâm thể” và hiệu quả cao đến bất ngờ đã được kiểm chứng, cùng phương châm sống mà tác giả nêu lên: “Cho là nhận, những người hiểu được luật này sẽ giải đầy hoa trên mỗi bước chân mà họ đi qua” và : “Mùa màng bao giờ cũng nhiều hơn hạt giống”..!

Vân Hạc vốn hâm mộ giáo sư Lê Trọng Khánh từ lâu , bởi ông không chỉ là một nhà nghiên cứu sử học có kiến thức uyên thâm, mà ông còn là người có khả năng đặc biệt: biết nhiều ngoại ngữ qua tự học với phương pháp độc đáo là “thiền”. Ông có tự thể chữa bệnh cho mình và cho người khác, có thể làm hoa nở như ý… bằng năng lượng sinh học của mình và gần đây ông công bố tác phẩm: “Phát hiện hệ thống chữ Việt Cổ thuộc loại hình khoa đẩu” – (nhà xuất bản Từ điển bách khoa, tổng phát hành: Trung tâm văn hóa Tràng An năm 2010) với những cứ liệu không thể bác bỏ, khẳng định sự tồn tại và phát triển của chữ Việt cổ phát triển rực rỡ từ thời kỳ Hùng Vương, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Vân Hạc vinh dự là người góp phần chỉnh lý, biên tập tác phẩm này.

Chính Vân Hạc Cách đây 10 năm cũng bị căn bệnh ngứa toàn thân quái ác năm năm trời, ngứa điên dại đến mức có lúc đã không muốn sống. Do thiếu hiểu biết, lại không may gặp một số bác sỹ thiếu lương tâm nên chữa không đúng phương pháp, lạm dụng corticoid nên cơ thể béo phì, sức đề kháng suy giảm, người nổi lên mấy cái u và phải chịu rất nhiều hệ lụy đau khổ. Lúc đó con còn nhỏ, đặc biệt người vợ yêu quí của Vân Hạc sát cánh luôn động viên: “Hãy cố gắng lên anh, em và các con cần anh vô cùng!”. Được tiếp thêm nghị lực sống, Vân Hạc tham khảo nhiều phương pháp chữa bệnh cổ kim rồi quyết định điều chỉnh lại bữa ăn cho hợp lý, hàng tuần nhịn đói tuyệt đối một ngày, tạo ra một tinh thần lành mạnh (và cũng viết báo, viết văn từ đó). Nhịn được 49 ngày thì bệnh đỡ, sức đề kháng khôi phục, các khối u tiêu biến cho đến tận bây giờ không tái phát, ngày đó Vân Hạc nhịn tới hơn 60 tuần. Và bây giờ cùng nhà giáo Hoàng Đạo Chúc hội chủ “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ” cùng địa phương và các nhà hảo tâm chung tay xây dựng khu di tích Lệ Chi Viên – (Gia Bình, Bắc Ninh) và làm nhiều việc thiện tâm. 

Đọc cuốn sách “Năng lượng tình thương” của tiến sĩ Đặng Kim Nhung mà cứ tiếc mãi: nếu ngày trước, lúc bị bệnh mà hiểu được phương pháp chữa bệnh đơn giản mà hiệu quả như huyền thoại mà tiến sĩ Đặng Kim Nhung giới thiệu trong cuốn sách quí này chắc sẽ nhanh khỏi bệnh hơn, lại tránh được những đau khổ về tinh thần và thể xác.

Giáo sư Lê Trọng Khánh vì yêu mến nên có dặn: “V.H đọc rồi viết bài giới thiệu cuốn sách “Năng lượng tinh thần” cho nhiều người cùng biết và áp dụng”. Vân Hạc rất vui vì chính mình cũng đã từng áp dụng được một phần những điều mà cuốn sách đặt ra, tiếc rằng không có hiểu biết cơ bản và có “duyên” được chữa khỏi bệnh nhanh chóng và trở thành truyền nhân trị bệnh cứu người như tác giả.

Đúng lúc nhà văn Mai Thục đã viết rất sâu giới thiệu cuốn sách này và gửi cho Vân Hạc. Vân Hạc xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài giới thiệu của nhà văn Mai Thục: 

Mai Thục 

Đây là một đề tài nghiên cứu khoa học lớn, được khởi đầu từ cuốn sách Năng lượng Tình thương của tiến sĩ Đặng Kim Nhung (NXB Văn hoá Thông Tin- 2010).

Văn hoá nhân học là khái niệm xuất phát từ nước Anh. Là một cách tiếp cận tổng hợp tạo ra trường phái nghiên cứu về nhân loại và văn hoá, mà một trong những hướng tiếp cận của nó là nghiên cứu về các hoạt động của con người. 

Người ta có thể nghiên cứu con người thông qua các nghiên cứu về khoa học tự nhiên như: sinh vật học, giải phẫu học, tâm lý học, bệnh học… hay qua nghiên cứu của khoa học xã hội như dân tộc học, nhân chủng học, khảo cổ học, văn học…

Cuốn Năng lượng Tình thương bằng cách tiếp cận khoa học vật lý, khoa học nhân văn, vũ trụ học và tinh thần học… tác giả muốn tìm về cội nguồn, nghiên cứu bản thể của các phương pháp chữa bệnh tự nhiên của thế giới và của Việt Nam xưa và nay, thuộc lĩnh vực y học Năng lượng và nằm trong nhóm y học bổ sung mà Dưỡng sinh Tâm Thể được thể hiện như những ví dụ minh hoạ.

“Với cách nhìn vũ trụ như một tư duy vĩ đại hơn là một cỗ máy vĩ đại, thông điệp mà cuốn sách này muốn gửi đến chúng ta là: để khoẻ mạnh và hạnh phúc, con người- một tiểu vũ trụ, được đặt trong bối cảnh của một vũ trụ nhất thể, thì quan hệ ứng xử giữa con người với con người , giữa con người và vũ trụ là tôn trọng, khiêm nhường và yêu thương. Tình thương là nguồn năng lượng vô hạn mà trời đất ban tặng cho chúng ta, nhưng nhận được hay không lại phụ thuộc nơi chính bạn” (Lời giới thiệu - NXB Văn hoá-Thông tin- Sđd trang 6)

Những mục tiêu cơ bản của cuốn sách Năng lượng Tình thương:

I. Vũ trụ vô cùng kỳ bí, hãy khiêm tốn học hỏi và bạn sẽ ngạc nhiên bởi phép màu của nó mang lại cho chính bạn:

Vũ trụ vô hạn và đầy bí ẩn. Sự hiểu hiểu biết của loài người hữu hạn. 

Phát biểu ngày 16-12- 2008, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đài quan sát Vật lý học thiên thể Smithsonia ở bang Massachusetts, ông Alexey cho biết: nguồn “Năng lượng tối” cấu thành tới trên 70 % vũ trụ và là một dạng “lực hấp dẫn đang kiềm chế vũ trụ, dù hiện vẫn chưa rõ nó thực sự là gì”.

“Năng lượng tối” lại được phát hiện năm 1998, đã gợi lại sự quan tâm của giới khoa học đối với khái niệm của Albert Einstein về các hằng số vũ trụ - một biến thể của học thuyết tương đối, theo đó đặt giả thuyết về khả năng tồn tại một lực đẩy trong vũ trụ, để có thể giải thích được sự cân bằng với lực hấp dẫn trong vũ trụ. Bởi theo Einstein, nếu không tồn tại một lực đẩy như vậy, lực hấp dẫn sẽ khiến vũ trụ nổ tung. 

Theo những số đo của kính thiên văn vũ trụ Hubble, năng lượng tối bí ẩn, đang đẩy vũ trụ giãn ra, dường như là loại lực không đổi mà Albert Einstein từng dự đoán. Các nhà khoa học coi “Năng lượng tối” là một dạng năng lượng lạ.

II. Vài nét tổng quan về vũ trụ - Những vấn đề gợi mở:

Trong những thập niên gần đây, khoa học đã trở nên ý thức được giới hạn nghiêm trọng của những cảm nhận thông qua ngũ quan con người:

Về thị giác: Mắt của chúng ta có khả năng rất khiêm tốn. Nó chỉ cảm nhận được với một dải bức xạ khá hẹp, có chiều dài bước sóng khoảng 0,0004 - 0,0007cm, phần còn lại của sóng điện từ, chúng ta không thấy được. Vì thế, không nhìn thấy, không có nghĩa là không có. Chúng ta đang bơi trong biển cả của sóng năng lượng (bao gồm cả sóng năng lượng đã biết và chưa biết “Năng lượng tối”), chìm ngập trong đại dương sóng điện từ, tia gramma, tia cực tím, tia hồng ngoại, sóng vi ba, sóng rađio, sóng ngắn… Chúng ta cũng chỉ mới đặt tên cho một lượng rất ít các loại sóng hiện hữu.

Về thính giác: Khả năng nghe âm thanh đối với con người, chỉ giới hạn trong khoảng 25 - 25000 Hz, trong khi đó, nhiều loài vật như loài chó, loài dơi… có thể nghe được dải tần số của sóng âm thanh lớn hơn nhiều lần.

Về khứu giác: Mùi vị là sự khuyếch tán vật chất trong không gian với nhiều cung bậc khác nhau. Khả năng khứu giác của loài người càng khiêm tốn so với các loài vật quanh ta: chó, ruồi…

Như vậy khả năng cảm nhận của con người với vũ trụ trong dạng sóng năng lượng là rất hạn hẹp. Chỉ mới nhận biết khoảng ba phần trăm nghìn (0,0003) của các bức xạ năng lượng quanh ta.

Khoa học công nghệ hiện đại của chúng ta mới chỉ phát hiện được một phần rất nhỏ của toàn bộ phổ năng lượng vũ trụ. Vera Rubin - nhà thiên văn học người Mỹ đã đưa ra khái niệm “vật chất tối”. Theo bà vũ trụ gồm hai phần: “Phần vật chất hữu hình và phần vật chất vô hình”. Bà nhấn mạnh “phần vật chất hữu hình là rất nhỏ (chiếm khoảng 10%)”. Các nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới đã kết luận: “Có một cái gì đó vô hình đang đang tương tác lên thế giới vật chất của chúng ta”.

III. Sự nhất thể của vũ trụ bao gồm cả con người - Tiểu vũ trụ:

* Cơ học cổ điển của Newton:

Newton Isaac (1642- 1727) nhà bác học Anh vĩ đại, người đã xây dựng những định luật cơ bản của cơ học cổ điển, định luật vạn vật hấp dẫn, nghiên cứu sự tán sắc ánh sáng và nhiều hiện tượng quang học khác. Ông cũng là người đặt cơ sở cho phép tính vi phân, tích phân. Về mặt vũ trụ quan, Newton cũng đã có những đóng góp mang tính khuynh đảo. Trước Newton, người ta quan niệm rằng trái đất đứng yên và mặt trời quay quanh trái đất. Newton đã chỉ ra rằng theo định luật vạn vật hấp dẫn của ông, lực hấp dẫn sẽ làm cho mặt trăng chuyển động theo quỹ đạo hình elip xung quanh trái đất và các hành tinh khác (bao gồm cả trái đất), chuyển động theo quỹ đạo hình elip xung quanh mặt trời. Căn cứ vào định luật này, Newton khẳng định rằng các ngôi sao hút lẫn nhau (điều này hoàn toàn phù hợp với Kinh Dịch)… Từ vũ trụ quan khuynh đảo này, hàng loạt các ngành khoa học về thiên văn học, chiêm tinh học, vũ trụ học ra đời. Người ta bắt đầu giải thích về thủy triều, về các mùa trong năm, về quỹ đạo bay của các con tàu vũ trụ, và tình trạng mất trọng lượng khi bay ra ngoài phạm vi chịu trường của trái đất…

Trong thế giới hữu hình, Newton đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Tuy nhiên bất cứ một lý thuyết vật lý nào cũng chỉ là tạm thời. Một lý thuyết vật lý tốt là nó đưa ra được nhiều tiên đoán. Mỗi lý thuyết chỉ có thể đúng trong những miền ứng dụng.

* Cơ học lượng tử:

Cơ học lượng tử là lý thuyết phát triển từ nguyên lý lượng tử của Planck và nguyên lý bất định của Heisenberg. Nguyên lý lượng tử là ý tưởng cho rằng, ánh sáng (hoặc bất kỳ một sóng cổ điển nào khác), có thể hấp thụ theo từng lượng nhỏ rời rạc, gọi là lượng tử. Trong Cơ học lượng tử có một hạt, ta không ghi nhận được trực tiếp, nhưng sự tồn tại của nó gây ra những hệ quả có thể đo được, gọi là hạt ảo; một không- thời gian bốn chiều, mỗi điểm tương ứng với một sự cố; nhị nguyên sóng/ hạt (không có sự khác biệt giữa sóng và hạt, một hạt đôi khi có dạng của sóng và ngược lại). Nguyên lý bất định xác nhận ta không bao giờ đo được chính xác cùng một lúc vận tốc và vị trí của hạt; càng biết chính xác đại lượng này, thì lại càng ít biết chính xác về đại lượng kia. Nguyên lý bất định đã phát tín hiệu về sự cáo chung cho giấc mơ về một nguyên lý khoa học, một mô hình của vũ trụ hoàn toàn có tính chất tất định. Như thế có nghĩa là, người ta không thể tiên đoán những sự kiện tương lai một cách chính xác.

Đầu thế kỷ XX, Heisenberg (1901- 1976) nhà vật lý nổi tiếng người Đức đã cùng hai nhà vật lý người Ý và Áo, xây dựng lại lý thuyết Cơ học lượng tử trên cơ sở của nguyên lý bất định: “Các hạt không có vị trí và vận tốc tách bạch và hoàn toàn xác định. Thay vì thế, chúng có một trạng thái lượng tử là tổ hợp của vị trí và vận tốc.” Do đó cơ học lượng tử đã đưa vào khoa học một yếu tố không thể tránh khỏi- yếu tố ngẫu nhiên (hay không thể tiên đoán). Cơ học lượng tử là cơ sở cho hầu hết các ngành khoa học và công nghệ hiện đại. Nó điều khiển hành vi của transto và các mạch tích hợp- thành phần cơ bản của công nghệ điện tử như: tivi, computer… nền tảng của khoa học công nghệ hiện đại cũng là nền tảng của hóa học và sinh học hiện đaị. Tuy nhiên, có một khu vực mà cơ học lượng tử không thể xâm nhập được một cách hiệu quả- đó là hấp dẫn và cấu trúc của vũ trụ ở qui mô lớn. Phải chăng đây chính là miền còn bỏ ngỏ. Einstein đã có lý khi nói rằng: “Chúa không chơi trò xúc xắc”. Vũ trụ không phải được điều khiển bởi sự may rủi, nó được điều khiển theo qui luật tối ưu của tạo hóa.

* Sự bế tắc của cách tiếp cận từ lý thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử, những khát vọng:

Cho đến nay, khó có thể xây dựng được một lý thuyết mô tả được toàn thể vũ trụ trong tổng thể của nó.

Nhiều ngàn năm trôi qua, càng ngày càng sáng tỏ một điều: Vũ trụ không phải là tùy tiện, mà nó được điều khiển bởi qui luật tối ưu xác định. Vũ trụ bao la huyền bí của chúng ta giống như một tư duy vĩ đại hơn là một cỗ máy vĩ đại.

* Liệu thế giới không thể phân chia? Liệu tồn tại các thế giới song song?

Aristotle, nhà triết học Hy- Lạp (384- 322 TCN) tin rằng toàn bộ vật chất trong vũ trụ được tạo thành từ bốn yếu tố cơ bản: Đất, Không khí, Nước và Lửa. Các yếu tố này được tác động bởi hai lực hút và đẩy. 

Triết lý của quan điểm này của cấu trúc vật chất trong vũ trụ, trùng với triết lý cấu trúc vũ trụ của phương Đông, mà điển hình là của Kinh Dịch, đó là Âm Dương - Ngũ hành tồn tại từ ba nghìn năm trước công nguyên cho đến nay. Theo đó, năm yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là những yếu tố cơ bản tạo thành vật chất của vũ trụ.

Triết lý của vấn đề là:

- Thế giới là một thể thống nhất, không thể phân chia. Cấu trúc của vật chất trong vũ trụ là một khối thống

nhất, không thể phân chia, tức không có phần tử nhỏ nhất, không có viên gạch cuối cùng mà hàng trăm năm, ngành cơ học lượng tử cố công tìm kiếm.

- Giữa các vật thể luôn luôn tồn tại các trường, biểu hiện bằng lực hút, lực đẩy hay gọi chung là lực tương tác.

- Vật chất luôn vận hành, luôn biến đổi không ngưng nghỉ, theo qui luật Âm- Dương, Ngũ hành. Theo Kinh Dịch, trong vũ trụ có một điều không thay đổi đó là sự vận hành không ngưng nghỉ. Song hành tồn tại với quan điểm của Aristotle là một quan điểm đối lập, điển hình là Democristus nhà bác học Hy Lạp (460- 370) cho rằng vật chất vốn có dạng hạt mà hạt nhỏ nhất (hạt cơ bản) là nguyên tử không thể phân chia được nữa. 

Hai quan điểm đối nghịch trên cứ song hành tồn tại cho đến tận những năm đầu thế kỷ XX, cuộc tranh luận tưởng đã ngã ngũ với phần thắng thuộc những người theo nguyên tử luận.

* Nguyên tử luận- những thành công và bế tắc:

Trong suốt thế kỷ XX, các nhà bác học đã sôi nổi đi tìm cấu trúc của hạt cơ bản và người ta nhận thấy hạt cơ bản bị phân chia từ Electron> Proton> Nơtron> tới dạng hạt Quark- cũng chưa phải là nhỏ nhất vì hạt Quark có bước sóng nhỏ hơn bước sóng ánh sáng. Điều huyền bí là chúng lại có khối lượng lớn hơn rất nhiều so với các hạt mà từ đó chúng sinh ra và đặc biệt là những hạt này phân rã rất nhanh để lại thành Proton và Nơtron. 

Niềm tin của những nhà “nguyên tử luận” bị lung lay… và họ tiếp tục tìm ra lý thuyết” Dây” và “siêu Dây”- dạng vật chất của vũ trụ trước đây được xem như hạt, thì giờ đây được biểu diến như những sóng chạy dọc theo “dây”. Nhưng lý thuyết “Dây” chỉ đúng khi không gian, thời gian phải có tới mười chiều, hoặc mười sáu chiều, chứ không phải là không gian chỉ có bốn chiều như chúng ta hiện nay (ba chiều không gian, một chiều thời gian). Nếu quả thật có sự tồn tại nhiều chiều không gian, thời gian, tại sao chúng ta không cảm nhận được? Phải chăng tồn tại những vũ trụ song song? Liệu vật chất là liên tục và thế giới không thể phân chia?

Nền vật lý hiện đại có một ảnh hưởng sâu đậm hầu như trên mọi hình thái của xã hội loài người. Nó đã trở thành cơ sở của nền khoa học tự nhiên và sự liên hệ tương hỗ giữa khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Nó làm biến đổi sâu sắc điều kiện sống của chúng ta, cả tốt/xấu. Tuy nhiên, sự nghiên cứu về thế giới nguyên tử nửa cuối thế kỷ XX đã phát hiện một cách bất ngờ các quan niệm cổ điển, buộc ta phải có sự sửa đổi triệt để về nhiều khái niệm. Thế giới quan của chúng ta cũng bắt đầu thay đổi, dù muốn hay không muốn. 

Thế kỷ XXI. Khởi đầu cho sự thắng thế của quan niệm vũ trụ không thể phân chia của nhà triết học vĩ đại Aristotle. Đó là vũ trụ đồng nhất thể, vật chất là liên tục và không thể phân chia, và vận hành không ngưng nghỉ theo qui luật Âm- Dương, Ngũ hành. Thế giới (dù tầm vi mô hay vĩ mô) cũng là một thể thống nhất không thể phân chia.

Mặt khác ngày nay, chưa có lý do để phủ nhận sự tồn tại của những thế giới song song theo bất kỳ nghĩa nào. Người ta thấy rằng, vũ trụ ngày nay giống như là một tư duy vĩ đại hơn một cỗ máy vĩ đại. Và phải chăng đó là con đường của trái tim?

IV. Sự tương tác vũ trụ & tiểu vũ trụ (con người) thông qua trường sóng năng lượng & nguồn gốc chữa bệnh bằng năng lượng:

A. Trường và những khám phá không ngưng nghỉ:

1- Lịch sử phát triển của các loại trường và những ứng dụng lớn lao:

* Sự khởi nguồn của trường khí vũ trụ và ứng dụng cho sức khỏe con người:

Trường khí vũ trụ đã được biết đến, chế ngự và sử dụng hàng ngàn năm trước. Nền văn minh Ai Cập và trường khí vũ trụ (bao gồm NLSH) qua nhiều tư liệu viết, hình vẽ và nhất là qua việc sử dụng kỳ lạ các sóng hình dạng vào việc điều khí ở Kim tự tháp. Kinh Thánh cũng xác nhận tri thức này đã được lưu truyền qua nhiều thế kỷ. (Rất tiếc, tới thời kỳ Trung cổ, người ta đã lầm lẫn nó với việc thực hành ma thuật và trò phù thủy). Trên thực tế, từ “khí” đã có từ ngàn xưa với sự ra đời của Kinh Dịch.

2- Học thuyết Mesmer với Năng lượng sinh học, Y học năng lượng và Dưỡng sinh Tâm Thể:

Mesmer Franz người Áo, bác sĩ, nhà vật lý, chiêm tinh học (1774-1815) đã trình bày học thuyết với hai mươi bảy điều khoản về phương pháp trị bệnh khá huyền bí của ông. Người ta nghiên cứu, gắn học thuyết Mesmer với những lý thuyết trường hiện đại:

- Có một ảnh hưởng tương hỗ giữa các thiên thể, trái đất và các sinh vật (mối quan hệ Thiên- Địa- Nhân hợp nhất). Mệnh đề này gợi nhớ tới định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, và lý thuyết Trường: Trường nhiệt, Trường điện từ, Trường khí vũ trụ hoặc sóng vũ trụ. Sóng vũ trụ là bức xạ từ các thiên hà, các hệ mặt trời, các vì sao trong vũ trụ, từ lòng đất, từ đại dương… Sóng vũ trụ đến từ mọi hướng, mọi không gian, thời gian.

- Một chất lỏng dàn khắp vũ trụ một cách liên tục, không để có chỗ trống. Sự tinh tế của nó không gì sánh nổi. Nó có khả năng nhận- truyền và trao đổi mọi cảm giác của vận động. Ngày nay khoa học cảm xạ đã khẳng định (thông qua các thí nghiệm có thể định lượng được) là:

- Tồn tại năng lượng dự trữ trong mọi vật chất của vũ trụ. Nguồn năng lượng này là động lực để vật chất luôn luôn vận động tạo ra những rung động và lan truyền trong vũ trụ. Sự bức xạ năng lượng và lan truyền như vậy được gọi là sóng.

- Xung quanh chúng ta tràn ngập môi trường năng lượng bức xạ, có thể hình tượng hóa chúng bằng thuật ngữ “Vũ điệu năng lượng” và ngầm hiểu sự kỳ bí của thế giới sóng năng lượng này. Khái niệm chất lỏng trong mệnh đề của Mesmer ngày nay được thay bằng sóng năng lượng. Ý tưởng này thể hiện rõ trong các khái niệm rung động cộng hưởng và sóng mang thông tin khi ta thực hành chữa bệnh từ xa. 

- Hoạt động trên bị chi phối bởi các luật, những cơ chế mà đến nay ta vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, đã có nhiều nhân tố, nhiều bằng chứng, cho phép chúng ta tin rằng: nền văn minh cổ đại đã biết đến, đã làm chủ và sử dụng sóng năng lượng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích chữa bệnh. 

B. Chữa bệnh theo phương pháp tự nhiên và Dưỡng sinh tâm thể: 

Chữa bệnh theo phương pháp tự nhiên bao gồm các phương pháp khá phong phú. Có thể chia thành các nhóm chính:

* Chữa bệnh nội tâm: 

Phương pháp này rất gần với tâm lý trị liệu, nhưng rộng hơn nhiều. Nó đi sâu vào bên trong, vào tâm lý và suy nghĩ của con người, nhằm xây dựng một hình ảnh tốt đẹp hơn về con người mình. Việc này có tác dụng lớn tới trị liệu bệnh tật: Thôi miên, Thiền, Liệu pháp tâm lý… thuộc nhóm chữa bệnh này.

* Chữa bệnh bằng thảo dược: 

Dùng tinh dầu chiết xuất từ cây cỏ có mùi thơm để trị bệnh: xoa bóp, tắm, ngâm, xông hít…

* Chữa bệnh thể xác và tinh thần:

Phương pháp chữa bệnh vận dụng khí lực, khai thông kinh mạch, hay sự vận động cơ thể để cải thiện tình trạng thể chất và tinh thần: Thủy liệu pháp, châm cứu, Yoga…

* Chữa bệnh tâm linh:

Thuật ngữ này được dành cho tất cả các phương pháp mà người ta quan niệm rằng:

- Con người là một nhất thể- không thể tách rời phần tinh thần và phần thể xác.

- Vũ trụ tràn đầy sóng năng lượng của chúng ta là một nhất thể.

- Giữa con người và vũ trụ có một mối quan hệ rất khăng khít.

Xã hội ngày nay được xem như một chứng tích hùng hồn cho các thành tựu khoa học kỹ thuật. Tại nhiều nơi, khoa học đã thay thế cho tôn giáo và triết học, để trở thành nguồn kiến thức tưởng chừng vô biên của nhân loại. Cả những bí mật của tạo hóa, trước đây thuộc lĩnh vực thiêng liêng, cũng có thể giải thích rõ ràng bằng những ngôn từ khoa học. Nhiều nhà khoa học đã quá tự tin khi hành động, khi giải thích. Tiếc thay, trên thực tế, hiểu biết về vũ trụ của chúng ta còn rất mơ hồ. 

Thật không ngoa khi nói rằng, tất cả sự tìm kiếm không mệt mỏi của loài người hàng ngàn, hàng ngàn năm qua mới hiểu được khoảng mười phần trăm những bí mật của vũ trụ. Những năm gần đây, khoa học đã không đưa ra được câu trả lời cho những vấn đề cơ bản nhất của sự sống. Càng ngày càng có thêm nhiều người (cả thầy thuốc và bệnh nhân) có một quan niệm nhất thể hơn về sức khỏe, nhìn nhận tầm quan trọng của cả lối sống, cách tư duy… trong gìn giữ sức khỏe. 

Quan trọng hơn, người ta đã bắt đầu nhận ra, tác động lớn lao của cuộc sống tinh thần, tình cảm, trên sức khỏe thể chất. Quan niệm con người là một nhất thể, nhất thể trong chính mình và trong vũ trụ đã được chấp nhận rộng rãi và trở thành nhận thức chung của mọi người. Vô số những liệu pháp bí truyền đã trở nên được xã hội chấp nhận dễ dàng, gọi chung là chữa bệnh bằng niềm tin- “chữa bệnh tâm linh”. Tại Anh, Mỹ, chữa bệnh tâm linh được kể như một liệu pháp dịch vụ y tế nhà nước. 

Chữa bệnh tâm linh là một kiểu điều trị thịnh hành từ năm trăm năm TCN. Pythagoras, nhà toán học, thiên văn học, toán học, vật lý học của thế kỷ VI (TCN) cho rằng nguồn gốc chữa lành bệnh là năng lượng Pneuma được sinh ra từ nguồn lửa trong lòng vũ trụ. Theo ông, mọi bệnh tật được sinh ra từ sự đối kháng xung khắc nhau, năng lượng giúp chúng cân bằng và lành bệnh.

Hipocates (460-377) người Hy Lạp, được xem là ông tổ của y học hiện đại. Theo ông, tất cả các loại bệnh, cả tinh thần lẫn thể chất đều do các yếu tố thiên nhiên gây ra. Ông coi trọng “Sức mạnh chữa bệnh của thiên nhiên”. Tuy nhiên, ông cho rằng thể xác và tinh thần là hai phần tách biệt. Tiếc thay, ý tưởng này chế ngự chính thống suốt nhiều thế kỷ qua. 

Ngay thời đó, Plato, nhà triết học Hy Lạp nổi tiếng đã chống lại: “Sai lầm lớn nhất của chúng ta ngày nay là các vị thầy thuốc đã tách rời tinh thần ra khỏi thể xác.” 

Paracelsus (1493- 1541) thầy thuốc người Thụy Sĩ, có thể xem là cha đẻ của phương pháp chữa bệnh tâm linh. Ông đi khắp châu Âu, học hỏi và chữa lành bệnh một cách kỳ diệu. Ông đề xướng tư tưởng: Tinh thần và thể xác không thể tách rời nhau, mà còn đi xa hơn. Con người gắn với thiên nhiên, bên trong con người phản ánh vũ trụ rộng lớn ở bên ngoài (theo cách nói của Kinh Dịch, con người là tiểu vũ trụ). Ông cho rằng năng lượng chữa bệnh có sẵn trong thiên nhiên. Ông gọi năng lượng này là Archaeus. Năng lượng này vừa có lợi, vừa có hại, nó có thể gây bệnh cũng như chữa lành bệnh. Ông còn cho rằng những suy nghĩ xấu có thể làm tắc luồng Archaeus và gây ra bệnh tật. 

Mesmer khẳng định tinh thần và thể xác không thể phân chia. Con người là một phần không thể tách rời của vũ trụ. Ông cũng cho rằng vũ trụ tràn đầy năng lượng để chữa bệnh mà ông gọi là “ từ trường động vật”. Ông cho rằng có một bầu ête tâm linh bàng bạc trong không gian. Bầu ête này chịu những lưu chuyển do các thiên thể gây ra. Sự lưu chuyển này đi khắp mọi vật thể hữu cơ, tất nhiên là gồm cả loài người. Khi sự lưu chuyển được thông suốt trong cơ thể thì con người được khỏe mạnh, trái lại sự lưu chuyển bị ách tắc dẫn đến bệnh tật. Hiệu quả chữa lành bệnh của Mesmer gây chấn động trong giới quí tộc thế giới (Áo, Đức, Pháp). Đầu tiên ông chữa cho từng người, sau đó chữa cho từng nhóm người. Tại Paris, ông được bà hoàng Marie Antoinette bảo trợ và bà thành môn đệ của ông. 

Felix Kersten- 1898 người Phần Lan sống tại Hà Lan, nhà thần học, có nghề xoa bóp, chữa bệnh tâm linh bằng hai bàn tay, trở thành bác sĩ tâm linh riêng cho hoàng gia Hà Lan.

Djuna Davitashvili nhà trị bệnh tâm linh được nhiều người biết nhất của Liên Xô trước đây. Bà thành lập riêng một dưỡng đường nhộn nhịp tại Matxcơva, chữa bệnh thành công cho Leonit Brezhnev và Boris Yelsin. Bà tự gọi mình là “người truyền dẫn năng lượng sinh học”. Cách chữa của bà bằng mắt, bằng tay theo phương pháp xoa bóp, tiếp xúc và không tiếp xúc. Djuna Davitashvili nổi tiếng về tài chẩn đoán bệnh.

Barbara Ann Brennan nhà vật lý học vũ trụ hàng không Nasa trong hơn hai mươi năm đã nghiên cứu về trường năng lượng con người. Bà được huấn luyện chữa bệnh bằng NLSH, ngày nay bà là người chữa bệnh tâm linh giỏi nhất Tây bán cầu và là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng được dịch ra nhiều nước trên thế giới. 

Barbara cho rằng con người là một nhất thể, giữa con người và vũ trụ có mối liên hệ chặt chẽ qua trường năng lượng. Theo bà: “Mọi đau khổ đều gây ra bởi ảo tưởng về tính riêng biệt, vốn là mẹ đẻ của nỗi lo sợ…” và “Yêu thương là gương mặt, hình hài của vũ trụ…”. Bà cũng thống nhất quan niệm: “Chúng ta đang sống trên hành tinh năng lượng”.

Dưỡng sinh tâm thể (DSTT) của má Hai Hương (Tôn nữ Hoàng Hương) tại Hà Nội.

Về vũ trụ quan, từ cách tiếp cận cơ học lượng tử, những thành công và bế tắc, DSTT cho rằng: “Con người gồm hai phần. Phần tinh thần (siêu hình) và phần thể xác (hữu hình). Hai phần này hòa quyện vào nhau. Nó làm mạnh nhau lên hoặc làm yếu nhau đi; trong đó phần tinh thần (linh hồn) dẫn dắt phần thể xác. Trong con người tồn tại một hệ kinh lạc, lưu thông trong hệ kinh lạc là “khí”, cũng có thể hiểu là sinh khí. Hệ kinh lạc thông suốt, con người khỏe mạnh. “Khí” bị tắc nghẽn ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể, con người sẽ bị bệnh. Sinh khí trong hệ kinh lạc xung mãn, con người khỏe mạnh, toả trường hào quang, ngược lại, con người yếu đuối, buồn nản, héo hắt. Con người là sản phẩm hoàn thiện nhất của tạo hóa, giữa con người và vũ trụ liên hệ chặt chẽ với nhau qua trường (trường hào quang, trường thân thể, trường khí vũ trụ…) Xung quanh chúng ta tràn ngập năng lượng. Nguồn năng lượng này là động lực để vật chất luôn luôn vận động, tạo ra những rung động và lan truyền trong mọi môi trường dưới dạng sóng (vũ điệu năng lượng). Sóng vũ trụ (còn có thể gọi là sóng năng lượng, trường khí vũ trụ, NLSH…) là sóng bức xạ từ các thiên hà, hệ mặt trời, các vì tinh tú. Người ta nghiên cứu và thấy sóng vũ trụ thật đa dạng, từ loại tần số thấp, đến loại tần số cao…

V. Hào quang của con người, trường năng lượng vũ trụ và sức khoẻ của chúng ta:

Cuối thế kỷ XX, năm 1977 cuốn sách “Năng lượng của cơ thể sống” được in tại Pháp xác định “Không phải bức xạ (hào quang chỉ bao quanh con người mà là quanh muôn loài, kể cả thực vật”.

Đến nay, các nhà khoa học đã công nhận sự tồn tại những dòng phát sáng sinh học (bioplasma) trong con người. Nó có nhiều màu sắc, có tỷ trọng và cường độ khác nhau, và chảy theo các vầng có cấu trúc. Nó có liên hệ với các cảm xúc và tư duy của chúng ta. Bioplasma chính là chất liệu tạo thành các vầng của trường hào quang nơi con người.

Con người có bảy vầng hào quang. Mỗi vầng hào quang là duy nhất (có màu sắc, cấu trúc, chức năng, nhiệm vụ riêng). Chúng không pha trộn nhưng luôn tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau theo một qui luật nhất quán với sức khoẻ và mức độ Thánh Thiện trong cuộc sống tinh thần bạn. Khi bạn cân bằng sức khoẻ, bạn sống tràn đầy hạnh phúc với những suy nghĩ dâng hiến thanh cao, trường hào quang bảy vầng đều cân xứng, hài hoà sáng rõ.

Ngược lại khi bạn đau khổ, thù hận, ghen ghét, giận dữ, bảy vầng hào quang sẽ méo mó, mất cân xứng, chuyển màu tối đục. Và bạn sẽ ốm đau. Bạn thường xuyên nạp năng lượng thông qua cuộc sống Thánh Thiện và Thiền định, vầng thứ bảy của trường hào quang mạnh mẽ, sáng suốt, sáng màu chàm, nhấp nháy với một tần số cao, sẽ giúp bạn xâm nhập vào “trường năng lượng vũ trụ”. Nó dạy chúng ta về sự liên thông giữa tâm trí với tâm trí, giữa tâm trí của chúng ta với tâm trí vũ trụ. Nó giúp bạn tràn đầy sức sống nội tâm và thân thể khoẻ mạnh.

Năng lượng vũ trụ là vô hạn. Khi bạn sống Thánh Thiện bạn sẽ nhận được nguồn Năng lượng Tình thương từ vũ trụ và bạn sẽ có khả năng truyền năng lượng, chữa bệnh cho nhiều người.

VI. Cách sống để nhận được năng lượng phi phàm của vũ trụ: 

1- Sự quân bình:

Những người hiểu về cuộc sống tinh thần cho rằng bất cứ điều gì xảy ra trong cõi trời đất bao la này, đều được tạo bởi vô số yếu tố, mà yếu tố nào cũng cần thiết cả. Những yếu tố ấy, như những sợi chỉ muôn màu, muôn sắc được dệt chung để tạo nên một tấm thảm của sự tồn tại. Sự quân bình là cách nắm giữ các sợi chỉ ấy lại với nhau một cách hài hòa. Có thể nói, thước đo sự thông tuệ của một người, là khả năng giữ quân bình của người đó. Trong cuộc sống hiện đại náo động, xô bồ, biến động khôn lường, việc giữ được quân bình không phải là chuyện dễ. Chỉ một suy nghĩ, hay một lời nói tiêu cực thôi cũng có thể ném chúng ta ra khỏi sự quân bình. Chúng ta như người đi trên dây, ta cần rất cẩn trọng, đặt bước nọ sau bước kia, còn tay thì giữ một cái sào để giữ thăng bằng. Bước đi hơi chệch một chút, một đầu sào hơi nặng một chút, là ta sẽ bị đổ nhào. Để đến được đầu bên kia, mỗi bước chân của ta phải chính xác, mỗi bước chân của ta đòi hỏi sự quân bình.

2- Sự quân bình với sức khỏe con người:

* Sự quân bình giữa thể chất và tình trạng tinh thần:

Sức khỏe là kho tàng quí báu nhất của cuộc đời. Không có nó, mọi của cải khác đều trở nên vô nghĩa (Khổng Tử). Để khỏe mạnh chúng ta cần sự quân bình. Bị mất quân bình vì bất cứ lý do nào, ta sẽ bị bệnh. Giữa sức khỏe thể chất và tình trạng tinh thần có một sự gắn kết chặt chẽ. Nó cần được giữ quân bình, hài hòa. DaDi, người giữ linh hồn của Đại học tâm linh thế giới Ấn Độ thường nói: “Trong cuộc đời tôi, tôi luôn ưu tiên giữ sự bình an trong mọi ý nghĩ và cảm xúc của mình. Bằng cách này, tôi không bị mất năng lượng, và cách đánh giá của tôi cũng không bị méo mó bởi những xung đột nội tâm. Cách thực hành này mang lại sức mạnh cho tâm trí, cơ thể và giúp tôi có cảm giác thoải mái trong mọi mối quan hệ”.

* Sự quân bình giữa tinh thần và thể xác:

Con người có phần tinh thần, còn gọi là phần hồn, hay linh hồn (siêu vật chất) và phần thể xác (vật chất). Khi hiện hữu, trong mỗi con người, phần tinh thần và phần thể xác gắn kết chặt chẽ với nhau tới mức, người ta nhầm tưởng chúng là một, nhưng thực tế, chúng là “hai trong một”. Vì vậy một con người muốn khỏe mạnh và khỏe mạnh một cách bền vững, phải khỏe mạnh cả về tinh thần lẫn thể xác, phải giữ quân bình. Hai phần này tương tác lẫn nhau, làm mạnh nhau lên hoặc làm yếu nhau đi. Tuy nhiên, phần dẫn dắt là phần tinh thần.

* Sự quân bình Âm- Dương:

Âm- Dương ở đây là một phạm trù triết học sâu sa, chỉ hai trạng thái đối nghịch, hai cực, chúng luôn tương tác theo qui luật của Âm- Dương, Ngũ Hành, của tạo hóa, biến đổi, để tạo nên cuộc sống muôn màu của chúng ta. Để có sức khỏe, ta phải giữ quân bình Âm- Dương. Thí dụ phải giữ mình không quá nóng, không quá lạnh, không quá vui, không quá buồn…

VII. Luật nhân quả với sức khỏe con người:

Luật nhân quả là định luật của vũ trụ. Thế giới này được điều khiển tự động bằng luật nhân quả.Đây chính là luật chơi của vũ trụ. Từ “ nghiệp” (Karma) có nghĩa là “hành động” và luật của “nghiệp” là nhân quả, tức “gieo gì gặt nấy”. Bất kể hành động của ai đó, mà ngay cả lời nói hay mới chỉ là suy nghĩ, dù tốt hay xấu, sẽ mang lại cho người đó một kết quả tương đương. Kết quả này có thể nhận lại ngay tức thì, nhưng thường là nhận lại ở kiếp sau. Có thể là “Nghiệp lành”, cũng có thể là” Nghiệp dữ”, nếu ai tạo “Nghiệp dữ” thường gọi là “Nghiệp chướng” thì sẽ phải trả nợ sau này. Trong muôn vàn con đường trả nợ (bị tật nguyền, con cháu hư hỏng, làm ăn thất bát) có một con đường là bệnh tật, gọi là “ bệnh do nghiệp”, đây thường là những căn bệnh khó chữa nhất. Hiểu về “Nghiệp” và về luật nhân quả, có một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, những người thức tỉnh sẽ biết sống hướng Thiện, tức không tạo “Nghiệp dữ”. Người thức tỉnh biết trồng hoa nơi anh ta bước đi và nhâm nhi hạnh phúc được mang cho, được dâng hiến.

Luật nhân quả là định luật điều hành vĩnh hằng của vạn vật của vũ trụ. Đây là một qui luật được chi phối một cách khách quan, đương nhiên là có trước đạo Phật.

Tuy nhiên, khi đức Phật thành đạo dưới gốc Bồ đề, ngài đã giác ngộ được luật này, thấy được tầm quan trọng của nó tác động đến sự sống và sự chết trên hành tinh này. Luật nhân quả được giáo lý của đạo Phật hoàn chỉnh và trở thành lý thuyết cơ bản, là chính kiến quan trọng trong Phật học, đến mức nhiều người lầm tưởng luật nhân quả là của đạo Phật. 

Luật nhân quả là định luật vĩnh hằng của vũ trụ, một luật tuyệt đối khách quan và tuyệt đối công bằng với từng con người, từng quốc gia đang tồn tại trên trái đất. 

Chúng ta cần coi việc giáo dục Luật nhân quả như một chiến lược toàn cầu, thay thế cho mọi thuyết giảng đạo đức, và những tiếng kêu gào đánh thức lương tâm nhân loại trước tội ác đang tràn như sóng bão.

Bạn đã nhìn thấy Luật nhân quả vận hành tuyệt đối chính xác từ tầm vĩ mô (trái đất) đến vi mô (con người) chưa?

Như bạn đã thấy, hành tinh của chúng ta từng mỹ lệ, hiện đang thoi thóp, và chúng ta đang gánh chịu hậu quả từng ngày (bão, lũ, mưa, núi lửa, sóng thần, động đất, bệnh dịch người và gia súc…) do chính sự tàn phá tàn tệ không thương tiếc của con người nhiều thế hệ, nay vẫn tiếp tục. Rồi trái đất sẽ ra sao?

Rồi chính bạn, trong những ngày buồn, giận, đau khổ, âm mưu, thù hận, cơ thể bạn sẽ yếu ốm đến thế nào? Chưa nói đến việc ta quá tham sân si mà gây tội ác, thì quả báo nào sẽ đến? Chính vì sự vô minh đó mà cuộc sống của chúng ta trở nên bất hạnh, ốm yếu.

Cuộc sống trên thế giới này sẽ đẹp biết bao nếu mỗi con người biết được Luật nhân quả điều hành vũ trụ hoàn hảo và độc nhất vô nhị.

VIII. Tiến sĩ Đặng Kim Nhung & Công trình nghiên cứu Năng lượng Tình thương:

Cuối năm 2001, tôi gặp Đặng Kim Nhung tại Trung tâm Dưỡng sinh tâm thể Hà Nội (DSTT) của má Hai Hương rất kỳ diệu. Bằng Năng lượng Tình thương (DSTT) đã chữa cho nhiều người lành bệnh một cách khó tin. Đặng Kim Nhung dù bận làm hiệu phó Đại học Thăng Long, nhưng vẫn dành công sức đi chữa bệnh và nghiên cứu DSTT. 

Từ một nữ sinh Chu Văn An, từng làm thợ tiện bậc hai, học thành kỹ sư cơ khí, rồi TS cơ học máy tại Hungari… giảng dạy các môn về kinh tế, xã hội ở bậc sau đại học, Đặng Kim Nhung trở thành người phụ nữ hoạt động khoa học năng động, khi quản lý dự án từ thiện, lúc nghiên cứu vấn đề Giới và Phát triển cùng bạn bè quốc tế tại Việt Nam. Chị quan tâm nhiều đến các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, chuyển giao công nghệ, quản trị dự án… Nhưng rồi đến một ngày, Đặng Kim Nhung thức tỉnh về đời sống tâm linh, nhờ má Hai Hương:

“ Đầu năm 1996, chỉ sau tám ngày tập DSTT, căn bệnh dị ứng không rõ nguyên nhân quái ác của tôi thuyên giảm rõ rệt, mười lăm ngày sau thì hoàn toàn chấm dứt cho tới nay. Hiệu quả mang tính huyền thoại này của DSTT đã kích thích trí tò mò của tôi. Anh Phan Văn Hùng hướng dẫn chữa bệnh cho tôi đã nhiệt tình mời tôi đến gặp bà Tôn nữ Hoàng Hương. Ánh mắt không sáng, dường như đang nhìn vào cõi hư vô nào đó, gương mặt hiền từ và giọng nói thật nhỏ nhẹ của má đã thật sự cuốn hút tôi. Má nói: “Con đến đấy à, má không phải thiếu ăn ra đây để kiếm cơm, mà là lấy bệnh làm lệnh đi tìm người hiền… Kiếp trước con là… Ngay ngày mai con hãy về chữa bệnh cho mọi người đi, con có thể làm được. Cốt là giữ Tâm lành, Thân lành, Ngôn lành, biết sống vì người khác, uống nước, nhớ nguồn… 

Tôi tin những lời má nói, vì sống như thế, thì tôi được mẹ dạy từ tấm bé, nó đã ngấm vào tôi thành máu thịt. Nhưng điều tôi không tin và không thể tin, đó là điều về kiếp trước và điều tôi có thể chữa bệnh cho mọi người. Một người lang thang trong chốn trường đời như tôi, nay lại đi chữa bệnh, thì thật là hài hước. Nếu bạn bè biết được, chắc là bọn chúng nghĩ tôi bị điên thật rồi! Tôi tình nguyện theo má nghiên cứu khoa học về DSTT. Một hôm vào khoảng tháng 6- 1996, mẹ tôi ngả bệnh, sốt cao và mất ngủ. Tôi ngồi bên cạnh mẹ mà lòng lo lắng khôn nguôi, rồi gần như tự nhiên, tôi để tay lên vầng trán nóng bỏng của mẹ, vuốt mái tóc mẹ với một mong muốn cháy bỏng là mẹ sẽ mau lành bệnh. Thật kỳ lạ, chỉ sau ít phút mẹ tôi đã ngủ thiếp đi và lành bệnh khá nhanh. Lần ấy tôi vẫn chưa nghĩ gì về nguồn năng lượng lớn lao mà con người nếu biết và sống tốt, có thể nhận được là có thực, vì một người “ ngu trung” với khoa học hữu hình, và logic như tôi thì thật khó thuyết phục…”

Mười lăm năm qua, tiến sĩ Đặng Kim Nhung vừa thực hành chữa bệnh bằng Năng lượng Tình Thương cho mọi người, vừa khám phá, trải nghiệm bí ẩn của thế giới Tâm linh- Thế giới vô hình, nó nằm ngoài tầm nhìn vật lý quá hạn hẹp mà Kim Nhung từng biết.

Cuốn sách Năng lượng Tình thương của Đặng Kim Nhung đã trải qua một hành trình tâm linh bừng sáng. 

Mai Thục và Vân Hạc
Nguồn: hoalinhthoai

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Xin vui lòng cho biết quyển sách này mua ở đâu.
Rất cảm ơn.

Hoàng Lạc nói...

Tôi cũng đang lục tìm tại các hiệu sách lớn mà chưa ra. Nếu có, phương đông sẽ gửi cho bạn.