Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

BÍ MẬT: KIM TỰ THÁP AI CẬP

Ở cõi trần, tâm thức con người bị giới hạn bởi ba chiều không gian. Thật ra có nhiều chiều nữa mà ta không nhìn thấy. Khối óc của ta chỉ chấp nhận chiều dài, chiều ngang và chiều đứng mà thôi. Dĩ nhiên, mọi sự đi đứng, di chuyển cũng chỉ giới hạn trong ba chiều này. Nếu nói có một chiều đo thứ tư thẳng góc với ba chiều này thì chúng ta sẽ không thể tưởng tượng nổi. Nhưng không thấy được, đâu có nghĩa là nó không hiện hữu?

Muốn tìm hiểu chiều đo thứ tư này, ta cần dùng đến sự so sánh. Thí dụ có một con kiến đang bò trên một tờ giấy phẳng. Giả thuyết rằng con kiến không thể rời khỏi tờ giấy này được nên thế giới của nó chỉ là một mặt phẳng giới hạn trong hai bề đo. Dù nó biết suy luận nó cũng không thể quan niệm được bề đo thứ ba tức là bề đứng. Từ không gian ba chiều của chúng ta, ta có thể làm nhiều điều tầm thường mà con kiến cho là một phép lạ thí dụ như ta để một hạt thóc lên tờ giấy. Con kiến không thể hiểu hạt thóc từ đâu xuất hiện vì giới hạn trong hai bề đo của tờ giấy, nó nghĩ rằng mọi vật phải đến từ tờ giấy chứ không thể ở một cõi nào đó. Nếu con kiến muốn đi từ đầu giấy đến cuối, nó phải bò suốt chiều dài tấm giấy. Ðối với chúng ta, vì biết chiều đo thứ ba, ta có thể gấp tờ giấy lại để hai góc tờ giấy chạm vào nhau, con kiến chỉ cần nhúc nhích đã đi đến cuối tờ giấy. Nó không thể hiểu tại sao quãng đường dài bỗng biến mất, dĩ nhiên đối với ta việc này đâu có gì lạ. Vấn đề này có thể dùng để diễn tả thuật "Rút đất" của các Lạt Ma Tây Tạng. Một khi đã hiểu chiều đo thứ tư, mọi hiện tượng cõi âm đều có thể giải thích hết sức dễ dàng, khoa học.

Chúng ta đều biết đường thẳng được tạo ra bởi một điểm kéo dài theo một chiều nhất định. Nếu ta di chuyển một cái chấm khoảng 2 thước thì ta có đường thẳng dài 2 thước. Nếu ta tiếp tục di chuyển chấm ấy một khoảng cách 2 thước nhưng thẳng góc với đường cũ cho đến khi trở về khởi điểm thì ta sẽ có một hình vuông. Hình vuông có thể diễn tả bằng con số 2 bình phương theo toán học. Ðây là hình học mặt phẳng chứ không có gì lạ. Nếu ta tiếp tục di chuyển theo chiều đứng, thẳng góc với hình vuông cũ thì ta sẽ có một khối vuông (Cubic). Khối vuông có thể diễn tả bằng con số 2 tam thừa. Tóm lại ta có 3 hình: Ðường thẳng, hình vuông và khối vuông tương ứng với số 2, 2 bình phương, 2 tam thừa.

Hình học không gian ngừng ở đây, không đi xa nữa vì ta chỉ biết có 3 chiều mà thôi, nhưng toán học cho biết có thể có 2 tứ thừa, 2 lũy thừa năm, 2 lũy thừa sáu và nhiều nữa. Các con số toán học này đều có hình tương ứng trên phương diện hình học và tương ứng với 2 lũy thừa bốn hay bề đo thứ tư là chìa khóa vào cõi âm. Khoa Hình học cổ của Ai Cập không những chứng minh được mà còn có các dụng cụ để đo lường chiều thứ tư này. Trở về hình học phẳng, ta sử dụng thước kẻ để đo chiều dài. Ðể đo hình vuông ta sử dụng một thước khác gọi là thước vuông vì loại thước kẻ không thể đo góc vuông được. Cũng thế khi bước sang hình học không gian ta không thể dùng thước vuông vì hình vuông theo định nghĩa không có bề đứng, không thể đo hình khối được. Nếu di chuyển hình khối theo chiều đo thứ tư ta sẽ có hình gì? Dĩ nhiên ta không tưởng tượng được. Hình học Ai Cập cho biết nó là một hình bốn bề, có 16 góc, 32 cạnh và 24 mặt được giới hạn bởi 8 hình khối (Hình khối chỉ có 6 mặt 12 cạnh và 8 góc). Ngày nào khoa học chứng minh được hình này là họ mở cửa vào được chiều đo thứ tư. Toán học cho biết 2 lũy thừa bốn rất dễ chứng minh và từ toán học áp dụng để xây Kim Tự Tháp, đem các tảng đá vạn cân lên cao. Môn học này đã thất truyền trong quá khứ nhưng di tích của nó vẫn được ghi khắc trên những biểu tượng tại Kim Tự Tháp.

Khi vén màn vào chiều đo thứ tư, sự phát minh khoa học ngày nay chỉ là mảnh vụn, không đáng kể. Con người có thể du lịch khắp không gian và có quyền năng ngoài sự hiểu biết của người hiện tại. Trong thời buổi vàng son, dân Ai Cập đã đi khắp không gian, đến những giải ngân hà xa lạ nhưng tiếc thay sự giao tiếp với cõi âm của chiều đo thứ tư đem lại các hiểm nguy mà họ không biết. Chính vì thế nền văn minh này đã sụp đổ, biến mất trên mặt địa cầu chỉ vì thiếu một nền tảng trí tuệ sáng suốt, không biết phân biệt chân giả. Từ ngàn xưa, các bậc trưởng lão đã nhắn nhủ rằng sự tiến bộ phải song song với trí tuệ và chỉ khi trí tuệ khai mở con người mới đủ khả năng phân biệt hư thực, xé bỏ các mê lầm của vô minh. Tiếc thay các nhà lãnh đạo Ai Cập không nhận thức điều này nên mới xảy ra những điều đáng tiếc.

Khoảng 8 ngàn năm trước họ đã ở những xã hội hơn hẳn những xã hội tân tiến, văn minh nhất bây giờ bằng cớ là ngày nay, đã ai xây nổi Kim Tự Tháp chưa? Còn nhiều vấn đề thần bí khác mà một ngày nào đó khoa học sẽ khám phá?.

Ai Cập đã để lại những Kim Tự Tháp hùng vĩ, kiến thức vĩ đại vào mục đích gì? Ða số người Âu cho rằng đó là một tàng trữ thi hài những vua Pharaoh, có như vậy chăng? Tại sao triều đại Pharaoh có cả trăm vua chúa mà chỉ có vài vị cho xây Kim Tự Tháp? Nhưng người ta đâu có tìm thấy thi thể vua chúa nào trong Kim Tự Tháp đâu? Hơn nữa, trong Kim Tự Tháp làm gì có ám tự hay tranh ảnh nói về một cá nhân ông vua nào đâu? Chỉ có những nấm mồ đào được chôn sâu dưới đất mới có các xác ướp và tranh vẽ thôi, điều này thế nào? Tại sao các nấm mồ trong lòng đất có khắc ký hiệu, ám tự, hình vẽ mà trong Kim Tự Tháp lại trống trơn? Dĩ nhiên quan niệm thông thường không thể hiểu nổi, nếu chúng ta hiểu chiều đo thứ tư thì chúng ta sẽ không nhìn Kim Tự Tháp như một hình khối ba chiều.

TTđTD - Trích: Hành Trình Về Phương Đông

Không có nhận xét nào: