Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Vấn đề nguồn gốc văn hoá Việt Nam

Khai Từ
Với bất cứ dân tộc, hay tôn giáo nào, hễ đã nói tới nguồn gốc là trở thành vấn đề nghĩa là nói đến những khó khăn, những nghi ngờ, do dự, tìm kiếm rồi nhân đó nẩy ra rất nhiều ý kiến, nhiều giả thuyết. Nước Việt Nam tất nhiên không nằm ngoài thông lệ đó được: vì nguồn gốc thường bị chôn sâu dưới những dĩ vãng hỗn tạp: ai dám tự hào biết đích xác và biết hết cả được. Thành ra mỗi thuyết chỉ nói lên được một vài điểm nào đó. Người sau thấy có những điều thiếu sót thì lại đưa ra một thuyết mới, để cố nói lên những điều bỏ sót nọ, và đấy là trường hợp Việt Nho, nó dựa trên một số sự kiện hoặc bị các thuyết trước bỏ quên hoặc để lu mờ sau đây:

- Trước hết là mối liên hệ giữa Việt Nam và Bách Việt bị bỏ lơ là, nhiều người còn cho là không liên hệ chi cả với người còn cho là không liên hệ chi cả với người Việt Nam này.

- Không đặt nổi được sự dị biệt giữa hai thứ Nho Giáo, một của thị dân, một của thôn dân, nên không nhìn ra trận tuyến văn hóa đích thực nằm giữa Hán Nho và Nho sơ khởi mà lại đặt lầm sang địa hạt chính trị giữa Tàu và Việt.

- Bởi thế thay vì nhìn nhận mối liên hệ thâm sâu giữa văn hóa Việt Nam với Nho Giáo, thì lại đặt chúng trên hai trận tuyến chống nhau.

- Do đó không thể nói lên cách lí giải đâu là nét đặc trưng của văn hóa nước nhà, ít ra những nét cơ bản nhất. 

- Vì vậy không thễ thiết lập nổi cho nước một chủ đạo thích hợp tính tình phong thổ và trình độ tiến hóa riêng biệt.

Đấy là những khuyết điểm mà Việt Nho muốn bổ cứu. Có thể nói năm điểm trên thuộc đối tượng. Ngoài ra nó cũng muốn đóng góp cả về phương pháp. Là vì trong làng văn hoá quốc tế đã có những phương pháp mới rất đáng chú ý mà cho tới nay chưa thấy được áp dụng ít ra cách triệt để vào việc tìm hiểu văn hóa nước nhà. Thế mà với bất cứ nền văn hóa nào thì những phương pháp nọ cũng rọi nhiều tia sáng mới lạ rất đáng chú ý, huống nữa với nền văn hóa Việt Nam có hai điểm khác văn hóa Tây phương: một là nó ưa lối không nói mà nói, gọi là “ý tại ngôn ngoại”. Hai là có sự tham dự của dân chúng vào việc hình thành văn hóa, thế mà dân chúng không “viết sách” dài nhưng chỉ nói vắn tắt qua ca dao, qua thể chế, thói tục, lễ lạy, huyền thoại… Vậy cần một phương pháp chú ý tới tất cả những cái đó, và đấy là điều chúng tôi thử làm với thuyết Việt Nho và gọi là huyền sử. Huyền sử là kết tinh bởi những phương pháp của các khoa nhân văn mới như xã hội học đặt nặng trên thói tục, thể chế uyên tâm chú ý đến huyền thoại được coi như tiếng nói của tiềm thức, cơ cấu chú ý hơn hết đến các con số tiêu biểu, khảo cổ dựa trên các di tích thám quật được.

Đó là những yếu tố mới lạ, khác với phương pháp quen dùng tới nay nặng tính chất hàn lâm hoặc duy sử. Vì có sự khác biệt cả về đối tượng lẫn phương pháp nên tất nhiên Viêt Nho đưa ra một lối nhìn khác xưa cùng với những đề quyết nhiều khi động trời khiến một số học giả bỡ ngỡ. Vậy với quyển này tuy chưa là tận cùng nhưng đã là thứ chín trong toàn bộ nên chúng tôi đã có thể nói rõ hơn về lập trường riêng, đồng thời đua ra một vài kiểm điểm đễ gọi là mời độc giả cùng chúng tôi nghỉ giải lao để nhìn trở lại những bước đã kinh qua. Con đường tìm về nguồn gốc văn hóa dân tộc là đường bất tận, chẳng bao giờ tới cùng, nên lâu lâu phải dừng lại để kiểm điểm. Xong lại lên đường.

Chữ viết tắt
------------------------------
Archeo : The archeology of ancient china, by Kwang - chih – chang. Yale University Press. New haven. 1968.
Bezacier : L’art Vietnamien par L. Bezacier. Ed. Union Francaise. Paris 1954
Caedes : Les états himdouisés d’lndochine et d’lndonésie par G. Caedes. éd. de Boccard. Paris. 1948
Escara : Les institutions de la Chine par Henri Maspéro et Jean Escara P.U.F 1952
Eberhard : A History of China by Wolfram Eberhard. London 1955. Bản dịch Pháp của nhà Payot Paris.
Huard : Connaissance du Vietnam. EFEO 1954
Keim : Panorama de la Chine par Jean Keim Hachette 1951
Marg : La langue et l’écriture chinoises par Georges Margoulies. Payot Paris 1943. 
Terrien : The languagas of China before he chinese by Terrien de La Couperie. Tapel 1970.
Chú ý : Các ký hiệu đã cho trong các quyển trước cùng bộ không nhắc tới.

I. NỀN MÓNG CỦA VIỆT NHO

A. NHỮNG YẾU TỐ VĂN MINH CỦA LẠC VIỆT

Trong “Việt lý Tố nguyên” có hai đề thuyết động trời một là Bách Việt làm chủ trọn vẹn nước Tàu trước người Tàu, hai là chính người Bách Việt đã chủ xướng ra Nho giáo, người Tàu chỉ làm cho hoàn bị cũng như làm sa đoạ ra Hán Nho. Chủ đề nhất kể như được kiện chứng rồi. Ở đây tôi chỉ chú ý đến chủ đề hai có tính chất thuần túy văn hóa.

Đó quả là một chủ đề quá táo bạo; nên có người cho rằng người Tàu sẽ không thèm cãi mà chỉ cười, cười khinh. Còn học giả ta thì một vài vị mới nói ngầm là ái quốc quá khích, là chủ quan…, ngoại giả còn chờ xem (wait and see). Tôi không chú ý đến người Tàu hay những người cho là quá khích, hay vội vàng, vì mỗi người có quyền nói lên cảm nghĩ của mình, nhưng đó mới là cảm nghĩ chua xài được. Muốn xài (tức là đưa ra tranh luận) phải kê khai ra điểm nào là quá khích, điểm nào là chủ quan. Điều đó chua ai làm, nên những bài sau đây chưa hẳn nhằm trả lời ai mà chỉ có ý đáp ứng sự chờ đợi của một số độc giả mong tôi minh đinh thêm về chủ trương Việt Nho.

Vậy việc trước hết phải làm là xem thuyết Việt Nho có nền tảng nào chăng. Muốn thế thì cần xét xem khi hai chủng gặp gỡ thì ai hơn, ai kém: nếu Hoa tộc hơn hẳn Việt tộc thì thuyết Việt Nho thiếu nền, ngược lại là có nền. Dấu hiệu để xét đoán hơn kém là sự vay mượn: ai vay là kém.Nếu người Tàu vay mượn Lạc Việt nhiều thì ta có quyền đua ra thuyết như trên.

Vậy mà có nhiều việc chứng tỏ người Việt hơn. Tất nhiên không hơn vì có tài đặc biệt nhưng hơn vì vào nước Tàu trước, chiếm cứ miền tốt nhất là Hồ quảng, nên có dịp đi trước về một số điểm thí dụ về đóng thuyền bè đã giỏi đủ để vượt trùng dương đến các đảo xa xôi. Thứ đến là Lạc Việt hơn Tàu về cái nỏ. Trung Hoa đã tiếp xúc với Việt ở Kinh man từ đời nhà Hạ, mà mãi đến đời Tần, Tàu vẫn còn kém về nỏ; ẩn tích sự vụ đó còn để lại trong câu truyện huyền thoại nỏ thần của An Dương Vương chống Triệu Đà.

Tàu học của Việt ở đất Kinh man rất nhiều nhưng it ai chú ý đến là vì không chú ý đến sự kiện Lạc Việt đã vào nước Tàu trước cả hàng ngàn năm, khiến cho Tàu đến sau phải mượn của Việt khá nhiều cái, ta hãy lên sổ tạm:

1. Trước hết là cái nỏ. Người Tàu dùng cung thiếu cây dọc nên không bắn nhiều tên một trật được như nỏ.

2. Thứ đến là nhà nóc oằn góc mái cong lên trời người Tàu mới làm tự đời nhà Đường, trước kia mái nhà của họ thẳng như khoa khảo cổ chứng minh (xem L’art Vietnamienne tr. 32 Bezacier. Hoặc Archéo tr. 99).

3. Đôi đũa ăn cơm. (Naissance de la Chine tr. 307. Hoặc Huard tr. 198).

4. Làm thuyền.

Về điểm này Việt nổi hơn quá nhiều. Lúc Si Vưu thua Hiên Viên thì Lạc Việt đã vượt được biển mà người Tàu mãi tới đời nhà Hạ mới vượt sông Hà ở quãng hẹp nhất nơi cửa sông Vị, chứ chưa dám vượt phía đông rộng hơn.

5. Thủy vận và nghề đánh cá của dân Việt ông Huard (tr.227) nhận xét ngôn ngữ Việt đầy tiếng về thuyền bè…

6. Cách lợi dụng nước thủy triều để làm ruộng của dân Lạc Việt. Đây là điểm được người Tàu đặc biệt chú tâm coi như liên hệ tới vận số quốc gia của họ* thế mà còn phải mượn của Việt thì còn có thể nói đến nhiều cái khác như sơn mài mà người Thái ở Thục hơn Tàu. Nói chung thì trong hai ngàn năm đầu chỉ thấy có Tàu mượn Việt mà không thấy Việt mượn Tàu. Tàu hơn Việt được cái xe, nhưng Việt không mượn vì chuyên về thuyền.
------------------
* Có thể nhận thấy điều đó qua luận án Key economic in Chinese history, as revealed in the development of public works for water control của Chi Chao Tinh, London, 1936. Chủ thuyết trong cuốn này là khi nào Tàu săn sóc sông ngòi thì nước cường thịnh, đó là lối giải nghĩa thượng tầng văn hóa chính trị bằng hạ tầng kinh tế. Chúng ta không theo lối giải nghĩa đó, nhưng công nhận rằng tác giả nhìn thấy tầm quan trọng của việc trị thủy.

B. NGƯỜI TÀU CÓ THU NHẬN NHỮNG YẾU TỐ VĂN HÓA LẠC VIỆT CHĂNG?

Đó là phần văn minh. Bây giờ chúng ta bước sang phần văn hóa và hỏi người Tàu có mượn chi chăng? Thưa có nhiều. Hãy đi từ hình thức đến nội dung. Về hình thức thì nên chú ý đến ngôn ngữ là đầu, vì vay mượn ngôn ngữ của ai là đầu phục văn hóa của họ, coi là cao hơn. Thế mà trong vụ này thì cổ Mã lai có cho Trung Hoa vay. Thế mà cổ Mã lai với Bách Việt đồng tông (xem Việt Lý tr. 341). Việt chỉ học với Tàu về sau. Còn lúc mới gặp gỡ thì Tàu mượn của ta nhiều tiếng như đậu do đồ, bản do ván, vân do mây... Về điễm này tôi không chuyên môn mà chỉ đọc ít nhiều tài liệu nói đến chuyện Hoa tộc vay nhiều tiếng của Lạc Việt đến nỗi cả cú pháp của họ cũng có thay đổi (Xin xem chi tiết trong quyển The languages of China before the Chinese của Terrein de Lacouperie mới được Chieng Wen tái bản tại Đài Bắc 1970) vì là ngành chuyên môn nên tôi xin thông qua để bàn sang các chuyện khác nhất là triết.

C. BA CỘT CÁI CỦA NHO.

Nói đến triết thì quan trọng không còn nằm trong hình thức (ngôn ngữ, chữ viết) mà là trong nội dung: “từ đạt nhi dĩ hĩ”. Vậy xét nội dung thì thấy trong Nho Giáo có những yếu tố sau đây của Lạc Việt là đạo thờ trời, lễ gia tiên và ngũ hành.

1. Đạo thờ trời là của Bách Việt về sau Tàu mượn và dành cho vua, dân không được thờ, đang khi bên ta đến năm 1945 có nơi đến 80% gia đình trong nhà có bàn thờ ông Thiên.*
------------- 
* Chỗ này Võ phiến có một bài nhận xét nhan đề là ” Đất của con người” đăng trong Bách Khoa số 376 tháng 9-12 nói về miền Nam. Đại khái: “Đâu cũng có dấu tín ngưỡng: ngoài sân thờ ông Thiên, trong nhà thờ ông Địa và khắp cùng nơi dong chơi các ông Đạo… Đất miền Nam cơ hồ thuộc các đấng thần linh. Thế mà lạ: không ở đâu con người được đề cao bằng ở đây. Đây mới chính thị là đất của con người…”
Đây là bài tôi cho là sâu sắc và rất hợp với thuyết nhân chủ của tôi, con người hòa hợp với trời đất, mà vẫn giữ được nhân chủ tính… cũng như chủ trương coi miền Nam phản chiếu Việt Nho hơn hết (xem Vấn đề Quốc học). 
------

Trời mà Việt Nho thờ rất bao dung như mẹ hiền. Có lẽ sau này Tàu đổi ra ông Trời, còn trước kia với Lạc Việt là bà Trời. “Ông trăng mà lấy bà trời”. Cùng với Thái dương thần nữ của Nhật, hay Cửu thiên huyền nữ của ta là một gốc. Chính đạo thờ trời này liên hệ với nhân chủ tính (xây trên tam tài) mà biểu hiện là gia tiên.

2. Vậy lễ gia tiên cũng là của Lạc Việt, Tàu mượn và dành cho quý tộc, chứ dân chúng không được thờ, Có người nhận xét là gia đình Tàu không có bàn thờ tổ tiên khác hẳn với Việt Nam nhà nào cũng có. Như vậy đã rõ nơi phát xuất phải là Việt thì người Việt mới thấm nhuần nhiều hơn được như vậy.

3. Còn ngũ hành thì đến nay các học giả cho là phát xuất tự đông nam kể cả tử vi căn cứ trên ngũ hành. Còn ý kiến bảo tự Tây Âu bị bác bỏ vì Tây thường là tứ hành với khí và gió lửa, đất (xem Need 11.244,246,355). Cũng như Âm Dương không thể do Perse vì không có tốt xấu, âm không xấu… (Need 11.277). Vì thế có thể coi là do Kinh sở tức do Lạc Việt, cả ngũ hành lẫn âm dương.

Đó là những cột cái hay là cơ cấu của Nho giáo sơ khởi và có thể coi như là những lẽ chứng minh tức căn bổn, còn lý do tùy để kiện chứng thì có thể đưa ra hai điểm sau: 

Trước hết là việc Khổng Tử tuyên bố “thuật nhi bất tác” tức chỉ thuật lại đạo cổ xưa chứ ông không sáng tác và nếu cần xác định là đạo cổ ở phương nào thì ông bảo ở phương Nam. Trong câu: ”Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo Nam phương chi cường dã, quân tử cư chi” Trung dung 10. Vì những lý do trên chúng ta nên từ bỏ hai thói quen: trước hết là coi Khổng Tử như người sáng lập ra Nho giáo. Công của Khổng Tử là làm cho đạo Nho phục hồi sức mạnh mà thôi.

Hai là trung tâm văn hóa của Tàu luôn luôn ở Hồ Quảng, tức miền của Lạc Việt hoặc thời Khổng Tử là Sơn Đông (Tề, Lỗ) cũng là miền có sự hiện diện lâu đời của Lạc Việt.

Với ba lý chứng lớn lao, với hai lẽ kiện chứng cụ thể tôi cho là không những có nền để đặt giả thuyết Việt Nho, mà thuyết đó còn đáng nâng lên bậc chủ thuyết.

D. KHẢ NĂNG TIẾP XÚC.

Có người căn cứ trên sự kiện là không có sọ Lạc Việt ở vùng Hoa Bắc mà chối từ giả thuyết trên, nhưng giả sử là cuộc thám quật đã đầy đủ đi nữa thì vẫn còn nhiều lối khác như Viêm Việt ở hai phía Hoa Bắc là Sơn Đông (Đông di) và phía Tây (Khuyển nhung) ép Hoa tộc vào giữa, còn phía Nam thì nắm trọn. Nếu người Tàu chưa vượt được Hoàng Hà thì đã có người Việt: chữ Việt có nghĩa cụ thể là vượt Hà: vượt xuống Nam cũng như vượt lên Bắc. Vì thế mà năm 672 trước kỷ nguyên, nhà Chu còn phải xuống chiếu phủ dụ sở Thành vương phải chế phục và bình định những rợ Nam man, để cho lũ man di Việt đừng xâm phạm Trung Nguyên. Vả lại về ảnh hưởng văn hóa đâu có cần sự ở chen kẽ, chỉ cần tiếp xúc, mà Hoa tộc thì tự lúc vào nước Tàu đã liên tục tiếp xúc với Lạc Việt cả ba phía Đông, Tây, Nam. Vả lại Nho giáo chỉ kết tinh vào đời Chu thì không nên gảy bỏ ảnh hưởng miền dưới sông Hoàng Hà mà sức ảnh hưởng lớn lao đến nỗi đổi cả tâm hồn trí não, tâm tình vóc dáng và màu da của người Tàu đến cư ngụ ở miền Kinh Việt, cả chỉ số của họ cũng đổi đến nỗi có người nghĩ phải đặt ra cho họ một chủng riêng là Nam Mông gô lích. Tất cả những sự việc này xảy ra thời chung đúc Việt nho với Hoa nho làm nên Vương nho. Việt nho thuần chủng là tự đầu đến Hiên viên. Vương nho tự Hiên viên tới thời Xuân Thu, rồi Đế nho thời Ngũ Bá. Sau đó là Hán nho. Vì những lý do trên mà tôi cho là Tàu đã vay mượn cả văn hóa Lạc Việt nữa. Văn hóa đó tôi gọi là Nho giáo đang thai nghén tức mới cảm thấy lơ mơ nên diễn bằng huyền thoại. Có ý thức đủ để diễn ra bằng ngôn từ, văn tự, ý tưởng thì sẽ được người Tàu (hay lai Tàu) làm về sau đời nhà Chu, nhất là với Khổng Tử, tức là lối hai ngàn năm sau khi người Tàu đặt chân vào nước Tàu, nên quá đủ lâu dài để gồm cả ảnh hưởng Lạc Việt ở Kinh man vào đó. Vậy nói người Tàu vay mượn văn hóa Việt là có quá nhiều tang chứng, chứ không phải vô bằng chủ quan hay vội vàng như có người nghĩ đâu.

Đ. THIẾU SÒNG PHẲNG

Trong phạm vi văn hóa việc chủng này vay mượn chủng kia là quá thường không cần phải khai ra cũng chẳng sao, nhất là đối với Tàu là kẻ mạnh hơn Việt thì trước việc khai ra càng có lý do. Thế hỏi tại sao lại bảo người ta ăn cướp. Thưa rằng đó chẳng qua là lối nhấn mạnh cho câu văn mang tính chất kích động vậy thôi. Tuy nhiên vì là những danh từ có vẻ dao búa thì cũng phải có lý do nào đó mới được phép xài, và lý do đó ở tại việc Tàu có vay mượn của Việt mà lại khi dể người ta cho là Man di Bách Việt, thế cho nên tôi mới đi tìm thử coi Man di đáng khinh chăng thì té ra không hẳn như vậy, mà trái lại Tàu có vay mượn lại còn có cả cạo số nữa chứ. Thí dụ Lạc bộ chuy mà Tàu đã vay mượn tôn giáo thì lại viết với bộ thủy, thành ra Lạc bộ chuy mất tích luôn. Thế mà Lạc bộ chuy là Môn tức tổ tiên xa nhất của ta và còn để ẩn tích lại trong danh hiệu Hồng Bàng (chữ Hồng với chuy có liên hệ Điểu) thế mà sự cạo số đã thành công đến nỗi người Việt về sau mất trọn ý thức về mối liên hệ với Môn với Điểu, đến nỗi ngày nay nhiều người còn cho truyện Hồng Bàng thị là hoang đường thì đủ biết đã có sự cố tâm xóa bỏ gốc tích người ta.

Đấy là những chuyện lặt vặt, chắc còn nhiều mà ta chưa kịp truy tầm, nhưng đây chỉ cần nêu ra một việc quan trọng là trong khi lên sổ những chủng tộc làm thành dân tộc nước Tàu thì họ chỉ kể tới có Mông, Mãn, Hồi, Tạng còn Bách Việt thì quên ắng đi. Đang khi ấy thì chính Bách Việt vừa đông người nhất vừa đóng góp văn hóa nhiều nhất.

Đông nhất đến nỗi có thể nói là 60 hoặc 70% dân Tàu hiện nay là người Bách Việt. Vì thế tôi coi đó là một cuộc cạo số to nhất mà chúng ta có thể kiểm kê xuyên qua lối phát âm và được khoa ngôn ngữ tỉ giảo cho biết có đến 7, 8 phần mười người Tàu nói theo giọng Việt, hay nói theo phương âm là 9 trên 10.

E. CHÍN PHẦN MƯỜI NGƯỜI TÀU NÓI THEO GIỌNG VIỆT.

Đó là căn cứ trên phương âm của Tàu hiện nay mà nói. Theo các nhà ngôn ngữ thì Tàu có tất cả 10 phương âm, trong đó Trung Nguyên của Tàu chính cống chỉ là một gồm Đông Thiểm Tây, Nam Hà Bắc, Nam Sơn Tây. Ngoại giả toàn là Tàu đọc giọng Lạc Việt gồm:

1. Tần ngữ: Ở Thiểm Tây được coi như tiếng tiền quan thoại.

2. Thục ngữ: là âm của người Thái xưa.

3. Yên, Tề ngữ: Đông Di( Sơn Đông) hay là Lạc Địch.

4. Sở ngữ: Kinh Man, Lạc Việt. Trung tâm văn hóa nước Tàu.

5. Mân ngữ: Mân Việt ở Phúc Kiến.

6. Việt ngữ: Quảng Đông, Quảng Tây.

7. Giang Hoài ngữ: Bắc Giang Tô, Việt Chiết Giang.

8. Ngô, Việt ngữ: Giang Tô, Chiết Giang - Việt xưa.

9. Điền Kiềm ngữ: Vân Nam.

Với một sự đóng góp cả về nhân số lẫn văn hóa lớn lao như vậy mà lại bỏ quên thì có dùng chữ cướp tưởng không quá khích chi cả.

Thế là tạm xong, người Tàu có mượn của Việt cả văn minh (nỏ, đũa, thuyền, thủy vận) lẫn văn hóa: đạo thờ trời, gia tiên, ngũ hành, giong nói… Vậy thuyết cho rằng người Việt đã đóng góp vào việc hình thành Nho giáo có nền tảng.

G. PHẦN ĐÓNG GÓP CỦA DÂN GIAN.

Đề quyết trên càng rõ hơn khi ta chú ý đến điều này là văn hóa trong các xã hội Việt nho được kiến tạo đầu tiên do dân gian, nhất là dân gian nước Sở, tức là Kinh Việt của tiền nhân ta dưới triều đại Kinh Dương Vương mà chúng tôi đã nói nhiều nơi về phần đóng góp quan trọng của dân gian, cũng như việc nhà Hán dùng dân nước Sở làm chủ lực thế mà dân Sở là Hoa gốc Việt, nên Hán chính là dân Kinh Việt.

Xét như trên thì những câu kết luận táo bạo của chúng tôi có đầy căn cứ, phương chi sự táo bạo cũng nhiều khi rất cần thiết trong phạm vi khoa học, dầu có sai đi nữa nhưng chính chúng mới làm cho khoa học tiến bước. Giá trị của chúng là khơi dậy sự chú ý, tạo dịp cho những chống đối, bắt phải điều chỉnh… Đấy là những tác động hợp khoa học vậy.

Kim Định 
Nguồn: anviettoancau

Không có nhận xét nào: