Đức Phật có rất nhiều bài thuyết giảng trợ giúp nhân thiên nhổ tận gốc tham sân si và vô minh, vượt thoát bộc lưu luân hồi sinh tử, tùy theo lợi căn của từng người.
Tuy nhiên, cả thảy chung quy chỉ là một lộ trình xuyên suốt, rõ ràng. Như thế nào là một lộ trình xuyên suốt?
Đoạn tận gốc rễ tham sân si và vô minh, vượt thoát bộc lưu luân hồi sinh tử, là mục đích cuối cùng, kết quả cuối cùng, không còn gì khác phải làm thêm.
Cái gì là nhân gần, là tư trợ, là quyết định cho sự đoạn tận này? Chính là tự mình như thật tuệ tri (chứng ngộ) "Đây là khổ", "Đây là quá trình tạo ra khổ, tức là khổ tập", "Đây là khổ diệt, tức là sự đoạn tận gốc rễ tham sân si và vô minh, là niết bàn an lạc tịch tịnh", "Đây là đạo diệt khổ, tức là lộ trình tu tập đoạn tận gốc rễ tham sân si và vô minh". Gọi là chứng ngộ chánh lý.
Quá trình dẫn tâm để thâm nhập chánh lý, gọi là thiền tuệ, hay còn gọi là pháp quán pháp đối với bốn sự thật.
Cái gì là nhân, là tư trợ cho chứng ngộ chánh lý? Bảy giác chi viên mãn, và tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh.
Cái gì làm cho bảy giác chi viên mãn, và tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh? Chính là tu tập chánh niệm (tứ niệm xứ) một cách thuần thục, hoặc tu tập chánh định (tứ thiền) một cách thuần thục.
Trong chánh niệm được tu tập, chú tâm và tỉnh giác cần được tu tập, năm triền cái chướng ngại cần phải đoạn trừ, chánh định được sanh ra. Chánh niệm được thuần thục, làm cho chánh định được thuần thục.
Trong chánh định được tu tập, chánh niệm và tỉnh giác cần được tu tập, năm triền cái chướng ngại cần phải đoạn trừ. Chánh định được thuần thục, làm cho chánh niệm được thuần thục.
Trong tu tập đoạn trừ năm triền cái, ba thiện hành thân khẩu ý và giới cần được thực hành.
Chánh tinh tấn luôn phải có mặt trong tu tập.
Chánh tri kiến, chánh tư duy là kim chỉ nam, là quả của mọi quá trình tu tập, cần được tu tập.
Do vậy, bất cứ sự tu tập, đều phải lấy mục đích "bảy giác chi viên mãn, và tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh" làm MỤC ĐÍCH của tu tập, làm NỀN TẢNG ĐỂ TƯ DUY, QUYẾT ĐỊNH, làm NGƯỜI HƯỚNG DẪN PHÁP TU VÀ SỰ HÀNH của hành giả. Đây, được gọi là chìa khóa vạn năng.
---
Thế nào là bốn niệm xứ là con đường độc nhất?
- Như lộ trình tu tập đã được nêu lên ở đây, hành giả có thể khởi đầu tu tập bốn niệm xứ, cho đến thành tựu chánh lý. Vì đây là con đường xuyên suốt từ đầu đến cuối, không phải thực hành con đường khác, nên nói là con đường độc nhất, tức là một con đường từ đầu đến cuối.
- Như lộ trình tu tập đã được nêu lên ở đây, nếu hành giả tu tập tứ thiền, thì trong khi tu tập tứ thiền, cần phải tu tập chánh niệm để làm tư trợ, và sau khi thành thục tứ thiền, thành tựu "bảy giác chi viên mãn, và tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh", vị ấy cần phải quán pháp trên các pháp đối với bốn sự thật. Do nhân một con đường, có một hay nhiều đoạn đường là tứ niệm xứ, nghĩa là do nhân phải đi qua nó, nên nói nó là con đường độc nhất.
(Quang Vô Sắc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét