Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

CON ĐƯỜNG CHẤM DỨT KHỔ

(Quang Vô Sắc đúc kết từ kinh Nikaya)
Đây là con đường để chấm dứt khổ. Con đường này lấy Chánh niệm hoặc, và Chánh định làm mũi nhọn, với mười hai pháp cận duyên, tư lương, trợ duyên, để làm viên mãn bảy giác chi hoặc, và tám tâm thuần thục, làm nền tảng vững chắc để quán pháp trên các pháp đối với bốn Thánh đế được viên mãn, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn.
Để hành giả thấy rõ hành trình, ở đây phân chia con đường chấm dứt khổ thành hai giai đoạn. Bao gồm giai đoạn tu tập con đường đưa đến chấm dứt khổ và giai đoạn hoàn thiện con đường chấm dứt khổ.
A) Giai đoạn tu tập, hay con đường đưa đến chấm dứt khổ, cần phải tu tập: bao gồm tu tập mười hai pháp cận duyên, tư lương, trợ duyên, và tu tập pháp mũi nhọn.
I) Mười hai pháp cận duyên, tư lương, trợ duyên: tín, tàm, quý, thân lành thiện, khẩu lành thiện, ý trong sạch, nuôi sống với chánh mạng, phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, đoạn trừ năm triền cái.
1. Tín: đầy đủ lòng tin đối với bậc toàn giác, là bậc A-la-hán, Chánh biến tri, Minh Hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, Phật, Thế tôn; cũng như là đầy đủ lòng tin đối với Chánh pháp([1]).
2. Tàm: luôn biết tự xấu hổ đối với bất cứ lỗi lầm từ thân khẩu ý, các ác, bất thiện pháp.
3. Quý: luôn biết tự ghê sợ đối với bất cứ lỗi lầm từ thân khẩu ý, các ác, bất thiện pháp.
4. Thân lành thiện (Chánh nghiệp): không sát sanh, không lấy của chưa được cho, không tà hạnh trong các dục([2]). Thân hành phải được lành thiện, quang minh chánh đại, cởi mở, không có tỳ vết, không có che giấu.
5. Khẩu lành thiện (Chánh ngữ): không nói sai sự thật, không nói lời hai lưỡi – đâm thọc, không nói lời thô ác – não hại, không nói lời phù phiếm – vô ích([3]). Khẩu hành phải được lành thiện, quang minh chánh đại, cởi mở, không có tỳ vết, không có che giấu.
6. Ý trong sạch: không tham dục([4]), không sân, không si mê – tà kiến. Ý hành phải được trong sạch, quang minh chánh đại, cởi mở, không có tỳ vết, không có che giấu.([5])
7. Cháng mạng: đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng.([6])
8. Phòng hộ các căn: khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân nào, khiến cho con mắt không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, thì tự chế ngự nguyên nhân ấy, phòng hộ con mắt, thực hành sự phòng hộ con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... Khi ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân nào, khiến cho ý căn không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, thì tự chế ngự nguyên nhân ấy, phòng hộ ý căn, thực hành sự phòng hộ ý căn.
9. Tiết độ trong ăn uống([7]): với chánh tư duy, sự thọ thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn".
10. Chú tâm cảnh giác: ban ngày đi kinh hành hoặc trong lúc ngồi, phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại([8]). Ban đêm canh một đi kinh hành hoặc trong lúc ngồi, phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh giữa, nằm dáng nằm con sư tử, nghiêng bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến lúc thức dậy lại. Ban đêm canh đầu thức dậy, đi kinh hành hoặc trong lúc ngồi, phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại.
11. Chánh niệm tỉnh giác: khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mặc y phục, bưng bê cầm nắm đồ vật đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác, khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi, đứng, nằm, ngồi, thức, nói năng hay im lặng đều tỉnh giác…([9])
12. Đoạn trừ năm triền cái: lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm… Sau khi ăn xong, ngồi kiết già, lưng thẳng, và an trú chánh niệm trước mặt. Từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, sống thoát ly hôn trầm và thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối tiếc, sống không trạo cử hối tiếc, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.([10])
II) Pháp mũi nhọn: Chánh niệm hoặc Chánh định.
Hành giả có thể chọn một trong hai pháp mũi nhọn để tu tập hoặc tu tập song hành cả hai pháp.
1. Chánh niệm: tu tập bốn Niệm xứ([11]).
- Quán thân trên thân, đối với: hơi thở, đại hành vi, tiểu hành vi, ba mươi hai thể trược, bốn đại, tử thi giai đoạn trương sình, tử thi giai đoạn bị sinh vật ăn, tử thi giai đoạn bị phân hủy chỉ còn xương, tử thi giai đoạn xương mục rã thành bụi.
- Quán thọ trên các thọ, đối với: cảm giác lạc, cảm giác khổ, cảm giác không lạc cũng không khổ, cảm giác lạc thuộc năm dục([12]) và không thuộc năm dục, cảm giác khổ thuộc năm dục và không thuộc năm dục, cảm giác không lạc cũng không khổ thuộc năm dục và không thuộc năm dục.
- Quán tâm trên tâm, đối với: tâm tham và không tham, tâm sân và không sân, tâm si và không si, tâm chuyên chú và tán loạn, tâm quảng đại và không quảng đại, tâm hữu hạn và vô thượng, tâm định và không định, tâm giải thoát và không giải thoát.
- Quán pháp trên các pháp, đối với:
+ Năm triền cái: tham dục, sân, hôn trầm – thụy miên, trạo cử - hối tiếc, nghi ngờ.
+ Năm thủ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
+ Sáu nội ngoại xứ: con mắt duyên các sắc, tai duyên các âm thanh, mũi duyên các mùi hương, lưỡi duyên các vị, thân duyên các xúc chạm với thân thể, ý duyên các pháp.
+ Bảy Giác chi: Niệm Giác chi, Trạch pháp Giác chi, Tinh tấn Giác chi, Hỷ Giác chi, Khinh an Giác chi, Định Giác chi, Xả Giác chi.
+ Bốn Thánh đế: Khổ, Nguyên nhân của Khổ, Sự diệt Khổ, Con đường đưa đến diệt Khổ.
2. Chánh định: tu tập bốn Thiền sắc giới.([13])
- Sơ thiền: ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.
- Thiền thứ hai: diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.([14])
- Thiền thứ ba: ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.
- Thiền thứ tư: xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, cảm thọ không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.([15])
III) Kết quả của sự tu tập con đường đưa đến chấm dứt khổ:
1. Bảy Giác chi viên mãn: nhờ tu tập thành tựu mười hai pháp cận duyên, tư lương, trợ duyên và tu tập bốn Niệm xứ viên mãn, cho nên Bảy Giác chi được viên mãn.
- Trong tu tập bốn Niệm xứ, có tu tập quán pháp trên các pháp đối với bốn Thánh đế. Quán pháp trên các pháp đối với bốn Thánh đế không thể thành tựu trọn vẹn Chánh trí khi Bảy Giác chi chưa viên mãn hoặc khi chưa thành tựu tám tâm thuần thục.
- Trong giai đoạn tu tập con đường đưa đến chấm dứt khổ, quán pháp trên các pháp đối với bốn Thánh đế, hành giả có thể thành tựu một phần Chánh trí. Nhờ thành tựu một phần Chánh trí này, hành giả có thể đoạn tận ba hạ phần kiết sử hoặc năm hạ phần kiết sử: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân. Cho nên, hành giả có thể chứng Thánh quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm.
2. Tám tâm thuần thục: nhờ tu tập thành tựu mười hai pháp cận duyên, tư lương, trợ duyên và tu tập bốn Thiền sắc giới một cách thuần thục, cho nên thành tựu tám tâm thuần thục.
- Thuần thục bốn Thiền sắc giới: phân biệt rõ ràng các thiền chi([16]) bằng trí tuệ, nhập vào bậc thiền bất cứ khi nào muốn, trú trong bậc thiền với khoảng thời gian bất kỳ chính xác như đã nguyện trước, dễ dàng xuất khỏi bậc thiền và chính xác như thời điểm đã nguyện trước, sau khi xuất khỏi bậc thiền thì quán xét lại các thiền chi một cách rõ ràng và đánh giá được ưu nhược của mỗi thiền chi, dễ dàng nhập xuất lần lượt mỗi bậc thiền hoặc nhảy cách bậc từ Sơ thiền đến Thiền thứ tư và ngược lại.
- Tám tâm thuần thục: định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh.
B) Giai đoạn hoàn thiện con đường chấm dứt khổ.
I) Thành tựu Chánh trí: với Bảy Giác chi viên mãn, hoặc với tám tâm thuần thục, hành giả phát triển pháp quán pháp trên các pháp đối với bốn Thánh đế, biết như thật “đây là khổ”, biết như thật “đây là nhân sanh của khổ”, biết như thật “đây là khổ diệt”, biết như thật “đây là con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật “đây là những lậu hoặc”, biết như thật “đây là nhân sanh của lậu hoặc”, biết như thật “đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Như vậy, hành giả thành tựu Chánh trí.
II) Chứng ngộ Niết-bàn (Chánh giải thoát): Nhờ thành tựu Chánh trí, tâm thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Hành giả biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa.” Như vậy, hành giả chứng ngộ Niết-bàn.
---
CHÚ THÍCH
([1]) Chánh pháp:
- Pháp: chỉ cho tất cả những thứ mà chúng sinh đã biết, đang biết, sẽ biết và có thể biết đến. Pháp có hai loại. Pháp vô vi và pháp hữu vi. Pháp vô vi chỉ cho những thứ không bao giờ thay đổi. Pháp hữu vi chỉ cho những thứ bị thay đổi hoặc tự thay đổi.
- Chánh pháp: là lời dạy của bậc toàn giác, bậc liễu tri pháp, bậc thông tuệ, bậc đại trí tuệ, bậc giải thoát, bậc trí tuệ, bậc đa văn Thánh đệ tử, bậc thắng tri pháp; là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí, chánh giải thoát.
([2]) Với hàng cư sĩ là không tà dâm; với hàng xuất gia là không dâm dục.
([3]) Từ bỏ nói phù phiếm, tránh xa nói lời phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi.
([4]) Tham dục: tham ái các sắc (những gì thấy bằng mắt), tham ái các âm thanh, tham ái các mùi hương, tham ái các mùi vị, tham ái các xúc chạm với thân thể. Các dục như tài, sắc, danh, thực, thùy đều thuộc tham dục như đã nêu.
([5]) Ý không trong sạch bởi các tâm cấu nhiễm, phiền não khởi sanh do tham dục, do sân, do si mê – tà kiến. Tham dục và tham lam bất chánh là một loại phiền não làm cấu uế tâm. Sân hận, giận dữ, thù nghịch, khinh thường, hỗn láo, đố kỵ, keo kiệt, dối trá, lừa gạt, bướng bỉnh, ganh đua, ngã mạn, kiêu căng, hợm hĩnh, phóng dật… là cấu uế của tâm.
([6]) Những hành vi phục vụ nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần, với sự hiểu biết đúng đắn, phải được hạn chế đến mức tối thiểu việc làm tổn hại mình, tổn hại kẻ khác, tổn hại cả hai. Như vậy gọi là chánh mạng.
Nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần: tất cả trang thiết bị, công cụ, dụng cụ, phương tiện và điều kiện phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần; tất cả các loại thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ mẩm, trang phục, trang sức…; tất cả các loại hình tiêu khiển, giải trí…
Việc làm tổn hại: tổn hại thiên nhiên, tổn hại môi trường và điều kiện sống của các loài và của mình, tổn hại nơi ở, tổn hại tài sản, tổn hại sinh kế, tổn hại sức khỏe, tổn hại thể xác, tổn hại tinh thần, làm yếu ớt trí tuệ, tổn hại danh dự, tổn hại nhân cách, tổn hại hạnh phúc và sự bình an, tổn hại sanh mạng của các loài và của mình…
([7]) Tiết độ trong ăn uống cũng thuộc Chánh mạng.
([8]) Các pháp chướng ngại: tham dục, sầu, bi, khổ, ưu, não, sân, hôn trầm, thụy miên, trạo cử, hối tiếc, nghi ngờ.
([9]) Tất cả hành vi lớn nhỏ của thân xảy ra, đều phải sáng suốt nhận biết một cách rõ ràng, ngay khi nó xảy ra.
([10]) Trong giai đoạn tu tập, để đảm bảo cho sự thành tựu Chánh niệm, Chánh định, năm triền cái cần được tu tập làm cho vắng lặng. Khi chứng Thánh quả Tu-đà-hoàn, nghi ngờ triền cái mới được đoạn trừ tận gốc rễ. Khi chứng Thánh quả A-na-hàm, tham dục triền cái và sân triền cái mới được đoạn trừ tận gốc rễ. Khi chứng Thánh quả A-la-hán, hôn trầm – thụy miên triền cái và trạo cử - hối tiếc triền cái mới được đoạn trừ tận gốc rễ.
([11]) Xem nội dung cụ thể của từng đối tượng niệm xứ trong Kinh đại Niệm xứ thuộc Trường bộ.
([12]) Năm dục: như tham dục.
([13]) Có bốn mươi đề mục để tu tập thiền chỉ: mười biến xứ (đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, ánh sáng, khoảng không có giới hạn), mười loại tử thi (trương sình, đổi màu xám xịt, thối rữa, bị đứt lìa tay chân, bị ăn, thành nhiều phần rải rác, thành nhiều miếng rải rác, chỉ còn xương dính máu, bị dòi bọ đục khoét, bộ xương), mười tùy niệm (Phật, Pháp, Tăng, giới, thí, Thiên, Niết-bàn, sự chết, ba mươi hai thể trược, hơi thở), bốn Vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), bốn Vô sắc xứ (không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ), quán tưởng tướng bất tịnh của vật thực, phân tích bốn đại. Ngoài ra, niệm danh hiệu Phật và niệm chú là hai đề mục có thể chứng và trú Sơ thiền.
([14]) Khi chứng đắc Thiền thứ hai, tiếng nói trong tâm đã được đình chỉ.
([15]) Khi chứng đắc Thiền thứ tư, hơi thở cũng đã được đình chỉ.
([16]) Sơ thiền có năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Thiền thứ hai có ba thiền chi: hỷ, lạc, nhất tâm. Thiền thứ ba có hai thiền chi: lạc, nhất tâm. Thiền thứ tư có hai thiền chi: xả (cảm thọ không khổ không lạc), nhất tâm.

Không có nhận xét nào: