Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Nhất tâm.

Nhất tâm vốn là căn tánh của tâm. Nghĩa là, tâm chỉ có thể nhận biết một đối tượng duy nhất, không thể nhận biết hai đối tượng trở lên trong cùng một thời gian. Ngang đây, các bạn khởi lên thắc mắc rằng: Vậy thì tại sao hành giả còn phải tu tập để thành tựu thiền chi nhất tâm, trong khi nhất tâm là căn tánh vốn luôn có của tâm?
Con đường giác ngộ, giải thoát của đạo Phật, nhất tâm phải đi kèm theo các điều kiện khác mới phát huy sự tiến tu của hành giả. Khi ấy, trạng thái nhất tâm của hành giả mới được gọi là nhất tâm trong thiền định và thiền tuệ. Bao gồm 5 điều kiện:
- Bất hại tầm: không hướng tâm đến điều có hại.
- Chú tâm tỉnh giác: Có đủ năng lực là một chủ thể sáng suốt, trong nhiệm vụ hướng tâm và nhận biết của nó. Một hành giả bị khuấy động bởi 5 triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm - thụy miên, trạo cử - hối quá, hoài nghi), khi ấy sự chú tâm tỉnh giác này sẽ bị hủy diệt, bị các triền cái chiếm chỗ, làm chủ tâm của vị ấy.
- Nhận biết kịp thời: Với sức mạnh chú tâm tỉnh giác đã được hành giả thường xuyên rèn luyện, tâm sẽ trở nên nhạy bén sáng suốt để nhận biết một cách tức thì đối với tình trạng của thân thọ tâm pháp hay trong sát na tiến trình nhân duyên sinh diệt của chúng, trong tình trạng chủ động và tỉnh giác của tâm.
- Khả năng duy trì: Hành giả có năng lực duy trì sự chú tâm tỉnh giác với đối tượng mà vị ấy có mục đích hướng tâm đến để thực hiện hoàn thành một nhiệm vụ nào đó trong thiền hay trên bước đường tu của mình.
- Khả năng nhập và xuất: Hành giả có thể nhập vào và xuất ra khỏi đối tượng của thiền bất cứ khi nào, trong trạng thái chủ động tỉnh giác.
Trạng thái nhất tâm trong 5 điều kiện kèm theo này, là không thể thiếu để thực hiện các nhiệm vụ trong thiền định lẫn thiền tuệ. Do đó, nhất tâm này cần phải được tu tập trước.
Với một hành giả có căn tánh sơ phát, nghĩa là không có sẵn nhân chủng định lực - nhất tâm này nhờ đã tu tập từ nhiều kiếp trước, tâm của vị ấy tuy vốn dĩ có căn tánh nhất tâm, nhưng nó không có được 5 điều kiện kèm theo để thực hiện các nhiệm vụ trong thiền, nghĩa là vị ấy bị các triền cái làm chủ.
Một thiền sư minh triết, không thể nói rằng, không cần thiết phải luyện tập cho tâm 5 điều kiện ấy, như khả năng duy trì trên một đối tượng duy nhất, cho tất cả các hành giả có căn tánh khác nhau. Vì vậy, nó không thể trở thành kết luận phổ quát cho mọi hành giả.
Sư Định Quang

Không có nhận xét nào: