Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Con đường tu tập cơ bản nhất của Phật giáo

(V. Con đường hành trì) 
(1. Tứ Niệm xứ) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này, tu tập Bốn Niệm xứ. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu trên đời, quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên các tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu trên đời. Và ở đây, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.
(2. Tứ Chánh cần) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Bốn Chánh cần. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh ra được trừ diệt, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm… Và ở đây, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(3. Tứ Thần túc) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này, tu tập Bốn Thần túc. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập thần túc, câu hữu với dục Thiền định tinh cần hành… tinh tấn Thiền định… tâm Thiền định tinh cần hành, tu tập thần túc, câu hữu với tư duy Thiền định tinh cần hành. Và ở đây, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(4. Ngũ căn) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này, tu tập Năm Căn. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập tín căn hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ, tu tập tinh tấn căn… tu tập niệm căn… tu tập định căn… tu tập tuệ căn, hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(5. Ngũ lực) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này, tu tập Năm Lực. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập tín lực, hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ, tu tập tinh tấn lực… tu tập niệm lực… tu tập định lực… tu tập tuệ lực, hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ. Ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(6. Thất Giác chi) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Bảy Giác chi. Ở đây, này các Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ diệt, hướng đến xả, tu tập trạch pháp giác chi… tu tập tinh tấn giác chi… tu tập hỷ giác chi… tu tập khinh an giác chi… tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ diệt, hướng đến xả. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(7. Bát Chánh đạo) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Thánh đạo Tám ngành. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, tu tập chánh tư duy, tu tập chánh ngữ, tu tập chánh nghiệp, tu tập chánh mạng, tu tập chánh tinh tấn, tu tập chánh niệm, tu tập chánh định. Và ở đây, này Udayi, các vị đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(8. Tám Giải thoát) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Tám Giải thoát. “Tự mình có sắc, thấy các sắc”, đó là giải thoát thứ nhất. “Quán tưởng nội sắc, thấy các ngoại sắc”, đó là giải thoát thứ hai. “Quán tưởng (sắc là) tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy”, đó là giải thoát thứ ba. Vượt hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng đối ngại, không suy tư đến những tưởng khác biệt, với suy tư “Hư không là vô biên”, chứng và trú “Không vô biên xứ”, đó là giải thoát thứ tư. Vượt hoàn toàn Hư không vô biên xứ, với suy tư “Thức là vô biên”, chứng và trú “Thức vô biên xứ”, đó là giải thoát thứ năm. Vượt hoàn toàn “Thức vô biên xứ”, với suy tư “không có vật gì”, chứng và trú “Vô sở hữu xứ”, đó là giải thoát thứ sáu. Vượt hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là giải thoát thứ bảy. Vượt hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng, đó là giải thoát thứ tám. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(9. Tám Thắng xứ) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Tám Thắng xứ. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc, có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng. “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ nhất. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ hai. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ ba. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tư. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh… như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh… như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn, màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta thấy, ta biết”, đó là thắng xứ thứ năm. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng… như bông Kanikara màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng… như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ sáu. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc màu đỏ, ánh sáng đỏ… như bông Bandhujivaka màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ… như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ bảy. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng… như sao mai Osadhi màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng… như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tám. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(10. Mười Biến xứ) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Mười Biến xứ. Một vị biết được đất biến xứ: trên dưới, ngang, bất nhị, vô lượng. Một vị biết được nước biến xứ… Một vị biết được lửa biến… Một vị biết được gió biến… Một vị biết được xanh biến… Một vị biết được vàng biến… Một vị biết được đỏ biến… Một vị biết được trắng biến… Một vị biết được hư không biến… Một vị biết được thức biến xứ: trên, dưới, ngang, bất nhị, vô lượng. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(11. Bốn Thiền-na) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Bốn Thiền. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Vị Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Này Udayi, như một người hầu tắm lão luyện, hay đệ tử người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt, cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. 
Lại nữa, này Udayi, vị Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Này Udayi, ví như một hồ nước, nước từ trong dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần; cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo thấm nhuần; tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. 
Lại nữa, này Udayi, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ và các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và an trú vào Thiền thứ ba. Vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Này Udayi, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng; những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần; cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. 
Lại nữa, này Udayi, vị Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị Tỷ-kheo ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Này Udayi, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu; cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(12. Tuệ tri) 
Lại nữa, này Udayi. Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tuệ tri như sau: “Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc. Ví như, này Udayi, một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và một sợi dây được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, hay màu vàng nhạt. Một người có mắt cầm hòn ngọc ấy trên tay sẽ thấy: “Hòn lưu ly bảo châu này, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và sợi dây này được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng nhạt”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này biết được như sau: “Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(13. Thân do ý) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào. Ví như, này Udayi, một người rút một cây lau ra ngoài vỏ, người ấy nghĩ: “Ðây là vỏ, đây là cây lau, vỏ khác, cây lau khác, và cây lau từ vỏ rút ra”. Ví như, này Udayi, một người rút thanh kiếm từ bao kiếm. Người ấy nghĩ: “Ðây là thanh kiếm, đây là bao kiếm; thanh kiếm khác, bao kiếm khác; và thanh kiếm từ nơi bao kiếm rút ra. Ví như, này Udayi, một người lột xác một con rắn. Người ấy nghĩ: “Ðây là con rắn, đây là xác rắn; con rắn khác, xác rắn khác; và con rắn từ nơi xác rắn được lột ra”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử . Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(14. Thần túc thông) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước; đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Ví như, này Udayi, một người thợ gốm khéo tay, hay đệ tử người thợ gốm, với đất sét khéo nhồi nhuyễn, có thể làm các loại đồ gốm tùy theo sở thích. Ví như, này Udayi, một người thợ ngà khéo tay, hay đệ tử người thợ ngà, với ngà khéo đẽo khéo dũa, có thể làm các loại đồ ngà tùy theo sở thích. Ví như, này Udayi, người thợ vàng khéo tay, hay đệ tử người thợ vàng, với vàng khéo tinh nhuyễn có thể làm các loại đồ vàng tùy theo sở thích; cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang qua hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trong nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(15. Thiên nhĩ thông) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe được hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần. Ví như, này Udayi, một người đang đi qua đường, nghe tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng loa, tiếng xập xỏa và tiếng kiểng. Người ấy nghĩ: “Ðây là tiếng trống lớn, đây là tiếng trống nhỏ, đây là tiếng loa, tiếng xập xỏa, tiếng kiểng. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta, y cứ con đường tu hành này, với thiên nhĩ, thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe được hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(16. Tha tâm thông) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình được biết như sau: “Tâm tham biết là tâm tham; tâm không tham, biết là tâm không tham. Tâm sân, biết là tâm sân; tâm không sân, biết là tâm không sân. Tâm si, biết là tâm si; tâm không si, biết là tâm không si. Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú; tâm không chuyên chú, biết là tâm không chuyên chú. Tâm đại hành, biết là tâm đại hành; tâm không đại hành, biết là tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định, biết là tâm Thiền định; tâm không Thiền định, biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát”. Ví như, này Udayi, một người đàn bà, một người đàn ông, một thiếu niên trẻ hay một thanh niên ưa trang sức, nhìn mặt của mình trong tấm gương trong sạch sáng suốt, hay một chậu nước trong; nếu mặt có tỳ vết, liền biết mặt có tỳ vết; nếu mặt không có tỳ vết, liền biết mặt không có tỳ vết. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta, y cứ con đường tu hành này, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình được biết như sau: “Tâm tham, biết là tâm tham; tâm không tham biết là tâm không tham. Tâm sân, biết là tâm sân; tâm không sân, biết là tâm không sân. Tâm si biết là tâm si; tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú; tâm không chuyên chú; biết là tâm không chuyên chú. Tâm đại hành, biết là tâm đại hành; tâm không đại hành, biết là tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định, biết là tâm Thiền định; tâm không Thiền định, biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát; biết là tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát”. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(17. Túc mạng thông) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy các vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với nét đại cương và các chi tiết. Ví như, này Udayi, một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình. Người ấy nghĩ: “Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời… Như vậy các vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(18. Thiên nhãn thông) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Những vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh nào làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, các vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Những vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Ví như, này Udayi, một tòa lầu có thượng đài giữa ngã tư đường, một người có mắt đứng trên ấy, sẽ thấy những người đi vào nhà, đi từ nhà ra, đi qua lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư hay trên đài thượng. Người ấy nghĩ: “Những người này đi vào nhà, những người này đi từ nhà ra, những người này đi qua lại trên đường, những người này ngồi giữa ngã tư hay trên đài thượng”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Những vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh… đều do hạnh nghiệp của họ. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
(19. Lậu tận thông) 
Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ví như, này Udayi, tại dãy núi lớn có một hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, một người có mắt đứng trên bờ sông thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại, hay đứng một chỗ. Vị ấy nghĩ: “Ðây là hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Ðây là những con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá đang bơi qua lại hay đứng yên một chỗ”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn. 
Này Udayi, đây là pháp thứ năm, do pháp này các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta. 
Này Udayi, do năm pháp này, các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta. 
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Du sĩ Sakuludayi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. 

Hoà thượng Thích Minh Châu dịch Việt
---

Phụ lục

Câu-xá luận quyển thứ 25 viết: "Các công đức vi diệu thù thắng đều nương nơi bốn pháp này mà định được thành tựu...trong bốn thiện căn vị thì đảnh vị có thể tu đắc tứ thần túc". Ví dụ 1: 

- Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Có phải trước có lòng dục (ý muốn) nơi Ông, thúc đẩy Ông: "Ta sẽ đi đến khu vườn". Sau khi Ông đến khu vườn rồi, lòng dục ấy được tịnh chỉ?

- Thưa vâng, Tôn giả.

- Có phải trước có tinh tiến nơi Ông, thúc đẩy Ông: "Ta sẽ đi đến khu vườn". Sau khi Ông đến khu vườn, tinh tiến ấy được tịnh chỉ?

- Thưa vâng, Tôn giả.

- Có phải trước có tâm nơi Ông, thúc đẩy Ông: "Ta sẽ đi đến khu vườn". Sau khi Ông đến khu vườn, tâm ấy được tịnh chỉ?

- Thưa vâng, Tôn giả.

- Có phải trước có tư duy nơi Ông, thúc đẩy Ông: "Ta sẽ đi đến khu vườn". Sau khi Ông đến khu vườn, tư duy ấy được tịnh chỉ?

- Thưa vâng, Tôn giả.

- Cũng vậy này Bày-la-môn, khi Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã đoạn, chính trí, giải thoát. Lòng dục mà vị ấy có trước để chứng được A-la-hán thì khi chứng được A-la-hán rồi, lòng dục ấy được tịnh chỉ. Sự tinh tiến mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tinh tiến ấy được tịnh chỉ. Tâm mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tâm ấy được tịnh chỉ. Tư duy mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tư duy ấy được tịnh chỉ. Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn, sự thể là vậy, thì một công việc có chấm dứt hay là một công việc không chấm dứt?

- Thực vậy, thưa Tôn giả Ananda, sự thể là vậy, một công việc có chấm dứt, không phải là một công việc không chấm dứt. Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda! Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda!... Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng! Ví dụ 2: 

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có biết làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra?

- Ta có biết, này Ananda, làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra.

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có biết làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới, với thân do bốn đại hợp thành này?

- Ta có biết, này Ananda, làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới, với thân do bốn đại hợp thành này.

- Thế Tôn có thể hóa thân (opapàti) với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra. Thế Tôn có thể rõ biết được với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do bốn đại hợp thành. Như vậy, bạch Thế Tôn, Thế Tôn thật là vi diệu, thật là hy hữu!

- Thật vậy, này Ananda, Như Lai thật là vi diệu, này Ananda, vì Như Lai đầy đủ vi diệu pháp. Như Lai thật hy hữu, này Ananda, vì Như Lai đầy đủ hy hữu pháp. Khi nào, này Ananda, Thế Tôn định thân trên tâm và định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai lại càng khinh an hơn, càng nhu nhuyến hơn, càng kham nhận hơn, càng chói sáng hơn. Ví như một hòn sắt được hâm nóng cả ngày, trở thành nhẹ nhàng hơn, nhu nhuyễn hơn, kham nhận hơn, chói sáng hơn. Cũng vậy, này Ananda, khi nào Thế Tôn định thân trên tâm hay định tâm trên thân; trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai lại càng khinh an hơn, nhu nhuyễn hơn, càng kham nhận hơn, càng chói sáng hơn. Trong khi ấy, này Ananda, Thế Tôn định thân trên tâm hay định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai không mệt nhọc, từ đất bay bổng lên hư không và thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hóa thành nhiều thân, nhiều thân hóa thành một thân... tự thân có thể bay đến Phạm thiên giới. Ví như, này Ananda, hoa bông gòn hay hoa cỏ bông dại được gió thổi nhẹ, không mệt nhọc, từ đất bay bổng lên hư không. Cũng vậy, này Ananda, trong khi Thế Tôn định thân trên tâm, hay định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng, khinh an tưởng trong thân;trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai không có gì mệt nhọc, có thể từ đất bay bổng lên hư không, và thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân... tự thân có thể bay đến Phạm thiên giới.Phân Tích: 

- Có bốn như ý túc này, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn. Tu tập như thế nào làm cho sung mãn, bốn như ý túc này có quả lớn, có lợi ích lớn?

- Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo tu tập như ý túc liên hệ với dục định tinh cần hành (nghĩ rằng): "Như vậy, dục của ta sẽ không có quá thụ động, sẽ không có quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng..". Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm... tinh tấn định... tâm định... tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành (nghĩ rằng): "Như vậy, tư duy của ta sẽ không quá thụ động..". Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

- Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục quá thụ động? Dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với biếng nhác, tương ưng với biếng nhác, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục quá thụ động.

- Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục quá hăng say? Dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với trạo cử, tương ưng với dao động, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục quá hăng say.

-Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục bị co rút phía trong? Lòng dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với hôn trầm thụy miên, tương ưng với hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục bị co rút phíatrong.

- Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục bị phân tán phía ngoài? Lòng dục nào, này các Tỷ-kheo, hướng về phía ngoài, duyên năm dục công đức, bị phân tán, bịphân ly, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục bị phân tán phía ngoài.

- Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo trú với tưởng trước sau đồng đẳng, trướcthế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tưởng trước sau của Tỷ-kheo được khéo nắm lấy, khéo tác ý, khéo thọtrì, khéo thể nhập với trí tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trú với tưởng trước sau đồng đẳng, trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy.

- Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo trú dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào thời dưới như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán thân này, từ bàn chân trở lên, từ đầu tóc trở xuống, bao bọc bởi da, đều đầy những vật bất tịnh; thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, dây gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy.

- Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo trú ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành, với hànhtướng, đặc tướng, nhân tướng gì, thời ban đêm vị ấy tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành, với hành tướng, đặc tướng, nhân tướng ấy (yehi àkàrehi yehi lingehi yehi nimittehi). Nhưvậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo trú ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy.

- Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, quang tưởng (alokasannà) của Tỷ-kheo, được khéo nắm lấy, tưởng ban ngày được khéo an trú. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

Không có nhận xét nào: