Xứ Nghệ bao gồm đất Nghệ An và Hà Tĩnh, từ huyện Quỳnh Lưu ở phía Bắc cho tới Kỳ Anh ở phía Nam với chiều dài khoảng 200 km, tuy hai vùng hành chính khác nhau nhưng đều là một, một tiểu vùng văn hóa thống nhất.
Kỳ thực, người Nghệ An và Hà Tĩnh trong nếp nghĩ và sinh hoạt hằng ngày đều không có sự phân chia tách bạch đâu là Nghệ An đâu là Hà Tĩnh. có thể nói, đó là một ranh giới mờ. Trong bài viết này, tôi cũng không có ý định tách bạch vì làm điều này là rất khó mà nhìn nhận điểm chung thống nhất trong tính cách Nghệ đã được hình thành từ bao đời nay.
Đâu là hằng số văn hóa tính cách xứ Nghệ?
Dưới góc nhìn của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa thì xứ Nghệ có nhiều điểm mạnh trong tính cách, nói rộng ra là nhân cách, khó pha lẫn với một vùng miền nào khác của đất nước.
Cố học giả Đặng Thai Mai khi nói về con người xứ Nghệ, cho rằng họ “can đảm đến sơ xuất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến ‘cá gỗ'”.
Gs. Vũ Ngọc Khánh một người con của chính đất Nghệ đã nghiên cứu và đưa ra những nhận định, được giới nghiên cứu tán thành, đó là trong mỗi con người Nghệ, có:
– Một kẻ bình dân khố chạc (tiếng địa phương là khố dây, chỉ hạng người cùng cực)
– Một con người chữ nghĩa văn chương
– Một chiến sĩ tiền phong cách mạng.
Cả ba nhân vật đều có 4 đặc điểm chung nhau:
– Cái chất lý tưởng trong tâm hồn
– Sự trung kiên trong bản chất
– Sự khắc khổ trong sinh hoạt
– Sự cứng cỏi trong giao lưu.
Từ góc nhìn cá nhân, tôi nhận thấy người Nghệ có mấy điểm ưu trội:
– Ý chí vượt khó, khắc phục hoàn cảnh, tiến thủ. Người Nghệ do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống kinh tế nghèo khổ nên trong cuộc sống luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hoàn cảnh với ý chí và quyết tâm cao, thể hiện một tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi.
– Chịu khó học hành, ham học hỏi, hiếu học, cầu học và có ý chí thành danh bằng con đường học vấn. Con em xứ Nghệ bao đời nay luôn chịu khó học hành, thành đạt trên con đường khoa cử trong các triều đại phong kiến còn lưu danh sử sách. Nhiều học giả, tên tuổi văn hóa lừng danh trong thời hiện đại, đó là niềm tự hào không phải vùng đất nào cũng có được. Truyền thống đó vẫn được tiếp nối trong từng gia đình xứ Nghệ không phải trong hoàn cảnh nghèo khó mà ở những gia đình thành đạt, giàu có thì họ vẫn ý thức rất rõ giá trị của học vấn, của sự thành đạt bằng con đường học vấn. Trên đất nước này đất Nghệ được coi là một vùng đất học. Ham học, hiếu học đã đi vào từng nếp nhà, nếp nghĩ của người dân xứ Nghệ. Vì vậy, nhà nhà ai cũng mong con em mình học hành đỗ đạt và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để con cái được học tập thành danh, thành người dẫu chỉ bằng củ sắn củ khoai người Nghệ cũng dốc sức ăn học thành tài. Hiếu học trở thành một phẩm chất nổi trội, một hằng số trong văn hóa tính cách của người Nghệ.
Núi Quyết
– Khí khái, thẳng thắn nhưng giàu tình cảm, chân thành trong quan hệ và trong ứng xử. Trong quan hệ ứng xử, người Nghệ thường là chân thành thẳng thắn đến mức khí khái, mà như Gs Khánh gọi là cứng cỏi trong giao lưu. Vì thế, trong quan hệ không phải lúc nào cũng dễ được mọi người xứ khác hiểu, chấp nhận. Đôi lúc cứng rắn nguyên tắc đến mức xem là “gàn”. Có thể nói “gàn” cũng là một nét tính cách người Nghệ. Tuy nhiên, gàn đây không phải là gàn dỡ mà gàn một cách có lý trí.
Điều gì làm nên hằng số văn hóa tính cách xứ Nghệ
Nhiều người có cách lý giải khác nhau về văn hóa xứ Nghệ, tính cách Nghệ, phần lớn đều do thiên nhiên nghèo khổ, do khắc nghiệt… có thể nói đó là những nét cơ bản nhưng để lý giải được tính cách Nghệ, văn hóa Nghệ quả là không dễ. Theo tôi, đó là sự cộng hưởng của hàng loạt nhân tố mà nói theo ngôn ngữ của người xưa là Thiên - Địa - Nhân, theo ngôn ngữ của chủ nghĩa duy vật lịch sử là các điều kiện kinh tế xã hội.
– Về Thiên địa: tự nhiên, khí hậu, phong thổ, sông suối, sản vật…
– Nhân ở đây không chỉ là yếu tố chủ quan của từng con người cụ thể mà là lối sống, nếp sống của con người, sinh hoạt vật chất của con người được hình thành và lưu giữ qua bao đời.
Những yếu tố này, cộng hưởng nhau, tác động lẫn nhau tao ra một môi trường địa – nhân văn cho người Nghệ.
– Vì khó khăn nên phải chắt chiu tằn tiện.
Hình ảnh ông đồ Nghệ đi dạy học với con cá gỗ đã trở thành một giai thoại đôi khi mang tính châm biếm về sự chắt chiu tằn tiện của người Nghệ. Điều này, có lý của nó, người Nghệ quanh năm thiên nhiên khắc nghiệt, làm không đủ ăn nên làm cho họ phải tiết kiệm, phải làm nhút, làm tương, muối cà, muối mắm để dự trữ lâu dài. Trong chi tiêu đều phải chừng mực, đắn đo sao cho hợp với hoàn cảnh của mình, điều này cũng không phải là thói quen xấu.
– Vì nghèo khó nên ước mơ vươn cao, bay xa.
Trên mảnh đất nghèo xứ Nghệ, khó khăn, khắc khổ người Nghệ luôn mơ ước vươn cao bay xa, thoát khỏi cảnh lam lũ, vì thế người Nghệ rất nhiều con em đi ra, lập nghiệp ở các vùng thành phố và những vùng kinh tế mới. Nhiều con em xứ Nghệ học tập trụ lại thành phố, tha hương cầu thực, thành danh ở xứ Người. Nếu khảo sát khắp đất nước, số lượng cư dân trong thời hiện đại có gốc gác Nghệ tĩnh là chiếm tỉ lệ rất lớn. Ngay ở thủ đô Hà Nội con số đó theo ước tính của các nhà khoa học là đến ½.
– Vì muốn chế ngự tự nhiên, khẳng định sức mạnh của mình nên mưu cầu học tập, lấy học tập làm động lực con đường vinh quang.
Học tập, đây được xem là một phương thức tối ưu nhất để thoát nghèo, thoát khổ, vươn cao bay xa, khẳng định sức mạnh của con người về mặt trí tuệ, sự thành đạt theo kiểu nếp nghĩ của Nho giáo “học nhi ưu tắc sĩ”.
– Vì thiên nhiên khắc nghiệt nên tính cách của người Nghệ bộc trực thẳng thắn, trọng nghĩa tình… Phong thổ khí hậu có ảnh hưởng đến tính cách con người, đó là điều đã được nhiều lý thuyết đề cập. Sinh ra trong môi trường thiên nhiên không mấy ưu đã người nghệ thường khí khái, coi trọng nghĩa khí, không chịu luồn cúi, ít xu nịnh giả tạo… Người Nghệ khi mới tiếp xúc, người vùng miền khác không phải lúc nào cũng dễ chịu nhưng khi đã chơi tiếp xúc lâu thì dễ thân quý vì người Nghệ nhìn chung rất chân thành và nhiệt tình với bè bạn.
Đây là những nét tính cách được sản sinh ra trong truyền thống văn hóa rất riêng của người Nghệ, đúng như Marx đã từng luận chứng trong luận điểm “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa của những quan hệ xã hội”. Hoàn cảnh ấy đã sản sinh ra những con người với những đặc điểm tính cách riêng, và chính những con người ấy đã cộng hưởng tạo dựng những cái riêng thành cái bản sắc riêng của một vùng miền.
Liệu tính cách Nghệ có thay đổi cùng những thay đổi, phát triển của kinh tế xã hội?
Xét cho cùng, văn hóa tính cách là sản phẩm của điều kiện kinh tế – xã hội. Điều kiện kinh tế – xã hội thay đổi thì văn hóa tính cách tất nhiên sẽ có những biến đổi để thích ứng. Thực tế, cùng với thời gian, sự giao thoa, tiếp nhận văn hóa các vùng miền, tính cách của người Nghệ, văn hóa Nghệ đã ít nhiều biến đổi. Ví dụ: năng động cởi mở hơn, bỏ đi tính cục bộ địa phương, bớt đi tính khí khái bộc trực, hội nhập tiếp biến với thế giới bên ngoài… nhưng cũng cần phải thấy rằng, văn hóa tính cách luôn có tính nhất quán và ổn định của nó, vì bản thân giá trị văn hóa sẽ tỏa sáng và buộc ta nhận ta thấy cái giá trị cần phải giữ gìn tiếp thu. Do đó, văn hóa vẫn luôn được kế thừa lưu truyền bồi đắp để trở thành hằng số văn hóa. Những nét đẹp trong tính cách người Nghệ vẫn được và cần được giữ gìn phát huy. Ví như các phẩm chất nổi bật chịu khó, hiếu học vẫn được giữ gìn và phát huy vì đó là một tập tính tốt đẹp mà bao đời nay người Nghệ đã cổ vũ phát huy truyền thống này. Về hiếu học, tôi đã đi nhiều vùng miền đất nước, giảng dạy nhiều khóa sinh viên, tôi có cảm nhận rằng, sinh viên xứ Nghệ chăm chỉ học hành, nỗ lực học tập nhiều hơn sinh viên ở những vùng miền khác. Đó là một thực tế nhiều người thừa nhận. Và tất nhiên những cái xấu, bảo thủ (như gia trưởng, cục bộ, tằn tiện…) dần dần được loại trừ hoặc trở thành cái tính không nổi trội ở người Nghệ nữa.
Người Nghệ sẽ làm gì để phát huy hằng số văn hóa tính cách Nghệ?
Phát huy truyền thống đẹp đẽ để phát triển đó là một nguyên lý của mọi cộng đồng người. Người Việt Nam nói chung, người Nghệ nói riêng cần phải nhìn nhận nghiêm túc khoa học về vấn đề này, để tận dụng lợi thế “tiềm năng sẵn có” của mình. Theo chúng tôi, người Nghệ hôm nay và có thể là trong tương lai nữa, cần:
– Ý thức được sức mạnh văn hóa truyền thống để từ đó coi trọng, tôn vinh, tạo điều kiện để các nhân tố điển hình được nẩy nở, phát huy. Vì văn hóa bao giờ cũng được biểu hiện thông qua tấm gương văn hóa (nhà văn hóa, không gian văn hóa, vật thể văn hóa…)
– Xóa bỏ những tập tính xấu, cởi mở đón nhận văn hóa 4 phương, khắc phục những điểm yếu trong văn hóa tính cách để thích nghi theo hướng hiện đại, chuẩn mực, văn minh.
– Chú trọng phát triển kinh tế – xã hội tạo điều kiện để con em học hành làm vẻ vang truyền thống quê hương, cần có chính sách khuyến khích những nhân sĩ trí thức xứ Nghệ trở về bằng nhiều cách khác nhau, giúp đỡ quê hương.
– Giữ gìn và tạo dựng các tượng đài danh nhân, các nhà văn hóa,… để các thế hệ sau noi theo học hỏi, nhân lên sức mạnh truyền thống của quê hương (lòng tự hào và sĩ diện cũng là một động lực thúc đẩy sự phát triển rất mạnh mẽ).
Trong thời đại toàn cầu hóa, phát triển kinh tế và văn hóa trên cơ sở ổn đinh chính trị – xã hội là những nội dung cơ bản để đi tới bến bờ hạnh phúc, văn minh, tiến bộ. Để làm được điều này, người Nghệ chỉ có thể trên cơ sở khai thác hiệu quả nội lực văn hóa của mình, đó cũng là một cách để bồi đắp, khẳng định những hằng số văn hóa xứ Nghệ bao đời, không những thế còn nâng văn hóa ấy lên một tầm cao mới.
Theo NGUYỄN QUYẾT
Đọc thêm:
Tính cách người Nghệ: Hay, dở và mong muốn của chúng ta
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét