– Này các tỳ-khưu, Ta sẽ giảng và phân tích Bát Chi Thánh Đạo này. Hãy lắng nghe và khéo tác ý. Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Này các tỳ-khưu, thế nào là Bát Chi Thánh Đạo? Tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh kiến? Chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Đây gọi là chánh kiến.
Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh tư duy? Chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Đây gọi là chánh tư duy.
Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh ngữ? Chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời thô ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Đây gọi là chánh ngữ.
Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh nghiệp? Chính là từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ phi phạm hạnh. Đây gọi là chánh nghiệp.
Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh mạng? Ở đây, vị thánh đệ tử đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng. Đây gọi là chánh mạng.
Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sinh không cho sinh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sinh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sinh nay được sinh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sinh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Đây gọi là chánh tinh tấn.
Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu sống quán thân như thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ như các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm như tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp như các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời. Đây gọi là chánh niệm.
Và này các tỳ-khưu, thế nào là chánh định? Ở đây, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Đây gọi là chánh định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét