Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÓ TRÍ TUỆ

– Này các tỳ-khưu, có tám nhân và duyên này, khiến căn bản phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ; nếu chứng được thì đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn. Thế nào là tám? 

(1) Ở đây, tỳ-khưu sống dựa trên bậc Ðạo sư hay bậc đồng phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, vị ấy được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng. Đây là nhân và duyên thứ nhất, khiến căn bản phạm hạnh... được viên mãn. 

(2) Vị ấy do sống dựa trên bậc Ðạo sư hay bậc đồng phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, vị ấy thường đi đến họ và hỏi đi hỏi lại: “Thưa tôn giả, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì?” Các tôn giả ấy mở rộng những gì không được mở rộng, phơi bày những gì không được phơi bày và đối với những pháp còn đang nghi vấn, họ giải tỏa những nghi vấn. Đây là nhân và duyên thứ hai, khiến căn bản phạm hạnh... được viên mãn. 

(3) Vị ấy sau khi nghe Pháp, cố gắng thành tựu hai sự an tịnh: Thân an tịnh và tâm an tịnh. Đây là nhân và duyên thứ ba, khiến căn bản phạm hạnh... được viên mãn. 

(4) Vị ấy có giới đức, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các học pháp. Đây là nhân và duyên thứ tư, khiến căn bản phạm hạnh... được viên mãn. 

(5) Vị ấy nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, chất chứa điều đã nghe. Những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý văn cú cụ túc, đề cao đời sống phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thể nhập chánh kiến. Đây là nhân và duyên thứ năm, khiến căn bản phạm hạnh... được viên mãn.

(6) Vị ấy tinh cần tinh tấn, để đoạn tận các pháp bất thiện, để làm sinh khởi các pháp thiện, nỗ lực kiên trì, không bỏ rơi gánh nặng đối với các pháp thiện. Đây là nhân và duyên thứ sáu, khiến căn bản phạm hạnh... được viên mãn.

(7) Vị ấy khi đi đến chư Tăng, không nói nhiều, không nói chuyện phù phiếm. Vị ấy tự mình nói pháp hay mời người khác nói, không khinh thường sự im lặng của bậc thánh. Đây là nhân và duyên thứ bảy, khiến căn bản phạm hạnh... được viên mãn.

(8) Vị ấy sống tùy quán sinh diệt trong năm uẩn: “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi; đây là sắc chấm dứt; đây là thọ...; đây là tưởng...; đây là hành...; đây là thức, đây là thức tập khởi; đây là thức chấm dứt”. Đây là nhân và duyên thứ tám, khiến căn bản phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ; nếu chứng được thì đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.

Do tám pháp ấy, vị ấy biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy, được các bậc đồng phạm hạnh ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đến sa-môn hạnh, nhất tâm thuần nhất.

Này các tỳ-khưu, tám nhân và duyên này khiến cho căn bản phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ; nếu chứng được thì đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.

(Kinh Tăng chi bộ 8:2)

Chú thích:
Phạm Hạnh (brahmacariya): Ðời sống thanh tịnh: chỉ cho đời sống tăng ni hay cư sĩ, những người dấn thân trong chánh pháp (Dhamma); do đó giữ gìn thường xuyên tám giới, trong đó giới thứ ba là Phạm Hạnh mà không phải là tà hạnh (không vợ chồng) với mục đích là chứng được Tâm giải thoát bất động (akuppa ceto-vimutti).

Không có nhận xét nào: