Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koliya, tại một thị trấn tên là Kakkarapatta. Rồi Koliya tử Dīghajānu (đầu gối dài) đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Koliya tử Dīghajānu bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ thọ hưởng những dục vọng, sống hệ phược với vợ con, dùng các hương chiên-đàn ở Kāsi, đeo và dùng các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, thọ lãnh vàng và bạc; bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để những pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại và hạnh phúc an lạc trong tương lai.
– Này Byagghapajja (chân cọp), có bốn pháp này đưa đến hạnh phúc hiện tại, an lạc hiện tại cho thiện nam tử. Thế nào là bốn? Ðầy đủ sự tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa.
Thế nào là đầy đủ sự tháo vát? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử làm bất cứ nghề gì để sống – nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc nghề gì khác – trong các nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư hiểu phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm. Đây gọi là đầy đủ sự tháo vát.
Và thế nào là đầy đủ phòng hộ? Ở đây, này Byagghapajja, những tài sản của thiện nam tử do tháo vát tinh tấn thu hoạch được, do sức mạnh bàn tay cất chứa được, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thu hoạch được đúng pháp, vị ấy giữ gìn chúng, phòng hộ và bảo vệ: “Làm thế nào các tài sản này của ta không bị vua mang đi, không bị trộm cướp mang đi, không bị lửa đốt, không bị nước cuốn trôi, không bị các người con thừa tự không khả ái cướp đoạt”. Đây gọi là đầy đủ sự phòng hộ.
Và thế nào là làm bạn với thiện? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn. Tại đấy có gia chủ hay con người gia chủ, những trẻ được nuôi lớn trong giới đức, hay những người lớn tuổi được lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Vị ấy đến làm quen, nói chuyện, thảo luận. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy học tập với đầy đủ lòng tin. Với những người đầy đủ giới đức, vị ấy học tập với đầy đủ giới đức. Với những người đầy đủ bố thí, vị ấy học tập với đầy đủ bố thí. Với những người đầy đủ trí tuệ, vị ấy học tập với đầy đủ trí tuệ. Đây gọi là làm bạn với thiện.
Và thế nào là sống thăng bằng, điều hòa? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Ví như, người thợ kim hoàn cầm cân hay đệ tử người ấy cầm cân, sau khi cầm cân biết rằng: “Với chừng ấy, cân nặng xuống, hay với chừng ấy, cân bổng lên”. Nếu thiện nam tử này có tiền nhập vào ít, nhưng sống nếp sống rộng rãi, hoang phí, thì người ta nói: “Người thiện nam tử này ăn tài sản của vị ấy như ăn trái cây sung”. Nếu người thiện nam tử này có tiền nhập lớn, nhưng sống nếp sống cơ cực, thì người ta sẽ nói: “Người thiện nam tử này sẽ chết như người chết đói”. Sau khi biết tài sản nhập và tài sản xuất, thiện nam tử sống không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Đây gọi là nếp sống thăng bằng điều hòa.
Như vậy, có bốn cửa xuất để tiêu phí tài sản thâu nhập: Đam mê đàn bà, đam mê rượu chè, đam mê cờ bạc, thân cận với kẻ ác. Ví như một hồ nước lớn, có bốn cửa nước chảy vào, có bốn cửa nước chảy ra, có người đóng lại các cửa nước chảy vào, mở ra các cửa nước chảy ra, trời lại không mưa đúng lúc, như vậy, hồ nước ấy sẽ bị giảm thiểu, không có tăng trưởng. Cũng vậy, có bốn cửa xuất để tiêu phí tài sản được thu nhập.
Như vậy, có bốn cửa vào để tài sản được hưng khởi: không say đắm đàn bà, không say đắm rượu chè, không say đắm cờ bạc, thân cận với người thiện. Ví như một hồ nước lớn, có bốn cửa nước chảy vào, có bốn cửa nước chảy ra, có người đóng lại các cửa nước chảy ra, mở ra các cửa nước chảy vào và trời lại mưa đúng lúc, như vậy, hồ nước ấy sẽ tăng trưởng, không có giảm thiểu. Cũng vậy, có bốn cửa vào để tài sản được hưng khởi.
Bốn pháp kể trên, này Byagghapajja, đưa đến hạnh phúc hiện tại, an lạc hiện tại cho các thiện nam tử.
Có bốn pháp đưa đến hạnh phúc tương lai, an lạc tương lai cho thiện nam tử. Thế nào là bốn? Ðầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.
Và thế nào là đầy đủ lòng tin? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Đây gọi là đầy đủ lòng tin.
Và thế nào là đầy đủ giới đức? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Đây gọi là đầy đủ giới đức.
Và thế nào là đầy đủ bố thí? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống ở gia đình, với tâm không bị cấu uế, xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay mở rộng, vui thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích chia sẻ vật bố thí. Đây gọi là đầy đủ bố thí.
Và thế nào là đầy đủ trí tuệ? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có trí tuệ để thấy được sự sinh diệt của mọi hiện tượng, có trí tuệ cao quý và thâm sâu đưa đến tận diệt khổ đau. Đây gọi là đầy đủ trí tuệ.
Bốn pháp này, này Byagghapajja, đưa đến hạnh phúc tương lai, an lạc tương lai.
(Trích Kinh Tăng Chi Bộ 8:54; Thích Minh Châu dịch Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét