
Trên thế giới, có nhiều giai thoại về Vô thức. Gớt kể: "Tôi không hề có từ trước những khái niệm và dự cảm nào về những bài thơ ấy, nhưng lập tức chúng xâm chiếm trí não tôi và đòi hỏi thể hiện ngay lập tức, đến mức tôi phải ghi lại những bài thơ ấy một cách không tự giác...". Men-đê-lê-ép mô tả: Đã từ lâu, tôi có nghi ngờ là có mối liên hệ nào đó giữa các nguyên tố với nhau, mong tìm ra quy luật dưới dạng một bảng nhưng không thành công. Rồi một hôm, trong giấc mơ, tôi thấy rõ bảng tuần hoàn... Tôi tỉnh dậy và viết vội lên mảnh giấy đầu tiên nhặt được trên bàn viết của mình. Păng-ca-rê viết: "Một hôm, tôi uống cà phê đen, trái với thói quen của tôi. Không ngủ được. Các ý kiến xô đến dồn dập, tôi có cảm giác chúng va chạm nhau cho đến khi có hai ý móc nối với nhau thành một tổ hợp vững. Sáng dậy tôi xác nhận có tồn tại một lớp hàm số mới... Chỉ còn viết lại các kết quả".
Ở đây có sự song song tồn tại của ý thức và vô thức. Một trường hợp khác của nhạc sĩ người Ý G. Tactini, vào cuối thế kỉ 18. Ông tin vào sự tồn tại của "địa ngục và thiên đường". Một lần do ảnh hưởng những ý nghĩ về thế giới bên kia, ông mơ thấy "quỷ sứ" đến xin ông nhận vào dàn nhạc của ông. Ông nói: "Nhưng tôi chỉ cần các nhạc công chơi vĩ cầm thôi!". Quỷ sứ liền giận dữ: "Vì sao ngài nghĩ rằng tôi không biết chơi vĩ cầm?". Nói xong quỷ sứ vớ lấy cây vĩ cầm và bắt đầu chơi. Ngay khi những hợp âm đầu tiên vang lên, Tactini quên mất những sợ hãi đối với vị khách bất thường này và ông hết sức lắng nghe. Ông đã bị quyến rũ và đến lúc tỉnh dậy, ông ghi nhanh những gì đã nghe vào sổ nhạc. Đây là bản Xô-nát, nổi tiếng nhất trong toàn bộ tác phẩm của ông và mang tên là "Xô-nát của quỷ sứ". Nhạc sĩ Văn Cao kể: "Một hôm, tôi đang ngồi bờ hồ uống cà phê và nhìn đàn thiên nga bơi lội. Tự nhiên các ý tưởng dồn dập đến, tôi có cảm giác chúng như một đoàn quân. Một bản nhạc trong tôi xuất hiện... Chỉ còn ghi lại các ký âm". Bài Tiến Quân Ca (Quốc Ca Việt Nam) ra đời từ đó. Sáng tạo hầu hết là do Vô thức.
Hiện nay, có nhiều khái niệm về Vô thức. Theo phân tâm học Phật giáo: Vô thức có thể hiểu là tiềm thức. Tiềm thức là nơi tàng chứa tất cả kết quả của hành động mà mình đã làm, ý nghĩ đã nghĩ trong hiện tại và quá khứ, kể cả trong kiếp trước nữa.
Hoàng Lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét